Kiềng Ba Chân – Lm Piô Ngô Phúc Hậu

print

Kiềng Ba Chân

Em.

Tôi đến thăm Em. Em mời tôi một điếu Samít. Vừa thơm vừa đượm khói. Vợ Em lúi húi ở trong nhà bếp, vừa đun nước vừa góp chuyện. Vợ Em khoe thằng Tuấn học giỏi. Tôi hỏi Em:

– Tuấn học lớp mấy?

– Em ơi! Cha hỏi con mình học lớp mấy?

– Lớp bốn.

– Nó học với cô nào vậy?

– Biết đâu à. Nghe nói nó học với cô Bắc Kỳ nào đó. Vợ Em trả lời một cách vô tư như thế.

Em cho con đi học mà không biết con mình học lớp mấy. Vợ Em biết con mình học lớp bốn, mà không biết con mình học với ai. Nói là cô giáo Bắc Kỳ, cũng chỉ là biết mơ hồ vậy thôi. Tôi tỏ vẻ không vui. Vợ chồng Em chống chế.

1.

Em đi buôn chuyến, một tuần chưa về nhà được một lần. Về nhà thưa thớt như thế Em chỉ đủ thời giờ để tạo ra con. Tuyệt nhiên không có thời giờ để dạy con, mà dạy con thì khó hơn sinh con hằng ngàn lần.

Tạo ra bé Tuấn chưa phải là chuyện lớn lao. Hồi tôi còn bé tí, làng tôi có một người đi ăn xin, cả làng gọi là con Nhật. Con Nhật chột mắt, xách bị đi ăn xin, tay cầm cái roi để đuổi chó. Cứ thấy con Nhật là tôi chạy trốn…Ban ngày đi ăn xin, tối về ngủ ở cái điếm đầu làng.

Bẵng một thời gian chẳng thấy con Nhật đâu. Thế rồi con Nhật lại về, lại đi ăn xin. Nhưng bây giờ hắn lại bồng thêm một thằng cu tí, béo tròn béo trục. Con Nhật chột đi ăn xin cũng tạo ra được một đứa con trai bụ bẫm.

Sanh con không dễ, nhưng không khó. Sinh được bé Tuấn, Em chưa hơn con Nhật đâu. Sự nghiệp lớn lao của người cha chính là nuôi dạy con  trong một quá trình dài gần một phần tư thế kỷ. Em đã làm được gì trong công trình này, ngoài việc cho bé Tuấn cơm ăn áo mặc, cơm ngon áo đẹp? Em viện lý do không có thời giờ theo dõi việc học hành của con cái. Không đúng. Em còn dư giờ để biết con mình học lớp mấy, học thế nào, học với ai. Mỗi tháng Em về nhà vài ba lần, mỗi lần vài ba ngày, mỗi ngày vẫn có hai mươi bốn giờ…Em vẫn có thể dùng điện thoại di động để nói chuyện về việc học hành của bé Tuấn. Điều quan trọng là Em biết đam mê dạy con, y như Em đã đam mê coi đá banh vậy.

2.

Vợ Em lo cho con cái thật nhiều, nhưng nhiều mà luộm thuộm. Do đó lao động nhiều mà kết quả không bao nhiêu, chỉ vì thiếu phương pháp. Và…thiếu cả ý thức giáo dục nữa. Để bé Tuấn trở nên người hữu ích cho xã hội, vợ chồng Em không thể đơn phương mà làm được. Tụi Em phải liên kết với học đường và xã hội tạo thành một cái kiềng ba chân vững chắc.

2.1.

Học đường không phải là cái khuôn làm sẵn để đúc các trẻ em thành một rừng người giống hệt nhau, nhưng là nơi tạo khuôn theo khả năng và cá tính của mỗi em. Do đó Em phải chọn trường cho con mình. Trường nào có truyền thống giáo dục phù hợp với cá tính và khả năng của bé Tuấn, thì gởi Tuấn vào.

Gởi con cho trường: chưa đủ; còn phải liên hệ thường xuyên với nhà trường yêu thầy cô của con mình. Gia đình liên kết với học đường để thấy diễn biến xảy ra nơi con mình và để cùng với học đường tìm ra được phương pháp ứng dụng đúng nhất.

Điều đáng sợ nhất là gia đình quá tin tưởng vào học đường, rồi phó thác tất cả cho học đường. Như thế thì cái kiềng chỉ còn hai chân!Đổ kềnh!

Muốn bé Tuấn nên người, tụi Em phải thương cô giáo của Tuấn. Cô giáo của Tuấn là cô Bắn Kỳ thật đấy, cô giáo tiên tiến của trường. Tuấn sẽ hãnh diện lắm và sẽ hăng hái học tập nếu thấy cô giáo và chà mẹ thương nhau và cùng nhau thương mình. Cô giáo của Tuấn nghèo lắm. Lương tháng của cô chỉ đủ cho Em ăn sáng và hút thuốc. Sáng nào cô cũng đi chợ, nhưng món chủ lực trong giỏ của cô vẫn chỉ là bó rau muống. Phải chi vợ Em cùng đi chợ với cô, cùng nói chuyện về chuyện học hành của  Tuấn và…thỉnh thoảng lại bỏ vào giỏ của cô một con cá rô, một trăm gram thịt heo. Đừng hối lộ cô. Nhưng đó là tình bạn, đó là lòng biết ơn. Biết ơn giùm con mình. Biết ơn giùm cả Nhà Nước nữa.

Nhưng dù sao tôi vẫn phải nói nhỏ với  Em một điều. Cô giáo Bắc Kỳ của Tuấn xinh ơi là xinh, thế mà vẫn đồng không mông quạnh. Một ông phụ huynh lẻo mép như Em mà cứ thậm thọt thăm viếng cô giáo, thì e…có sự cố. Hãy để vợ Em làm công tác ấy. Êm!

2.2.

Chân thứ ba của cái kiềng vững chắc là xã hội. Xã hội thì phức tạp vô cùng. Phố xá, chợ búa, quán xá, phim ảnh, sách vở, báo chí…đều là xã hội. Ở những nơi ấy, dường như cái xấu nhiều hơn cái tốt. Làm thế nào để bé Tuấn không nhiễm cái xấu của xã hội? Khó lắm! Khó quá! Phải tỉnh thức. Phải theo dõi thương xuyên. Phải nhìn xa. Phải thấy rộng. Hãy làm tất cả những gì khă năng cho phép. Để góp ý với Em một chút kinh nghiệm, tôi kể cho Em nghe một câu chuyện.

Em Thoảng, 12 tuổi, rất năng nổ, rất vui tính. Cha mẹ em không giàu, nhưng em có rất nhiều đồ chơi. Có cả xe hơi điện  tử điều khiển từ xa. Tôi lân la đến bên em.

– Cha me cho con nhiêu tiền mà con mua sắm dữ vậy?

– Hổng có! Con kiếm tiền ên à!

– Con làm gì ra tiền?

– Con đứng chơi ở trước cửa nhà trọ. Mấy chú ở trọ nhờ con kêu giùm mấy cô bán quán. Mấy chú ấy cho con tiền, mấy cô cũng cho nữa.

– Mấy chú cho nhiêu?

– Một nghìn.

– Còn mấy cổ thì cho nhiêu?

– Một nghìn luôn.

– Mấy chú ấy kêu mấy cổ đến để làm chi vậy?

– Biết đâu à!

Mười hai tuổi đã hành nghề ma cô, dù chẳng biết ma cô là gì. Hôm nay Thoảng vẫn còn là thiên thần, nhưng ngày mai thiên thần sẽ gãy cánh. Tội nghiệp!

EM.

Cứ đi buôn chuyến, vì đó là sinh kế của Em. Nhưng buôn bán chỉ là phương tiện để sinh sống, để giáo dục con cái. Nếu vì kế sinh nhai mà em phải quên bẵng đứa con, thì tôi hơn em hãy quên bẵng buôn bán để trở về với đứa con. Tuấn là tất cả của Em.

Nhưng thực tế mà nói, Em vẫn có thể vừa kiếm cơm, vừa dạy con…Cơm vẫn ngon, con vẫn giỏi.