Kinh Thánh 100 Tuần: Tuần 68 & 69- Sách Macabê I & II

print

Tuần 68 – SÁCH MACABÊ I

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

1. Hi Lạp hóa

Sách Macabê mô tả cuộc xung đột giữa truyền thống tôn giáo Do thái và văn hoá Hi Lạp. Nền văn hóa này có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Cận Đông kể từ khi Alexander đại đế qua đời năm 323 trước Công nguyên. Sau khi ông qua đời, đế quốc của ông bị phân chia thành hai: nhà Ptolemies ở Ai Cập và nhà Seleucides ở Syria. Dưới sự cai trị của nhà Seleucides, văn hoá Hi Lạp bành trướng rất mạnh.

Ngay giữa dân Do thái cũng có hai khuynh hướng khác nhau. Một số người ủng hộ tiến trình Hi lạp hoá này, còn một số khác chống đối quyết liệt vì thấy nguy cơ Do thái giáo bị tiêu diệt; từ đó dẫn đến cuộc nội chiến. Cuộc xung đột này leo thang dưới thời vua Antiochus IV (175-164 trước Công nguyên). Năm 169, ông cướp đoạt những đồ quý giá trong Đền thờ Giêrusalem. Sau đó ông còn cấm những thực hành Do thái giáo và dựng bàn thờ kính Zeus ngay trong đền thờ.

2. Anh em nhà Macabê

Sách Macabê 1 kể lại câu chuyện của một gia đình cương quyết chống lại ảnh hưởng của Hi Lạp. Họ chủ trương lấy bạo lực đáp trả bạo lực. Cuộc chiến đấu này diễn ra dưới sự lãnh đạo của người cha trong gia đình là ông Mattathias và sau đó là ba người con của ông. Khi Mattathias qua đời, Giuđa tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu.

Giuđa đã giành được một số chiến thắng, thanh tẩy lại Đền thờ năm 164. Tuy nhiên ông gặp phải nhiều khó khăn do những âm mưu của thượng tế Alcimus. Cuối cùng ông qua đời trong một trận chiến và người anh em lên kế vị là Jonathan (160-142).

Dưới thời Jonathan, những nỗ lực quân sự bắt đầu được thay thế bằng những tính toán chính trị. Jonathan đã từ từ lấy lại được một phần đất thuộc vương quốc của Đavít và Salomon ngày xưa, nhưng cuối cùng ông bị giết dưới tay tướng Trypho của nhà Seleucuds.

Người thứ ba kế tục sự nghiệp nhà Macabê là Simon (142-134). Ơng cũng theo đường lối chính trị của người đi trước, dần dần mở rộng bờ cõi, nhưng cuối cùng bị chính người con rể ám sát. Kẻ sát nhân lại bị người con thứ hai của Simon là Gioan Hồng yrcanus giết chết, và ông này tiếp tục sự nghiệp của cha (134-105).

Gioan Hrycanus I nổi tiếng là nhà quân sự tài ba. Năm 109 trước Công nguyên, ông đã chiếm Samaria, phá hủy Đền thờ trên núi Garizim và ép buộc dân Samari phải thờ phượng Chúa ở Giêrusalem. Những người Sađucê là hàng tư tế quý tộc ủng hộ ông, trong khi những người Hasideans (tiền thân của Pharisêu) lại bất bình. Tuy không mang danh hiệu là vua nhưng Hồng yrcanus tự xem mình như người tái lập vương quốc Đavít nhờ chính sách bành trướng của ông.

Sau khi Hồng yrcanus qua đời, người con lớn của ông là Aristobulus I lên cầm quyền vào năm 104 trước Công nguyên. Ơng này nổi tiếng tàn ác vì đã bắt giam cả mẹ và anh em ruột, thậm chí để mẹ chết đói trong tù. Ơng lấy danh hiệu là vua nhưng ngay sau đó lại chết bất ngờ, và người kế nghiệp là Alexander Jannaeus (103-76), người hết lòng ủng hộ Hi Lạp.

II. THẦN HỌC CỦA SÁCH MACABÊ

1. Sách Macabê 1

Có thể nói thần học trong sách này là thần học về giao ước: dân được yêu cầu tuân giữ Lề luật, và khi họ không tuân giữ thì Thiên Chúa trừng phạt họ. Như thế những người không tuân giữ Lề luật bị coi là những thủ phạm dẫn đến những đau khổ và mất mát mà dân phải chịu dưới sự thống trị của Hi Lạp. Đồng thời sách Macabê 1 nhấn mạnh những chính sách tàn ác của Hi Lạp nhằm xâm chiếm đất đai và ngăn cấm người Do thái thực hành niềm tin tôn giáo của họ.

Một trong những đóng góp lớn của nhà Macabê là việc tái lập Đền thờ, và biến cố này vẫn được tưởng niệm hằng năm trong ngày lễ Hanukkah. Nhà Macabê được coi là những người trung thành với Lề luật tuy có nhiều khi họ cũng chọn một thái độ uyển chuyển cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên tác giả viết sách muốn làm nổi bật ý tưởng rằng mọi chiến thắng và thành công là do ơn Chúa chứ không do con người.

Ngoài ra trong giáo huấn của các tiên tri, có một chủ đề quan trọng được nhấn mạnh là chủ đề về Số Sót. Nhà Macabê được giới thiệu như lãnh đạo số sót này, những người trong cộng đồng cương quyết trung thành với Lề luật cho dù phải chịu bắt bớ và bách hại. Cuối cùng, cho dù anh em nhà Macabê bị giết chết nhưng dân được hưởng tự do tương đối để sống theo Lề luật và truyền thống cha ông. Một lần nữa, Thiên Chúa bày tỏ sự trung tín với dân của Người.

 

2. Sách Macabê 2

Sách này tập trung vào Đền thờ Giêrusalem và kể lại những biến cố đã xảy ra cho Đền thờ: bị xúc phạm, được thanh tẩy và tái thiết, rồi lại bị tấn công dưới thời Antiochus IV và con trai ông. Những gì xảy ra cho Đền thờ cũng là những gì xảy ra cho dân tộc: chịu bách hại, được giải thoát và tái thiết.

Sách Macabê 2 chủ yếu nhắm vào chính cộng đoàn Do thái. Những cá nhân trong đó có cả các thượng tế đã đưa văn hoá ngoại giáo là Hi Lạp vào đất nước, vào Giêrusalem và vào cả Đền thờ. Đây là điều không thể phù hợp với việc thực hành Do thái giáo chân chính. Chính những tội lỗi này đã dẫn đến sự trừng phạt của Chúa. Như thế, tư tưởng mà tác giả muốn đề cao là: tội lỗi sẽ dẫn đến hình phạt, còn hoán cải dẫn đến ơn cứu độ. Điểm yếu của cách nhìn này là không thể giải thích được nỗi đau của người vô tội (xem sách Gióp), đồng thời khiến người ta có cái nhìn tiêu cực rằng mọi đau khổ đều là hình phạt của tội.

III.    KHỞI ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA GIA ĐÌNH MACABÊ

1. Biến cố tại Modein (2,15-28)

Bối cảnh: Mattathias và gia đình thuộc dòng dõi tư tế. Đứng trước chính sách Hi Lạp hoá của vua Antiochus cũng như tình trạng người Do thái hợp tác với quân thù, phản ứng đầu tiên của họ chỉ là than khóc và buồn phiền (2,1-14). Tuy nhiên biến cố tại Modein đã khơi mào cho một phản ứng khác.

Tại Modein, các đại diện của nhà vua đã thúc bách người Do thái, kể cả Mattathias và các con ông, phải chối đạo. Vì Mattathias là người có thế giá trong cộng đoàn nên ông được mời làm người đầu tiên thực hành chỉ dụ của vua là tế thần ngoại giáo. Dù được hứa hẹn nhiều điều, Mattathias đã cương quyết khước từ những gì đi ngược với Lề luật và truyền thống của cha ông.

Không phải mọi người Do thái đều theo gương của ông. Đã có người tiến lên tế thần và Mattathias đã giết chết người đó. Ở đây tác giả nhắc lại hành động tương tự của Phinehas (Ds 25,6-15) và như thế biện hộ cho hành động của Mattathias. Sau đó Mattathias và gia đình phải trốn lên núi để bảo vệ bản thân và chuẩn bị cuộc kháng chiến.

2. Suy nghĩ cho đời sống Kitô hữu

Ở bất cứ thời đại nào, luôn luôn có những sức mạnh đối kháng với đức tin Kitô giáo, và lôi cuốn ta xa rời đức tin bằng hai cách: (1) Cám dỗ: “Ơng và các con sẽ được kể vào số bạn hữu của đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc” (2,18); (2) Đe doạ: “Ai không tuân lệnh vua thì phải chết” (1,50).

Thái độ của Mattathias và gia đình ông có thể soi sáng điều gì cho chúng ta ngày nay? Phải trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, hay cố gắng tìm cách thoả hiệp để bảo vệ sự sống thân xác hoặc những lợi lộc mà thế gian hứa ban?

Bản văn cũng nhấn mạnh đến lòng nhiệt thành của Mattathias và so sánh với lòng nhiệt thành của Phinehas. Thánh Gioan tông đồ cũng nói đến lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu (x. Ga 2,1-10). Tôi có lòng nhiệt thành trong đời sống đạo hay không?

 

Tuần 69 – SÁCH MACABÊ 2

I. ĐỀN TỘI CHO NGƯỜI ĐÃ CHẾT (2 Mc 12,38-46)

1.Đọc bản văn

– 12,38-41: Sau ngày Sabát, Giuđa và các bạn chuẩn bị an táng cho những người đã chết trong cuộc chiến. Tuy nhiên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy những đồ vật được dâng cúng cho các thần ngoại. Có thể vì họ tin rằng mang những đồ vật đó sẽ đem lại may mắn. Thế nhưng đó lại là điều Lề luật cấm. Do đó người ta hiểu rằng những người này chết là vì tội lỗi đã phạm (xem thêm Joshua chương 7).

– 12,42: Những người còn sống được nhắc nhở để đừng phạm những tội trên, đồng thời họ cầu nguyện xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm.

– 12,43-45: Ông Giuđa quyên góp tiền bạc để gửi về Giêrusalem xin dâng hy lễ tạ tội. Tác giả nhấn mạnh lý do của hành động này là niềm tin và hi vọng vào sự phục sinh.

2. Cầu nguyện cho người quá cố

Giáo huấn của Thánh Gregorio Cả : “Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện. Chúa Giêsu xác nhận: nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt12,31). Qua khẳng định này, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác thì phải đợi tới đời sau.”

Sự kiện ông Giuđa Macabê xin dâng hy lễ cầu nguyện cho những người đã chết là nền tảng Kinh Thánh cho tập quán cầu nguyện cho những người đã chết. Hội Thánh Công giáo khuyên con cái mình dâng Thánh Lễ, làm các việc bác ái, hãm mình, và nhường các ân xá cho những người đã qua đời: “Chúng ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (x.G 1,5), tại sao chúng ta còn nghi ngờ là những lễ tế chúng ta dâng lên Thiên Chúa lại không đem đến cho những người đã chết một phần an ủi nào? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

II. CUỘC TỬ ĐẠO CỦA BẢY ANH EM (2 Mc 7,1-42)

  • Đây là trình thuật được biên soạn công phu. Trong truyền thống Do thái, số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, vì thế trình thuật này là câu truyện về một gia đình hoàn hảo. Toàn bộ trình thuật làm nổi bật ý tưởng then chốt này là việc tuân giữ Lề luật còn quan trọng hơn chính sự sống. Những câu trả lời của bảy anh em hàm chứa những lý luận thần học biện minh cho việc tuân giữ Lề luật của Chúa:
  • –  Thà chết còn hơn là vi phạm Lề luật (câu 2)
  • –  Nhà vua có thể tước đoạt mạng sống nhưng chính Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ tin sống lại để hưởng sự sống đời đời (câu 9)
  • –  Nhà vua có thể cắt đi các phần thân thể nhưng Thiên Chúa sẽ ban lại (câu 11)
  • –  Chết vì niềm tin sẽ đem lại phục sinh, còn nhà vua sẽ không được hưởng sự sống đời đời (câu 14)
  • –  Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi dân Người và sẽ trừng phạt kẻ gian ác (câu 17)
  • –  Chấp nhận cực hình như hình phạt của tội (câu 18)
  • Cách riêng, hình ảnh bà mẹ làm ta xúc động, không những vì sự can đảm của bà mà nhất là vì những tâm tình bà nói với các con, khuyến khích các con can đảm đón nhận mọi hình khổ. Những lời khuyên của bà phản ánh niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích của sự sống: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo mọi sự. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Lề luật của Người hơn bản thân mình” (7,22-23). Khi chỉ còn lại người con út và mạng sống người con đó cũng đang bị đe doạ, bà vẫn can đảm thuyết phục con vừa bằng tình thương mẫu tử “Con hãy thương mẹ, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm,” lại vừa bằng những lý lẽ của đức tin: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này, nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (7,28-29).
  • Bao lâu còn có những người mẹ như thế, đức tin sống động vẫn được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bao lâu còn có những người mẹ như thế, thì mới hi vọng những giá trị Tin Mừng được thấm nhập vào đời sống xã hội. Người mẹ tuyệt vời này lại chẳng phải là mẫu mực cho đời sống gia đình Công giáo hay sao?