Ngày Họp Mặt “Đồng Hành Với Các Gia Đình Đang Gặp Khó Khăn” Giáo Hạt Trà Lồng

print

Ngày Họp Mặt

“Đồng Hành Với Các Gia Đình Đang Gặp Khó Khăn”

Giáo Hạt Trà Lồng

 

Vào lúc 7g30, Thứ bảy 20-7-2019, tại Nhà thờ Fatima, cha Giuse Nguyễn Văn Huỳnh, phụ trách Ban Mục Vụ hạt Trà Lồng, đã tổ chức buổi họp mặt quý gia trưởng và hiền mẫu. Trong ngày họp mặt có sự hiện diện của Cha Quản Hạt Pr. Nguyễn Thành Chất – Cha Pr. Huỳnh Ngọc Điệp, đặc trách Ban Mục Vụ Giáo Phận, cùng quý Cha trong hạt. Đặc biệt, có 300 quý gia trưởng và hiền mẫu của 17 Họ đạo về điểm hẹn tại Nhà Thờ Fatiama để  tham dự cuộc họp mặt với chủ đề: “Đồng Hành Với Các Gia Đình Đang Gặp Khó Khăn”.

Sau khi ổn định về việc đón tiếp, vào lúc 8h30, Cha Pr. Điệp đã chia sẻ chủ đề, ngài nhấn mạnh đến việc Giáo hội luôn quan tâm đến các gia đình đang gặp khó khăn. Đồng hành để hiểu biết, yêu thương, cảm thông, hướng dẫn các gia đình sống ơn gọi và sứ mạng hôn nhân.

Kế đến, quý gia trưởng và hiền mẫu đã chia sẻ chủ đề vừa được Cha Đặc Trách trình bày. Hầu như tất cả mọi người đều nhận định các gia đình trẻ ngày hôm nay đều bị chao đảo trước một xã hội ngày hôm nay. Nhưng nhờ Giáo phận, Họ đạo đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để sống, từ đó làm cho các gia đình trẻ ý thức và sống đức tin cụ thể hơn: Tham dự Thánh lễ nhiều hơn trước – đọc kinh tối trong gia đình.. quan tâm đến việc học hỏi  giáo lý hôn nhân…

Sau giờ chia sẻ quý gia trưởng và hiền mẫu đi lãnh nhận bí tích Hòa giải, cùng tham dự Thánh Lễ Tạ ơn và cầu nguyện cho các gia đình do Cha Quản Hạt chủ sự. Ngày hội diễn ra hết sức tốt đẹp, kết thúc vào lúc 13 giờ 30 ‘ cùng ngày.

Điều mà Giáo hội mong muốn, cũng là niềm thao thức của các chủ chăn mong sao quý gia trưởng và hiền mẫu hãy xây dựng gia đình mình thành:

Một cộng đoàn cầu nguyện.

Một cộng đoàn sống tình yêu hợp nhất và chung thủy.

Một cộng đoàn phục vụ sự sống.

Một cộng đoàn hăng say loan báo Tin Mừng.

******

 

THUYẾT TRÌNH HẠT TRÀ LỒNG

FATIMA   20/07/2019

 

ĐỀ TÀI :    ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN

 

Thuyết trình : Cha Pr. Huỳnh Ngọc Điệp

 

Kính thưa Anh chị em, 

Lời đầu tiên tôi xin kính chào quý Anh chị em đang hiện diện hôm nay dự ngày họp mặt các Gia đình của Hạt Tr Lồng.

 

Dẫn nhập

Từ năm 2014 chủ đề về gia đình được Giáo hội quan tâm một cách đặc biệt. Thư chung của HĐGMVN năm 2016 gởi cộng đồng Dân Chúa tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong 3 năm (2016 – 2019) với những điểm nhấn cho từng năm. Trong năm 2019 này, chúng ta được mời gọi đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Đồng hành để hiểu biết, yêu thuơng, cảm thông, hướng dẫn các gia đình sống ơn gọi và sứ mạng hôn nhân của mình tốt.

Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà gia đình lại được Giáo hội chú tâm đến như thế. Gia đình đang gặp nhiều khó khăn, nhiều vấn đề không ổn tạo ra một xã hội bất ổn được mọi người dành sự quan tâm nhiều hơn.

 

I. NHẬN ĐỊNH :

1. Đi thẳng vào chủ đề hôm nay : “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Vấn đề quan tâm trước hết là tình trạng xuống cấp trầm trọng của gia đình ngày nay :

+ Chữ Hiếu từng là vầng hào quang sáng chói của xã hội Á Đông nay đang bị lu mờ.

+ Chữ Thủy chung trong quan hệ vợ chồng, nay nhiều khi bị coi là lạc hậu, hủ lậu

+ Con cái muốn thoát ly quyền trông nom của cha mẹ. Cha mẹ coi thường nhiệm vụ giáo dục con cái.

+ Đời sống kinh tế gặp khó khăn vất vả, sinh hoạt trong xã hội bon chen, hưởng thụ… làm đánh mất những giá trị cổ truyền trong gia đình như lòng hiếu thảo, tinh thần hy sinh, nhịn nhục…

Hậu quả là đưa đến những cảnh đời sa đọa, những con người hết là người : cha giết con, con giết cha, trò phản thầy, vợ chồng bỏ nhau, giết nhau…Ngay cả trong các gia đình Công giáo, những đôi vợ chồng có bí tích hôn phối, lấy người khác, không phải là họa hiếm nữa.

2. Gia đình ngày nay đang thiếu cái gì ?

+ Cái thiếu nhất, đó là một nền đạo đức chân chính, bao gồm ý thức về những nghĩa vụ của con người đối với TC và tha nhân.

+ Kế đến là nền tảng đức tin không có chiều sâu, thiếu những buổi đọc kinh chung trong gia đình, thiếu những sinh hoạt phụng vụ và lãnh nhận các bí tích.

+ Gia đình ngày nay còn thiếu một điều quan trọng nữa, đó là thiếu Tình yêu. Tình yêu đối với TC và tình yêu giữa những thành viên trong gia đình với nhau.

 

II. HIỆN TRẠNG GIA ĐÌNH

Trong Tông huấn “Familiaris Consortio” về gia đình, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã lên tiếng báo động :

Trong giai lịch sử hiện nay, gia đình đang bị nhiều sức ép tìm cách hủy diệt hay ít ra là muốn làm méo mó nó đi” (FC 3).

Thật vậy, gia đình hiện nay đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đang bị lung lay tận gốc rễ. Cần phải quảng đại, thông minh, khôn khéo, theo gương vị Mục Tử nhân lành, khi dấn thân làm mục vụ cho các gia đình đang đối đầu với những khó khăn thật sự, thường ngoài ý muốn và do những đòi hỏi đủ loại (FC 77).

 

  1. Những hoàn cảnh đặc thù : Gia đình di dân      (FC 77)

a/   Ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới.

b/   Gia đình có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chẳng hạn như gia đình những người bị bó buộc phải vắng mặt lâu ngày : như quân nhân, thủy thủ, du mục, gia đình tù nhân, những người tị nạn hay bị lưu đày; những gia đình giữa đô thị mà thực tế lại sống bên lề; các gia đình không nhà cửa; các gia đình không đầy đủ, chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ; những gia đình có con bị tàn tật hay nghiện ma túy; những gia đình có những người nghiện rượu…..

c/   Gia đình những người di cư, thợ thuyền và nông dân : phải tìm cho mình được một quê hương ở khắp nơi trong Giáo hội. Nên các linh mục phải tận tình giúp đỡ họ về nghi lễ, văn hóa và ngôn ngữ. Hội Thánh kêu gọi các nhà cầm quyền giúp họ tìm được việc làm với đồng lương xứng đáng, gia đình sớm được đoàn tụ, căn tính văn hóa được thừa nhận, được đối xử bình đẳng, con cái họ được học và hành nghề, có được trú chân và sinh sống.

d/    Gia đình bị xâu xé trên bình diện ý thức hệ : những gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay vì những lẽ khác; những gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với giáo xứ; những gia đình bị bạo hành hay bị ngược đãi vì đức tin.

Những trường hợp này đòi phải có lưu tâm mục vụ đặc thù. Trước hết, một cách kín đáo, cần giữ sự tiếp xúc riêng với những gia đình như thế. Các tín hữu phải được củng cố trong đức tin và nâng đỡ trong đời sống Kitô hữu của họ.

e/   Gia đình ở tuổi vị thành niên, lớn tuổi, bệnh tật, neo đơn… những người già cả khi phải sống trong cô đơn và thiếu những phương tiện cần thiết để sinh sống.

Trong tất cả những tình cảnh ấy, “đừng bao giờ sao nhãng kinh nguyện là nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh, đồng thời cũng là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng Kitô giáo” (FC 77)

 

  1. Những cặp Hôn nhân khác đạo :

Trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình.

a/   Tỉ lệ người Công giáo :  Tại Á Châu, Kitô giáo chỉ chiếm 3,2%. Tại Việt Nam, tỉ lệ khoảng 5%. Giáo phận Cần Thơ là xấp xỉ gần 4%. Với tỉ lệ dân Công giáo khá thấp, một trăm người thì chưa được bốn người Công giáo, thì hôn nhân khác đạo là chuyện rất bình thường !

b/    Người Công giáo kết hôn với người chưa rửa tội : Ở nhiều miền khác nhau trên thế giới, người ta còn ghi nhận con số những cuộc hôn nhân giữa người công giáo và người chưa rửa tội ngày càng gia tăng. Trong một số trường hợp, người phối ngẫu không rửa tội có tuyên xưng một tôn giáo, những xác tín của người ấy phải được kính trọng, theo những nguyên tắc trong tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Công Đồng Vaticanô II về các tương quan với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Đối với những cuộc hôn nhân này, các Hội đồng Giám mục và các Giám mục cần liệu những phương sách mục vụ thích đáng, nhằm bảo đảm việc bảo vệ đức tin của người phối ngẫu công giáo và bảo vệ việc tự do thể hiện đức tin, nhất là về bổn phận người ấy phải làm hết sức để con cái được rửa tội, và giáo dục theo đức tin công giáo. Người phối ngẫu công giáo cũng phải được nâng đỡ mọi cách để biết cố gắng đem lại chứng tá đích thực về đức tin và đời sống công giáo ngay trong gia đình Kitô hữu. (FC 78)

c/   Những thách đố từ quan niệm của người ngoài Công giáo.

+ Xung đột về “thờ cúng tổ tiên” luôn là đối tượng chính hoặc nguyên nhân chính để đa số các bạn trẻ ngoài tôn giáo khi đến với người Công giáo vấp phải, khiến cho họ khó vượt qua một cách thiện nguyện để vào đạo Công giáo.

+  Nhiều người dễ dàng chấp nhận, nhưng cũng có nhiều người không thể chấp nhận được. Cũng từ đó hình thành nên quan niệm “theo đạo Công giáo là từ bỏ ông bà”. Khi một điều gì đó được coi là thiêng liêng nơi mỗi con người mà bị xúc phạm, bị gạt bỏ thì dễ dàng dẫn đến sự phản kháng và chống đối.

+  Khó khăn kế tiếp trong hôn nhân khác đạo là quan niệm rất “tương đối” đó là phát biểu :”đạo nào cũng tốt, cũng ddạy con người ăn ngay ở lành…”. Nhưng khi về chung sống với nhau thì “không phải lúc nào, đạo nào cũng tốt như đạo nào”, từ đó nảy sinh “đạo của tui”, hay là “đạo của ông/bà”, và rồi mâu thuẫn niềm tin tôn giáo.

 

  1. Một vài hoàn cảnh (hôn nhân) trái qui tắc (FC 79)

Do hoàn cảnh xã hội ngày nay thay đổi nhanh chóng về văn hóa, kinh tế và chính trị, những cuộc hôn nhân trái qui tắc đang lan tràn ngay cả giữa những người công giáo.

a/   Hôn nhân thử  (FC 80)

Tình trạng trái qui tắc đầu tiên thường được gọi là “hôn nhân thử” mà ngày nay nhiều người đang muốn biện minh bằng cách gán cho nó một vài giá trị nào đó. Thật là một điều không thể nào chấp nhận được.

+ Theo lý trí : Hôn nhân là cuộc kết hợp nhân vị nên không thể có sự thử nghiệm nhân vị, vì phẩm giá của nhân vị đòi hỏi nó phải luôn luôn là và chỉ có thể là đích điểm của tình yêu trao hiến trọn vẹn không chấp nhận một giới hạn nào, dù là giới hạn thời gian.

+ Về lãnh vực đức tin thì việc trao hiến thân xác trong tương quan tính dục là biểu tượng thực sự cho việc trao hiến trọn ngôi vị. Tình yêu trao hiến của hai người đã rửa tội là biểu tượng thực sự của sự kết hợp của Chúa Kitô và Hội Thánh, một sự kết hợp không thể nào có tính cách tạm bợ hay “để thử“, nhưng là trung tín đời đời; như thế, giữa hai người đã rửa tội, chỉ có thể có một hôn nhân bất  khả phân ly.

Vì vậy, cần chuẩn bị : từ thời thơ ấu phải giáo dục về nhân vị để có thể thiết lập tương quan tình yêu chân chính nhằm vượt thắng nhục dục; giáo dục để biết yêu thương đích thực, để sử dụng tính dục đúng đắn hầu đưa nhân vị tới mọi chiều kích của nó, kể cả thân xác tham dự vào trong sự viên mãn của mầu nhiệm Chúa Kitô. “Về phần Hội Thánh không thể chấp nhận loại kết hợp này, còn vì những lý do bổ túc và độc đáo khác phải phát xuất từ đức tin” (FC 80)

b/   Chung sống không hôn nhân  (FC 81)

Đây là trường hợp những đôi hôn nhân sống chung với nhau mà không có một ràng buộc cơ chế nào được công khai nhìn nhận, cả về dân sự lẫn tôn giáo. Hiện tượng này càng ngày càng trở nên thông thường.

1/ Những nguyên nhân :

–  Một số người cho rằng buộc phải đi đến tình trạng ấy vì những tình cảnh khó khăn về mặt kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Họ nghĩ rằng nếu thực hiện một cuộc hôn nhân đúng luật, họ sẽ bị thiệt thòi, bị mất mát các lợi ích kinh tế, bị kỳ thị..v..v…

–  Một số người khác lại gặp thấy một thái độ miệt thị, phản kháng hay chối bỏ đối với xã hội, cơ chế gia đình.

– Chỉ tìm kiếm lạc thú.

– Vì sự ngu dốt và nghèo nàn cực độ.

– Thiếu trưởng thành tâm lý nên do dự, sợ hãi không dám cam kết ràng buộc với ai lâu bền và dứt khoát.

– Sống theo hủ tục là chỉ khi nào sinh con đầu lòng mới tiến tới hôn nhân đúng nghĩa.

2/  Hậu quả :

–  Mất ý thức tôn giáo về hôn nhân (hình ảnh giao ước giữa TC và con người).

– Thiếu ân sủng bí tích.

– Gây gương xấu trầm trọng.

–  Phá hủy quan niệm về gia đình : làm suy yếu ý thức về sự trung thành, gây chấn động tâm lý cho con cái, cổ võ cho tính ích kỷ.

Các chủ chăn và cộng đồng Giáo hội :

– Tìm hiểu nguyên nhân, tiếp xúc và khai sáng cho họ để giúp hợp thức hóa tình cảnh của họ.

– Ngăn ngừa bằng cách giáo dục.

– Kiến nghị với các công quyền, để các quyền bính này chống lại những xu hướng bất hợp luật.

c/    Người công giáo kết hôn mà chỉ có hôn phối dân sự  (FC 82)

Đây là trường hợp những người công giáo muốn lập hôn phối dân sự mà từ chối việc cử hành hôn phối tôn giáo hoặc dời việc cử hành này lại sau.

–  Loại hôn phối này có thể được coi là có một sự dấn thân nào đó vào tình trạng sống đời hôn nhân ràng buộc, họ có ý thức về sự ràng buộc và về bậc sống mà họ bước vào.

–  Phải có sự đi đôi giữa sự chọn lựa đời sống và đức tin họ tuyên xưng.

–  Tình trạng này không thể cho họ xưng tội rước lễ. “Trường hợp những người công giáo… muốn lập hôn nhân dân sự mà từ chối việc cử hành hôn phối tôn giáo hoặc dời việc cử hành này lại sau… thì Hội Thánh không thể chấp nhận tình trạng này… nên các chủ chăn trong Hội Thánh không thể chấp nhận cho họ xưng tội rước lễ…”  (FC 82)

d/    Những người ly thân và những người ly dị không tái hôn  (FC 83)

– Có những nguyên nhân khác nhau, như sự thiếu thông cảm giữa vợ chồng, thiếu khả năng mở ra giữa các tương quan liên vị …v..v… có thể làm cho cuộc hôn nhân thành sự đi tới chỗ đổ vỡ đau thương, mà thường không hàn gắn nổi. Hiển nhiên là việc ly thân chỉ có thể được dùng như phương thuốc cuối cùng sau khi đã dùng đủ mọi cố gắng để tránh mà không hữu ích gì. Giáo hội phải nâng đỡ họ hơn bao giờ hết, giúp họ biết vun trồng sự tha thứ và sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng trước kia.

– Ly dị không tái hôn : Tình trạng này chứng tỏ sự trung thành và cuộc sống không ăn khớp với đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn có một giá trị đặc thù là giá trị của một chứng tá. Họ được tham dự các bí tích.

 

e/   Những người ly dị tái hôn  (84)

+ Là trường hợp những người có hôn phối thành sự nhưng cố tình phá đổ để tái hôn. Đây là một đại họa ngày càng lan rộng.

+ Qua các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay giúp chúng ta thấy rằng ở các nước phương Tây việc ly dị đã trở nên quá phổ biến. Ngay cả những gia đình công giáo việc ly dị cũng thường xảy ra mặc dù giáo luật của đạo Công giáo không cho phép.

+ Theo thống kê của Liên hợp quốc, những năm gần đây, tỉ lệ ly hôn ở nhiều quốc gia  trên thế giới đều có xu thế gia tăng, trong đó có Châu Á.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2010, nước ta có gần 88.000 vụ ly hôn. Trong đó số cặp vợ chồng trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 30%. Đáng báo động ! Tỉ lệ ly hôn / kết hôn ở Việt Nam là 31,4% tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Con số khó tin, nhưng đó là sự thật. Điều đáng buồn hơn là 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 23 – 30 tuổi, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 – 7 năm và hầu hết đã có con…

Riêng tại Thành phố Cần Thơ, năm 2015, tòa án Quận Ninh Kiều giải quyết 771 vụ ly hôn, trong đó có 985 đôi đăng ký kết hôn, và gần 90% số vụ ly hôn do người vợ chủ động.

 

+  Hội Thánh không thể bỏ mặt những người này. Hội Thánh luôn làm thế nào để họ không cảm thấy bị xa lìa Hội Thánh như : nghe Lời Chúa, dự lễ, cầu nguyện, giáo dục con cái theo công giáo, hoạt động bác ái. “Các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh. Người ta sẽ mời họ lắng nghe Lời Thiên Chúa, tham dự Hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh để phụng sự công lý”. (FC 84)

* Những đôi hôn phối này không được hiệp thông với Thánh Thể, vì đã đánh mất khả năng ấy do đời sống họ mâu thuẫn với sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và Hội Thánh mà Thánh Thể biểu lộ. Vì thế, nếu cho họ hiệp thông Thánh Thể sẽ gây gương xấu và hiểu lầm về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối.

* Đối với bí tích Giải tội : đòi hỏi phải có lòng thống hối tức là thành thật và chấp nhận một hình thức sống không còn mâu thuẫn với sự bất khả phân ly của bí tích hôn nhân; cũng có thể cho lãnh bí tích giải tội khi có lý do hệ trọng như để làm gương và giáo dục con cái mà không thể xa lìa nhau được thì họ phải quyết tâm sống tiết dục hoàn toàn tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng.

* Cấm mọi mục tử không vì lý do nào cho dù là lý do mục vụ đều không được cử hành bất cứ một thứ nghi thức nào cho những người đã ly dị nay tái hôn (vì làm cho có cảm tưởng việc cưới hỏi mới này thành sự, và như thế làm cho hiểu sai về tính bất khả phân ly của bí tích hôn nhân). Hội Thánh tin rằng những người này có thể nhận được ơn hoán cải nếu kiên trì cầu nguyện, thống hối và làm việc bác ái. 

f/   Những người không gia đình  (FC 85)

Đây là những người không có được một gia đình tự nhiên nên phải sống đơn độc do nghèo khổ cùng cực, hay một lý do nào khác. Đại gia đình Hội Thánh luôn luôn đón nhận để không ai cảm thấy là vô gia đình

 

III. ĐỊNH HƯỚNG MỤC VỤ

 

Thư Mục vụ năm 2018 của HĐGMVN mời gọi đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Cụ thể chúng ta cần lưu tâm đến những hoàn cảnh sau :

  1. Đối với Gia đình di dân :

Thư Mục vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh 2018 của Giáo phận Cần Thơ : chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp để những kẻ đi xa cũng như những người ở lại nhà đều cảm thấy rằng : cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa nhữngkhó khăn thử thách về tinh thần lẫn vật chất. Cụ thể, Quyết định thực hành mục vụ GPCT 2019 là : thăm viếng / giữ liên lạc và giúp đỡ.

  1. Đối với những cặp hôn nhân khác đạo :

Vì thế, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là giúp người phối ngẫu Công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm. (Thư MV – HĐGMVN 2018, số 2).

  1. Đối với những gia đình đổ vỡ :

a. Người ly dị không tái hôn :

+ Thường là những chứng nhân của lòng trung thành trong hôn nhân, cần được khích lệ tìmt hấy trong Thánh Thể lương thực nâng đỡ tình trạng hiện tại của họ, cộng đoàn địa phương và các mục tử phải đồng hành với những người này cách ân cần.

+ Những người ly thân, ly dị và bị bỏ rơi cần được đón tiếp và trân trọng.

+ Tha thứ cho những bất công mình phải chịu thì không dễ chút nào, nhưng ân sủng sẽ giúp người ta có thể tha thứ với thời gian. Do đó cần có một mục vụ hòa giài và trung gian thông qua các trung tâm tham vấn chuyên biệt được thiết lập trong các giáo phận.

Giáo hội phải nâng đỡ họ hơn bao giờ hết,“phải giúp người ấy biết vun trồng sự tha thứ mà tình yêu thương Kitô giáo đòi hỏi và biết luôn luôn sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng trước kia… Đối với những người này, Hội Thánh phải đem lại cho họ mọi sự giúp đỡ đầy khích lệ ưu ái, và cho họ tham dự các bí tích, không một cản trở nào”  (FC 83)

b. Người ly dị tái hôn :

+ Điều quan trọng là làm cho họ cảm thấy họ vẫn là thành phần của Hội Thánh, họ “không bị rút phép thông công”, và không bị đối xử như vậy.

+ Phải có sự phân định cẩn thận và đồng hành hết sức tôn trọng, tránh mọi kiểu nói và thái độ làm cho họ cảm thấy bị kỳ thị, cần khuyến khích họ tham gia vào đời sống của cộng đoàn.

+  Chăm sóc họ không làm cho đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng cho sự bất khả phân ly hôn nhân bị suy yếu đi. Chính xác hơn, chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình.

Tóm lại, dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã ly dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.

 

KẾT :

Chúng ta cầu xin cho tất cả các gia đình biết sống theo gương mẫu của Thánh Gia để được hạnh phúc đời này và đời sau. Xin nâng đỡ, ủi an những gia đình bị khủng hoảng, đang gặp những khó khăn ; hàn gắn những gia đình bị rạn nứt, đổ vỡ… Muốn được như vậy, gia đình chúng ta phải biết gắn bó với Lời Chúa, siêng năng đọc Lời Chúa, sống tôn trọng yêu thương nhau.