LIỀU?
Felicitas
Bước vào đời dâng hiến, chắc hẳn không ít người đã hơn một lần cảm thấy lo lắng và có chút sợ sệt: lo lắng không biết mình có giữ được lời khấn? Sợ sệt vì không biết tương lai sẽ như thế nào? Thật vậy, đời dâng hiến là một hành trình thật dài, không thiếu những thách đố cùng những lo lắng, sợ sệt và nhiều khi cả một sự xâu xé. Bởi vì, khi chọn bước theo Đức Kitô, người sống đời thánh hiến phải khước từ những điều không cần thiết cho ơn gọi. Sự chọn lựa ấy có là một sự liều lĩnh?
- Trước ngưỡng cửa cuộc đời
Đứng trước một quyết định quan trọng, mỗi người đều phải chọn lựa, từ bỏ. Khi chọn lựa là phải chấp nhận liều lĩnh bởi vì không ai biết trước được tương lai sẽ như thế nào. Quyết định dấn thân theo Chúa là một quyết định mang tính định mệnh cho cả cuộc đời. Một chọn lựa cho một hành trình quá mạo hiểm. Do đó, không ít người sống đời thánh hiến, tuy đã cầu nguyện kỹ càng, suy nghĩ chọn lựa nhưng khi “bước lên” vẫn thấy chút gì âu lo và sợ hãi. Bởi vì bước vào đời tu là bước vào một cuộc dấn thân với những cam kết và trách nhiệm. Hẳn không ít người sống đời thánh hiến có những suy nghĩ như: “bây giờ lòng sốt mến và tình yêu dâng hiến dạt dào nhưng liệu tôi có chắc chắn rằng tương lai tôi vẫn luông trung thành và giữ được ngọn lửa dâng hiến cháy sáng?” “tôi sẽ thay đổi theo thời gian?” “dù biết mình dễ thay đổi nhưng sao tôi vân quyết định tiến lên, phải chăng đó là sự dối lòng?”.
Trước những sự trăn trở và băn khoăn này, đức ái sẽ giúp người sống đời dâng hiến có thể đứng vững không nao núng. Bởi vì đức ái là một tình yêu không bao giờ ngơi nghỉ. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách người sống đời thánh hiến luôn tiến lên, mạnh dạn và mạo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng: đó không là một cuộc mạo hiểm vô ích nhưng đầy hứa hẹn vì có Chúa Kitô đồng hành. Thật vậy, “Lạy Chúa, đường chân lý này con đã chọn (Tv 118, 30); và “Trên đường nẻo Chúa, xin dẫn bước con đi” (Tv 118,35).
- Chấp nhận dấn thân và sống liều
Trong đời dâng hiến, không thể tránh khỏi những chao nghiêng và bấp bênh. Bởi vì đời sống ấy là sự gắn bó cuộc đời với Thiên Chúa; một sự cam kết xem ra có vẻ huyền nhiệm và vô định.
Cuộc sống của người sống đời thánh hiến chịu nhiều tác động của những thách đố hay những khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài. Những tác động ấy có khi nhẹ nhàng nhưng cũng có những lúc mãnh liệt và thường xuyên. Rất có thể, người sống đời thánh hiến có thể có những câu tự vấn như: “Tội gì mà đi tu để chịu khổ? “có những “cây cổ thụ” cũng đã ngã đổ huống chi là mình chỉ ‘phất phơ ngọn cỏ gió đùa’?”.
Dẫu cả cuộc đời-xem ra- là đêm đen, giông tố nhưng thiết nghĩ, điều tối cần thiết là hãy cứ bước đi và tin tưởng đợi chờ ánh bình minh sẽ xuất hiện nơi cuối con đường; luôn sống hy vọng ngay cả khi mình không con gì để hy vọng nữa (x. Rm 4, 18-25). Thiên Chúa sẽ đến. Thật vậy, một điều quan trọng là tập nhìn cuộc sống với cái nhìn lạc quan của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn có thể rút tỉa từ những khó khăn những điều ích lợi cho con người. Người sống đời thánh hiến cần dấn thân không ngừng và có cái nhìn linh thánh, nhận ra dấu hiệu sự sống ngay trong đống đổ nát; nhìn thấy trong đống tro tàn vẫn còn than hồng âm ỷ, có sức bùng cháy lên mãnh liệt; phải thấy không bao giờ con người là thua cuộc, vì vẫn còn Thiên Chúa đỡ nâng.
- Trung tín trong tình yêu Chúa
Tình yêu dâng hiến không phải là một tình yêu tĩnh nhưng luôn trong tâm thế “động” để vươn đến những tầm mức trọn vẹn hơn mỗi ngày. Chính tâm thế ấy giúp người sống đời thánh hiến tìm được ý lnghĩa, giá trị cao cả và động lực để tiến lên dù đối diện với tương lai, họ có thể có chút lo ngại. Bởi vì, lý do thật dễ hiểu, nếu biết trước được ngày mai và cầm chắc phần thắng trong tay thì cần gì khấn hứa, cần gì cam kết dấn thân?
Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín. Ngài sẽ đem lại bình an cho con người giữa những lo âu, sợ hãi. Thế nên, điềuquan trọng trước và trên hết, người sống đời thánh hiến phải luôn tín thác tuyệt đối nơi Chúa bởi vì “anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 31-34). Do đó, dù yếu hèn hay bất xứng, dù chùn bước hay do dự, người sống đời thánh hiến cần tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa và không ngừng thốt lên rằng: “Điều khấn hứa cùng Ngài con xin giữ trọn” ( Tv 115, 14) bởi vì ““Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con”” (Tv 70,6).
- Dưỡng nuôi tình yêu dâng hiến
Rất có thể những trục trặc hay khủng hoảng trong cuộc sống của người sống đời dâng hiến bắt nguồn từ những lần bất trung khi lười biếng trong kinh nguyện, chểnh mảng giữ kỷ luật, bất cẩn trong khi giao tiếp…Tình yêu dâng hiến chỉ được nuôi dưỡng và phát triển đến mức tròn đầy khi được cắm rễ sâu trong tình yêu của Thiên Chúa: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131, 2) và cùng với ý thức trách nhiệm chu toàn bổn phận hằng ngày.
Thiết nghĩ, để tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa luôn nồng nàn, người sống đời thánh hiến cần phải không ngừng tự vấn chính mình về việc trung tín với lời cam kết cùng Chúa. Từ đó, mỗi người có thể nhận ra được yếu đuối mà chỉnh sửa hay thậm chí bất trung, vấp ngã mà đứng dậy. Thiên Chúa không ghét người vấp ngã vì Ngài biết rõ “biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả” (Tv 139, 1-3). Thiên Chúa không đòi hỏi người sống đời thánh hiến phải chiến thắng luôn luôn nhưng là điều Ngài cần là tinh thần luôn bắt đầu lại cách mạnh mẽ và dứt khoát sau những lần thất ước.
***
Tình yêu dâng hiến không là những ngôn từ đẹp viết trên giấy, không phải là “kho báu” cất kỹ và càng không phải là những lý luận, suy tư thần học suông; nhưng tình yêu ấy phải là chính cuộc sống của người sống đời thánh hiến.Hành trình theo Chúa trong đời sống thánh hiến là một cuộc “chiến đấu trường kỳ” và biến đổi không ngừng để nên con người mới xứng đáng với lời Thiên Chúa kêu gọi. Qua đó trong mọi lúc, mọi nơi, mọi suy nghĩ, hành động, người sống đời thánh hiến đều có thể sống trọn vẹn tình yêu dâng hiến và lan tỏa tình yêu ấy cho anh chị em chung quanh với niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa và phần thưởng Ngài hứa ban. Sống như thế chẳng phải là đã trả lời cho con người hôm nay tại sao tôi dám sống liều lĩnh (bước vào đời dâng hiến) hay sao?