Mẹ Phù Hộ Với Những Cuộc Hẹn Tình Yêu

print

Mẹ Phù Hộ Với Những Cuộc Hẹn Tình Yêu

Giuse Lưu Hành, SDB

Theo truyền thống của Tu hội Thánh Phanxicô Salê (Dòng Salêdiêng Don Bosco), vào ngày 24 tháng 5 hằng năm là ngày lễ kính Đức Mẹ Maria với tước hiệu: “Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu”; và trong Hiến luật của Tu hội, khoản 8 có đoạn viết như sau: “Chúng ta tin rằng Đức Maria hiện diện giữa chúng ta và tiếp tục sứ mệnh của Ngài là Mẹ Hội Thánh và Đấng Phù hộ các giáo hữu”[1]. Qua tư tưởng ấy, chúng ta thấy sự hiện diện của Đức Maria trong Giáo hội và Tu hội, bên cạnh đó mời gọi chúng ta phó thác mình cho Mẹ, người tớ nữ khiêm cung; nơi Ngài, Chúa đã làm những điều cao cả, để ta trở thành nhân chứng tình yêu vô tận của Con Mẹ giữa thanh thiếu niên.

Thời gian này thật đặc biệt và ý nghĩa, bởi lẽ chúng ta đang sống trong thời gian của tình yêu nơi Mẹ Maria với muôn sắc hoa rực rỡ; bên cạnh đó là thời gian để những đứa con thân yêu quay về bên Mẹ, người tớ nữ khiêm cung và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Chính vì những lý do ấy, con sẽ nhắc đến Đức Maria phù hộ với những cuộc hẹn tình yêu vĩ đại nơi Thiên Chúa ví tựa như những bông hoa rực sắc.

  1. Đầu tiên con phải mượn tư tưởng “Thiên Chúa là tình yêu”[2] của Thánh Gioan khi nói đến cuộc hẹn đầu tiên để Mẹ bước vào tình yêu Thiên Chúa là lời đáp trả xin vâng. Trước lời chào và lời loan tin của Sứ thần, Mẹ đã hoàn toàn bỡ ngỡ trước kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa; nhưng Mẹ vẫn quyết định bước vào kế hoạch yêu thương ấy bằng lời đáp trả xin vâng trong sự tròn đầy của tình yêu và sự tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Mẹ đã thưa với sư thần rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói[3]”. Mẹ đặt mình như người tớ nữ nhỏ bé trong bàn tay Thiên Chúa, Mẹ ý thức và biết mình đang sống trong tình yêu ân sủng của Thiên Chúa và Mẹ muốn được Thiên Chúa tiếp tục thương yêu. Kể từ đây, mẹ xác định mối tình trọn vẹn với Thiên Chúa, trong tình yêu sung mãn, và cũng từ giây phút này, Mẹ định hướng toàn bộ cuộc đời của Mẹ hướng về Thiên Chúa.

Lời xin vâng không đơn giản là một bản giao kèo tạm thời, nhưng lại là một sự cam kết vĩnh viễn với đầy đủ ý thức và tự do để dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu. Mẹ đã dâng hiến và phó thác trọn vẹn cuộc sống cho Thiên Chúa, để từ đây cuộc đời Mẹ thể hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa. Và sau cùng, Mẹ đã được hưởng hạnh phúc vô tận ở cõi đời sau khi được Chúa ân thưởng đưa về trời cả hồn lẫn xác.

  1. Cuộc hẹn tình yêu thứ hai, đó chính là cuộc hẹn tình yêu với tha nhân. Khi chấp nhận bước vào tình yêu của Thiên Chúa trong tiếng thưa vâng, Mẹ đã bắt đầu hành trình tình yêu trong đức tin. Sống trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ sẵn sàng lên đường để đem Chúa đến với muôn người, mà cụ thể là ra đi, đến và chia sẻ niềm vui với chị họ của mình. Lúc ấy bà Isave kêu lớn tiếng rằng: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” [4] Đây có thể được coi là cuộc lên đường đầu tiên của Mẹ, sau đó là cuộc lên đường đến chân thập giá trên đỉnh đồi Canvê và hành trình ấy của Mẹ vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay với tình yêu trong mối tình làm Mẹ Giáo hội và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Cũng như cách mà Công đồng Vaticanô II đã khẳng định trong Hiến chế Vui mừng và hy vọng số 24: “Con người không thể tìm thấy mình trọn vẹn, trừ khi chân thành trao tặng chính mình”.[5]

Đồi Canvê không những là địa điểm của thập tự giá, là đỉnh cao của tình yêu thương; mà còn là nơi cho chúng ta thấy xuất hiện một người nữ trung thành, can đảm đối diện với thực tế, cho dù đó là thực tại đau thương. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi người mẹ tận mắt chứng kiến con một yêu dấu của mình phải chết, mà còn là chết đau thương trên thập giá. Thế nhưng,  Mẹ vẫn một lòng tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và Mẹ đón nhận Thánh ý của Người. “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà[6], đúng như lời tiên tri của cụ già Simêon ngày Mẹ tiến dâng Hài nhi vào đền thờ. Mẹ hoàn toàn nhẫn nhục và dịu hiền khi chứng kiến chính con một yêu dấu chịu xỉ vả, chịu đánh đòn và chết nhục nhã trên thập giá. Hình ảnh người thân mẫu kề bên thập giá đã được Công đồng Vaticanô II nhìn nhận và nhấn mạnh tới chiều kích sâu thẳm của việc Đức Maria hiện diện trên núi Canvê khi nói rằng: “Sự liên kết giữa người Mẹ và người Con trong công trình cứu độ được tỏ rõ từ khi Đức Kitô được thụ thai cách trinh khiết cho đến lúc chết”.[7]

  1. Từ tình yêu trong mối tình trọn vẹn Chúa đã dành cho Mẹ, cùng với tình yêu trao ban mà Mẹ đã sẵn sàng dành cho tha nhân, chúng ta sẽ bắt gặp một hình ảnh Đức Maria gắn liền với tình yêu sứ vụ. Đi theo Đức Giêsu là cùng chia sẻ cuộc sống và sứ mệnh với Ngài. Mẹ trở nên người theo sát Chúa Giêsu, con của Mẹ nhất; ngay từ khi cưu mang ngôi Lời cho đến khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 62 nói nư sau: “Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì, từ khi ngài tin tưởng nói lời ưng thuận trong ngày truyền tin và vẫn tiếp tục giữ vững lời ưng thuận ấy dưới chân thập giá, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn. Sau khi được đưa về Trời, Đức Maria không rời bỏ vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ, nhưng vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ đời đời”.[8]

Mẹ đã làm tròn vai trò và trách nhiệm của một người mẹ đối với con của mình, Mẹ ra sức bảo vệ và gìn giữ điều mà Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Đó không chỉ là thiên chức làm mẹ, mà còn là sứ vụ gìn giữ và bảo vệ Ngôi Hai Thiên Chúa trong bản tính loài người nơi trần thế. Đây cũng là tư tưởng mà mẹ Têrêsa Calcutta đã cảm nhận được khi nói rằng: “Khi một người mẹ có thể giết con của mình, thì còn hành động tội ác nào mà con người không phạm nữa”[9].  Nhờ những hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa đã đổ tràn trên Mẹ, đã giúp Mẹ có đủ khả năng thích hợp để chu toàn sứ mạng làm Mẹ và nhà Giáo dục.

Cho đến ngày hôm nay, sứ vụ làm mẹ của Đức Maria vẫn còn được tiếp tục; sứ vụ ấy không những được khởi đầu khi Mẹ nhận Gioan làm con, rồi cả những lần họp nhau cầu nguyện với các tông đồ dưới ánh sáng Phục sinh[10], mà còn những điều thật cụ thể khi Mẹ trục tiếp nói với con cái mình qua những lần hiện ra, và không gì khác là công bố sứ điệp lời Chúa và mời gọi con cái mình sám hối và tin vào Thiên Chúa. Lần hiện ra với ba trẻ chăn chiên trong làng Fatima tại Bồ Đào Nha, Mẹ đã không ngừng kêu gọi hãy ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Mẫu tâm và hãy năng lần hạt Mân côi[11]. Rồi lần hiện ra tại Lộ Đức, nước Pháp với thánh nữ Bernadette, Mẹ cũng nhấn mạnh nhu cầu phải sám hối và cầu nguyện[12]; rồi gần với chúng ta hơn, đó là lần hiện ra tại La vang trong thời vua Cảnh Thịnh bắt đạo, “Mẹ đã an ủi giáo dân, dạy dùng lá cây để chữa bệnh và hứa nhậm lời những ai đến kêu cầu”[13]; rồi sau đó, họ đã được toàn thắng nhờ vào lời chuyển cầu của Mẹ.

Đây chắc hẳn là mẫu gương tuyệt diệu để những người làm mẹ cũng học hỏi và bắt chước mà chu toàn bổn phận và nghĩa vụ làm mẹ giữa gia đình; thời gian này cũng là dịp thuận tiện để mỗi người làm con, hãy biết cầu nguyện thật nhiều cho mẹ của mình, vì những hy sinh và công khó của những người mẹ đã phải tảo tần trong khi chu toàn bổn phận làm mẹ của các ngài.

  1. Cuối cùng, chúng ta cũng bắt chước Đức Maria, với những điều Mẹ đã làm để thể hiện lòng tin của Mẹ vào Thiên Chúa, chúng ta cũng hành động như Mẹ để cũng nên trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa.

Đầu tiên, chúng ta học cách thinh lặng để lắng nghe. Mẹ thinh lặng để tiếp xúc sâu xa hơn với nội tâm của chính Mẹ, để lắng nghe và cảm nhận được những khao khát tận sâu thẳm tâm hồn Mẹ. Có lẽ từ đó mà Mẹ biết và nhận ra cuộc đời Mẹ với thân phận tôi tớ, và mẹ phải phục vụ Chúa suốt cả cuộc đời. Điều ấy cũng thật phù hợp“khi Mẹ tự xưng là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ không phải chỉ là một dụng cụ bất động trong bàn tay Thiên Chúa, mà Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu rỗi nhân loại một cách ý thức và vâng phục”[14]. Kế đến, Mẹ dùng sự thinh lặng để nhìn sâu vào thế giới và khám phá những nhu cầu của tha nhân, nơi những con người đang cần đến tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó, Mẹ trực tiếp can thiệp để xin Chúa trợ giúp, như cách mà Mẹ đã làm trong tiệc cưới Cana. Nhưng trên hết, sự thinh lặng của Mẹ thúc đẩy cuộc đời Mẹ tín thác vào Thánh Thần Chúa với lời nguyện cầu tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Mẹ luôn chiêm ngắm những sự kiện xảy đến với Mẹ cách khiêm tốn trong lòng, và qua đó, Mẹ nhận ra thánh ý Thiên Chúa đang được thể hiện trong cuộc đời Mẹ; và chính trong sự thinh lặng, thánh ý Thiên Chúa đã bén rễ và triển nở thực sự trong cuộc đời Mẹ. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa[15] , chính Chúa Giêsu đã chúc phúc cho Mẹ và cho cả những ai biết lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa; có thể lời chúc ấy cũng được dành cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây.

Năm 1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến đức tin và lòng sùng kính Đức Mẹ của người Công giáo Việt Nam, ngài nói như sau: “Các gia đình Việt Nam, kể cả các gia đình ở hải ngoại, phải trở nên trường học dạy Đức tin, dạy cầu nguyện; nơi đào tạo con người và hun đúc tình thần truyền giáo.”[16] Vì thế, chúng ta cần nhìn đến và học nơi đức tin của Mẹ Maria như một kiểu mẫu của kẻ tin, một đức tin tuyệt đối và vẹn nguyên trong bàn tay quan phòng của Chúa. “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”[17], đó là lời mà người chị họ Isave đã thốt lên khi Mẹ đến viếng thăm, và lời khẳng định ấy còn mãnh liệt hơn khi nó đối nghịch lại với lòng tin yếu kém của ông Dacaria chồng bà.

Tiếng thưa xin vâng của Mẹ vừa là thái độ đáp trả trong khiêm tốn, vừa là kết của của sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, để từ đó, Mẹ trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa cho đến cùng. Sau hết, Mẹ đón nhận  và tiếp tục sứ mệnh mở rộng Nước Chúa khi đón nhận cả nhân loại trong lời phó thác của Chúa Giêsu trên thập giá trước lúc Ngài chịu chết. Hiến chế Ánh sáng muôn dân số 61 của Công đồng vaticanô II đã tuyên bố như sau sau: “Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với con mình trên thập giá, Đức maria đã cộng tác rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên của các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là Mẹ chúng ta[18]”.  

Để kết thúc bài chia sẻ, con xin mượn lời huấn từ của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII cho giáo dân nước Equador, ngài có nói như sau: “Chớ gì kinh Mân côi gia đình là một hương thơm sự bình an cho mọi gia đình. Ước chi những người con cái trong gia đình biết chạy đến với Mẹ Maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh thiếu niên học được nơi Đức Maria sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Đức Maria”.  Con cũng ước mong thời gian đặc biệt của tháng hoa ý nghĩa này sẽ là cơ hội cho mỗi người chúng ta noi gương Đức Maria để tìm kiếm Thiên Chúa cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho Giáo xứ của chúng ta; để nhờ lời chuyển cầu của mẹ Maria Phù hộ rất thánh, Chúa sẽ giúp chúng ta lấp đầy những thiếu thốn trong cuộc sống, giúp chúng ta tìm thấy bình an, niềm vui và hạnh phúc. Amen.

—-

[1] Hiến luật và Quy chế Tu hội Thánh Phanxicô Salê, Ấn bản Tiếng Việt 2016, khoản 8, trang 22

[2] 1Ga 4, 6

[3] Lc 1, 38

[4] Lc 1, 43

[5] Hiến chế Vui mừng và hy vọng, số 24

[6] Lc 2, 35

[7] Công đồng vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 57

[8] Công đồng vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 62

[9] Bài phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta trong lễ trao giải Nobel năm 1979 tại Đại học Aula, Oslo, Nauy

[10] Cv 1,14

[11] Mẹ Maria, Lm Hồng Phúc, Nxb Tôn Giáo năm 2007, trang 275

[12] X. Ngày ngày với Mẹ, Patrick Moran, 1983, trang 50

[13] Mẹ Maria, Lm Hồng Phúc, Nxb Tôn Giáo năm 2007, trang 287

[14] Hiến chế tín lý về Giáo hội, Công đồng Vaticanô II, Nxb Tôn Giáo, 2012, số 56, trang 172

[15] Lc 11, 28

[16] X. Diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II trong buổi tiếp kiến các Linh mục Việt Nam họp tại Rôma, ngày 19.6.1988

[17] Lc 1, 45

[18] Công đồng vaticanô II, Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 61