Mỗi Tuần Một Từ Ngữ Bài 81-89

print

Mỗi Tuần Một Từ Ngữ Bài 81-89

Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh.

https://giaophanphucuong.org/

BÀI 81: KHINH SUẤT HAY KHINH XUẤT.

BÀI 82: CƠN DÔNG HAY CƠN GIÔNG..

BÀI 83: KHÚC CHIẾT HAY KHÚC TRIẾT.

BÀI 84: XOI MÓI HAY SOI MÓI

BÀI 85: BỔ SUNG HAY BỔ XUNG.

BÀI 86: ĐÀO TẠO HAY HUẤN LUYỆN.

BÀI 87: GIÀN GIÁO HAY DÀN GIÁO.

BÀI 88: TRẢI NGHIỆM HAY KINH NGHIỆM.

BÀI 89: TAY TRẮNG HAY TRẮNG TAY.

BÀI 81: KHINH SUẤT HAY KHINH XUẤT

  1. Khinh suất là từ ghép đẳng lập gốc Hán:

“khinh” là xem nhẹ, như trong “khinh khi”, “khinh mạn”;

“suất” là bộp chộp, hấp tấp, không cẩn thận, như trong “sơ suất”;

“khinh suất” là thiếu thận trọng, không chú ý đủ vì coi thường.

Thí dụ:

– Nhiệm vụ quan trọng, không dám khinh suất.

– Vì khinh suất nên thất bại.

  1. Khinh xuất “xuất” tiếng Hán có nghĩa là “đi ra”, nên có người giải thích “khinh xuất” là “khinh ra mặt”. Nhưng thực sự không phải vậy.

Thế nên, “Khinh suất” mới là từ đúng.

Lưu ý : “Khinh suất” khác với “khinh thường”. “Khinh thường” có thể có danh từ đi kèm, nhưng “khinh suất” thì không. Ta có thể nói: “Khinh thường kẻ địch” nhưng không thể nói: “Khinh suất kẻ địch”.

BÀI 82: CƠN DÔNG HAY CƠN GIÔNG

  1. Cơn dông

“Cơn dông” là gió lớn trong lúc chuyển mưa.

Thí dụ:

– Trời nổi cơn dông, gió lớn, sấm sét ầm ầm.

– Cơn dông to quá làm sập nhà, chìm thuyền.

  1. Cơn giông

“Giông” là gặp điềm xấu, theo mê tín.

Thí dụ:

– Tết không dám cãi nhau, sợ giông cả năm.

“Cơn giông” là viết sai chính tả, có lẽ người ta không phân biệt được khi phát âm d và gi.

Vì thế, “cơn dông” mới là từ đúng. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn hai từ này.

BÀI 83: KHÚC CHIẾT HAY KHÚC TRIẾT

  1. Khúc chiết là từ Hán Việt, có hai nghĩa.

+ Nghĩa thứ nhất là quanh co, không thẳng thắn.

Thí dụ:

* Lựa lời khúc chiết để chối quanh.

+ Nghĩa thứ hai là cách diễn đạt mạch lạc và gãy gọn.

Thí dụ:

* Bài văn trình bày khúc chiết.

  1. Khúc triết không có nghĩa, tiếng Việt không có từ này.

Thế nên, “Khúc chiết” mới là từ đúng.

BÀI 84: XOI MÓI HAY SOI MÓI

  1. Xoi mói

❇ “xoi” là dùng cây nhọn khoát cho thủng, như: xoi lỗ, xoi gỗ; nghĩa bóng là châm chọc, chỉ trích.

❇ “mói” là biến âm của “bói”, mang nghĩa “thăm dò, phán xét” như trong “bói toán”.

Như vậy, “xoi mói” là hành động bới móc đời tư của ai đó, hay xét đoán chi li một việc gì, mà nó không phải là chuyện của mình.

Thí dụ:

  • Anh em đừng xoi mói nhau.
  • Bỏ tính xoi mói chuyện riêng của người khác.
  1. Soi mói

❇ “Soi” là soi chiếu, soi rọi ánh sáng vào.

Còn “Soi mói” thì Tiếng Việt không có từ này. Có lẽ do sự nhầm lẫn cả về nghĩa lẫn phát âm “s” và “x” mà ra.

⇛ Như vậy, “Xoi mói” mới là từ đúng chuẩn chính tả.

BÀI 85: BỔ SUNG HAY BỔ XUNG

  1. Bổ sung (từ Hán Việt)

 ➕ “Sung” có nghĩa là thêm vào

 Thí dụ:

  sung vào công quỹ

 sung vào đội bóng

 ➕ “Bổ sung” là thêm vào chỗ còn thiếu cho đủ.

 Thí dụ:

 Bổ sung giấy tờ

  Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

 

  1. Bổ xung

 ➕ “Xung” là lan toả ra.

 Thí dụ:

 + xung phong

+ xung trận

 

➕ “Bổ xung” thì hoàn toàn vô nghĩa. Đây là cách viết không đúng. Có lẽ do đọc nhầm và viết nhầm giữa 2 chữ cái “s” và “x”.

 Như vậy, “Bổ sung” mới là từ đúng chính tả tiếng Việt.

 

BÀI 86: ĐÀO TẠO HAY HUẤN LUYỆN

  1. Đào tạo (từ Hán Việt)

Đào tạo là truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho người khác để họ trở thành người có năng lực trong lãnh vực nào đó.

Thí dụ:

🔘 Đào tạo chuyên viên truyền thông.

🔘 Khoá đào tạo các nhà đào tạo.

  1. Huấn luyện (từ Hán Việt)

🔘 Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao.

🔘 Các huynh trưởng thiếu nhi được huấn luyện chu đáo.

➡️ Như vậy, “Đào tạo” là truyền dạy ai đó các kiến thức hay kỹ năng cần thiết cho công việc. Sau đó, “Huấn luyện” để giúp họ biết cách vận dụng kiến thức hay kỹ năng đó một cách tối đa khi thực hiện.

➡️ Tóm lại, “Đào tạo” là chuyển giao kiến thức hoặc kỹ năng; còn “Huấn luyện” là nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng đó.

BÀI 87: GIÀN GIÁO HAY DÀN GIÁO

  1. Giàn giáo

+ “Giàn” là cái dùng làm chỗ cho dây leo hoặc để che nắng.

Thí dụ:

♢ Bí đã leo kín giàn

♢ Làm giàn che nắng trước hiên nhà.

+ “Giàn” còn là hệ thống các thanh cứng, gắn với nhau để chống đỡ những vật rất nặng.

Thí dụ:

♢ Giàn khoan

♢ Giàn tên lửa

+ “Giàn giáo” là thứ giàn dùng làm chỗ đứng cho thợ xây dựng làm việc trên cao hoặc để chống đỡ cốp-pha.

 Thí dụ:

♢ Thợ xây làm việc trên giàn giáo.

♢ Giàn giáo này rất vững chắc.

 

  1. Dàn giáo

+ “Dàn” là trải ra một thứ gì đó.

Thí dụ:

♢ Dàn hàng ngang

♢ Đầu tư dàn trải

+ “Dàn giáo” là viết sai chính tả, là nhầm lẫn giữa âm “d” và “gi”.

Tiếng Việt không có từ này.

Thế nên, “Giàn giáo” mới là từ đúng chính tả Tiếng Việt.

 

BÀI 88: TRẢI NGHIỆM HAY KINH NGHIỆM

 Trải nghiệm

Trải nghiệm” là đã từng trải qua và có một số kinh nghiệm.

Về mặt ngữ pháp, trải nghiệm có thể là động từ hay danh từ.

✳️ Động từ

Thí dụ:

🔷 Hôm nay, tôi thử trải nghiệm cuộc sống của người lao công.

✳ Danh từ

🔷 Chuyến dã ngoại này đã cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.

 

  1. Kinh nghiệm

“Kinh nghiệm” là những hiểu biết có được nhờ từng trải trong thực tế.

✳ Danh từ

Thí dụ:

🔷 Anh ấy có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện.

🔷 Có thực hành mới có kinh nghiệm (Trần Văn Giàu).

 

Như vậy:

🔷 Kinh nghiệm là những tri thức và hiểu biết được rút ra sau quá trình làm một công việc gì hoặc một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.

🔷 Trải nghiệm là khi người ta trải qua thứ gì đó có phần lạ lẫm hơn cuộc sống từ trước đến nay.

 Có thể xem:

 🔷 Trải nghiệm là để chỉ một quá trình, còn Kinh nghiệm là hệ quả của quá trình đó.

🔷 Trải nghiệm có thể chỉ một lần, còn Kinh nghiệm là kết quả của nhiều lần làm một việc gì đó.

 

BÀI 89: TAY TRẮNG HAY TRẮNG TAY

  1. Tay trắng

Tay trắng: Tình trạng không có chút vốn liếng, không có của cải gì.

🔷 Danh từ

Thí dụ:

🔹 Ra đời với hai bàn tay trắng.

🔹 Tay trắng làm nên nghiệp lớn.

🔹 “Số giàu tay trắng cũng giàu

Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo” (ca dao)

  1. Trắng tay

Trắng tay: Từng có của cải, nhưng bị mất sạch trơn, không còn cái gì.

🔷 Tính từ

🔹 Trắng tay sau canh bạc.

🔹 Đã từng trắng tay, nay xây dựng được cơ nghiệp.

🔹 Ai cũng biết mọi người đều trắng tay khi lìa đời.

➱ Như vậy, “Tay trắng” và “Trắng tay” là hai từ hoàn toàn khác nghĩa nhau.

🔹 “Tay trắng” là không có của cải, còn “Trắng tay” là có của mà mất sạch rồi.

🔹 “Tay trắng” là danh từ, còn “Trắng tay” là tính từ.

Ta có thể phân biệt qua câu nói: “Tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.