Lá Thư Ngỏ Gửi Tổng Trấn Philatô
Kính thưa ngài Tổng trấn!
Tôi là người hậu sinh, ra đời sau ngài gần hai mươi thế kỷ. Về thời gian, tôi không có gì để dính dấp tới ngài. Về nguồn gốc, thì tôi và ngài khác hẳn nhau. Dân tộc tôi là con rồng cháu tiên. Tổ phụ của ngài là hai thằng cu tí đang mỏi cổ nhìn lên bầu vú của con chó sói. Về văn hóa thì tôi gọi ngài là “ông tây”. Còn ngài thì tưởng tôi là “ông Ba Tàu”. Rõ ràng là tôi chẳng có lý do gì để nói chuyện với ngài.
Nhưng vì tôi là đệ tử của Thầy Giêsu, mà ngài đã trao cho lãnh đạo Do Thái đem đi đóng đinh. Thầy tôi bị giết oan, mà ngài đã phủi tay một cách vô trách nhiệm. Loài người đã gọi vụ án này là vụ án bỉ ổi nhất của lịch sử ngành tư pháp. Tôi hận ngài lắm. Nhưng Thầy tôi đã phục sinh vinh quang rồi, nên tôi thôi giận. Tôi chỉ muốn trình bày tâm sự của mình, để cùng ngài nhìn lại khuôn mặt của Thầy tôi. Tâm tư của tôi diễn biến theo trình tự của tòa án do ngài chủ tọa.
- Sáng thứ Sáu hôm ấy, Thầy tôi đứng trước cổng đồn Antonia, hai tay bị trói giật cánh khủy. Sau lưng Thầy tôi là một đoàn người đông như đoàn biểu tình. Có rất nhiều bậc vị vọng khăn áo xúngxính, râu ria sang trọng, dáng đi bệ vệ. Họ dẫn độ Thầy tôi đến đây và yêu cầu được gặp ngài. Ngài ra lệnh dẫn người đứng đầu vào trình diện. Họ từ chối, viện lý do tôn giáo: vào nhà người ngoại đạo, thì mắc uế. Ngài miễn cưỡng ra gặp họ.
Cầm lá đơn tố cáo trong tay, ngài đọc nhanh, có vẻ như không quan tâm. Nội dung như sau:
Giêsu Nadarét, miền Galilê dám tự xưng mình là Con Đức Chúa Giavê.
Theo luật đạo của chúng tôi thì đó là tội phạm thượng. Ai phạm thượng thì phải chịu án tử hình.
Vậy xin Ngài Tổng trấn y án, để chúng tôi đóng đinh nó.
Ngài nhìn trân vào mặt Thầy tôi. Thầy tôi ngước mắt nhìn ngài. Ánh mắt của Người trong veo; không vương một chút hận thù; không gợi lên một tí sợ hãi. Bao dung vô cùng! Cao cả quá chừng!
Ngẫm nghĩ một hồi lâu, ngài dõng dạc tuyên bố với đoàn biểu tình:
– Đây là chuyện nội bộ tôn giáo, không liên quan đến chính trị.
Tôi không chấp đơn.
– Chúng tôi không có quyền thi hành án tử, nếu không được ngài y án. Vả lại tên Giêsu này đã phạm nhiều tội hình sự. Một: Hắn tập họp dân chúng bất hợp pháp, làm mất trật tự an ninh công cộng. Hai: Hắn xúi dân chống thuế Nhà nước. Ba: Hắn tự xưng là vua nước Do Thái.
Ngài lắc đầu thất vọng, ra lệnh cho lính dẫn Thầy tôi vào tiền sảnh của hội trường.
- Ngài mời Thầy tôi ngồi đối diện. Hai ánh mắt giao nhau. Thầy tôi nhìn ngài bằng ánh mắt thương cảm. Còn ngài thì nhìn Người bằng ánh mắt hấp háy, có vẻ trêu chọc.
– Này, tôi hỏi thật ông nhé: “Bộ ông là vua thật hả? Cái mặt này mà làm hung làm dữ với ai được?”.
– Vâng, tôi là vua thật. Nhưng nước của tôi không thuộc về trần thế như ngài nghĩ. Nếu nước tôi thuộc về trần thế, thì tôi phải có lính và lính của tôi sẽ chiến đấu không để người Do Thái bắt tôi và nộp cho ngài.
– Thế là thế nào?
– Tôi đến trong trần gian là để rao giảng chân lý. Ai yêu chân lý, thì theo tôi.
– Chân lý là cái quái gì?!
Ngài cười hô hố để chế giễu Thầy tôi, rồi quay ngoắt một cái đi ra phía cổng đồn. Đoàn biểu tình nôn nóng chờ ngài lên tiếng.
– Tôi đã thẩm vấn và không thấy người này có tội gì đáng chết.
– Nó xưng vương, nó âm mưu lật đổ chính quyền, thì phải đóng đinh nó.
– Làm sao tôi dám cho đóng đinh vua của các ông?
– Chúng tôi chỉ có một vua là hoàng đế Rôma. Nếu ngài tha nó, thì chúng tôi sẽ tố cáo ngài với hoàng đế ở bên Rôma.
– Thôi được. Vậy thì thế này nhá: Hằng năm cứ vào dịp lễ Vượt Qua, thì chính quyền ân xá cho một tử tội. Năm nay tôi cho các ông chọn: một là tha Baraba, tên trộm cướp giết người nổi tiếng ở thủ đô; hai là ông Giêsu, người tự xưng là vua. Các ông muốn ân xá cho ai?
– Tha Baraba! Giết Giêsu!
Ngài thất vọng, thất thểu đi vào tiền sảnh. Ngài tính lầm. Ngài chưa hiểu nổi dã tâm của giới lãnh đạo Do Thái. Họ quyết tâm giết Thầy tôi để bảo vệ cơ chế. Cơ chế bảo vệ cái ghế và cái nồi của họ. Ghế thì cao ngất. Nồi thì to đùng. Cái tâm của ngài thì tốt, muốn cứu Thầy tôi. Nhưng kinh nghiệm của ngài thì vơi quá. Ngài đành chịu thua ván cờ đầu.
3. Ngài nhìn Thầy tôi bằng ánh mắt thương hại. Thầy tôi vô tư. Người ngước mắt nhìn lên như thấy ai đó ở trên cao. Ngài vỗ vai Thầy tôi:
Đồng bào ông đang tố ông ngoài kia. Ông có nghe không?
– (Thầy tôi im lặng như xuất thần).
– Ông trả lời đi. Ông phải biết rằng ông được tha hay bị giết là do tôi.
– Tôi biết. Nhưng quyền ấy phải từ Trời ban cho ngài. Tôi biết là tôi sẽ bị giết. Cả ngài và người Do Thái đều phải chịu tội giết oan người lương thiện. Chỉ có điều là người Do Thái thì nặng tội hơn ngài.
Giọng nói của Thầy tôi vừa từ tốn, vừa trịnh trọng. Ngài cúi đầu suy nghĩ.
Bỗng có nàng hầu của phu nhân xuất hiện. Nàng cúi đầu thỏ thẻ.
– Bà bảo con thưa với ông là đừng nhúng tay vào vụ án người thánh thiện này. Đêm rồi bà có một giấc mộng khủng khiếp về ông ấy. Bây giờ bà vẫn chưa hoàn hồn đâu.
– Ai vào chăm sóc bà. Để tao tính.
Ngài bối rối vô cùng. Tiến thoái lưỡng nan. Tha Thầy tôi thì bọn Do Thái sẽ làm đơn thưa sang tận Rôma. Từ lưu đày cho đến mất đầu. Y án tử hình cho Thầy tôi, thì sẽ bị phu nhân đay nghiến. Từ chết đến chết…
Bỗng ngài vỗ đùi đánh đét một cái, khi thoáng đọc lại tờ cáo trạng “Giêsu Nadarét, miền Galilê”.
Ngài là tổng trấn, đại diện cho hoàng đế Rôma trên toàn tỉnh Syria. Nhưng ngài chỉ nắm toàn quyền về quân sự. Còn hành chính xứ Galilê thì ngài trao cho vua Hêrôđê. Ngài hí hửng quay sang hỏi Thầy tôi.
– Ông là người xứ Galilê?
– Vâng.
– Ô, vậy thì hay quá. Tôi cho lính dẫn độ ông sang bên vua Hêrôđê. Ngài cũng đang có mặt tại thủ đô trong dịp lễ này. Cầu mong cho ông được may mắn.
Ngài chạy ra cổng, nói oang oang: “Các ông qua bên dinh vua Hêrôđê mà tố ông Giêsu. Ông Giêsu là người Galilê, thuộc thẩm quyền của vua Hêrôđê. Tôi không liên can.
Vừa nói xong, ngài chạy vội về phòng phu nhân cũng lại nói oang oang:
“Em ơi! Êm rồi. Anh cho lính dẫn độ “người thánh” của em sang tòa vua Hêrôđê rồi. Giấc mơ hãi hùng của em đã kết thúc. Vui vẻ đi. Đừng buồn nữa”.
- Đọc Văn thư “chuyển tòa” của ngài, vua Hêrôđê sáng mắt lên. Chưa bao giờ ông ấy được ngài tôn trọng như thế. Đàng khác ông ấy cũng muốn được gặp Thầy tôi một lần, để hiểu thế nào là thần tượng của bà Gioanna, phu nhân của viên quản lý của triều đình.
Ông xum xoe hỏi Thầy tôi về đủ chuyện: từ chuyện giáo lý đến chuyện phép lạ; từ chuyện tòa án Caipha đến chuyện tòa án của ngài.Nhưng tôi lấy làm lạ vô cùng. Thầy tôi cứ im lặng như thóc trong bồ, không trả lời một câu. Không biểu lộ một thái độ. Cứ đứng ngay đơ như cái cột. Như điếc. Như câm.
Vua Hêrôđê đập bàn, hét to: “Thằng khùng. Dẫn nó về cho tổng trấn”.
Thấy Thầy tôi trở lại, ngài trợn mắt nhìn. Nghe báo cáo xong, ngài sụ mặt xuống, vò đầu, cấu tóc… Ngài vắt tay sau lưng. Đi tới đi lui. Không thèm nhìn mặt Thầy tôi. Coi Thầy tôi như của nợ…
Bỗng ngài dừng lại, lấy tay vỗ trán mấy cái, rồi ra cổng đồn gặp đám biểu tình đang ngồi buồn thỉu, buồn thiu. Ngài dõng dạc tuyên bố: “Tôi sẽ cho đánh đòn vua các ông. Đánh cho nát thây luôn”. Đoàn biểu tình vỗ tay.
Ngài ra lệnh cho lính: “Cho tụi bay đày đọa hắn tối đa cho tới khi có lệnh ngưng”.
Bọn lính viễn chinh bắt đầu diễn tuồng. Chúng cho Thầy tôi đóng vai vua: đội triều thiên bằng vòng gai, mặc áo cẩm bào bằng vải đỏ dơ dáy bẩn thỉu, cầm phủ việt là cây sậy, ngồi trên ngai là bậc thềm. Bọn chúng làm thần dân quỳ xuống, vừa cúi lạy, vừa cười hô hố: “Tâu vua Do Thái”. Bọn lính cười hô hố. Bọn Do Thái vỗ tay. Ngài cười tủm tỉm tỏ vẻ hài lòng. Thầy tôi nhìn bọn lính bằng ánh mắt bao dung, không buồn, không giận, nhưng thương xót. Bỗng ngài cười và la lên: “Tấn”.
Bọn lính tràn vào như bầy sói giành nhau cắn con trừu. Chúng lột áo Thầy tôi. Trần trụi. Chỉ còn một tấm xà rông che thân. Chúng trói Thầy tôi vào cột đá. Lấy roi da quất vào lưng. Quất mãi. Quất mãi. Thịt rách tơi tả. Máu tuôn xối xả. Thầy tôi nhắm mắt, mím môi, nghiến răng, gồng cơ bắp. Nhưng vẫn im thin thít. Không rên. Không nguyền rủa. Dường như Người có khẽ kêu một lần: “Cha ơi!”.
Ngài ra lệnh cởi trói cho Thầy tôi, dẫn Người ra cổng đồn và nói với đoàn biểu tình bằng giọng mỉa mai và hờn dỗi: “Này là Người”. Ngài tưởng rằng bọn biểu tình thấy Thầy tôi không còn hình dạng con người, mà chỉ là đống thịt đẫm máu, thì sẽ nguôi giận và đồng ý cho ngài thả Thầy tôi. Ai ngờ… Họ lại la lên:
– Đóng đinh nó! Đóng đinh nó!
Ván cờ này là ván cờ thứ ba. Ngài lại thua nữa. Thua ba-không. Ngài hờn dỗi tuyên bố:
– Các ông đóng đinh ông ấy, thì các ông chịu tội nhá.
– Máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi. Ông không phải lo.
Ngài lấy nước rửa tay, tuyên bố tỉnh bơ: “Tôi vô tội trong vụ đổ máu người hiền lương này”. Nói xong ngài quay lưng, sải bước về phía phòng phu nhân. Còn Thầy tôi thì bị bọn biểu tình lôi đi…
Tôi thương Thầy tôi quá chừng. Nhưng tôi chẳng biết làm gì. Chỉ biết ôm mặt khóc. Khóc nức nở. Khóc thương Thầy và khóc thương ngài, một người có thiện chí. Nhưng thiện chí nhỏ quá không đủ sức để đương đầu với quyền và lợi.
Ngài tổng trấn ơi! Tôi vẫn thương ngài, vì Thầy tôi không hề tỏ dấu hiệu nào ghét bỏ ngài. Tôi chờ mong rằng ngài cùng tôi hãy cùng nhau đạp chân lên quyền và lợi để đến với Chân lý. Chân lý sẽ giải phóng chúng ta, chứ không phải là “cái quái gì” như ngài đã chế giễu Thầy tôi.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
cgvdt.vn