Hướng Dẫn Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro

print

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

“Tôi đã rao giảng … kêu gọi họ sám hối và trở về cùng Thiên Chúa, đồng thời làm những việc chứng tỏ lòng ăn năn sám hối” (Cv 26,20)

***

HƯỚNG DẪN PHỤNG VỤ THỨ TƯ LỄ TRO

– Thứ Tư 26/2/2020 –

MÙA CHAY & THỨ TƯ LỄ TRO

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

  1. “Mùa Chay là thời gian lắng nghe Lời Chúa, hối cải, chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Khai Tâm Kitô giáo hay làm mới lại giao ước Bí tích Rửa Tội, giao hòa với Chúa và với anh em. Mùa Chay cũng là một cơ hội tìm tới thường xuyên hơn các phương thế khác nhau của lòng sám hối Kitô giáo[1]: cầu nguyện, ăn chay và thực thi bác ái (x. Mt 6,1-6,16-18).[2]
  2. Thứ Tư lễ Tro khai mạc Mùa Chay với Nghi Thức Xức Tro trên đầu. Cử chỉ này nhằm nhìn nhận thân phận tội lỗi, hư vô, phải chết của phận người, nên chúng ta cần đến Thiên Chúa xót thương cứu chuộc. Các tín hữu khi nhận tro cần hiểu được ý nghĩa sâu xa của cử chỉ này, để mở rộng tâm hồn thống hối và đổi mới đời sống trong mầu nhiệm Vượt Qua.

Mùa Chay là thời gian thuận lợi nhất để hướng tâm hồn tín hữu về các thực tại thiêng liêng. Điều này đòi một sự dấn thân sống Tin Mừng, đặc biệt dưới hai hình thức: khước từ mọi xa hoa không cần thiết và thể hiện tình liên đới với người nghèo, người đau khổ. [3]

  1. Trong Mùa Chay, mỗi gia đình trong Giáo xứ nên xếp đặt một chương trình cụ thể cho đời sống cầu nguyện, chay tịnh và thực thi đức ái, như siêng năng dự lễ mỗi ngày, thực hiện giờ kinh tối, giữ một vài hình thức chay tịnh thể xác và tinh thần, từng thành viên gia đình bớt chi tiêu, góp chung lại để gia đình cùng làm một việc thiện nào đó. Tất cả nhằm thăng tiến đời sống thiêng liêng của mọi người.
  2. Trong thánh lễ, linh mục nên dùng KINH NGUYỆN THÁNH THỂ “GIAO HÒA” để làm mạnh mẽ hơn lời mời gọi sám hối và hoán cải (Sách Nghi Thức Thánh Lễ tr. 142).

 

THỨ TƯ LỄ TRO

LỜI DẪN NHẬP LỄ

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Hôm nay, cùng với Hội Thánh, chúng ta cử hành thánh lễ khai mạc Mùa Chay. Khi tiến lên nhận Tro, chúng ta nhìn nhận thân phận hư vô và tội lỗi của mình, quyết tâm trở về với Chúa là nguồn mạch sự sống, Đấng duy nhất có thể ban cho con người một tương lai và niềm hy vọng kiên vững. Đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và cùng đích tối hậu của đời sống chúng ta.

Thế giới đang đầy lo âu và xáo trộn bởi dịch bệnh Corona. Con người thấy rõ hơn sự mong manh của phận người, thấy tội lỗi của họ đang gây nên đau khổ và sự chết cho mình và tha nhân, thấy sự dữ từ lòng người thật kinh khủng, vì với tham vọng ích kỷ, người ta có thể gây ra khổ đau lớn lao và cái chết cho bao người mà không chút xót thương. Ai có thể hoán cải trái tim chai đá, có thể giải thoát lòng người khỏi sự độc ác và hướng họ về sự thiện cao cả nhằm giới hạn sự dữ đang lan tràn?

Chúng ta và gia đình cũng đang có nhiều lo lắng về cuộc sống và tương lai. Tương lai tốt đẹp mà chúng ta đặt nơi thế giới này xem ra giới hạn và chóng qua. Hãy nghĩ đến những anh chị em Vũ Hán và nhiều người đang mất hết can đảm, hy vọng và phương hướng! Ai có thể ban cho con người niềm hy vọng trong tột cùng của khổ đau và sự chết? “Hy vọng cao cả, thật sự vững vàng của con người ngay cả trong mọi nỗi tuyệt vọng chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta ‘đến cùng’, đến khi mọi sự ‘đã hoàn tất(x. Ga 13,1; 19,30) [4].

Cuộc đời chúng ta và gia đình sẽ được bảo đảm chắc chắn khi trao cho thế gian thống trị hay cho Thiên Chúa dẫn dắt? Trước khổ đau và sự chết, Thiên Chúa hay khoa học có thể ban cho ta tương lai và niềm hy vọng kiên vững có sức nâng đỡ cả cuộc đời ta?

Đức Kitô, Thiên Chúa hằng sống và toàn năng đang ở đây, đang chờ đợi chúng ta, nào chúng ta hãy đến và hãy đặt đời mình, gia đình mình vào vòng tay thương xót của Người.

Kính mời cộng đoàn đứng.

I. NGHI THỨC NHẬP LỄ

  • Hát Ca Nhập Lễ.
  • Linh mục làm dấu Thánh Giá, chào chúc, rồi nói ít lời giúp giáo dân hiểu được ý nghĩa Thánh lễ mà tham dự cách tích cực.
  • Bỏ Hành động Sám Hối và đọc Lời Nguyện Nhập Lễ.

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Ge 2,12-18

“Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”

Lời dẫn: Tiên tri Gioel mời gọi chúng ta hoán cải. Đó không chỉ là thay đổi một vài hành động bên ngoài, mà là tận cõi lòng mở ra với Thiên Chúa trong tin tưởng và yêu mến, để Chúa đổ đầy chúng ta lòng thương xót và muôn ân huệ dồi dào.

  1. Đáp ca: Tv 50,3-4.5-6a,12-13, 14 và 17.
  2. Bài đọc II: 2Cr 5,20-6,2

“Hãy làm hòa với Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”

Lời dẫn: Thánh Phaolô, người đã trải nghiệm cách tuyệt vời quyền năng của ơn Chúa hoán cải, mời gọi chúng ta giao hòa với Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đã đến làm người để tẩy xóa tội lỗi và đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa.

  1. Câu xướng trước Tin Mừng: Tv 50,12a và 14.
  2. Tin Mừng: Mt 6,1-6.16-18.

“Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

  1. Giảng

NGHI THỨC LÀM PHÉP VÀ XỨC TRO

 Lời dẫn: Giờ đây là Nghi thức Làm Phép và Xức Tro. Xin cho mỗi người chúng ta khi lên tiếp nhận tro, cũng mang trọn quyết tâm sám hối trong cõi lòng và đổi mới trong đời sống. Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Nếu cử hành Thánh lễ tro sáng và chiều, nên chia tro làm hai phần, thực hiện Nghi Thức Làm Phép Tro vào cả hai lễ, để ý nghĩa của Nghi Thức được rõ ràng hơn.
  • Tại Việt Nam, Tòa Thánh cho phép chủ tế được dùng những người không có chức thánh giúp xức tro (chú thích trong Lịch Công Giáo).[5] Khi xức tro, thừa tác viên nói: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” hoặc “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về với cát bụi”.
  • Các Thừa Tác Viên không có chức thánh cần được chuẩn bị nghi thức và học trước những câu nói trên.
  • Nếu việc xức tro kéo dài, có thể chọn để đọc một hoặc hai suy niệm dưới đây chen giữa các bài hát hoặc đọc khi ca đoàn chịu tro.

1/ Suy niệm I: HỐI CẢI NỘI TÂM    (x. GLHTCG 1430-1432)

Như các tiên tri Cựu Ước, lời kêu gọi hối cải và thống hối của Chúa Giêsu, trước tiên không nhằm vào việc bên ngoài như mặc áo thô, xức tro, khổ chế, nhưng nhằm đến sự hối cải tâm hồn. Nếu không có sự hối cải nội tâm, các việc thống hối bên ngoài sẽ vô hiệu và dối trá; ngược lại, sự hối cải nội tâm thúc đẩy diễn tả tâm tình ấy bằng những dấu chỉ hữu hình, bằng những cử chỉ và những việc làm thống hối.

Hối cải nội tâm là hướng trọn cả đời sống về lại Thiên Chúa, bằng việc đoạn tuyệt với tội lỗi, quay lưng với sự dữ và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm. Hối cải nội tâm cũng bao gồm ước muốn quyết thay đổi đời sống, với niềm hy vọng vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng Ngài. Cuộc hối cải nội tâm này được kèm theo bằng sự đau khổ và buồn phiền hữu ích, được các Giáo phụ gọi là nỗi thống khổ của tâm hồn, sự cắn rứt của trái tim.

Lòng người nặng nề và cứng cỏi. Con người phải được Thiên Chúa ban cho một trái tim mới. Hối cải trước hết phải là công trình của ân sủng Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng ta trở về với Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để luôn bắt đầu lại. Tâm hồn chúng ta, một khi khám phá ra sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, sẽ bị chấn động vì sự khủng khiếp và nặng nề của tội lỗi và bắt đầu sợ không dám phạm tội xúc phạm Thiên Chúa và sợ bị xa lìa Ngài. Lòng người hối cải, khi biết nhìn lên Đấng đã bị tội lỗi chúng ta đâm thâu, đã chết vì tội lỗi chúng ta (x. Gl 2,20).

  • HÁT: …

2/ Suy niệm II: LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA VIỆC XỨC TRO

Trong Cựu Ước, tro dùng trong phụng tự biểu tượng cho u buồn, cái chết và sự thống hối (x. Gn 3, 5-6). Chúa Giêsu nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (x. Mt 11, 21). Từ thế kỷ thứ hai, Giáo Hội đã dùng tro trong nghi thức Sám Hối[6].

Khi Mùa Chay mới được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo, thì đây là thời gian dành cho những hối nhân phạm tội công khai như chối bỏ đức tin, giết người… đón nhận áo nhặm và nhận tro, bắt đầu thời gian sám hối suốt 40 ngày, chuẩn bị cho việc giao hòa với Chúa và Giáo Hội vào thứ Năm Tuần Thánh.

Vào đầu thể kỷ 11, khi hành động sám hối công khai bị bãi bỏ, thì nghi thức xức tro cho giáo sĩ và cả các tín hữu được hình thành vào đầu Mùa Chay. “Nhận tro trên đầu là nhìn nhận phận người yếu đuối và phải chết, nên cần đến với Thiên Chúa nhân từ để được xót thương và cứu chuộc. Ngày nay, việc nhận tro trên đầu còn là cử chỉ biểu lộ thái độ sám hối của mỗi Kitô hữu, nhằm mở rộng tâm hồn để hoán cải và đổi mới đời sống trong Lễ Phục Sinh”. [7]

Lòng sám hối không chỉ dừng lại ở thái độ nội tâm của mỗi người đối với Thiên Chúa, mà còn thúc đẩy dấn thân sống Tin Mừng, đặc biệt dưới hai hình thức: khước từ mọi xa hoa không cần thiết và thể hiện tình liên đới với người nghèo, người đau khổ.[8] Hành động trao ban cho người thiếu thốn phải là một phần trong sự hoán cải và đổi mới của chúng ta, bởi vì những hành vi đó kết thành tình liên đới và sự công bằng để xây dựng Nước Trời trong thế gian này. “Ơn gọi đức ái là trái tim của Phúc âm hóa”.[9]

  • HÁT: …

3/ Suy niệm III: LỜI MỜI GỌI HỐI CẢI    (x. GLHTCG 1428-1429)

Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô vẫn tiếp tục vang lên trong đời sống các Kitô hữu. Cuộc hối cải này là nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng mình những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện, Hội Thánh phải không ngừng thống hối và canh tân”[10]. Nỗ lực hối cải này không chỉ là công việc của con người. Việc thống hối là hành động của một “tâm hồn tan nát” được ân sủng lôi kéo và thúc đẩy, để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước.

Cuộc hối cải của thánh Phêrô sau ba lần chối Thầy có thể làm chứng điều đó. Cái nhìn của Lòng Thương Xót vô biên của Chúa Giêsu khiến ông bật khóc thống hối và, sau khi Chúa sống lại, ông đã ba lần khẳng định tình yêu của ông đối với Người.

“Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta tự lừa dối mình” (1Ga 1,8), vì vậy, chúng ta phải ngước nhìn Chúa và thành khẩn thưa lên: “Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19,13).

  • HÁT: …
  1. Lời Nguyện Chung
  • Xức tro xong, mời cộng đoàn đứng để dâng Lời Nguyện Chung.

 LM: Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian ân sủng thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa nhìn lại đời sống, thanh tẩy tâm hồn, trở về với Chúa để khơi lớn niềm vui cứu độ. Tin tưởng vào lòng xót thương của Chúa, chúng ta sốt sắng nguyện xin:

  1. Chúa nói: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh”. Xin cho các Kitô hữu biết siêng năng dự lễ và cầu nguyện riêng với Chúa, thực thi đức ái, thực hành chay tịnh và sám hối trong Mùa Chay này, để nhờ ơn Chúa giúp mà sống thánh thiện hơn.
  2. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát”. Xin cho các bạn trẻ sáng suốt nhận ra cơ hội quý báu của Mùa Chay Thánh, thật lòng trở về với Chúa, canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng, để tìm thấy ý nghĩa đích thực cho đời mình.
  3. Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa”. Xin cho gia đình nhân loại đang gặp khó khăn trong dịch bệnh virus corona vững lòng tin tưởng nơi Chúa, quyết tâm sám hối tội lỗi, tha thiết kêu cầu lòng Chúa thương xót cứu thoát và ban ơn bình an.
  4. Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa”. Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết tận dụng Mùa Chay này, chuyên cần cầu nguyện, tập luyện nhân đức, thực thi đức ái, để ngày càng yêu mến Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa hơn.

LM: Lạy Chúa, Chúa hằng muốn cho kẻ tội lỗi ăn năn sám hối để được sống. Xin giúp chúng con thực tâm hoán cải trở về với Chúa, quyết tâm sống đời đạo đức giữa muôn cám dỗ trần gian, và hiệp thông yêu mến tha nhân nhiều hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  

III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

  • Nên đọc Kinh Nguyện Thánh Thể “Giao Hòa” I hoặc II (Sách Nghi Thức Thánh Lễ tr. 142 hoặc 147).
  1. NGHI THỨC KẾT LỄ

Phép Lành Trọng Thể

  • Trích Sách Lễ Rôma trong thánh lễ Hòa Giải tr. 936.

LM: Chúa ở cùng anh chị em.

CĐ: Và ở cùng cha.

  1. Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, đã cho anh chị em được hòa giải với Người nhờ Đức Kitô, xin Người thương tuôn đổ ơn phúc làm cho lòng tin cậy mến của anh chị em được củng cố vững vàng.

CĐ: Amen.

  1. Anh chị em đã tin tưởng bước theo Đức Kitô, xin Người ban ơn cho anh chị em một tâm hồn cởi mở để yêu mến tha nhân, và nhờ đó sẵn sàng đón nhận ơn Chúa trong thời gian cứu độ này, đồng thời cũng trở nên ánh sáng chiếu soi mọi người chung quanh.

CĐ: Amen.

  1. Đức Kitô đem lại cho chúng ta ơn hòa giải, xin Người cho anh chị em được sống và hoạt động trong bình an của Người. Xin Người cho tâm hồn anh chị em được vui mừng hoan hỷ và sau hết, xin Người dẫn đưa anh chị em vào cõi phúc trường sinh.

CĐ: Amen.

LM: Và xin phép lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con và Thánh Thần, xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.

CĐ: Amen.

LM: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an.

CĐ: Tạ ơn Chúa.

 

[1] x. MISSALE ROMANUM, Feria IV Cinerum, Collecta.

[2] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, 17/12/2001, số 124.

[3] Sđd, số 125.

[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, 30/11/2007, số 27.

[5] Thực ra, Nghi thức Làm Phép và Xức Tro trong Sách Các Phép, số 1062 có ghi: “Nghi thức này có thể được cử hành bởi một linh mục hay phó tế, và có thể được trợ giúp bởi các thừa tác viên giáo dân trong việc xức tro. Tuy nhiên, việc làm phép tro được dành cho linh mục hay phó tế”. Như vậy đã ngầm chứa sự cho phép này.

[6] Trong cuốn De Poenitentia (về sự thống hối), Tertulian (160-220) quy định người thống hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”.

[7] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, 17/12/2001, số 125.

[8] Sđd, số 125.

[9] Thánh GH Gioan Phaolô II, Sứ điệp Mùa Chay 2003.

[10] x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

PHỤ LỤC: KNTT GIAO HÒA II