Mất thiên đàng và nỗi sợ hỏa ngục

print

Mất thiên đàng và nỗi sợ hỏa ngục

phanxicovn

Ronald Rolheiser

Là người Công Giáo La Mã, như phần lớn thế hệ của tôi, chúng tôi học Kinh ăn năn tội. Kinh ăn năn tội của tôi hồi đó như sau: … Lạy Chúa , con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, vì con sợ mất thiên đàng và các đau đớn của hỏa ngục…

Sợ mất thiên đàng và các đau đớn của hỏa ngục có vẻ như cùng một chuyện. Nhưng không phải. Có một khoảng cách đạo đức rất lớn giữa sợ mất thiên đàng và sợ đau đớn của hỏa ngục. Lời cầu nguyện khôn ngoan sẽ tách biệt được chuyện này. Sợ hỏa ngục dựa trên sợ bị hình phạt; sợ mất thiên đàng dựa trên sợ không phải là người tốt, người được yêu thương. Có một khác biệt rất lớn giữa nỗi sợ hình phạt và sợ không được yêu thương. Chúng ta sẽ trưởng thành hơn, nhân bản hơn và là Kitô hữu tốt khi chúng ta sợ mình không được yêu thương hơn là khi sợ mình bị phạt vì làm một cái gì sai.

Lớn lên trong những năm 1950 và 1960, tôi hít thở linh đạo và giáo lý Công Giáo La Mã thời đó. Vào thời mà đạo đức Công Giáo (về cơ bản thì giống với người Tin Lành và phái Phúc âm) nhấn mạnh về cánh chung, nghiêng nặng về việc sợ xuống hỏa ngục hơn là sợ không phải là người được yêu thương. Là đứa bé Công giáo, cùng với các bạn tôi, tôi rất lo mình phạm tội trọng, có nghĩa làm một cái gì vì ích kỷ, vì yếu đuối mà chưa xưng tội trước khi chết sẽ nhốt tôi vào địa ngục đời đời. Tôi sợ xuống hỏa ngục hơn là sợ mình không phải là người được yêu thương, người bỏ lỡ tình yêu và cộng đồng. Vì thế tôi lo mình là người xấu chứ không lo mình là người không tốt. Tôi sợ làm một cái gì phạm tội trọng bị xuống hỏa ngục; nhưng tôi không lo mình không có quả tim đủ lớn để yêu thương Chúa như Chúa đã yêu thương tôi. Tôi cũng không lo nhiều về việc tha thứ cho người khác, buông bỏ các tổn thương, yêu thương người khác mình, không lo về việc phán xét, thiên vị, kỳ thị, phân biệt giới tính, bè phái quốc gia, hay hẹp hòi trong quan điểm tôn giáo sẽ làm cho mình không thoải mái khi ngồi cùng bàn với người khác trong bàn tiệc của Chúa.

Bàn tiệc thiên đàng mở ra cho tất cả những ai sẵn sàng ngồi xuống với mọi người. Đó là câu thơ của thi sĩ John Shea, người nói ra một cách cô đọng và tôi nghĩ, đó là điều kiện không thể bàn cãi để lên thiên đàng, cụ thể là có quyết tâm và có khả năng yêu thương mọi người, ngồi với mọi người. Điều kiện không thể bàn cãi vì: Làm thế nào chúng ta có thể ngồi vào bàn tiệc thiên đàng với mọi người nếu vì lý do nào đó chúng ta còn kiêu ngạo, tổn thương, còn tính khí cay đắng, cố chấp, bè phái chính trị, quốc gia, bè phái màu da, chủng tộc, tôn giáo hoặc lịch sử, chúng ta không mở ra để ngồi xuống với mọi người sao?

Chúa Giêsu cũng dạy điều này nhưng theo một cách khác. Sau khi truyền cho chúng ta Kinh Lạy Cha kết thúc với câu “và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, Ngài nói thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Vì sao Chúa không thể tha lỗi cho chúng ta nếu chúng ta không tha lỗi cho người anh em? Có phải Chúa tùy tiện chọn điều kiện duy nhất làm tiêu chuẩn để lên thiên đàng đó không? Không.

Chúng ta không thể ngồi bàn tiệc trên trời nếu chúng ta vẫn luôn muốn biết mình sẽ ngồi với ai. Nếu, ở đời sau, cũng như ở đời này, chúng ta chọn người để ôm, để yêu thương thì ở thiên đàng cũng giống như ở dưới đất, cũng sẽ có phe phái, cay đắng, hận thù, tổn thương và tất cả các loại phân biệt chủng tộc, giới tính, bè phái quốc gia, bè phái tôn giáo giữ chúng ta trong các ô riêng biệt. Chúng ta không thể ngồi bàn tiệc trên trời khi quả tim chúng ta không đủ lớn để ôm các người khác ngồi chung bàn. Thiên đàng đòi hỏi chúng ta có quả tim rộng mở để ôm mọi người.

Và vì vậy khi già đi, khi đến gần cuối đời và sẵn sàng đối diện với Đấng tạo ra mình, tôi càng ít lo về việc mình xuống hỏa ngục, nhưng ngày càng lo về sự giận dữ, cay đắng, vô ơn, không tôn trọng, không tha thứ vẫn còn trong lòng tôi. Tôi ít lo về việc phạm tội trọng hơn là việc liệu tôi có đủ lòng thương xót, tôn trọng và tha thứ cho người khác không. Tôi lo lắng về sự mất thiên đàng hơn là nỗi đau của hỏa ngục, có nghĩa là cuối cùng tôi như người anh cả trong câu chuyện người con hoang đàng trở về, khi đứng bên ngoài căn nhà của Người Cha, bị loại ra ngoài vì giận dữ chứ không phải vì tội.

Dù sao tôi vẫn biết ơn hành vi ăn năn trong tuổi thanh xuân của tôi. Nỗi sợ địa ngục không phải là một khởi đầu tồi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch