Mỗi Tuần Một Từ Ngữ – Bài 71-80

print

Mỗi Tuần Một Từ Ngữ – Bài 71-80

Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh.

https://giaophanphucuong.org/

BÀI 71: TƯ TRANG HAY HÀNH TRANG.

BÀI 72: XE DUYÊN HAY SE DUYÊN.

BÀI 73: TRAO ĐỔI HAY THẢO LUẬN.

BÀI 74: CAO CẤP HAY CẤP CAO.

BÀI 75:PHIẾN DIỆN HAY PHIẾM DIỆN.

BÀI 77: NHÂN VĂN HAY VĂN NHÂN.

BÀI 78: GIẢI PHÓNG HAY GIẢI TOẢ.

BÀI 79: CỨU CÁNH HAY CỨU GIÚP.

BÀI 80: TRÙNG LẶP HAY TRÙNG LẮP.

 

BÀI 71: TƯ TRANG HAY HÀNH TRANG

  1. Tư trang
  2. Nghĩa thứ nhất: “Tư trang” là những món trang sức hay đồ quý giá của người con gái khi về nhà chồng.

Thí dụ:

– Tư trang của cô dâu

b. Nghĩa thứ hai: “Tư trang” là các thứ quý giá mà một cá nhân mang theo.

Thí dụ:

– Trả lại cho thân nhân toàn bộ tư trang của nạn nhân.

2. Hành trang là vật dụng mang theo khi đi đường xa (đồng nghĩa với hành lý).

Thí dụ:

– Thu xếp hành trang lên đường.

– Tôi đã sẵn sàng hành trang để du lịch châu Âu.

Như vậy, “Tư trang” và “Hành trang” là hai từ khác nghĩa nhau. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.

BÀI 72: XE DUYÊN HAY SE DUYÊN

1. Xe duyên

Nghĩa thứ nhất, “xe” là làm cho các sợi nhỏ xoắn chặt với nhau thành một sợi lớn.

Thí dụ:

  • Xe chỉ luồn kim

Nghĩa thứ hai, “xe” là làm cho kết đôi với nhau thành vợ chồng.

Thí dụ:

  • Xe sợi tơ hồng

Như vậy, “xe duyên” là làm cho hai người kết hợp lại thành vợ chồng.

2. Se duyên

“Se” hơi khô, không còn thấm nhiều nước (áo đã se khô)

“Se” là khí trời khô và lạnh (trời se lạnh)

“Se” là cảm thấy đau xót, xúc động (lòng se lại).

Như vậy, “se” không có nghĩa nào kết hợp với “duyên” được; chỉ có “xe duyên” mới thích hợp mà thôi. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn hai từ này.

BÀI 73: TRAO ĐỔI HAY THẢO LUẬN

  1. Trao đổi là chuyển qua lại cho nhau các vật tương đương nào đó.

Thí dụ:

  • Trao đổi thư từ.
  • Trao đổi hàng hoá.
  1. Thảo luận là bàn bạc với nhau về một vấn đề nào đó mà nhiều người quan tâm.

Thí dụ:

  • Đưa vấn đề ra thảo luận rất sôi nổi
  • Thảo luận kế hoạch công tác.

Thế nên, “Trao đổi” và “Thảo luận” là hai từ khác nghĩa nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn. Thí dụ, không thể nói: “Vấn đề này, tôi đã trao đổi với cấp trên rồi” mà phải nói: “Vấn đề này, tôi đã thảo luận với cấp trên rồi”.

BÀI 74: CAO CẤP HAY CẤP CAO

  1. Cao cấp (tính từ) chỉ đồ vật có giá trị cao, trên mức trung bình.

Thí dụ:

– Toà tháp này được xây bằng các vật liệu cao cấp.

– Chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang cao cấp.

  1. Cấp cao (danh từ) chỉ những người đứng đầu một tổ chức, một chính phủ.

Thí dụ:

– Các vị lãnh đạo cấp cao

– Cuộc gặp gỡ cấp cao

Thế nên, “Cao cấp” và “Cấp cao” là hai từ khác nghĩa nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn.

BÀI 75:PHIẾN DIỆN HAY PHIẾM DIỆN

  1. Phiến diện (từ Hán Việt) “phiến” là một nửa, “diện” là mặt; “phiến diện” là một nửa mặt, là chỉ có một bên.

Như vậy, “Phiến diện” có nghĩa là chỉ thiên về một mặt, một khía cạnh; không bao quát đầy đủ các mặt, các khía cạnh. Thuật ngữ này để chỉ cách nhìn, cách suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề không toàn vẹn, chỉ có một chiều.

Thí dụ:

– Nhận xét còn phiến diện

– Phát biểu một cách phiến diện

  1. Phiếm diện là đọc sai hoặc viết sai, không có nghĩa.

Như vậy, “Phiến diện” mới là từ đúng. Trái nghĩa với “Phiến diện” là “Toàn diện”.

BÀI 77: NHÂN VĂN HAY VĂN NHÂN

  1. Nhân văn (từ Hán Việt) “Nhân” là người, “Văn” là văn hoá. “Nhân văn” là văn hoá của loài người.

“Nhân văn” có thể hiểu đơn giản là những tư tưởng, tình cảm, quan điểm sống của từng người. Nó thường gắn liền với vẻ đẹp của tâm hồn, sức mạnh, tình cảm, trí tuệ. 

Thí dụ:

  •  Các khoa học nhân văn
        •    Tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc
  1. Văn nhân (từ Hán Việt): “văn” là văn chương, “nhân” là người; “văn nhân” là người có học thức; là người sống nghề văn: viết văn, viết sách.

Thí dụ:

  •  Khách văn nhân
        •    “Trông chừng thấy một văn nhân
          Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng”
              (Truyện Kiều)

Thế nên, “Nhân văn” và “Văn nhân” là hai từ khác nghĩa nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn.

BÀI 78: GIẢI PHÓNG HAY GIẢI TOẢ

  1. Giải phóng (từ Hán Việt) có nghĩa là “cởi ra, mở ra, thả ra”.

Giải phóng có 4 nét nghĩa:

+ Nghĩa thứ nhất: Làm cho được tự do, cởi bỏ áp bức trói buộc con người.

Thí dụ:

– Phong trào giải phóng dân tộc.

+ Nghĩa thứ hai: Làm cho được tự do, thoát khỏi những ràng buộc bất hợp lý.

Thí dụ:

– Giải phóng nô lệ.

+ Nghĩa thứ ba: Làm cho thoát khỏi tình trạng bị vướng mắc, cản trở.

Thí dụ:

– Kéo cây đổ sang vệ đường để giải phóng lối đi.

+ Nghĩa thứ tư: Làm cho thoát ra ngoài một chất nào đó hay năng lượng.

Thí dụ:

– Phản ứng hoá học giải phóng nhiều chất khí.

Như vậy, giải phóng có nghĩa là làm cho được tự do.

  1. Giải toả

+ Nghĩa thứ nhất: Phá thế bị phong toả, bị bao vây.

Thí dụ:

– Giải tỏa một căn cứ bị vây hãm.

+ Nghĩa thứ hai: Làm cho thoát khỏi tình trạng ứ tắc.

Thí dụ:

– Giải toả sự ùn tắc giao thông.

– Giải toả mọi ưu phiền.

Như vậy, “Giải phóng” và “Giải toả” là hai từ có nghĩa khác nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn.

BÀI 79: CỨU CÁNH HAY CỨU GIÚP

  1. Cứu cánh (từ Hán Việt): “cứu” là xem xét kỹ lưỡng tới tận cùng, “cứu” trong chữ “truy cứu”; “cánh” là sau cùng, “cánh” trong chữ “cánh chung”. Vậy, “cứu cánh” có nghĩa là cái đích đến cuối cùng của một điều gì đó.

Thí dụ:

* Nghệ thuật là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh.

* Cứu cánh biện minh cho phương tiện (nghĩa là dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích). Chẳng hạn: Buôn lậu ma tuý để lấy tiền làm từ thiện.

  1. Cứu giúp là giúp cho thoát khỏi cảnh hoạn nạn; là giúp đỡ, cứu trợ.

Thí dụ:

* Cứu giúp đồng bào bị thiên tai.

* Xin Chúa cứu giúp chúng con.

Thế nên, “Cứu cánh” và “Cứu giúp” là hai từ khác nghĩa nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn. Chẳng hạn, người bình luận bóng đá nói: “Cặp giò của anh là cứu cánh của đội tuyển” là nói sai; phải nói lại: “Cặp giò của anh đã cứu giúp cho đội tuyển”

BÀI 80: TRÙNG LẶP HAY TRÙNG LẮP

  1. Trùng lặp:

“Trùng” là động từ, chỉ tình trạng bị giống nhau, lặp lại cái cũ, cái đã có; tựa như cái này lặp lại cái kia; xảy ra cùng thời gian.

Thí dụ: Tên của cô ấy trùng tên em gái tôi.

Để rõ ràng hơn, người ta ghép thêm từ “lặp” nghĩa là đã có rồi, lại có nữa, thành từ “trùng lặp”.

Thí dụ:

– Bài viết có nhiều đoạn trùng lặp.

– Bố trí công việc bị trùng lặp.

  1. Trùng lắp:

“Lắp” cũng là động từ, thể hiện việc ghép những sự vật gì đó vào nhau.

Thí dụ: Lắp mảnh lego, lắp cửa kính.

“Lắp” không thể đi với “trùng” được. Nói “trùng lắp” là vô nghĩa, vì nó không có nghĩa lặp lại. Có lẽ theo khẩu ngữ vùng miền.

Vì thế, “Trùng lặp” mới là từ đúng.