Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn

print

Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn

 

Hưởng ứng lời kêu mời của Tòa Thánh khi ấn định Năm “Gia đình Amoris Laetitia”, chúng ta sẽ lần lượt học hỏi lại Tông huấn quan trọng này về gia đình, trước hết là phần Dẫn nhập với nội dung dưới đây:  

Tết Xưa và Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu

Cứ bình thường thì không có gì vui bằng Tết, nhất là Tết của những thời xa xưa tại Việt Nam. Với những câu thơ mộc mạc nhưng thật duyên dáng của mình, nữ sĩ Hằng Phương đã vẽ nên một cảnh Tết Xưa thật sống động, dễ thương:

Sáng mồng một, tôi mặc quần áo mới,
Theo mẹ tôi, mừng Tết các nhà quen;
Lạy bàn thờ xong, cỗ Tết bưng lên:
Nào nem, bưởi, rồi bánh in, bánh tét.

Lại cho trẻ gói giấy phong đỏ loét,
Tôi ra về, túi rủng rẻng đầy xu.
Đàn trăm dây, gió ngoài nội vi vu;
Nhạc muôn điệu, chim trên cành ca hát.

Vòng lối xóm, gặp những người tuổi tác,
Xoa đầu tôi, họ ha hả cười tươi:
“Con bé này lớn như thổi chẳng chơi,
Hễ có rượu, phải nhớ mời lão nhé!”

Tôi đỏ mặt, còn mẹ tôi vui vẻ,
Vội dừng chân, đáp lễ chúc nhiều câu…

Niềm vui Xuân của một cô bé đang lớn thật hồn nhiên, ngây thơ. Nhưng cô bé cũng đã biết đỏ mặt! Nhìn cô, “những người tuổi tác” “ha hả cười tươi” vì thấy bóng dáng của một tình yêu đang chờ đón cô trong những năm tháng không xa: Con bé này lớn như thổi chẳng chơi / Hễ có rượu, phải nhớ mời lão nhé! / Tôi đỏ mặt, còn mẹ tôi vui vẻ… Vâng, đúng rồi, cô bé cần phải được “chuẩn bị” đi là vừa! Nhưng phải chuẩn bị như thế nào đây?

Một trong những cách chuẩn bị tốt nhất là đọc Tông huấn “Niềm vui Tình Yêu”.

Từ niềm vui Xuân của cô bé đang lớn trong bài thơ trên đây, ta hãy bước vào niềm vui được diễn tả trong phần Dẫn nhập của Tông huấn này:

Niềm vui của Tình Yêu trong đời sống gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh. Khát vọng lập gia đình vẫn mãnh liệt nơi người trẻ, nên Hội Thánh luôn loan báo về gia đình như một một tin vui, cho dù vẫn thường có khủng hoảng trong cuộc sống hôn nhân.  (số 1)

Hành trình của hai Thượng Hội đồng về gia đình đã giúp phác họa lại hoàn cảnh của các gia đình trong thế giới hiện nay, giúp mọi người có cái nhìn rộng lớn hơn và ý thức mới mẻ hơn về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình. (số 2)

Tông huấn khẳng định rằng: không phải tất cả mọi tranh luận về đạo lý, luân lý hay mục vụ đều cần phải được Huấn quyền can thiệp và giải quyết, bởi vì “các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên lý chung cần phải được thích nghi với từng nền văn hóa, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng”. (số 3)

Tông huấn hậu Thượng Hội đồng thâu gom lại những đóng góp của hai Thượng Hội đồng vừa qua về gia đình, và bổ sung thêm, nhằm góp phần động viên, cổ vũ và giúp đỡ các gia đình. (số 4)

Tông huấn này muốn khích lệ mọi người hãy là một dấu chỉ của lòng thương xót cho những gia đình còn thiếu vắng bình an và niềm vui. (số 5)

Tông huấn gồm các phần nói về gia đình trong: Thánh Kinh, hoàn cảnh thực tế hiện nay, giáo huấn của Hội Thánh, tình yêu hôn nhân, đường lối mục vụ, giáo dục con cái, những hoàn cảnh chông chênh và linh đạo gia đình. (số 6)

Tông huấn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các gia đình cũng như cho các tác viên mục vụ gia đình, nếu được đào sâu từng phần một cách kiên nhẫn. (số 7)

Đấy là nội dung đầy khích lệ của phần Dẫn nhập Tông huấn “Niềm vui Tình Yêu”. Ta sẽ tiếp tục thưởng thức những phần tiếp theo của Tông huấn này trong các bài học hỏi kế tiếp

Vi Hữu (TGPSG – NSTM)

 

Nguyên văn phần Dẫn nhập của Tông huấn Amoris Laetitia:

  1. NIỀM VUI của TÌNH YÊU trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội thánh. Như các nghị phụ trong Thượng Hội đồng đã ghi nhận, mặc dầu vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, “khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh”[1]. Như một đáp ứng cho khát vọng này, “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui”[2].
     
  2. Hành trình của Thượng Hội đồng đã giúp phác họa lại hoàn cảnh các gia đình trong thế giới hiện nay, giúp chúng ta có cái nhìn rộng lớn hơn và ý thức mới mẻ hơn về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình. Đồng thời, tính phức tạp của các đề tài được đề cập đến cho chúng ta thấy cần phải tiếp tục đào sâu thêm cách tự do một số vấn đề liên quan đến đạo lý, luân lý, linh đạo và mục vụ. Những suy tư của các mục tử và các nhà thần học, nếu trung thành với Hội thánh, trung thực, thực tiễn và sáng tạo, sẽ giúp chúng ta thấy được vấn đề cách rõ ràng hơn. Những tranh cãi trên các phương tiện truyền thông hay trên các sách báo và ngay cả giữa các thừa tác viên của Hội thánh, đi từ ước muốn quá cao muốn thay đổi mọi sự mà không có suy tư đầy đủ, hoặc thiếu nền tảng, đến thái độ tham vọng, muốn giải quyết tất cả mọi sự bằng cách áp dụng những quy tắc chung hoặc bằng cách rút ra những kết luận không thích đáng từ một số suy tư thần học cá biệt.
     
  3. Khi nhắc lại “thời gian thì quan trọng hơn không gian”, tôi muốn khẳng định lại rằng không phải tất cả mọi tranh luận về đạo lý, luân lý hay mục vụ cần phải được giải quyết bằng can thiệp của Huấn quyền. Dĩ nhiên, trong Hội thánh cần một sự hiệp nhất về đạo lý và về thực hành, nhưng điều đó không ngăn cản việc có những giải thích khác nhau về một số khía cạnh của đạo lý hay một số những hệ luận nảy sinh từ đó. Sẽ là như thế cho đến khi Thần Khí dẫn đưa chúng ta đến chân lý toàn vẹn (cf. Ga 16,13), tức là, khi Ngài đưa chúng ta đi vào trọn vẹn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và khi chúng ta có thể thấy được tất cả mọi sự bằng cái nhìn của chính Chúa Kitô. Ngoài ra, trong mỗi xứ sở hay vùng miền, vẫn có thể tìm ra được những giải đáp thích hợp hơn với văn hóa của họ, quan tâm hơn đến các truyền thống và các thách thức mang tính địa phương. Bởi vì “các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên lý chung […] cần phải được thích nghi với từng nền văn hóa, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng”[3].
     
  4. Dù sao, tôi vẫn phải nói rằng tiến trình Thượng Hội đồng cho thấy đã mang một vẻ đẹp rất hùng vĩ và nhiều khai sáng. Tôi cảm ơn tất cả mọi đóng góp đã giúp tôi xem xét những vấn đề của các gia đình trên thế giới trong tầm vóc bao quát nhất. Các tham luận của các Nghị phụ mà tôi đã chăm chú lắng nghe, đối với tôi, nói chung là một viên ngọc quí đa diện, tạo nên từ nhiều nỗi bận tâm chính đáng cũng như từ những vấn nạn trung thực và chân thành. Vì thế, tôi nghĩ là thích hợp để biên soạn một Tông huấn hậu Thượng Hội đồng nhằm thâu gom lại những đóng góp của hai Thượng Hội đồng vừa qua về gia đình, và bổ sung thêm những nhận xét khác nữa có thể định hướng suy tư, đối thoại và thực hành mục vụ, và đồng thời góp phần động viên, cổ vũ và giúp đỡ các gia đình trong nỗ lực dấn thân cũng như trong những khó khăn của họ.
     
  5. Tông huấn này mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trước tiên, bởi vì tôi coi Tông huấn này như một đề nghị cổ vũ các gia đình Kitô hữu hãy biết quí trọng các ân huệ hôn nhân và gia đình, duy trì một tình yêu mạnh mẽ và đong đầy các giá trị như lòng quảng đại, sự dấn thân, trung tín và kiên nhẫn. Thứ đến, bởi vì Tông huấn này muốn khích lệ mọi người hãy là một dấu chỉ của lòng thương xót và gần gũi ở những nơi mà cuộc sống gia đình chưa được trọn vẹn hay còn thiếu vắng bình an và niềm vui.
     
  6. Để triển khai bản văn, tôi sẽ bắt đầu với một chương dẫn nhập được gợi hứng từ Thánh Kinh, để mang một cung giọng phù hợp. Từ đó, tôi sẽ xem xét hoàn cảnh hiện nay của các gia đình nhằm bám sát thực tế. Tiếp đến, tôi sẽ nhắc lại một số yếu tố cốt yếu theo giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân và gia đình, từ đó triển khai hai chương trung tâm, dành để nói về tình yêu. Để tiếp tục, tôi sẽ nêu rõ một số đường lối mục vụ hướng chúng ta đến việc xây dựng gia đình bền vững và phong nhiêu theo kế hoạch của Thiên Chúa, và tôi sẽ dành một chương nói về việc giáo dục con cái. Cuối cùng, tôi sẽ đưa ra lời mời gọi thực thi lòng thương xót và phân định mục vụ khi đối diện với những hoàn cảnh không đáp ứng đầy đủ những gì Chúa đề nghị, và sau cùng tôi sẽ đưa ra vài nét phác họa về linh đạo gia đình.
     
  7. Do hoa trái phong phú của hai năm suy tư với hai Thượng Hội đồng, Tông huấn này sẽ đề cập đến nhiều đề tài khác nhau, với những cách thức khác nhau. Điều đó giải thích độ dài như phải có của Tông huấn. Vì thế, tôi không khuyến khích người ta đọc Tông huấn này một cách vội vàng và hời hợt. Tông huấn này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các gia đình cũng như cho các tác viên mục vụ gia đình, nếu được đào sâu từng phần một cách kiên nhẫn, hay nếu người ta tìm trong đó những điều mình cần cho từng hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, có thể các cặp vợ chồng sẽ quan tâm nhiều hơn các chương bốn và năm, còn các tác viên mục vụ quan tâm hơn đến chương sáu và mọi người đều cảm thấy chương tám thật là một thách đố đối với mình. Tôi hi vọng rằng, qua việc đọc Tông huấn này, mỗi người sẽ cảm thấy mình được mời gọi yêu mến chăm sóc đời sống gia đình, bởi lẽ các gia đình “không phải là một vấn đề, mà trước tiên là một cơ hội”[4].

Bản dịch của các Ủy Ban: Giáo Lí Đức Tin,

Mục Vụ Gia Đình và Mục Vụ Di Dân trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam

—–


[1] Relatio Synodi (RS) 2014, 2.

[2] Relatio finalis (RF) 2015, 3.

[3] Diễn từ kết thúc Đại hội thường lệ lần XIV của THĐGM (24.10.2015): L’Osservatore Romano, 26-27.10.2015, tr. 13; Cf. Ủy Ban TT Về Kinh Thánh, Fede e Cultura alla luce della Bibia. Atti della Sessione plenaria 1979 della Pontificia Commissione Biblica, Torino 1981; CĐ Vatican II, HCh. Gaudium et Spes (GS), 44; Gioan Phaolô II, Thđ. Redemptoris Missio (7.12.1990), 52: AAS 83 (1991), 300; Th. Evangelii Gaudium (EG) (24.11.2013), 69.117: AAS 105 (2013), 1049.1068-1069.

[4] Phanxicô, Diễn từ tại cuộc gặp gỡ các gia đình tại Santiago, Cuba (22.9.2015)L’Osservatore Romano, 24.9.2015, tr. 7.