Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 01 Thường Niên

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 01 Thường Niên

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, năm B.

Thứ Hai tuần 1 Thường niên.

Thứ Ba tuần 1 Thường niên.

Thứ Tư tuần 1 Thường niên.

Thứ Năm tuần 1 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 1 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 1 Thường niên.

CON YÊU DẤU

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, năm B

Lời Chúa: Mc 1, 7-11

Khi ấy, ông Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Hồi ấy, Ðức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Suy niệm

Trước khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại,

chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan,

dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết.

Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa,

bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông.

Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).

Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình,

có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét.

Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không?

Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không?

Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.

Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu

là đứng chung với đồng bào, với tội nhân,

là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy.

Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10)

bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra:

Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài,

bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình:

“Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).

Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng.

Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết,

đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu.

Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha,

nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối.

Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha,

nhưng cũng gần gũi với anh em của mình.

Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu.

Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình,

là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải.

Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31),

Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2).

Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn,

Đức Giêsu đã được Cha Phục Sinh và nâng dậy.

Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”.

Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình.

Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy,

chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3).

Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.

Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng.

Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

sám hối không phải là điều dễ dàng,

bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng

khi thấy Chúa là Đấng vô tội

mà lại đứng chung với các tội nhân,

chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

lối nghĩ và lối sống của mình,

tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

dám đi đến những hành động cụ thể,

và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

niềm vui của Giakêu,

hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen.

THẤY – GỌI – BỎ – THEO

Thứ Hai tuần 1 Thường niên

Lời Chúa: Mc 1, 14-20

Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Suy niệm

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan

Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét,

phải chia tay với người mẹ thân yêu,

phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.

Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống,

Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường

dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.

Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).

Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).

Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.

Ngài cần người cộng tác, dù nước Israel chỉ là một nước bé nhỏ.

Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.

Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.

Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.

“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).

Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.

Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài,

chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.

Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.

Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.

Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.

Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.

Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.

Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly.

Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.

Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.

Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.

Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn,

bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.

Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.

Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20).

Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác,

dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương,

dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.

Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Thứ Ba tuần 1 Thường niên

Lời Chúa: Mc 1, 21b-28

Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

Suy niệm

Trong Tin Mừng theo thánh Máccô,

ta không thấy có những bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan.

Nhưng bù lại Máccô đã kể khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.

Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay

là hội đường vùng Caphácnaum vào một ngày sabát.

Theo Máccô, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ từ đây.

Chúng ta cần xem Ngài đã sống ngày sabát như thế nào.

Trước hết Ngài đã vào hội đường và giảng dạy.

Thánh Máccô không kể lại nội dung của bài giảng,

chỉ cho biết là người ta sửng sốt khi nghe Ngài

vì cách giảng đầy uy quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).

Phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ.

Ở đây có một người đàn ông bị thần ô uế ám.

Trước sự hiện diện của Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên:

“Ông Giêsu Nadarét, ông đến tiêu diệt chúng tôi ư?

Tôi biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).

Sự hiện diện của Đấng Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ,

vì ô uế và thánh thiện không đội trời chung.

và Đấng thánh thiện có khả năng triệt phá thần ô uế.

Lời của Đức Giêsu bây giờ là lời trừ quỷ, lời quát mắng,

lời ra lệnh đầy uy quyền, lời khiến thần ô uế phải tuân theo.

“Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”

Thần ô uế đã nhập vào và làm người ấy bị tha hóa,

bị mất tự do, bị chi phối và sai khiến như một nô lệ.

Lời Đức Giêsu là lời giải phóng để anh ấy được thật sự là mình,

được giải thoát khỏi tình trạng ô uế.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm,

từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.

Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần,

bầu khí ô uế của sex thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Xin Đức Giêsu trả lại cho ta sự trong sạch nơi cái nhìn,

sự trong trắng nơi trái tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

BÀ PHỤC VỤ CÁC NGÀI

Thứ Tư tuần 1 Thường niên

Lời Chúa: Mc 1, 29-39

Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Suy niệm

Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum,

Đức Giêsu trở về một căn nhà của một gia đình quen biết,

gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài.

Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt.

Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy.

Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.

Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu

cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà.

Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm,

nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được,

gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình.

Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống.

Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại.

Bếp lại có lử a, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.

Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé.

Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.

Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này.

Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.

Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế.

Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an.

Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà Phục Sinh.

Sau khi được Phục Sinh thì bà đi phục vụ các vị khách.

Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.

Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su

sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13).

Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.

Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.

“Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê

và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).

Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).

Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng,

phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).

Xin cho mọi người biết nhìn nhận

vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà,

và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Thứ Năm tuần 1 Thường niên

Lời Chúa: Mc 1, 40-45

Có người bị phong hủi đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Suy niệm

Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46).

Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên,

phải vừa đi vừa kêu lên: “Ô uế! ô uế!” để người ta biết mà tránh xa.

Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…

Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong

và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này.

Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế,

phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày,

và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).

Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê.

Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch,

mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh,

chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó.

Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép.

Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh,

đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh,

dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.

Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế.

Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong.

Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá.

Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao.

Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành.

Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa!

Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu

đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước.

Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu.

Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn…

Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong,

đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ.

Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong,

ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ.

Giáo hội Công giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi,

và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

THẤY HỌ CÓ LÒNG TIN

Thứ Sáu tuần 1 Thường niên

Lời Chúa: Mc 2, 1-12

Vài ngày sau, Đức Giêsu trở lại thành Caphácnaum. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giêsu bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

Suy niệm

Bối cảnh của bài Tin Mừng là căn nhà của ông Simon ở Caphácnaum.

Đức Giêsu đang được hết sức ái mộ bởi đám đông dân chúng.

Biết ngài trở về, họ tụ tập lại đông đến nỗi cửa cũng chẳng còn lối vào.

Chính vì thế khi bốn người bạn khiêng anh bất toại tới,

họ không biết làm sao mà vào được trong nhà để gặp Đức Giêsu.

Dù sao cũng có một tình cảm nào đó giữa năm người này.

Rất có thể họ là một nhóm bạn quen biết nhau và muốn giúp nhau.

Cả năm người đều tin rằng đến với Đức Giêsu là có hy vọng khỏi bệnh.

Họ đã hẹn nhau vào một ngày nhất định để lên đường.

Tình bạn được biểu lộ qua việc vất vả khiêng người bất toại.

Khi không vào được nhà, chắc cả năm người đều bối rối.

Về ư? hay chờ đợi? hay cứ liều gạt đám đông mà vào?

Hay còn một giải pháp nào khác tốt hơn?

Thời nay chúng ta khó hiểu được chuyện dỡ mái nhà mà vào.

Nhưng mái nhà của người Palestine thời ấy cũng khá đơn sơ,

chỉ gồm những thanh xà đặt trên các tường đá, rồi lợp tranh lên trên.

Nhóm năm người đã chọn giải pháp này, sau khi đã bàn bạc và nhất trí.

Kế đến là chuyện phân công.

Phải xin phép chủ nhà, phải leo lên dỡ mái bằng thang và làm một lỗ hổng,

phải kéo anh bất toại với chõng lên và hạ xuống ngay tại chỗ Đức Giêsu ngồi.

Tất cả công việc này cần nhiều sức mạnh và sự khéo léo,

nhất là cần lòng tin và tình bạn.

Hẳn Đức Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này.

Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở.

Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và khác thường.

Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm người.

Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm trí.

Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Đức Giêsu coi là là khiếm nhã.

Đức Giêsu đã thấy được lòng tin này và ngài đã chữa lành (c. 5).

Con đường trở về nhà của năm người thật là vui và nhẹ nhàng.

Người ta có thề đi ngang hàng với nhau, chứ không phải khiêng nhau nữa.

Nhìn nhóm người trên, tôi tự đặt cho mình vài câu hỏi.

Khi tôi bất toại, có người bạn nào giúp tôi không?

Tôi có khiêm nhường để cho người khác giúp tôi không?

Tôi có sẵn sàng để người khác đưa tôi đến với Giêsu không?

Tôi có chấp nhận vất vả để giúp một người bạn đang gặp khó khăn không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Ðấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thương của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người. Amen.

KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI

Thứ Bảy tuần 1 Thường niên

Lời Chúa: : Mc 2, 13-17

Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.

Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,

vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.

Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.

Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.

Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.

Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.

Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”

Lêvi có ngỡ ngàng không?

Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế

vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.

Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.

Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình

Đức Giêsu có liều lĩnh không?

Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?

Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,

nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.

Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.

Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.

Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,

trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.

Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.

Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.

Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.

Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.

Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.

Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).

Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?

Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện

đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?

Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,

vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,

và bỏ lại tất cả sau lưng.

Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,

xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con. Amen.

 

print