Ngày 18 tháng 9:Thánh Đa Minh Trạch,Linh mục (1772-1840)

print

Ngày 18 tháng 9:Thánh Đa Minh Trạch,Linh mục (1772-1840)

Thánh Đa Minh Trạch sinh năm 1793 tại họ Ngoại Vối, xứ Ngoại Bồi, tỉnh Nam Định Ngay từ khi còn nhỏ cậu Đa Minh Trạch đã có may mắn được vào ở với cha xứ làm cậu giúp lễ rất siêng năng. Cậu được tiếng là hiền lành, đạo đức. Cha xứ thấy cậu ngoan ngoãn và có lòng đạo đức lại ước ao được dâng mình cho Chúa để trở thành linh mục thì cho cậu học chữ nghĩa đàng hoàng rồi gửi cậu về chủng viện học triết và thần học. Cậu rất sáng dạ nên con đường học vấn cậu đạt được một cách mau mắn và dễ dàng.

Sau khi hoàn tất chương trình học tập, năm 1823 bề trên gọi Ngài lên chúc linh mục ở tuổi 30.  Lãnh chức linh mục rồi, Ngài được bổ nhiệm về làm cha xứ coi sóc giáo xứ Quần Cống . Nhưng sau đó vì chứng bệnh lao phổi phát hiện, sức khoẻ suy giảm mau lẹ, nên bề trên lại cho Ngài về Lục Thủy để chữa trị chứng bệnh nan y đồng thời để giúp đỡ các chủng sinh trong việc linh hướng và dạy các chủng sinh về môn tu đức.

Năm 1839 Ngài đã bị bắt ở xứ Ngọc Cục, dân làng biết tin vội vàng quyên góp được số tiền lớn là 200 quan đem tới xin chuộc Ngài về. Được trả tự do về, cha biết rằng mình đã bị lộ nên việc ở lại Lục Thủy là không ổn. Đầu năm 1840 cha âm thầm về ẩn lánh tại họ Trà Lũ, lúc đầu ở nhà ông lang Thiện rồi sau chuyển sang nhà ông trùm Bảo. Chứng bệnh lao phổi mỗi ngày thêm trầm trọng vì sống ẩn núp nơi ẩm thấp, nhiều khi vì lạnh lẽo nên bệnh lại càng tăng thêm nhưng lúc nào Ngài cũng cố gắng bằng mọi cách tiếp túc với giáo dân để ban các bí tích cũng như giảng dạy giáo lý và khuyến khích các tín hữu sốt sắng giữ đạo trong thời buổi khó khăn này.Có lần ngồi khuyên bảo một nhóm tín hữu, Ngài đã tâm sự:

– “Tôi rất buồn và xấu hổ vì trong các xứ đạo của chúng ta đây chưa có vị tử đạo nào”

Một thầy giảng tiếp lời:

– “Theo tôi nghĩ, nếu bây giờ trong anh em chúng ta có ai bị bắt, tôi tin là họ sẽ hành hạ dã mãn hơn trước. Vì bây giờ lệnh của vua truyền xuống gay gắt lắm”

Cha Đa Minh Trạch nói thêm:

– “Nếu bây giờ tôi bị bắt nữa, xin anh em bảo nhau đừng góp tiền chuộc tôi nữa nhé. Họ muốn làm gì tôi thì làm. Tôi sẵn lòng chiụ mọi khốn khó Chúa gửi đến:

Nói xong Ngài xin mọi người ngồi sát lại gần nhau để đọc kinh cầu nguyện.Thường thường những buổi gặp gỡ và cầu nguyện chung với nhau như thế rất sốt sắng, Ngài hướng dẫn và khuyên nhủ mọi người phải kiên trì giữ vững Đức Tin và phải nâng đỡ nhau trong những khi gặp hoạn nạn.Sau buổi cầu nguyện kéo dài chừng một tiếng đồng hồ rồi âm thầm giải tán, mỗi người đi một nơi về nhà mình.

Một hôm Ngài biết tin cha Vinh và cha Thản cũng đang lưu ngụ tại Ngưỡng Nhân, ngày 11 tháng 4 năm 1840, Ngài vội vàng kín đáo tìm đến gặp các Ngài. Làng Ngưỡng Nhân từ trước tới nay vẫn bình an, chưa bao giờ bị quan quân lính tráng tới. Chính vì thế mà nhiều vị Thừa Sai và các linh mục hay lui tới trú ẩn và làm chỗ dừng chân của các nhà truyền giáo. Nhưng đột nhiên khi cha Đa Minh Trạch vừa lén lút tới Ngưỡng Nhân được vài ngày thì bất thần, ông Cai Tổng Nhật đem quân đến vây bắt các đạo trưởng để lập công. Vừa được tin, hai cha Vinh và Thản may mắn  trốn thoát kịp, còn cha Đa Minh Trạch vì bệnh lao phối, sức khỏe yếu quá không chạy kịp nên bị phát hiện và bị bắt ngay trong làng Ngưỡng Nhân  Bắt được Ngài, họ vui mừng reo hò. Họ trói và bắt cha đeo gông, giải cha về đình làng rồi giải về phủ Xuân Trường nộp cho quan phủ.

Quan phủ nhìn thấy cha không nói gì, cứ để cha đứng phơi nắng ngoài trời nóng như thiêu như đốt. Đứng ngoài trời phơi nắng hơn một tiếng đồng hồ, quan phủ mới cho lệnh xiềng xích chân tay lại rồi tống giam vào ngục Những người đang bị giam tù có nhiều người là Công giáo thì vui mừng gặp được Ngài  Nhiều người xin Ngài giải tội và ban phép lành cho họ. Đặc biệt trong số những người bị giam tù đó có thầy già Toán. Vì già và bị đánh đòn nhiều quá thầy đã liều lĩnh bước qua Thánh Giá hai lần rồi. Nhưng sau đó thì lại hối hận và dốc quyết một lòng xưng đạo và chết vì đạo chứ không dám chối Chúa nữa.Biết được hoàn cảnh như thế, cha Đa Minh Trạch đã khích lệ thầy rất nhiều và từ đó thầy đã trở nên can đảm cho tới chết vì Chúa. Ngoài ra, cha thường khuyên bảo anh em luôn cầu nguyện, nhất là đọc kinh Mân Côi để xin Chúa và Đức Mẹ luôn nâng đỡ, ban thêm sức mạnh để vững vàng kiên trung với Chúa đến cùng. Mặc dầu vì bệnh lao phổi, sức rất yếu nhưng lúc nào Ngài cũng vui vẻ, lạc quan. Có người bạn tù hỏi Ngài:

– “Thưa Cha, cha bị bệnh và sức khoẻ yếu qúa, liệu cha có thể chịu được những hình khổ ghê gớm lắm, sức cha chịu được không?”.

Ngài tươi cười tâm sự:

– “Tôi đau yếu phần xác thật đấy. Nhưng  tôi bị các hình khổ vì đạo, vì Chúa thì tôi không sợ. Có ơn Chúa giúp, tôi sẽ chịu được, bạn ạ”.

Sau ít ngày, quan phủ lại cho giải Ngài về tỉnh nộp cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh tỉnh Nam Định. Trong lúc này, Trịnh Quang Khanh đang hăng say đi bắt đạo nên thấy cha ốm yếu, quan cũng chẳng thương. Quan cho lệnh tra tấn, ép bỏ đạo và tống giam vào ngục. Vì bị đòn đau đớn, thân xác lại bệnh tật nhức nhối. Thế mà còn phải chứng kiến thấy những người Kitô hữu chối đạo, bước qua Thánh Giá, cha lại càng đau đớn nhức nhối thêm bội phần. Cha đấm ngực ăn năn thay cho những người bỏ Chúa.Cha quì gối đọc kinh cầu nguyện cho họ.Cha nói với thầy già Toán:

– “Nhìn những người yếu đuối về đức tin, thấy hình khổ mà khiếp sợ rồi bước qua Thánh Giá, tôi đau đớn lắm. Xin thầy cầu Chúa tha tội cho những người này và xin cho họ biết ăn năn trở về với Chúa”.

Thầy già Toán chia sẻ sự đau đớn ấy với cha:

– “Thưa cha, con biết họ yếu đuối mà chối Chúa. Con cũng đã từng yếu đuối như thế. Nhưng với ơn Chúa, con mong họ sẽ ăn năn thống hối xin Chúa tha như con đã được Chúa tha và cha đã giải tội cho con”.

Nói xong, thầy xin lần hạt chung với cha để cầu nguyện cho những người vì yếu đuối mà chối bỏ Chúa

Các quan lại cho lệnh gọi cha ra trước toà. Các quan đông đủ, kể cả quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Các quan dùng bạo lực, ép buộc cha phải bước lên Thánh Giá. Nhưng cũng như bao lần trước cha vẫn cương quyết từ chối. Các quan lại thất bại. Thấy cha ốm yếu quá mà vẫn ngoan cố, quan Trịnh Quang Khanh ra mặt lấy uy, tỏ ra rất hung dữ, quan lớn tiếng nói với cha:

– “Ta đã nói nhiều lời rồi. Bây giờ ngươi hãy nhìn cây Thánh Giá ta đã để trước mặt ngươi. Ngươi hãy bước lên đi, nếu còn ương ngạnh không chịu thì ngươi sẽ phải chết.

Nghe những lời đe dọa đó, Ngài trang trọng, từ từ tiến lại, gần Thánh Giá, các quan hồi hộp chờ đợi mong Ngài sẽ bước lên Thánh Giá. Nhưng bất ngờ, Ngài quì xuống ôm Thánh Giá cung kính hôn rồi quay lại nói với các quan:

– “Thưa các quan lớn, Thánh Giá này là biểu tưởng cây Thánh Giá Chúa tôi đã chịu chết xưa, là biểu tượng đức tin và cũng là biểu tượng của đạo Gia Tô. Nếu các quan muốn có sự sống đời đời thì thì các quan phải thờ kính cây Thánh Giá này. Vì thế, tôi không bao giờ có thể bước lên Thánh Giá Chúa tôi, dầu tôi có phải chết thì tôi sẵn lòng chịu chết”

Quan Trịnh Quang Khanh tức giận quá, liền hùng hổ đứng lên tiến lại gần cha tát vào mặt cha và đấm túi bụi vào người cha. Quan lại truyền đội lính khiêng hai đầu gông, đem sát hai chân của cha trên cây Thánh Giá. Cha co hai chân lên cao nhưng bọn lính đánh đau quá, lại vì bị hành hạ quá mệt nhọc cha không còn đủ sức để chống trả lại. Cha nói:

– “Các quan làm thì các quan mang tội. Tôi không bỏ đạo, không bỏ Chúa. Tôi luôn tin kính Chúa của tôi”

Lần này các quan hoàn toàn thất vọng nên bàn định làm án gửi về triều đình xin trảm quyết. Sau đó, lai dẫn cha về giam trong ngục, chờ đợi lệnh vua. Biết các quan đã làm án trảm quyết thì cha vui mừng trở vế nhà giam, vội vàng viết thư cho cha Tuyên và cha Năng. Để không bị lộ cha gọi hai cha bạn là bác, xưng mình là cháu. Lá thư cuối cùng Ngài viết như sau:

“ Kính thăm hai bác Tuyên và Năng. Cháu luôn nghĩ tới hai bác, nên viết những dòng chữ này để xin hai bác cầu nguyện cho cháu để xứng đáng nhận diễm phúc mà Chúa đã dành cho cháu. Cháu cảm tạ ơn Chúa đã giúp cháu đi qua được bảy chặng đường (7 lần tra tấn đau đớn?) và đây có lẽ là chặng cuối cùng (trảm quyết?)  Xin hai bác thương cháu khi hai bác dâng thánh lễ. Hai bác thiết tha xin Chúa cho cháu luôn can đảm và trung kiên đến giờ phút cuối cùng. Hai bác đã biết, cháu đau ốm suốt từ ngày đến đây cho tới bây giờ. Cháu thường bị hànhạ, bị xử tàn tệ hơn các bổn đạo rất nhiều. Các quan đã dùng hết mọi cách tàn ác có thể tưởng tượng được để áp đảo tinh thần rồi họ dùng bạo lức ép buộc cháu phải quá khoá và khai chỗ ở của Đức Cha Hermosilla. Tất cả đều vô ích, nhờ ơn Chúa và ĐứcMẹ giúp cháu vẫn cương quyết không bỏ đạo, không khai báo bất cứ một người nào có đạo.Các quan còn trao cho viên Cai Tù phải theo dõi và dò xét xem cháu liên lạc với ai hoặc.sơ hở điều gì về Đức Cha Hermosilla v.v. Họ tàn ác lắm hai bác ạ. Cuối cùng họ không làm gì được cháu nữa nên họ đã làm án xử trảm cháu rồi. Cháu vui mừng báo tin để hai bác cầu nguyện cho cháu và tạ ơn Chúa thay cho cháu nữa”.

Sau đó vài ngày, tức là ngày 18 tháng 9 năm 1840 án lệnh từ triều đình gửi về, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh cho gọi cha ra hầu tòa lần chót. Quan tổng đốc nói:

– “Ta nói cho ngươi biết, dù đã có lệnh vua truyền chém đầu ngươi, nhưng ngay bây giờ người bước qua Thánh Giá thì ta sẽ tha cho ngươi ngay”

Ngài bình tĩnh và vui vẻ đáp:

– “Thưa quan lớn, vua đã truyền tôi phải chém, thì xin quan lớn cứ chém theo lệnh vua. Tôi xin vui lòng chịu chết vì đạo Chúa Dứt khoát tôi không bao giờ quá khoá”.

Khi thấy quan quân chuẩn bị đem Ngài ra pháp trường, Ngài từ giã cha Nghi và cha Ngân cùng bị giam chung với Ngài. Hai cha này sau cũng được phúc tử đạo. Quân lính vào giải Ngài đi. Ngài quay lại nói:

– “Các cha ở lại bình an, tôi xin đi trước. Xin cầu nguyện cho tôi”.

Nói xong, bọn lính đầy Ngài ra đi tiến ra pháp trường. Có khá đông người đi theo trong đó có cả lương và giáo, phần nhiều là những người quen mến cha. Nhiều người muốn tới gần cha, nhưng bọn lính đông lắm nên họ làm hàng rào ngăn cách, không ai được tới gần. Cha nhìn thấy trong đám đông có nhiều người thân thiết, nhưng từ xa cha chỉ giơ vẫy tay chào.

Tới pháp trường, Bảy Mẫu Nam Định, bọn lý hình tháo gông và xiềng xích để Ngài quì phó dâng linh hồn trong tay Chúa. Khi được lệnh của quan lớn, chiêng trống vang lên, một lưỡi gương sắc bén từ trên lưng ngựa vụt bay qua, đầu vị tử đạo rơi xuống đất.

Hôm đó là ngày 18 tháng 9 năm 1840, kết thúc cuộc đời vị linh mục thánh thiện ở tuổi 68.

Các tín hữu xô vào tranh nhau thấm máu Ngài và thu nhặt tất cả những gì thuộc về Ngài. Họ đã làm sẵn một chiếc quan tài, xin xác và đầu của Ngài đặt vào quan tài và theo lệnh phải án táng tại chỗ. Mấy tháng sau vua Minh Mạng băng hà, bổn đạo xin phép cải táng rước vế an táng tại nhà chung Lục Thủy.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 21 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiến Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.