Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái Phúc Âm Matthêu: Chương 18-23

print

TỔNG THỂ IV

Chương 18-23

NƯỚC TRỜI ĐƯỢC CHUYỂN TỪ DÂN DO THÁI SANG GIÁO HỘI

 

Tổng thể này gồm hai phần:

– Diễn từ về nếp sống cộng đoàn (chương 18).

– Tường thuật: Từ Galilê tiến về Giêrusalem (19,23).

Riêng phần diễn từ, chúng ta sẽ học kỹ:

     – Việc anh em sửa lỗi cho nhau (18,15-20).

     – Thà cho kẻ phạm lỗi với ta (18,21-35).

BÀI 37: DIỄN TỪ VỀ GIÁO HỘI (18,1-35) 1

BÀI 38: VẤN ĐỀ LY DỊ VÀ ĐỘC THÂN (19,1-12) 4

BÀI 39: ĐỨC GIÊSU VÀ TRẺ EM (19,13-15) 5

BÀI 40: NGƯỜI THANH NIÊM GIẦU (19,16-30) 5

BÀI 41: TIỀN LƯƠNG CHO THỢ VƯỚN NHO (20,1-16a) 6

BÀI  42: TIÊN BÁO THƯƠNG KHÓ LẦN BA – BÀ DÊBÊĐÊ (20,17-28) 7

BÀI 43: HAI NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊRICÔ (20,29-34) 8

BÀI 44: VÀO THÀNH GIÊRUSALEM (21,1-11) 9

BÀI 45: ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ (21,12-17) 10

BÀI 46: CÂY VẢ KHÔNG TRÁI (21,18-22) 10

BÀI 47: CHẤT VẤT VỀ QUYỀN (21,23-27) 11

BÀI 48: DỤ NGÔN VỀ HAI ĐỨA CON (21,28-32) 11

BÀI 49: DỤ NGÔN NHỮNG NGƯỜI THỢ VƯỚN NHO SÁT NHÂN (21,33-46) 12

BÀI 50: DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI (22,1-14) 13

BÀI 51: THUẾ NỘP CHO XÊDA (22,15-22) 14

BÀI 52: VẤN ĐỀ KẺ CHẾT SỐNG LẠI (22,23-33) 16

BÀI 53: GIỚI RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (22,34-40) 16

BÀI 54: ĐỨC GIÊSU LÀ CON CỦA AI (22,41-46) 18

BÀI 55: CHỐNG GIỚI LUẬT SĨ VÀ BIÊỴ PHÁI GIẢ HÌNH (23,1-12) 18

BÀI 56: BẢY LỜI KHIỂN TRÁCH (23,13-26) 20

BÀI 57: TRÁCH THÀNH GIÊRUSALEM (23,37-39) 22

BÀI 37: DIỄN TỪ VỀ GIÁO HỘI (18,1-35)

Chương 18 đưa ra hai đinh hướng mà Đức Giêsu muốn GH phải theo:

1/ GH phải đặc biệt chú ý đến những kẻ bé mọn (cc 1-14).

2/ GH phải sống như một cộng đoàn huynh đệ luôn biết tha thứ cho nhau (cc 15-35).

  1. GH và những người bé mọn (1-14)

Phần này gồm ba phần nhỏ: cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu và các môn đệ (cc 1-5); Đức Giêsu cảnh giác về gương mù (cc5-11); dụ ngôn con chiên lạc (cc 12-14).

  1. ĐỐI THOẠI: AI LÀ NGƯỜI CAO TRỌNG NHẤT? (cc 1-4)

c 1 – “Lúc ấy các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”: không phải các môn đệ đặt vấn đề một cách chung theo lý thuyết, mà là các ông đang có ý tranh dành địa vị với nhau (Mc 9,34-35).

c 2-3Trước khi trả lời, Đức Giêsu gọi một em bé đến và đặt giữa các ông, như một dụ ngôn sống động. Tiếp đó Ngài bảo “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời đâu”. Nên giống trẻ em không phải vì chúng ngây thơ vô tội hay một đức tính luân lý nào khác, nhưng ở chỗ chúng sống lệ thuộc vào người lớn. Trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó, lệ thuộc vào Đức Giêsu. Để được như vậy, cần phải hoán cải, tức là từ bỏ bản thân để đi theo Đức Giêsu. Giá trị, sự cao trọng thật của người môn đệ là ở chỗ đó. Lý tưởng, luật sống căn bản trong cộng đoàn là nên bé nhỏ như thế (CGKPV).

c 4 – Kẻ nào tự cho mình là bé mọn, không xem mình là vĩ đại, thì trước mắt Thiên Chúa cũng như trong Nước Ngài, kẻ ấy có một tầm quan trọng.

  1. CẢNH GIÁC VỀ GƯƠNG MÙ (cc 5-11)

c 5-7 – Sau khi đưa trẻ em ra làm lý tưởng sống, Đức Giêsu khuyên phải tôn trọng trẻ em vì danh Ngài. Ngài nhấn mạnh rằng dù một trẻ nhỏ cũng phải được tiếp đón, không được làm cớ cho nó sa ngã. Ở đây từ “trẻ em” có thể hiểu vừa theo nghĩa thông thường, vừa theo nghĩa bóng về bất cứ ai, trong một lãnh vực nào đó, được người ta đánh giá thấp, cách riêng trong lĩnh vực đức tin. Nghĩa là những tín hữu còn yếu kém về đạo lý. Tất cả đều phải được tôn trọng. Đó là vì danh Đức Giêsu. Đức Giêsu đồng hóa với những người nhỏ bé như thế để được tôn trọng.

     “Gây vấp phạm”: dịch sát chữ là đặt một tảng đá trên đường khiến người đi phải vấp té.

c 7-9 – Mặc dù sự xấu thì không thể nào tránh khỏi hết được, chúng ta vẫn có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc đạo đức của người khác.

c 811 – Cũng có thể hiểu “trẻ nhỏ” yếu đuối ấy chính là bản thân mỗi môn đệ. Mỗi người cũng phải tự bảo vệ mình khỏi mọi nguồn gốc gây vấp phạm. Bất cứ thứ gì có thể làm cho mình vấp phạm, dù đó là cái tay, cái chân hay con mắt của mình, thì mình cũng phải sẵn sàng từ bỏ. “Tay”, “chân”, “mắt” đó là những cơ quan để tiếp xúc. Vậy trong khi tiếp xúc, phải cẩn thận đừng làm gì hại đến đức tin non kém của mình cũng như của người khác. Chú ý :chặt tay, móc mắt…” chỉ là những hình ảnh cường điệu để nhấn mạnh điều muốn nói thôi, không nên hiểu theo nghĩa đen.

  1. DỤ NGÔN CON CHIÊN LẠC (cc 12-14)

c 12-14 Dụ ngôn nhỏ này dạy gì về cách Thiên Chúa đối xử với “những kẻ bé mọn”, được so sánh như “con chiên lạc”: Thiên Chúa không muốn một ai trong những kẻ bé mọn (ở đây nghĩa là các tín hữu) phải hư mất. Ngài trân trọng và quý chuộng từng người. Ngay cả những người lỡ lầm và tội lỗi (như con chiên lạc). Thiên Chúa cũng không nệ công đi tìm về cho bằng được.

  1. Anh em đối xử nhau khi có lỗi (15-35)

1/ SỬA LỖI ANH EM (15-20)

c 15 – “Anh em”: Bài diễn từ về nêp sống cộng đoàn (chương 18) đặt cơ sở trên sự kiện là các Kitô hữu phải coi nhau là “anh em”. Thật vậy “anh em” không phải chỉ là những người cùng cha cùng mẹ với nhau, mà còn là những người cũng thuộc cộng đoàn tín ngưỡng với nhau. Đức Giêsu sẽ nói về sau rằng “tất cả chúng con là anh em nhau” (23,8). Bởi đó trong GH khởi thủy, các Kitô hữu quen gọi nhau là “anh em” (Cv 9,17   15,23   16,40; Rm 14,10; 1Cr 15,6; Cl 1,2).

     “Lỗi phạm” : chi tiết này chứng tỏ Đức Giêsu không ảo tưởng về nếp sống cộng đoàn của GH Ngài: không phải là luôn hoàn hảo đâu, vẫn còn có lỗi phạm. Vấn đề là: bản chất của lỗi phạm ấy thế nào; lỗi lớn hay lỗi công khai? Lỗi trực tiếp đến ta hay lỗi không trực tiếp hại ta? TOB cho rằng đây là lỗi công khia cà lỗi nặng, lỗi này không nhất thiết phải đụng chạm trực tiếp tới ta (nếu Kitô hữu chỉ can thiệp khi người khác lỗi phạm trực tiếp tới mình thì không có tinh thần cộng đoàn. Ở đây đang bàn về tinh thần cộng đoàn). Bởi vậy lối dịch “phạm đến con” là không đúng.

     – Hãy đi sửa bảo: không nên hiểu là “đi xét doán” vì ở Mt 7,1-5 Đức Giêsu đã khuyên môn đệ đừng xét đoán ai. Động từ ở đây là “sửa bảo” có nghĩa là cố gắng sửa chữa trong tình bác ái để thu phục một người có lỗi. Nói cách khác, mục đích không phải để kết án mà là để thu phục.

     – “Được lợi”: không có nghĩa là đã thắng được một kẻ thù, cũng không có nghĩa là giữ được một người bạn cho ta, mà có nghĩa giáo hội: giữ được một phần tử giáo hộikhỏi tách rời xa giáo hội.

c 16 – Đnl 19,15 “Theo miệng 2,3 nhân chứng thì việc mới vững”. Đức Giêsu trích dẫn câu này nhằm dạy ta kiên nhẫn và khôn ngoan: chớ vội một mình kết luận về lỗi người khác; nhờ có 2,3 người nữa thì cũng tránh được ý kiến chủ quan nhiều khi độc đoán.

c 17 “Trình với giáo hội”: không phải cho GH lên án, mà cho GH long trọng khuyên bảo một lần nữa kẻ có lỗi hay hối lỗi.

         “Kẻ ngoại hay người thu thuế”: Đức Giêsu không hề khinh chê hai hạng người này. Ngài đã từng khen đức tin của một người ngoại (Mt 8,10  15,28) đã từng ăn chung với những người thu thuế (9,11). Vậy những chữ “kẻ ngoại và thu thuế” Đức Giêsu dùng ở đây chỉ có nghĩa là những người mà Kitô hữu bất lực không hoán cảu được, không còn trách nhiệm đối với họ nữa. Một người phạm lỗi mà ngoan cố không nghe lời thân tình của một người bạn, của một nhóm bạn, và của cả tập thể GH, thì không phải GH khai trừ người đó, nhưng chính người đó do tội và do sự ngoan cố của mình, đã tự lìa khỏi GH.

c 18 – Lý do giáo hội có nhiều tiếng nói sau cùng mang tình quyết định là vì GH đã được Đức Giêsu ban quyền “chìa khóa”. Vấn đề là quyền này được ban cho ai? Có người hiểu chữ “chúng con” ở đây là từng người trong GH.. Lối giải thích này đã bị công đồng Tridentinô lên án. Ở Mt 16,19 quyền chìa khóa được trao cho một mình Phêrô với tư cách thủ lãnh GH. Ở đây không phải Đức Giêsu lấy lại quyền ấy từ tay Phêrô để trao cho từng phần tử GH, những là trao cho tập thể GH trong tinh thần liên kết với vị thủ lãnh là người duy nhất nắm quyền chìa khóa.

c 19-20 – Những câu này xem ra bàn về một chuyện kháckhông ăn nhập gì với chuyện ở những câu trên. Nhưng thực ra có liên quan vì đều cùng chung tinh thần cộng đoàn: sửa lỗi nhau cùng trong tinh thần cộng đoàn, cầu nguyện cũng phải trong tinh thần cộng đoàn. Vì thế không nên hiểu chữ “hai người” theo nghĩa một nhóm nhỏ tách ra khỏi nhóm lớn mà được Chúa chúc lành.

Nhận định

            Đoạn này soi sang ý nghĩa của tội: tội không chỉ là một việc cá nhân ai làm nấy chịu, mà là việc của cộng đoàn; mọi phần tử trong cộng đoàn đều có trách nhiệm về tội của một người trong cộng đoàn, do đó đều phải cố gắng hoán cải để người có tội không vì tội đó mà bị xa cách khỏi cộng đoàn.

            Đoạn này cũng cho ta một hình ảnh đẹp về GH: GH là một cộng đoàn “anh em” trong đó mọi phần tử đều liên kết nhau trong việc sửa lỗi nhau và trong lời cầu nguyện.

2/ ANH EM HÃY THA THỨ CHO NHAU (21-35)

            Đoạn này liên hệ với đoạn trước vì cũng bàn về vấn đề tội lỗi. Nhưng khác nhau ở chỗ đoạn trước nói tới tội cách chung, còn đoạn này nói tới tội mà người khác phạm đến ta.

c 21 – Luật do thái cũng biết dạy tha thứ, nhưng đặt ra một giới hạn tối đa là 4 lần. Ở đây Phêrô đi xa hơn giới hạn đó và đề nghị con số 7 làn.

c 22 – Có nhiều thủ bản khác nhau: có bản là 77 lần, có bản là 70 lần 7. Nhưng những khác biệt đó không quan trọng, vì số 7 là số chỉ nhiều. Ý Đức Giêsu là tha mãi, tha không giới hạn.

     Nhưng Lc 17,3-4 đòi một điều kiện là “nếu nó ăn năn hối lỗi”. Lc thực tế hơn và bổ túc cho đoạn này của Mt, vì nếu tha mà không cần người ta hối lỗi thì chính việc tha trở thành một sự khuyến khích người ta cứ lỗi phạm nữa.

c 23 – “Nước Trời cũng giống như vua kia”: Ý nghĩa dụ ngôn không phải so sánh nước trời với nhà vua, mà so sánh nước trời với câu chuyện trong đó có liên quan tới nhà vua.

     “Tôi tớ”: không hẳn nô lệ, mà cũng có thể là các quan, vì các quan trong triều thường xưng mình là tôi tớ của nhà vua. Ở đây hiểu chữ “tôi tớ” là một vị quan nào đó thì đúng hơn.

c 24 –Số nợ của viên quan với vua là 10.000 talents. Theo Flavius Josephe thì một talents bằng 10.000 deniers. Cho nên 10.000 talents bằng tới 100.000 deniers, một số tiền lớn khủng khiếp (Flavius Josephe cho biết rằng số thuế thu được trong một tỉnh của đế quốc Rôma mỗi năm chỉ đạt được vài trăm talents).

c 26 – Viên qua kông xin tha nợ, chỉ dám xin cho thêm thời gian để kiếm tiền trả nợ.

c 27 – nhưng nhà vua ban hơn cả điều viên quan xin tha hết nợ. Lý do là vì “động lòng thương”.

c 28 – Số tiền người bạn nợ viên quan là 100 deniers. Nếu so với số tiền viên quan nợ nhà vua thì tỷ lệ là 1/1 triệu.

c 29 – Chú ý người bạn xin cùng những lời lẽ mà viên quan đã xin với vua. Thế nhưng kết quả thì khác hẳn!

c 33 – Chú ý chữ “như” Đức Giêsu muốn chúng ta cư xử với nhau theo gương Thiên Chúa cư xử với ta.

VẤN ĐỀ CỦA CÂU 35

     Đây là một lời khuyến khích, một lời hăm dọa, hay là một sự thật?

     Nhiều lần khác, Đức Giêsu cũng đã nói cùng một ý tưởng này:

            – Khi dạy kinh Lạy Cha (6,12).

            – Nhấn mạnh lại sau khi dạy kinh Lạy Cha (6,14-15).

            – “Các con lấy đấu nào đong cho người ta thì Thiên Chúa sẽ dùng đấu ấy đong lại cho các

                 con” (7,2)

Như vậy đây không phải là một lời hăm dọa suông, mà là sự thật: Nếu ta không tha cho anh em  thì sẽ không được Thiên Chúa tha cho ta. Đức công bình của Thiên Chúa đòi như vậy. Ý tưởng này khiến ta run sợ về các tội của ta, nếu ta không chịu tha cho anh em  thì tất cả các tội của ta đều sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt chăng?

       Tuy nhiên vẫn còn hy vọng, vì Thiên Chúa chưa thi hành đức công bình ấy ngay bây giờ. Ngài vẫn còn kiên nhẫn chờ ta biết thứ tha cho đến phút chót. Dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng (13,24-30, 36-43) cho phép ta hy vọng như vậy.

       Trong phần Tường thuật của Tổng thể IV, chúng ta sẽ học 7 bài

– Dụ ngôn về những thợ làm vươn nho (20,1-16a).

– Dụ ngôn về hai đứa con (21,28-32).

– Dụ ngôn về những thợ làm vườn nho sát nhân (21,33-43).

– Dụ ngôn về tiệc cưới (22,1-14).

– Thuế nộp cho Xêda (22,15-21).

– Giới răn trọng nhất (22,34-40).

– Ký lục và biệt phái giả hình (23,1-12).

BÀI 38: VẤN ĐỀ LY DỊ VÀ ĐỘC THÂN (19,1-12)

  1. 1. Vấn đề ly dị (1-9)

c 1 – “Miền Giuđê bên kia sông Giodan”: phía Đông sông Giodan, tức xứ Pêrê. Nơi có nhiều người lương.

c 3 – “Những người pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Ngài” vấn đề được họ đặt ra là sự ly dị. Khi đó có hai lập trường: lập trường của trường phái Hillel thì rộng rãi, cho phép ly dị một cách dễ dàng; lập trường của trường phái Shammai thì khắt khe hơn. Chỉ chấp nhận lý dọ trong rất ít trường hợp. Biệt phái biết vấn đề này gay go nên đem ra gài bẫy Đức Giêsu. Ngài trả lời thế nào cũng có thể bị kết án: hoặc quá rộng rãi hoặc quá hẹp.

     – “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”: hình thức câu hỏi phản ánh quan niệm do thái trọng nam khinh nữ chỉ cho phép người chồng bỏ vợ chứ không cho phép ngược lại.

C 4-6 – Trong Tin Mừng Mc, Đức Giêsu không hồ đồ đưa ý kiến trước. Nhưng mời họ xem lại Thánh Kinh. “Ông Môsê dạy thế nào?”. Còn trong Mt. Đức Giêsu trả lời ngay bằng cách trích hai đoạn trong sách Sáng Thế (St 1,27   2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vò “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

c 7 – Những người pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đnl 24,1, nội dung là cho phép ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vơ bị ly dị.

c 8 – Đức Giêsu nhận định về câu Đnl đó: bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật nhưng chỉ là lời cho phép chuẩn miễn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế trong quá khứ nếu có cho phép ly dị thì chỉ là chuẩn miễn thôi. Sự chuẩn miễn này không hủy bỏ được định chế hôn nhân.

c 9 – Rồi Ngài lập lại nguyên tắc hôn nhân bất khả ly: “Ngoại trờ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

     – Câu này rất gay go vì xem ra Đức Giêsu chấp nhận một trường hợp ly dị, là “hôn nhân bất hợp pháp”. Cụm từ này dịch bởi một từ trong nguyển bản là Porneia. Chính chữ Porneia này mới là điểm gay go, bởi vì tùy lối giải thích chữ này mà đưa đến những lập trường khác nhau.

     * Giải thích porneia là ngoại tình dẫn đến lập trường cho phép vợ chồng ly hôn nếu một trong hai người không còn chung tình nữa. Các giáo phái Tin lành và Chính thống theo lập trường này.

     * Bản dịch CGKPV đã gải thích porneia là “hôn nhân bất hợp pháp” (union illégitime: kết hợp phi pháp). Đây cũng là giải thích của Công giáo. Lv 18,6-18 kể ra những trường hợp gọi là kết hợp phi pháp (chú ý kiểu nói “lột trần chỗ kín” có nghĩa là giao hợp). Những cuộc kết hợp này tự bản chất đã là bất hợp pháp rồi cho nên đương nhiên hai người đó phải chấm dứt, phải chia ly nhau. GH Công giáo theo giải thích này, do đó Công giáo tuyệt đối không cho phép ly hôn. Còn những kiểu kết hôn phi pháp (Sách Lêvi kể ra những kiểu kết hợp giữa những người trong gia đình, bà con gần, bà con xui gia) thì GH Công giáo không nhìn nhận là hôn phối cho nên đương nhiên buộc đương sự phải chia ly.

  1. Cuộc sống độc thân (10-12)

c 10 – Những lời Đức Giêsu nói về hôn nhân bất khả ly khiến các môn đệ ngao ngán. Họ thưa “Nếu làm chống mà phải như thế đối với vợ thì đừng lấy vợ còn hơn”, nghĩa là thà sống độc thân.

c 1112 – Thực ra sự kiện sống độc thân có thể có những lý do khác nhau cho nên giá trị cũng khác nhau “Có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời”. Đức Giêsu đặc biệt nhắm đến hạng thứ ba. Đây là những người sống độc thân để trọn vẹn phục vụ Nước Trời. Lối song này là hoàn toàn tự do tự nguyện và là một lý tưởng mà chỉ một số ít người được mời gọi sống theo. Họ chính là số ít những người mà “Ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu”.

BÀI 39: ĐỨC GIÊSU VÀ TRẺ EM (19,13-15)

c 13: -“Trẻ em”: không phải là những em bé quá nhỏ.Theo nguyên ngữ hy lạp (paidion) thì đây là những trẻ em tuổi khoảng 7-14.

     “Để Ngài dặt tay trên chúng và cầu nguyện”: nhiều lần người ta mang các bệnh nhân đến để được đụng chạm Ngài hầu được khỏi bệnh (Mc 3,10  5,25-28). Trường hợp này khác hơn, vì những đứa trẻ này không có bệnh. Vậy lý do người ta muốn Đức Giêsu đặt tay trên chúng và cầu nguyện chỉ vì mộ mến Ngài hoặc vì mong sao cho chúng cũng được một ơn lành nào đó.

     – “Nhưng các môn đệ la rầy chúng”: Đại từ ngôi thứ ba số nhiều này không rõ là chỉ các trẻ nhỏ hay cha mẹ chúng. Dù so cũng rõ là các môn đệ không đồng ý việc trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu. Đây cũng là thái độ chung của người do thái thời đó. Lý do là trẻ nhỏ ồn ào, nhất là trẻ nhỏ chưa thuộc Luật Môsê. Người ta coi rẻ chúng và xếp chúng vào số những người “sống ngoài Luật” như phụ nữ, nô lệ và ngoại kiều. Các môn đệ có thái độ “khai trừ” kẻ khác.

c 14 – Đức Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó. Ngài bảo: “Cứ để trẻ em đến với Thầy và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng”:  Trẻ nhỏ (và những người giống như chúng được Người đề cao không phải vì chúng khờ dại hoặc yếu ớt mà vì 2 lý do: (1) Chúng bị xã hội “khai trừ”. Mà ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở; (2) Chúng ngoan ngoãn lệ thuộc và tín nhiệm người lớn (trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời). Hai điểm này khiến chúng trở thành những “người nghèo” được Thiên Chúa ưu ái.

c 15 – Mà để tỏ lòng ưu ái với chúng. Đức Giêsu đã “đặt tay trên chúng “.

     – Tuy nhiên ngay sau đó Ngài “rời đi khỏi nơi đó”. Đây là động từ anachoreo (lánh đi), diễn tả tâm trạng khó chịu và không đồng ý của Đức Giêsu. Ngài không đồng ý thái độ khai trừ kẻ khác.

BÀI 40: NGƯỜI THANH NIÊM GIẦU (19,16-30)

c 16 – Xem kỹ câu hỏi của người thanh niên, ta thấy được cách suy nghĩ của anh

     a/ Anh nhấn mạnh tới điều tốt phải làm. Anh nghĩ rằng nếu làm đúng những điều tốt đó thì sẽ được hưởng sự sống đời đời. Đây cũng là suy nghĩ chung của những người pharisêu.

     b/ Anh nhắm đến “sự sống đời đời” còn Đức Giêsu nhắm đến “sự sống” (cuối câu 17: “Nấu anh muốn vào cõi sống”). Theo anh sự sống đời đời xem ra là:

* Kết quả của công lao làm được những việc lành (quan điểm này thể hiện trong câu anh hỏi “Tôi phải làm điều lành gì để được…”)

* Cũnglà sự sống đời này nhưng kéo dài không bao giờ hết.

       Khi dung them tĩnh từ “đời đời”, có lẽ người thanh niên này có quan niệm như vừa nói ở trên. Khi Đức Giêsu sửa lại thành “sự sống” thôi. Ngài cho thấy quan niệm của Ngài chú trọng đến sự sống đích thực, sự sống đích thực bắt đầu ở đời này và kéo dài sang đời sau. Nói cách khác, không phải là hai sự sống mà là một sự sống chia thành hai giai đoạn.

c 17 – Qua câu trả lời, Đức Giêsu tìm cách cho anh chú trọng tới một điểm khác. Anh đi tìm điều tốt, Ngài bảo anh chú ý tới Đấng tốt lành duy nhất là chính Thiên Chúa.

     – Sau đó Ngài đề cập đến các điều căn bản nhất trong đạo cũ là các điều răn, một phần để khích lệ anh, mặt khác cho anh hiểu rằng từ những điều căn bản đó, anh phải đi lên nữa mới tới được cõi sống thật (CGKPV).

c 19 – Khi anh hỏi “Điều răn nào?” Ngài trích bảng thứ hai trong hai bảng của Thập giới  Xh 20,12-16 (Đnl 5,16-20) quy định những bổn phận đối với tha nhân.So sánh bảng liệt kê do Đức Giêsu đưa ra với phần thứ hai (7 điều sau) của bản văn 10 điều răn, ta thấy Đức Giêsu thêm “Ngươi phải yêu đồng loại như chính ngươi”. Câu thêm này tóm tắt tất cả 7 điều của bảng thứ hai. Đối với người bình thường, giữ bấy nhiêu thôi cũng tạm đủ để “được sự sống đời đời”.

c 20 – Khi nghe người thanh niên cho biết đã tuân giữ những điều ấy từ nhỏ. Đức Giêsu đề nghị anh tiến lên một bước cao hơn: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

     * Bán của cải: không dính bén

     * Chia cho người nghèo: điều này được Đức Giêsu và GH đề cao (Cv 2,44   4,32-35)

     * Theo tôi: đây là điểm quan trọng nhất trong 3 điểm. Ngươi do thái (và nhiều người thời nay) cho rằng giữ đạo là chỉ cần giữ dủ các điều luật. Đức Giêsu mời tiến thêm một bước quan trọng hơn nữa là theo Ngài.

c 22 – Nhưng người thanh niên đã không đáp lại lời mời gọi đó, vì anh còn tiếc của.

c 23 – Sau khi người thanh niên bỏ đi. Đức Giêsu tuyên bố “Người giầu có khó vào Nước Trời”. Tại sao người giầu có khó vào Nước Trời? Vì họ cậy dựa vào của cải (có thể đến độ làm nô lệ cho nó). Thái độ đó hoàn toàn ngược lại với thái độ “trở thành bé nhỏ” (cậy dựa vào Thiên Chúa) mà Đức Giêsu coi là quan trọng nhất để vào Nước Trời.

c 24 – Ngài còn dùng một hình ảnh để diễn tả cái khó đó.

     * Con lạc đà: một con vật to lớn. Lạc đà cũng là con vật có thể chở nhiều đồ đạc. Một hình ảnh rất khéo để so sánh với người giầu.

     * Lỗ kim: có người giải thích là cửa nhỏ dưới chân tường. Nhưng có lẽ Đức Giêsu muốn nói tới lỗ của cây kim thật, nghĩa là rất nhỏ.

     Tóm lại: Người giầu mà vào Nước Thiên Chúa là chuyện hầu như không thể.

c 25 – Bởi đó “các môn đệ sững sờ”: Thái độ này dễ hiểu, bởi vì người do thái quen nghĩ rằng giầu sang là một phước lành của Thiên Chúa. Họ lại than “Thế thì ai có thể được cứu?”.

c 26 – Đức Giêsu “nhìn thẳng vào các ông” để các ông lưu ý  hơn tới bài dạy của Ngài: Điều loài người không làm được thì Thiên Chúa làm được, như thế ơn cứu rỗi không phải là kết quả của sức cố gắng con người mà là một ơn Thiên Chúa cho không.

c 27 – Ý nghĩa câu nói của Phêrô: (1) Vào Nước Thiên Chúa khó như thế. Vậy việc chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy liệu có thể giúp chúng con vào được không? (2) Giầu thì khó vào Nước Trời, vậy bỏ của cải như chúng con thì vào được không?

c 1829 – Câu đáp của Đức Giêsu cho Phêrô biết là được. Nhưng ta nên chú ý thêm vài chi tiết:

     * Chẳng những họ được vào Nước Trời mà còn được thưởng gấp bội về những gì họ đã từ bỏ.

     * “Đến thời tái sinh”: theo ngôn ngữ khải huyền thì kiểu nói này có nghĩa thời tận thế sau cuộc chung thẩm. Nhưng ở đây có lẽ nó chỉ thời gian từ lúc Đức Giêsu đã sống lại, tức là thời gian của GH. Đến thời đó, họ sẽ được quyền lãnh đạo GH.

c 30 – Câu này là một “lời nói du ngoạn” của Đức Giêsu, nghĩa là ngày xưa Ngài nói nhưng các tác giả Tin mừng đã quên khung cảnh nói, do đó mỗi vị ghép nó vào một văn mạch khác nhau (Mt 19,30  20,16). Ý nghĩa nguyên thủy có lẽ là nói tới những người do thái (“những kẻ đầu tiên” được Thiên Chúa kêu gọi) và những Kitô hữu (“những kẻ rốt hết” vì được gọi vào giai đoạn chót). Khi Mt đặt nó vào đây thì nó có thể có nhiều ý nghĩa:

     a/ Đây là lời Đức Giêsu cảnh giác các tông đồ: họ là những người lãnh đạo dân Chúa, nhưng nếu không biết sống xứng đáng thì có thể trở thành những người rốt hết.

     b/ Nhận định về người thanh niên ấy: anh được Đức Giêsu ưu ái mời đi theo Ngài để vào Nước Trời. Nhưng anh đã từ chối cho nên anh mất phần.

BÀI 41: TIỀN LƯƠNG CHO THỢ VƯỚN NHO (20,1-16a)

  1. Giải thích bản văn

c 1 – “Về Nước Trời cũng giống như ông chủ kia” Thực ra dụ ngôn không so sánh Nước Trời với ông chủ, mà với cách cư xử của ông chủ.

     –“Công thợ mỗi ngày một đồng”: đây là đồng denier, tiền công nhật của một người thợ trung bình thời Đức Giêsu.

     – Cách tính giờ: Trên nguyên tắc ở do thái, một ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn (6g chiều) và kết thúc lúc mặt trời mọc (6g sang). Nhưng khi tính giờ (từ đó tính tiền công thợ) thì người ta lại tính từ lúc mặt trời mọc (6g sang) trở đi. Như vây:

Giờ thứ ba tương đương với 9 giờ sáng bây giờ.

………  6 ………………… 12 giờ trưa

………. 9………………….  3 giờ chiều

……… 11…………………. 5 giờ chiều

c 12 Lời kêu trách của những người thợ làm nhiều giờ: Lý do là vừa làm lâu vừa “nắng nôi vất vả” (vì họ làm từ sáng, sang trưa nắng)

c 13 – “Này bạn”: 3 lần Mt dùng kiểu nói này (20,13   22.12   26,50) thì cả 3 lần người được gọi như thế đều là người có lỗi.

       “Tôi có làm gì thiệt hại bạn đâu”: Mặc dù công lao các người thợ khác nhau nhưng tiền lương lại bằng nhau. Do đó đám thợ làm sớm cho là ông chủ bất công. Tuy nhiên, theo sự thỏa thuận lương công nhật là một denier thì ông chủ quả thật không bất công.

c 15 – “Mắt bạn ghen”: tiếng do thái nói ganh ghét là “mắt xấu”. Mt dùng kiểu nói này để chơi chữ cho thấy sự đối lập: “Hay mắt bạn xấu vì lòng tôi tốt”.

c 16 – Không ăn khớp với ý nghĩa dụ ngôn: dụ ngôn không nhắm vào chi tiết người thợ được mời cuối cùng được lãnh lương trước tiên, mà nhắm vào ý tưởng: Thiên Chúa ban ơn không theo công lao mà tùy lòng tốt của Ngài> Do vậy nhiều nhuyên viên cho rằng đây là một câu được thêm vào sau.

  1. Một dụ ngôn do thái

1/ Văn chương rabbi do thai có một dụ ngôn như sau: một ông vua mướn nhiều người làm việc, trong số đó có một người làm việc rất chăm chỉ. Nhà vua rất thích anh này nên mời anh cùng Ngài đi dạo suốt ngày. Tới chiều vủa gọi tất cả các thợ đến trả lương. Bắt đầu từ anh đã cùng Ngài đi dạo, anh đươc một đồng denier. Những thợ kia tưởng mình sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng rồi cũng chỉ được một đồng. Họ lẩm bẩm kêu trách. Nhà vua giải thích: anh này tuy làm ít giờ những làm được nhiều việc bằng một người khác làm suốt ngày.

2/ Đức Giêsu chắc chắn có biết dụ ngôn trên. Nhưng Ngài đã sửa lại chi tiết chót. Lời giải thích cho thấy quan điểm của Đức Giêsu và của các Rabbi khác nhau.

       * Lời giải thích của nhà vua: Thiên Chúa ban ơn tùy theo hiệu năng, tùy theo công nghệp của chúng ta.

       * Lời giải thích của ông chủ: Thiên Chúa không ban ơn theo công nghiệp mà hoàn toàn tùy lòng tốt của Chúa.

       Như vậy, khi chúng ta làm được những việc tốt thì đừng coi rằng đó là công lao của mình và đừng đòi hỏi Thiên Chúa phải trả công. Hãy phó thác tất cả vào lòng tốt của Chúa.

  1. Kết luận

            Tương quan giữa Thiên Chúa và con người không phải là tương quan tính toán theo lẽ công bình. Bởi vì thực ra nếu tính theo công bình sòng phẳng thì con người một đàng sẽ không đáng được Thiên Chúa ban ơn bao nhiêu, đàng khác phải bị Thiên Chúa phạt rất nhiều: “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được”. Tương quan giữa Thiên Chúa và con người phải là tương quan ân sủng, cũng hơi giống ý nghĩa của dụ ngôn “con nợ bất nhân” (18,23-35). Đây chính là điểm khác biệt giữa giáo lý của Đức Giêsu và giáo huấn của các rabbi do thái, và cũng là điều Đức Giêsu muốn cho các môn đệ Ngài đừng giống như những rabbi và biệt phái.

BÀI  42: TIÊN BÁO THƯƠNG KHÓ LẦN BA – BÀ DÊBÊĐÊ (20,17-28)

  1. Loan báo cuộc thương khó (17-19)

            So với hai lần loan báo trước (16,21 và 17,22-23), lần loan báo thứ ba này có nhiều chi tiết hơn nên cũng rõ hơn. Đây ta hãy so sánh:

1/ “Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ lão, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

2/ “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài và ngày thứ ba Ngài sẽ chỗi dậy”.

3/ “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Ngài, sẽ nộp Ngài cho dân ngoại nhạo bang, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba Ngài sẽ chỗi dậy”.

            Chi tiết rõ hơn cả là nói lên chính xác sự độc ác cũng như nêu rõ trách nhiệm của cả nhà cầm quyền do thái lẫn dân ngoại. Điều này có nghĩa là toàn thể nhân loại, do thái lẫn dân ngoại, đều có trách nhiệm trong việc chối từ Đức Giêsu và lên án xử tử Ngài.

  1. Bà Dêbêđê (20-28)

20-21 – Hai người con của ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan. Trong Mc, chính hai ông này đưa ra lời thỉnh nguyện (Mc 10,35-40). Còn Mt thì muốn giảm nhẹ lỗi lầm của họ nên viết rằng mẹ của hai ông đưa ra lời thỉnh nguyện ấy.

     – Lời thính nguyện là hai người này được “Một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy”: Đây không phải chỉ là những chỗ danh dự mà là thực sự thông chia quyền cai trị.

c 22 – Trước khi trả lời, Đức Giêsu nhận xét “Các ngươi không biết các ngươi xin gì”. Đúng vậy, ba mẹ con này tưởng “Nước” của Thiên Chúa cũng giống như mọi nước trên trần gian, trong đó có địa vị và quyền lợi. Họ muốn những chỗ ngồi hai bên tả hữu của Đức Giêsu nghĩa là muốn hai địa vị ưu tiên trong nước đó.

     – Rồi Đức Giêsu hỏi lại: “Các ngươi có uổng nổi chén Thầy sắp uống không?”. “Chén”: Biểu tượng của đau khổ (Tv 75,9; Is31,17-22). Chính Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên “Xin cho con khỏi uống chén này” (14,36).

c 23 – Đức Giêsu hỏi hai ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không. Hai ông đáp bừa là có thể. Ngài hứa sẽ cho hai ông thông chia những điều đó. Thực tế sau này Gicôbê đã chịu tử đạo vào khoảng năm 44 (Cv 12,1-2); còn Gioan theo thánh truyền thì chịu bắt bớ rất đau khổ.

c 24 “Mười môn đệ kia tức tối”: có thể thấy hai ông này xin quá đáng, và cũng có thể vì ganh ghét.

c 25 – Khi ấy Đức Giêsu gọi tất cả lại để giáo dục, trước tiên Ngài nói tới cách cư xử của các thủ lãnh thế gian (cụ thể là các quan chức của đế quốc Rôma). Họ hay lộng quyền và đọc tài.

2627 – Phần các môn đệ Đức Giêsu, những lãnh tụ tương lai của GH thì phải cư xử khác hẳn. Ngài dung một từ rất đặc biệt là “đầy tớ”: đây là hạng người thấp hèn nhất trong xã hội. Nhưng lãnh tụ GH phải sẵn sang phục vụ người ta trong tư thế hèn hạ nhất.

c 28 – Và Đức Giêsu đưa gương của chính Ngài: hiến cả mạng sống làm giá chuộc cho muôn người.

     * Giá chuộc: đưa một cái gì có giá trị ra để thay thế cho điều mình muốn cứu thoát.

     * Muôn người: Kiểu nói muôn người ám chỉ đến Is 53,10-11 về cái chết của Người Tôi Tớ Thiên Chúa thay cho tất cả mọi người khác. Đức Giêsu muốn cứu không riêng một ai hay một nhóm người hoặc một dân tộc nào mà là tất cả mọi người.

BÀI 43: HAI NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊRICÔ (20,29-34)

c 29 – “Ra khỏi thành Giêricô”: nghĩa là Đức Giêsu và các môn đệ sắp đến Giêrusalem.

     “Đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Ngài”: có rất đông người tháp tùng Đức Giêsu trên lộ trình lên Giêrusalem.

c 30 – “Có hai người mù”: Mc chỉ nói có một người, còn Mt thì nói có hai. Những người mù bị coi là ở bên lề xã hội. Bởi thế Mt nói họ “ngồi ở vệ đường”, hình ảnh làm nổi bật thân phận bị loại ra rìa xã hội.

     Nhưng những con người bị loại ra rìa xã hội này làmột người đang tìm kiếm. Bởi đó khi nghe tin có Đức Giêsu đi ngang qua thì họ liền kêu cứu.

     – “Lạy Ngài, lạy Con Vua Đavít”: Tước hiệu bình dân của Đấng Messia, dựa theo lời của ngôn sứ Natan (2Sm 7,1-17). Điểm đáng lưu ý là hai người này tuy mù những đã “thấy” rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia mà ngôn sứ Natan tiên báo. Như thế lời kêu cứu của anh cũng là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ.

c 31 Thế nhưng những người theo Đức Giêsu lại “quát nạt họ, bảo họ im đi”. Tại sao? Vì theo suy nghĩ thường tình, những kẻ ở ngoài rìa xã hội như hai người mù này không được phep quấy rầy một nhân vật quan trọng như Đức Giêsu, huống chi Ngài lại đang bận rộn với cuộc hành trình.

     – “Nhưng họ càng kêu lớn hơn nữa”: thái độ khai trừ của đám đông không làm họ nản long.

c 32 – “Đức Giêsu dừng lại, gọi họ đến”: cũng như lúc trước Ngài cho gọi những trẻ nhỏ bị xua đuổi đến nay, nay Ngài cũng gọi những kẻ ở ngoài rìa xã hội đến với Ngài.

     – Ngài hỏi: “Các anh muốn tôi làm gì cho các anh”: Câu hỏi này có vẻ thừa, vì Ngài đã biết họ muốn sang mắt. Tuy nhiên Ngài hỏi để họ có dịp bày tỏ đức tin và ước muốn tự do của họ.

c 33 – Và họ đã bày tỏ: “Xin cho mắt chúng tôi được mở ra”.

c 34 – Đáp lại đức tin và ước muốn đó. Đức Giêsu đưa tay sờ vào mắt họ và lập tức họ thấy lại.

     “và đi theo Ngài”: “đi theo” cũng là một động từ tả thái độ của người môn đệ. Hai người này sau khi đã “thấy”, nhất là thấy Đức Giêsu, thì đi theo làm môn đệ Ngài, đặc biệt là đi theo hành trình lên Giêrusalem.

BÀI 44: VÀO THÀNH GIÊRUSALEM (21,1-11)

1/ CHUẨN BỊ (1-7)

c 1 –“Làng Bếtphagê phía núi Ôliu”: có một truyền thuyết rằng chính Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài sẽ theo lộ trình này để đến phán xét dân Ngài: “Trong ngày ấy, chân Ngài sẽ đặt lên núi Cây Dầu đỏi diện với Giêrusalem về phía Tây” (Dcr 14,4).

c 2 – Đức Giêsu coi cuộc vào thành có tầm quan trọng nên đứng ra thu xếp mọi chi tiết. Chuyện này cũng giống việc chuẩn bị Bữa Tiệc Ly (26,17-19). Trong cả 2 việc, Đức Giêsu muốn thu xếp mọi chi tiết theo ý Ngài, vì đó là những việc quan trọng có tính cách thần thiêng. Việc Ngài tự mình chuẩn bị tất cả cũng có nghĩa là Ngài biết trước mọi việc và do đó Ngài đi vào cuộc chịu nạn một cách hoàn toàn tự nguyện.

     – Trước hết là sai 2 môn đệ vào thành để tìm một con lừa mẹ và lừa con của nó, 6 quyển Tin Mừng kia chỉ nói tới con lừa con; còn Mt thì nói tới 2 con lừa. Lý do là muốn chứng tỏ Đức Giêsu làm ứng nghiệm cách hoàn toànlời tiên tri Dcr 9,9 mà ông sắp trích dẫn phía sau: “Ngồi trên lưng lừa con, là con của con vật chở đồ”.

     – Lừa là gia súc quen thuộc giúp người ta làm việc. Trong Thánh Kinh nó còn là vật cỡi của các vua Israel (IV 32-35). Khi chon vật cưỡi là con lừa, Đức Giêsu thực hiện lời tiên tri Dacaria 9,9-10.

c 3 – “Chúa”: Tước hiệu vinh quang.

c 7 – Nếu ta cố gắng hình dung thì thấy cảnh này không thể thực hiện được: làm sao Đức Giêsu có thể cưỡi một lúc trên 2 con lừa! Nhưng ta có thể thông cảm cho Mt vì ông quá chú ý chứng minh Đức Giêsu thực hiện chính xác lời tiên tri Dacaria, cho nên đã không để ý tới điểm trục trặc này.

2/ CUỘC RƯỚC (8-9)

c 8-9 Những chi tiết của hai câu này giống với lễ nghi đăng quang của một vị vua:

     – Dân cũng trải áo lót đường(trường hợp của Giêhu trong 2V 9,12-13)

     – Mọi người vừa rước Ngài vào thành vừa vẫy cành lá và tung hộ (Lv 23,39-40).

     – Vẫy cành lá: Giống như trong Lễ Lều.

     – Ngoài ra những lời tung hộ được trích từ Tv 118 vốn được hát trong dịp Lễ Lều.

     – Đức Giêsu được gọi là “Đấng ngự đến” theo Tv 118,2 nói về Đấng Messia.

     – Lại còn tước hiệu “Con Vua Đavít” cũng mang ý nghĩa Messia (2Sm 7,12-16).

     – Và lời tung hộ sau cùng “Hoan hô trên các rầng trời” ý nghĩa chẳng khác gì “Hoan hô Thiên Chúa”.

3/ NHẬP THÀNH (10-11)

10 – “Cả thành náo động”: Tương phản với sự nồng nhiệt của đám đông dân chúng, dân thành Giêrusalem “náo động” (x. chữ Seismos). Quang cảnh Đức Giêsu vào thành thay vì dẫn họ tới đức tin thì lại khiến họ giao động. Có một cuộc chiến đang diễn ra trong lòng họ.

     “Họ hỏi nhau: ông này là ai vậy”: họ quen coi thường Đức Giêsu, cùng lắm Ngài chỉ là một ngôn sứ nhỏ xuất thân từ thành Nadarét không nổi tiếng.

11 – Nhưng đám đông rước Ngài khẳng định Ngài là một Ngôn sứ đích thực.

     – Như thế Mt gọi ý sắp có cuộc chạm trán tại thành này giữa Đức Giêsu và những kẻ không tin Ngài.

BÀI 45: ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ (21,12-17)

c 12: HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỨC GIÊSU

     “Đức Giêsu vào Đền thờ”: Thực ra Ngài chỉ vào tới tiền đình Đến thờ thôi. Đền thờ Giêrusalem được kiến trúc với nhiều sự ngăn cách: gian cực thánh chỉ cho Thượng tế vào mỗi năm một lần, gian thánh cho các tư tế, tiền đình dành cho nam tín hữu do thái, tiền đình dành cho nữ tín hữu do thái và tiền đình dành cho người ngoai. Đặc biệt người ngoại không bao giờ được phép vượt quá ranh giới dành cho họ. Cuộc khai quật năm 1935 đã tìm thấy một bảng ghi bằng chữ hy lạp và la tinh rằng: “Cấm không cho người ngoại quốc nào vào phần trong bao quanh đền thánh. Ai vi phạm sẽ bị chết”.

     – “Những người đang mua bán trong Đền thờ”: tức là trong tiền đình dân ngoại. Việc buôn bán này cũng cần thiết vì phục vụ cho các lễ nghi: buôn bán các con vật làm lễ tế. Và khi muốn mua những lễ vật đó thì phải mua bằng tiền do Đền thờ phát hành chứ không bằng tiền khác vốn bị coi là ô uế. Mà khách lên Đền thờ thì khắp nơi xài đủ loại tiền khác nhau.

     – Đức Giêsu đã đuổi chẳng những người bán mà cả người mua, lật đổ bàn ghế của họ.

c 13 GIẢI NGHĨA HÀNH ĐỘNG ẤY

     – Chính Đức Giêsu đưa ra lời giải nghĩa. Phần đầu câu Ngài nói là Is 56,7 nói rằng Thiên Chúa muốn cho nhà của Ngài thành nơi cầu nguyện. Phần thứ hai trich Gr 7,1-11 theo đó dân Israel sống một cuộc sống như trộm cướp với biết bao tội bất công bóc lột nhau, thế nhưng họ tưởng là việc họ siêng năng thực hiện các nghi lễ ở Đền thờ thì bảo đảm ơn cứu độ của họ.

     – Như thế, điều Ngài muốn phá bỏ là thứ đạo vụ hình thức và lễ nghi của dân do thái.

14-17 PHẢN ỨNG

     – “Có những kẻ mù lòa què quặt đến với Ngài trong Đền thờ và Ngà đã chữa họ lành”;

        “Lũ trẻ reo hò trong Đền thờ: Hoan hô Con Vua Đavít”: Đây là phản ứng của quần chúng. Theo 2Sm 5,8 và Lv 21,18 thì những người mù lòa và què quặt bị cấm không cho vào Đền thờ. Còn ở đây, Đức Giêsu lại đón tiếp họ và còn chữa lành cho họ nữa. Như thế Ngài làm trọn lời tiên tri Is 35,5-6. Điều này khiến dân chúng rất phấn khởi. Sự phấn khởi được biểu lộ qua tiếng reo hò của các trẻ em “Hoan hô Con Vua Đavít”.

     – Còn các thượng tế và kinh sư thì bất bình. Nhưng họ chưa làm gì Ngài được.

BÀI 46: CÂY VẢ KHÔNG TRÁI (21,18-22)

18-19 Trong Thánh Kinh, cây vả (hoặc cây nho) là hình ảnh chỉ dân Israel. Dân này từ sau lưu đày đã hồi sinh dần dần như cây vả giữa mùa xuân. Nhưng bên trong cái vẻ huy hoàng tráng lệ (đền thờ Giêrusalem) là sự trống rỗng vì không có lòng tin khi được Chúa thăm viếng. Cây vả tự hiên không thể có trái ngoài mùa vả (Mc 11,12-14 nói rõ lúc này không phải mùa vả); nhưng Israel (hay bất cứ con người nào) không thể nói rằng lúc này đây không phải làlúc ăn năn sám hối (tin) (CGKPV)

20 Đức Giêsu làm một việc xem ra nghịch lý. Thế nhưng các môn đệ không thắc mắc gì về chuyện Đức Giêsu tìm trái vả trái mùa. Họ chỉ ngạc nhiên về hiệu năng của Lời Chúa. Đó là vì đối với người do thái, cây vả chết cái chết Thiên Chúa muốn thì không có gì là nghịch lý. Chỉ có con người không sẵn trái của lòng sám hối khi Chúa đến mới là nghịch lý. Nhất là với Israel đã được vun trồng chăm sóc từ bao thế kỷ (CGKPV)

21-22 Hình ảnh quả núi: Theo Xôphônia (Xp 14,4) khi Thiên Chúa đến can thiệp thì các quả núi sẽ rung chuyển. Đức Giêsu dùng lại hình ảnh này nhằm nói với các môn đệ rằng họ cần phải gia tăng lòng tin. Khi đó họ có thể lay chuyển các ngọn núi đáng sợ này, cũng như tự bảo vệ mình khỏi hiểm nguy sẽ đến trong ngày đó.

BÀI 47: CHẤT VẤT VỀ QUYỀN (21,23-27)

c 23 – “Đức Giêsu vào Đền thờ”: Mới hôm qua, Đức Giêsu đã vào Đền thờ đánh đuổi những người buôn bán (21,12-17). Hôm nay Ngài lại vào đây để “giảng dạy”.

     “Các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gặp Ngài và hỏi: Ông lấy quyền ở đâu mà làm các điều ấy?”. Các điều ấy là gì? Thứ nhất là việc Ngài đánh đuổi những người buôn bán, thứ hai là việc Ngài giảng trong Đền thờ và thứ ba là việc Ngài chữa những người đui mù què quặt cũng trong Đền thờ. Các thượng tế và kỳ mục cho rằng chỉ có họ mới có quyền quản lý Đền thờ và mới có quyền làm việc trong Đền thờ, còn Đức Giêsu không có quyền. Vậy nếu Ngài đã làm 3 việc trên trong Đền thờ tức là Ngài đã phạm pháp. Cho nên họ tới chất vấn.

24-26 – Đức Giêsu thấy chẳng cần trả lời cho họ nên Ngài vặn lại bằng một câu hỏi lắt léo: việc Gioan thanh tẩy là do Trời hay do người ta? “Do Trời” là một cách nói quanh thay vì nói thẳng là “bởi Thiên Chúa”.

     – Câu hỏi của Ngài khiến họ bối rối: nếu đáp là Thiên Chúa thì sẽ bị vặn thêm “Vậy tại sao các ông không tin Gioan?”. Đáp như thế cũng là nhìn nhận Thiên Chúa cũng ban quyền giảng dạy cho một người ngoài khung khổ của họ (Gioan không phải là thượng tế, thông giáo và kỳ mục), thế thì Thiên Chúa cũng có thể ban quyền cho Đức Giêsu (huống hồ Ngài còn là Messia) và như thế sự dành độc quyền và sự ganh tị của họ không có cơ sở vững chắc.

     – Còn nếu đáp là bởi loài người ta thì dân sẽ phản đối họ.

     – Vì thế họ tránh né trả lời bằng câu “Chúng tôi không biết”. Và Đức Giêsu cũng không thèm trả lời cho câu hỏi của họ.

     * Trong chuyện này, không phải Đức Giêsu tránh né trả lời. Việc Ngài đặt câu gỏi ngược lại là nhằm giúp các thượng tế và kỳ mục động não suy nghĩ, để may rahọ sẽ thấy Ngài nhận quyền từ Chúa Cha và từ đó mà tin vào Ngài.

BÀI 48: DỤ NGÔN VỀ HAI ĐỨA CON (21,28-32)

  1. Giải thích bản văn

c 28 –“Các ông nghĩ sao…”: cũng như ở 18,12 và 22,42. Lời Đức Giêsu hỏi ý kiến này không phải là hỏi các môn đệ mà là hỏi các đối thủ của Ngài.

     “Một người kia”: ám chỉ Thiên Chúa.

     – “Hai đứa con trai”: chỉ hai hạng người của dân do thái thời đó: một đứa là hạng những “kẻ tội lỗi” không quan tâm đến Luật đạo và những quy định do giới rabbi đề ra: một đứa là “những người công chính” giữ Luật rất chin chắn, tức là các thủ lãnh tôn giáo do thái thời đó.

     – “Hôm nay”: người cha không quan tâm đến cá tính của mỗi người con, ông xem hai đứa như nhau nên bảo mỗi đứa đi làm cùng một công việc của nhau.

c 29 – “Sau đó”: một số nhà chú giải coi những chữ này là ám chỉ đến những lương dân. Chú giải như vậy không đúng với diễn tiến câu chuyện dụ ngôn vì đứa con thứ nhất trước đó đã từ chối lời gọi của Người Cha, còn các lương dân thì trước đó không từ chối lời gọi của Thiên Chúa. Nếu “sau đó” họ có được vào Nước Trời thì chỉ vì trước đó Nước Trời chưa được rao giảng cho họ mà thôi.

c 30 – “Thưa ông vâng”: Bản dịch pháp văn là “Entendu, Seigneur”. Một đứa con mà thưa với Cha bằng “Ông” thì thật là lạ. Điểm lạ này chỉ có thể hiểu được nếu người cha đó là Thiên Chúa.

c 31 –Động từ “làm”: đây là động từ chủ chốt của đoạn văn. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là lời nói, mà là việc làm.

c 31b – Nhiều bản dịch là “sẽ vào trước”. Dịch như vậy là vì động từ nguyên bản là proagein trong đó có chữ pro. Chữ pro này vừa có nghĩa “trước” vừa có nghĩa “thay thế”. Có lẽ dịch ý nghĩa “trước” thì không đúng lắm, vì những kẻ không làm theo ý Thiên Chúa thì không phải là được vào Nước Trời sau mà thực sự không được vào. Vậy phải dịch chữ pro theo nghĩa thay thế: những kẻ thu thuế và điếm đàng sẽ thế chỗ các ngươi trong Nước Trời.

c 32 – Câu này tuy nói về Gioan Tẩy Giả nhưng phải khiến ta liên tưởng tới Đức Giêsu. Vì Mt đã cho thấy Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu rao giảng cùng một sứ điệp (3,2   4,17). Chỉ khác ở chỗ Gioan chuẩn bị cho Đức Giêsu, còn Đức Giêsu thì hoàn thành Gioan. Bởi vậy ai từ chối không tin Gioan thì cũng từ chối không tin Đức Giêsu.

  1. 2. Kết luận

1/ Những lãnh tụ tôn giáo do thái dạy rất nhiều điều nhưng lại không thực hành (23,3), họ giữ những khoản luật rất là chặt chẽ nhưng điều chính yếu là “làm” theo ý Thiên Chúa thì họ không làm, cho nên cũng như không. Diễn tả theo ngôn ngữ của đoạn tin Mừng này, miệng họ nói “vâng” nhưng lòng họ lại là “không”.

            Còn những kẻ thu thuế, điếm đàng chẳng hề biết Luật, chẳng giữ các hình thức lễ nghi. Bề ngoài xem như họ “không”, tuy nhiên khi Nước Trời được giới thiệu cho họ thì họ đã mau mắn đáp lại. Tiếng “không” của họ trở thành tiếng “vâng”.

            Nhưng kẻ nói “vâng” mà “không làm” thì bị thay chỗ trong Nước Trời bởi những kẻ nói “không” nhưng lại “vâng” và “làm”. Điều quan trọng không phải là lời nói mà là việc làm.

2/ So sánh với dụ ngôn “đứa con hoang đàng”. Người nghe có cảm tưởng rằng người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng còn cố ý che giấu lỗi lầm của người con cả. Còn trong dụ ngôn này, Người Cha nói thẳng ra là đứa con “không làm” ấy bị loại khỏi Nước Trời.

            Như vậy, trong dụ ngôn này, Đức Giêsu tỏ ra dứt khoát hơn: những lãnh tụ tôn giáo do thái vô phương cứu chữa.

BÀI 49: DỤ NGÔN NHỮNG NGƯỜI THỢ VƯỚN NHO SÁT NHÂN (21,33-46)

            Mt đặt dụ ngôn này giữa hai dụ ngôn về hai đứa con và bữa tiệc cưới, nằm trong bối cảnh cuộc xung đột ngày càng gia tang đến mức trầm trọng giữa Đức Giêsu và các lãnh tụ do thái (cc 21-22-23)

            Sau khi so sánh những người thu thuế và đĩ điếm với đứa con ban đầu bất tuân nhưng sau hối hận lại làm theo người cha bảo, tượng trưng cho lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu (trong khi đó những người biệt phái và các lãnh tụ do thái đã từ chối lời rao giảng của hai Ngài). Đức Giêsu đưa thêm dụ ngôn này để nói rõ thế nào là tiếp nhận CON: đó là phải “làm”i.

  1. So sánh với dụ ngôn của Isaia

     Đức Giêsu đã mượn dụ ngôn vườn nho của Isaia (Is 5,1-7) nhưng có thay đổi vài chi tiết để trình bày quan điểm của Ngài:

     * Trong dụ ngôn của Isaia, chính ông chủ tự tay chăm sóc vườn nho với hy vọng nó sẽ sinh ra trái ngọt, nhưng vì nó chỉ sinh ra trái chua nên ông chủ tàn phá nó. Ý tưởng của Isaia rõ rang: ông chủ chính là Thiên Chúa, còn vườn nho chính là dân Israel.

     * Trong dụ ngôn của Đức Giêsu, ông chủ đưa vườn nho cho những người thợ thuê mướn. Ý nghĩa so sánh của hình ảnh “ông chủ” thì đã rõ: đó cũng là Thiên Chúa. Nhưng hình ảnh “vườn nho” là so sánh với ai? Không thể sánh vườn nho với dân Israel được, vì thật vô lý nếu Thiên Chúa lại trao dân Israel cho dân khác (c 41,43). Chỉ có thể hiểu được nếu xem vườn nho là Nước Trời: ban đầu Thiên Chúa trao Nước Trời cho dân Israel, thế nhưng dân này đã không làm cho Nước Trời sinh hoa lợi cho chủ, nên sau đó chủ mới giao Nước Trời cho một dân khác (chi tiết “một dân khác” sẽ được giải thích ở phần dưới).

  1. Giải thích chi tiết bản văn

c 33 – Việc kê khai những việc làm của ông chủ (trồng, rào giậu, đặt tháp canh, đào bồn ép) nhằm cho thấy ông chủ quý mến vườn nho của ông như thế nào. Việc kê khai tỉ mỉ đó làm nối bật nét tương phản nơi thái độ của những người thợ không chịu nộp hoa lợi từ một  công trình tỉ mỉ ấy của ông chủ.

c 34 – “Gần mùa trái”: chữ “gần” là dịch từ động từ Êggisen (đến gần). Mt cũng dùng động từ này trong lời của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu loan báo “Nước Trời đã đến gần” (3,2  4,17). Ngụ ý của Mt là thời kỳ nộp hoa lợi cũng trùng với thời kỳ Gioan và Đức Giêsu đến.

c 35 – Việc làm của đám thợ ngày càng trầm trọng thêm: đánh đòn, giết, ném đá.

c 37 – “Sau hết”: ngụ ý đây là cơ hội cuối cùng cho Israel hoán cải.

c 38 – Các thợ tá điền đã giết người Con của ông chủ không chút ngần ngại, cũng chẳng phải vì giết lầm. Chúng biết ngay đó là đứa con thừa tự và vẫn giết. Như vậy tội chúng càng nặng hơn.

c 39 – Ám chỉ việc Đức Giêsu bị giết chết ngoài thành Giêrusalem.

c 42 – “Đã trở nên” nguyên tắc là “đã được làm thành”. Đây là thể thụ động thần thiêng, hiểu ngầm tác nhân là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã làm cho Người Con (viên đá đã bị thợ loại bỏ) trở thành “đá góc”.

c 43 – “Trao cho  một dân biết sinh hoa lợi”: chữ “dân” ở số ít, cho nên không thể được hiểu là “chư dân” mà phải hiểu đó là một dân mới, tức là GH (Rm 9,25; 1P 2,10).

     So với dụ ngôn trước đó (về hai đứa con), câu kết luận này mạnh bạo hơn: Đức Giêsu không chỉ nói úp mở (xem chú giải chữ “vào trước” của câu 31b), mà nói thật rõ ràng dứt khoát rằng một dân mới sẽ thay thế dân Israel để quản lý Nước Trời.

45-46 Các lãnh tụ tôn giáo do thái cảm thấy mình bị Đức Giêsu nhắm trực tiếp cho nên càng thù ghét Ngài. Hiện giờ họ chưa làm gì được Ngài vì ngại phản ứng của dân chúng. Nhưng sự thù ghét của họ dâng cao, hứa hẹn cái chết dành cho “Người Con” sắp diễn ra.

BÀI 50: DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI (22,1-14)

  1. So sánh với dụ ngôn thợ vườn nho

1/ Có nhiều điểm tương đồng giữa hai dụ ngôn này:

            – Hai lần sai đầy tớ đi.

            – Các đầy tớ đều không thành công.

            – Lý do không thành công đều là sự ác độc của những người mà các đầy tớ gặp.

            – Hai dụ ngôn đều nói tới đứa Con

            – Các đầy tớ đều bị ngược đãi, hành hạ và cuối cùng bị giết chết.

2/ Những điểm tương đồng ấy khiến chúng ta phải hiểu hai dụ ngôn này theo cùng một hướng:

     – Chủ vườn nho và ông vua dọn tiệc cưới chính là Thiên Chúa.

     – Người Con chính là Đức Giêsu (xem 11,27)

     – Các đầy tớ là những ngôn sứ.

     – Những kẻ được mời và những thợ bất nhân là dân do thái bất trung.

3/ Nhưng cũng có điểm khác biệt quan trọng:

     – Trong dụ ngôn thợ làm vườn nho, vấn đề là đòi hoa lợi, nghĩa là một vấn đề công bằng: còn trong dụ ngôn tiệc cưới, vấn đề là lời mời của nhà vua, nghĩa là vấn đề danh dự của nhà vua.

            Ông chủ vườn nho thì cương quyết đòi hoa lợi, nhà vua thì quảng đại mời khách đến chia

             vui.

       * Lỗi của đám thợ không nặng bằng lỗi của các khách từ chối dự tiệc vì những người sau này chạm tới danh dự nhà vua. Càng nặng hơn nữa khi về sau họ chuyển từ thái độ thờ ơ với lời mời sang thái độ thù nghịch dám giết đấy tớ vua.

       – Bởi thế trong dụ ngôn thợ vườn nho, ông chủ phản ứng chỉ bằng một lời đe dọa; còn trong dụ ngôn này, nhà vua hành động. Nghĩa là có sự leo thang từ lời nói sang hành động.

  1. Chi tiết vua cho lệnh phá hủy thành

1/ Chi tiết này thật khó hiểu: chỉ những kẻ giết đầy tớ vua mới đáng bị trừng phạt, vậy sao vua trừng phạt cả thành trong đó có nhiều người vô can khác?

2/ Thực ra đây là một cách Mt giải thích biến cố thành Giêrusalem bị tiêu hủy vào năm 70. Lúc Đức Giêsu phán dụ ngôn này thì chưa có biến cố đó, nhưng khi Mt chép Tin Mừng thì biến cố đó đã xảy ra rồi. Mt giải thích rằng đó là vì dân do thái đã từ chối lời mời của Đức Giêsu gia nhập Nước Trời, và còn giết chết Đức Giêsu.

  1. Những người được mời sau

1/ Vì dân biệt tuyển đã từ chối, cho nên Thiên Chúa mời tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. cũng như dụ ngôn lúa và cỏ dại. Nước Trời trong hoàn cảnh hiện tại gom cả kẻ tốt lẫn kẻ xấu.

2/ Nhưng nguyên sự kiện được mời như thế không có nghĩa nó là bảo đảm cho được ơn cứu rỗi. Người được mời phải có một điều kiện tối thiểu, đó là từ nay phải cố gắng có một nếp sống mới xứng đáng với Tin Mừng. Nếp sống ấy tượng trưng bằng chiếc áo cưới. Nếu ta hiểu như vậy thì mới không thấy chi tiết chiếc áo cưới là vô lý. Đến ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ đi xem xét, nếu ai không có chiếc áo cưới của nếp sống mới ấy thì sẽ bị trừng phạt.

  1. Giải thích chi tiết bản văn

c 2 – Không phải so sánh Nước Trời với ông vua, mà với toàn câu chuyện này.

c 2b – Tiệc cưới là hình ảnh quen thuộc mang ý nghĩa ơn cứu rỗi được Thiên Chúa ban tặng miễnphí (Is 25,6  55,1-3; Xh 24,11; Kh 19).

c 3 – “Nhưng họ không muốn đến dự”: Mt thích dùng động từ “muốn” này (xem 11,14  16,24  18,30  19,17  23,27b). Thiên Chúa không bó buộc ai, chỉ thích người ta tự ý muốn đáp lại lời mời của Ngài.

c 4 – “Hãy đi khắp các ngõ đường”: động từ poreuestheoun cũng là động từ được Mt dùng khi thuật lời Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (28,19). Nhà vua sai các đầy tớ đi mời ai? Mời tất cả mọi người. Ở đây ta thấy ý hướng thừa sai và ý hướng đại đồng của Mt (xem thêm 2,1-12  3,9  8,5-10  8,28-34  15,21-28  21,43)

c 11 – chi tiết này ám chỉ ngày phán xét chung.

c 13 – “Anh ta câm miệng”: Người do thái nghĩ rằng mỗi một việc lành mình làm sẽ trở thành một người bàu chữa cho mình trong ngày phán xét (tài liệu Sentences des Pères 4,13 tương tự với Kh 10,4) Người này câm miệng nghĩa là anh chẳng có một việc lành nào để bàu chữa cho anh.

  1. Kết luận

            Dân do thái đã được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời nhưng đã từ chối. Thế nhưng sự từ chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Trời, một dân mới đã được mời vào thế chỗ cho dân do thái. Thế nhưng ai được mời vào Nước Trời thì cũng phải cố gắng có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.

BÀI 51: THUẾ NỘP CHO XÊDA (22,15-22)

  1. Văn mạch

1/ Khoa lý luận của trường phái Rabbi quan tâm đến 4 bọ môn sau đây

     – Hokmâh (nghĩa đen: sự khôn ngoan): thái độ phải có đối với những người quy định của luật.

     – Haggadâh (nghĩa đen: huyền thoại): phải giải thích thế nào những đoạn Thánh Kinh bề ngoài xem ra mâu thuẫn nhau.

     – Bôrut (nghĩa đen: thô thiển): cách lý luận để biến một sự tin tưởng thành một trò cười.

     – Dèrèk.’èrèts (nghĩa đen: con đường dưới đất): những nguyên tắc cơ bản của nếp sống luân lý.

2/ Từ 22,15, Mt trình bày 4 cuộc tranh luận của Đức Giêsu với các đối thủ của Ngài với 4 đề tài tương ứng với 4 bộ môn trên:

     – 22,15-22 là một cuộc tranh luận về luật nộp thuế (Hokmâh).

     – 22,41-46 là một cuộc tranh luận dựa vào thánh kinh về vấn đề Đức Giêsu Kitô có phải là con cháu vua Đavít không (Haggadâh).

     – 22,23-33 là một cuộc tranh luận do việc kẻ chết sống lại, một điều mà phái Xađốc coi như là phi lý (Bôrút).

     – 22,34-40 là một cuộc tranh luận xem Luật nào quan trọng nhất (Dèrèk.’èrèts).

3/ Những cuộc tranh luận này cuốn hút tất cả những hệ phái quan trọng thời đó (và như thế có nguy cơ khiễn Đức Giêsu bị đụng chạm với tất cả những hệ phái đó):

     – Vấn đề nộp thuế cho Xêda: liên quan tới các hệ phái Pharisêu, Hêrôđê và Cuồng Nhiệt (Zélotes)

     – Vấn đề kẻ chết sống lại liên hệ tới phái Xađốc.

     – Vấn đề Luật nào trọng nhất liên hệ tới pháo Pharisêu.

  1. Một cái bẫy

1/ c 17 quả là một cái bẫy giăng ra để bắt Đức Giêsu: “Có nên nộp thuế cho Xêda không?”

2/ Những kẻ giăng bẫy là hai phái thường ngày đối nghịch nhau nhưng nay bắt tay nhau để hại Đức Giêsu “kẻ thù chung” của họ:

     * Phariseu chủ trương không được hy sinh sự tự do của dân Chúa để nhượng bộ trước uy quyền đế quốc Rôma đang đô hộ đất nước họ. Phái pharisêu coi việc nộp thuế cho Xêda là một sự hy sinh nhượng bộ làm nhục cho dân tộc do thái.

     * Phái Hêrôđê là phái nịnh bợ đế quốc Rôma để bảo vệ quyền lợi riêng của họ.

3/ Thiế phải nộp cho đế quốc Rôma gồm hai thứ: Thuế gián thu (thuế lưu thông, thuế đoan…) và thuế thân mà mọi người do thái (chỉ trừ trẻ con và người già) đều phải nộp. Và tiền nộp thuế phải là thứ tiền do Rôma phát hành. Vì cả phía Rôma và phía do thái đều coi việc nộp thuế cho Xêda là dấu chấp nhận quyền bính của Rôma, cho nên phái Cuồng nhiệt cấm các đảng viên của mình nộp thuế; phái phariseu tuy không cấm nhưng rất khó chịu khi phải nộp thuế.

4/ Như vậy c 17 là một cái bẫy mà Đức Giêsu khó thoát: nếu Ngài trả lời là không nên nộp thì phái Hêrôđê sẽ kết án Ngài chống lại Rôma; nếu Ngài trả lời phải nộp thì phái pharisêu sẽ dựa vào đó mà tuyên truyền hại uy tín của Ngài.

  1. Một câu trả lời tài tình

1/ Câu trả lời của Đức Giêsu (cc 18-21) gồm 3 yếu tố:

     – Ngài không ngây thơ mù quáng: các đối thủ đã đưa ra lới tâng bốc Ngài rất là lịch sự dịu dàng nhưng chứa đầy nọc độc trong đó. Đức Giêsu nói thẳng đó là trò “giả hình”.

     – Trước khi trả lời thẳng vào vấn đề, Ngài đặt lại cho họ một câu hỏi để lột mặt nạ giả hionhf của họ.

     – Sau cùng mới đưa ra câu trả lời vừa giải đáp ổn thỏa điều họ muốn hỏi, vừa đưa vấn đề đi xa hơn.

2/ Câu hỏi của các đối thủ: Khởi sự họ chào Ngài bằng tước hiệu Rabbi(c 16), một tước hiệu rất danh dự. Tiếp đến là cả một lô lời khen tặng: Thầy chân thật, ngay thẳng, không thiên vị ai… Và cuối cùng mới thò cái đuôi chứa đầy nọc độc ra “Có nên nộp thuế cho Xêda không?” (c 17), Đức Giêsu biết ngay sự thâm độc của họ nên ngay tức khắc Ngài nói “Đố giả hình” (c 18).

3/ Đức Giêsu hỏi lại “Hãy đưa ta xem đồng tiền”. Đương nhiên họ phải đưa đồng Denier ra, vì chỉ có thể dùng đồng tiền này để nộp thuế, bởi nó do Rôma phát hành. Trên mặt đồng Denier có khắc hình hoàng đế Tibère. Đức Giêsu hỏi tiếp “Hình và hiệu này của ai?”. Họ phải nhận là của hoàng đế, Nguyên sự kiện họ đã dùng đồng tiền do Rôma phát hành, với hình và hiệu của hoàng đế Rôma. Cũng cho thấy rằng một cách nào đó họ đã chấp nhận quyền bính của Rôma. Thế thì chẳng còn gì phải thắc mắc bối rối nữa, Đức Giêsu cho rằng vấn đề này nhỏ mọn chẳng đáng quan tâm.

     Ngài đưa vấn đề tới chỗ quan trọng đúng của nó “Của Xêda thì trả cho Xêda, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”. Theo Ngài điều quan trọng là bổn phận đối với Thiên Chúa. Đây là điểm mà Ngài nhiều lần nhắc đi nhắc lại (6,33 Ưu tiên tìm Nước Thiên Chúa; 5,39-42 dù phải hy sinh bất cứ thứ gì cũng đáng). Câu trả lời này không nhằm đối lập hai phạm vi (Nhà Nước và GH), cũng không nhằm khuyên tùng phục thế quyền, mà chủ yếu là đặt việc nào vào đúng chỗ ấy: câu hỏi về việc nộp thuế cho hoàng đế xếp thật xa đàng sau bổn phận đối với Thiên Chúa.

4/ Kết quả là những quyền lợi của hoàng đế không hề bị xúc phạm, trái lại bổn phận đối với Thiên Chúa cũng được nâng cao. Các đối thủ chỉ hỏi về bổn phận với hoàng đế. Đức Giêsu nhắc họ một bổn phận khác cao hơn là bổn phận đối vớí Thiên Chúa. Như vậy Ngài vừa trả lời, vừa dạy thêm cho họ một bài học.

  1. Giải thích chi tiết

c 16 – Rabbi: Trong Mt, các môn đệ không hề gọi Đức Giêsu là Rabbi, mà gọi Ngài là “Chúa” (Kurie). Những kẻ gọi Đức Giêsu là Rabbi là Ký lục, Biệt phái, Xađốc (8,19  9,11 12,38  22,16.24.36) thu thế (17,24), người thanh niên giầu có (19,16) và Giuđa (26,25-49). Phần Đức Giêsu thì bảo các môn đệ đừng gọi mình như thế (23,7-8).

c 17 – “Có được phép… không?”: đây là câu hỏi mà những người do thái thường đặt ra và các Rabbi thường phải trả lời để giải đáp những nố lương tâm. Chú ý thể thụ động thần thiêng: ai cho phép? Chính Thiên Chúa. Vì vậy ý nghĩa rõ ràng của nó là: Theo ý Chúa, có nên nộp thuế cho Xêda? Hay nói đúng hơn: Phải chăng Thiên Chúa không cho phép nộp thuế cho Xêda?

c 21 – “Của Xêda thì trả cho Xêda”: giáo huấn do thái cũng vẫn dạy rằng quyền bính là do Thiên Chúa ban (Ds 2,21  2,37-38; Cn 8,15-16), cho nên Đức Giêsu cũng dạy phải tôn trọng những người cầm quyền(Ga 19,11) và Phaolô cũng dạy thế (Rm 13,1-7).

BÀI 52: VẤN ĐỀ KẺ CHẾT SỐNG LẠI (22,23-33)

c 23 – Phái Xađốc gồm những tư tế thuộc dòng tộc tư tế Xađốc. Họ chỉ nhìn nhận 5 quyển của bộ Ngũ Thư là Sách Thánh. Và bởi vì mặc khải của Thiên Chúa trong Ngũ thư chưa nói về vấn đề kẻ chết sống lại (là điều sẽ chỉ được nói trong sách Đaniên 12,2-3), cho nên phái này không nhìn nhận kẻ chết sống lại. Phần Đức Giêsu thì dạy kẻ chết sống lại (Cv 23,8).

2428 – Muốn tấn công Đức Giêsu phái Xađốc đưa ra một ví dụ tầm thường để chế giễu niềm tin vào việc sống lại, cho rằng đó là một phi lý. Họ dựa vào luật Lêvirát (Lv 25,5) để giả sử trường hợp 7 anh em sử dụng luật này để cùng cưới 1 phụ nữ làm vợ. Vậy nếu có việc kẻ chết sống lại thì hoàn cảnh sẽ rất lố bịnh: nàng sẽ là vợ của ai đây?

29 – Thực ra lập luận trên hoàn toàn sai vì lấy chuyện đời này để giải thích chuyện đời sau. Việc vợ chồng là việc đời này: vì đời này cần sinh con đẻ cái để lưu truyền nòi giống nên mới cần có vợ có chồng. Còn đời sau không cần lưu truyền nòi giống nên không cần cuộc sống vợ chồng.

     * “Sẽ giống như các thiên thần trên trời”: các thiên thần không lo việc gì khác ngoài việc phụng thờ Thiên Chúa. Trong cõi đời sau người ta cũng thế.

BÀI 53: GIỚI RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (22,34-40)

  1. Văn mạch

Đây là một trong 4 cuộc tranh luận cua Đức Giêsu với các đối thủ. 4 vấn đề được tranh luận này cũng là những vấn đề mà người do thái thời Đức Giêsu hay thắc mắc nhất.

  1. Quan điểm của đối thủ

            Khi các rabbi do thái kể ra nhiều khoản luật thì luôn luôn nhằm mục đích cho rằng chúng quan trọng như nhau. Sau đây là một số văn bản chứng mình điều đó.

     – Tài liệu Mekhilta chú giải Xh 6: “Ai vi phạm tất cả các giới răn, tức là quăng bỏ cái ách, bẻ gãy giao ước và lộ bộ mặt chống Luật của mình ra; cũng thế ai vi phạm chỉ một giới răn thôi cũng là quẳng ách, bẻ gãy giao ước và lộ bộ mặt chống Luật”.

     – Tài liệu Sifrê giải thích Đnl 12,28: “Ngươi hãy xem giới răn nhẹ cũng quý như giới răn trọng”.

     – Tài liệu Sifrê chú giải Đnl 13,19: “Khởi sự nghe ít thì kết thúc sẽ nghe nhiều… ngươi phải quý chuộng một giới răn nhẹ cũng như một giới răn trọng”.

     – Tài liệu Sifrê chú giải Đnl 19,11: “Nếu vi phạm luật ‘hãy yêu thương cận nhân như chính mình ngươi’ thì cuối cùng sẽ vi phạm luật ‘không được báo thù, không được ghét người, cho tới luật không được đổ máu”.

            Thứ quan niệm vụ luật tỉ mỉ như thế có khi sinh ra niềm vui chân thành vì vâng phục, có khi sinh ra óc tự mãn (Lc 15,29), và có khi lại sinh ra bối rối lo âu đối với những người không giữ nổi mọi khoản luật (Mt 19,18). Theo truyền thống hội đường, luật gồm 613 khoản, trong đó 365 khoản cấm và 246 khoản buộc. Vì nhiều quá nên có nhiều cố gắng tóm chúng lại trong một số lượng ít hơn, chẳng hạn Đavít đã tóm lại trong 11 khoảng (Tv 15,2-5), Isaia tóm thành 6 (Is 33,15), Mikha thành 3 (Mi 6,8), Amos thành 2 (Am 5,4), Khabacúc thành một (Kbc 2,4). Tuy nhiien chưa ai vượt qua được cái óc phân tích tỉ mỉ ấy cả.

  1. Nét độc đáo của Đức Giêsu

1/ Những ý tưởng về yêu mến Thiên Chúa và yêu mến cận nhân cũng đã có sẵn từ lâu trong Cựu Ước và trong do thái giáo. Điểm độc đáo của Đức Giêsu là liên kết hai điều đó lại, và tập trung tất cả mọi khoản luật vào đó. Trong Cựu Ước tuy có ghi hai điều này, nhưng hai điều này được ghi rời rạc cách nhau rất xa. Riêng những điều luật yêu thương cận nhân thì tuy có nhưng không được nhấn mạnh bao nhiêu (thí dụ Lv 19,18).

2/ Liên kết: Mặc dù Đức Giêsu nói đến Mến Chúa là “giới răn đầu tiên”, và yêu người là “giới răn thứ hai”, nhưng Ngài còn nói thêm chữ “Như thế”! Ta phải chú ý hiểu cho đúng: thứ nhất và thứ hai đây không phải là một cái hạng nhất và một cái hạng nhì, nhưng cả hai đều là “như nhau”. Nhưng “như nhau” cũng không phải là đồng nhất với nhau. Do đó đừng cho rằng Mến Chúa cũng là Yêu Người, cho nên chỉ cần lo Mến Chúa là đủ. Yêu Người cũng là Mến Chúa, cho nên chỉ cần Yêu Người là đỉ. Hiểu cho thật đúng phải là: Mến Chúa và Yêu Người là quan trọng như nhau. Do đó không được coi nhẹ và bỏ qua cái nào cả: phải Mến Chúa và phải Yêu Người.

3/ Tập trung: Đức Giêsu nói: “Tất cả Luật Môsê và lời các Ngôn sứ đều quy về hai giới răn ấy”. Phải chăng chỉ cần giữ hai giới răn ấy rồi có thể bỏ qua mọi giới răn khác? Không hẳn là như vậy, tuy nhiên cũng gần như vậy. Bởi vò nếu ai thật sự giữ thật tốt hai giới răn này thì đương nhiên cũng là giữ hết tất cả những giới răn khác.

  1. Giải thích từ ngữ

c 41 – Biệt phái tụ tập với nhau: Câu này tương tự với câu “Vua chúa trần gian tụ tập với nhau… để chống lại Thiên Chúa và Đức Kitô của Ngài” trong Tv 2,2. Sau này Mt lại dùng động từ “tụ tập” này khi mô tả  các lãnh tụ do thái họp nhau mưu hại Đức Giêsu (26,3).Vậy ở đây khi dùng động từ này. Mt có ý rằng cuộc tranh luận này là báo trước cuộc đối đầu quyết liệt sau này sẽ đưa Đức Giêsu đến cái chết.

c 37 – Hết lòng, hết linh hồn, hết tâm tư: khi kể ra liên tiếp các cơ năng như vậy thì không có nghĩa là “cộng lại” (sens cumulatif) mà chỉ có nghĩa là “toàn thể” (sens total). Vả lại người do thái không có quan niệm nhị nhuyên hay tam nguyên. Do đó chỉ cần nói một cơ năng thôi (chẳng hạn “hết lòng”) thì cũng đủ là toàn thể con người rồi. Ở đây sở dĩ nói tới 3 cơ năng là để nhân mạnh thêm thôi. Tóm lại, ý nghiac câu này là phải yêu mến với toàn thể con người mình.

  1. Kết luận

            Thực ra Đức Giêsu không dạy điều gì mới (Giới răn mới thì sau này Đức Giêsu mới tuyên bố), mà chỉ vạch cho người ta thấy giá trị đích thực của hai giới răn Mến Chúa và Yêu Người vốn có sẵn trong Cựu Ước: chúng là quan trọng nhất, quan trọng ngang nhau và là cốt tủy mọi giới răn khác. Những ý này chưa người do thái nào dù là người thông thái đến đâu đi nữa có thể nhận ra.

BÀI 54: ĐỨC GIÊSU LÀ CON CỦA AI (22,41-46)

41-42 – “Những người pharisêu đang tụ tập thì Đức Giêsu hỏi họ”: trong 3 cuộc tranh luận trước, các đối thủ Đức Giêsu chủ động hỏi Ngài trước. Còn trong cuộc tranh luận này chính Ngài lên tiếng hỏi.

     – Ngài hỏi ai? Đối tượng khác nhau tùy mỗi quyển Tin Mừng. Trong Lc thì hỏi giới thông giáo; trong Mc thì hỏi “đám đông dân chúng đang thích thú nghe Ngài giảng”; còn trong Mt thì hỏi biệt phái.

     – Câu hỏi là “Đức Kitô là con của ai?”

     – Họ đáp: “Con của vua Đavít”: có một truyền thống được giới pharisêu và thông giáo rao giảng là Đấng Messia là con cháu của vua Đavít. Truyền thống này dựa trên 2Sm 7,14-17. Người bình dân thường gọi như vậy (Người mù thành Giêricô 20,30; dân thành Giêrusalem 21,9). Nhưng Đức Giêsu không tự xưng mình như vậy vì tước hiệu này dễ gây hiểu lầm về một Đấng Messia chính trị và quân sự. Cho nên Ngài sẽ giải thích rõ hơn cho dân hiểu.

c 43: Đại khái lậpluận của Đức Giêsu là:

     – Người ta (cụ thể là pharisêu và thông giáo) nói Đấng messia là Con vua Đavít.

     – Nhưng Tv 110 (mà người ta vẫn tin Đavít là tác giả) lại viết rằng chính vua Đavít gọi Đấng Messia là “Chúa Thượng”.

     – Vậy thì Đấng Messia là con cháu của Đavít thế nào?

     Câu hỏi bỏ lửng không trả lời của Đức Giêsu nhằm xóa đi một cách hiệu quả đơn sơ về liên hệ giữa Messia với Đavít. Ngài muốn người ta phân biệt rõ

     – Xét về huyết thống thì Messia quả thực là cin cháu của Đavít.

     – Nhưng xét về thiên chức thì Messia trổi vượt Đavít, Ngài là “chúa” của vua Đavít.

BÀI 55: CHỐNG GIỚI LUẬT SĨ VÀ BIÊỴ PHÁI GIẢ HÌNH (23,1-12)

  1. Văn mạch

     Chương 23  được một số chuyên viên đặt tên là “Diễn từ chống biệt phái”. Diễn từ này gồm 3 phần:

     – Phần 1 (đoạn ta đang nghiên cứu đây: 23,1-12 là những lời Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ. Bàn về lời nói và việc làm của giới luật sĩ và biệt phái.

     – Phần 2 (cc 13-36) làm thành cái nhân của bài diễn từ, trong đó Đức Giêsu đưa ra 7 lời chúc dữ hai giới đó.

     – Phần 3 (cc 37-39) Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem sắp chịu cảnh tàn phá.

     Phần 1 này cũng gồm hai đơn vị đối xứng nhau: cc 2-7 với đại từ họ, nói về hai giới luật sĩ và biệt phái; cc 8-12, với đại từ Các con nói tới cách cư xử của môn đệ và quần chúng phải có.

  1. Quyền giảng huấn

     Từ thời hy lạp hóa về sau (từ năm 333 tr,c,n., Alexandre đại đế chiếm miền Tiểu Á và mở nang văn hóa hy lạp khắp miền), dân do thái quen xem Môsê như một bậc thầy (Gio 9,28) được Thiên Chúa đặt ngồi trên Tòa (chaire kathedra) trên núi Sinai. Thểồi giới Rabbi đã  lập ra một bảng phổ hệ thiêng liêng những kẻ làm  phát ngôn viên và giải thích luật Tôrah. Bảng phổ hệ này bắt đầu từ Môsê, Giôsuê, các kỳ lão, các ngôn sứ, đến những “người của Hội đường” và đên tận các Rabbi đương thời. Thuật ngữ “ngồi trên tòa của Môsê” cho thấy tính liên tục của nhiệm vụ ấy. Như vậy vào thời Đức Giêsu, dư luận chung đều nhận quyền giảng huấn của giới Luật sĩ và biệt phái.

  1. Giải thích bản văn

c 1 – Những lời này Đức Giêsu không nói thẳng với giới Luật sĩ và Biệt phái, mà nói với quần chúng và môn đệ. Nghĩa là Ngài không tấn công giáo thuyết của giới Luật sĩ và Biệt phái. Lập trường của Ngài là đứng giữa quần chúng và giới đang nắm quyền giảng huấn, mục đích là giải thóat quần chúng khỏi cái ách kông vác nổi mà giới giảng huấn đang đặt lên vai họ. Chính đâymới là lý do khiến giới giảng huấn giết Ngài (chứ không phải những điểm lẻ tẻ dị biệt về giáo thuyết). Đối với giới nắm quyền giảng huấn thời đó, Đức Giêsu không phải là một tên lạc đạo hay li giáo (như những người phái Essêni), mà là một người đấu tranh cho toàn thể dân Thiên Chúa.

c 2 –“Ngồi tòa Môsê”: Đức Giêsu không có ý nói các Luật sĩ và Biệt phái “chiếm” quyền giảng huấn một cách bất hợp pháp. Nội dung toàn thể đoạn này cho thấy Đức Giêsu không chống lại cơ chế giảng huấn, cũng không chống những người những người đang nắm quyền đó, mà là chống một điểm khác.

     – “Tòa Môsê”: là địa vị của các Rabbi, có nhiệm vụ giải thích và ứng dụng luật Môsê. Đức Giêsu nhìn nhận quyền và địa vị này của họ.

c 3 – Vì đã nhìn nhận quyền giảng huấn của họ, nên Đức Giêsu khuyên quần chúng và môn đệ phải nghe những gì họ giảng dạy. Điểm thứ nhất Đức Giêsu tố cáo là lời họ nói không đi đôi với việc họ làm. Lời tố cáo này là nhằm vào tập thể chứ không phải nhằm vào những cá nhân của tập thể giảng huấn. Vì thực ra có những cá nhân Rabbi rất mẫu mực, vừa nói vừa làm. Hơn nữa những tài liệu của giới Rabbi cũng dạy phải thực hành điều mình nói chắng hạn: Tài liệu Sifrê giải thích Lv 26,3 viết “Kẻ dạy mà không thực hành thì thà nó đừng được dựng nên còn hơn”; tài liệu Yebamot viết “Đẹp thay những lời nóí trong miệng kẻ thực hành những lời đó”.

c 4 – Ngôn ngữ do thái thường dùng chữ “gánh” để chỉ “Luật”. Thuật ngữ “gánh nặng” áp dụng cho biệt phái ở đây tương phản hẳn với thuật ngữ “gánh nhẹ” áp dụng cho luật mới của Đức Giêsu (11,30). Tuy nhiên, điều Đức Giêsu tố cáo ở đây không phải là tính nặng nề khắt khe của luật do biệt phái giải thích, mà là thái độ giả hình của họ: “họ không muốnlàm” (động từ “muốn” là một động từ Mt vẫn thường xử dụng), nghĩa là khắt khe với người khác, nhưng lại quá dễ dãi với chính mình.

c 5 – Đây là lời tố cáo thứ hai của Đức Giêsu: tính phô trương của biệt phái. Ở đây Mt chẳng những dùng lại đúng y chủ đề mà còn cả những ngữ vựng của phần thứ hai trong Bài giảng trên núi (6,1   6,16-18).

     – “Thẻ kinh”: là Phylactères, tức là những hộp nhỏ hình vuông bằng da trong đó đựng 4 đoạn Thánh Kinh: Đnl 11,13-22   6,4-9; Xh 13,11-16 và Xh 13,2-10. Những đoạn Thánh Kinh này tóm nội dung chính của Luật, một người Israel từ lúc 13 tuổi phảimang một thẻ kinh trên trán và một thẻ kinh trên cánh tay trái. Mỗi ngày thường (ngày lao động) vào buổi sáng họ phải đọc rằng: “Xin chúc tụng Giavê, Thiên Chúa, Vua vũ trụ vì Ngài đã dùng các giới răn của Ngài mà thánh hóa chúng con, và đã truyền chúng con mang những thẻ kinh”.

     “Tua áo”: Ds 15,37-39 dạy rằng người Israel phải buộc những tua vải vào 4 góc gấu áo để nhắc họ nhớ thi hành những giới răn Thiên Chúa

     – Điều Đức Giêsu tố cáo không phải là sự kiện mang thẻ kinh và tua áo, nhưng là cách họ cố tình làm cho những thẻ kinh và tua áo ấy lớn hơn, rộng hơn với dụng ý là cho người ta thấy  mà khen họ đạo đức.

c 6 – “ghế nhất trong Hội đường”: những ghế này quay lưng về giảng đài và quay mặt về dân chúng. Nghĩa là ghế chủ tọa.

c 7 – “Vái chào”: Luật Rabbi buộc “phải chào kẻ cao hơn mình về phương diện hiểu biết Luật. Như vậy thích được chào có nghĩa là thích được người ta nhìn nhận mình hiểu biết Luật hơn người.

     “Thầy”: Rabbi. Thời Mt biên soạn Tin Mừng, chữ Rabbi là một tước hiệu cao quý dành cho những nhà lãnh đạo tôn giáo và những chuyên viên Luật lỗi lạc nhất.

c 8 – “Đừng muốn được xưng hô là Rabbi”: nguyên bản “đừng tìm cách cho người ta gọi mình là Rabbi”. Liên hệ với Ga 13,13-14 thì chỉ Đức Giêsu Kitô mới là Rabbi thật.

c 9 – “Cha”: Abba. Con cái vẫn gọi cha mình là Abba. Ngoài ra học trò cũng gọi người dạy mình là Abba (2V 2,12; Cn 4,1; 1Cr 4,14-17; Ga 4,19; 2 Tim 1,2; Ti 1,4; 1P 5,13; 1Ga 2,1-12…). Trong GH Công giáo tín hữu vẫn quen gọi một số vị lãnh đạo là Cha (như Abbé, Pape…). Điều Đức Giêsu tố cáo ở đây không phải là những cách xưng hô kể trên, mà là tham vọng muốn chiếm đoạt tước hiệu dành riêng cho Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô.

c 8-10 – “Vì các con chỉ có một Thầy… vì các con chỉ có một Cha… vì các con chỉ có một Tôn sư…”: nguyên tắc này vừa buộc các vị lãnh đạo trong GH phải khiêm nhường, nhưng cũng vừa tang uy tín cho các vị ấy. Các vị ấy được tín đồ gọi là Thầy, là Cha, là Tôn sư không phải do bản chất của các vị, mà chỉ vì các vị thông phần tước hiệu của Thiên Chúa và Đức Kitô.

c 11 – Nguyên tắc đề ra cho kẻ lãnh đạo là phục vụ

c 12 – Phải được hiểu trong tương quan với c 11 trên đây. Bởi vậy không hiểu được câu này nói về sự thay đổi thân phận khiến kẻ cao thành thấp và kẻ thấp thành cao, mà phải hiểu: Ai phục vụ thì được tôn lên. Những động từ “được tôn lên” và “hạ xuống” là những động từ ở thể thụ động thần thiêng, hiểu ngầm là Thiên Chúa.

  1. Kết luận

1/ Trong đơn vị thứ nhất về những người đang nắm quyền giảng huấn, Đức Giêsu không đả kích quyền giảng huấn ấy, nhưng Ngài:

     – Vừa công nhận quyền giảng huấn của họ.

     – Vừa nhắc họ phải nhớ đến bổn phận thực hành điều họ dạy.

     – Vừa trách họ đã bất xứng với quyền được trao.

2/ Trong đơn vị thứ hai về các môn đệ và quần chúng. Đức Giêsu không đả kích thói quen gọi một số người là Thầy, Cha và Tôn sư. Cái Đức Giêsu đả kích là tham vọng chiếm đoạt những vinh dự thực ra chỉ dành cho Thiên Chúa và Đức Kitô, từ tham vọng đó người ta làm đủ cách để được người khác gọi một cách không chính đáng bằng những tước hiệu đó.

3/ Muốn tránh khỏi rơi vào những sai lầm kể trên, có một cách mà Đức Giêsu khuyên tín hữu mình, ấy là phải có tinh thần phục vụ, và chính Đức Giêsu đã làm gương về điều này (Mt 20,26-27; Lc 22,24-30; Ga 13,13-16).

BÀI 56: BẢY LỜI KHIỂN TRÁCH (23,13-26)

  1. “Khốn cho các ngươi”

     Đoạn này có kiểu nói “Khốn cho các ngươi” được lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc. Kiểu nói quá nặng! Nhưng ta phải lưu ý một số điều:

1/ Đây là một văn thể mà các ngôn sứ Cựu Ước quen dùng. Khi dùng văn thể này, tác giả không có ý nguyển rủa mà chỉ nhằm 2 ý: một là diễn tả nỗi đau đớn sâu xa của lòng mình; hai là đe dọa để hối thúc người ta ăn năn hối cải.

2/ Nếu như giọng điệu của văn thể này hơi nặng lời, ta cũng cần biết rằng đó không phải là những điều chính xác của Đức Giêsu lịch sử của những năm 28-30, mà là những lời được thuật lại bởi cộng đoàn Kitô vào những năm của thập niên 80 (sau hội nghị Jamnia), khi đó kitô hữu là nạn nhân của nhiều hình thức bách hại gây ra bởi những người pharisêu.

            Nếu đếm thì ta thấy có tất cả 8 lời “khốn cho các ngươi”. Tuy nhiên vì những thủ bản có uy tín không chép câu 14, cho nên các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả chỉ có 7 lời thôi.

  1. Bảy lời khiển trách

1/ KHÓA CỦA NƯỚC TRỜI (13)

     Claude Tassin nói rằng lời khiển trách đầu tiên này chỉ đạo tất cả những lời khác phía sau.

– “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình”: đối tượng bị Đức Giêsu khiển trách là các kinh sư và pharisêu. Đức Giêsu trực tiếp trách thẳng họ.

Các ngươi khóa cửa Nước Trời… Các ngươi đã không vào, mà nững kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào”: các kinh sư và pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự  họ là những người nắm giữ chìa kháo “Nước Trời”. “Nước Trời” ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa: (a) Đó là GH thập niên 80: nhiều người do thái muốn gia nhập GH những bị các kinh sư và pharisêu ngăn cấm; (b) Đó là GH cách chung: những luật lệ do các kinh sư và pharisêu đặt ra quá khắt khe tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không thể vào GH (CGKPV). Chính họ không muốn vào GH, còn những người khác muốn vào thì họ cũng ngăn cản không cho.

2/ TRUYÊN GIÁO (15)

– “Khốn… Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”: những người do thái, đặc biệt là các kinh sư và pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.

3/ NHỮNG KẺ DẪN ĐƯỜNG MÙ QUÁNG (16-22)

– “Khôn… nững kẻ dẫn đường mù quáng…”: Những người do tháilo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù” (Rm 2,19). Đức Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù! Để lấy một bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng. Đức Giêsu đề cập đến các lời khấn hứa có kèm theo lời thề. Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những thứ lời thề này đã bị Bài giảng trên núi bác bỏ (5,33-37). Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài Đến Thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một thứ đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như thế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.

4/ THUẾ THẬP PHÂN (23-24)

– “Khốn… các ngươi nộp thuế thập phân về… mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật…”: để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với Lề Luật, các kinh sư và pharisêu buộc người ta những cái tỉ mỉ thật phụ thuộc mà Luật không hề nói đến (chẳng hạn bạc hà, thì là, rau muống… so sánh với Lv 24,30-33   Đnl 14,22tt); trong khi đó lại không quan tâm gì đến những điều căn bản và chính yếu của Luật, đó là Công Bình, lòng nhân và thành tín.

5/ RỬA SẠCH BÊN NGOÀI CHÉN ĐĨA (25-26)

– “Khốn… các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa, những bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”: các kinh sư và pharisêu rất coi trọng việc rửa tay chân chén đĩa… và đã từng tranh luận với Đức Giêsu về vấn đề này (15,10-20). Đức Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (“trộm căp và vô độ”) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới cái bên ngoài.

6/ NHỮNG MỒ MẢ TÔ VÔI (27-28)

– “Khốn… các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy dãy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế…”: Đức Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần lễ Vượt Qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõmà tránh kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (Ds 19,16). Đức Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sư thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ”.

7/ XÂY MỒ CHO CÁC NGÔN SỨ (29-32)

– “Khốn… cho các ngươi xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính… “: Một mặt họ xây mồ cho các ngôn sứ để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy,  nhưng mặt khác họ căm thù chính Đức Giêsu mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy dấu tội của tổ tiên họ” vì tổ tiên họ chỉ giết các ngôn sứ, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia. (CGKPV).

LỜI ĐE DỌA CUỐI CÙNG (33-36)

c 33-34 Kể ra những tổn hại mà các kinh sư và pharisêu gây ra:

     “Ta sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các ngươi”: kiểu nói này chỉ nững thừa sai kitô giáo sau này.

     – “Các ngươi sẽ giết… đóng đinh… đánh đòn… lùng bắt…”: Đức Giêsu tiên báo số phận các thừa sai của GH, cũng giống số phận các ngôn sứ Cựu Ước.

c 35-36 đưa ra lời tuyên án: máu các thừa sai ấy sẽ đổ xuống trên đầu những kẻ hữu trách do thái, tức các kinh sư và pharisêu.

     “Từ máu ông Aben… đến máu ông Dacaria… “:Đức Giêsu dùng kiểu nói bao hàm, chỉ cần kể ra tên hai người công chính đầu tiên và cuối cùng của Cựu Ước đã bị giết là Aben và Dacaria, để có ý nói chung tất cả những người công chính bị bách hại.

BÀI 57: TRÁCH THÀNH GIÊRUSALEM (23,37-39)

            Sau khi khiển trách các kinh sư và pharisêu. Đức Giêsu trách cứ thành Giêrusalem. “Thành Giêrusalem” ở đây phải được hiểu chẳng những là thành phố và Đền Thờ mang tên Giêrusalem, mà còn là dân thành và tất cả các dân do thái đã từ chối Đức Giêsu.

            Bài khiển trách có thể chia thành 3 phần:

1/ VẠCH TỘI (37)

     – Họ đã bách hại các sứ giả của Thiên Chúa, gồm các ngôn sứ của Cựu Ước, chính Đức Giêsu và các thừa sai Tân Ước.

     – Đức Giêsu dùng lại hình ảnh của Đnl 32,11 so sánh Thiên Chúa như con đại bàng xòe cánh che chở lũ con bé nhỏ của mình.

     – Một tấm lòng yêu thương ưu ái như thếmà dân do thái đã từ chối.

2/ TUYÊN ÁN (38)

     – “Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi”: Thiên Chúa không còn coi Giêrusalem là “nhà” của Ngài nữa, nó sẽ chỉ là “nhà của các ngươi” và Thiên Chúa không che chở các ngươi nữa, để mặc họ lo số phận Giêrusalem.

     – Câu này ám chỉ đến biến cố năm 70, Giêrusalem bị tàn phá.

3/ TUYÊN BỐ ĐOẠN TUYỆT (39)

     – “Từ nay các ngươi sẽ không thấy Ta nữa”: Thiên Chúa bỏ Giêrusalem.

     – “cho đến khi các ngươi nói: chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”: Những chữ “chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” là trích Tv 118 nói đến ngày Đức Giêsu tái lâm. Tới ngày đó dân do thái sẽ đọc câu Tv này trong niềm hối hận, nhưng khi đó thì đã quá muộn rồi!