Một vị bác sĩ ‘Bồ tát’ ở Campuchia

print

Một vị bác sĩ ‘Bồ tát’ ở Campuchia

Qua đời ngày 7/9/2018 tại Thuỵ Sĩ, bác sĩ Beat Richner, sáng lập chuỗi bệnh viện Kantha Bopha ở Campuchia, để lại sự tiếc thương vô hạn cho người dân nước này.

Cuộc đời bác sĩ “bồ tát” Beat Richner chỉ gắn bó hai điều, bệnh nhân và cây đàn cello. Ảnh: NYT

Người ta gọi ông là “bồ tát” vì hàng triệu trẻ em Campuchia đã được chữa bệnh miễn phí và cứu sống.

Tiếng gọi của nghề y

“Sức khoẻ là lý do chính làm khánh kiệt những gia đình nghèo. Nhưng ở những bệnh viện chúng tôi, mọi thứ đều miễn phí để các bà mẹ yên tâm chăm sóc con mình”. Mỗi tối cuối tuần, tại bệnh viện Kantha Bopha ở thành phố du lịch Siem Reap, bác sĩ nhi khoa Beat Richner mở đầu buổi chơi đàn cello của mình bằng cách nói như thế.

Dứt lời, ông cầm vĩ lên và trình diễn tác phẩm Tiếng hót những chú chim (Le chant des oiseaux) của Pablo Casals. Cũng có khi ông chơi vài trích đoạn của Bach, hay những bài nhạc do chính mình sáng tác. Tất cả chỉ nhằm xin tiền cho các bệnh viện của mình hoạt động.

Beat Richner chào đời ở Zurich ngày 13/3/1947. Rất ít thông tin về những năm đầu đời của ông, chỉ biết rằng sau khi học xong y khoa năm 1973, ông từng làm việc tại bệnh viện Nhi đồng Zurich trong một năm. Năm 1974, bác sĩ Richner được hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ cử đến Campuchia công tác tại bệnh viện Kantha Bopha, nhưng phải quay về nước năm đó sau khi chế độ diệt chủng Khmer đỏ lên ngôi.

Hoà bình lập lại, năm 1991 bác sĩ Richner được vua Norodom Sihanouk mời quay lại tái thiết bệnh viện Kantha Bopha. Trong tiếng Khmer, Kantha Bopha nghĩa là “Bông hoa nhỏ ngát hương”, và đó cũng là tên người con gái của vua Sihanouk từng chết trẻ vì chứng ung thư máu.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Générations, bác sĩ Richner nhớ lại: “Tôi ngần ngừ trước lời mời của vua Sihanouk, vì biết rằng ở đó có quá nhiều nguy hiểm từ nạn tham nhũng. Tham nhũng là căn bệnh nặng nhất đối với người nghèo, bởi những người mẹ có thể chết vì không có tiền ứng trước cho một bác sĩ để chữa trị con mình”.

Thế rồi như định mệnh, bác sĩ Richner chấp nhận tìm đến một đất nước xa xôi để thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc. Năm 1992, bệnh viện nhi đồng Kantha Bopha 60 giường ở Phnom Penh hồi sinh. Người ta gọi đó là “Bệnh viện Thiên Thần”, vì mọi thứ ở đây đều ở đẳng cấp thế giới. Bác sĩ Richner chỉ quan niệm một điều: “Một đứa trẻ, một cuộc đời”, cần phải chữa trị trẻ em tốt nhất.

Từ năm 1996 – 2007, lần lượt có thêm bốn bệnh viện nhi đồng khác, ba ở Phnom Penh, một ở Siem Reap, bệnh viện nào cũng chữa bệnh miễn phí dù bệnh nhân giàu, nghèo thế nào. Dưới mắt của những người dân Campuchia, bác sĩ Richner là hiện thân của “Bồ tát, vì ông yêu thương những đứa trẻ hết mực, như thể để bù đắp cho những thất bại của chính quyền trong việc chăm sóc y tế”.

Một đời vì bệnh nhân

Trong 26 năm hoạt động, các bệnh viện Kantha Bopha chữa trị hàng triệu trẻ em Campuchia, trong đó cứu sống hàng trăm ngàn trẻ thông qua phẫu thuật, điều trị nội khoa, chích ngừa.

Nhưng nguồn tiền ở đâu để các bệnh viện hoạt động với ngân sách hàng năm lên tới 40 triệu USD? 5% số này là đóng góp của Chính phủ Thuỵ Sĩ, 5% từ Chính phủ Campuchia, số còn lại là tiền Richner quyên góp từ mạnh thường quân. Ông nói: “Tìm kinh phí cho bệnh viện hoạt động là một ác mộng thật sự, nhưng để có tiền tôi chấp nhận đi ăn mày”.

Tuy nhiên, đó không phải là ác mộng duy nhất cho bác sĩ Richner, ông còn phải vượt qua nhiều chỉ trích từ một số người trong chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, thậm chí là… tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thật vậy, theo WHO mô hình bệnh viện Kantha Bopha quá đắt đỏ và không bền vững, vì phụ thuộc vào danh tiếng và nhiệt huyết của Richner.

Đáp lại, ông gọi WHO là kẻ “diệt chủng thụ động” khi phổ biến triết lý “một nền y học nghèo cho những người nghèo”. Trong một bài viết vào năm 1998, ông nhận định: “Đối với một đứa trẻ nghèo cần được chữa lành và cứu giúp, vấn đề bền vững mà những chuyên gia ngồi trong văn phòng lo lắng chỉ là điều vô nghĩa”.

Nhưng thực tế bác sĩ Beat Richner lại được nhiều người ủng hộ, vì ông không có lợi ích nào ngoài Kantha Bopha.Có chăng là một ngoại lệ, ông thích chơi đàn cello, và từ đó người ta tặng ông biệt danh “Beatocello”. Bác sĩ Ky Santy, người năm qua trở thành giám đốc chuỗi bệnh viện Kantha Bopha, sau khi bác sĩ Richner rút lui vì bệnh tật, nhận xét: “Cuộc đời ông ấy rất hạn hẹp, chỉ gắn bó với hai điều duy nhất: một là cuộc sống hàng ngày ở bệnh viện và hai là cây đàn cello”.

Bác sĩ Richner sống khắc khổ, làm việc 12 giờ/ngày, không nghỉ phép và chỉ lái chiếc xe hơi 22 năm tuổi. Ông chọn một chiếc bàn ngay góc căng tin bệnh viện để làm nơi làm việc, gặp gỡ nhân viên, và cũng là nơi dùng bữa sáng với hai quả trứng luộc và một tách cà phê. Buổi trưa, ông dùng bữa như mọi nhân viên trước khi xuống khoa phòng làm việc.

Để các bệnh viện hoạt động tốt, ông trả lương xứng đáng cho nhân viên.Mỗi bác sĩ nhận 1.500 USD/tháng, gấp 10 – 15 lần lương làm ở bệnh viện công.Những người khác cũng được trả lương tương xứng. Ông nói: “Tôi tự hào khi mọi bệnh nhân không phải trả tiền, nhưng điều kiện chăm sóc lại ở đẳng cấp Âu – Mỹ. Hơn nữa, ở chúng tôi không có tham nhũng. Khi nhân viên được trả lương xứng đáng, họ sẽ không làm tiền bệnh nhân”.

Năm qua, bác sĩ Richner quay về Thuỵ Sĩ để trị bệnh.Ông cũng đã chuẩn bị hậu sự để Kantha Bopha tiếp tục đi tới mạnh mẽ.

Sau khi bác sĩ Beat Richner qua đời, Chính phủ Campuchia dự định tưởng niệm ông trong một tuần, nhưng nay trước lòng hâm mộ và tiếc thương vô hạn của người dân, buổi lễ kéo dài 100 ngày. Tại chiếc bàn thờ nhỏ có bức hình chân dung ông ở mỗi bệnh viện, người ta vẫn để sẵn hai quả trứng luộc và tách cà phê, những thứ mà ông quen dùng vào mỗi sáng.

Bình Yên (theo TGTT)