Mất và tìm thấy – Chúa nhật IV Mùa Chay – Năm C
Để hiểu rõ dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được đọc trong Chúa nhật IV Mùa Chay, cần liên kết với hai dụ ngôn khác cùng được ghi lại ở chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, tức là dụ ngôn con chiên lạc và dụ ngôn đồng bạc của bà goá bị mất. Cả ba dụ ngôn này đều có một điểm chung. Đó là mất và tìm thấy. Con chiên, đồng bạc và người con thứ, cả ba đều bị mất và đã được tìm thấy. Ba hình ảnh này diễn tả ba lãnh vực: đồ vật, sinh vật và con người. Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều quý giá và được Ngài yêu thương.
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là một trong những áng văn chương tuyệt vời của Kinh Thánh. Nó diễn tả thân phận nghèo hèn tột cùng của tội nhân. Hơn thế nữa, nó diễn tả gương mặt nhân hậu giàu lòng bao dung thương xót của Thiên Chúa. Khi người con thứ hối hận trở về, đó không chỉ là một con người trở lại, mà còn tình yêu đã đánh mất cũng được hồi phục, mối liên hệ thân tình cha – con được tái lập. Tình thương của Thiên Chúa mênh mông và toả sáng, mỗi khi tội nhân sám hối quay về. Niềm vui vỡ oà, khi con người sám hối ăn năn. Thiên đàng sẽ tràn ngập niềm vui. Thiên Chúa thết tiệc để đón những người trở về.
“Khi nó còn ở đàng xa, người cha đã thấy và chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Không còn từ nào hay hơn để diễn tả tâm trạng một người cha đã nhiều năm trông ngóng con trở về, dù đó lại là một đứa bất hiếu bỏ nhà ra đi. Người cha này cũng tôn trọng tự do của con, khi nó đòi chia gia tài để đi làm ăn với nhiều tham vọng và ảo tưởng hão huyền. Giờ đây, khi nó trở về với thân xác tàn tạ, cũng người cha ấy lại đón chào với tình thương còn lớn hơn lúc nó bỏ nhà đi hoang.
Khi nghĩ mình đã đủ lông đủ cánh để bay vào đời, người con thứ muốn ra đi, vì nó nghĩ cha và anh sẽ là những chướng ngại cho hành trình vào đời. Sau những tháng năm xa nhà, bôn ba bon chen giữa chợ đời, thực tế làm anh ta mở mắt. Cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng. Lương tâm đã làm anh tỉnh ngộ. Dẫu biết rằng cuộc trở về sẽ gặp rất nhiều trở ngại và lời đàm tiếu của hàng xóm láng giềng, anh ta vẫn quyết định lên đường. Thiên Chúa là người Cha. Ngài luôn muốn chia sẻ cho chúng ta hạnh phúc và niềm vui của Ngài. Chúng ta nhiều khi lại không nghĩ thế, vì cho rằng Ngài kiểm soát và ràng buộc chúng ta. Nhiều người đã muốn bứt mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Chúa, nghĩ rằng không có Chúa sẽ thoải mái và sung sướng hơn. Hơn một lần cuộc đời nghiệt ngã đã làm chúng ta vỡ mộng.
Câu chuyện dụ ngôn tạo nên những tình huống đối lập, để cho thấy những bất hạnh của con người khi họ muốn xa lìa Thiên Chúa. Người con thứ vội vàng thu góp tất cả tài sản được chia rồi trảy đi phương xa, sống phóng đãng phung phí tài sản của mình. Anh không sai khi nghĩ rằng anh có quyền sử dụng tài sản được chia. Nhưng nghĩ rằng anh thực sự hạnh phúc khi tự do, thì đó lại là một ảo tưởng hão huyền. Và, kết quả hoàn toàn khác: anh sa cơ lỡ vận đến nỗi muốn xin đậu muồng là thứ người ta dùng để nuôi heo cũng chẳng ai cho.
“Biết bao người làm công cho cha ta…”. Người con hoang đàng hồi tưởng về tuổi thơ của mình. Nhà cha đâu có thiếu thốn. Đó là anh tự bỏ nhà ra đi với những ảo tưởng tham vọng. Khi trở về trong tâm tình Mùa Chay, chúng ta nhớ lại những điều tốt đẹp Chúa đã làm cho mình, đồng thời nhận ra những vô ơn, bất kính đối với Chúa, qua lời nói, tư tưởng và việc làm của chúng ta: tại sao Chúa tốt với tôi như thế, mà tôi lại không vâng lời Ngài?
Trở về là một quyết tâm. Trở về cũng đòi can đảm mạnh mẽ, để dứt mình ra khỏi mọi ràng buộc và mặc cảm đang tìm cách níu kéo chúng ta. Quyết định trở về là chiến thắng bản thân, để thoát ra khỏi bóng tối, vươn mình ra ánh sáng, với xác tín Chúa đang chờ đợi và Ngài sẵn sàng giang rộng vòng tay để ôm lấy chúng ta.
Người Do thái, sau 40 năm hành trình sa mạc đã đến đất hứa. Họ đã trở về nơi mà Chúa hứa cho cha ông họ. Về đất hứa là chấm dứt cảnh tha hương để từ nay định cư bền vững. Mọi cuộc trở về đều có một đích điểm, đó là quê hương, là về với gia đình.
Thánh Phaolô năn nỉ chúng ta: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa!”. Mỗi người trong chúng ta hãy tự vấn lương tâm: tôi là người con cả hay người con thứ trong câu chuyện cuộc đời? Người cha trong câu chuyện dụ ngôn một lúc mất cả hai người con: đứa thì bỏ nhà đi hoang, đứa thì sống với cha mà lòng nó xa lắc xa lơ, đầy ghen tỵ, bon chen tính toán. Là người con nào, chúng ta cũng phải trở về để đón nhận ơn tha thứ của Chúa, cùng với niềm vui và an bình. Khi trở về, chúng ta như đã bị lạc mất và nay được Chúa tìm thấy chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên