Hướng Dẫn Gia Đình Tham Dự Tuần Tam Nhật Cầu Nguyện Trong Dịch Bệnh Virus Corona

print

Hướng Dẫn Gia Đình Tham Dự Tuần Tam Nhật

Cầu Nguyện Trong Dịch Bệnh Virus Corona

Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16)

Nguồn Gp Xuân Lộc

Tải về file word (đã dàn trang)

GIA DINH CAU NGUYEN TRONG DAI DICH CORONA

 

  1. CHƯƠNG TRÌNH (để tham dự)
  2. Chúa Nhật (09/02/2020)
  3. Thánh Lễ: Khẩn cầu Chúa Cha – Đấng Tạo Dựng.
  4. Kinh Tối Gia Đình: lúc 19g30 (có thể đổi tùy gia đình).
  5. Thứ Hai (10/02/2020)
  6. Thánh Lễ: Khẩn cầu Chúa Con – Đấng Cứu Độ.
  7. Chầu Thánh Thể: lúc 19g30 (thay đổi tùy giáo xứ).
  8. Thứ Ba (11/02/2020): ĂN CHAY – SÁM HỐI – ĐỀN TỘI
  9. Thánh Lễ: Khẩn cầu Chúa Thánh Thần – Đấng Thánh Hóa.
  10. Chầu Thánh Thể: Kính Tôn Lòng Chúa Thương Xót.

Xin mỗi người hoặc mỗi gia đình thực hiện một chuỗi Kinh Mân Côi riêng. 

  1. Ý CẦU NGUYỆN

Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16)

  1. Xin cho gia đình chúng ta biết xúc động, xót thương và đồng cảm với những anh chị em đang gặp nguy hiểm, khổ đau.
  2. Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót giải thoát thế giới khỏi hiểm họa dịch bệnh virus corona.

III. GIỜ KINH GIA ĐÌNH

  1. Làm Dấu Thánh Giá – Hát Kinh Chúa Thánh Thần

Pk1: Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

  1. Lắng nghe Lời Chúa

Chủ sự: Giờ đây, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, để Lời Chúa hướng dẫn tâm hồn và khơi sáng niềm tin nơi lòng chúng ta.

  • Một người trong gia đình đọc:

Lời Chúa trong sách Esther.                                         (4,3.17)

Trong mỗi miền, bất cứ nơi đâu mệnh lệnh và chỉ dụ của vua được chuyển tới, người ta cũng đều chứng kiến một cảnh thê lương buồn thảm: dân Do Thái ăn chay, khóc lóc, than van. Nhiều người nằm trên tro trên đất, mình mặc bao bị.

(Bấy giờ bà Esther thưa cùng Chúa rằng:) “Lạy Thiên Chúa quyền uy dũng lực trên hết thảy mọi người, xin nghe tiếng những kẻ sờn lòng nản chí. Xin Ngài giải thoát chúng con khỏi tay kẻ độc ác, giải thoát chúng con khỏi cơn sợ hãi này!” Đó là Lời Chúa

CĐ: Tạ ơn Chúa.

  1. Phần Sám Hối

Chủ sự: Trước hiểm họa diệt vong, cả dân tộc Do Thái đã ăn chay – sám hối – khẩn nguyện. Họ khiêm nhường nhận biết mình chỉ là tội nhân trước Chúa, không đáng được Chúa xót thương, và tội là căn nguyên gây nên khổ đau, sự chết. Họ cũng nhận biết mình chỉ là hư vô, không tự cứu được mình để hết lòng cậy trông vào Chúa. Sự khiêm nhường sám hối đã chạm đến trái tim của Chúa và Ngài đã ra tay uy quyền cứu giúp họ.

Theo gương người Do Thái xưa, gia đình chúng ta cũng khiêm tốn xin Chúa thứ tha tội lỗi của chúng ta, để gia đình chúng ta được tinh sạch mà dâng lên Chúa những lời khẩn xin.

Chủ sự: Tôi thú nhận … (mọi người cùng đọc)

Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

  1. Tuyên Xưng Đức Tin

Chủ sự: Gia đình chúng ta cùng nhau Tuyên Xưng Đức Tin của chúng ta trong cơn thử thách này:

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng…

  1. Lời Nguyện Chung

Chủ sự: Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài, nhất là khi chúng ta lâm cơn bĩ cực. Vì vậy, gia đình chúng ta tha thiết dâng lên Chúa lời nguyện xin:

  • Một người trong gia đình xướng các ý nguyện:

1/ Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái Chúa, xin đến giải thoát chúng con khỏi đại dịch nguy hiểm này.

Đ/ Xin Chúa nhận lời chúng con.

2/ Lạy Chúa, nhờ quyền năng và lòng nhân hậu của Chúa, xin cho các nhà khoa học sớm tìm được thuốc ngăn chặn dịch bệnh, chữa lành người bị nhiễm bệnh và cho mọi người thoát khỏi sự lây nhiễm, để nhân loại tìm lại cuộc sống yên ổn. – Đ/

3/ Lạy Chúa, mọi thành viên gia đình chúng con ít nhiều mang những chứng bệnh tâm hồn là tội lỗi, tính ích kỷ, lòng tham lam và sự kiêu căng, xin Chúa thương giải thoát chúng con khỏi dịch bệnh tâm hồn, để chúng con được tự do phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. – Đ/

Chủ sự: Lạy Chúa, Chúa đã sai Đức Kitô đến giải thoát chúng con khỏi tội và chữa lành tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Con Chúa, hết lòng yêu thương phục vụ mọi người, nhất là những anh chị em khổ đau tinh thần hoặc thể xác, để lòng thương xót của Chúa được lan rộng khắp nơi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ: Amen.  

  1. Lần Hạt Mân Côi

Chủ sự: Trong cơn nguy khốn, kinh nghiệm của Giáo Hội cho thấy chuỗi kinh Mân Côi là một phương thế tuyệt hảo để khẩn nài lòng thương xót của Chúa cứu giúp. Chúng ta cùng sốt sắng dâng lời kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới.

Chủ sự: Năm sự Thương. Thứ Nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

  • Kinh Lạy Cha, Mười kinh Kính Mừng, Sáng Danh.

Chủ sự: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc, than thở kêu khẩn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau cõi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

  • Hát Kính Đức Mẹ kết thúc: LẠY MẸ XIN YÊN ỦI

ĐK: Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương. Và tràn lan gai góc vướng trên con đường. 

  1. Ở Mẹ rất nhân từ Mẹ quên sao được hôm xưa. Lời mẹ hứa khi ở trên núi kia. Lúc mà Chúa sinh thì Mẹ đứng âu sầu lặng yên. Là Mẹ chúng con Mẹ xin lĩnh quyền. 

– Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu – Cầu cho chúng con.

– Tổng lãnh Thiên Thần Raphaen – Cầu cho chúng con.

– Thánh Rôcô – Cầu cho chúng con.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

“Một linh hồn công chính có thể xin được sự tha thứ cho ngàn kẻ tội lỗi” (Thánh nữ Maria Magarita)[1].

[1] Thánh Maria Magarita, 1001 Danh Ngôn Các Thánh, NXB Tôn Giáo, số 615.