Lên Đồi Với Chúa: Chúa Đâu Phải Là Trò Vui!

print

Chúa Đâu Phải Là Trò Vui!

Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J.

dongten.net

Ngày Đức Giêsu bị hàm oan và bị xét xử trước Thượng Hội Đồng của người Do-thái, xét thấy mình không đủ thẩm quyền kết án, các Thượng Tế và Kinh Sư đã quyết định đưa Người đến dinh Philatô. Philatô không dám làm điều gì nên đề nghị họ đưa Đức Giêsu đến gặp vua Hêrôđê. Những tưởng một vị vua có thể lấy lại công bằng cho thần dân của mình, ai ngờ rằng đây chỉ là một tên vua bù nhìn, chẳng có chút bận tâm gì đến công bằng và pháp lý.

Vua Hêrôđê đã nghe danh tiếng Đức Giêsu từ lâu vì những dấu lạ Người làm giữa dân chúng. Ông thắc mắc về xuất thân của Đức Giêsu. Ông và các quần thần chắc đã có lần tự hỏi không biết Thầy Giêsu này là ai, có phải là một vị ngôn sứ như bao ngôn sứ khác, hay chính là Gioan Tẩy Giả hồi sinh. Vua khao khát được gặp Giêsu từ lâu nhưng không có cơ hội. Nay được tin người ta sắp điệu vị Thầy lừng danh kia đến với mình, Hêrôđê vô cùng hạnh phúc vì những tò mò của mình sắp được chứng thực cách tỏ tường.

Trớ trêu thay, lý do mà Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu không phải để được nghe những lời vàng ngọc thốt ra từ môi miệng Người, không phải để tìm hiểu về Nước Trời, nhưng cốt chỉ để xem những phép lạ của Chúa. Ông ngưỡng mộ Đức Giêsu không phải như một người khát khao tìm về chân lý. Ông vui khi biết Giêsu đang được dẫn đến chỗ ở của mình, nhưng niềm vui ấy chỉ là chút  hy vọng được xem những trò ảo thuật vui mắt. Là một   vị vua, nhưng ông chẳng màng chi đến chuyện Giêsu có  bị hàm oan không, Giêsu có làm gì sai không. Dường như ông chưa bao giờ nghĩ rằng làm những việc ấy là bổn phận của mình, nhưng là chuyện của ai khác. Ông sống an nhàn trong thế giới của riêng ông, với những tiện nghi đầy đủ, với những lạc thú nhục dục, và ông nghĩ rằng ông có quyền để bắt người khác phải hùa theo những trò vui vô bổ ấy của ông.

Nhưng ông hăm hở gặp Giêsu bấy nhiêu thì càng tràn trề thất vọng bấy nhiêu vì Giêsu cương trực hơn ông nghĩ. Trước những đời hỏi vô cớ của ông, Giêsu chỉ giữ một thái độ im lặng. Sự im lặng của Giêsu khiến ông có chút ngạc nhiên, và bực mình, vì đó không phải là điều ông chờ đợi. Khi những mong chờ của ông đã không được thỏa đáp, ông phủi tay hết tất cả, bỏ mặc Giêsu ở đó và lại tiếp tục quay về với cuộc sống của một vị vua bù nhìn và vô trách nhiệm.

Khi nghe đâu đó có những phép lạ hay chuyện gì bất thường, chúng ta thường tỏ vẻ thích thú và muốn  đến đó để xem sao. Ta khao khát được đi hành hương nơi này nơi nọ, tâm tình thiêng liêng thì ít mà trí tò mò thì nhiều. Trong tận thâm tâm, ta vẫn chờ xem mình có thấy điều gì lạ không. Liệu bức tượng Mẹ Maria mà ta đăng chăm chú nhìn kia có lóe sáng như người ta vẫn đồn thổi không? Liệu đôi mắt Mẹ có chảy ra những dòng huyết lệ như bấy lâu nay ta vẫn nghe không?… Đấy là bấy nhiêu vấn đề tràn ngập trong tâm trí ta mỗi khi ta hăng hái  thực hiện một cuộc hành hương. Ta cũng giống như Hêrôđê năm nào, ham thích những màn trình diễn, muốn chứng kiến những sự lạ để khuây khỏa cho vui. Khi không được những điều ấy, ta đâm ra thất vọng và buồn tủi. Trong mắt ta, Chúa nên là một ảo thuật gia hơn là một   vị Thiên Chúa.

Tiếc thay, Thiên Chúa của chúng ta không là một vị Thiên Chúa ưa thích những ồn ào và phô diễn. Ngay từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, Giêsu vẫn luôn chọn cho mình cái gì bình thường nhất. Giờ đây. Ngài vẫn âm thầm ẩn mình nơi nhà Tạm. Chẳng hề kêu la, chẳng hề gào thét cho người ta biết. Thánh Thể nơi một nhà nguyện vô danh cũng hệt như khi đặt trên một bệ cao nơi  các Thánh Đường lớn. Chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì là vui mắt. Nếu ta tìm đến với Giêsu chỉ như một trò vui thì ta sẽ hụt hẫng vô cùng. Còn nếu ta đến với Ngài trong thinh lặng của con tim, với lòng khát khao sâu thẳm, ta sẽ được Ngài ban dư tràn những an ủi thiêng liêng của Thần Khí. Thinh lặng mới là con đường dẫn ta gặp gỡ Giêsu thật sự.

Hình ảnh và cung cách hành xử của Hêrôđê cũng gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Tôi đến nhà thờ đọc kinh dự lễ với một lòng khao khát tìm gặp Giêsu, tìm đến chân lý, hay tôi chỉ tìm kiếm điều gì đó lạ thường, lạ mắt nơi Ngài? Tôi có xem Chúa như là trò tiêu khiển của tôi hay không, khi tôi cứ muốn Ngài phải làm dấu lạ này, dấu lạ kia cho tôi xem, để tôi kiểm chứng sự hiện hữu và quyền năng của Ngài? Nhưng đòi hỏi mà tôi dâng lên Chúa có thật sự cần thiết cho ơn cứu độ của tôi không, hay nó chỉ là những điều phục vụ cho những ước muốn thấp hèn của tôi? Khi Chúa không khỏa lấp cho những nguyện vọng của tôi, tôi có duyệt xét lại những nguyện vọng ấy, xem có đẹp lòng Chúa không; tôi có tiếp tục hướng về Ngài để xin lòng thương xót không, hay tôi quay lưng phủi tay và đi tìm một thần minh khác? Nhân vật “Hêrôđê” tưởng chừng như xa xôi lắm, nhưng chẳng lạ lẫm gì với mỗi người chúng ta đâu!