Kim Chi

print

Kim Chi

nămmây

(Ghi theo lời kể của ông trùm Cung Vũ)

      Hôm ấy, gia đình tôi “trùng hỉ”. Kim Chi, vợ tôi giảng giải:

      – Trùng hỉ là hai niềm vui đến cùng một lúc, chồng lên nhau. Lấy nhau chưa được mười năm, thằng Ty vừa được rước lễ lần đầu, thì em vừa nhận giấy báo tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiểu học của trường Đại học Huế.

      Mới sáng sớm, tôi học đòi bắt chước Tú Xương “Vuốt râu nịnh vợ con bu nó” (Tự trào), đang định nói: “Chúc mừng phu nhân mỹ nhân cử nhân yêu dấu của anh”, thì Ngọc Diệp, cô em gái út của vợ tôi nhào vào như một cơn lốc. Nó cười khanh khách:

      – Xời ui! Có thật hai ông bà không biết câu thành ngữ thời nay: “Dốt chuyên tu, ngu tại chức không?” Tiến sĩ, thạc sĩ còn chưa ăn ai, huống chi cử nhân? Có đáng gì đâu mà vác mặt lên, uy oai oách hách xì xằng thế?

      Tôi bênh vợ:

      – Nhưng mà chương trình chuyên tu hay tại chức hay từ xa cũng hay lắm chứ bộ. Nếu chịu học, chịu đào bới,  chịu cày sâu cuốc bẫm thì trình độ học vấn cao hơn, hiểu biết sâu hơn, tầm nhìn xa hơn, xử kỷ tiếp vật rộng hơn…

      Ngọc Diệp cười sặc sụa đến rũ rượi:

      – Đúng, anh đúng. Nhưng đúng cái thứ nhất là “nhất vợ nhì trời”, đúng cái thứ hai là bênh vợ ra mặt, bênh không biết ngượng. Mấy năm nay, chị Kim Chi toàn mướn em đi học thay. Anh không biết mới lạ!

      Chả biết sao, tự dưng vợ tôi thét, uy dũng như một con sư tử cái:

      – Dẹp!

      Chỉ một tiếng “Dẹp” thôi mà sức mạnh của nó đủ cuốn phăng Ngọc Diệp ra cửa, chạy vội, xỏ dép lộn chiếc nọ chiếc kia; còn tôi thì tai ù, chân bủn rủn, tay lẩy bẩy, mắt hoa, mặt mày choáng váng, lưỡi đớ ra, hàm cứng ngắc, miệng câm như hến. Hình như sợ tôi bị trúng gió, vợ tôi vội chạy lại đỡ tôi ngồi phệt xuống nền nhà, xoa xoa đầu tôi như xoa đầu một em bé lớp 1, trấn an:

      – Mới có vậy mà đã… sợ thế ư?

      Tôi lắp bắp, ngập ngọng trấn an ngược, cũng là trấn an chính mình:

      – Sợ…, sợ chứ! Không sợ sao được?… Nhà em giàu có, bề thế. Em là Kim Chi, cành vàng, có bằng cử nhân, học vấn cao vút chín tầng mây… Trong khi anh trình độ thấp lè tè ngọn cỏ, chỉ là anh lực điền thất học, cổ cày vai bừa, vai u thịt bắp, lù đù vác lu mà chạy… Ông bà cậu mợ chú bác cô dì bên em vẫn bảo anh là “Chuột sa hũ nếp”…, trong khi họ hàng bên anh, và cả đám bạn bè nữa, toàn nói sau lưng: “Trai ở nhà vợ như chó chui gầm chạn”…

      Nàng giở sách trong đầu ra:

      – Em nhớ ông Lê Văn Trương trong tiểu thuyết Tôi Là Mẹ, hay Một Người Cha hay một cuốn nào đó có câu “Tại sao đàn ông sợ vợ? – Vì vợ giàu hơn mình”. Anh chỉ như con chuột trong hũ gạo thì với ai anh cũng phải sợ, nói chi với vợ anh? Vậy là bên em đúng. Bên anh và đám bạn của anh ghen ăn tức ở, nhưng cũng đúng. Anh khôn như con chó mực đốm lưỡi, thất học mà biết tìm gầm chạn của người có học như em mà chui thì còn gì bằng… Để coi, để coi… Như là, như là… Ngày trước có tủ sách “Học làm người” do các học giả (người có trình độ học vấn uyên bác, chứ không phải kiểu nói mỉa mai cho đám “học giả bằng thật” bây giờ đâu nhá!), nổi tiếng là các ông Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng  (Tiếc rằng chẳng có ai trong các ông có được một tí tẹo tèo teo thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư tán ra làm thuốc đau mắt). Một trong bốn ông có một cuốn sách hay, trong đó có một câu rất hay: “Muốn gia đình hạnh phúc thì người chồng phải điếc và người vợ phải câm”. Của ông nào? Em không biết. (Ai cũng bảo không biết gì cứ hỏi ông Gu-gồ. Em hỏi rồi, ông Gu-gồ câm luôn, không trả lời được. Ông ấy có toàn năng đâu mà đòi cái gì cũng biết?) Nhưng mười năm nay, em xét kỹ rồi, trong nhà mình, trong gia đình mình, thì phải ngược lại, “người vợ phải điếc và người chồng phải câm”, anh chỉ việc nghe em thôi, không được nói gì sất. Anh biết không? Mỗi khi anh nói gì em rất bực, nên đừng bao giờ hỏi ý kiến em về bất cứ vấn đề nào nữa nhé. Em rất ư là… không thích, mỗi lần bực là mất ngủ, rất mệt… Vì sao ấy hả? Đơn giản thôi, vì về trình độ học vấn, em cao hơn anh hẳn một cái đầu… Thế thôi…

      Chướng tai, tôi nghe không vô, tức, nghĩ bụng: “Mình mà cộc cằn thô lỗ như thằng hàng xóm, vợ nó mà nói vậy có mà nó đục cho phù mỏ”. Sợ tức nước vỡ bờ, tôi vội gọi điện thoại, mời sơ Hoa, em họ vợ tôi, là một chuyên viên siêu đẳng về giáo lý hôn nhân. Hỏi, sơ mau mắn giả nhời:

      – Dạ, em chuyên về giáo lý hôn nhân, nhưng dạy cả giáo lý dự tòng luôn. Có đến sáu, bảy chục phần trăm trường hợp dự tòng mang yếu tố hôn nhân. Theo ý kiến cá nhân em, vấn đề “Học vấn và hạnh phúc gia đình” rất nhạy cảm. Vì nếu một cặp vợ chồng có học vấn chênh lệch nhau nhiều quá sẽ khó đối thoại để hiểu nhau trong mọi sinh hoạt, dù là trong giao tiếp riêng tư, trong gia đình, hay ngoài xã hội. Ngày xưa, thời ông bà cha mẹ mình, người chồng thường có trình độ học vấn cao hơn, nhiều ít tùy hoàn cảnh họ đến với nhau. Trong quan hệ vợ chồng, họ dễ chấp nhận và tôn trọng nhau. Ngược lại, khi người vợ có trình độ học vấn cao hơn, thường tỏ ra ta đây chiếu trên, kênh kiệu, lên mặt dạy dỗ, coi thường chồng… Chưa kể, anh chị biết không? Các thiếu niên hư hỏng, trẻ em phạm pháp một số là công tử bột, con nhà giàu, được nuông chiều quá mức, còn thì hầu hết xuất phát từ gia đình tan vỡ: mồ côi (cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ), ly dị, bất hòa, có cả yếu tố người cha trong gia đình là một người đàn ông sợ vợ nữa. Mẹ coi thường cha, con cái  sẽ coi thường cả cha lẫn mẹ, anh chị ạ.

      Ngày nay, trình độ học vấn của các cặp hôn nhân thường ngang ngửa nhau, bên tám lạng bên nửa cân, một chín một mười, nên hạnh phúc gia đình ít gặp trắc trở vì nguyên nhân này. Thay vào đó là sự khác biệt, chênh lệch giữa uy lực xã hội và địa vị của người “giàu” hơn, “quyền cao chức trọng” hơn so với người “nghèo” hơn, “thấp cổ bé miệng” hơn. Thêm nữa, cũng còn do ảnh hưởng của nền giáo dục của gia đình, của xã hội trên mỗi người, mà họ có những thái độ khác biệt nhau, dần dần dẫn đến bất đồng, bất hòa, rồi rạn nứt và cuối cùng là đổ vỡ…

      Sơ Hoa lau cặp kính cận, a hèm lấy giọng:

      – Nhưng mà anh chị biết không? Ngay như trong thị trấn mình thôi, có những người có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí nghe đồn có học hàm giáo sư, phó giáo sư mà cư xử với cha mẹ, vợ con, anh chị em, với chòm xóm láng giềng, với mọi người còn thua xa một thằng ma cô thất học. Em biết có một ông bác sĩ giáo sư tiến sĩ, khi dạy học hoặc viết về y đức thì như một vị thánh, nhưng trong đời sống thì như một thằng quỷ dâm ô, bán điểm cho các nữ sinh viên lấy tình, khi hành nghề thì chặt chém tàn bạo như một tay đồ tể, chỉ vì trình độ học vấn cao mà không có đạo đức… Thời gian gần đây, các nhà trường lấy lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Xưa kia, “lễ” được hiểu là lễ nghĩa, là phép tắc; bây giờ “lễ” phải hiểu ngầm là của lễ, là lễ vật, là quà biếu, là tiền hối lộ… Không có đạo đức thì người học vấn càng cao càng nguy hiểm cho gia đình và xã hội, hơn mọi hạng người trên thế gian này. Gì thì gì, đạo đức phải đứng đầu, anh chị ạ.

      Rồi sơ nói nhỏ, thì thầm như sợ tôi nghe thấy:

      – Em xin lỗi riêng chị, em nghĩ đối với anh, chị phải tế nhị, cực kỳ tế nhị ạ.

      Kim Chi im thin thít, lườm tôi muốn rách đuôi con mắt, như thầm trách: “Cái thứ chồng vô duyên, kêu con Hoa tới làm chi không biết, để nó mắng cho.”

      Tôi sợ quá, vội vàng mở cái thiệp cưới của vợ chồng tôi mười năm trước. Tôi chỉ cho sơ Hoa câu slogan in trên đầu thiệp cưới, bênh vợ chằm chặp:

      – Sơ khỏi lo. Vợ chồng tôi có một lá bùa giữ gìn hạnh phúc không gì hơn được. Đó là 1Cr 13,8: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”        

      Cả ba người cùng cười. Sơ Hoa nịnh tôi:

      – Cả chục năm nay, chưa bao giờ em thấy anh cười tươi đến thế./.