Mến Chúa, Yêu Người
CN 30 TN A
“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo.Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học.Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa những người Pharisêu và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau: Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào trọng nhất?”, Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu mến người thân cận của ngươi như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.
Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước: (1) Điều răn yêu mến Thiên Chúa được lấy trong sách Đệ Nhị Luật 6,5: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi”. (2) Điều răn yêu thương người thân cận được lấy trong sách Lêvi 19,18b. Đức Chúa phán: “Ngươi yêu thương người thân cận của ngươi như chính ngươi” (Lv 19,18). Hai giới răn này được biết đến rất nhiều; tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta thấy có một sự mới mẻ ở đây, đó là Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau. Khi nói đến “giới răn thứ nhất và lớn nhất”, Người muốn nói rằng giới răn này là quan trọng nhất và tạo ý nghĩa cho tất cả các giới răn khác. Còn về giới thứ hai, nó “giống” với giới răn thứ nhất, nghĩa là cũng quan trọng như giới răn thứ nhất. Chúa Giêsu khẳng định “Tất cả luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy”. Lời khẳng định này có nghĩa là: “Tất cả các giới luật khác có thể được suy ra từ hai giới răn yêu thương, hay ngược lại, có thể quy về hai giới răn này; nói khác đi, ai thi hành các giới răn này thì ‘làm trọn’ Kinh Thánh và vì thế làm trọn ý Thiên Chúa”. Chỉ có những người yêu mến tha nhân mới thể hiện thật sự là người yêu mến Thiên Chúa. Việc đặt để giới răn yêu thương người thân cận ở mức ngang tầm với giới răn yêu mến Thiên Chúa quả là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng của những người Do Thái lúc bấy giờ.
Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 22,36-40 // Mc 12,28-34 // Lc 10,25-28) nhắc lại hai điều răn “Mến Chúa yêu người” trong Cựu Ước, đây là hai điều răn quan trọng nhất. Tân Ước cũng áp dụng hai điều răn này cho các môn đệ: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Nhưng câu hỏi đặt ra là người thân cận là ai? Trong Cựu Ước, “người thân cận” chỉ giới hạn trong dân Israel. “Người thân cận” là đồng bào Israel, những người thuộc dân Chúa. Người ngoại bang không phải là người thân cận của dân Israel. Vậy Tân Ước áp dụng điều răn “yêu thương người thân cận” như thế nào?
Tin Mừng Luca thuật lại câu chuyện liên quan đến điều răn yêu thương ở Lc 10,25-28. Nhưng vấn đề hóc búa đặt ra: “Ai là người thân cận của tôi?” Đây là câu hỏi rất hay mà các môn đệ Chúa Giêsu cần biết. Sau khi người thông luật nhắc lại điều răn “yêu thương người thân cận như chính mình”, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Câu hỏi khó trả lời đối với Kitô hữu, vì khi chỉ ra ai là người thân cận, cũng có nghĩa là có người không phải là người thân cận của tôi. Khi truyền thống Cựu Ước định nghĩa người thân cận là dân Israel thì đương nhiên tất cả những người không thuộc về dân Israel bị loại trừ. Dân ngoại không phải là người thân cận của dân Israel. Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi này bằng cách kể dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,30-35). Sau đó Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36) Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (10,37a). Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi và hãy làm như thế” (Lc 10,37b). Lời của Chúa Giêsu đảo ngược câu hỏi của người thông luật lúc đầu. Thay vì Chúa Giêsu trả lời câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” thì Người nói: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác như người Samari nhân hậu đã làm. Chi tiết người Samari không thuộc dân Do Thái, cho thấy Chúa Giêsu đã mở rộng khái niệm “người thân cận” để áp dụng cho các môn đệ của Người. Từ nay người thân cận không chỉ giới hạn trong dân Israel là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, mà bất kỳ ai cũng có thể là người thân cận của tôi. Thay vì đặt câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giêsu mời gọi đặt câu hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”, nghĩa là tôi đã làm gì để trở thành người thân cận của người khác?
Như thế, trong Tân Ước, người thân cận là tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc. Tân Ước đã áp dụng hai điều răn trong Cựu Ước và mở rộng nghĩa của từ “người thân cận” đến tất cả mọi người. Để tránh rơi vào tình trạng phân biệt ai là người thân cận, ai là kẻ đối nghịch, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của mọi người, nhất là hãy là người thân cận của những người đang gặp hoạn nạn, như nạn nhân trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,30-35).
Truyền thống Kitô giáo đã mở rộng nghĩa của từ “người thân cận”, khi nói “yêu thương người thân cận” là nói đến tình yêu giữa các môn đệ Đức Giêsu với nhau và tình yêu giữa các môn đệ với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc. “Người thân cận” theo nghĩa rộng là tất cả mọi người. Như thế, “yêu thương người thân cận” trong Ki-tô Giáo có chiều kích phổ quát, không loại trừ ai (x. Mt 5,34; 19,19; 22,39; Mc 12,31; 12,33; Lc 10,27; Rm 13,9; Gl 5,14; Jc 2,8)…
“Yêu mến Thiên Chúa”, “yêu mến tha nhân” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”: tất cả đây là lý tưởng sống đạo của người tín hữu.
Có thể nói đến ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh.
- Yêu mến Đức Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình trong Cựu Ước (Đnl 6,5; Lv 19,18).
- Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình trong Tân Ước. Trong đó, khái niệm “người thân cận” được mở rộng đến tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai.
- “Yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương” (điều răn mới) là điều răn của Đức Giêsu và chỉ dành cho các môn đệ. Đây không phải là tình yêu khép kín, mà là yêu thương để mọi người nhận ra môn đệ Đức Giêsu (x. Ga 13,35). (x.Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh, Giuse Lê Minh Thông, OP).
Yêu Chúa và yêu người có một động từ chung là yêu. Đối tượng của động từ yêu này có vẻ khác biệt nhưng lại không phân biệt. Hai điều răn ấy tuy hai mà một, giống như hai trang của cùng một tờ giấy, tuy hai mặt khác nhau nhưng cũng chỉ là một tờ giấy duy nhất. Yêu người là yêu Chúa và yêu Chúa là yêu người. Người Kitô hữu có đức tin sẽ nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày, yêu Chúa nơi họ.
Hai điều răn mến Chúa, yêu người không thể tách rời nhau.Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân.Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên lòng yêu mến Thiên Chúa.Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra nơi cuộc sống rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ.Ngoài cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em.Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.Thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Do đó, “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (Ga 4,21).
Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới chan hòa yêu thương, chan chứa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.
“Mến Chúa, yêu người” là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng này; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao trùm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai giữ trọn giới răn này thì được xem là đã giữ trọn tất cả các điều răn khác như lời Thánh Phaolô: “Thật thế, các điều răn như: ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).
Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân làm nên một giới luật duy nhất là tình yêu. ĐGH Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta hãy noi gương mẹ Têrêxa Calcutta, luôn canh tân khả năng yêu thương tha nhân của mình từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.(x.Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu dạy: “Việc công bình, bác ái và thương xót phải gắn bó mật thiết với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và thật vậy, chính cũng một tu đức này là nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin Mừng của chúng ta”.
Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy“.
Lạy Chúa, hằng ngày chúng con đọc kinh Tin Cậy Mến, và thân thưa với Chúa rằng“chúng con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình”, nhưng trong cuộc sống chúng con vẫn chưa thực hiện trọn vẹn lời kinh này. Xin Chúa giúp chúng con cố gắng thực hiện trọn vẹn lời kinh này. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An