Mang Chúa đến cho người khác

print

Mang Chúa đến cho người khác

Chuyện xảy ra vào một ngày mùa đông, một ông cụ ăn xin lê đôi chân trần bước đi trên phố. Có rất nhiều người cũng đang đi trên con đường ấy. Hai cô thiếu nữ tay xách lỉnh kỉnh những chiếc túi to, vừa nói chuyện vừa cười đi lướt qua ông cụ. Một người mẹ dẫn theo hai đứa con nhỏ, vội vàng rảo bước nên không để mắt đến ông. Đến trạm xe buýt gần đó, ông cụ run rẩy nép vào một góc ở trạm để chờ xe. Khi xe buýt tới, ông cụ nặng nhọc bước lên xe, và ngồi trên chiếc ghế ở ngay gần cửa lên xuống. Thấy vậy, một số vị khách ngồi gần đó khó chịu, đứng dậy đi xuống ngồi ở những hàng ghế phía sau.

Vài phút sau, chiếc xe buýt dừng lại và có một cậu bé khoảng mười sáu, mười bảy tuổi bước lên xe. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to, đeo chiếc ba lô khá to, chân mang một đôi giày mới bằng vải, đính một lớp lông dày rất ấm áp. Cậu trả tiền xe buýt, rồi ngồi vào chiếc ghế ngay bên cạnh ông cụ, lễ phép quay sang nhìn và khẽ gật đầu chào ông. Bất chợt, ánh mắt cậu dừng lại ở đôi chân trần lem luốc đã trắng bệt vì lạnh. Sau vài giây quan sát như để ước chừng kích cỡ đôi chân của ông với chân của mình, cậu bé cúi xuống và bắt đầu cởi đôi giày và đôi vớ của mình ra. Rồi cậu ngồi xuống bên cạnh chân ông cụ và nói:

– Ông ơi, đôi giày của cháu vừa với chân của ông này, ông cứ dùng giày của cháu nhé!

Vừa nói, cậu bé vừa cầm lấy bàn chân lạnh cóng của ông cụ, mang từng chiếc vớ vào và mang giày vào chân ông. Đôi giày gần như vừa khít với chân ông cụ. Ông bất ngờ và cảm động, không nói được nên lời. Nhìn thấy cây thánh giá nhỏ nơi sợi dây chuyền mà cậu bé đang đeo trên cổ, ông cụ chỉ thầm thì được một câu:

– “Cảm ơn… Chúa”.

Quý vị và các bạn thân mến,

Hằng ngày, xung quanh chúng ta có rất nhiều người nghèo khổ và thiếu thốn, như ông cụ ăn xin trong câu chuyện nói trên. Rất nhiều người cũng đã đi ngang qua những người nghèo khổ đó một cách vô tình, thậm chí là cố tình. Một trong những lý do khiến người ta hành xử như vậy, đó là bởi vì ai cũng có những nỗi bận tâm riêng của mình và người ta cảm thấy mình không có bổn phận phải để ý và quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Một lý do khác nữa là nhiều người quá mất niềm tin vào cái vẻ nghèo khổ của những người đang mang vẻ nghèo khổ đó. Họ có thật sự nghèo khổ không hay chỉ là dùng dáng vẻ tội nghiệp đó để lợi dụng lòng tin và sự tốt bụng của người khác?

Không biết ông cụ đang đi chân trần đó có thật sự nghèo hay không nhưng cậu bé trong câu chuyện nói trên đã không bận tâm về điều đó. Điều mà cậu suy nghĩ lúc này, đó là đôi chân ông cụ có vừa với đôi giày của mình không và không cần nghĩ ngợi lâu, cậu đã đặt đôi giày ấm áp của mình vào đôi chân của ông cụ, chấp nhận đi chân trần giữa không khí giá lạnh của mùa đông. Nghĩa cử đó của cậu bé đã làm cho mùa đông của ông cụ nghèo bớt lạnh giá. Điều đẹp nhất ở đây đó là, ông không biết tên của cậu bé tốt bụng này, nhưng qua cây thánh giá mà cậu đeo trên cổ, ông nhận ra mình đã gặp Chúa.

Những hành động bác ái là dấu chỉ để người ta nhận biết Chúa, và những người thực hiện nghĩa cử của tình yêu là những người đem Chúa đến cho người khác, sẽ được nhận biết là môn đệ của Chúa. Điều này đã được Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Giữa một thế giới mà người ta quá bận rộn để lo cho cuộc sống cá nhân của riêng mình, việc dừng lại để quan tâm, giúp đỡ người khác là những đốm lửa nhỏ của tình yêu mà người Kitô hữu chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi chuyên chăm thắp lên để soi rõ cho mọi người nhận ra được khuôn mặt từ ái và nhân lành của Thiên Chúa. Đức Thánh cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ trong Ngày Giới trẻ Thế giới Lần thứ 37 tại Lisbon, năm 2023 này rằng: “Thông điệp của cha dành cho các bạn trẻ, thông điệp quan trọng mà Giáo hội đang mang là Chúa Giêsu!” Ngài nhắc cho người trẻ nhớ đến tình yêu vô biên, ơn cứu độ và sự sống mới mà Chúa Giêsu dành cho mỗi người và mời gọi họ hãy trở thành những người mang Chúa Kitô, những người mang tình yêu từ bi của Người và sự phục vụ quảng đại của Người đến với nhân loại đau khổ. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta, cách riêng là các bạn trẻ đang tham dự những ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon khám phá được “niềm vui của một vòng tay huynh đệ giữa các dân tộc và các thế hệ, một vòng tay hòa giải và hòa bình, một vòng tay của tình huynh đệ truyền giáo mới”, như điều mà Đức Thánh cha Phanxicô những hằng mong ước.

Lạy Chúa, xung quanh chúng con có quá nhiều người đang sống trong bóng tối của đau khổ và thất vọng, vì không thấy được dù chỉ một chút hy vọng ở hiện tại và tương lai. Xin Chúa giúp chúng con đừng thờ ơ, vô cảm trước tha nhân và cuộc sống, nhưng biết sống hết mình vì lý tưởng là đem Chúa đến cho mọi người, hầu qua sự dấn thân phục vụ của chúng con, nhiều người sẽ nhận biết Chúa. Amen.

Duy An