Hương Rừng Cà Mau

print

Hương Rừng Cà Mau

 

Nhà Văn Sơn Nam.

1 – HƯƠNG RỪNG.

2 – MÙA LEN TRÂU.

 

Nhà Văn Sơn Nam

Tiểu sử

Nhà văn Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tài (sinh 11 tháng 12 năm 1926 – mất ngày 13 tháng 08 năm 2008). Ông được gọi yêu là Ông già Ba Tri vì thường hay cuốc bộ.

Ông sinh tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trước khi mất sinh sống tại Sài Gòn. Ông học tại Cần Thơ, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève 1954, ông trở lại Sài Gòn tham gia viết sách, báo. Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là “ông già Nam Bộ”, “ông già Ba Tri”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học”.

 

Tác phẩm

Chuyện xưa tình cũ (1958)

Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959)

Hương rừng Cà Mau (1962)

Chim quyên xuống đất (1963)

Hình bóng cũ (1964)

Vạch một chân trời (1968)

Gốc cây – Cục đá & Ngôi sao (1969)

Lịch sử khẩn hoang miền Nam

Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam

Danh thắng Miền Nam

Theo chân người tình & một mảnh tình riêng

Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An

Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang

Xóm Bàu Láng

Mùa len trâu

1 – HƯƠNG RỪNG

Sống ở rừng U Minh Hạ từ lâu rồi mà Hoàng Mai hãy còn có cảm giác như lạc loài tận đâu đâu, bước chân đi không vướng đất. Ví nàng như cánh bèo rày đây mai đó thì không đúng lắm: có lẽ nàng như đoá hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhưng loại hoa sen thông tục quá, lại thường lọt vào tay phàm! Đằng này, bẩm sinh nàng thuộc về một phẩm chất thanh cao hơn.

– Tằng tổ nhà ta vốn họ Trần, nhờ dày công phò chúa từ Thuận Hoá đến đây nên được cải ra họ Nguyễn, Niên mỗ, ngoạt mỗ, quân Tây Sơn đến mãi tận chốn rừng già này, chúa Nguyễn đành ra khơi tìm nơi cứu viện. Thảm hại thay! Tằng tổ nhà ta tuổi già, nhuốm bịnh không vượt biển hộ giá được, đành cam lỗi đạo quân thần, giả dạng lê dân, nương náu nơi chốn thanh lâm u cốc. Người được phong đến chức ngự y. Gia phổ ghi chép rành rành, nói xứ này, chỉ dòng họ ta là có gia phổ, đó con.

Cha của nàng thường nhắc nhở như vậy.

– Là quan ngự y, cớ sao tằng tổ ta không tự chữa bịnh được. Hẳng là bệnh nan y! thưa cha…

Bao lần nàng ướm hỏi như vậy nhưng không dám. “Thuộc dòng hoàng phái nhưng sao triều đình không chú ý tới mà ban cho chút bổng lộc?”. Đó là nỗi thắc mắc triền miên của nàng khi thấy cha già chuốt tre đan giỏ mà độ nhựt hoặc ngồi buông cán câu bên bờ trúc, giữa trăm bầy muỗi rừng.

Thỉnh thoảng, cha nàng nói khẽ như thanh minh, tự an ủi:

Hoàng đế đang tức vị thuộc dòng ngụy, do tân trào dựng lên. Giọt máu hùng anh của tiên vương này đã bị lưu đày nơi hải đảo Bòn Bon, bặt tăm nhàn cá. Nhận chức hương giáo trong ban hội tề làng Khánh Lâm sở tại, chẳng qua là cha muốn bưng bít dư luận. Bổng lộc của tân trào, cha nào màng, chỉ nguyện làm bạn bầu với cây cỏ, gió trăng.

Ngày ngày lớn khôn, Hoàng Mai càng yên tâm tin tưởng nơi dòng máu quí phái của mình. Cội hoàng mai cổ thụ trước sân, há chẳng là một bằng cớ? Bao năm rồi, nó vẫn bền gan khoe sắc khi gió Tết thổi về; vùng U Minh này mấy ai biết thưởng thức giống hoa vương giả lạc loài! Bản Nam Bình réo rắt trong ruột cây đàn thập lục chỉ để riêng cho nàng thông cảm đó thôi… Nhưng cơ trời không ai ngờ được, tránh được. Mây đẹp của đỉnh Ngự còn có khi tan, nước yên làng của dòng Hương thường bị gợn những làn sóng nhỏ. Năm ngoái, năm kia, khi vừa quá tuổi trăng tròn, một buổi chợt soi mặt vào lu nước mưa, nàng bắt gặp cái màu trắng trong leo lẻo của dàn da mình. Miệng chúm chím hàm tiếu, nàng vuốt mớ tóc đen huyền; bàn tay ngà đặt trên má đỏ hây háy, mơn man chuyền suối tóc về trên sau lưng gầy. Nhưng… lạ kìa! Hàng chục sợi tóc thi nhau tuôn xuống.

Gió nhẹ thoảng qua; chân tóc lấm tấm đung đưa, vướng bận chưa chịu bay đi như còn than van niềm biệt ly vô cớ. Nàng cau mày trở vào phòng, cầm lược chải kỹ. Nàng toan rú lên. Lược đùa đến đâu là tóc rụng đến đó như lá úa trên cành đến độ gió trở mùa. Nàng e thẹn. Nàng giận dỗi.

Thân phụ nàng – Ông hương giáo – chạy tới. Nàng soi gương, không day lại rồi trả lời về tiếng rú khi nãy:

– Không gì lạ đâu, thưa cha.

Ông hương giáo đã hiểu nguồn cơn. Mớ tóc rối nằm cuộng đống trên bàn khiến ông xúc cảm, không che giấu được cơn buồn. Chiếc gương mờ soi đôi má ửng của Hoàng Mai, màu ửng đỏ lạ thường, không biến đổi dầu khi nàng sợ hãi.

– Từ hồi tấm bé, làn da của Hoàng Mai mịn quá, bóng quá. Trăm sự đều do đó mà ra…

Ông thở dài, cũng như ông đã thở dài hồi mấy năm trước, tuy gió bấc về không lạnh lắm nhưng Hoàng Mai đòi đốt lửa để sưởi rồi dẫm chân lên than hồng mà cưòi. Đêm đến, ông nghe tiếng rên khe khẽ. Ngỡ là con gái nhuốm bịnh, ông đến gọi cửa đôi ba lần. Hoàng Mai nằm đó, tỉnh mà như say, hơi thở hổn hển, đôi mắt úp vào chiếc gối mềm như trốn tránh mấy sợi tơ trăng buông xuống từng hồi, khi gió rạt rào khẽ rung làm hở ra mấy mí lá che trên đầu vách.

Bịnh của nàng, ông doán được, ngặt không muốn nói rõ tên ra: bịnh nan y – bịnh cùi. Ông chỉ khuyên con gái năng đi duốc vì ở rừng này… “phong” nhiều lắm. Quyển gia phổ ngủ từ lâu đời dưới lớp bụi trên bàn thờ được vời xuống. Lật ra kính cẩn dưới ánh nến bạch lạp. Hơn trăm năm qua, kiếng họ Nguyễn chưa ai nhiễm chứng ấy, rõ ràng không phải bịnh di truyền. Ông suy luận:

– Có thể nhà mình đắp nền trên ngôi mộ xưa của ai. Và tự ngày xưa, ai dám, chối rằng khu rừng này không là bãi sa trường mà người thắng kẻ bại đều lẫn lộn trong đống xương Vô Định đã hóa ra cát bụi:

Trang phụ lục thứ sáu của quyển gia phổ thứ nhứt còn thố lộ vài chi tiết khó hiểu, viết bằng chữ nôm:

“Đến Ngạc Ngư Đàm tức Đầm Sầu, Ao Sấu, hơi sương lạnh buốt, chướng khí xây thành. Khách hỏi: loại Ngạc Ngư (cá sấu), từ đâu lạc vào đầm? Kẻ thổ dân thưa: không ai rõ. Chúng đến đây như án ngữ nẻo đường qua truông quỉ. Nơi ấy, muôn nghìn ma quái như ẩn, như hiện. Lại có loài ong dị thường năng về là ổ; lạo ong này lưng nhuộm ngũ sắc, vượt thiên lý để hái nhụy trăm hoa đem về luyện Ngọc. Người phàm chưa ai đến gần được.

Chúng không sợ khói, hửi nhằm hơi kim khí ở trược là chúng ào ra như giông tố giết cho kỳ được kẻ ngạo mạn. Quan ngư y họ Trần biết được tin ấy bèn sai quân sĩ bày mưu kế hòng cướp ổ ong nọ, đoạt loại Ngọc thiên nhiên hiếm có đem về luyện thuốc trường sinh…”

Tư Lập, tay thanh niên khét tiếng về nghề ăn ong ở xóm Cán Gáo được ông hương giáo mời về nhà, bày rượu thịt thết đãi, đối xử như thượng khách.

Trang gia phổ lại giở ra, đọc nho nhỏ vừa đủ cho Tư Lập nghe. Tư Lập gật đầu.

Trong rừng già này, bên kia Ao Sấu, thỉnh thoảng loài ong ngũ sắc ấy trở về. Ban đầu chú Tư dùng con dao xương nai mà cạo lấy mật nhưng không hiệu quả. Lần sau, chú mài miếng xương người, dẹp như cây dao, theo ý muốn của ông hương giáo. Ngọc ong đã lấy được, đem về. Chú bán tín bán nghi vì thấy “ngọc” chỉ là mớ nhụy bông quế lại thành ké mà loài ong dự trữ bên góc ổ. Từ đấy, ông hương giáo mời Tư Lập ở luôn trong nhà cho có bạn. Ngày đêm, ông chong hàng chục ngọn nến bạch lạp chung quanh mớ “ngọc” để luyện, hy vọng rằng khi đúng một ngàn ngày nó sẽ trị được bịnh nan y của Hoàng Mai. Tư Lập như không chú ý đến điều vô lý đó, cứ ra vào nhìn trộm hình dáng giai nhân rồi nằm trằn trọc… mãi đến một đêm nọ, lúc đứng ngắm thẫn thờ cội mai già trước sân, chú nghe hơi thở nào ấm nồng, nhồn nhột sau gáy:

– Anh Tư ở đây vui chớ? Nãy giờ em không dám hỏi.

Chú nhìn kỹ: không phải là dạng hồ ly tinh trêu cợt, chính là Hoàng Mai cô gái con ông hương giáo mà bấy lâu nay chú trộm nhớ thầm thương.

Nàng nói tiếp:

– Cha của em dặn em gọi bằng anh. và đừng làm gì anh buồn.

Chú hiểu ý. “À té ra bấy lâu nay ông hương giáo thương mình”. Chú đánh bạo tìm bàn tay nàng. Nàng lắc đầu:

– Em hơi mệt, như vậy…

Rồi nàng nâng tay áo lên, thứ tay áo lỏng thỏng quá rộng quá dài:

– Anh nắm cái chéo tay áo này, em cũng đủ vui rồi.

Cảm đông làm sao! Ngạc nhiên làm sao! Một mùi hôi hám từ trong tay áo bay ra. Khi níu cái chéo tay áo của người đẹp. Tư Lập thấy rõ ràng bên trong: ngón tay của nàng rụng mất hồi nào, chỉ có năm cuộn vải nhỏ vấn khéo léo thay thế.

Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về ở long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại thì không được.

Chú lại trở về.

o0o

Sông Trèm Trẹm bắt nguồn từ xóm Cán Gáo chảy về phía Nam, qua xóm Tân Bằng rồi đổ ra sông Ông Đốc, hòa mình vào vịnh Xiêm La.

Thằng Kim nóng lòng, không biết Tư Lập muốn dừng lại làm ăn ở khúc nào. Giây lâu, Tư Lập nói:

– Rừng U Minh còn nhiều bí mật! Đừng lo mà. Tao hứa dẫn mày tới chỗ này vui lắm, đừng sợ chết đói. Có tao.

Xuồng ngừng lại giây lát nghỉ trưa rồi mái dầm lại tiếp tục khoát dòng nước đỏ ngòm, tuy chảy mạnh nhưng tứ bề khuất gió nên không gợn sóng. Đôi bờ quanh co, hoa lá nghiêng mình lại, gioa đầu, bắt tay nhau che kín bóng mặt trời.

Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên, bất tận. Có tiếng vượn hú. Từ bên này, con vượn bồng con, nắm sợi dây rau câu, lấy trớn đu mình sang nhánh ở bờ bên kia để hái trái rừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức ném mạnh. Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng. Lưới rung rinh không đứt hẳn; con nhện hoảng hốt, thả sợi tơ dài, sa xuống. Chợt thấy mặt nước, nó toan rút lên. Nhưng trể quá rồi! Con cá bông phóng mỏ theo, táp mạnh. Thằng Kim ngỡ đó là con trăn. Cá lớn bằng cây cột nhà, vảy xanh vảy trắng thêu từng vòng ngời lên khắp thân mình. No mồi, cá lặn sát đáy, lội nhanh. Bầy cá con hối hả di chuyển theo mẹ, hàng trăm con lấm tấm như rắc cườm đầy mặt nước, mất dạng trong bóng mát đằng kia. Bờ sông im lìm, mặt nước thẫn thờ trả lại bóng dáng hiền hòa của cây chồi mọc sát mé bãi; bông vừng buông thõng xuống từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành mành. Nhánh vừng khó cắn, lá vàng rụng mất hẳn. Đôi đọt non nhú lên, mỏng mịn, chưa nhuốm được màu xanh vì thiếu nắng; ở xa, trông như những cánh bướm khổng lồ đang phập phồng, ngứa ngáy, chưa đậu yên chỗ là đã chớm bay.

– Kim, mày biết nước sông này màu gì không?

– Ở dưới sông, giống như màu máu bầm. Múc lên tay coi thì như nước trà pha đậm.

Tư Lập day lại:

– Hồi xưa, có người nói nó giống như cà phê đen. Ờ… mày uống cà phê lần nào chưa?

– Chưa, chú Tư à.

– Bán thiếu gì, tại chợ Thới Bình. Dân ở chợ là người mới tới mua bán lập nghiệp, họ chưa dám đi sâu vô rừng làm ăn như tụi mình bây giờ. Họ nể nang dân phía này lắm.

– Sao vậy, chú Tư?

– Vì dân này là dân cố cựu, phá sơn lâm, đâm Hà Bá dọn đường cho họ tới sau làm ăn. Con nhà tướng đi mở đường máu mà!

Tư Lập vừa nói vừa vói tay đập sau lưng. Thằng Kim đã hiểu nghĩa mấy tiếng “mở đường máu”. Ba bốn đốm máu đỏ ngời: mấy con muỗi vừa bị đè nhẹp xác.

Nó sực nhớ tới bầy muỗi bu quanh nó từ mấy ngày rày. Ban đầu, nó bực mình, đập giết thẳng tay, phải buông dầm khiến xuồng lủi vô bờ. Mổi lần như vậy, Tư Lập day lại:

– Cứ bơi lẹ, muỗi cắn ít hơn. Ở lầy quầy mình bị cắn nhiều mà không đi tới đâu hết. Xuống xuồng để bơi chứ đâu phải để đập muỗi!

Nghe lời Tư Lập, thằng Kim bấm môi chịu đựng.

Vài tiếng gà gáy văng vẳng, hưởng ứng nhau phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Vòm cây lần lần trống trải nắng rớt từng mảng, ngưng đọng không chịu trôi theo dòng nước ngày càng chảy hăng. Bên bờ, nước đổ róc rách theo con lạch nhỏ, vỏ tràm trôi lềnh bềnh trắng. Thằng Kim nôn nức:

– Tới chỗ nghỉ chưa, chú Tư?

– Chưa. Hai voi nữa. Mày nhớ không, hồi sáng tới giờ mới qua có sáu voi.

Hai voi, đường còn xa. Thằng Kim yên lòng vì sẽ đến chỗ nghỉ trước khi trời sụp tối:

– Chú có bà con ở đây hả?

Tư Lập cau mày không trả lời, mở gói thuốc ra vấn hút. Đó là gói thuốc mà chú hứa tiết kiệm, để dành hút khi tới nơi.

Thằng Kim đoán chừng Tư Lập đang suy nghĩ nhiều. Chú lẩm bẩm:

– Ừ, bà con hay là người dưng, chuyện đó không quan hệ. Nhắc tới tao buồn quá, muốn quày trở lại bây giờ. Nhưng đã tới đây rồi không lẽ lại trở về. Tao không muốn kiếm nhà quen. Ở gần xóm đông thì bất lợi, ở xa quá cũng hại. Mày tin tao. Tao không dại gì trở lại đây mà tìm cái chết… Ờ, mày họ gì? Mấy ngày rày, tao quên hỏi.

– Họ Trương hay họ Trần gì đó, tôi quên rồi. Nghe nói hồi đó ba tôi đổi họ.

– Ối! Họ gì cũng được, miễn tới chừng người ta hỏi thì đừng trả lời lập dập. Nói vậy chớ ai xét hỏi. Tao có quen với vua. Hồi xưa, có người ở xóm này được cải ra họ Nguyễn cho giống với họ vua… Họ nói vậy hay lắm.

Thằng Kim ngơ ngác hỏi:

– Bà con với vua sao lại ở đây?

Tư Lập không trả lời. Chú bơi mạnh, mũi xuồng quẹo vô bờ, phía trái. Vàm mương nhỏ hiện ra. Chú nói:

– Mày nghỉ tay đi. Tới phiên tao rồi…

Ngồi trước mũi, chú bơi phía mặt vài dầm rồi trở lẹ qua bên trái, bơi vài dầm. Xuồng lướt tới ồ ồ. Gặp dây, gặp nhánh cây cản mũi, chú bứt, bẻ rôm rốp. Gặp nước cạn, chú đứng mà chồng hoặc quì trên sạp xuồng, ngả mình tới lấy trớn. Thằng Kim vui sướng quá. Lúc này nó khỏe tay, dầu muốn tiếp sức với Tư Lập cũng không được. Mũi xuồng quá nhỏ, nào đủ chỗ để hai người cùng ngồi ngang nhau. Hơn nữa, bơi xuồng theo lối mới này nó chưa quen. Mặt trời sụp xuống thấp, rọi thẳng từ trước mặt. Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa nối liền qua những lung, bào, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… Sậy mọc khỏi đầu.

Hương rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc. Thằng Kim hít mạnh để hửi cho kỹ, để nhớ cho rõ nhưng nhớ mãi không ra. Chợt ngẩng đầu lên, nó trố mắt. Rừng cơ hồ không còn chiếc lá nào cả! Trên hàng vạn nhánh nhỏ, bàn tay thần nào rắc lấm tấm hằng hà sa số đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía. Rừng sáng lạn, ai dám nói là rừng âm u? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt.

Nó buột miệng:

– Rừng cây gì vậy? Chú Tư.

Tư Lập day lại cười vang:

– Thằng quỉ! Hửi mà không biết mùi mật ong sao? Tràm chớ giống gì! Muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương trên nửa lừng đó. Hửi vô thì say. Say thì không tỉnh được. Có người toan dùng nó mà luyện thuốc trường sinh, từ trăm năm nay…

o0o

Tư Lập ngâm mình dưới bưng nãy giờ khá lâu rồi. Nước dâng lên nửa ngục. Hai tay chú quậy dưới bùn, chân bò tới lui, bọt nước sôi ùng ục. Chú rút lên một cây búa to tướng, nói huyên thiên:

– Nó còn nguyên, mới tinh. Bộ trái đấy xoay tròn sao mà! Hồi năm ngoái tao nhớ rõ ràng, nhận ở gần gốc cây tràm bên kia. Bây giờ nó chạy qua bên này. Để tao rửa sạch cho mày coi. Cam đoan không có một bợn sét, khuất dưới lớp bùn non, mưa nắng không sao thấu tới. Sét ăn hư hõng là khi nào mình giữ không kín. Lòng người cũng vậy… Mày chưa hiểu hả?

Thằng Kim thật tình không hiểu câu nói lắc léo của Tư Lập. Nó không cần tìm hiểu. Cây búa khiến nó ngạc nhiên hơn: cán dài cỡ năm tấc, lưỡi cao hơn hai tấc, bề ngang lưỡi búa trên một tấc rưỡi, lớn như mấy cây búa thần mà các ông tướng hát bội thường vác ra khi đánh trận.

– Cầm thử coi nặng không? Tay anh hùng mới cử nó được. Tạo ra lúa gạo, xuồng, chèo là nhờ nó. Nên nhà nên cửa, nên đất nên vườn, nên chồng nên vợ, xưng hùng xưng bá cũng nhờ nó.

Tư Lập nói tiếp:

– Đói bụng chưa?

– Hơi đói. Nãy giờ tôi lưỡng lự; gạo còn chừng hai nắm, không lẽ nấu cháo. Hay là mình kiếm nhà nào mượn đỡ.

– Mượn gạo mà ăn, xưa quá! Ở xứ này, tao không muốn gặp mặt ai hết. Con người ta chết… không phải vì thiếu gạo. Tới lớn, mày hiểu câu nói đó. Bây giờ đi với tao tìm nhà quen, bảnh thì mày đi trước một lần coi!

Nói vậy chớ tư Lập bước trước, đạp lên choại, lên dớn nghe sột soạt. Thay vì đi thẳng lại phía rừng tràm trắng tih, thơm ngào ngạt, Tư Lập quẹo trở về phía rừng thấp lè tè, cây cối mọc so le hỗn loạn. Bùn non ngập mắt cá. Muỗi bay lợn cợn, vướng vít dưới chân cây còn u tối. Tư Lập khuyên nhủ:

– Ráng chịu cực vậy! “Lô” rừng tràm đằng kia là của người ta. Rừng chồi phía này mới là của mình. Vắng hai năm nay, tao ngán rồi, không muốn nhớ lại cái mùi nhụy tràm.

– Sao vậy?

– Đừng hỏi nữa. Tao muốn lánh mặt người quen. Mai chiều, có lẽ mình qua nơi khác. Gió thổi hiu hiu, buồn quá.

Tư Lập thẫn thờ đôi mắt rồi bỗng nhiên khoát tay, ra dấu im lặng. Chú ngồi nép xuống. Thằng Kim cũng bắt chước, cúi đầu, ái ngại. Tư Lập cầm tay nó mà nói khẽ:

– Đừng động đậy, thở nhè nhẹ. Nó kìa…

Thằng Kim ngớ ngẩn, liên tưởng đến thứ tai nạn khủng khiếp:

– Co… ọp hả?

– Nói bậy xui xẻo! Ong mật.

Và nó định thần khi Tư Lập nói rõ thêm:

– Ong mật… đi ăn bông. Bay rề qua rề lại, thấy chưa, thấp chủn trên đọt sậy kìa.

Thằng Kim mừng rỡ:

– Ngộ quá! Ổ nó ở đây đây, hả chú. Làm sao kiếm được? Ý! Nó lớn bằng hai con ruồi.

Om sòm cái miệng! Về chống xuồng lại đây mau, tao chờ! Nhớ cái hộp quẹt máy. Thằng Kim hối hả làm y lời. Trở lại chỗ cũ, nó chợt nghe tiếng “hì” ở phía rừng tràm. Té ra nãy giờ Tư Lập lội tắt qua mương đi lại đằng ấy.

Chú vội ngồi lên xuồng, chụp cây dầm, hờm sẵn:

– Bậy quá! Nó “đi bông” tới đây rồi mất dạng. Chờ một hồi nữa coi.

– Đi bông là gì? Chú Tư.

– Là đi hút nhụy bông… kìa mê quá!

o0o

Một con ong rồi hai con ong bay qua sát ngọn cỏ, lưng ngời những rằn xanh đỏ, hai chân sau quặp lại kẹp hai đốm vàng sậm mà thằng Kim đoán là nhụy bông. Ong vừa qua khỏi chừng mươi thước. Tư Lập hối hả bơi xuồng theo. Nhưng hai con ong nọ lại đáp xuống, mất dạng. Chú nói:

– Đây là trạm thứ nhì của tụi nó. Rán chờ chút nữa. Chém chết tao cũng ăn được ổ này.

Sau đôi ba lần theo dõi rồi dừng lại như vậy, Tư Lập bỗng cười vang, múa men tay chưn như đứa trẻ thấy kẹo. Hàng trăm con ong bay chập chờn trước mặt, đáp xuống, vọt lên cao, không dời chỗ. Chú ngóng xem hướng gió trên ngọn cây, ra lịnh cho thằng Kim đứng im rồi chú đi khuất, chập sau mang về một nắm rễ cây gừa.

Hộp quẹt bật lửa lên. Nắm rễ gừa ngún cháy, khói bay đều. Chú nói nhỏ:

– Đi theo tao, đừng chạy bất tử nghe!

Chú phồng má thổi mạnh, khói tung bay mịt mù chưa tan là chú thổi thêm lần nữa, chân bước nhanh tới. Hiển hiện sau lớp khói mỏng kia, vật gì lạ thường như một trái cây khổng lổ, lớn bằng cái nia, đen ngòm rực rỡ như nạm muôn ngàn hột thủy tinh chấp chóa…

Thằng Kim há miệng:

– Ổ ong hả? Ong đâu hết rồi?

– Cả triệu con kết lại, nằm sắp lớp đen ngời, chớp cánh lia lịa đó, không thấy sao! Ổ ở bên trong. Lên xuồng đi. Rủi bề gì tao với mày thối lui, lặn dưới mương, úp chiếc xuồng này lại mà che…

Tư Lập cầm nhánh cây khô gạt mạnh vào ổ; ong rớt xuống cỏ từng mảng, lần lần tan ra. Ổ ong khoe mày trắng tinh như sáp, treo trên khúc cây gác nghiêng; cây kèo.

Chú quát:

– Chống xuồng lại. Tao với mày khiêng nguyên ổ xuống. Dầu sao mình cũng mang tiếng ăn cắp của thiên hạ rồi.

Đặt dưới xuồng, ổ ong nứt ra, mật vàng tươi chảy đọng vũng. Tư Lập chụp cây dầm, bơi trối chết, lướt qua sậy, qua năn. Thằng Kim cúi đầu sát ván, nhắm mắt, e nhánh hai bên quật nhằm. Nó cười tươi khi thấy mái chòi hoang hiện ra trước mặt, Tư Lập trao cây dầm cho nó thò tay xé tàn ong:

– Trời ơi! Tao hại tao! Tao ăn cắp… của tao.

– Chú nói gì?

– Miếng kèo bằng cây nhum. Hồi năm ngoái tao gởi nó lại cho người quen. Chữ “điền” tao khắc làm dấy rành rành.

Cây rừng chuyển răng rắc. Đâu đây có tiếng chưởi thề ỏm tỏi, xen vào tiếng dầm khuấy nước. Tư Lập cau mày.

– Họ đi theo dấu bắt tụi mình. Không khéo lại xảy ra đâm chém, uổng mạng. Nhiều khi họ mạo nhận là của họ để hăm dọa mình. Lát nữa, mày đứng yếu bóng vía… Cứ cãi lại cho tao.

Thằng Kim giựt mình:

– Chú đi đâu? Một mình tôi không dám…

– Tao núp sau hè. Họ tới kìa! Cầm búa lên! Đụng độ thì tao ra ăn thua.

Nhanh như chớp, Tư Lập bước lui, ngồi khuất sau bụi mật cật. Thằng Kim nhìn trước mặt. Hàng cây rung rinh, rẽ ra. Một người vạm vỡ cầm búa, bước tới:

– Khôn thì chịu tội. Thằng kia, mày ở xóm nào tới?

Thằng Kim cố giữ sắc trầm tĩnh:

– Tôi ở đây, mần ăn…

– Ăn cắp chớ mần ăn? Tao theo dấu tụi bây nãy giờ. Công trình mấy tháng nay toa tạo sẵn để mày hưởng! Đã ăn cắp mà lại còn gỡ luôn tấm kèo, chẳng khác nào ăn trộm rồi đốt luôn nhà của tài gia.

– Tôi không biết gì hết…

– Chém chết mẹ chớ không biết!

Lưỡi búa của khách hươi lên. Thằng Kim cũng nâng cây búa một cách vụng về. Khách nhìn nó, ngạc nhiên rồi nhìn cây búa:

– Mày ăn trộm búa nữa hả? Ráng mà đỡ. Nè!

Hoảng hốt, Tư Lập nhảy ra, nắm cườm tay người khách lạ:

– Tao ở nhà ông hương giáo hồi xưa đây mà. Chú mày đến sau nên không biết rõ tao là ai.

Khách trố mắt:

– Trời! Cậu Tư. Về hồi nào! Trời… nãy giờ thấy cây búa, tôi hồ nghi là của cậu. Sao không lại thăm cô Hoàng Mai?

Tư Lập vuốt mồ hôi trán:

– Thôi! Về đi. Nhắn với ông hương giáo rằng tối nay tao tới.

Khách nói:

– Buồn lắm! Cô Hoàng Mai yếu nhiều.

Tư Lập thở dài:

– Vậy hả? Đừng nói nữa. Về trước đi.

Khách rút lui. Tư Lập nói ngậm ngùi:

– Trốn mà không khỏi. Trốn Tây ta là chuyện dễ; trốn người quen là chuyện khó hơn. Ta ăn cắp ổ ong khi nãy mà chi? Nghề ăn ong có nghiệp chướng… Đâyu là ổ ong cuối cùng của tao trong nghề…

Thằng Kim hỏi:

– Sao vậy? Ai đau nhiều vậy chú? Cô Hoàng Mai là người bà con…

– Bà con không phải bà con. Người dưng không phải người dưng. Tối nay mày thay mặt tao, lại đó mà thăm ông hương giáo. Phần tao, tao phải xa rừng này. Ở lại đây, mày có dịp học khôn. Đừng buồn. Để tao nói lại đầu đuôi sự tích, hồi năm trước…

o0o

Nghe xong thằng Kim đi từng bước chẫm rãi đến nhà ông hương giáo. Câu chuyện tình của Tư Lập hãy còn lâng lâng trong trí nó. Gió chiều nhẹ thổi. Mùi bông tràm ngào ngạt. Nó nhìn từng gốc cây, lắng nghe từng tiếng lá trở mình mà khoang khoái trong lòng. Rừng U Minh này đối với nó cơ hồ không là còn gì bí mật khó hiểu nữa.

Đến nhà ông hương giáo, nó được thết đãi cơm nước tử tế. Ông hương giáo không nói chuyện nhiều. Nó nói dối rằng… chừng lát nữa Tư Lập sẽ đến. Nhưng Tư Lập có đến đâu! Đêm đó, nó được nằm ngủ trên ván gõ, trải chiếu bông, giăng mùng rộng rãi. Nửa đêm, nó chợt tỉnh vì ánh đèn chói mắt.

Ông hương giáo nói:

– Chú em thức hả? Kìa! Trên bàn thờ, từ bao năm rồi, tôi luyện “ngọc ong” để trị bịnh. Bịnh gì, chắc Tư Lập nói sơ cho chú em hiểu rồi. Tôi buồn quá. Tư Lập không trở lại nhà này nữa đâu. Chú em cứ nói thiệt. Phải vậy không?

Thằng Kim nói:

– Dạ cháu không biết. Chú Tư không nói rõ…

– Ta hiểu lắm. Dầu sao, trở về lần này, Tư Lập cũng đã tỏ ra có nghĩa! Ai nỡ câu thúc chí trai của mình trong một xó để đổi lấy chữ nhàn? Ai nỡ bỏ cái danh dự để mua chuộc một chức tước quí phái huyền hão. Từ xưa, tằng tổ của ta cũng vì khí khái ấy mà phò Chúa, xiêu lạc đến đây! Bây giờ ta yếu lắm rồi. Dầu muốn bắt chước Tư Lập, ta cũng không còn đủ sức lực mà bắt chước. Gia thế của ta, thiên hạ đã rõ. Câu thúc Tư Lập ở mãi tại đây chăng? Ta chỉ là người hương giáo, quyền hạn gì? Ừ! Tôi là tôi cho Hoàng Mai. Năm nay, nó ngồi một chỗ, không còn đủ sức mà ra thăm cội hoàng mai trước ngõ như hồi Tư Lập biết.

Sáng hôm sau, thằng Kim từ giã ông hương giáo rồi đến ngồi bên mé rạch. Bông vừng tươi thắm, cây cối hai bên bờ giao đầu lại, mát mẻ. Nó chờ đón bất cứ xuồng ghe ai, đi về đâu cũng được, để quá giang. Sau lưng nó, trên thềm nhà, trong bóng mát, hình dáng của Hoàng Mai với đôi mắt và mớ tóc trùm kín trong chiếc khăn. Chiếc tay áo của nàng lòng thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng…

Sơn Nam

 

2 – MÙA LEN TRÂU

Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về. Từ Sáng đến chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa: ánh nắng pha loãng đều đều không làm chóa mắt kẻ ưu tư đang ngồi hút thuốc mà ngắm mấy lượn sóng chạy dài tiếp lưng trời. Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Đất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước.

Chú Tư Đinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến.

– Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết…

Thiếm Tư như phản đối ý chồng:

– Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, ba cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết.

– Mình đừng trách trời. Hồi nào tới giờ, trời cứ vậy hoài, hết mùa hạn thì phải tới mùa nước lụt chớ.

Chú Tư muốn giải nghĩa sự lạc quan của mình dài dòng hơn để thiếm Tư nghe. “Đàn bà giỏi tài chú ý lặt vặt chuyện bếp núc. Nhìn ra đồng thì họ chỉ thấy những chuyện trên mặt nước, hơi đâu mà cãi”. Nghĩ vậy, chú im lặng, vấn thêm điếu thuốc nữa. Giờ này, dưới đáy nước, sát mặt ruộng, mớ đất cày mềm nhũn, trở mình trắng phau. Gió thổi mạnh, trôi nhà trôi cửa nhưng lúa một tấc; thân lúa đuối sức cố nằm dài trên mặt nước vừa hấp hối ngột thở là nhánh non nứt ra trong nháy mắt để chào đón cuộc sống.

Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách. Chú Tư bước nhè nhẹ trên sàn tay vịn mái nhà, tay che mắt rồi cau mày; thằng Nhi đứa con trai của chú đang cưỡi trâu về.

Đôi trâu bước lên nền chuồng trâu lúc trước, tuy đã đắp cao thêm gần một thước vậy mà nước leo lên lé đé.

Chú Tư chờ thằng Nhi vào nhà. Nó cổi cái áo ướt mem quăng trên sân:

– Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài.

Chú nói:

– Bên giồng cát Sóc Xoài… Mày có qua tới đó không?

– Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ Đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?

– Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu mình họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi…

Thiếm Tư trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như vòng cung. Để ở nhà, trâu chết đói; giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo đảm được? Trâu của trăm chủ khác nhau gom lại chung một bầy, tha hồ lấn hiếp, chém lộn bầy trâu gần bốn trăm con mà chỉ có năm sáu người chăn giữ.

Đường dài thăm thẳm, lội nước băng rừng, rủi khi bịnh hoạn thì trâu đành bỏ mạng nơi xứ lạ quê người. Thật là tấn thối lưỡng nan! Đôi trâu nhà đứng khúm núm đó, trên nền chuồng, như hai pho tượng bằng đồng đen dựng lên mặt nước. Thiếm nói:

– Ba nó tính sao thì tính. Tôi rối trí quá rồi.

Chú Tư chép miệng:

– Không nên cãi mạng trời. Muốn cãi cũng không được. Không lẽ họ giết trâu mình? Trăm con, chết chừng đôi ba con là nhiều. Muốn vững bụng hơn, mình cho thằng Nhi theo coi chừng.

Thằng Nhi há miệng ngạc nhiên không dè mùa nước năm nay nó lại được đi du lịch bất ngờ như vầy. Chú Tư hỏi:

– Muốn đi không mậy? Chặng đầu, họ mới len trâu tới chân núi Ba Thê, mình đuổi theo nhập bầy còn kịp, đây qua đó chừng nửa ngày đường. Lấy cái nóp mới của tao mà đem theo. Dọc đường muỗi mòng, mưa gió nhớ đi theo sát hai con trâu của mình, đừng ham chơi lêu lổng. Nói với tằn khao (đầu nậu, cai thầu) rằng mình chịu đóng cho y mười giạ lúa tiền công len trâu, mùa này.

o0o

Mưa cứ mưa trút xuống. Gió cứ dậy sóng lên. Từ lúc thằng Nhi dẫn trâu đi, nhà cửa lần lần trở nên vắng lạnh. Thiếm Tư cằn nhằn:

– Giao sanh mạnh hai con trâu cho họ, ba nó chưa vừa bụng sao? Lại còn bày đặt cho thằng Nhi đi theo! Rủi bề gì…

Chú Tư nói:

– Má nó khéo lo thì thôi! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân . Còn thằng Nhi… dịp này để nó học nghề với người ta.

Thiếm Tư hơi giận:

– Nghề gì? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à? Tôi không ham cái nghề đó.

– Má nó nói giỡn sao chớ! Chăn trâu còn khó hơn diều binh khiển tướng. Đời xưa, nhiều người nhờ lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự. Tôi nhớ coi… Trong truyện Phong Thần gì đó nhắc cái tích ông Nịnh Thích ngồi trên lưng trâu, gõ sừng mà hát công kích vua đời… Liệt Quốc Đông Châu! Vua giựt mình, mời ông Nịnh Thích về làm quân sư. Nghe đâu lúc về hưu trí, ông Nịnh Thích lại cữi trâu mà du sơn ngoạn thủy. Như, tiều, canh, mục là bốn điều quan trọng mà.

Thiếm Tư vẫn chưa nguôi cơn buồn:

– Ba nó nói chuyện đời xưa. Chăn trâu theo kiểu ở xứ mình có khác, tối ngày đeo đuôi trâu mà lặn hụp dưới nước, ăn không no, ngủ không yên…

– Nhưng mà học khôn nhiều chuyện. Mà nó hồi nào tới giờ chưa từng tới núi Ba Thê, vậy mà bây giờ thằng Nhi nó rành đó! Cảnh núi non thanh lịch, tâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chùa mà gãi sốn sột. Má nó biết không? Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa… Vua chùa mất hết, trâu đời đời kiếp kiếp còn đứng dửng dưng trên mặt đất này hoài!

Thiếm Tư bực bội:

– Đói, không đủ cỏ ăn mà cũng sang trọng. Thôi ông ơi! Đừng nói nữa.

– Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Đằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm là dễ chớ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn… Mấy ông thầy chùa, bà vãi ẩn mình trong cốc trên núi, chán cảnh trần tục vậy mà họ còn bước ra ngóng mắt theo bầy trâu len dữ dội…

Càng nhắc tới, chú Tư càng thích chí, thiếm Tư trái lại ngồi buốn xo, không tin nơi lời chồng , cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. Chú Tư lại vấn thuốc, hỏi vợ:

– Má nó ngủ hay thức? Nãy giờ có nghe không? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ rối…

– Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chớ nghe bằng miệng sao mà phải ừ hử từng chập?

Chú Tư lại nói tiếp:

– Ở Bảy Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm; lắm thứ cỏ phảng phất mùi gì giống như vị thuốc Bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ thì nhiều… Mặc dầu ăn cỏ ở dưới chân núi, trâu cũng được phong làm chúa sơn lâm. Cọp beo trên núi quì xuống mà đầu hàng chớ không dám xáp lại.

Bên kia sàn nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn giận. “Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng cần gì? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thuở con nhỏ cho riêng mình nghe mà thôi”. Chú lại vấn thuốc hút. Bên ngoài trời vẫn mưa, sóng nước vẫn chạy ùa tới đập vào vách nhà. Khói thuốc phun mờ mờ, bay thoảng lên cao. Chân trời lại hiện ra, lúa nằm dài xanh rờn, nhấp nhô trên ngọn sóng. Và… Đằng xa kia là Bảy Núi, nơi mà giờ này thằng Nhi và hai con trâu của chú đang tung hoành, sắp lội nước hằng mươi cây số để vượt ra mé biển đến vùng rừng tràm miệt Linh Quỳnh.

Rừng tràm xanh đậm, rọi xuống mặt nước đỏ ngầu, rung rinh. Nhứt là về đêm khi trăng chiếu, đom đóm bay về đậu khắp nhánh tràm như họp chợ phiên! Hồi thuở nhỏ, chú đến đó nhiều lần. Cảnh ấy bây giờ thay đổi vì nhà nước đã đào thêm con kinh Xáng Rạch Giá – Hà Tiên và đắp xong con lộ đá. Trâu vượt qua lộ xe hoặc ngủ tạm trên lộ cho tới sáng. Lội dưới nước lâu ngày, móng trâu trở nên mềm, đứng trên đá, trâu đau chân. Chú Tư bỗng hình dung trước mặt một cảnh tượng oai hùng, khi mặt trời vừa lố dạng, đàn trâu phải rút vào rừng tìm nơi ăn nằm. Nhà nước đắp lộ xe nào phải để cho trâu đứng, phá hoại… Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chút, tràm gãy rôm rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng lớn. Người len trâu tạm nghỉ ngơi vài ngày. Mấy “tay riều” đốn củi gần đó tụ họp lại làm quen, đánh bài cào, uống rượu, đốt lửa lên bàn chuyện tiếu lâm. Lắm khi họ sắp đặt công việc đi ăn cướp, ăn cướp kẻ khác và ăn cướp lẫn nhau. Mấy tay len trâu giựt tiền của tay riều; mấy tay riều xúm nhau giựt trâu của mấy tay len. Rừng lại đẫm máu… Trong cuộc xô xát dao búa đó, sanh mạng của con người như con kiến, hà huống chi đứa trẻ bé bỏng như thằng Nhi, con trai chú!

Chú Tư giựt mình, e ngại.

Trong giấc mơ, có lẽ thiếm Tư không tưởng tượng được tới cảnh chém giết rùng rợn đó. Thiếm nói lảm nhảm rồi lại trở mình, ngáy khò khò.

o0o

Tháng mười, nước giựt xuống. Đến cuối tháng, mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời. Mưa dứt sớm. Núi non lại trở nên hùng vĩ. Suốt mùa, lúa nương theo nước mà vươn lên đến bốn năm thước; bây giờ lúa nằm rạp xuống đất, chồng chất cao ngùn ngụt. Cái sàn nhà của chú Tư cũng hạ xuống. Cuộc sống trở lại bình thường.

Đêm ấy, quá canh ba, có tiếng kêu vang dội:

– Ba ơi ba! Má ơi má! Trâu mình nè…

Chú Tư, thiếm Tư mừng quýnh, tốc mùng chạy ra: Thằng Nhi về đó, coi dị hợm hơn mọi ngày, máng trên vai một đống gì cao nghệu. Chú Tư xanh mặt. Nó thảy đống ấy xuống đất:

– D.m. chết hết một con. Đem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Đ.m. không lẽ bỏ luôn.

Thiếm Tư mếu máo, mừng vì gặp được con, buồn vì mất hết phân nửa gia sản:

– Mô Phật. Mạnh giỏi hả con? Trời ơi! Con đi theo coi chừng mà làm sao nó chết? Dọc đường con có đau ốm gì không… Con, Con…

Chú Tư im lặng, buồn buồn. Mừng con, tiếc của là một lẽ. Nhưng còn lẽ khác đáng lo ngại hơn… Hồi nào tới giờ, thằng Nhi ăn nói đàng hoàng mà chuyến về này, trong câu nói hồi nãy, nó pha vô hai lần chửi thề mà nó không hay.

Thiếm Tư nhìn cặp sừng và bộ da trâu mà rơi nước mắt:

– Thôi! Lần này lần chót. Năm tới bán con trâu còn lại, không làm ruộng nữa. Đất nước gì kỳ cục quá, cái xứ này…

Chú Tư nghiêm mặt:

– Nói bậy nữa đi. Đất của mình, nước của mình mà bà dám nguyền rủa hả? Hồi nào cúng vái, bà nói bà phục ông bà đất nước lắm mà…

Thiếm Tư đi ra sân lo đốt lửa để un trâu. Chú Tư cũng đến vuốt ve con trâu còn lại rồi trở vô thấy thằng Nhi đang chụp gói thuốc rê trên bàn; nó mở ra, xé giấy vấn hút phì phà một cách tự nhiên, ngon lành.

– Ghiền rồi hả mậy? Chú hỏi.

– Hai ba bữa rày, hút có mấy điếu. Ở rừng, họ hút kịch liệt lắm kìa… ba.

Chú Tư đem chai rượu đế ra, rót vào chén. Chú thấy thằnh Nhi hít mũi lia lịa.

– Nhậu thì nhậu một chút cho ấm đi! Cỡ này mày sanh nhiều tật lạ.

Rồi chú day ra sân mỉm cười:

– Bà nó ơi! Coi thằng con của bà nè! Nó giống hệt tôi hồi nhỏ quá chừng.

Thiếm Tư chạy vào, không hiểu rõ đầu đuôi. Thiếm lau nước mắt rồi nấu cơm cho thằng Nhi ăn, dọn mùng cho nó ngủ… Chú Tư thức mãi tới khuya, thỉnh thoảng hé mùng dòm thằng Nhi. Mùng rộng rãi nhưng nó vẫn co rút như hồi nằm trong nóp chật hẹp. Tay và bụng của nó xăm đầy những chữ nho, chữ quốc ngữ. Không cần đọc kỹ, chú đoán đó là “ngũ hồ tứ hải giai huynh đệ” hoặc “ái tình vạn tuế” mà một tay hảo hớn nào đã xăm cho nó.

– Mình không lỗ lã gì đâu! Chú Tư lẩm bẩm một mình.

Chuyến đi len trâu này, đứa con của chú mhiễm nhiều tật xấu nhưng nó khôn lớn hơn, nghe thấy được nhiều việc mà ở nhà chú không nghe thấy. Chú ra sân. Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh lỗ mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.

Sơn Nam