Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 5 Phục Sinh

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 5 Phục Sinh

Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh.

 

YÊU MẾN, ĐẾN VÀ Ở LẠI

Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 14, 21-26

 

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Suy niệm

 

“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng.”

Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.

Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.

Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.

Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.

Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,

nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,

nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông

giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).

Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,

trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,

thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.

Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.

Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).

Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục Sinh:

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).

Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại

giữa người môn đệ với Cha và Con.

Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.

Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,

tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.

Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi

trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.

Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,

Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).

Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).

Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ

nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).

Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!

Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại,

cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.

Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.

và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.

 

Cầu nguyện

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,

xin cho con chỉ tập trung

vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con,

xin cho con bước vào nhà

là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,

xin cho con biết ngồi yên

ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con,

xin cho con biết chìm sâu

xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con,

xin cho con biết xóa mình

khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài,

không còn con và Ngài nữa.

Con chẳng là gì cả,

và Ngài là tất cả. Amen.

(Theo Swami Abhisiktananda)

 

 

BÌNH AN CHO ANH EM

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 14, 27-31a

 

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”

 

Suy niệm

Con người thời nay gần như có mọi sự.

Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,

đó là bình an ở nơi tâm hồn.

Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.

Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.

Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.

Con người nôn nóng đi tìm bình an.

Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.

Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?

Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?

Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,

Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.

“Thầy để lại bình an cho anh em.

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).

Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu

khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).

Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu Phục Sinh

khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:

“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).

Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.

Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,

nhưng là bình an giữa những sóng gió.

“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.

Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.

Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.

“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng

nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).

Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.

Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.

Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh

của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?

Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ

có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?

 

Cầu nguyện

Giữa những ồn ào của đám đông,

giữa những sôi nổi của thành công

và ê chề của thất bại,

xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng,

giữa những khát khao thèm muốn

và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,

xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,

giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,

chẳng có ai để cậy dựa,

xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,

để một mình ở đó,

trầm lắng và bình an. Amen.

 

 

THẦY LÀ CÂY NHO

Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

 

Suy niệm

Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.

Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.

Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.

Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.

“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).

Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.

Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.

Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),

người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).

Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.

Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).

“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.

Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,

vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).

Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.

Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.

Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.

Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu Phục Sinh đến một mức nào đó.

Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.

Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.

Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).

Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.

Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.

Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.

Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,

mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.

Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.

Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.

Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.

Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).

Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.

Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.

Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa

qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.

Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.

“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).

Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.

Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.

Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.

 

Cầu nguyện

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần có Chúa hiện diện

để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con yếu đuối,

con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,

con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,

cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh

để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,

chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con

vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa

và không đòi phần thưởng nào khác

ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen.

(Cha Piô)

 

 

NIỀM VUI TRỌN VẸN

Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

 

Suy niệm

Kitô giáo gắn liền với thánh giá.

Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá.

Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh,

mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu,

từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang.

Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát,

nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn.

Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.

Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình:

“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,

để niềm vui của Thầy ở trong anh em,

và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11).

Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn.

“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian

để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13).

Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy:

“Cứ xin đi, anh em sẽ được,

để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).

Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ.

Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.

Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình,

và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này,

bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ.

Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến,

“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).

Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn,

vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy.

Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy,

Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b).

Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy,

để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a).

Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha,

nên ai giữ lệnh Thầy truyền

cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.

Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn.

Và con người tưởng mình có thể tìm được

bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình.

Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ.

Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu!

Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!

Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.

Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc

ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

 

 

YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY

Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 12-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

 

Suy niệm

Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.

Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo.

Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền.

Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:

“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).

Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.

Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo.

Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,

khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ:

“Không ai có tình yêu lớn hơn

tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13).

Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.

Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng.

Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó.

Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó.

“Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.

Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).

Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu,

và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.

Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,

qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau.

Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp.

Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,

mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14).

Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.

Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm,

và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15).

Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở.

Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ.

Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau.

Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau.

Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực,

các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14).

Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau.

Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.

Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.

Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác,

như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…

Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói.

Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).

 

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

 

THẾ GIAN GHÉT ANH EM

Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

 

Suy niệm

Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,

chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.

Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.

Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,

và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu

về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.

Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,

vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).

Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.

Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống

cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).

Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).

Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.

Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.

Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.

Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,

và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.

Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.

Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.

“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).

“Nếu thế gian ghét anh em,

hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).

Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,

và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.

Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,

lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).

Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),

mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).

Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:

vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,

vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,

đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.

Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,

có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.

Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.

Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,

nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.

 

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.