Kính Chúa Yêu Người: Căn Tính của Đạo Chúa 

print

Kính Chúa Yêu Người: Căn Tính của Đạo Chúa 

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B   31.10.21. 

vo ha

Theo Đức Khổng Tử (551-479) TCN  bên trời Á Đông, thì “nhân chi sơ tính bản thiện”:  con người thời ban sơ hoặc tự bản tính gốc, là tốt.  Về mặt tôn giáo, theo đạo thờ “Thiên Chúa” quan niệm trên là đúng,   khi mà tội  lỗi chưa xâm nhập vào thế gian, mở đầu là Tội Nguyên Tổ vi phạm  lệnh Giavê, mà ngày nay gọi là LUẬT cấm ngặt của Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, chừng 2600 năm trước,  Tiên tri Giêrêmia  đã thấy hậu quả của tội lỗi và than phiền rằng “lòng người gian dối  hơn mọi vật, liều lĩnh gian ác. Ai có thể biết tệ đến mức nào? (17: 9).

Dù vậy Thiên Chúa không bỏ mặc con người, mà chọn lựa Tổ Phụ Abraham chừng 4000 năm trước, để thành lập một dân riêng dọn đường cho Đấng Cứu Chuộc tới.  Ngài phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa của loài người, chính yếu về mặt tinh thần.

 Để chuẩn bị cho kế hoạch trên, Thiên Chúa đã ký Giao Ước hay “Hợp Đồng” với dân tại Núi Sinai (c 1250) TCN, có mục đích chính là thánh hoá dân về tinh thần và cũng giúp an dân về mặt xã hội, quốc gia,  cộng đồng  (Xh, 20: 1-17). Nói rõ hơn, bản Giao Ước trên, là Bộ Luật căn bản của Thiên Chúa, còn gọi là Mười Điều Răn,  bao gồm bổn phận con người tôn thờ Thiên Chúa và cư xử tốt đẹp  với  nhau. Ta cùng đọc ba bài Lời Chúa  bên dưới cùng xin ơn Chúa thêm sáng soi.

 

BÀI ĐỌC I: Ðnl 6, 2-6. “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.

Bài trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài. “Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật. “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.

 

 BÀI ĐỌC II: Dt 7, 23-28. “Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.

Bài trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta. Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.

 

PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34. “Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. 

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

 

 Đôi dòng ghi chú và tâm tình.

Bài đọc 1 được trích từ Sách Đệ Nhị Luật hay Thứ Luật, là tên gọi bản chép lại 618 mục  từ quyển luật chính đặt nơi chính điện của Liều Hội Ngộ khi dân chúng còn sống lang thang, rồi được đặt trong đền thờ Giêrusalem khi đã xây xong. 

Các bậc vua chúa quan quyền và hàng giáo sĩ Do Thái luôn có bản Copy Lề Luât bên mình, để học cho thuộc, để nhắc nhớ chính mình và cũng để mở ra chỉ dạy thứ dân nào vi phạm hoặc chưa biết.  Quyển Đệ Nhị Luật chỉ là  một với bản gốc, để giải thích thêm những điều Luật gốc, thời nay gọi là “Tu Chính Án” mà Luật trong Sách Xuất Hành chưa nói rõ. 

Bài đọc trên là lời răn dạy hay nhắn nhủ thêm của Ông Môsê  cho con dân Do thái. Ông là nhà lãnh đạo đã đưa dân ra khỏi Ai Cập hướng về Đất mà Chúa đã hứa cho các Tổ Phụ. Với uy tín tràn đầy và môi miệng thuộc hạng nhà sang có gang có thép, Ông nhấn mạnh đến những công  trình mà Thiên Chúa đã làm cho dân. Nên dân phải đáp lại bằng cách tôn thờ chỉ một Thiên Chúa duy nhất và “yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi”. 

Trên đây là cách nhấn mạnh tuyệt đối và cụ thể của người thời đó. Những dòng nầy đã trở thành kinh nhật tụng “Shema Israel”: Nghe đây hỡi Israel,  mở đầu buổi cầu nguyện của người Do Thái từ đó đến nay vẫn còn.  Câu trên cũng đưa dản vào Kinh Tin Kính của Kitô Giáo từ thời Các Thánh  Tông Đồ. 

Bài đọc 1 nầy bên trên cũng thêm nhấn mạnh đến bổn phận tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo để được những ơn huệ sau đó là sống lâu và đất đai làm sản nghiệp cùng con đàn cháu đống.  Còn  mục đối nhân xử thế giữa người với nhau, thì đọc thêm chương 19: 15-21, chỉ kê ra cách sơ luợc:  không được gian cáo và các thẩm phán phải cư xử cho công bằng.

 Muốn thấy mặt nhân bản và tích cực thêm nữa, thì phải đọc Chúa Giêsu trong Sách của Thánh Maccô  12: 28b-34. Người là vị thẩm phán từ trời xuống, chỉ dạy loài người thời Tân Ước Lề Luật mới, dễ dàng, gọn nhẹ và hợp tình hợp lý hơn rất nhiều.

Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại, có nhóm Luật sĩ đến  hỏi (với chủ ý bắt bẻ và thử thách Chúa Giêsu, và cũng có thể muốn biết chính xác câu trả lời của Chúa Giêsu, trong số 618 luật thì):  ” Lề luật nào quan trọng nhất”?  

 Chúa Giêsu lập lại lời  dạy của Môsê như bên trên, đồng thời cũng tóm gọn 6 điều răn còn lại của bản Giao Ước Sinai, thứ tư  thảo kính cha mẹ tới thứ 10 chớ muốn vợ chồng người, thành một câu  dễ hiểu, dễ nhớ để đưa tới thực hành: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.

2000 năm trước, Chúa Giêsu đã đưa ra điều răn hay lệnh truyền mới mà suốt dòng lịch sử nhân loại, tới hôm nay, con người còn chưa làm được. Vì lẽ, người ta luôn phân biệt rõ bạn và thù trên hầu hết mọi phương diện. Thêm nữa, họ phân chia cấp độ cao thấp của tình yêu, từ trong nhà ra tới ngoài xã hội, quốc gia, cộng đồng, dành cho nhau tuỳ quan hệ thân sơ hay phe nhóm.  

Nhìn cho kỹ, trong thực hành, yêu người như chính mình không dễ làm. Chỉ có Chúa Giêsu, là bậc thần thánh, mới yêu người hơn chính mình, là dám chết vì nhân loại. 

Hơn nữa, lòng mến Chúa yêu người phải thể hiện bằng hằng tâm và hằng sản (Gc 2: 14-18). Trong cựu ước, chỉ đưa ra luật bố thí 10%. Cũng có một số người rộng lượng hơn. Nhưng Thầy Phó Tế nhà  mình thú nhận, Thầy cũng chưa làm được chỉ tiêu trên. 

Bình thường, tình yêu bắt đầu từ cái nôi gia đình, trong đó mọi thành viên là nhân tố kết tụ cho mẩu mực nầy, để rồi lan rộng dần ra. Nhưng vị Thầy giáo lý của xứ mình lưu ý rằng có những người cầm quyền  chủ gia, rủi ro bị bực bội do nguyên nhân nào đó bên ngoài, thường mang về nhà những hành động bực mình thái quá, mà vợ, chồng, con cháu luôn là nạn nhân chính.  Vì lẽ, những người nầy ít khi chống cự, mà hay cam lòng chấp nhận. Đây là thái độ khôn nhà dại chợ nên tránh, vì cũng vi phạm nặng tới giới luật yêu thương của Chúa. 

Một ghi nhớ khác của Cố Linh Mục Giáo Sư Triết Học An Vi Lương Kim Định (1914-1997)  là bản văn tiếng Việt thường dịch từ “neighbor” của Anh Ngữ ra “yêu người như chính mình. “The second is this you shall love your neighbor as yourself” (Catholic Study Bible; Mc. 12: 31). Thế giới thời  Chúa Giêsu là khu xóm nhỏ, vài chục móc gia, nên quen biết nhau, mà không giúp nhau khi hữu sự, là sai sót, là lỗi phạm. Nên Ngài dặn dò rằng láng giềng cận nhân thời nầy cũng vậy, là ông bà A B C cụ thể. Mình giúp họ những gì cần thiết. Còn “người” có thể hiểu là “tout le monde” cả thế giới trong Pháp ngữ. Vì mình không biết họ là ai và cũng vì đông quá giúp sao cho  xuể, nên không làm chi hết.

 

Trở lại bài đọc 2,  cũng gần như bài đọc 2 của   chúa nhật 30 thường niên B tuần trước,  tác giả thư gởi Do thái ca tụng chức tư tế muôn đời của Đức Kitô, vì Ngài là Thiên Chúa vĩnh cửu, chỉ hiến tế một lần là đủ, để cứu độ những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa. 

 Còn các tư tế khác (con của loài người thời Cựu Ước và Tân Ước) thì yếu đuối và không lâu bền vì phải chết, nên hằng ngày phải dâng lễ đền tội cho chính mình và cho dân chúng nữa. 

Gói lại, ngay Việt Nam mình, từ 600 năm qua, nhà Tâm lý Chiến Nguyễn Trãi (1380-1442) cũng đã được xếp vào Bảng Danh Dự mà Chúa Giêsu khen tặng hay “đề bạt”  sẳn từ 2000 năm trước: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” – do Phép Rửa bằng lửa bằng lòng yêu người, trong cùng một  Thánh Linh – khi  Thi Sĩ nhà mình hoàn thành thi tập Gia Huấn Ca: 

… Thấy ai đói rách thì thương
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn,
Thương người như thể thương thân,

Người ta phải bước khó khăn, đến nhà:
Đồng tiền bát gạo mang ra
Rằng: “Đây cần kiệm gọi là làm duyên”…

Xin dâng lời cầu

Chúa Cha đã gởi Chúa Con xuống trần gian để nhắc lại và tóm gọn cho chúng con hai giới răn quan trọng nhất là mến Chúa hết lòng và yêu người như chính mình.

Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh luôn làm chứng tình yêu Thiên Chúa bằng cách thể hiện tình yêu của mình với tha nhân, cụ  thể là người thân cận láng giềng.

Xin cho mọi chính quyền trên thế gian  biết tôn trọng và phục vụ  dân chúng bình đẳng trong yêu thương, vì đó là giới luật  Chúa đòi hỏi.

 Xin cho những người đang thiếu ăn, thiếu mặc và không nhà, gặp được những người thiện tâm thật tình giúp đỡ, vì lòng mến Chúa và tình  yêu đồng loại mà Chúa đòi buộc.

Xin cho mọi giáo hữu trong họ đạo chúng con biết  chứng tỏ lòng mến Chúa tận tình, qua hành động yêu người một cách cụ thể, để mọi người biết chúng con là môn đệ của Chúa.

Xin giúp chúng con nhiệt thành yêu mến Chúa nhờ nguồn sống nơi Bí Tích Thánh Thể và thực hành tình yêu  đó nơi những anh em chung quanh, mà chúng con gặp trong cuộc sống hằng ngày. Amen.