Người Môn Đệ Được Sai Đi Phải Nhẹ Nhàng Thanh Thoát

print

Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B

Người Môn Đệ Được Sai Đi Phải Nhẹ Nhàng Thanh Thoát

Lm. Giuse Nguyễn

Kỳ hè là “mùa bội thu” của Giáo hội Việt Nam với rất đông các Linh mục được phong chức cho các Giáo phận, các Dòng tu; và những Tu sĩ được tuyên khấn trong các Hội dòng. Nhiều người lầm tưởng những Thánh lễ như thế là để kết thục chặng đường sau thời gian tu luyện; và vì thế, trở thành Linh mục và Tu sĩ là đích đến cho một ơn gọi riêng biệt trong Giáo hội. Thưa không, những Thánh lễ phong chức và nghi thức khấn dòng chỉ là một bước khởi đầu cho hành trình mới, vì Linh mục và Tu sĩ là những người được chọn để sai đi chứ không phải để hưởng thụ. Do đó bối cảnh phụng vụ lời Chúa hôm nay sống động như kỳ hè của Giáo hội Việt Nam hiện tại với những con người được tuyển chọn và sai đi.

Bài đọc thứ nhất kể về câu chuyện Amos được Chúa bắt đi làm tiên tri trong khi ông bị người ta hiểu lầm sứ mạng của mình. Người hiểu lầm này lại là một ông tiên tri khác, nhưng là tiên tri giả. Amos sống ở miền Nam, nhưng Thiên Chúa sai ông ra miền Bắc, vì ông tiên tri ngoài miền Bắc nói không đúng ý Chúa, ông cứ chìu theo nhà vua và dân chúng, nên nói những điều dễ nghe, không đúng sự thật, do đó nhà vua cho ông thật nhiều tiền. Khi thấy Amos xuất hiện, vị tiên tri giả này cũng tưởng ông đến kiếm tiền nên đuổi ông đi chỗ khác. Amos trả lời: “Tôi không phải là tiên tri. Tôi là một thằng chăn chiên, nhưng Thiên Chúa đã bắt tôi đi nói tiên tri cho Ngài”.

Không có sự tuyển chọn nào giống sự tuyển chọn nào, và trường lớp của Thiên Chúa cũng không có hệ thống khoa học theo tiêu chí nào. Chẳng biết Thiên Chúa đào luyện Amos ra sao, mà lại chọn ông một cách ép buộc và làm một việc khó khăn như thế. Ông được Chúa chọn để chống lại tiên tri giả, và vì thế ông bị ghét.

Còn các Tông đồ ít nhất đã theo Thầy Giêsu đươc 3 năm. Hôm nay Ngài “gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi” (Mc 6, 7). Yếu tố căn bản để Thầy hiệu trưởng Giêsu sai 12 Tông đồ đi không phải vì các ông đã thuộc bài, đã qua các kỳ thi tuyển… nhưng là vì các ông đã được ở với Ngài.

Thầy Giêsu không dạy đệ tử phải nói gì trên bước đường truyền giáo, nhưng các ông “ra đi rao giảng sự thống hối” (Mc 6, 13). Chắc chắn đó là kinh nghiệm mà các ông đã trãi nghiệm với Thầy Giêsu, và nhận ra hoán cải là bước đầu tiên của việc đón nhận Tin mừng. Chính các ông đã được Thầy Giêsu cải hóa.

Thầy Giêsu không chỉ đệ tử phải làm gì, nhưng các ông lại trừ quỷ và chữa lành bệnh nhân. Chắc chắn điều đó các ông đã bắt chước Thầy mình và cảm nghiệm việc chữa lành là yếu tố cần thiết trên bước đường theo Chúa.

Như vậy điều cần thiết nhất nơi người môn đệ là ở với Thầy, còn nói gì, làm gì sẽ hệ tại ở việc gắn bó với Thầy ra sao. Tuy nhiên, người môn đệ được chọn luôn luôn là để sai đi. Vì thế sau khi ở với Thầy, người môn đệ phải “ra đi” loan báo Tin mừng bằng chính đời sống của mình.

“Ở với Thầy” trong Thánh Lễ, sau đó người môn đệ được mời gọi đi về, không phải để nghỉ ngơi, nhưng là để đem Chúa đến cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Thánh lễ được tiếp nối bằng việc vào đời với Chúa. Nếu cùng Chúa vào đời thì mọi lời nói, việc làm của người môn đệ phải ngay chính. Nếu cùng Chúa vào đời thì người môn đệ không thể giận hờn ghen ghét… Và còn hơn thế nữa, nếu cùng Chúa vào đời người môn đệ có bổn phận mang đời đến gần Chúa để được Ngài thánh hóa nên đời nên thánh.

Điều đặc biệt trong phụng vụ lời Chúa hôm nay đó là khi sai các Tông đồ ra đi, Chúa Giêsu truyền cho họ phải nói gì, làm gì, nhưng Ngài chỉ dạy cho họ cung cách của một người được sai đi. Qua đó chúng ta thấy Thầy Giêsu quan tâm đến phẩm chất của người môn đệ.

Tất cả những lời chỉ dạy của Thầy Giêsu đều liên quan đến đòi hỏi sống khó nghèo: “Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo”. (Mc 6,8). Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin nơi Đấng đã sai họ. Thánh Phaolô sẽ khai triển đòi hỏi này khi khẳng định: “Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,6-7). Thánh Phaolô cũng khoe về sự nghèo khó của mình: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu… nhưng tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy… có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (l Cr 2,1-5).

Điều Đức Giêsu muốn, đó là những con người phải nhẹ nhàng, không có những hành trang cồng kềnh, luôn sẵn sàng đi nơi khác. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự “làm nhẹ bớt” để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Còn tôi? Tôi sống thế nào trước đòi hỏi nghèo khó này? Đức Giêsu đã nói rõ với các môn đệ của Người, chỉ mang theo những vật hết sức cần thiết. Chiến thắng sự cám dỗ của tiền bạc là chiến thắng đầu tiên của Tin Mừng, là bài giảng đầu tiên rất cần thiết cho một thế giới tham lam, là trận chiến hàng đầu (nơi chính bản thân mình trước hết) chống lại một kẻ thù lớn của nhân loại: Sự chiếm hữu của cải! Nguồn gốc của chia rẽ, tranh chấp và kiêu ngạo!

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thổi hồn tông đồ của Mẹ vào trái tim con, để con luôn sẵn sàng ra đi sống sứ vụ của người môn đệ mọi lúc mọi nơi.