PHẦN II
Chương 16,13-28
GIÁO HỘI Ở TRONG NƯỚC TRỜI
BÀI 30: LỜI TUYÊN XƯNG VÀ TỐI THƯỢNG QUYỀN CỦA PHÊRÔ 16,13-20. 1
BÀI 31: LẦN THỨ NHẤT LOAN BÁO THỤ NẠN (16,21-28) 2
BÀI 32: BIẾN HÌNH (17,1-8 và 9) 4
BÀI 33: CÂU HỎI VỀ ÊLIA (17,9-13) 5
BÀI 34: CHỮA ĐỨA TRẺ ĐỘNG KINH (17,14-21) 6
BÀI 35: LẦN THỨ HAI LOAN BÁO CHỊU NẠN (17,22-23) 6
BÀI 36: NỘP THUẾ ĐỀN THỜ (17,24-27) 7
BÀI 30: LỜI TUYÊN XƯNG VÀ TỐI THƯỢNG QUYỀN CỦA PHÊRÔ 16,13-20
– Trong phần Nhập đề (1-2) Mt đã giới thiệu mầu nhiệm Đức Giêsu.
– Trong phần I (3-16) Mt trình bày Đức Giêsu công bố Nước Trời và chuẩn bị GH. Ở cuối phần I này (tổng thể 3: các chương 13,1-16,12) Mt đã nêu lên ý tưởng là phải chọn lựa dứt khoát có gia nhập Nước Trời hay là không, và cho thấy có một một nhóm người đã chọn gia nhập Nước Trời và Đức Giêsu đã từng bước huấn luyện đức tin cho nhóm người này.
– Qua phần II (các chương 17-28) Mt sẽ trình bày GH như là bước đầu thực hiện cụ thể Nước Trời ấy.
– Nhưng trước khi trình bày GH đó, Mt thuật một câu chuyện trong đó Đức Giêsu quyết định “xây GH” (16,18). Đó là câu chuyện chúng ta sẽ học trong bài “chuyển tiếp này”.
- Giải thích bản văn
c 13 “Bấy giờ Người hỏi các môn đồ”: Đây là lần đầu tiên trong Mt Đức Giêsu hỏi các môn đệ về bản thân của Ngài, và như thế tạo dịp cho Phêrô long trọng tuyên xưng tư cách Messia của Ngài. Câu hỏi này chính là cái bản lề quan trọng đánh dấu một bước ngoặc trong cách trình bày của Mt: trước đó đối tượng chính là Nước Trời, còn từ đây đối tượng chính sẽ là bản thân của Đấng Messia phải chịu khổ, chịu đóng đinh và chịu chết.
c 14 Câu trả lời của các môn đệ cho thấy những cảm nghĩ khác nhau của quần chúng về bản thân Đức Giêsu:
– Gioan Tẩy Giả: Đây là cảm nghĩ của đám quần thần quanh Hêrôđê (x. 14,2).
– Êlia: Nhiều người khác nhớ lời ngôn sứ Malakhi (Ml 4,5) nghĩ rằng Đức Giêsu là vị tiền hô cho Đấng Messia sẽ đến.
– Gêrêmia: đây là điểm khác biệt giữa Mt với Mc và Lc là hai quyển Tin Mừng không nói tới tên Giêrêmia trong câu chuyện này (so sánh với Mc 8,28 và Lc 9,19). Hẳn khi ghi thêm tên vị ngôn sứ mang thân phận bị bắt bớ khổ đau, Mt một lần nữa nhấn mạnh Đức Giêsu là Người Tôi Tớ mà Is 42 đã tiên báo. Mt gợi ý rằng ngay trong quần chúng cũng có người đã nhận ra được điểm này. Tuy nhiên cả 3 nguồn dư luận trên đều chung nhau ở chỗ đều nghĩ Đức Giêsu là một ngôn sứ kiểu nào đó, nghĩa là dư luận chưa hiểu được đúng bản chất của Đức Giêsu. Ngài không phải là ngôn sứ theo nghĩa thông thường bởi vì ngôn sứ thì “từ dưới” (Ga 3,31) còn Ngài thì “từ trên” mà xuống; các ngôn sứ còn phải làm chững về Ngài (Cv 3,18). Trong quần chúng chẳng ai thấy được Ngài chính là Con Thiên Chúa hằng sống.
c 16 Điều mà quần chúng không thấy thì Phêrô thấy và tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng các nhà chú giải không nhất trí với nhau về ý nghĩa câu tuyên xưng này. Giả thuyết thứ nhất bảo Phêrô chỉ có ý tuyên xưng Đức Giêsu là Messia thế thôi. Giả thuyết thứ hai bảo Phêrô tuyên xưng chính thiên tính của Đức Giêsu. Giả thuyết nào cũng có nhiều lý do rất giá trị. Có lẽ ta nên theo giải thuyết thứ ba: Đối với Phêrô, ông cũng nghĩ Đức Giêsu là Messia, những cũng có một cái gì đó cao siêu hơn tuy ông chưa hiểu rõ nét cao siêu ấy là gì; về sau GH đã đọc lại câu tuyên xưng ấy và GH gán cho nó ý nghĩa trọn vẹn đầy đủ về thiên tính của Đức Giêsu.
c 17 Lời tuyên xưng của Phêrô rõ rang khác với các nguồn dư luận của quần chúng. Đức Giêsu cho rằng Phêrô tuyên xưng được như vậy là do mặc khải đặc biệt của Cha.
c 18 Lời tuyên xưng của Phêrô với tư cách đại diện cho các môn đệ đã khiến Đức Giêsu nhận định rằng nhóm 12 này chính là Phần Dư Tồn mà các ngôn sứ đã tiên báo. Do đó Ngài quyết định thành lập GH của mình trên cơ sở của phần Dư Tồn này.
– Con là Đá: Nguyên ngữ Aram là képha có nghĩa là đá tảng chứ không phải là một viên đá vừa nhỏ vừa rời rạc có thể khiến đi đây đi đó.
– Trong Thánh Kinh, đổi tên tức là tạo một liên hệ mới hẳn giữa người đổi tên và người được đổi tên (x. St 17,5.15 35,10; Ds 13,16; 2V 23,34 24,17)
– Ta sẽ xây: Thì vị lai hình như nói tới thời kỳ sau khi Đức Giêsu chết và sống lại xong.
– cửa âm ti: Âm ty tiếng hy lạp là Hades, tiếng hy bá lai là Sheol là nơi tạm giữ những kẻ chết cho tới ngày sống lại chứ không thể giữ họ lại mãi mãi được (Is 38,10; G 38,17; Tv 9,14; Kn 16,13).
c 19 Câu này rất quan trọng, ta sẽ bàn riêng ở phần dưới.
c 20 Lý do Đức Giêsu không cho môn đệ nói cho ai biết Ngài là Kitô là Đức Giêsu sợ cơn sốt nhiệt tình của quần chúng sẽ làm hỏng kế hoạch của Ngài, theo đó Ngài sẽ chỉ “lên ngôi” Messia sau khi đã chết và sống lại.
- Tối thượng quyền của Phêrô
– Các giáo hội không công giáo (Chính Thống, Tin Lành) vì không nhìn nhận tối thượng quyền của Phêrô (và qua sự kế vị, là của các Giáo Hoàng) nên luôn tìm cách giải thích câu 19 này theo nghĩa hẹp. Theo họ, quyền chìa khóa Đức Giêsu chỉ ban riêng cho cá nhân ông Phêrô thôi, sau khi Phêrô chết thì mọi Giám mục cũng đều ngang quyền nhau vì cũng đều là kế vị tông đồ như nhau thôi.
– Nhưng GH Công giáo giải thích khác hơn:
* Quyền chìa khóa này đành rằng được ban cho Phêrô, nhưng trong tương quan với GH mà Đức Giêsu sẽ lập (c 19 có tương quan với c 18)
* Quyền này sẽ không mai một đi, vì “Cửa âm ti” (cửa sự chết) không làm hại nó được, cũng như cửa thần chết chẳng làm hại được sự trường tồn của GH.
Vì những lý do đó, GH Công giáo tin rằng Tối thượng quyền của Phêrô cũng được truyền lại cho những Giáo Hoàng kế vị Phêrô.
- Kết luận
Qua đại diện Phêrô, các môn đệ đã nhận ra Đức Giêsu là một Messia siêu việt mà các ngôn sứ Cựu Ước đã tiên báo. Nhận định này khiến các ông tách khỏi đám người do thái cứng long tin và khiến Đức Giêsu nhận ra rằng các ông chính là phần Dư tồn là cư tiên báo. Do đó Đức Giêsu quyết định thành lập GH của Ngài trên cơ sở phần Dư tồn này và Ngài trao Tối thượng quyền cho Phêrô với tư cách là người lãnh đạo của GH.
BÀI 31: LẦN THỨ NHẤT LOAN BÁO THỤ NẠN (16,21-28)
- Giải thích bản văn
c 21 – Từ khi ấy: đánh dấu một bước ngoặt: từ mặc khải về bản thân Đức Giêsu, chuyển mặc khải về Con Người thụ nạn; từ sự không hiểu và không tin của quần chúng chuyển sang sự không hiểu và không tin của chính các môn đệ (họ dù nhận Đức Giêsu là Messia nhữngkhông chấp nhận Ngài tử nạn). Như vậy kể từ đây có thêm một bước giáo dục thêm về đức tin. Đức Giêsu muốn môn đệ tin vào cuộc Thụ nạn.
– “Phải lên thành Giêrusalem, phải chịu đau khổ nhiều”: động từ hy lạp là dei (dịch sang tiến pháp là il f’aut): đó là một sự bó buộc, nhưng không phải là bó buộc của một định mệnh phũ phàng, mà là bó buộc theo chương trình của Thiên Chúa. Nói cách rõ ràng hơn: Thiên Chúa muốn Đức Giêsu phải lên Giêrusalem để chịu nạn, và chính Đức Giêsu cũng ý thức mình phải thực hiện chương trình ấy của Thiên Chúa.
– “Đức Giêsu tỏ cho môn đồ biết”: so sánh câu song song trong Mc 8,31.
* Mc: Đức Giêsu bắt đầu dạy cho môn đồ biêt (enseigner)
* Mt: Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho môn đồ biết (montrer)
Đây không phải chỉ đơn sơ là Đức Giêsu tiên báo cuộc thụ nạn, mà còn là chỉ cho các môn đệ hiểu ý nghĩa cuộc thụ nạn: nó cầmn thiết, nó có liên hệ với chương trình của Thiên Chúa (chương trình về Người Tôi Tớ đau khổ mà Is 53 đã nói từ xưa).
c 22 – “Chúa sẽ không phải thế bao giờ”: dịch cho đúng phải là “Điều ấy sẽ chẳng xảy đến cho thấy đâu”. Âm điệu giống như câu Satan nói với Evà dưới gốc cây câm ngày xưa “Các ngươi sẽ chẳng chết chóc gì đâu” (St 3,4-5)
c 23 – Satan, hãy xéo đi: Lời quở trách quá nặng không phải Đức Giêsu lỡ lời, mà vì Ngài thấy Phêrô đang làm công cụ của Satan, hay đúng hơn Satan đang hiện thân trong Phêrô.
– Ngươi làm cớ vấp phạm cho Ta: cần nhớ Đức Giêsu đã nghiêm khắc thế nào đối với tội làm cớ vấp phạm (18,6-9), ta mới thấy tại sao Đức Giêsu quở trách Phêrô nặng lời như vậy.
– So sánh với Mt 4,10: Ở đây Đức Giêsu quở trách Phêrô cùng những lời Ngài dùng để xua đuổi Satan ngày xưa cám dỗ Ngài. Ý nghĩa văn mạch 4,10 cũng soi sáng thêm ý nghĩa ở đây: trong cả hai trường hợp, Satan và Phêrô đèu cám dỗ Đức Giêsu lạm dụng tư cách Messia để lo cho bản thân mình khỏi khổ và được sung sướng.
c 24-25 Chữ “mạng sống” có hai nghĩa: cuộc sống thể xác đời này và cuộc sống vĩnh cửu. Đức Giêsu dùng cả hai nghĩa đó nhưng mỗi vế một nghĩa, có thể dịch cho rõ như sau: Ai muốn cứu mạng sống thể xác của mình ở đời này thì sẽ đánh mất cuộc sống vĩnh cửu, nhưng ai chịu mất mạng sống đời này vì Ta thì
c 26 – “sẽ tìm được cuộc sống vĩnh cửu”: hai chữ mạng sống trong c 26 cũng hiểu theo nghĩa mạng sống vĩnh cửu.
c 27 – Người môn đệ phải chọn cuộc sống tạm đời này hoặc cuộc sống vĩnh ửu. Lý do là sẽ có ngày Con Người vinh quang đến để thưởng phạt mỗi người về sự chọn lựa căn bản ấy.
- 2. Báo tin thụ nạn
1/ Trong Mt có 3 lần Đức Giêsu báo tin thụ nạn:
* 16,21 “Người phải lên thành Giêrusalem và phải chịu đau khổ nhiều do hang kỳ lão, thượng tế và thông giáo, rồi chịu người ta giết, nhưng đễn ngày thứ ba thì sẽ sống lại”.
* 17,22-23a “Con Người sắp bị nộp vào tay người thế và chịu người ta giết nhưng đến ngày hứ ba thì sẽ sống lại”.
* 20,17-19 “Con Người sắp sửa bị nộp cho thượng tế vái hàng thông giáo rồi bị án tử hình, và trao cho dân ngoại sỉ vả và đánh đòn rồi đóng đinh thập giá nhưng đến ngày thứ ba thì sẽ sống lại”.
2/ Nhận xét: những lần sau thì báo tin càng rõ hơn lần đầu (lần một và hai chỉ nói”bị giết”, nhưng lần ba thì tả “bị lên án tử, bị sỉ vả, bị đánh đòn rồi bị đóng đinh).
Nhưng cả ba lần đều có nói tới “nhưng đến ngày thứ ba thì sẽ sống lại”
3/ Phản ứng của các môn đệ sau mỗi lần báo tin cũng khác.
* 16,22-23: Sau lần một, Phêrô cản.
* 17,23b: Sau lần hai, các môn đệ “buồn lắm”.
* 20,20-23: Sau lần ba, hai con của Dêbêđê dẫn mẹ tới vận động tìm chỗ trong chính phủ sắp tới của Đức Giêsu.
Nghĩa là ban đầu các môn đệ không chấp nhận, tiếp đó thì tuy không chấp nhận những không cản mà chỉ buồn thôi, và sau cùng còn ham thích. Có tiến bộ, nhưng tiến bộ ngược với hướng Đức Giêsu muốn! Ban đầu tại sao phản đối? Vì muốn Messia thì phải sung sướng. Về sau tại sao ham thích? Vì muốn bản thân được vinh thân phì gia. Rõ ràng càng ngày các ông càng không hiểu chương trình của Thiên Chúa, mà chỉ “suy tưởng theo hướng loài người” (16,23).
4/ Phần Đức Giêsu thì ý thức rằng thụ nạn là điều cần thiết. là “phải làm” nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Hơn nữa, với những câu 24-27 Đức Giêsu còn muốn cho các môn đệ hiểu rằng con đường thụ nạn cũng chính là con đường của họ: Thầy và trò phải chia sẻ cùng một số phận như nhau.
- Lời quở mắng Phêrô
1/ Ta cần so sánh lời quở mắng này với lời khen ngợi Đức Giêsu dành cho Phêrô ngay phía trước đó (16,17-18). Có sự tương phản rõ rang đến từng nét:
* “Phúc cho con” (-) “Satan hãy xéo đi”.
* “Con là Đá” (-) “Ngươi làm cớ vấp phạm” (Pierre de fendement-Pierre d’achopement)
* “Không phải xác phàm đã tỏ cho con” (-) “Ngươi chỉ suy tưởng theo hướng loài người”.
2/ Với lối trình bày như thế, Mt (và các Tin Mừng khác cũng vậy) muốn nêu rõ sự tương phản giữa con người Phêrô với danh hiệu Đá Tảng mà Đức Giêsu đặt cho ông. Đây cũng là tphản giữa bản tính con người với quyền năng của ân sủng. Phêrô trở nên Đá Tảng xây dựng GH chẳng phải do bản tính con người của ông, mà hoàn toàn do quyền năng ơn Chúa.
3/ Chủ đề tính yếu đuối con người và ơn sủng được Mt khéo léo đưa vào ở c 17, nói rõ thêm ở c 18 và lập lại ở cc 22-23.
4/ Yếu đuối và ơn sủng trong con người Phêrô.
BÀI 32: BIẾN HÌNH (17,1-8 và 9)
- 1. Giải thích bản văn
c 1 – Khỏi sáu ngày: tức là sau sự kiện được nói ở trước đó (16,28): Đức Giêsu hứa: “Có những kẻ đứng đây chưa chết trước khi thấy Con Người ngự đến làm Vua”. “Có những kẻ” tức là 3 môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ba ông đã được thấy trước vinh quang của Đức Giêsu. Về con số 6, có lẽ ám chỉ đến Lễ Lều bắt đầu 6 ngày sau Lễ Chuộc Tội. Lễ Chuộc Tội có mấu sắc u buồn thì Lễ Lều có mầu sắc vui tươi vì là mùa gặt hái.
– Phêrô, Giacôbê và Gioan: ba ông này sẽ chứng kiến cảnh Đức Giêsu hấp hối, cho nên hôm nay được chọn để chứng kiến cảnh vinh quang hẳn sau này khỏi vấp ngã. Việc Đức Giêsu chọn 3 người cũng có ý nghĩa luật pháp, vì Đnl 19,15 quy định phải có 3 hoặc 3 người làm chứng thì lời chứng ấy mới có giá trị. Ba ông này sẽ làm chứng về cuộc thụ nạn và về vinh quang của Đức Giêsu. Cần để ý thêm là ngày xưa Môsê len núi Sinai có đem theo một số người, trong đó có 3 người được kẻ tên (Xh 24,9). Do đó chi tiết này còn ngụ ý Đức Giêsu là Môsê mới.
– Một ngọn núi cao: chẳng càn tìm xem đó là núi gì, chỉ cần lưu ý tới biểu tượng “núi” mà Mt rất thích xử dụng để mô tả Đức Giêsu là Môsê mới đang lên núi Sinai mới.
– Thuật ngữ “trên một ngọn núi cao” chỉ được dùng hai lần trong Mt, lần kia là trong tường thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ (4,8). Chi tiết này cho thấy có liên hệ giữa chuyện Biến hình và chuyện cám dỗ. Thực vậy, cũng như khi trước Đức Giêsu đã gạt bỏ lời cám dỗ của Satan, thì mới đâu Ngài cũng vừa gạt bỏ lời cám dỗ của Phêrô (16,23). Để đáp lại thái độ tuân phục ý Cha của Đức Giêsu. Chúa Cha đã cho Ngài được biến hình vinh quang và hứa trước ngay từ bây giờ là Ngài sẽ được “Mọi quyền phép trên trời và dưới đất” (28,18) là điều sau khi phục sinh Ngài sẽ lãnh nhận, nhưng bây giờ thì Ngài cương quyết không nhận nó từ tay Satan (4,8).
c 2 – Ngài biến hình: Cũng như xưa kia Môsê khi nói chuyện với Thiên Chúa đã được biến hình (Xh 24,39) thì nay Môsê mới cũng biến hình. Và theo niềm hy vọng của sách Khải Huyền, khi tới ngày cánh chung thì những người công chính cũng được biến hình vinh quang (Đan 12,3). Hôm nay Đức Giêsu biến hình tức là niềm hy vọng ấy đã thành sự thật.
c 3 –Môsê và Êlia: Có quan niệm xem Môsê là đại biểu của Luật, còn Êlia là đại biểu của Tiên tri. Mà Luật và Tiên tri là toàn thể Cựu Ước. Vậy sự hiện diện của Môsê và Êlia có nghĩa là Cựu Ước làm chứng cho Đức Giêsu.. Thế những cũng có lối giải thích khác hợp lý hơn: Môsê là vị ngôn sứ tiêu biểu (Hs 12,14; Đnl 34,10). Còn Êlia là Tiền hô của Đấng Messia sẽ đến (Ml 3,23-24; Mt 17,10-11). Vậy thì Môsê có mặt là với tư cách một ngôn sứ đến chào kính Đấng Ngôn sứ đích thực, còn Êlia hiện diện là với tư cách của Tiền hô cha Đấng Messia. Hơn nữa hai nhân vật này đều đã từng lên núi Sinai để diện kiến Thiên Chúa. Vậy hôm nay hai ông diện kiến Đức Giêsu thì có nghĩa là thời gian đã hoàn tất và nay tới thời cánh chung.
c 4 – Cái lều: (a) Có lẽ chi tiết này ám chỉ đến Lễ Lều
(b) Trong Thánh kinh “lều” có nghĩa là nơi cư ngụ (Êd 37,27; Hs 12,10; Lc 16,9).
Và theo Ga 1,14 khi tới thời cánh chung thì Thiên Chúa sẽ “cắm lều ở giữa chúng ta và chúng ta sẽ thấy vinh quang Ngài”. Như vậy Phêrô muốn dựng lều là vì ông nghĩ đã tới thời cánh chung và muốn an hưởng hạnh phúc thời cánh chung.
c 5 – Bỗng có đám mây rợp bóng trên họ:
- a) Đây là câu trả lời của Thiên Chúa cho lời đề nghị của Phêrô. Lều hay đám mây đều để chở che cho kẻ ở dưới bóng chúng. Hung lều là do tay người phàm, còn mây là do Thiên Chúa.
- b) Động từ “rợp bóng” (episkiazô) chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước, lần kia là trong Lc 1,35 khi nói về Thánh Thần “rợp bóng” trên Maria. Động từ này có nghĩa là Thiên Chúa muốn hiện diện ở nơi này.
- c) Ngoài ra, đám mây “rợp bóng” không chỉ trên Đức Giêsu và hai nhân vật Cựu Ước, mà còn các môn đệ nữa. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn tập hợp cả dân Cượ Ước và dân Tân Ước thành một dân mới của Ngài.
– Đây là chính Con lòng Ta ưu ái: Câu này mặc khải 3 điều quan trọng về Đức Giêsu:
- a) Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa: Các sách Tin Mừng sử dụng tước hiệu “Con ưu ái” này với liên tưởng tới Tv 2,7 và đều hiểu về Chúa Con Tiền Hữu.
- b) Đức Giêsu chính là Người Tôi Tớ đau khổ được tiên báo trong Is 42,1.
- c) Đức Giêsu chính là Đấng ngôn sứ: khi tiếng từ trời bảo “hãy lắng nghe lời Ngài” tức là trích dẫn Đnl 18,15 nói về Đấng Ngôn sứ sẽ đến.
c 6 – Các ông ngã sấp mặt xuống: Đó là phản ứng của người phàm trước sự hiện diện của Thiên Chúa cao siêu (Xh 19,21 33,20; Lv 16,2; Ds 4,20; Is 6,5).
– Đức Giêsu đụng tới các ông: cũng như xưa kia Thiên Chúa sai một tiên sứ gắp một hòn than đụng vào lưỡi Isaia để cứu ông “khỏi chết” và cho phép ông được liên hệ với Thiên Chúa cao siêu; cũng như lúc Đức Giêsu “đụng tới” đứa con gái ông Giairô đang chết để làm cho nó sống lại (9,25) thì ở đây Đức Giêsu cũng đụng tới các môn đệ để phục sinh họ.
c 9 – Đừng nói với ai: Đức Giêsu nói câu này để tránh một sự háo hức chính trị có thể khơi dậy trong dân khi họ biết quá sớm rằng Ngài là Messia. Ngài chỉ muốn cho quần chúng biết điều đó sau khi Ngài từ cõi chết sống lại.
- 2. Kết luận
Đoạn Tin Mừng này rất đậm đặc biểu tượng Cựu Ước và rất phong phú ý nghĩa. Nói tóm gọn lại nó muốn chứng minh rằng niềm chờ mong của Israel đã được thành toàn. Môsê và Êlia đến chuẩn bị dân thành một cộng đoàn thánh. Đám mây đã thực hiện một cuộc tập hợp lớn (2M 2,7). Gương mặt sang ngời của Con Người mà Đaniel tiên báo (Đn 7 và 10) đang ở trước mắt các môn đệ. Và các môn đệ là tượng trưng cho cộng đoàn thời cánh chung. Tóm lại tất cả những gì Cựu Ước chờ mong đều được thực thi.
Nhưng có một điểm mới là Đấng mà Cựu Ước mong chờ không phải từ trời xuống, nhưng chính trời cao “ngự xuống” trên Ngài. Ngài không nói, mà chính tiếng từ trời nói, nghĩa là kẻ mà từ nay chúng ta phải “nghe lời Ngài” không phải chỉ là Giavê, mà còn là Đấng đang biến hình trước mắt các môn đệ. Chính Ngài là Đấng mặc khải về Giavê, chính Ngài là Chúa.
BÀI 33: CÂU HỎI VỀ ÊLIA (17,9-13)
c 9 – Bí mật Messia một lần nữa được nhấn mạnh sau câu chuyện biến hình, có lẽ để trả lời thắc mắc của các Kitô hữu đầu tiên: Sauk hi Đức Giêsu đã biến hình vinh quang như vậy, tại sao người ta đã không nhận ra Ngài?
c 10 – Ba ông đã giữ đúng lời Thầy căn dặn nhưng liên tưởng tới Êlia, một nhân vật mà người do thái tin rằng sẽ đến trước khi Đấng Messia đến. Dân tin như vậy vì dựa vào lời tiên tri trong Ml 3,23-24)
c 11-12 – Đức Giêsu cũng biết đến niềm tin tưởng này của dân.
* Chỉnh đốn mọi sự: Theo Ml 3,23-24 Êlia sẽ “đem lòng các người cha quay về với con cái”, nghĩa là hòa giải con người với nhau.
* Nhưng Ngài cho rằng không nên hiểu lời tiên tri đó theo nghĩa đen, vì nếu hiểu như thê thì không hợp với những lời tiên tri khác (của Is) về Người Tôi Tớ đau khổ,
* Do đó Đức Giêsu đưa ra một giải thích khác về Êlia: đó chính là Gioan Tẩy Giả, kẻ đã đến trước Ngài để chuẩn bị lòng dân chúng (Gioan giảng về sự thống hối), kẻ cũng đã chịu nạn chịu chết. Cái chết của vị tiền hô báo trước cái chết của Đấng mà vị đó dọn đường.
c 13 – Khi đó 3 môn đệ đã hiểu rằng Ngài muốn nói về Gioan Tẩy Giả.
BÀI 34: CHỮA ĐỨA TRẺ ĐỘNG KINH (17,14-21)
- Giải thích:
c 14 Chuyện xảy ra đang lúc Đức Giêsu và 3 môn đệ thân tín lên núi, ở đó Ngài biến hình. Có một đứa trẻ bị kinh phong được đem đến cho 9 môn đệ kia. Nhưng họ đã không trị được.
c 15 Cha đứa trẻ mô tả cho biết nó “bị kinh phong” và “bệnh tình nặng lắm” (nhiều khi ngã vào nước và vào lửa). Đó là một đứa trẻ bị quỷ câm nhập. Nhưng người ta cũng cho rằng nó bị quỷ câm nhập (c 18). Thời đó người ta cho rằng mọi bệnh tật đều do tà thần làm hại.
c 16 Các môn đệ của Đức Giêsu “không chữa được”. Lý do sẽ được Đức Giêsu giải thích phía sau.
c 17 “Ôi thế hệ cứng lòng tin”: Lời này Đức Giêsu nói về các môn đệ (lý do thứ nhất khiến họ không chữa được cho đứa bé), mà cũng nói về dân chúng, những kẻ đã từng bị các ngôn sứ kết án là cứng tin (Tv 94,7-9). Lời nói của Đức Giêsu tuy cứng cỏi khó nghe nhưng cũng là một lời kêu gọi môn đệ và dân chúng hãy tin vào Ngài.
c 18 Khi người ta nghe lời Đức Giêsu đưa đứa trẻ đến, Ngài chỉ cần quát mắng là quỷ liền xuất ra.
c 19 Đức Giêsu giải thích lý do khiến các môn đệ không thành công trong trường hợp này là các ông đã “kém tin” và “không ăn chay cầu nguyện”
- Ý nghĩa
1/ Đức Giêsu là Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết.
2/ Cần phải tuyệt đối tin vào Ngài.
3/ Sự cầu nguyện và ăn chay là một phương thế để củng cố đức tin cũng như để có thể làm những việc phi thường.
BÀI 35: LẦN THỨ HAI LOAN BÁO CHỊU NẠN (17,22-23)
c 22a –“Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê”: Cảnh này diễn ra tại Galilê là nơi các môn đệ tụ họp lại lần cuối cùng trước khi đồng hành với lên Giêrusalem lần sau hết. Đây cũng chính là lộ trình “lên Giêrusalem” mà Lc thường nói tới một cách rõ ràng hơn. Hành trình của cuộc đời Đức Giêsu là “lên Giêrusalem” để chịu nạn chịu chết và sống lại.
c 22b-23 – Khi ấy Đức Giêsu báo tin cho các môn đệ biết Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Nội dung hầu như giống y lần thứ nhất (16,21), chỉ khác một chi tiết nhỏ là Ngài sắp bị nộp về tay “người đời” (lần thứ nhất: “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư”).
– “Bị nộp”: Ai nộp? Sau này Tin Mừng sẽ viết rõ là Giuđa, các thượng tế và Philatô. Nhưng thể thụ động của động từ “nộp” cũng được hiểu lầm là chính Thiên Chúa. Như thế cuộc chịu nạn của Đức Giêsu không phải chủ yếu là do lòng xấu của con người, cũng không phải là do xui xẻo, mà nằm sẵn trong kế hoạch cứu độ của chính Thiên Chúa. Và Đức Giêsu “phải” thực hiện kế hoạch đó.
– “Sống lại”: mặc dù sau những lời báo tin chịu nạn, Đức Giêsu có nói tới việc sống lại, nhưng chi tiết này các môn đệ hoàn toàn không quan tâm. Chứng tỏ các ông quá bàng hoàng vì ý tưởng một Đấng Messia mà có thể chịu nạn chịu chết.
– Các môn đệ buồn bã đón nhận lời loan báo của Đức Giêsu: họ còn phảo trải qua một hành trình dài mới hiểu được tầm nhìn của Thiên Chúa.
BÀI 36: NỘP THUẾ ĐỀN THỜ (17,24-27)
c 24 – Mọi đàn ông do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là 2 đồng drachme, tương đương với giá của 2 ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ (sau khi Đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy thì số tiền này được người Rôma dùng cho đền thờ thần Jupiter ở Rôma. Người ta bắt đầu thu thuế này vào quãng 15 ngày trước lễ Vượt Qua.
– Vấn đề được nêu ra là Đức Giêsu có phải nộp thứ thuế này không. Vấn đề cũng có liên quan tới hoàn cảnh GH sơ khai: những người do thái sau khi trở thành itô hữu có còn phải nộp thuế cho Đền thờ Giêrusalem nữa không? Trong bối cảnh GH sơ khai, vai trò của Phêrô còn quan trọng hơn nữa: với tư cách là người chịu trách nhiệm về GH, ông phải đưa ra đường hướng cho các Kitô hữu theo.
c 25b-26 – Đức Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.
– Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: các bậc vua chúa thường không thu thuế con cái họ mà chỉ thu thuế các thần dân khác. “Vậy, con cái thì được miến”: được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để được bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Đức Giêsu đã kiên nhẫn dạy cho các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với người cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế (Claude Tassin)
c 27 – Một giải pháp thực tế “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ… anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”.
– Các Kitô hữu gốc do thái luôn tự do trong việc nộp thuế Đền thờ. Trước khi Đền thờ bị tiêu hủy, họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì nếu không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho đám người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel. Sai khi Đền thờ bị phá hủy, đức bác ái cũng đòi hỏi họ liên đới với cái thế giới do thái đang bị bó buộc nộp thuế cho Rôma.