Lời Nguyện Tín Hữu đọc khi nào và đọc như thế nào ?
Hỏi: Thưa cha, con không biết rõ là lời nguyện giáo dân có buộc phải đọc thường xuyên trong thánh lễ Chúa Nhật không ? Vì giáo xứ của con, từ ngày đổi cha xứ mới đến nay, con thấy ngài không còn đọc lời nguyện tín hữu vào các ngày Chúa Nhật. Con cũng có dịp đi tham dự thánh lễ hôn phối hoặc an táng nhiều nơi, con cũng thấy có nơi thì đọc lời nguyện tín hữu sau bài giảng có nơi thì không đọc. Vậy đâu là sự thống nhất ?
Trả lời.
Xin đọc lại hướng dẫn của Giáo Hội về Lời Nguyện Chung – Lời nguyện tín hữu, trích từ Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002, số 69-71.138
“Lời nguyện chung
- Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục nhận được qua bí tích Thanh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự để cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp các khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ.
- Những ý nguyện thường theo thứ tự này là:
a) Cho các nhu cầu của Hội Thánh;
b) Cho các nhà cầm quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ;
c) Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;
d) Cho cộng đoàn địa phương.
Nhưng trong một buổi cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm sức, Hôn phối, An táng, thì thứ tự các ý nguyện có thể ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.
- Chính linh mục chủ tế sẽ điều khiển việc cầu nguyện tại ghế. Ngài nói vắn tắt mấy lời dẫn nhập mời gọi các tín hữu cầu nguyện và ngài đọc lời nguyện kết thúc. Những ý nguyện đưa ra phải giản dị, bằng những lời vắn tắt tự nhiên và thận trọng, diễn tả ý nguyện của toàn thể cộng đoàn.
Thường thì các ý nguyện được đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, do phó tế, hoặc do một ca viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân.
Còn cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng.”
“138. Sau kinh Tin kính, linh mục đứng tại chỗ, chắp tay, nói mấy lời vắn tắt, mời gọi tín hữu đọc lời nguyện chung. Ðoạn, một ca viên, hay thầy đọc sách hay một ai khác, đứng tại giảng đài hay một chỗ thuận tiện khác, xướng những ý nguyện cho dân chúng, và dân chúng khẩn khoản đáp lại theo phần của mình. Sau hết, linh mục dang tay kết thúc bằng một lời nguyện.”.
Từ chỉ dẫn này, có thể rút ra vài ý chính để trả lời cho câu hỏi của bạn:
- Lời Nguyện Tín Hữu là thành phần của Thánh Lễ. Vị trí của lời nguyện này được xếp ngay sau bài giảng hoặc kinh Tin Kính. Lời nguyện này như là lời đáp trả của cộng đoàn phụng vụ sau khi nghe Lời Chúa trong tư cách một “ngôn sứ”. Cách đặc biệt, khi dâng lời nguyện chung lên Chúa, chính là thời điểm người tín hữu thực hiện chức năng “tư tế” vương giả của bí tích Rửa Tội. Chuyển cầu cho mọi người được ơn cứu độ.
- Lời Nguyện Chung mà mọi tín hữu dâng lên Chúa gồm tóm hết mọi thành phần dân Chúa và nhân loại. Cầu cho Hội Thánh, cầu cho nhà cầm quyền và thế giới được ơn cứu độ, cầu cho người đang gặp khó khăn và cầu cho cộng đoàn địa phương hay đối tượng cụ thể hiện diện trong thánh lễ đang cử hành (lễ Thêm Sức, Hôn Phối, An táng…). Khi dâng lên Chúa các ý nguyện cho mọi thành phần, người tín hữu thực hiện triệt để chức năng tư tế, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Thánh Phaolô đã từng khuyên các tin hữu “ hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chua và tất cả những nhà cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (2 Tm 2,1-4).
- Lời Nguyện Tín Hữu được Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II phục hồi và đưa vào cấu trúc của Thánh Lễ (xem Hiến Chế Phụng Vụ số 53). Cho nên không một ai được quyền cắt bỏ thành phần này khi cử hành Thánh Lễ, nhất là vào ngày Chúa Nhật, lễ trọng và cũng “thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự (Quy Chế số 69). Như vậy, Lời Nguyện Tín Hữu có thể đọc trong mọi thánh lễ nếu có giáo dân tham dự (trường hợp này có thể hiểu là hiện nay có nhiều nhà thờ ghép Phụng Vụ Giờ Kinh vào trong Thánh Lễ, lời cầu của Phụng Vụ Giờ Kinh luôn phải đọc sau Phụng Vụ Lời Chúa).
- Để thống nhất, linh mục chủ tế không được bỏ Lời Nguyện Chung này trong các Thánh Lễ nhất là ngày Chúa Nhật và lễ Trọng theo quy định. Ngoài ra, trong các Thánh Lễ Hôn Phối và An Táng, Nghi thức mới đã được của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố sử dụng: Nghi Thức Hôn Phối (năm 2008) và Nghi Thức An Táng (năm 2014). Các quyển nghi thức này đã dự liệu các mẫu Lời Nguyện Tín Hữu cho lễ Hôn Phối cũng như lễ An Táng.
- Hiện nay, quyển Lời Nguyện Tín Hữu của linh mục tổng đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân, nhà xuất bản Đồng Nai, năm 2018, có thể sử dụng. Tuy đây là một sự cố gắng cá nhân của tác giả, nhưng nó là một tác phẩm được hình thành từng bước với thời gian, từ năm 1975 dưới sự khuyến khích của Đức Tổng Giám Mục Pl Nguyễn Văn Bình cũng như sự góp ý của nhiều linh mục chuyên môn. Quyển sách này cũng đã được sửa chữa rất nhiều. Xin trích lời tác giả: “năm 2001, nội dung quyển sách được đọc đi đọc lại nhiều lần và cũng được gọt giũa khá kỹ…những năm sau này, một vài người xin phép xuất bản với sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên, không biết vì vô tình hay cố ý, một số nội dung bi thay đổi không đúng với ý ban đầu của tác giả. Vì thế, tác giả đã đọc lại sách một lần nữa và xin phép xuất bản để phục vụ nhu cầu chung.” (Trích từ Lời Ngỏ của quyển sách).
Xin chân thành cám ơn.
Lm. Gs Lê Ngọc Ngà