Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Vui (5): Ở trong nhà Chúa
Tin Mừng theo Thánh Luca
Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (Lc 2,44-49)
Suy niệm:
Từ biến cố dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ cho đến câu chuyện Ngài lạc mất ba ngày khi mười hai tuổi là cả một khoảng thời gian dài với biết bao sự kiện vui buồn trộn lẫn. Các Đạo sĩ từ xa đến viếng Hài Nhi và dâng lễ phẩm, vua Hêrôđê ra lệnh tàn sát tất cả trẻ em dưới hai tuổi trong vùng, cả gia đình nhỏ phải vội vã lên đường giữa đêm khuya trốn sang Ai Cập tị nạn, rồi lại trở về Nazaret định cư… Quãng thời gian mười mấy năm trôi qua hệt như một thoáng chốc. Giêsu đã đến tuổi khôn, cả thể lý lẫn tinh thần đều phát triển tốt đẹp trong sự chăm lo và giáo dưỡng của cha mẹ.
Câu chuyện lạc mất ba ngày trong Đền Thờ hẳn phải có một ý nghĩa thâm sâu nào đấy nên mới được Thánh Sử Luca kể lại trong trình thuật Tin Mừng của mình. Đây chắc hẳn không phải là lần đầu tiên Giêsu theo cha mẹ mình trẩy hội lên đền Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua vì đây là điều mà họ vẫn làm “hàng năm”. Chỉ có điều, khi Giêsu được mười hai tuổi, cái tuổi được cho là trưởng thành, Ngài đã khiến cho cha mẹ mình phải một phen lo lắng. Maria là người chu đáo, Giuse là người trách nhiệm, chẳng bao giờ họ có thể lơ là mà để lạc mất con mình như thế. Phải đến một ngày sau, họ mới phát hiện ra là đứa con trai dấu yêu của mình không đi chung với đoàn lữ hành nên mới vội vàng trở lại Đền Thờ tìm kiếm.
Vì là ngày lễ lớn nên lượng người đổ về đây cũng rất nhiều. Tìm kiếm một người giữa đám đông chen chúc chẳng khác nào mò kim đáy biển. Giêsu có thể ở đâu được chứ? Ngài tự ý bỏ đi đâu đấy hay có kẻ xấu nào bắt cóc Ngài? Nỗi lo càng lúc càng cồn cào hơn khi một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua mà vẫn không thấy tăm tích gì của con. Cho đến ngày thứ ba, Giuse và Maria nhìn thấy con đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. Vui mừng không sao tả xiết nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn không hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Cậu bé Giêsu này đã khiến cho mọi người chung quanh hết sức kinh ngạc và thán phục về trí thông minh cũng như khả năng ứng đáp của mình. Lại càng khó hiểu hơn nữa khi Giêsu đã trả lời cho câu hỏi đầy lo lắng của mẹ mình bằng một câu hỏi khác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Lúc ấy, Giuse và Maria chẳng hiểu Giêsu muốn ám chỉ điều gì. Giêsu đang nói đến việc Ngài phải ở lại “trong Nhà Cha Ngài.”
Những người sống đời dâng hiến lâu nay vẫn được xem là những người “được dành riêng để phụng sụ Chúa”. Họ là những người được gọi và chọn giữa muôn người khác, được tách riêng ra để chuyên tâm lo việc nhà Chúa, nơi các nơi thánh, phục vụ chuyện phụng tự, thờ phượng Thiên Chúa. Họ ở trong nhà Chúa, để có thể thực thi những điều đó tốt hơn. Suốt ngày, họ ngân nga những câu kinh, cất lên những bài thánh ca, để thay cho toàn thể nhân loại dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen, cảm tạ và tôn vinh. Được ở bên nhà Chúa, họ hạnh phúc, hân hoan. Được trở thành những người phục vụ Chúa, họ lấy làm hãnh diện. Họ không tham gia vào những cuộc tranh giành tiền tài và danh lợi. Nếu có phải đi làm việc, họ cũng chỉ làm vì kiếm kế sinh nhai cho bản thân và cộng đoàn, chứ không phải vì muốn tích góp và dự trữ cho bản thân. Nhà Chúa chính là nơi họ sống, là nơi họ trải nghiệm tình yêu Chúa dành cho mình. Đấy là khuôn viên mang đến cho họ niềm hoan lạc không sao tả nổi. Chính trong bầu khí ấy, họ thấy mình được ân sủng tưới gội và thấm đượm vào từng thớ thịt, từng tư tưởng. Bởi thế, người đi tu chính là những người hiến dâng trọn cuộc đời để sống trong nhà Chúa.
Nhà Chúa có thể là nhà dòng, cộng đoàn, nhà thờ, nhà xứ… nhưng cũng có khi vượt trên tất cả mọi ràng buộc của không gian và thời gian. Người tu sĩ sống giữa đời, hòa nhập với đời, nhưng cũng luôn mang trong mình một trạng thái tách biệt của bầu khí cuộc đời. Giống như Đức Giêsu từng nói, họ là những người “sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.” (x Ga 15,18). Giữa “sống” và “thuộc về” có một sự khác biệt. Dù có phải bương chải giữa dòng đời để kiếm sống hay xông pha chốn biên cương để truyền giáo, người tu sĩ hòa nhập hết mình để không tạo nên một sự khác biệt nào. Nhưng tận sâu trong tâm tưởng và ý thức, họ biết mình thuộc về một nơi khác. Bốn bức tường vô hình của đời tu vẫn ở chung quanh họ và gìn giữ họ khỏi những ảnh hưởng của các trào lưu, lối hành xử, quan niệm của người đời. Dù có sống trong đan viện với anh chị em, hay vào đời chia sẻ của cuộc với người khác, họ luôn đặt trước mặt mình lời nhắc nhở về tu cách người tu sĩ, để dù ở đâu hay làm gì, họ vẫn thấy mình luôn sống trong bầu khí của nhà Chúa.
Ranh giới giữa chiêm niệm và hoạt động rất mỏng manh, khiến cho chúng ta nhiều khi có sự lẫn lộn. Nếu ta dành quá nhiều giờ ở lại với Chúa qua những kinh bổn, ta sẽ không có nhiều thời gian để phục vụ người khác. Nhưng nếu ta quá hăng hái phục vụ đến độ bê trễ bổn phận thiêng liêng, đó cũng là điều không hay. Sống giữa thế gian mà không thuộc về nó là điều vô cùng lý tưởng, nhưng cũng khó thực thi vô cùng. Có một số tu sĩ suốt ngày chỉ biết chăm chú đọc kinh, còn anh chị em sống cạnh bên, họ chẳng để ý gì cả. Họ còn cố gắng xa tránh những ai, hay những gì mà họ cho là nhơ nhuốc, làm vấy bẩn chiếc áo dòng của họ. Họ muốn họ phải tách biệt với người kia, muốn chứng tỏ cho người kia biết rằng họ là tu sĩ. Họ cho rằng như thế sẽ giúp họ gìn giữ được ơn gọi của mình. Lại cũng có một số người khác hòa nhập vào đời một cách quá mức. Họ vui chơi, ăn uống, ca hát… hết mình. Hết mình đến nỗi đánh mất luôn chính mình. Họ nghĩ như thế là cách hòa đồng, để đưa người ta về với Chúa. Nhưng khi người ta chưa kịp trở về với Chúa, họ đã đánh mất đi lý tưởng đời tu, rồi có khi chính họ và cả người ta rơi vào hố sâu của trụy lạc.
Cần có một đời sống thiêng liêng rất vững vàng cũng như sự giúp đỡ của những bậc khôn ngoan trên đường nhân đức để giúp mình giữ thế cân bằng giữa chiêm niệm và hoạt động. Việc “ở lại nhà Chúa” không làm cho người tu sĩ trở nên xa cách người khác. Trái lại, nó nói đến một tinh thần tu và một mức độ hiến dâng rất cao thâm và sâu sắc. Nó làm cho người tu sĩ tách biệt mà không khác biệt, hòa nhập nhưng không hòa tan, gần gũi nhưng không bị tha hóa, sống ở đấy nhưng thuộc về nơi khác, làm việc đó nhưng với một tinh thần khác. Chính ý thức về “bổn phận ở nhà của Cha” là chiếc áo dòng mà người tu sĩ khoác lên người, rồi mang theo trên mọi chặng đường truyền giáo. Nó giúp cho người tu sĩ có thể vào đời cách hoàn hảo, nhưng vẫn là một tu sĩ, một người dâng hiến cho Chúa đúng nghĩa. Với chiếc áo dòng ấy, họ lúc nào cũng thấy mình như ở “khuôn viên Đền Vàng” và cất cao bài ca chúc tụng Chúa luôn mãi.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ