Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 23 Thường Niên

print

 Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 23 Thường Niên

Chúa Nhật 23 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 23 Thường niên.

Thứ Ba tuần 23 Thường niên.

Thứ Tư tuần 23 Thường niên.

Thứ Năm tuần 23 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 23 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 23 Thường niên.

 

LỢI ĐƯỢC NGƯỜI ANH EM

Chúa Nhật 23 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 18, 15-20

Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Suy niệm

Trong cộng đoàn Hội Thánh,

các Kitô hữu là anh chị em của nhau (Mt 23,8)

và là anh chị em với Ðức Kitô

nhờ biết thi hành ý Cha trên trời (Mt 12, 48-50).

Thế nhưng Hội Thánh vẫn có người lỗi phạm.

Ðời sống của họ nghịch với đòi hỏi của đức tin.

Chúng ta không thể lạnh lùng

khi thấy anh em mình sa ngã,

bởi lẽ tất cả chúng ta làm nên một thân thể.

Chúng ta mang vết thương của nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho thấy

thái độ ta phải có trước một người lầm lỗi.

Trước hết, phải mạnh dạn góp ý.

Chỉ ai yêu thực sự mới dám góp ý thẳng thắn.

Nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng.

Nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý.

Vì sợ người khác giận mình,

vì sợ mất một số quyền lợi

hay vì sợ chính mình bị góp ý.

Góp ý xây dựng là một dấu chỉ yêu thương,

chứ không phải là đi tìm cọng rơm trong mắt người.

Nhưng phải biết cách góp ý.

Cần giữ sự kín đáo và tôn trọng nhau.

Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp,

thì nên đem theo vài người nữa,

không phải để gây áp lực,

nhưng để cho thấy tính khách quan hơn.

Nếu họ vẫn không chịu nghe,

thì phải đưa ra cộng đoàn.

Nếu họ cũng không chịu nghe cộng đoàn,

thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.

Như thế góp ý có nhiều giai đoạn.

Cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương,

vì Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất,

tuy Ngài cũng không muốn có gương xấu xảy ra.

Góp ý là một bổn phận của yêu thương,

nhưng bản thân tôi cũng cần được góp ý.

Một cộng đoàn trưởng thành là cộng đoàn

có khả năng ngồi lại để góp ý cho nhau,

trong giáo xứ, trong gia đình và từng nhóm nhỏ.

Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý,

cần khiêm tốn để được góp ý.

Có khi chúng ta quen sống trong bầu khí

chịu đựng nhau, giữ kẽ, dĩ hoà vi quý.

Như thế là duy trì một sự trì trệ kéo dài.

Mong sao mau đến ngày các Kitô hữu trên thế giới

ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng

và trở nên hiệp nhất như ý Chúa muốn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xưa Chúa có người bạn thân là Ladarô,

Chúa cũng coi các môn đệ là bạn hữu.

Tạ ơn Chúa đã cho con những người bạn

để nâng đỡ con trên đường đời.

Dù chúng con có nhiều điểm khác biệt,

nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu.

Xin cho chúng con biết

yêu thương nhau thật tình,

chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui,

nâng nhau dậy khi vấp ngã,

phấn khởi trước những thành công,

khích lệ trước một cố gắng nhỏ,

và nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau,

để cùng nhau tiến bộ.

Lạy Chúa, xin mở rộng vòng tay con,

để có thể đón nhận những người bạn mới.

Xin cho con đừng trở nên nghèo nàn

vì chỉ muốn làm bạn với ai giống con.

Xin dạy con biết thế nào là gặp gỡ.

Gặp gỡ không phải chỉ là quảng đại cho đi,

mà còn là khiêm nhường nhận lãnh.

Gặp gỡ không phải chỉ là tâm sự về mình,

mà còn là lắng nghe người khác.

Gặp gỡ không phải chỉ là

phân phát sự giàu có của mình,

mà còn là nhìn nhận và đón nhận

sự phong phú của tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con trở nên bạn của Ngài,

nhờ đó, chúng con mãi mãi

là bạn thân của nhau. Amen.

 

 

 

GIƠ BÀN TAY ANH RA

Thứ Hai tuần 23 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 6-11

Một ngày sabát khác, Ðức Giêsu cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Giơ bàn tay anh ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Ðức Giêsu không.

Suy niệm

Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này.

Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì?

Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).

Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường.

Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.

Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc.

Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.

Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.

Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,

dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).

Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”

Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.

Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.

Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).

Một lần nữa ông lại vâng lời.

Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được.

Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.

Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện.

Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.

Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.

Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.

Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu,

nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.

Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.

bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.

Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ.

Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không?

được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;

cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).

Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).

Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,

Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.

Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,

nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người.

Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.

Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát

Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.

Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.

Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.

Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ.

Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.

Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình.

Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.

Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.

 

 

THỨC SUỐT ĐÊM CẦU NGUYỆN

Thứ Ba tuần 23 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ. Ðó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêô, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Ðức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Suy niệm

Đức Giêsu là con người Cầu nguyện:

đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca.

Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế,

từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21)

đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46).

Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha,

là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con.

Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46).

đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương.

Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18),

nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28)

hay vào chỗ hoang vắng (5, 16).

Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21),

hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39).

Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu.

Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó.

Bài Tin Mừng hôm nay

cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu.

Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12).

Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài.

Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định.

Và đây là một quyết định quan trọng.

Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17),

bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ

để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn.

Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên.

Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện.

Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,”

“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9).

Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình.

Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa.

Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha.

Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ.

Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ.

Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen.

Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn,

và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi.

Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát,

chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao.

Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh.

Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa,

thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an.

Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi,

nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm.

Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở!

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

không có giờ đi vào sa mạc

để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.

Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.

Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu

là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa

mà con đã bỏ mất:

Khi chờ một người bạn,

chờ đèn xanh ở ngã tư,

chờ món hàng đang được gói.

Khi lên cầu thang,

khi đến nơi làm việc,

khi kẹt xe,

khi cúp điện bất ngờ.

Thay vì bực bội hay nóng ruột

con lại thấy mình sống an bình

trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,

những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày

giúp con tỉnh thức

để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn

để tìm ra những sa mạc mới

và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

 

 

PHÚC CHO ANH EM LÀ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Thứ Tư tuần 23 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 20-26

Ðức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị nguời ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên hư đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.”

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Suy niệm

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.

Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.

Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.

Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao…

Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.

Giữa cuộc sống khó khăn,

vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.

Họ chọn sống trong cảnh nghèo,

lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.

Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,

Vì Nước Trời là của anh em”.

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn

từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.

Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,

với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.

Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:

họ là những người có phúc,

khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.

Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,

và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.

Ngài là một người thợ thủ công nghèo,

Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,

Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,

và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.

Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,

vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.

Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:

Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,

nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.

Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống

để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.

Hôm nay Ngài muốn chúng ta

đến với khu lao động, với lớp học tình thương,

xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.

Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.

Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,

tự nguyện trở nên nghèo hơn

để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con nhìn thấy những người nghèo

ở quanh con, ở trong gia đình con,

đang cần đến con.

Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,

xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng

cả người giàu cũng nghèo,

nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

Dần dần con chấp nhận rằng

cả bản thân mình cũng nghèo

và cần đến người khác.

Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,

một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con

ai cũng nghèo về một mặt nào đó,

ai cũng cần đến người khác.

Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,

làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,

vì Chúa rất cần đến chúng con

để hoàn thành công trình cứu độ.

Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo

để nhận lãnh,

can đảm nhận mình giàu

để hiến trao. Amen.

 

 

HÃY YÊU KẺ THÙ

Thứ Năm tuần 23 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 27-38

Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Anh em muốn hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Suy niệm

Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,

chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,

hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.

Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,

hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.

Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”

Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.

Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,

vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.

Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.

Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ

để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.

Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.

“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.

Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?

Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.

Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.

Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.

Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,

là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.

Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.

Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:

về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.

Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.

Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.

Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).

Khi làm điều tốt cho kẻ thù,

tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,

và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng

khỏi cái tôi ích kỷ của họ.

Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,

tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.

Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.

Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay

một người làm tôi vô cùng đau khổ.

Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,

nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.

Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,

nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.

Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.

Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên…

Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,

mới vào được thế giới siêu nhiên,

thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.

Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.

Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,

nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ

của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.

Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.

Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

 

 

ĐẠO ĐỨC GIẢ

Thứ Sáu tuần 23 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 39-42

Khi ấy, Ðức Giêsu kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

Suy niệm

Sống ở đời chúng ta liên tục phải đưa ra những phán đoán.

Có những phán đoán về người khác: đúng, sai, tốt, xấu.

Giáo dục một người là giúp người đó có được phán đoán khách quan.

Khi Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng xét đoán (Lc 6, 37),

Ngài không bảo họ đừng đưa ra những phán đoán hay nhận định.

Ngài cũng không coi thường những phán quyết của quan tòa.

Đơn giản Ngài chỉ muốn chúng ta tránh một khuynh hướng dễ gặp,

đó là chỉ trích phê phán, bới lông tìm vết, đối với tha nhân.

Các môn đệ sẽ phải là những nhà lãnh đạo dân Chúa.

Họ không thể là những người dẫn đường mù lòa.

Chỉ với cặp mắt sáng, họ mới có thể chu toàn nhiệm vụ,

dẫn dắt những người còn trong bóng tối ra ánh sáng bình minh.

Nếu không, mù dắt mù, cả hai sẽ sa xuống hố (c. 39).

Người lãnh đạo sáng suốt là người biết mình,

biết cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở của mình.

Họ phải thấy rõ cái xà, hay thậm chí cái rác nơi mắt mình.

Thiếu thái độ tự phê phán nghiêm túc, họ không thể dẫn dắt người khác.

“Hãy biết mình” là câu được khắc ở một đền thờ nổi tiếng bên Hy Lạp.

Như thế biết mình không phải là chuyện dễ.

Chẳng ai gần mình, hiểu rõ mình bằng mình.

Nhưng nhiều khi chẳng ai mù mờ về tôi bằng chính tôi.

Lắm khi tôi chạy trốn chính mình, không đủ can đảm để thấy sự thật.

Nói chung tôi không thích nhìn nhận những bóng tối và bóng mờ nơi tôi.

Thậm chí, cái xà nơi mắt tôi, mà tôi cũng không để ý (c. 41).

Tôi chỉ muốn thấy nơi mình toàn những điều trong sáng, tốt đẹp, giỏi giang.

Càng có địa vị cao, càng thành công nhiều, càng có uy tín,

tôi càng khó chấp nhận, khó thấy những nhược điểm của mình,

Những người dưới quyền cũng không dám góp ý,

nên tôi lại càng dễ nghĩ là mình đã thực sự hoàn hảo.

Chắc chúng ta phải giúp người khác lấy rác ra khỏi mắt,

vì họ khó tự mình lấy được, và thật khó chịu khi có rác trong mắt.

Nhưng phải làm điều đó với rất nhiều yêu thương và khiêm hạ,

bởi lẽ chúng ta biết mình cũng cần anh em giúp lấy rác khỏi mắt mình.

Đơn giản là phải thấy cái rác và cả cái xà trong mắt mình trước,

nhờ người lấy ra dùm, sau đó mới thấy rõ để đi giúp người anh em.

Giúp nhau lấy rác trong mắt nhau, giúp nhau thấy rõ hơn sự thật về mình,

đó là công việc bác ái thường ngày mà chúng ta làm cho nhau.

Như thế Hội Thánh của chúng ta sẽ gồm những người sáng mắt,

nhờ biết xin người khác lấy rác ra khỏi mắt mình, và giúp họ lấy rác của họ.

Cầu nguyện

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,

xin cho con trở nên mù lòa

vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

ánh sáng phá tan bóng tối trong con

và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do.

 

 

NGHE MÀ KHÔNG THỰC HÀNH

Thứ Bảy tuần 23 Thường niên

Lời Chúa: Lc 6, 43-49

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

“Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”, mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.” <

Suy niệm

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.

Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.

Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.

Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật:

“Xem quả thì biết cây” (c. 44).

Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.

Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.

Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.

Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.

Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,

qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.

Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.

Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.

Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.

Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.

Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy

bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy Chúa!”

Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).

Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:

Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?

Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,

lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).

Nghe thôi thì chưa đủ.

Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,

chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.

Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,

nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó?

Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.

Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.

Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.

Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.

Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.

Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,

nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.

Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,

vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.

Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.