Người Môn Đệ Chúa Yêu
Lm. Dom. Đinh Viết Tiên, OP.
I. Môn đệ, người là ai ?
Thần học Tin mừng Gioan không phân biệt giữa Tông đồ – Môn đệ. Mọi người đều có thể trở thành môn đệ. Ba yếu tố để trở thành môn đệ :
– Tin vào Đức Giêsu và ở lại trong Lời của Ngài (x. Ga 8,31)
– Yêu thương nhau như Ngài đã yêu (x.Ga 13,35)
– Tôn vinh Chúa Cha (x.Ga 15,8)
Trong bữa ăn cuối cùng, Tin Mừng thứ Tư ghi lại: “Trước lễ Vượt Qua Đức Giêsu biết rằng giờ của Ngài đã đến, Ngài đã yêu thương kẻ thuộc về mình…và đã yêu đến cùng” (x.Ga 13,2). Kiểu nói này ám chỉ tất cả những người đã tin vào Đức Giêsu.
II. Người Môn Đệ Chúa Yêu là ai?
Chúng ta ngạc nhiên tại sao người môn đệ này không xưng tên tuổi của mình, không nói rõ ra mình là ai, và trong 2000 năm qua, các nhà nghiên cứu về người Môn Đệ Chúa Yêu vẫn luôn luôn xem coi người này là ai và hầu hết đều nói đây là thánh Gioan. Dù thánh Gioan cũng đã chết nhưng người Môn Đệ Chúa Yêu thì vẫn còn mãi cho đến ngày Chúa trở lại. Đọc Phúc âm thứ tư, chúng ta thấy rất rõ điều đó.
Thánh Augustinô dựa trên 5 điểm trong Phúc âm Gioan đề cập đến người môn đệ Chúa yêu để nói rằng:
1/ Hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa
Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, sau đó Người nói : một người trong anh em sẽ nộp Thầy (x.Ga 13,21). Các môn đệ phản ứng về lời loan báo của Đức Giêsu. Trong bối cảnh này người Môn Đệ Chúa Yêu xuất hiện lần đầu tiên trong Tin Mừng (x.Ga 13,22-26).
Thánh Phêrô đưa mắt làm hiệu cho người Môn Đệ Chúa Yêu, và người này hiểu được ý của người anh cả Phêrô của mình, đồng thời cũng là vị bề trên của mình, lập tức ông nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu. Thực ra chỉ cần nghiêng qua hỏi nhỏ Chúa là đủ rồi : “Thưa Thầy, Thầy nói về ai vậy ?”.
Vậy người Môn Đệ Chúa Yêu gục đầu vào ngực Chúa đó là hình ảnh của người môn đệ lắng nghe tiếng nói của trái tim, lắng nghe niềm tâm sự của Chúa Giêsu.
Tư thế của người Môn Đệ Chúa Yêu trong bữa Tiệc ly “tựa vào lòngChúa Giêsu” (Ga 13,23) cho chúng ta 2 điểm để suy nghĩ.
a). Trong lời tựa Tin Mừng thứ Tư đã mặc khải vị trí và tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha: “chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ, Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha, chính Đấng ấy sẽ tỏ cho biết” (Ga 1,18). Như vậy tương quan giữa Người Môn Đệ Chúa Yêu với Chúa Giêsu cũng thế.
b). Đàng khác thái độ của Người Môn Đệ Chúa Yêu gục đầu vào ngực Chúa là hình ảnh người môn đệ lắng nghe nỗi niềm của Chúa Giêsu trước cuộc khổ nạn.
Ngày hôm nay Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta lắng nghe cuộc khổ nạn của nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh. “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24)
Vậy thái độ của người Môn Đệ Chúa Yêu hướng lòng về niềm tâm sự của Chúa, lắng nghe cuộc khổ nạn của Chúa không phải chỉ dừng lại năm xưa mà thôi, mà người môn đệ đó phải luôn luôn đồng cảm với Hội Thánh bị bách hại trong mọi thời đại.
2/ Bên thánh giá, cùng với Đức Mẹ lãnh nhận Thần Khí
Người Môn Đệ Chúa Yêu bên thập giá Chúa Giêsu. Ở đây, chúng ta lại thấy một nét hết sức tế nhị, tinh tế của người Môn Đệ Chúa Yêu. Đọc kỹ phúc âm, chúng ta thấy thánh Gioan nói rằng : “Đứng bên Thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, bà Maria Clêôpat, Maria Magđala. Trông thấy Mẹ và bên cạnh có người Môn Đệ Ngài Yêu, Ngài liền nói : Thưa Bà, đây là con bà. Này là mẹ con” (Gn19, 26). Và như vậy có nghĩa là, khi tường thuật về sự hiện diện của những người bên Thập giá Chúa Giêsu, thánh Gioan cố tình không ghi lại sự hiện diện của người Môn Đệ Chúa Yêu, chỉ có Đức Mẹ, bà Maria Clêôpat, Maria Magđala. Vậy người Môn Đệ Chúa Yêu đứng ở chỗ nào bên Thập giá của Chúa Giêsu ?
Tìm hiểu về điều này có hai ý nhỏ :
– Ý thứ nhất, do sự tế nhị lạ lùng, theo lẽ người đứng bên thập giá chính là Phêrô. Vậy mà Phêrô không có mặt, tác giả Tin Mừng thứ tư đã không đề cập đến sự hiện diện của Người Môn Đệ Chúa Yêu, không làm lu mờ ảnh hưởng của người anh của mình, của người bề trên mình. Giả như Phêrô có mặt, Gioan sẽ kể luôn Người Môn Đệ Chúa Yêu vào danh sách những người hiện diện.
– Ý thứ hai, hơn nữa không ai có thể trực diện với Thánh giá của Chúa, là một thử thách quá sức lớn lao. Vậy sự khôn ngoan là hãy cậy nhờ Đức Mẹ, hãy núp bên tà áo của Đức Mẹ, và như vậy, ta thấy hình ảnh Người Môn Đệ Chúa Yêu giống như một người con bé nhỏ nép mình bên mẹ. Nhờ Mẹ, con hướng về Thánh giá. Nhờ Mẹ, con hiện diện bên Thánh giá của Chúa, và như vậy không làm đau khổ cho Phêrô, cũng không làm cho các môn đệ khác phải nghĩ ngợi bởi vì không có ai hiện diện cả.
Vậy dưới chân Thánh giá của Chúa, Người Môn Đệ Chúa Yêu đã được cái gì ? Ngài được hai hồng ân
– Hồng ân thứ nhất là trở nên người con của Mẹ Maria – người con mà Mẹ Maria sinh ra từ mầu nhiệm Thánh giá Chúa Giêsu, để một đàng chứng kiến điều tiên tri Simeon đã nói : Một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn bà. Cuộc khổ nạn của Chúa cũng chính là cuộc khổ nạn của Mẹ. Qua cuộc khổ nạn này, Mẹ sinh ra người con mới. Người Môn Đệ Chúa Yêu được tái sinh, đón nhận sự sống thần linh từ cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Mẹ Maria trở nên người Mẹ mới và ngài đón nhận Đức Mẹ về nhà mình. Kể từ giờ đó ngài đón nhận Đức Mẹ về trong cuộc sống của mình để trong cuộc sống của Người Môn Đệ Chúa Yêu không bao giờ vắng bóng Mẹ Maria.
– Hồng ân thứ hai, Ngài trao ban Thần khí, Ngài trao ban Thánh thần, hơi thở của Đức Giêsu lúc bấy giờ chính là Thánh Thần. Thánh Thần được trao ban từ cái chết của Đức Giêsu. Chính Ngài có lần nói : Thánh Thần chưa được trao ban vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh. Cái chết của ngài là sự tôn vinh Chúa Cha, vâng phục Chúa Cha. Ngài gục đầu trao ban Thần Khí. Hơi của Ngài được tiếp nối, được diễn tả khi cạnh sườn của Ngài được khai mở, máu và nước chảy ra, nước Thánh Thần. Người môn đệ khi chứng kiến máu và nước từ cạnh sườn chảy ra thì người môn đệ đã la lên: “Tôi đã thấy. Tôi làm chứng và chứng của tôi là chứng thực, và có Chúa làm chứng cho tôi là tôi nói thực để cả anh em nữa cũng tin” (Gn 19,35).
Vì vậy, dưới chân Thập giá, Người Môn Đệ Chúa Yêu chịu xoá mình đi, nhưng ngài đã đón nhận Đức Maria là người mẹ thiêng liêng của mình để như một dấu chỉ mình được tái sinh trong nước và Thánh Thần, được tái sinh trong cái chết của Chúa Giêsu.
3/ “Tôi đã thấy và tôi đã tin”
Người Môn Đệ Chúa Yêu trong Mầu Nhiệm Sống lại của Chúa Giêsu. Trong chương 20, thánh Gioan tường thuật : “Sáng sớm, Maria Magđala chạy ra thăm mồ lúc trời còn tối”. Một đàng là sáng rồi nhưng ngài vẫn cố tình nói : lúc trời còn tối, có nghĩa là Maria Magđala chạy ra theo cảm tính của con người thế gian, nên chỉ thấy ngôi mộ trống.
Bà thấy mồ trống, chạy về nhà loan báo cho những người trong nhà, tức thì Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy ra mồ. Người Môn Đệ Chúa Yêu chạy tới trước, ông đã thấy băng vải còn đó, nhưng ông không vào, đợi Phêrô vào, Phêrô nhìn mọi sự, thấy khăn liệm của Chúa Giêsu để qua một bên, khăn trùm đầu được xếp lại một chỗ, có nghĩa là sự chết không khống chế được con người Chúa Giêsu.
Sau đó Người Môn Đệ Chúa Yêu mới bước vào. Ông đã thấy và ông đã tin. Thực vậy, ở Ga 20,8, hành động tin của Người Môn Đệ Chúa Yêu không có túc từ. Điều này cho phép hiểu tin theo nghĩa rộng hay theo nghĩa tuyệt đối. “Tin” không kèm theo túc từ ámchỉ tới mọi khía cạnh của lòng tin.
Có thể hiểu Người Môn Đệ Chúa Yêu không chỉ tin Đức Giêsu, tin vào những lời Đức Giêsu đã nói, tin rằng Đức Giêsu là Đấng Đức Chúa Cha sai đến, tin Đức Giêsu là Đấng có khả năng ban sự sống đời đời; mà còn tin ở mức độ cao nhất là tin rằng Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa” như lời Tôma tuyên xưng trước Đấng Phục sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” (Ga20,28).
Trước ngôi mộ trống, người đọc nhận ra phẩm chất của Người Môn Đệ Chúa Yêu về sự gắn bó với Chúa Giêsu. Trình thuật cho thấy môn đệ này: đến trước, thấy trước và tin trước.
4/ Sống chan hòa trong Hội Thánh
Người Môn Đệ Chúa Yêu sống chan hòa trong Hội Thánh. Chương 21 câu 7 : Phêrô cùng với các bạn vất vả suốt đêm không được con cá nào. Chán nản ! Gặp một người ở trên bờ bảo rằng : “Hãy quăng lưới bên hữu”. Phêrô đã quăng lưới bên hữu và kéo lên, cá nhiều cho đến độ lưới hòng rách, phải nhờ nhiều người khác nữa đến để phụ giúp. Người Môn Đệ Chúa Yêu nói với Phêrô ‘Chúa đó’.
Quên hết vất vả, quên hết mệt nhọc Phêrô lao mình xuống bể, vươn tới Chúa Giêsu. Thái độ tế nhị của Người Môn Đệ Chúa Yêu chan hòa trong cộng đoàn các Tông đồ. Lời của Người Môn Đệ Chúa Yêu vẫn văng vẳng bên tai chúng ta hôm nay : Chúa đó, đừng sợ ! Chúa đó, đừng nản lòng ! Chúa đó, Ngài vẫn mãi mãi trung thành ! Lời đó như thông truyền sức mạnh cho người tín hữu.
Đức Hồng Y Albert Vanhoye SJ: Lời Chúa là nguồn an ủi, mà còn là “nguồn trợ lực” (renfort). Lời Chúa trở thành sức mạnh. Và Ngài nói: Trong bối cảnh Giáo hội nơi này nơi kia cũng gặp nhiều thử thách. Lời Chúa không những an ủi những Giáo hội gặp thử thách, mà Lời Chúa còn là sức mạnh để nâng đỡ và vực dậy Giáo hội .
Vâng trong Hội Thánh, Người Môn Đệ Chúa Yêu nâng đỡ, không những nâng đỡ anh em mình, mà đặc biệt nâng đỡ bề trên của mình, Đấng có trách nhiệm của mình. Nếu suy nghĩ cho kỹ, chúng ta thấy bề trên của chúng ta trong Giáo Hội nhiều gánh nặng vô cùng. Vâng, Người Môn Đệ Chúa Yêu nâng đỡ anh em, bảo vệ bề trên của mình, và điều này chúng ta thấy Người Môn Đệ Chúa Yêu thật đáng khâm phục.
5/ Hướng về ngày Chúa quang lâm
Và cuối cùng đó là câu nói của thánh Phêrô, sau khi Chúa nói rằng “Con hãy theo Ta”, và tác giả Tin Mừng thứ tư nói “theo” Đức Kitô tức là đi đến cái chết. Khi biết như vậy rồi, lúc con đã lớn tuổi, người ta thắt lưng cho con và dẫn đến nơi con không muốn đến. Phêrô chấp nhận sứ mạng đi theo Chúa cho đến cùng ; rồi ông quay lại thấy Người Môn Đệ Chúa Yêu : Dạ con thì như vậy rồi ,còn anh bạn con thì sao ? Chúa nói : “Nhưng Thầy muốn nó còn tồn tại cho đến ngày Thầy trở lại thì việc gì đến con”.
Nghe lời đó, có lời đồn Người Môn Đệ Chúa Yêu không chết. Thánh Gioan nói không phải ! Chúa không nói như vậy ! Chúa chỉ nói Người Môn Đệ Chúa Yêu tồn tại cho đến ngày Chúa trở lại. Vâng chúng ta thấy rất rõ, những ai gắn bó với mầu nhiệm khổ nạn của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, thì đón nhận Đức Mẹ và Thánh Thần.
Những ai sống trong đức tin của Phêrô, những ai nâng đỡ anh em, đặc biệt nâng đỡ Hội Thánh trong những lúc gặp khó khăn thử thách, người đó luôn luôn như là dấu chỉ hồng ân Chúa ban cho Hội thánh ; để hiện diện hết thế hệ này đến thế hệ kia cho đến ngày Chúa trở lại!
Tạm kết về hình ảnh Người Môn Đệ Chúa Yêu trong Tin Mừng thứ Tư qua bốn điểm sau :
* Đặc điểm thứ nhất là phẩm chất về tương quan mật thiết giữa Người Môn Đệ Chúa Yêu và Đức Giêsu. Nếu như Đức Giêsu “ở nơi cung lòng ChúaCha” (Ga 1,18), thì người môn đệ này “ở nơi cung lòng Đức Giêsu trong bữa Tiệc ly” (Ga 13,23)
* Đặc điểm thứ hai liên quan với tương quan với Phêrô. Bản văn không cho phép nói đến sự cạnh tranh quyền hành giữa phêrô và Môn Đệ Chúa Yêu. Phêrô là người đứng đầu nhóm các môn đệ, nhưng trong lãnh vực: “tình yêu”, “sự hiểu biết”, và “tương quan với Chúa Giêsu” thì Người Môn Đệ Chúa Yêu nổi bật hơn Phêrô.
– Phêrô phải nhờ môn đệ này làm trung gian để biết thông tin
– Khi ra mộ Đức Giêsu vào ngày thứ nhất trong tuần, ông đã thấy và ông đã tin
– Bên bờ biển hồ Tibêria nhờ Người Môn Đệ Chúa Yêu mà Phêrô biết Người đứng bên bờ biển hồ là Đức Giêsu Phục sinh.
– Chúa thông báo Phêrô sẽ chết tử đạo, còn Người Môn Đệ Chúa Yêu sẽ ở lại cho đến khi Đức Giêsu lại đến
* Đặc điểm thứ ba: trước khi chết Chúa Giêsu đã qui tụ một gia đình mới dưới chân thập giá để đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Và Người Môn Đệ Chúa Yêu đã đón nhận thân mẫu về nhà mình. Sự kiện này có ý nghĩa thần học quan trọng. Thân mẫu Đức Giêsu dại diện cho dân It-ra-en trung tín, biết lắng nghe và đón nhận mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, đã hội nhập vào cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu.
– Mà người đứng đầu là Người Môn Đệ Chúa Yêu. Điều này vừa cho thấy sự nối kết giữa toàn thể dân It-ra-en và toản thể Hội Thánh vừa là lời mời gọi dân It-ra-en tin vào Đức Giêsu, hội nhập vào cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu để đón nhận sự sống của Thiên Chúa.
– Hơn nữa, với gọi ý song song giữa thân mẫu Đức Giêsu và người đàn bà trong lời hứa Cứu độ của Đức Chúa ở St 3,15, biến cố Người Môn Đệ Chúa Yêu đón nhận thân mẫu về nhà mình trở thành lời mời gọi toàn thể nhân loại gia nhập cộng đoàn Đức Giêsu để được Cứu độ.
* Điểm nổi bật thứ tư nơi Người Môn Đệ Chúa Yêu là vai trò chứng nhân. Lời chứng của người môn đệ này là đáng tin cậy và đúng sự thật. Chính Người Môn Đệ Chúa Yêu: “người ấy biết rằng mình nói sự thật” (Ga 19,35).
Vậy bốn đặc tính như trên hình ảnh Người Môn Đệ Chúa Yêu trong Tin Mừng thứ Tư mang ý nghĩa biểu tượng cao. Nhân vật này được trình bày như mọt người môn đệ vô danh, tình yêu Chúa Giêsu dành cho người môn đệ này không chỉ dành cho riêng mình.
Ngược lại tương quan thân tình giữa người môn đệ này và Đức Giêsu trở thành khuôn mẫu cho tất cả các môn đệ khác.
Qua nhân vật Người Môn Đệ Chúa Yêu, người tín hữu trong mọi thời đại nhận ra rằng: Đức Giêsu cũng yêu chúng ta như đã yêu mến người môn đệ này, bởi Người đã chết vì yêu thương “những kẻ thuộc về mình”. Tình yêu của Đức Giêsu dành cho tất cả các môn đệ được cụ thể hoá nơi Người Môn Đệ Chúa Yêu.
Từ những trình bày trên, nhân vật Người Môn Đệ Chúa Yêu có tính biểu tượng và mong muốn mọi người đều được phép trở nên Người Môn Đệ Chúa Yêu.