Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 28 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 28 Thường Niên

 

Chúa Nhật Tuần 28 Thường niên, năm A..

Thứ Hai tuần 28 Thường niên.

Thứ Ba tuần 28 Thường niên.

Thứ Tư tuần 28 Thường niên.

Thứ Năm tuần 28 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 28 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 28 Thường niên.

 

 

KHÔNG MẶC Y PHỤC LỄ CƯỚI

Chúa Nhật Tuần 28 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 22, 1-14

Một hôm, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thuợng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới’. Ðầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.

Suy niệm

“Thiên Chúa chúng ta chỉ toàn đưa ra những cấm đoán”,

một bạn trẻ đã bực bội nói như vậy

khi anh nhớ lại nền giáo dục mình phải chịu.

Thật ra Thiên Chúa không phải là người khắt khe.

Ngài mời chúng ta đến dự tiệc vui, tiệc cưới.

Ngài thích chia sẻ niềm vui và sự sống cho con người.

Ngài cần con người đáp lại lời mời đó,

để sự hiệp thông giữa đôi bên được trọn vẹn.

Có ai nếm được nỗi chờ mong của Thiên Chúa không

khi khách mời không chịu đến?

Có ai nếm được nỗi đau của Thiên Chúa không

khi con người hờ hững trước bữa tiệc

mà Ngài đã đặt vào đó cả lòng mình?

Tôi có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời:

Chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện gia đình, bè bạn,

chuyện giải trí, chuyện lo cho sự nghiệp tương lai…

Tôi có nhiều thứ ưu tiên khác

nên việc đến gặp gỡ Thiên Chúa

bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Biết bao lần chúng ta lỡ hẹn với Ngài,

từ chối niềm vui và sự sống đích thực

để chạy theo những cái bóng.

Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ sai người đi mời.

Bàn tiệc lúc nào cũng sẵn sàng.

Vấn đề là tôi có đến không,

tôi có đặt Chúa lên trên những bận tâm về mình không?

Dân tộc Do Thái chính thức được mời dự tiệc.

Thiên Chúa đă sai đến với dân Ngài yêu mến

những ngôn sứ và những nhà rao giảng Tin Mừng.

Nhưng họ đã khước từ và một số bị giết đi.

Bữa tiệc linh đình vốn dành cho khách quý

nay trở thành bữa tiệc cho mọi người

mà các đầy tớ tình cờ gặp ngoài đường phố.

“Từ phương đông, phương tây, nhiều người sẽ dự tiệc

cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp…”

Chúng ta là dân ngoại, được mời vào phòng tiệc,

được gia nhập Hội Thánh qua phép Rửa.

Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra,

vì không mang y phục lễ cưới.

Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời

vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội.

Chúng ta phải coi chừng

kẻo lại rơi vào sự tự mãn như người Do Thái.

Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh

đó không phải chỉ là những ơn để nhận,

mà còn là ơn để sống.

Mặc y phục lễ cưới là thực sự đổi đời,

là cho thấy mình coi trọng bữa tiệc của Chúa.

Chúng ta phải thường xuyên tự hỏi

mình có mặc y phục lễ cưới không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con biết con,

xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

quên đi chính bản thân,

yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)

 

 

 

TÌM KIẾM DẤU LẠ

Thứ Hai tuần 28 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi đám đông tụ họp đông đảo, Ðức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômon nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nivivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”

Suy niệm

Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi giáo hữu Côrintô,

“Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ,

còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1, 22).

Có vẻ người Do Thái thích dấu lạ và đòi hỏi dấu lạ để tin.

Đối với họ, dấu lạ là một bảo đảm cho tính chân thực của lời rao giảng.

Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao giảng Tin Mừng.

Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu lạ Ngài hay làm.

Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người nhiều năm bất toại.

Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà góa thành Nain,

và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại.

Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà chỉ các môn đệ biết,

như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt nước lúc sóng gió.

Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm cho bánh hóa nhiều.

Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47).

Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô trương.

Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng.

Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài,

nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại.

Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ.

Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no bụng

hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh ngạc tung hô.

Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt Hêrôđê để được tha.

Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố của các nhà lãnh đạo.

“Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Lc 23, 35).

Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng không làm cho mình.

Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống khỏi thập giá.

Hôm nay, chúng ta có thể không mãn nguyện như người Do Thái xưa.

Tuy Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong đời ta,

nhưng, như họ, ta vẫn đòi một dấu lạ đầy ấn tượng từ trời.

Chúng ta muốn một dấu chỉ không thể chối cãi được

để tin thật sự có Thiên Chúa, tin Ngài mạnh hơn sự dữ ở quanh ta.

Nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa cũng là Đấng ẩn mình,

và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua sự bao dung khiêm hạ.

Chúng ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh đến giải thoát ta,

nhưng lại quên rằng Ngài cũng thích cùng ta âm thầm chịu đau khổ.

Làm sao tôi nhận ra được những dấu rất lạ mà lại rất đỗi bình thường,

những dấu lạ lớn lao mà nhỏ bé Chúa vẫn làm cho đời tôi?

Làm sao tôi nhận ra được cái bình thường của đời tôi cũng là dấu lạ?

Ngỡ ngàng như trẻ thơ trước những điều mà nhiều người coi là tự nhiên,

tôi dần dần hiểu rằng đời tôi được bao bọc bởi tình yêu là dấu lạ.

Thay vì bôn chôn tìm kiếm và đòi hỏi những điều ngoạn mục, ly kỳ,

tôi khám phá ra Chúa vẫn ở bên tôi trong những điều đơn sơ nhỏ bé.

Xin được ơn sám hối chỉ vì những dấu lạ bình thường Chúa ban cho đời tôi.

Cầu nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì

Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì

Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì

Cha làm cho đời con. Amen.

 

 

BÊN NGOÀI, BÊN TRONG

Thứ Ba tuần 28 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 37-41

Khi Ðức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Ðồ ngốc! Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Suy niệm

Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa.

Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài.

Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc.

Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn.

Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu.

Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi.

Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn,

nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó.

Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70,

giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa.

Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa.

Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ.

Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết.

Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê,

nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó

được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách.

Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu,

cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa.

“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39).

Như thế cái bên trong của chén đĩa

tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người.

Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ.

Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà.

Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn.

Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.

Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu,

tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ,

khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận.

Nhưng Thiên Chúa thì không.

Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40).

Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41).

Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót.

“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.”

Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong.

Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương.

Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu.

Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm,

chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài.

Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa?

Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong?

Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức,

đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình.

Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

 

 

XAO LÃNG LẼ CÔNG BÌNH

Thứ Tư tuần 28 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 42-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này mà không được bỏ qua các điều kia. Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” Ðức Giêsu nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.

Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật.

Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.

Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi.

Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).

Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,

mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.

Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.

Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.

Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân,

và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).

Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.

Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được.

Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu:

“Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.”

Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.

Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,

và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43).

Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm.

Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.

Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,

kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình.

Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.

Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất.

Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.

Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.

Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.

Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.

Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.

Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.

Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc

vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.

Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm.

Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.

Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật,

mà còn là giúp người khác giữ luật.

Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,

không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46),

người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.

Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ

vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.

Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,

chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

 

 

NGÔN SỨ VÀ TÔNG ĐỒ

Thứ Năm tuần 28 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 47-54

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. Vì thế mà Ðức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Ðồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia”. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Ðiện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết, các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” Khi Ðức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

Suy niệm

Ơn gọi ngôn sứ chưa bao giờ là một ơn gọi dễ dàng.

Ngôn sứ là người bất ngờ được Thiên Chúa kêu gọi,

để trở nên phát ngôn viên chính thức cho Ngài trước toàn dân.

Thiên Chúa nói qua trung gian con người,

nói bằng thứ ngôn ngữ con người để họ hiểu được.

Ngôn sứ đã là người nghe trước khi là người nói,

là cầu nối chuyển đạt cho dân sứ điệp mình đã lãnh nhận.

Sứ điệp của Thiên Chúa lắm khi là những lời cảnh báo, răn đe,

nên công việc của ngôn sứ không dễ được mọi người đón nhận.

Ngôn sứ có thể tố cáo tính vụ hình thức nơi phụng vụ trong Đền thờ,

những người dâng lễ vật cho Chúa, nhưng lại bóc lột anh em (Is 1, 11).

Ngôn sứ cũng dám nói lên những điều chưa tốt nơi hàng tư tế,

những hư hỏng, bất công của vua quan (2 Sm 12, 7),

và những bất trung của dân chạy theo ngẫu tượng dân ngoại.

Phải có đảm lược mới dám nói điều Chúa bắt mình nói.

Số phận của một ngôn sứ thường gắn liền với đau khổ và bách hại.

Môsê và Êlia đều đã có lúc xin được chết cho xong (Ds 11, 15; 1 V 19, 4).

Giêrêmia cũng chỉ muốn từ nhiệm, nhưng không được (Gr 20, 7-18).

Giacaria bị ném đá và giết trong sân Đền thờ (2 Sb 24, 20-22).

Vào thời Tân Ước các ngôn sứ cũng chịu chung số phận.

Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu và các tông đồ đều nếm khổ đau và cái chết.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến máu mà bao ngôn sứ đã đổ ra.

Từ thời Hêrôđê đại đế, người ta bắt đầu xây lăng mộ cho các ngôn sứ,

nhưng chuyện bắt bớ và sát hại các ngôn sứ thì vẫn kéo dài.

“Thế hệ này sẽ phải trả lời về máu của mọi ngôn sứ đã đổ ra…” (c.50).

Như vậy thế hệ hiện tại cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác quá khứ,

vì chính họ đang nhúng tay

vào việc bách hại các người được Thiên Chúa sai (c. 49).

Các nhà thông luật hay các kinh sư mà Đức Giêsu đang gặp gỡ

sẽ có mặt trong Thượng Hội Đồng để luận tội Đức Giêsu (Lc 22, 66).

Máu vô tội của Đức Giêsu sẽ đổ ra trên đồi Sọ (Lc 22, 20; Ga 19, 34).

Máu châu báu ấy thực ra không đòi nợ máu, không đòi trả thù.

Máu ấy đổ ra để xóa tội cho muôn người (Mt 26, 28),

để giao hòa con người với Thiên Chúa.

Một số người sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu Đức Giêsu,

nhưng ngay cả những người ấy cũng có thể thoát khỏi án phạt

nhờ chính dòng máu từ trái tim yêu thương của Đấng bị đóng đinh.

Đức Giêsu trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết mình.

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Đức Giêsu Phục Sinh đã sống sự tha thứ ấy

khi Ngài chẳng hề báo thù những kẻ can dự vào cái chết của Ngài.

Các tông đồ cũng lần lượt chia sẻ chén đắng của Thầy mình.

Kitô hữu tự bản chất là ngôn sứ cho thế giới mình đang sống.

Chỉ mong chúng ta cũng can đảm sống như Giêsu và chết như Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

 

 

MÔN ĐỆ VÀ BẠN HỮU

Thứ Sáu tuần 28 Thường niên

Lời Chúa: Lc 12, 1-7

Khi ấy, đám đông dân chúng tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Ðức Giêsu bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chùng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Ðấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Ðấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Suy niệm

Trước một đám đông kinh khủng chen lấn để đến gần Ngài,

Thầy Giêsu vẫn muốn ngỏ lời trước hết với các môn đệ dấu yêu.

Lần duy nhất trong Tin Mừng Nhất lãm, Thầy gọi họ là bạn hữu (c. 4).

Thầy dặn dò họ cảnh giác kẻo lây nhiễm men của người Pharisêu,

đó là thái độ đạo đức giả (c. 1).

Thái độ này luôn bao hàm một che giấu nào đó về sự thật,

khiến người nhìn bên ngoài dễ bị đánh lừa bởi những mặt nạ đạo đức.

Việc che giấu khéo léo này có thể xuôi chèo mát mái một thời gian.

Nhưng đối với Thầy Giêsu, nó không thể kéo dài mãi.

Sớm muộn gì sự thật cũng sẽ lộ diện, như chiếc kim trong bọc thò ra.

“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,

không có gì bí mật mà sẽ không bị người ta biết” (c. 2).

Nếu con người mãi mãi không biết, thì Thiên Chúa vẫn biết.

Chúng ta có thể tránh được máy kiểm tra nói dối của người đời,

nhưng không tránh được cái nhìn xuyên thấu tâm can của Thiên Chúa.

“Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày;

điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (c. 3).

Như thế điều tưởng như không thể lọt ra ngoài, điều kín như bưng,

vẫn có thể bị đưa ra ánh sáng,

mặt nạ bị rơi xuống, và bản chất thật của con người được vén mở.

Đây là một lời đe dọa, hay đúng hơn, một lời khuyên hãy sống thực lòng.

Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ.

Chuyện bị bách hại và sát hại là chuyện có thể xảy ra.

Chuyện ấy sẽ xảy ra với Thầy và với các môn đệ nữa.

Điều quan trọng là đừng sợ kẻ sát nhân lấy đi mạng sống thân xác (c. 4).

Dù mạng sống thân xác thật đáng quý, đáng trọng,

nhưng con người không phải chỉ có thân xác hay chỉ là thân xác.

Thầy dạy cho các môn đệ biết phải sợ ai (c. 5).

Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục.

Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.

Họ đã chịu bao đớn đau nhục hình và cái chết thân xác,

nhưng họ đã tránh được hỏa ngục, và được đón vào lòng Thiên Chúa.

Kitô hữu phải đối diện với những thách đố cam go.

Lúc chịu bách hại lại tưởng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, ruồng rẫy.

Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền cho người nghèo,

tiền lương một ngày mua được những 40 con chim sẻ.

Nếu Thiên Chúa không quên một con sẻ nào,

thì Ngài lại càng không thể quên được những người bạn của Con Ngài.

Nếu từng sợi tóc của chúng ta đã được Thiên Chúa biết,

thì chuyện mạng sống của ta hẳn được Ngài quan tâm hơn nhiều.

Hãy để lòng mình bình an vì sống không gian dối, nên không sợ bị lộ.

Hãy để lòng mình bình an vì cái chết chẳng phải là dấu chấm hết.

Hãy hạnh phúc vì biết mình là môn đệ và là bạn hữu của Thầy Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan

để con biết sợ điều phải sợ.

Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,

nhưng biết sợ mất đi vĩnh viễn toàn bộ con người mình.

Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,

nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc mãi.

Xin giải phóng con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,

những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,

những nỗi sợ làm con chẳng bao giờ được tự do và an vui.

Nhờ đó con dám sống thật sự là mình,

tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và không lo lắng.

Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường

để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy,

và ngắm chính mình mỗi ngày,

để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.

Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,

để biết mình chẳng nên quá lo về chuyện cơm áo gạo tiền,

nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.

Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.

 

 

ĐỪNG LO

Thứ Bảy tuần 28 Thường niên

Lời Chúa: Lc 12, 8-12

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước các thiên thần của Thiên Chúa. Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

Suy niệm

Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.

Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,

nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.

Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.

Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.

Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.

Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,

nhưng quyết không bước qua thập giá.

Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).

Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,

đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.

Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.

Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.

Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,

hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,

Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,

Như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.

Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.

Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).

Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.

Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)

Sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.

Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.

Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,

vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).

Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).

“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,

vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).

Không sợ và không lo,

đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.

Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).

Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,

khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.

Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.

Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.

Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.

Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.

Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần

để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.

Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.