‘Người Samari nhơn lành’ – nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật và cả luật pháp

print

‘Người Samari nhơn lành’

 nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật và cả luật pháp

 

 

El bon_samarità (1838), de_Pelegrí Clavé i Roquer

Jnewsvn.com – Ở một số ít nước như Anh, Mỹ, Canada… có một điều luật gọi là “Good Samaritan” – “Người Sa-ma-ri nhơn lành” – nhằm bảo vệ những người hay ra tay cứu giúp các nạn nhân.

822px-Jan_Wijnants_-_Parable_of_the_Good_Samaritan

Thật vui vì người Việt Nam ta cũng đã có truyền thống đó! Trước đây để chỉ những người bênh vực kẻ sức yếu, thế cô, gặp hoạn nạn… người ta gọi họ là “Lục Vân Tiên”, tức bậc trượng phu, vị nghĩa quên thân, giúp người, “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha’ – xuất phát từ nhân vật và truyện thơ cùng tên của nhà văn Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu), người gốc Bến Tre.

Nếu người giúp hoàn toàn tự nguyện, không toan tính, vụ lợi… họ sẽ không chịu trách nhiệm gì trước pháp luật nếu nạn nhân gặp rủi ro (tàn phế, qua đời…); mục đích khuyến khích những người hay bàng quan nên giúp đỡ đồng loại trong hoạn nạn.

Ở Trung Quốc, thật lạ, mãi đến năm 2017 mới có luật “Good Samaritan”, dù hơi khác với luật Anh, nhưng cũng là một bước tiến khá dài, bắt đầu từ một câu chuyện thương tâm: Cuối năm 2011, tại Quảng Đông có một bé gái 2 tuổi tên Vương Duyệt đi lạc ngoài đường. Một chiếc xe van tông vào em. Tài xế dừng lại nhưng không thèm rời khỏi xe. Sau khoảnh khắc toan tính, y từ từ dấn ga để bánh sau xe cán hẳn lên người em bé. 

Có đến gần 20 người đi qua nhìn thấy tai nạn, nhưng tuyệt nhiên không một ai ra tay cứu giúp. Đoạn video dài 9 phút cho thấy có cả những người chở con nhỏ hiếu kỳ dừng xe ngó xem, nhưng không gọi xe cấp cứu hay báo cảnh sát, chỉ đứng nhìn bé đang thoi thóp giữa đường rồi lặng lẽ… bỏ đi. Sau đó, lại thêm một chiếc vận tải tiếp tục cán qua xác bé. Cuối cùng, một bà lão lượm rác tên là Trần Hiền Muội dừng lại, ra tay. Toàn bộ cảnh tượng này được camera ghi lại và lan truyền khắp thế giới với tốc độ chóng mặt.

Ảnh: Người đưa tin

Cũng lạ là bố mẹ em bé không hề trách những người qua đường thờ ơ. Họ thấy vậy là… bình thường, nên chỉ trách chính bản thân mình đã không trông con cẩn thận. Sau việc này, một khảo sát cho thấy có đến 70% dân TQ nghĩ những người qua đường thờ ơ, không giúp là… đúng, vì họ sợ phiền phức, vạ lây.

Thực tế không phải dân TQ vô cớ nghĩ vậy. Năm 2006, ở Nam Kinh có một người tên Bành Vũ ra tay nghĩa hiệp, giúp một bà cụ bị ngã từ xe bus. Thế nhưng bà này quay ngược lại kiện ông Bành, cho rằng ông đã xô hoặc đụng ngã bà. Vụ việc không camera ghi lại, không chứng cứ rõ ràng nên toà phán ông Bành phải chịu trách nhiệm vì “không ai rảnh mà giúp người, trừ khi họ cảm thấy có lỗi”. Tôi phải đọc lại câu ông toà phán quyết rất nhiều lần, bởi lúc đầu còn tưởng não trạng mình có vấn đề!

Trong tâm lý học, thái độ bàng quang, không giúp người gọi là “Hiệu ứng người ngoài cuộc” (bystander effect). Nghe hoa mỹ nhưng rất sai Kinh Thánh! Người Việt mình cũng có câu tương tự: “cha chung không ai khóc”. Hễ lượng người ngoài cuộc càng đông thì càng ít khả năng nạn nhân được cứu giúp. Người này đùn đẩy chờ người nọ. Không chỉ người Việt, hiệu ứng này có khắp nơi trên thế giới, trở thành động cơ để các nhà tâm lý học nghiên cứu.

Luật “Good Samaritan” đã có trong Kinh Thánh từ ngàn xưa, và hầu như bất cứ Cơ đốc nhân nào cũng biết. “Samaritan” – vì thế – được từ điển định nghĩa là “kẻ trượng phu”, “người hào hiệp”, có lòng tốt, giúp người khi hoạn nạn. 

Kinh Thánh chép: Ngày nọ, có một lữ khách người Do Thái bị cướp bóc, đánh đập và quăng quật bên đường. Đầu tiên là một thầy tế lễ, kế đến là một người Do Thái khác đi ngang qua và đều tránh né vì sợ phiền phức. Rồi người thứ ba xuất hiện – một người Sa-ma-ri – dừng lại băng bó cho người bị thương, đỡ nạn nhân lên lưng con lừa mình đang cưỡi dắt đến nhà trọ. Trước khi rời đi, ông còn gửi tiền cho chủ nhà trọ và dặn hãy chăm sóc nạn nhân cẩn thận, thiếu đủ sẽ trả nốt khi ông trở lại.

Good Samaritan - John Fifteen

Điều đáng nói là người Do Thái vốn ghét bỏ, khinh dễ người Sa-ma-ri là ngoại giáo, ngoại chủng, và không hề qua lại với họ.

Chuyện “Người Sa-ma-ri nhơn lành” được kể trong Tân Ước, sách Phúc Âm Lu-ca – cũng là một dụ ngôn nổi tiếng của Đức Chúa Jesus khi Ngài còn tại thế. Chúa dùng câu chuyện này để dạy dỗ con cái Ngài về tình yêu, lòng nhân ái, bao dung giữa người với người.

Câu chuyện đã mang lại ảnh hưởng vô cùng to lớn trong văn hoá phương Tây, nhất là Mỹ – đất nước Cơ đốc giáo. Dân Mỹ mỗi năm đóng góp từ thiện khoảng 390 tỷ USD (khi GDP của VN chỉ khoảng 230 tỷ). 

Câu chuyện còn là nguồn cảm hứng vô cùng tận cho các sáng tác nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, thi ca, văn chương… đặc biệt là âm nhạc. 

Mời các bạn thưởng thức bản Symphony No. 2 của nhạc sĩ cổ điển lừng lẫy Gustav Mahler. Tác phẩm mang tên “Hồi sinh”. Dàn nhạc giao hưởng: Wiener Philharmoniker; chỉ huy Andris Nelsons.

Kim Đoàn

Jnews

(Jnews edited; Tranh: 1. ‘The Parable of the Good Samaritan’, 1670 của họa sĩ Jan Wijnants; 2. Good Samaritan của John Fifteen; 3. El bon Samarità (1838), de Pelegrí Clavé i Roquer)