Mầu nhiệm sự dữ, câu trả lời của đức tin

print

Mầu nhiệm sự dữ, câu trả lời của đức tin

Đức Kitô chịu đóng đinh là nền tảng của mầu nhiệm cứu độ, Đấng đã tiêu diệt sự dữ bằng cái chết nhục nhã trên Thập giá.Bởi vậy, Thập giá Đức Kitô là chìa khóa hóa giải mọi đau khổ và sự dữ.

Giuse Trần Đăng Khoa

 – Đan viện Biển Đức Thiên Hòa

https://baochiaselts.blogspot.com/

 

DẪN NHẬP.

I. KHÁI NIỆM SỰ DỮ.

II. NGUỒN GỐC SỰ DỮ.

III. THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI TRƯỚC SỰ DỮ.

IV. THẬP GIÁ, CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC TIN CHO VẤN ĐỀ SỰ DỮ.

V. NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN.

KẾT LUẬN.

                  

DẪN NHẬP

Sự dữ và đau khổ, bệnh tật và chết chóc là vấn đề gây nhiều thắc mắc cũng như phẫn nộ nhất. Thật thế, trước khi trở thành một vấn đề thì sự dữ và đau khổ là một câu hỏi mà con người đã cưu mang và tự đặt ra cho chính mình: tại sao có sự dữ, tại sao có đau khổ? Tại sao lịch sử con người lại được thêu dệt bằng chiến tranh, hận thù và chết chóc? Những câu hỏi dạng này cứ mãi dài ra.

Hơn nữa, làm sao có thể thuyết phục người ta tin vào một Thiên Chúa là tình yêu và toàn năng trong khi phải chứng kiến con người ngày ngày chụi đau khổ hành hạ? Ta phải trả lời làm sao cho cho những câu hỏi này? Vì thế không thể làm ngơ loại bỏ vấn đề này, vì hỡi ôi! Sự dữ thật đáng sợ và nó luôn được đặt ra ngay khi loài người được dựng nên (x. St 3). Và mãi cho đến bây giờ, tác phẩm sự dữ này vẫn chưa được ký tên. Nhưng thay vì nói là vấn đề, thì chúng ta sẽ nói là một phẫn nộ và chúng ta thử xem có thể biến sự phẫn nộ này thành một mầu nhiệm?

Đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa thì coi sự dữ như một cớ vấp phạm bởi vì: tại sao Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu lại để cho sự dữ xảy đến với con người, và nhất là khó hiểu hơn nữa khi sự dữ xảy đến với những người ăn ngay ở lành, người nghèo khổ và trẻ em vô tội? Vì vậy có người sẽ lý luận: nếu Thiên Chúa muốn khử trừ sự dữ mà Người không làm được thì do Người không toàn năng, còn nếu Người có thể diệt trừ sự dữ mà lại không làm, thì Người không yêu thương, và do đó phải chăng Người còn là Thiên Chúa?

Vì thế, nhiều người có tham vọng có thể giải quyết hay ít là trả lời được rốt ráo vấn đề sự dữ, đó là một cố gắng đáng ghi nhận, nhưng sự dữ vẫn còn đó, và dường như nó càng ngày càng mạnh hơn với sức tàn phá khủng khiếp hơn. Là người Kitô hữu đang sống trong một thế giới giải thiêng và vấn đề sự dữ luôn là vấn đề nóng hổi, nên tôi cảm thấy bị thôi thúc phải đi tìm cho mình câu trả lời, để có một thái độ đúng đắn khi phải đứng trước sự dữ và đau khổ.

Trong sự giới hạn của mình cũng như nguồn sách tham khảo, tôi sẽ giới hạn đề tài “MẦU NHIỆM SỰ DỮ – CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC TIN” được trình bày trong năm phần: 1. Đầu tiên là tìm hiểu khái niệm sự dữ; 2. thứ đến truy tầm nguồn gốc sự dữ theo Thánh Kinh, truyền thống Giáo Hội và các nhà thần học; 3. tiếp theo là dẫn chứng một vài thái độ của triết gia và nhân vật trong Thánh Kinh khi đối diện với sự dữ và đau khổ; 4. kế đó là câu trả lời của đức tin: “Thập giá Đức Kitô” cho mầu nhiệm sự dữ, và cuối cùng, 3. rút ra từ đó một vài nhận định cá nhân.

I. KHÁI NIỆM SỰ DỮ

  1. Sự dữ là gì?

Sự dữ là gì? Nó có một mục tiêu hay chức năng nào? Khi đứng trước sự dữ, hầu như ta chỉ được đáp lại bằng một sự thinh lặng đáng sợ; và hơn thế nữa, vấn đề này sẽ càng gây cấn hơn khi chúng ta còn viện dẫn vào Thiên Chúa để giải đáp. Giả như Thiên Chúa cất đi khỏi con người khả năng suy tư, ý thức và tự do, thì không còn khái niệm về sự dữ và đau khổ trên thế gian này nữa. Vì lúc này con người ta chỉ như các loài động vật khác, hoặc chỉ là những cỗ máy chẳng biết đau khổ là gì. Nhưng hiện sinh thì không thể như thế, vì thiếu ý thức tự do và tư duy, thì con người không còn là người một cách trọn vẹn.[1]

1.1. Ý thức của con người

Khi có ý thức người ta mới nói đến sự dữ và đau khổ. Thật vậy, không có loài vật nào như con người, có khả năng biết suy tư, để nghiệm ra thế nào là đau khổ, biết mình đang đau khổ. Một trận động đất chẳng hạn, tự bản chất nó vô thưởng vô phạt, không tốt không xấu, vì đó chỉ là một hiện tượng địa chấn tự nhiên, nhưng nó trở thành sự dữ khi làm cho con người thiệt mạng hay của cải mất đi, khi đó con người gọi là sự dữ. Thật vậy, chỉ có con người mới có thể suy nghĩ về đau khổ, về sự dữ, không chỉ trên bình diện thể lý nhưng còn trên bình diện luân lý nữa. Không những đau khổ trong hiện tại mà còn đau khổ trong quá khứ cũng như đau khổ sắp xảy đến trong tương lai. Cũng chỉ con người mới có ý thức thế nào là tuyệt vọng, và thế nào là một niềm hy vọng.

1.2. Định nghĩa

Phải chăng chúng ta biết sự dữ là gì? Thật là một điều hết sức khó khăn, vì giả như tự bản chất sự dữ hiện hữu, ta cũng chỉ định nghĩa sự dữ qua một điều tốt đã bị sự dữ làm biến chất, mà sự dữ luôn pha trộn với sự lành, như Etienne Borne nói: “Ta không bao giờ định nghĩa sự dữ một cách trực tiếp được. Không phải chỉ vì sự dữ luôn đi đôi với sự lành, nhưng vì còn không thể kể ra một sự dữ mà không nhắc đến một sự lành, sự dữ là thiếu sự lành”.[2]

Sách “Từ Điển Công Giáo 500 mục từ” định nghĩa: “Sự dữ là những tai họa xảy đến cho con người, là thế lực đối nghịch và thù nghịch với Thiên Chúa”.[3] Và sự dữ cũng thật đa dạng, mang nhiều sắc thái khác nhau, thường người ta chung quy thành hai loại cơ bản: đó là Sự dữ tự nhiên và Sự dữ luân lý.

1.2.1. Sự dữ tự nhiên

“Sự dữ tự nhiên”[4] là những hình thức tàn phá, dưới nhiều dạng khác nhau trong thế giới tự nhiên: nào là những trận động đất, sóng thần hay bão táp, lũ lụt, nào là bao nhiêu bệnh tật, chết chóc, ngày đêm đè nặng trên con người.

Làm sao có thể hạn chế những sự dữ tự nhiên này? Con người mọi thời đại luôn tìm cách loại trừ sự dữ, nhưng thật là khó khăn, và hình như không thể. Chỉ mong sao đẩy xa chúng đi càng xa càng tốt, cũng là thành công phần nào. Vì thế, con người phải ý được sự giới hạn của mình và không thể tiêu diệt sự dữ tự nhiên một cách triệt để.

1.2.2. Sự dữ luân lý

Ngoài “sự dữ tự nhiên”, chúng ta còn bắt gặp “sự dữ luân lý”[5] gây ra bởi tự do của con người, đó là những hành vi trái với luật tự nhiên, và luật của Thiên Chúa; như giết người, hãm hiếp, tội ác chiến tranh… Tất cả những tội ác này đều do con người lạm dụng “tự do” sai trái của mình mà gây ra. Đây là một sự đáng xấu hổ cho con người, khi sử dụng tự do một cách lệch lạc và quá đáng. Bernanos nhấn mạnh rằng:

Xì căng đan của thế giới không phải là đau khổ, nhưng chính là tự do của con người. Thiên Chúa đã tạo nên duy con người có tự do, có ý chí quyết định, có thể làm điều lành, nhưng cũng có thứ tự do để làm điều dữ, đây là một xì căng đan lớn nhất, vì mọi xì căng đan khác đều bắt nguồn từ đây.[6]

  1. Một sự so sánh

Sau khi đã tìm hiểu và đưa ra định nghĩa cho hai loại sự dữ, chúng ta nhận thấy rằng: “sự dữ tự nhiên” xảy ra hầu như bởi ngẫu nhiên, khó giải thích; còn “sự dữ luân lý” thì xảy đến với con người bởi tự do của con người. Nếu nhìn sơ qua thì hai loại sự dữ này có vẻ khác nhau, nhưng đôi khi sự dữ tự nhiên cũng bắt nguồn từ sự dữ luân lý, điều này chúng ta thấy khi con người vì tư lợi nên không còn nghĩ tới đồng loại: bằng chứng là các nhà máy công nghiệp cứ thi nhau thải ra các chất độc hại là tác nhân gây ra các căn bệnh thể lý cho con người. Hoặc khi con người khai thác quá mức các khu rừng, là nguyên nhân gây ra lũ lụt hay hạn hán, đói kém, ôn dịch, gây chết người và thất nghiệp; và nhất là dùng trí tuệ của mình chế tạo vũ khí để phục vụ những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Như vậy, dù muốn dù không, chúng tuy hai, nhưng chỉ là một thực thể, là sự dữ, điều con người không bao giờ muốn, nhưng đôi khi lại vô tình tạo ra. Nói như vậy không phải gán cho con người là tác giả của sự dữ, nhưng là để chúng ta tự nhìn lại chính mình, trong tự do của một con người.[7]

II. NGUỒN GỐC SỰ DỮ

Sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra rất là tốt đẹp” (St 1,31). Khởi đầu công trình tạo dựng của Thiên Chúa thì tốt đẹp, vậy sự dữ từ đâu mà ra? Vì thế để truy tầm nguồn gốc sự dữ, đầu tiên chúng ta khởi đi từ Thánh Kinh như là nền tảng của đức tin; trong Thánh Kinh cũng có rất nhiều tác giả nói đến vấn đề sự dữ, thế nhưng người viết chỉ xin trích dẫn tư tưởng của thánh Phaolô như người đại diện. Thứ đến trong truyền thống các giáo phụ chỉ xin lấy một vài tư tưởng của thánh Augustinô làm tham chiếu và cuối cùng tìm hiểu xem Giáo Hội muốn dạy chúng ta điều gì.

 

  1. Nguồn gốc sự dữ theo Thánh Kinh

1.1. Thánh Kinh Cựu Ước 

Thánh Kinh Cựu Ước không đưa ra câu trả lời đồng nhất cho vấn đề nguồn gốc sự dữ, mà chỉ khai triển một vài nhân tố nòng cốt như: sự hiện diện của quyền lực sự dữ, con người sa ngã và bản tính nghiêng chiều về đàng xấu.

Sách Sáng Thế chương 2 và chương 3 là một chứng từ, trong đó tác giả sách thánh đưa ra nhiều hình ảnh văn chương để suy luận về nguồn gốc sự dữ và tội lỗi trong cuộc sống con người.[8] Trình thuật con người sa ngã (x.  St3) giải thích cho trình trạng tội lỗi và nguyên nhân đau khổ của con người. Qua đó ta thấy sự dữ không do Thiên Chúa,[9] nhưng là do hậu quả của tội lỗi. Con người đã thất bại trong việc sử dụng tự do để làm điều dữ, để rồi đánh mất hạnh phúc thần thiêng bên Thiên Chúa (x. St 3,23-24).

Sách Sáng Thế cho thấy nguyên nhân ngoại tại của sự dữ, đó là con rắn – biểu tượng cho quyền lực sự dữ, đã cám dỗ con người phạm tội xa rời Thiên Chúa; sau này nó được đồng hóa với thần dữ (x. 1Sm 18), với Sa-tan (x. G 1).

Đối với các ngôn sứ, thì chính tâm hồn hư hỏng của con người là nguyên nhân của tội lỗi. Khuynh hướng chiều theo sự dữ đâm rễ sâu trong bản tính con người (x. Gr 12,23). Vì thế, Basile không chấp nhận quan điểm sự dữ luân lý bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng nó được bắt nguồn từ chính lòng người.[10]

Các tác giả sách Khôn Ngoan thì coi khuynh hướng nghiêng chiều về sự dữ là nguồn gốc của tội lỗi. Do đó họ khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy dùng lời nói và hành động cứng rắn trừng trị khuynh hướng xấu trong con cái của mình (x. Cn 13,24; 15,10; Hc 7,23-24).

1.2. Thánh Kinh Tân Ước

Bước sang Tân Ước, các trình thuật của các sách Phúc Âm Nhất Lãm cho thấy Chúa Giêsu rất chú trọng đến ý hướng nội tâm trong các hành động của con người: chính nơi tâm hồn con người là nơi phát xuất những ước muốn sự thiện và sự ác, Chúa Giêsu nói:

Cả anh em nữa, bây giờ mà anh em vẫn còn ngu tối sao? Anh em không hiểu rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng, rồi bị thải ra ngoài sao? Còn những cái từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15,16-19).

Bên cạnh đó, “Dụ ngôn cỏ lùng” là một cách mà Chúa Giêsu dùng để diễn tả mầu nhiệm sự dữ trên thế gian này (x. Mt 13,36-43). Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm sâu tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối, và đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô (x. Rm 7,18-25); cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta.

Còn trong Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu nói thêm: “cứ xem quả biết cây, cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu” (x. Lc 6,43). Thì con người cũng vậy, người tốt thì làm điều thiện, còn kẻ xấu thì làm điều dữ.

Trong cuộc tranh luận với các Biệt phái về việc sạch dơ, Chúa Giêsu đã xác quyết: “Chỉ những gì phát xuất từ bên trong, từ lòng người, mới làm cho con người ra ô uế mà thôi” (Mt 15,11). Như thế, đối với Chúa Giêsu, nguồn gốc sâu xa của sự dữ chính là bản chất của con người với tự do sai trái của nó.[11] Tuy nhiên, Ngài cũng không chối bỏ ảnh hưởng của ma quỷ: những gì gian dối đều từ ma quỷ mà ra (x. Mt 5,37).

  1. Sự dữ theo nhãn quan của thánh Phaolô

Trong các tác giả Tân Ước, ngoài các thánh ký, thánh Phaolô là người đề cập đến sự dữ và đau khổ nhiều hơn cả. Trong thư của ngài, thánh Phaolô đã phải thốt lên: mầu nhiệm sự dữ đang hoành hành trên thế gian (x. 2Tx 2,7). Tương tự, thư gửi tín hữu Rôma, thánh nhân đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Sức mạnh của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?

Cũng như Đức Giêsu, thánh Phaolô không tìm kiếm đau khổ, nhưng đã gặp nó trên đường đời, đặc biệt là trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Kể từ khi gặp Đức Kitô trên đường đi Đamát, thì thánh Phaolô từ một kẻ đối đầu với Tin Mừng đã trở thành một nhân chứng nhiệt thành của Đức Kitô, bất chấp mọi gian nan và bắt bớ.

Để trả lời cho những vu khống mà một số Kitô hữu trong cộng đoàn đưa ra nhằm hạ bệ uy tín của ngài, thánh Phaolô đã liệt kê một loạt nguy hiểm và khốn khó mà thánh nhân đã phải trải qua trên con đường truyền giáo (x. 2Cr 11,22-29). Giống như tất cả mọi người, thánh Phaolô cũng cảm thấy lo âu, run sợ trước đau khổ, nhưng ngài xác tín rằng, nếu những đau khổ tràn ngập chúng ta, thì nhờ Đức Kitô, chúng ta được chứa chan niềm an ủi.

Đau khổ vẫn là đau khổ! Nhưng đối với thánh Phaolô thì đau khổ là điều kiện cần để Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người, sẽ là điểm con người gặp gỡ Thiên Chúa, sẽ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để mưu ích cho con người. Qua đó chúng ta hiểu tại sao thánh Phaolô khẳng định: “Tôi vui mừng trong các nỗi quẫn bách phải chịu, và tôi bổ túc những đau khổ trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô, cho thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Dĩ nhiên, vì là Đấng trung gian duy nhất, nên các đau khổ của Đức Kitô dư đủ để xóa bỏ các tội lỗi và cứu độ nhân loại. Nhưng dù sao, các đau khổ mà thánh Phaolô phải chịu trong tâm tình hiến dâng và đền bù, kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thì đau khổ đó có giá trị cứu độ. Sự thật này giải thích tại sao các thánh là những người say mê Thập giá, các ngài đã biến Thập giá thành Thánh giá. Biết tận dụng đau khổ trong cuộc đời như một lương y giỏi, biết “lấy độc trị độc”, để mưu cầu hạnh phúc và ơn cứu rỗi cho người khác.[12]

Trong thư của ngài, thánh Phaolô đưa ra sự liên hệ giữa sự dữ tự nhiên (sự chết) và sự dữ luân lý (tội lỗi): “như vậy, vì một người (Ađam cũ) mà tội lỗi xâm nhập vào thế gian, và qua tội lỗi là sự chết, cho nên sự chết lan tràn đến mọi người vì tất cả mọi người đều phạm tội” (Rm 5,12). Qua ông Ađam (tổ tông), tất cả chúng ta đều có tội và phải chết; tuy nhiên, Thiên Chúa là Ðấng từ bi, đã đem đến cho chúng ta niềm hy vọng: “ví như một người mà sự chết đã đến, thì nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Mọi người đều chết nơi Ađam, thì tất cả sẽ được cho sống lại trong Ðức Kitô” (1Cr 15,21-22).

Ðức Kitô chết trên Thập giá để lấp đầy khoảng trống gây nên bởi tội lỗi. Mặc dầu chúng ta chịu đau khổ và chết vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa là Ðấng vô tội đã chấp nhận đau khổ và chết trên Thập giá như một con người để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu đòi hỏi hy sinh, và Ðức Kitô đã làm gương cho chúng ta trước: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục qua những đau khổ Người phải chịu; và khi đã trở nên hoàn hảo, Người trở thành nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5,8-9). “Nếu ai muốn đi theo Thầy, hãy bỏ mình và vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy” (x. Mc 8,34; 1Pr 2,20-21; Pl 1,29).

Là Kitô hữu, chúng ta có thể hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu – nhờ Thập giá Ðức Giêsu Kitô. Như Thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa, mà đã là con, thì cũng là người thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Ðức Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người, để chúng ta cũng được vinh quang với Người. Tôi cho là những đau khổ ở đời này không đáng để so sánh với vinh quang sẽ được tỏ ra cho chúng ta” (Rm 8,16-18). Trong đau khổ, chúng ta chia sẻ sự đau khổ của Ðức Kitô (x. Cl 1,24), để chúng ta được chia sẻ vinh quang với Người (x. 1Pr 4,19).

Thế giới tội lỗi của chúng ta là kết quả của sự lựa chọn của chúng ta,[13] ngay cả Satan cũng không ép chúng ta phạm tội được. Ðau đớn, khổ cực và sự chết là một phần của thế giới vật chất vì tội Ađam, nhưng Kitô giáo đem lại cho chúng ta niềm hy vọng qua sự Thương Khó của Ðức Giêsu Kitô. Sự dữ trong thế gian này vẫn có đó, vì thế đây là một nhắc nhở liên tục cho chúng ta rằng, chúng ta cần đến Thiên Chúa là tình yêu trong Thánh Kinh (x. 2Cr 1,8-9).

  1. Sự dữ theo nhãn quan của thánh Augustinô

Với một quá khứ thời trai trẻ nổi loạn, và là thành viên của giáo phái Manikê,[14] chàng Augustinô luôn bị ám ảnh bởi vấn đề sự ác trong thế giới, và thuyết nhị nguyên Manikê đã làm thỏa mãn khối óc còn nghi ngại, dò dẫm của Augustinô lúc đó, nhưng chẳng bao lâu đã nhận ra quá nhiều mâu thuẫn trong giáo thuyết này. Sau cùng, thánh Augustinô rời bỏ giáo phái và  lao vào nghiên cứu triết học Platon. Cách tiếp cận vấn đề sự ác của Platon khác với Manikê. Đối với Platon, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và tất cả vạn vật đều phát xuất từ Thiên Chúa như một dòng chảy xa dần nguồn cội; càng xa nguồn cội, thực tại càng trở nên bất toàn, cuối dòng chảy là thực tại vật chất, điều mà Platon cho là gốc rễ của sự ác.[15]

Thánh Augustinô lúc này mãn nguyện với khái niệm Thiên Chúa duy nhất nhưng lại phải đối đầu với vấn nạn: phải chăng Thiên Chúa là tác giả của sự ác? Vì Ngài là tác giả duy nhất của dòng chảy thời gian? Sau nhiều tháng suy tư và nhờ hồng ân Thiên Chúa, Augustinô đã tìm được cách hóa giải vấn đề. Trong tác phẩm Enchiridion “Cẩm nang giáo thuyết Kitô giáo” viết năm 423, Augustinô khẳng định: Sự dữ không phải là một sự thể hay hữu thể hay một phẩm chất hiện hữu độc lập mà chỉ là sự khiếm khuyết cái tốt (absence of goodness) nơi hữu thể. Sự ác xuất hiện khi sự thiện nơi một thụ tạo bị hao hụt đi. Như vậy sự ác không phát sinh nơi Thiên Chúa mà xuất hiện nơi tạo vật. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, còn sự thiện hảo nơi thụ tạo là tương đối, do đó là kẽ hở cho sự ác xuất hiện. Bởi vậy sự dữ chỉ là sự khiếm khuyết sự thiện do tính hữu hạn của hữu thể thụ tạo. Tự thân, sự dữ không là gì cả. Có thể nói sự dữ là phi hữu thể.[16]

Đối với Augustinô, những gì tốt lành (tương đối) thì mới hư hỏng. Nếu chúng tốt lành tuyệt đối thì không thể hư hỏng được. Nếu không tốt lành chút nào thì cũng không thể hư hỏng được. Không phải là hữu thể thì không có gì để hư hỏng. Một cái mà mất đi tất cả cái tốt thì cũng tuyệt đối thôi hiện hữu. Vậy bao lâu một vật hiện hữu, bấy lâu nó tốt lành.

Nhưng người ta thắc mắc, tại sao Thiên Chúa toàn năng không lấy quyền năng của Ngài ngăn chặn không cho sự dữ xuất hiện. Thánh Augustinô trả lời: vì một mục tiêu tốt đẹp nào đó, Thiên Chúa để cho (hay cho phép) sự dữ xuất hiện, lúc đó với quyền năng, Người biến đổi sự dữ thành sự lành. Cho phép nghĩa là Thiên Chúa vẫn còn quyền kiểm soát sự dữ, nếu không Ngài không còn toàn năng nữa.[17]

Theo thánh Augustinô, sự dữ chỉ là cái gì tương đối trong sự vật riêng lẻ và không ăn nhằm gì tới trật tự chung vẫn thật tốt lành. Augustinô cũng minh họa cách hóa giải này bằng kinh nghiệm xem tranh. Khi xem một bức tranh, chúng ta không dừng lại ở những mảng màu rời rạc, nhưng nhìn bức tranh cách tổng thể. Những điểm tối và những mảng màu thô có thể làm tăng thêm những vẻ đẹp tổng thể của bức tranh.

Với cái nhìn loại suy này, thánh Augustinô cho rằng tội lỗi cũng là cơ hội làm nổi bật lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa (Ôi! Tội hồng phúc!). Theo Ngài, Thiên Chúa nhìn mọi sự như một tổng thể hài hòa, trong đó sự ác chỉ mang màu sắc cục bộ và tương đối. Sự thiện của ơn cứu độ vượt xa sự ác của tội lỗi: “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

  1. Giáo huấn của Giáo Hội

Trong Sách Giáo Lý Công Giáo, Giáo Hội luôn khẳng định rằng sự dữ (hay đau khổ) trong đời sống con người luôn là một mầu nhiệm. Vì thế, Giáo Hội không cho ta một câu trả lời rõ ràng, rành mạch theo lý luận bình thường cho câu hỏi: “Tại sao một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện lại để cho sự dữ hoành hành trong đời sống con người”? Dù công nhận là một mầu nhiệm, Giáo Hội cũng đưa ra nhiều giải thích để chúng ta có thể hiểu và sống có ý nghĩa khi đương đầu với sự dữ:

Với phẩm giá cao quý là được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa. Thế nhưng, với tự do mà Thiên Chúa đã ban cho, con người đã lạm dụng nó để làm điều dữ chống lại Thiên Chúa. Từ đó con người kinh nghiệm rằng tự thâm sâu lòng mình, con người nhìn nhận luôn hướng chiều về sự dữ và chìm ngập trong đàng tội lỗi. Con người đã chối bỏ Thiên Chúa là nguyên ủy của vạn vật, con người phá đổ trật tự hài hòa với tha nhân và mọi loài vật khác.

Như vậy, con người cảm thấy sự phân rẽ ngay trong chính bản thân mình. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, cá nhân hoặc tập thể, cho thấy một cuộc chiến bi thảm giữa tốt và xấu, bóng tối và ánh sáng, đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phao-lô. Hơn nữa con người cảm thấy tự mình không thể thắng được những cuộc tấn công của sự dữ, đến nỗi con người cảm thấy như bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa Giê-su đã đến để giải thoát và ban cho con người nên mạnh mẽ, bằng cách đổi mới tâm hồn khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết (x. Ga 12,31) là kẻ đã kìm hãm nhân loại trong vòng tội lỗi (x. Ga 8,34). Vì chính tội lỗi làm suy giảm và ngăn cản con người đạt tới hạnh phúc viên mãn.[18]

Vậy Thiên Chúa không thể dựng nên một thế giới mà trong đó con người không phải chịu đau khổ nào hành hạ? Giáo Hội khẳng định rằng: Thiên Chúa toàn năng có thể làm được việc này, nhưng Người đã không làm, mà lại tạo dựng một thế giới trong một tình trạng đang hoàn thiện, hướng về sự hoàn hảo tối hậu. Vì vậy, bao lâu công trình tạo dựng chưa đạt tới mức trọn hảo của nó, thì cùng một điều tốt thể lý, cũng có một điều dữ thể lý. Nói cách khác, thụ tạo phải lớn mạnh để đi đến hoàn hảo, nhưng muốn hoàn hảo thì phải biến đổi, và biến đổi đòi hỏi nhiều đau khổ mà con người chúng ta gọi là sự dữ.[19]

Phải chăng tự do là nguyên nhân gây ra sự dữ luân lý? Theo Giáo Hội, Thiên Chúa không tạo nên sự dữ, nhưng Người vẫn cho phép sự dữ xâm nhập thế gian: thiên thần và con người là hai loài thọ tạo có tự do, và trong thực tế họ đã sa ngã. Tuy nhiên, Người vẫn tôn trọng tự do mà Người đã ban, và một cách mầu nhiệm, Người đã rút lấy điều lành từ sự dữ này. Vì thế, “Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân cho sự dữ luân lý”.[20] Nhưng trong và qua sự dữ, Thiên Chúa đã biến nó thành những điều lành cho con người: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Thế nhưng trong hiện tại, chúng ta sẽ không hiểu được mầu nhiệm của sự dữ, chúng ta tin Thiên Chúa sẽ toàn thắng mọi sự trong ngày sau hết; trong ngày mặt đối mặt đó (x. 1Cr 13,12). Nhất là chúng ta không thể hiểu trọn vẹn đường lối của Thiên Chúa dẫn con người đi qua những thảm kịch của sự dữ và tội lỗi.[21] Vì thế với lòng tin, chúng ta phải có thái độ nào khi phải đối diện với sự dữ và đau khổ trong cuộc đời này?

III. THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI TRƯỚC SỰ DỮ

Đứng trước sự dữ, chúng ta phải có thái độ nào? Đây là câu hỏi rất nhiều người muốn biết. Bởi vậy đã có nhiều triết gia, thần học gia, các thánh trong Giáo Hội đã có rất nhiều cảm nghiệm sâu sắc về sự dữ và đau khổ. Nhưng vì sự giới hạn của bài viết nên tôi chỉ lấy một vài cá nhân tiêu biểu cho các trường phái từ hữu thần đến vô thần: trường phái đầu tiên là thuyết Khắc kỷ đại diện cho trường phái hữu thần, kế đến là tư tưởng của tiết gia Albert Camus đại diện cho trường phái vô thần; và cuối cùng xin lấy thánh Gióp như là nhân vật nối kết hai thái độ của hai trường phái nói trên.

  1. Một thái độ chịu đựng (phái Khắc kỷ)

Đã có nhiều thái độ khác nhau khi phải đối diện với sự dữ, khi đa số tìm cách chạy trốn hay ít nữa là nổi loạn như triết gia Camus, nhưng một thái độ dường như bất khả kháng với sự dữ thì con người đành chấp nhận chịu đau khổ. Đây là tư tưởng được phát xuất từ triết gia Epictète, một trong những triết gia lớn trong trường phái này. Các triết gia khắc kỷ đã tìm cách tuyên truyền cho thái độ tùng phục hơn là giải thích sự dữ. Theo họ, khôn ngoan khi đứng trước sự dữ và đau khổ là hãy chăm lo phát triển những gì thuộc về mình và cam chịu những điều khác không thuộc về mình như đau khổ, chớ đòi hỏi những điều bạn muốn, mà hãy muốn mọi điều xảy ra, khi ấy bạn sẽ được hạnh phúc.[22]

Vậy theo họ, chúng ta cần làm chủ những ước muốn và đam mê của lòng mình, phải giữ thái độ bình thản trước sự dữ và đau khổ, để có được bình an. Đây cũng là thái độ căn bản được tóm tắt trong một câu nổi tiếng sau đây của phái khắc kỷ: “Sustine Et Abstine” nghĩa là: “Hãy chịu đựng những gì không thuộc về mình”.[23] Nhưng trong Phái Khắc Kỷ không phải mọi người đều có thái độ như nhau, đã có hai thái độ đối nghịch: một bên là thái độ của kẻ duy ý chí, đôi lúc đến mức kêu ngạo, nghiến răng để chứng tỏ mình vượt thắng được đau khổ; bên kia thì cam chịu hết mức, nhưng với thái độ buồn tẻ, cực chẳng đã.

Nhưng thật trái với Tin Mừng khi chấp nhận một lập trường như thế, vì Đức Giêsu chưa bao giờ rao giảng một thái độ phải tùng phục sự dữ hay cam chịu đau khổ như thế, vì cuộc đời của Người là một cuộc chiến không ngừng với sự dữ, bằng những lời rao giảng và những phép lạ chữa lành bệnh tật và xua trừ quỷ (x. Mc 1,21-43). Hay nói đúng hơn, Người đã dạy cho chúng ta thay vì cam chịu mà phải có một thái độ chống lại tích cực hơn khi đối diện với sự dữ và đau khổ.

  1. Thái độ phản kháng (Camus)

Với thái độ cam chịu như Phái Khắc Kỷ thì chúng ta không nên sa vào vì nó bất cập. Một thái độ mà chúng ta thường thấy khi đứng trước sự dữ là “phản kháng”, đây cũng là tư tưởng của đại đa số các triết gia, kể cả triết gia Kitô giáo. Và tiêu biểu cho thái này là triết gia Albert Camus.

Trực giác cơ bản của Camus là trực giác về tính chất bi đát của cuộc đời, mà biểu hiện tiêu biểu nhất là sự đau đớn của trẻ em, là một hình ảnh man rợ nhất của sự dữ. Đối với ông, đó chính là bằng chứng Thiên Chúa không có, sự dữ và Thiên Chúa là hai điều mâu thuẫn nhau.[24]

Tuy nhiên, với Camus, không phải do có sự dữ mà chúng ta có thái độ thoái thác hay tệ hơn là tự sát, ngay cả khi chúng ta thấy đau khổ và chết chóc, vì sự dữ thật là phi lý. Chính vì sự dữ có mặt khắp mọi nơi nên “con người phản loạn” của ta càng phải nỗ lực hơn để không ngừng tiêu diệt nó.

Camus hẳn cũng nghĩ rằng cả khi con người xóa sạch mọi sự dữ do mình gây ra, vẫn luôn còn đó những đau khổ do chính thân phận bị giới hạn và vô thường của mình. Như thế, dù y khoa có tiến bộ đến đâu, con người cũng không thể tránh khỏi những tổn thương của thể lý và tâm lý. Do đó, phải đương đầu với bệnh tật và sự chết là điều không né tránh được. Phải chăng, con người có thể làm chủ nơi mình tất cả những gì cần được làm chủ? Thế nhưng, ngay cả trong những xã hội tiến bộ nhất, trẻ em vẫn là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu đau khổ và đôi khi phải chết bất công.

Đây là một cuộc chiến cam go và dai dẳng, để bảo vệ những con người yếu đuối nhất trong xã hội, đây là một cuộc chiến đòi hỏi chúng ta phải có một tấm lòng quảng đại và một tình yêu đến phi thường. Vinh dự của con người là làm mà không tính toán gì hết, là phân phát hết cho cuộc sống hiện tại và cho những con người đau khổ. Theo Camus, chính qua cuộc sống nổi loạn của chúng ta sẽ chứng minh rằng, nổi loạn chính là sự sống đang chuyển động, không thể sống mà phủ nhận cuộc nổi loạn ấy, sống là phải sinh sôi triển nở, hoặc là chẳng sống gì nữa”.[25] Và tiếp theo tư tưởng phản kháng của Camus được diễn tả thật gay cấn trong cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch”, ông không thể chấp nhận được một Thiên Chúa nhân lành lại để cho trẻ em chịu đau khổ hành hạ:

Một trận dịch hạch tàn bạo đã tàn phá vùng Oran; mỗi ngày có hàng trăm nạn nhân phải chết. Trong đó có rất nhiều trẻ em, đặc biệt có một bé trai vừa mới chết. Paneloux, một linh mục Dòng Tên, đang tranh cãi với bác sỹ Rieux ngoài sân. Ngay sau cái chết của bé, Rieux đã nổi khùng lên: “ôi đứa trẻ này vô tội mà thưa cha”. Tôi biết, Paneloux nói nhỏ nhẹ. Điều này làm chúng ta phẫn nộ, bởi nó vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Nhưng có lẽ chúng ta cũng phải yêu thương những điều mà chúng ta chẳng hiểu. Rieux đứng bật dậy, ông nhìn Paneloux với ánh mắt cương quyết và nóng nảy mà ông không thể kiềm chế được, ông lắc đầu và nói: không thưa cha, tôi quan niệm tình yêu một cách khác. Tôi dứt khoát sẽ không bao giờ chấp nhận yêu thương một thế giới mà trong đó trẻ thơ bị hành hạ.[26]

Có thể nói rằng một thái độ đáng phải quan tâm là chúng ta phải chống lại sự dữ thay vì cam chịu “cực chẳng đã” như những người theo phái khắc kỷ. Với Camus là một thái độ phản kháng để lấy đó làm cớ chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa thì sai lầm, “ví như người giận cá bằm thớt”. Bởi vậy, đây không phải là lối thoát hay cách giải quyết vấn đề sự dữ, mà là đưa con người vào ngõ cụt. Một lần nữa chúng ta cần cảnh tỉnh để không rơi vào thái độ thái quá này của triết gia Camus.

Vậy đối với ông Gióp thì sao, một người ăn ngay ở lành lại gặp đau khổ ập tới vùi dập cả tấm thân. Trong hoàn cảnh đau thương này, ông Gióp xử sự như thế nào?

  1. Thái độ đối diện và chiến đấu (ông Gióp)

Kinh Thánh đã nói rằng ông Gióp là một người công chính và kính sợ Thiên Chúa, bằng chứng là Thiên Chúa đã ngỏ lời khen ngợi ông Gióp trước Satan: “Gióp tôi tớ Ta, thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó, một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và xa tránh điều gian ác” (G 1,8).

Thế nhưng, tai họa lại đột nhiên ập xuống trên ông, trong một ngày mà ông bị mất con cái, tài sản, và cả sức khỏe nữa (x. G 1,13-19). Vì thế trong sự đau khổ, ông Gióp mang nặng nỗi bức xúc: nếu Thiên Chúa vô tình trước sự công chính của người công chính, thì tại sao Người lại không vô tình trước sự vô đạo của nó. Khi ấy ông Gióp kêu than: “Thịt tôi chai ra, giòi bọ lúc nhúc, da tôi nứt nẻ, máu mủ đầm đìa” (G 7,5), đau khổ này xảy đến với ông quả là khủng khiếp.

Trong cơn đau khổ ông Gióp đã tự hỏi: Ngài là ai mà khi con kêu lên nhưng Ngài không đáp lại, con trình diện Ngài nhưng Ngài chẳng lưu tâm? Ông Gióp rên rỉ, Ngài đối xử với con tàn nhẫn, dương cánh tay mạnh mẽ đánh phạt con, Ngài nâng con lên cho cỡi mây đạp gió, làm con tan chảy trong cơn giông tố bão bùng. Quả thật, con biết Ngài bắt con quay về cõi chết, về nhà hội ngộ của tất cả nhân sinh (G 30,20-23). Ông Gióp thấy gần như mình muốn chối Chúa, vì đã không tìm ra nguồn gốc bất hạnh của hiện tại, ông Gióp lý giải rằng đau khổ là do Chúa: mặc dù Ngài biết con không có tội lỗi gì (G 10,7); chỉ vì thích họp bàn với ác nhân mà Ngài săn đuổi con, Ngài hạ nhục con để chứng tỏ uy quyền. Nhằm chống lại con mà Ngài không ngớt khơi dậy phẫn nộ (G 10,17).

Đau khổ đã dâng lên tột cùng khi ông thốt lên những lời thống thiết: “Tôi sẽ liều mạng đến một mất một còn, Người có thể giết tôi, tôi chẳng còn gì để hy vọng. Nhưng trước nhan Người, cách sống của tôi, tôi phải biện hộ, vì đó là điều sẽ cứu tôi” (G 13,14-16). Chưa hết, ông nói: “Đất ơi đừng vùi lấp máu ta đi, ước gì tiếng tôi kêu còn vọng ngân lên mãi!” (G 16,18-20).

Từ thái độ than van trách móc Thiên Chúa vì thấy mình bị đối xử bất công, thì giờ đây ông Gióp đã thay đổi cách nhìn và nhận thấy mình có một Đấng bảo trợ trên trời: “Ngay giờ đây trên trời, tôi đã có một nhân chứng, nơi chốn cao xanh, tôi có một người bảo lãnh. Bạn bè của tôi chế nhạo tôi, nhưng tôi hướng nhìn lên Chúa, mắt đầm đìa giọt lệ” (G 16,19-20). Như thế, đối tượng của ông Gióp giờ đây là Thiên Chúa, Đấng ông trông cậy.[27] Và ông đã bằng lòng bỏ mình, với những định kiến trước đó để hướng nhìn lên Thiên Chúa với một đôi mắt mới. Vậy, bởi đâu ông Gióp lại có được thái độ này? Do “tình yêu”. Tình yêu đã cho ông đôi mắt mới: “trước kia con chỉ được biết Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây chính mắt con đã được thấy Ngài” (G 42,5). Qua đó, ông Gióp đã khám phá ra tình yêu của ông đối với Chúa lúc này là một “tình yêu vô vị lợi”, một tình yêu không còn mang tính đổi chác nữa. Nhờ đó, ông Góp không đồng hóa Thiên Chúa với những thực tại hạnh phúc trần thế, những hạnh phúc mau qua và giả tạo. Bởi vậy, con người không được phụng thờ Thiên Chúa theo mức độ ân huệ Người ban, mà phải phụng thờ Người như Người đáng được phụng thờ, và yêu mến Người như Người đáng được mến yêu.

Đã một thời, ông Gióp bị cái nhìn của Thiên Chúa gây thương tích, thì giờ đây, cái nhìn của Thiên Chúa trở thành cái nhìn yêu thương.[28] Cái nhìn đó không lên án, cũng chẳng tán thành thái độ phản kháng, nhưng tôn trọng tự do của ông Gióp. Hơn nữa, một thực tại nhiều khi bị lãng quên trong đau khổ đó là: Thiên Chúa luôn ở cạnh chúng ta, như vẫn ở cạnh ông Gióp, trong vận may cũng như vận rủi; Thiên Chúa không bằng vai phải lứa với con người, Người cũng không đáp ứng lại điều ông Gióp chờ mong hay sợ hãi. Thiên Chúa không chỉ lắng nghe những chủ ý ngay lành, với những kế hoạch của chúng ta, nhưng Người còn lắng nghe cả những lời than van trách móc, ngay cả lời nguyền rủa của chúng ta dành cho Người. Như vậy, cùng với ông Gióp chúng ta hãy thân thưa: “Chúa ơi, điều con đã nói, con xin rút lại, trên tro bụi con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,6).

Trong đau khổ thay vì chúng ta nhìn lên Thiên Chúa để kêu trách Người, nhưng như ông Gióp, chúng ta nhìn lên Thiên Chúa để được an ủi, được lắng nghe. Khi ấy, chúng ta khám phá ra sự nhỏ bé của thân phận con người, và rồi lòng khiêm tốn thẳm sâu sẽ bùng lên: như bé thơ, chúng ta phó dâng cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, một “tình yêu chấp nhận những lời kêu than của con người trong đau khổ.[29]

Như thế, qua ông Gióp, chúng ta đã phần nào tìm ra một thái độ cho mình đối chiếu và học hỏi đó là: chạy đến trước mặt Thiên Chúa để thổ lộ tâm can, như thế con người mới không còn nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Và noi gương thánh Gióp, chúng ta phải học biết rằng, ngay cả những điều xem ra vô vọng đi chăng nữa, cũng có thể là một lời kinh: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con” (Mc 15,34). Trong tiếng kêu ấy của Chúa Giêsu trên Thập giá, chính là tiếng kêu của ông Gióp và cũng phải là tiếng kêu của mỗi người có niềm tin khi gặp đau khổ, vang lên trong thái độ khẩn cầu. Đây là con đường duy nhất, nhờ con đường này mà Thiên Chúa mới có thể cứu thoát chúng ta khỏi sự dữ và đau khổ.

Đây chính là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta và là chuẩn mực cho thái độ của chúng ta khi phải đối diện với sự dữ lẫn đau khổ, một thái độ tín thác trong hy vọng, vì Thiên Chúa không ở xa con người trong đau khổ, Người luôn ở trong và ở với con người dù con người không biết, hay cũng chẳng tin sự hiện hữu của Người. Thiên Chúa không thinh lặng trước sự dữ, Người lên tiếng trả lời cho những chất vấn của ông Gióp, và hơn nữa Người lên tiếng bằng chính hành động, trong Đức Giêsu Kitô, cho tới đích điểm trên cây Thập giá.

IV. THẬP GIÁ, CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC TIN CHO VẤN ĐỀ SỰ DỮ

Khi nhập thể làm người, Đức Giêsu Kitô đã không đến để lập luận và chỉ cho con người nguồn gốc sự dữ, một cách tiêu cực mà nói, để thỏa mãn tri thức nhân loại, hay nói một cách tích cực hơn, để khai sáng tri thức con người trong vấn đề sự dữ. Không, Ngài đã không làm vậy. Điều Ngài đã làm là đi vào trong Sự dữ và chiến thắng nó bằng cây Thập giá.

Hãy xem cách Ngài đã chấp nhận đối diện với sự dữ, đã ở trong nó trước khi chiến thắng nó như thế nào. Nếu cái chết là một sự dữ, thì ngay khi nhập thể làm người, Ngài đã chấp nhận một quy luật, mà nói một cách bi quan, là sinh ra để…chết đi. Nếu sự hành hạ và sỉ nhục cả về tinh thần lẫn thể lý là sự dữ, thì Ngài đã gánh lấy nó trong suốt cuộc Thương Khó. Trước tất cả những sự dữ đó, chúng ta thấy Ngài phản ứng như thế nào?

  1. Thái độ của Đức Giêsu trước sự dữ và đau khổ

Đức Giêsu đã không làm người cách nửa vời, Ngài không chỉ nếm qua thực chất con người mà còn “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7), nhưng đã đảm nhận tất cả thực trạng của cuộc sống làm người, kể cả kinh nghiệm thất bại và chua cay, đổ vỡ tang thương, đau khổ và sự chết.

Thật vậy, Con Thiên Chúa đã biết số phận như thế nào qua thánh ý của Chúa Cha: một khi lòng nhân từ xung đột với một sự dữ có quyền thế, thì hậu quả là Thập giá. Triết gia Platon đã viết: “Người công chính sẽ bị đánh đập, lột da, xiềng xích, bị lửa đốt làm mắt mù đi. Khi đã chịu xong từng khổ hình ấy, ngài sẽ bị đóng đinh trên Thập giá”.[30] Nơi Đức Giêsu, một Thiên Chúa đã phải chấp nhận tự hủy mình đi, với kết quả là Thiên Chúa cứu độ phải chịu chết để giết chết tử thần. Bản tính hư hỏng của con người có thể làm biến dạng công trình tốt đẹp của Thiên Chúa. Một nhà thần học lưu ý: “Suốt dòng lịch sử Kitô giáo, bao giờ Thiên Chúa của người nghèo, của những người đau khổ, những kẻ bị áp bức, cũng chính là Đức Kitô khổ đau, bị áp bức; còn Thiên Chúa của những người giàu có, quyền lực…, thì bao giờ cũng là Đấng toàn năng”.[31]

Bởi vậy, chính Đức Giêsu đã phải trải qua cuộc đời với những đau khổ và sự dữ mà chính Người đã giáp mặt, cũng như bao đau khổ mà con người phải gánh chịu. Vậy Đức Giêsu có thái độ nào trước sự dữ và đau khổ?

Khi đọc các trình thuật Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thường xuyên tiếp xúc với những người nghèo khổ, bệnh tật và tội lỗi. Theo tâm thức thời bấy giờ, thì bệnh tật là do tội lỗi gây ra, do đó khi chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ, Chúa Giêsu giải phóng con người khỏi sự dữ và trả lại cho con người sức khỏe thể lý lẫn tâm linh (x. Mt 9,1-13).

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có liên hệ giữa bệnh tật thể xác và tội lỗi của người bệnh, bằng chứng là trình thuật về người mù bẩm sinh (x. Ga 9). Cũng có trường hợp Chúa Giêsu can thiệp vì người bệnh hoặc người thân của bệnh nhân xin (x. Mc 2,1-12), có khi tự ý Ngài can thiệp (x. Mc 1,32).

Thật ra Chúa Giêsu không đến để giải thoát con người khỏi mọi đau khổ trong cuộc sống, mà là giải thoát con người trong khổ đau bằng cách rao truyền Tin Mừng và quyền năng yêu thương của Thiên Chúa Cha. Nói khác đi, với Chúa Giêsu và Tin Mừng yêu thương của Ngài, nước Thiên Chúa đã hiện diện trên trần gian và trong lòng con người, vì ở đâu có tình yêu, ở đó sự dữ bị đánh bại.

Ngay từ đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã phải chạm trán với sự dữ trong khung cảnh cơn cám dỗ trong sa mạc, Satan đã đưa ra những cám dỗ mà mục đích là đưa Người đi xa đường lối của Chúa Cha (x. Mt 4,1-11). Chước cám dỗ từ bỏ sứ mạng cứu thế này còn trở lại qua lời can gián của Phêrô lúc Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn với cái chết của Ngài. Chúa Giêsu đã nhận thấy bóng dáng của Satan ở đó, Người quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy (x. Mt 16,23).

Trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đụng độ với những người Dothái cứng lòng tin, vì họ là con cái của ma quỷ, là loài rắn độc. Ngài cũng đã đối đầu với những người bị quỷ ám, các thần ô uế, và Ngài đã chiến thắng (x. Mc 5,1-20). Chúa Giêsu đến là để tiêu diệt sự dữ và quyền lực ma quỷ (x. Dt 2,14), Ngài đến để phá hủy công việc của ma quỷ (x. Ga 3,8; 1Cr 15,24-28).

Đó chính là lý do giải thích tại sao các sách Phúc Âm trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc chiến không ngưng nghỉ với quyền lực sự dữ, và cuộc chiến đó đạt đến đỉnh điểm và kết thúc nơi Thập giá của Người, với Thập giá, Người đã tiêu diệt sự dữ và đau khổ. Khi mà sự dữ như reo mừng chiến thắng, thì chính lúc đó là Đức Giêsu hoàn tất công trình cứu độ với cuộc Vượt Qua của Người (x. Ga 19,30).

Qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu là Thiên Chúa chịu đau khổ với con người, để giải thoát con người khỏi đau khổ. Ngài liên đới với con người đau khổ trong Con của Người: Thập giá là bằng chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho thế gian.

  1. Thập giá, sự điên rồ của Thiên Chúa

Thập giá của Đức Kitô là một sự điên rồ khó hiểu nhất trong sự khôn ngoan theo cách người đời. Tại sao? Thánh Phaolô sẽ quảng diễn cho chúng ta thấy rõ vấn đề này:

Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Dothái cho là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là người Dothái hay Hylạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người (1Cr 1,20-25).

Chỉ sau biến cố Phục Sinh, cộng đoàn môn đệ của Đức Kitô mới khám phá ra ý nghĩa của Thập giá: đó là mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa Cha. Vì thế đối với cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu không thể vô lý hay là dấu chứng sự bất lực của Thiên Chúa trước sức mạnh của Sự ác.[32] Không, đối với con người thì có vẻ là như thế, “nhưng sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của con người, sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sự mạnh mẽ của con người” (1Cr 1,24).

Với thái độ chấp nhận hoàn toàn tự do (x. Mc 8,31; 14,42) Người đã chịu đau khổ như người công chính chịu đau khổ (x. Mc 14,55) và đây là trận chiến giữa Thiên Chúa và Satan (x. Mt 16,23; Lc 22,3.31.52; Ga 14,30). Bởi vậy, Thập giá của Đức Giêsu là giờ phút quyết định của lịch sử cứu độ, lúc mà các lời tiên tri (x. Tv 22; 41; 69; Is 53; Dcr 13) đã được ứng nghiệm.

Chúng ta hiểu tại sao Thập giá là sự điên rồ của Thiên Chúa lại trở nên sự khôn ngoan của Người (x. 1Cr 1,23); bởi lẽ sự kiện này chính là yếu tố cấu tạo nên mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô (x. Pl 2,8). Hơn nữa, Con Thiên Chúa bị giết chết trên Thập giá là trường hợp điển hình và tiêu biểu nhất trong đường lối khôn lường của Thiên Chúa Cha (x. Rm 11,33). Thánh Kinh cho ta thấy cách thức hoạt động của Thiên Chúa đối với con người theo dạng nghịch lý với trí hiểu của con người, đây là điều mà thánh Phaolô nói trong thư của ngài (x. 1Cr 1,27-29).

Thập giá là một sự điên rồ: khi Thiên Chúa lấy một vật ô uế nhất là xác chết (x. Lv 21,11) làm dụng cụ thanh tẩy con người. Vật bị nguyền rủa đối với luật (x. Đnl 21,22-23), thì Thiên Chúa dùng để chuộc lấy con người khỏi bị án chết (x. Gl 3,13). Quả vậy, lòng ghen ghét hận thù đã giết chết Đức Kitô, thì Thiên Chúa lại dùng nó để phá đổ sự thù ghét (x. Ep 2,14-16), qua đó Thiên Chúa cũng mạc khải tình thương vô biên của Người đối với thế gian (x. Ga 3,16).

Khi mà Đấng Cứu Thế bị chết nhục nhã trên cây Thập giá, làm cớ cho mọi người chê cười (x. Mt 27,39-44) thì chính giờ phút này tử thần đã bị tiêu diệt. Bởi vậy, Thập giá chính là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thế nên đối với những ai tin, thì Thập giá không là lý do làm cho hổ thẹn (x. 1Cr 1,20-25), trái lại chính Thập giá mang lại cho con người niềm hãnh diện lớn lao (x. Gl 6,14), và đó là con đường chúng ta phải hiên ngang bước vào (x. Dt 13,13).

Như vậy, với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra ý nghĩa của Thập giá, thay vì chỉ thấy đó là dụng cụ của cực hình và nhục nhã, thì Thiên Chúa lại dùng để làm phương thế cứu độ. Trên Thập giá, Đức Giêsu đã biến đổi cây khô của tử vong và bị nguyền rủa (x. Gl 3,13) thành cây sự sống (x. Kh 22,2.14.19). Với cây Thập giá, Con Thiên Chúa liên đới với con người đau khổ.

Điều nghịch lý nhất của Thập giá là Thiên Chúa đã chết vì con người, và cũng chỉ có các tín đồ Đức Kitô tin thờ một Thiên Chúa chịu đóng đinh và chết vì con người. Thánh Augustinô viết: “Trong Kitô giáo có nhiều điều khó tin nơi các lời hứa về tương lai, nhưng khó tin hơn nữa là điều đã xảy ra rồi, đó là việc Thiên Chúa đã chết vì con người: đây là sự điên rồ của Thập giá, một tình yêu tự hiến”.[33] Đức Giêsu đã chết như vậy, vì ngài chính là Thiên Chúa (x. Ga 10,17; 14,31). Bởi vậy, Thập giá Đức Giêsu là sự điên rồ của Thiên Chúa và là câu trả lời duy nhất cho vấn đề sự dữ.

  1. Thiên Chúa chịu đóng đinh, câu trả lời duy nhất

Hẳn chúng ta sẽ mãi không có câu trả lời thỏa đáng trước vấn nạn sự dữ và đau khổ; nhưng chúng ta lại biết chắc một điều: Đức Kitô đã đi qua lối đó, đã đích thân nếm trải đau khổ và Con Thiên Chúa đến để tiêu diệt sự dữ và đau khổ, hơn thế nữa là để chịu đau khổ với chúng ta. Người đã dùng Thập giá như cái điểm tựa để lên nằm trên đó!

Thật vậy, để trả lời những thắc mắc của con người về sự dữ, Thiên Chúa đã không đề nghị một triết lý; và Người cũng không tỏ ra xa lạ với tội lỗi và những đau khổ mà con người phải chịu. Câu trả lời cho sự dữ là “khuôn mặt không còn hình người” của Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá. Gặp được khuôn mặt này là tìm được câu trả lời cho vấn đề sự dữ, không có Thập giá thì Thiên Chúa vẫn ở bên kia của bức màn thời gian. Với Thập giá, Thiên Chúa xuống và đứng về phía con người đau khổ, bị áp bức bóc lột, những nạn nhân vô tội.

Trong cuốn tiểu thuyết “Nhật Ký của vị cha sở ở nông thôn”, Georges Bernanos đã ghi lại cuộc đối thoại gay cấn và bi thảm giữa cha sở và bà điền chủ:

Bà căm thù và oán trách Thiên Chúa vì đứa con của bà đã chết khi còn là một trẻ thơ. Cha sở khuyên bà nên chịu đựng, bà trả lời: “nếu tôi không chịu đựng, tôi đã chết từ lâu rồi!” Chưa hiểu ý của bà, cha sở nói tiếp: “chúng ta không thể mặc cả với Thiên Chúa, ta phải đầu hàng trước Thiên Chúa vô điều kiện. Bà hãy cho Người tất cả, Người sẽ trả lại cho bà gấp bội”. Bà điền chủ tỏ vẻ giận dữ, bà la lớn tiếng: “nếu Thiên Chúa ngự trị ở một nơi nào đó trong thế gian này hay một nơi khác, tôi sẽ ẵm con mình đến đó và nói với Thiên Chúa: đây Ngài hài lòng chưa, hãy nghiền nát chúng tôi đi! Vị linh mục nghĩ đến những giọt nước mắt, những tiếng than khóc của những người đau khổ. Ngài nói tiếp: “thưa bà nếu Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của dân ngoại hay của những triết gia, thì Người có thể ở chốn cửu trùng, thì với đau khổ của chúng ta, sẽ kéo Người xuống đây với chúng ta. Nhưng bà biết rằng Thiên Chúa chúng ta đã đến với chúng ta, bà có thể đấm thẳng vào mặt Người, khạc nhổ vào mặt Người và cuối cùng đóng đinh Người vào thập giá. Và thật sự đã xảy ra đúng như vậy rồi.[34]

Quả vậy, Thiên Chúa không phải là Đấng xa lạ với những đau khổ của con người, như lời thánh Phaolô đã viết:

Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi… Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,22-25).

Sự nổi loạn của con người đã không bị dập tan từ bên ngoài, nhưng đã bị nhận chìm trong vực thẳm của tình yêu. Thay vì một sức kháng cự, một cuộc đối đầu, con người chỉ gặp hai cánh tay dang rộng trên Thập giá. Và từ khi đó cho đến bây giờ, Đức Kitô trở thành đối trọng của tình yêu, hầu lặp lại thế vượt trội trên bàn cân mà trước đó tội lỗi đã làm nghiêng về phía mình. Đức Kitô đã đưa vào thế giới một tình yêu phá mọi thứ hận thù mà thế gian có thể tích trữ.[35]

Bởi vậy, Thiên Chúa đã chấp nhận chịu nghiền nát, chịu đóng đinh chỉ vì muốn tôn trọng tự do của con người. Thập giá đã đưa chúng ta vào thế giới ở bên kia thế giới của lẽ công bằng, đó là thế giới của tình yêu, một tình yêu có chiều kích của Thiên Chúa. Thiên Chúa lại tỏ mình trên Thập giá: bị nhục mạ, bị khinh khi mà Người vẫn một niềm yêu thương và thành tín. Chính nơi Thập giá mà Thiên Chúa đã tỏ quyền năng vượt trên mọi đau khổ và sự dữ. Nếu mầu nhiệm sự dữ không thể giải thích được, thì mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa lại càng khó giải thích gấp bội: Thiên Chúa chết vì yêu.[36]

Thánh Gioan tông đồ đã diễn tả như sau:

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho thế gian, để ai tin vào người Con Một của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Và Thiên Chúa sai Con mình đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (Ga 3,16-17).

Nhưng để biến đổi thân phận tội lỗi của con người, Thiên Chúa đã phải liên đới với con người và trải qua vực thẳm của tội lỗi – dù Người là Đấng hoàn toàn vô tội. Đức Kitô là điểm quy chiếu duy nhất, nơi Người, mọi sự đều thành toàn. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới làm cho con người được thông phần vào Thập giá, vì Người là Đấng liên đới với con người trong sự chết. Đức Kitô chịu đóng đinh là nền tảng của mầu nhiệm cứu độ, Đấng đã tiêu diệt sự dữ bằng cái chết nhục nhã trên Thập giá.[37] Bởi vậy, Thập giá Đức Kitô là chìa khóa hóa giải mọi đau khổ và sự dữ.

V. NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN

Qua những trình bày trên đây, chúng ta rút ra được bài học nào? Trên hết hãy nhìn lên Đức Kitô và bắt chước thái độ của Người là chiến đấu chống lại sự dữ với cây Thập giá. Qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, chúng ta khám phá ra một điều quan trọng: Thiên Chúa đã đến với con người, Người đến mang cho chúng ta câu trả lời cho vấn đề sự dữ, đó là một sự “hiện diện, Thập giá của Đức Giêsu”.[38]

Thật vậy, đối với những người tin thì thái độ đối diện và đấu tranh không ngừng đối với sự dữ và đau khổ ấy dựa trên hai điều xác tín sau đây: thứ nhất, Thiên Chúa dựng nên con người là muốn cho chúng ta được hạnh phúc, nên Người không hề muốn sự dữ và đau khổ xảy đến với con người; thứ hai, khi đứng trước sự dữ, xem ra Thiên Chúa có vẻ bất lực, nhưng Người lại liên đới với chúng ta trong đau khổ.

  1. Thiên Chúa không hề muốn sự dữ lẫn đau khổ

Con người sinh ra là để sống hạnh phúc, sự dữ luôn là sự dữ, và Thiên Chúa không bao giờ muốn. Các nhà thần học và triết gia Kitô giáo ngày nay đều đồng ý nói lên điều đó một cách rõ ràng nhất, dù trong quá khứ đã có một thời gian khá dài người ta nghĩ rằng Thiên Chúa không những cho phép sự dữ có mặt, mà còn chủ ý tạo ra nó, vì lợi ích của con người. Thậm chí Người còn cảm thấy thích thú nữa! Đau khổ là cái giá để trao đổi, là món tiền gửi vào ngân hàng nước trời: “Thiên Chúa vô cùng yêu mến những đau khổ của con người. Họ càng dâng những đau khổ bao nhiêu, thì Người càng hỷ hả bấy nhiêu”.[39]

Francois Varone và tất cả các nhà thần học, triết học Kitô giáo cương quyết lên án những luận điệu ấy, vì rốt cuộc đã biến Thiên Chúa thành một người thích sự dữ và đau khổ. Làm sao vừa dám nói như thế vừa khẳng định Thiên Chúa là tình yêu? Thật là một điều không thể chấp nhận được.

Rất tiếc những kiểu nói như thế này có rất nhiều, bằng chứng là trong một tác phẩm gần đây hơn (1958) đã viết: Thiên Chúa để cho sự dữ xuất hiện, để chứng tỏ một cách thật bi đát, nhưng không thể chống lại, rằng Người yêu chúng ta bằng cách trừng phạt chúng ta trong đau khổ. Thật khó chấp nhận như thế, giáo lý kiểu đó quả là phạm thượng. Maurice Nesdoncell nhận xét như sau: “làm sao có thể tưởng tượng ra một Thiên Chúa dửng dưng để mặc cho thế giới hư hỏng và đau khổ, hoặc tệ hơn, một Thiên Chúa đặt con người vào trong những thử thách ghê gớm rồi ngồi đó xem chúng ta chống cự và bị gục ngã thảm thương, rồi nếm đôi chút vinh quang bệnh hoạn”.[40]

 Một Thiên Chúa tính toán thật tài tình khi nghĩ ra những chước cám dỗ, và những hình thức tra tấn thật dã man như Đức Quốc Xã đã làm với người Dothái ở các trại tập trung! Thiên Chúa như thế thì nhân lành ở chỗ nào, yêu thương làm sao được, con người có thể tôn thờ một Thiên Chúa như vậy được sao? Thật không thể chấp nhận được những lối giải thích gây thêm ngờ vực và sai lầm như vậy được. Sự thật thì sự dữ vẫn có trước mắt chúng ta, vậy thì Thiên Chúa bất lực sao?

  1. Thiên Chúa liên đới với con người đau khổ trong Đức Kitô

Nếu không thể nói mà cũng không tưởng tượng được Thiên Chúa chủ tâm gây ra sự dữ và đau khổ, thì cũng không hiểu được tại sao Người lại tỏ ra bất lực trước những thực tại kinh khủng như thế. Chúng ta đang đụng độ với một điều vừa nghịch lý vừa không thể giải thích được: một Thiên Chúa yếu đuối!

Thế nhưng, chính cái nghịch lý ấy có vẻ kỳ lạ và khó hiểu này lại là nét đặc trưng trong Kitô giáo; một Thiên Chúa toàn năng và tốt lành lại tỏ ra bất lực trược sự dữ: bất lực đến nỗi người ta có thể nói rằng “Thiên Chúa đau khổ”[41] khi đứng trước thụ tạo của mình, dường như Thiên Chúa không làm gì được trước sự tung hoành của sự dữ. Tại sao Người chẳng làm gì và nhất là Người dường như không thể làm gì được để chống lại sự dữ và đau khổ? Người bất lực trước tự do của con người?

Đối với những sự dữ do con người gây ra, bởi tự do của chính mình, chúng ta có thể thông cảm được với sự bất lực của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa tạo nên con người có tự do, nên con người phải chịu trách nhiệm với những hành động của chính mình, Người không muốn lấy lại tự do mà Người đã ban cho con người.

Nhưng còn với những sự dữ hiện sinh, như bệnh tật, động đất, núi lửa…, thì chúng ta không thể nào hiểu được. Phải chăng như thế mới phù hợp với thân phận mỏng dòn của con người, với sự bất toàn của thân phận ấy? Và hơn nữa Thiên Chúa tôn trọng các định luật tự nhiên mà Người đã đặt định. Nhưng tại sao Thiên Chúa lại tạo nên con người có tự do, và có khả năng làm điều dữ, trong khi lại muốn con người được hạnh phúc? Một lần nữa chúng ta lại chạm đến cái huyền nhiệm ghê gớm và dày đặc này; và ở đây chỉ có một điều xác tín duy nhất đối với những ai có niềm tin: Thiên Chúa liên đới với con người cả trong đau khổ và cuộc chiến chống lại đau khổ và sự dữ.

Quan điểm này vẫn được các triết gia và thần học gia ngày nay lưu ý đặc biệt, khi họ phản đối thái độ thụ động của phái Khắc kỷ và khuynh hướng ái khổ đã được nuôi dưỡng trong Giáo Hội. Đức Giêsu không quanh quẩn trong những lối giải thích có thể được dựng nên, Người tố cáo sự dữ và chống lại nó, khi Người chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ (x. Mc 1,25; 7,53-56). Người cũng không cho chúng ta biết nguồn gốc của sự dữ mà chỉ cho biết phương cách để thoát khỏi được nó; Đức Giê-su đáp lại bằng cách mạc khải cho thấy một Thiên Chúa với tình yêu cực độ bằng cái chết treo trên Thập giá và đã Phục Sinh vinh hiển, qua đó Người đã tiêu diệt tử thần và âm phủ (x. 1Cr 15,25).

Thiên Chúa không bao giờ phủ nhận sự dữ và đau khổ, nhưng chính Người đã tự đảm nhận lấy;[42] Người tự làm cho mình bị liên lụy với sự dữ trong Đức Kitô Giêsu, để nhờ đó mà tiêu diệt nó bằng cái chết của Con Một Người. Như thế chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Kitô, cùng với Người tham gia trận chiến của Thiên Chúa chống lại sự dữ. Như thế chúng nói rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong đau khổ, Người vẫn có mặt trong mọi trạng huống của thân phận chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải có thái độ nào trước sự dữ lẫn đau khổ, và luôn tin rằng chúng ta không bao giờ cô đơn trong cuộc chiến đầy cam go này.

  1. Một thái độ cần có khi đứng trước sự dữ

Đối với những người có niềm tin vào Đức Kitô vẫn không có tham vọng mang lại lời giải đáp nào thỏa đáng, vì chưa hẳn chúng ta đã có những giải đáp hay hơn những người vô thần. Nhưng tiếc thay không phải tất cả mọi người đều có thái độ phản kháng chống lại sự dữ và đau khổ, vì trong thực tế vẫn có những người chạy theo chủ nghĩa ái khổ của phái Khắc kỷ.

Chúng ta, những người kitô hữu được mời gọi hãy loại bỏ những lối giải thích về sự dữ thật vô ích và thiếu sót đó, để quay về với một thái độ cụ thể cần có khi phải đối diện với sự dữ. Thật thế, Thiên Chúa không ngồi đó suy tư để giải thích cho chúng ta vấn đề sự dữ, Người không phải là một triết gia hay khoa học gia, cũng chẳng phải là một nhà thần học để có thể giải đáp hết những câu hỏi mà con người đặt ra: như vậy, sự dữ không phải để tìm hiểu, mà là để đấu tranh.

Ông Gióp là một tấm gương cho ta học hỏi, vì trước đau khổ ông đã không chạy trốn, cũng không phản loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng ông đã chạy đến với Người trong sự tín thác thẳm sâu để được nâng đỡ và ủi an. Thiên Chúa không thinh lặng như người ta vẫn nói, vì trong trường hợp của ông Gióp thì Thiên Chúa đã đích thân đáp lại những câu trách móc than van của ông Gióp. Trong đau khổ chúng ta hãy đến với Thiên Chúa trong sự phó thác, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Hơn nữa, để trả lời cho những thắc mắc của con người, Thiên Chúa đã không đưa ra cho chúng ta một triết lý, nhưng Người đã tỏ cho chúng ta một mầu nhiệm: mầu nhiệm Thiên Chúa chịu đau khổ.[43] Qua Con Một của Người, Người đã đến và sống giữa chúng ta, nên giống chúng ta về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Câu trả lời của Thiên Chúa là “khuôn mặt không còn hình người” của Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá. Thật vậy, nếu không có mầu nhiệm Thập giá, thì Thiên Chúa vẫn ở bên kia của bức màn thời gian, nhưng với Thập giá, Thiên Chúa đã xuống và đứng về phía con người bị áp bức bóc lột, những người đau khổ và thất vọng.

Đứng trước mầu nhiệm sự dữ, người kitô hữu được mời gọi nhận biết Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,7-8), vì chỉ có tình yêu mới có thể chiến thắng sự dữ và đau khổ. Người không muốn đau khổ và chết chóc đến cho con người, như có lời chép: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong, Người đã sáng tạo cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất hủy hoại, âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1,13-14). Do đó, người kitô hữu chúng ta có bổn phận giúp Thiên Chúa, đứng về phía Người để loại trừ sự dữ, đem niềm vui, hạnh phúc, sự nâng đỡ đến cho những ai đang đau khổ. Chúng ta hãy “vui với người vui, khóc với người khóc” như lời thánh Phaolô đã dạy. Vậy, đối với người kitô hữu, chắc chắn cần có bổn phận chiến đấu chống lại sự dữ dù phải trải qua nhiều gian nan cũng như cái chết.

Đây chắc không phải là chọn lựa dễ dàng, vì khi chọn lựa như thế, chúng ta đã dám buông bỏ chỗ ẩn nấp một cách thụ động và vô ích nơi thực tại thần linh nào đó, để chạy đến với một Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người biết chúng ta cần gì. Thay vì chạy trốn thực tế, người tín hữu sẽ ra sức đảm nhận lấy thực tế và làm hết cách để thay đổi trong một thế giới có nhiều đau khổ. Sự lựa chọn này cũng không phải ngây thơ khờ khạo, đành rằng không có một sự hợp lý khít khao của triết học hay khoa học, làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa Thiên Chúa và Sự dữ. Thật thế, Thiên Chúa không bao giờ muốn đau khổ đến cho con người, vì Người đã dựng nên con người để được hưởng hạnh phúc. Đàng khác, Người là một Thiên Chúa không xa lạ gì với những đau khổ của con người. Nhìn bên ngoài thì Người đã tỏ ra bất lực trước đau khổ và sự dữ, nhưng Người lại liên kết những đau khổ ấy với mình trong Đức Giêsu Kitô bằng cái chết của Ngài trên cây Thập giá, đây là một điều hệ trọng đối với những người tin.

Một thái độ cần có là thái độ của việc làm, của hành động chứ không phải là những lời nói trên môi miệng, chúng ta hãy nói bằng con tim, bằng ánh mắt rồi đến đôi tay. Không phải vì sự dữ vẫn còn đó mà chúng ta nản chí sờn lòng, điều an ủi chúng ta nhất là Thiên Chúa vẫn có đây, Người luôn ở bên, ở trong lòng tất cả những ai đang chịu đau khổ, trong lòng những ai đang ra sức chiến đấu chống lại sự dữ và mọi đau khổ trên trần gian này. Và trong mọi hoàn cảnh, chúng ta chiến đấu và sẽ chiến thắng bởi vì “ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, phải chăng là đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trong Đức Kitô” (x. Rm 8,35; 8,39), và nhờ Đấng ấy, chúng ta toàn thắng sự dữ lẫn đau khổ.

KẾT LUẬN

Đến đây, chúng ta thấy Sự dữ là một “mầu nhiệm”, thế nên không phải là vấn đề để bàn luận, tranh cãi, có tốn biết bao giấy mực, biết bao tư duy thì xem ra vẫn chưa giải quyết cách triệt để. Vì thế, cũng như mọi người khác, người tín hữu vẫn luôn phải đối diện với sự mâu thuẫn vừa kinh khủng vừa khó vượt qua, đó là sự hiện hữu Sự dữ với một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương. Nhưng mặc cho sự dữ và đau khổ vẫn còn đó, người Kitô hữu vẫn khẳng định Thiên Chúa hiện hữu, rằng Người vẫn ở bên chúng ta trong Đức Kitô.

Quả vậy, với đức tin, chúng ta có được bài học nơi Đức Giêsu, một Thiên Chúa chịu đau khổ thay và với con người, Người đã đón nhận đau khổ với sự tín thác tột cùng vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha, để tiêu diệt Sự dữ. Qua đó chúng ta khám phá ra chiều kích Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu đã chiến thắng Sự dữ là chết chóc và đau khổ (x. 1Cr 15,54-57), Người là quy chiếu, là điểm tựa duy nhất trong cuộc đời hiện sinh của ta. Bởi vậy, một khi tình yêu tín thác vào một Thiên Chúa yêu thương và quyền năng đã vững chắc, thì vấn đề đau khổ của chúng ta, dẫu luôn dày vò và bí nhiệm, cũng không làm cho ta cay đắng nữa.

Hơn nữa, quyền năng của Thiên Chúa là “Tình Yêu”, biểu lộ qua việc Ngài tự ý chấp nhận đau khổ trên Thập giá. Như thế, nếu Thiên Chúa không hấp hối trên Thập giá thì sự thật về một Thiên Chúa là tình yêu sẽ chẳng bao giờ thật cả.

Đứng trước sự dữ và đau khổ thì không có biện minh nào có thể chấp nhận được, chẳng có lời nào có thể an ủi hay thoa dịu nỗi đau. Bởi vậy, xin mượn ý thơ của Nguyễn Tất Nhiên: “Đám ma chiều tiễn đưa, nói năng chi cũng thừa”. Vì thế, đứng trước đau khổ đừng nói nhiều, nhưng hãy thinh lặng, hãy nói bằng con tim, bằng ánh mắt, bằng đôi tay. Hãy là đôi chân cho người què, là đôi tay cho người cụt tay, đôi mắt cho người mù. Khi ấy chúng ta đã cho Thiên Chúa mượn những đôi bàn tay, để Người chữa lành những vết thương thể xác lẫn tâm hồn, mượn những đôi chân để Người đi đến với những con người đau khổ bị bỏ rơi.

Bởi vậy, có đồi Golgotha thì cũng có núi Tabo; có Sự dữ và đau khổ nhưng cũng có vinh quang của Đấng Phục Sinh; có đêm tối dày đặc nhưng cũng có bình minh dưới bầu trời đầy sao. Tôi đã thấy ánh bình minh của Đức Kitô nơi mầu nhiệm Thập giá biến đổi khuôn mặt người tội lỗi, người đau khổ, người đang hấp hối, trở nên ngày mới mà đôi mắt luôn hướng về Thiên Chúa.

Quả thế, cùng với thánh Phaolô ta tin chắc rằng:

Cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. (Rm 8,38-39)

—-

[1] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, 2012, số 1730.

[2] Domínique Morin, Gọi Tên Thượng Đế, nguyên tác “Pour Dire Dieu” nxb cerf 1989. Đặng Xuân Thành và Luy Nguyễn Anh Tuấn biên dịch, Nxb Phương Đông, 2008, tr. 207

[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo 500 mục từ, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 294

[4] x. GLHTCG, số 310

[5] x. GLHTCG, số 311

[6] Domínique Morin, Sđd, tr. 209

[7] x. GLHTCG, số 1732

[8] x. Georg Kraus, Sáng Thế Luận Qua Các Tác Giả, dịch theo SCHOPFUNGSLEHRE, Werlag Styria, Graz, Wien, Koln, 1991, tr. 164-167

[9] x. Marc Donzé, “La Pensée Théologique de Maurice Zundel Pauvreté et Liberation”, Tư Tưởng Thần Học Của Maurice Zundel – Thanh Bần và Giải Thoát, Nguyễn Thị Chung chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, 2004, tr. 342-343

[10] x. Georg Kraus, Sđd, tr. 177

[11] x. R. Vaticano, Thần Học Thánh Kinh, Những Đề Tài Tổng Quát, không rõ Nxb và năm xuất bản, tr. 93

 

 

[12] x. R. Vaticano, Sđd, tr. 52

[13] x. Felipe Gómez, SJ, Kitô Học Toàn Tập, An Tôn và Đuốc Sáng, 2017, tr. 324

[14] x. Saint Augustin, Tự Thuật, “Les Confessions”, Amda, không rõ dịch giả và năm xuất bản, tr. 87

[15] x. Saint Augustin, Sđd, tr. 170

[16] x. Saint Augustin, Sđd, tr. 172

[17] x. Saint Augustin, Sđd, tr. 173

[18] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, 2012, số 13

[19] GLHTCG, số 310

[20] GLHTCG, số 311

[21] x. GLHTCG, số 314

[22] x. Domínique Morin, Sđd, tr. 217

[23] x. Domínique Morin, Sđd, tr. 218

 

[24] x. Domínique Morin, Sđd, tr. 225

[25] x. Albert Camus, La Peste, Gallimard 1947, dịch giả Nguyễn Trọng Định, Nxb Văn Học, 2002, tr. 375

[26] Albert Camus, Sđd, tr. 237-238

                                                                                                                  

[27] x. Harold S Kushner, Tại Sao Điều Xấu Lại Xảy Đến Với Người Tốt, Nxb Lao Động, 2010, tr. 70-71

[28] x. Nguyễn Ngọc Rao. OP, Tìm hiểu Các Sách Giáo Huấn, giáo trình môn Kinh Thánh lớp bồi dưỡng liên tu sĩ, 1996, tr. 110-111

[29] x. Nguyễn Ngọc Rao, OP, Sđd, tr. 108

[30] Felipe Gómez, SJ. Kitô Học Toàn Tập, An Tôn và Đuốc Sáng, 2017, tr. 302

[31] x. Felipe Gómez, SJ. Sđd, tr. 303

[32] x. Felipe Gómez, SJ. Sđd, tr. 282

[33] Felipe Gómez, SJ. Sđd, tr. 299

[34] Réné Latourelle, SJ. Con Người Và Các Vấn Đề Của Con Người Trong Ánh Sáng Đức Kitô, Trần Hữu Phương chuyển ngữ, Nxb Hồng Đức, 2016, tr. 109

[35] x. Réné Latourelle, SJ. Sđd, tr. 110

[36] x. Felipe Gómez, SJ. Sđd, tr. 298

[37] x. Sđd, tr. 294

[38] x. Phêrô Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo Tập II, Tội Nguyên Tổ – Ân Sủng, Nxb Phương Đông, 2015, tr. 134

[39] Francois Varone, Vấn Đề Từ Thiên Chúa Vắng Mặt, Vĩnh An chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 168

[40] Nédoncelle, La réciprocité  des consciences, Paris, Aubier 1942, p. 272-273; trích lại trong Morin, Domínique. Sđd, tr. 238

[41] x. Felipe Gómez, SJ. Sđd, tr. 303

[42] x. Francois Varone, Sđd, tr. 120

[43] x. Felipe Gómez, SJ. Sđd, tr. 298