Đức Gioan XXIII, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.
Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh được rửa tội, lấy tên là Angelo Giuseppe, người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu. Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.
Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau khi học học bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana. Ngày 07.11.1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo, nơi đó cậu được xếp vào năm thứ ba của bậc trung học. Sau một khởi đầu khó khăn vì chưa được chuẩn bị đầy đủ, cậu tiến nhanh trong việc học tập và huấn luyện thiêng liêng, nhờ đó các bề trên đã chuẩn nhận trước khi kết thúc năm thứ mười bốn để thầy được lãnh nhận chức cắt tóc. Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thì vào tháng Giêng năm sau, thầy được gửi về Roma vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo. Tuy phải thi hành nghĩa vụ quân sự tại Bergamo từ ngày 30 Tháng 11/1901, việc huấn luyện chủng sinh cũng đặc biệt mang lại kết quả tốt đẹp.
Ngày 13 tháng 7 năm 1904, khi còn rất trẻ, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học. Với sự nhận xét đặc biệt của các bề trên, ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, dịp này ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội. Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám Mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi. Mười năm làm việc hết mình bên cạnh một giám mục có thẩm quyền, rất năng động và đầy sáng kiến, giúp cho giáo phận Bergamo trở nên một mô hình cho Giáo Hội Ý.
Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Từ năm 1906, ngài còn đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: lịch sử giáo hội, giáo phụ và biện giáo; từ 1910, ngài cũng phụ trách môn thần học cơ bản. Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngưng nghỉ, ngài vẫn tiếp tục làm những công việc đó đến năm 1914. Việc học hỏi về lịch sử đã giúp ngài viết một số nghiên cứu lịch sử địa phương, như xuất bản những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng. Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.
Cái chết bất ngờ của Đức Giám mục Radini năm 1914 chấm dứt một kinh nghiệm mục vụ tuyệt vời của ngài, mặc dù gặp một vài đau khổ chẳng hạn như những lời buộc tội vô căn cứ chống lại ngài từ chủ nghĩa hiện đại, vị Giáo hoàng tương lai Gioan XXIII luôn xem như điểm quy chiếu chính qua các công việc được trao phó theo từng giai đoạn. Chiến tranh bùng nổ vào năm 1915, ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ trong việc chăm sóc thương binh tại các bệnh viện ở Bergamo, và ngài đã có những việc làm rất anh hùng. Vào tháng Bảy năm 1918, ngài sẵn sàng phục vụ cho những người lính bị bệnh lao, dù biết rằng có nguy cơ bị lây nhiễm.
Hoàn toàn bất ngờ với lời mời của Đức Giáo hoàng về phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, trong khi ở Bergamo. ngài mới bắt đầu kinh nghiệm Nhà sinh viên, một nơi vừa nội trú, vừa học viện, và đồng thời ngài cũng làm linh hướng trong chủng viện. Sau nhiều do dự, ngài đã nhận lời và bắt đầu công việc cách thận trọng và tế nhị đối với những liên hệ với các tổ chức truyền giáo đã có. Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.
Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952. Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria với nhiệm vụ giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó. Khởi đầu công việc và tiếp tục cả hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngài đã tái tổ chức được Giáo Hội Công giáo, phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria. Vào ngày 27 tháng 11.1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican. Khác với Hy Lạp, nơi mà Đức Roncalli không mang lại một kết quả nào đáng kể, trái lại quan hệ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dần dần có được một sự hiểu biết và sẵn sàng thể hiện được nhờ việc đón nhận những đường lối chính trị độc lập với tôn giáo của chính phủ. Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một vài lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople, đó là những lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.
Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã giữ được một thái độ thận trọng của tính trung lập, nhờ vậy ngài mới thực hiện được một công việc thật hữu hiệu, là giúp cho cộng đoàn Do Thái, cả hàng ngàn người, khỏi bị diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.
Thật bất ngờ với quyết định của Đức Piô XII, ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris, nơi ngài đặt chân đến với nhiều lo lắng vào 30 tháng 12 năm 1944. Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi ngài. Chính phủ lâm thời đòi phải thoái vị ba mươi giám mục, bị buộc tội hợp tác với chính phủ Vichy. Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm. Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris, nơi mà Ngài đã thiết lập được những mối quan hệ thân thiện với một số chính khách của chính phủ Pháp. Hoạt động ngoại giao của ngài cũng mang một ý nghĩa mục vụ rõ ràng qua các lần viếng thăm tại nhiều giáo phận của nước Pháp, kể cả nước Algeria.
Tiếng vang và lòng nhiệt thành tông đồ của Giáo hội Pháp, qua kinh nghiệm của các linh mục thợ, làm cho Đức Roncalli phải chú ý như một nhà quan sát thận trọng và khôn ngoan, ngài cho rằng cần phải có một thời gian để xem xét trước khi có quyết định dứt khoát.
Với lối sống vâng phục của mình, ngài đã sẵn sàng vâng theo lời đề nghị thuyên chuyển về Venice, nơi ngài đã đến nhậm chức vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, lúc mới được nâng lên tước vị Hồng y theo quyết định trong Công Nghị cuối cùng của Đức Piô XII. Thời gian làm giám mục của ngài được mọi người biết đến qua những nỗ lực làm việc và hoàn thành nhiệm vụ giám mục cách tốt đẹp như thăm viếng mục vụ và cử hành Công nghị giáo phận. Việc ôn lại lịch sử tôn giáo của Venezia giúp ngài thêm những sáng kiến mục vụ mới, chẳng hạn như kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh, làm việc theo gương của vị giáo chủ kỳ cựu, thánh Lorenzo Giustiniani, mà ngài đã long trọng cử hành việc tưởng nhớ trong năm 1956.
Việc bầu một vị Giáo hoàng bảy mươi bảy tuổi vào ngày 28 tháng 10.1958, đó là Đức Hồng y Roncalli, kế vị Đức Piô XII, làm nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp. Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một lối sống đầy nhân bản và con người linh mục của mình đã chín muồi qua những kinh nghiệm ý nghĩa. Ngoài việc khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, ngài còn hết lòng cho công việc mục vụ theo sứ mạng của mình, bằng cách nhấn mạnh đến bản chất giám mục với tư cách là Giám Mục Rôma. Xác tín rằng việc quan tâm trực tiếp đến giáo phận là một phần thiết yếu của sự vụ Giáo hoàng, nên ngài dành nhiều thời gian gặp gỡ các tín hữu qua việc viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù. Qua việc triệu tập Công nghị giáo phận, ngài muốn bảo đảm chức năng hoạt động của các cơ cấu giáo phận bằng cách tăng cường các giáo hạt và bình thường hóa đời sống giáo xứ.
Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII, chắc chắn là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01.1959. Đó là một quyết định mang tính cách cá nhân của Đức Giáo hoàng sau khi tham khảo ý kiến với một số vị thân cận và với vị Quốc vụ khanh, là Đức Hồng y Tardini. Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng mười năm 1962: không phải là để xác định những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm hiện thời. Trong chiều hướng nhằm có được một sự cập nhật về tất cả đời sống của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời gọi hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, hơn là lên án và phản đối trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội, đón nhận tất cả mọi người. Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, không thể loại trừ các giáo hội Kitô khác, họ cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn. Trong giai đoạn đầu tiên, người ta có thể nhận thấy rằng Đức Gioan XXIII muốn một Công đồng có tranh luận thật sự, biết tôn trọng các quyết định sau khi mọi tiếng nói đã được trình bày và thảo luận.
Vào mùa xuân năm 1963, ngài được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, chứng tỏ những việc làm của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như việc nhất quyết can thiệp của ngài nhân cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962. Uy tín và sự ngưỡng mộ chung, người ta có thể thấy được trong những tuần lễ cuối đời ngài khi cả thế giới đều lo lắng hướng về quanh ngài lúc hấp hối và đau buồn nhận tin ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963.
Phòng Báo chí Tòa Thánh
Linh mục Augustinô chuyển ngữ