Nguồn cội con người
Một bác sĩ chạy vội vã vào bệnh viện khi nhận được cuộc gọi phải thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cấp. Ông gặp cha cậu bé sẽ được phẫu thuật đang đứng đợi ngoài cửa. Vừa nhìn thấy bác sĩ, cha cậu bé hét lên: – Tại sao ông chậm trễ vậy? Ông có biết con trai của tôi đang gặp nguy hiểm không? Ông không có ý thức trách nhiệm sao? Bác sĩ nhẹ nhàng nói: – Xin hãy bình tĩnh. Trong Sách Thánh có nói Chúng ta đến từ cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Các bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể kéo dài sự sống được. Hãy đi cầu nguyện cho con trai của anh, chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất nhờ phúc lành của Chúa.
Ca phẫu thuật mất vài giờ đồng hồ. Xong việc, ông bác sĩ nói: – Cám ơn Chúa, con trai của anh đã được cứu! Rồi ông bác sĩ nhanh chóng rời đi. Cô y tá đến bên cha cậu bé và xúc động nói: – Cậu con trai duy nhất của bác sĩ vừa qua đời vì tai nạn giao thông. Ông ấy đang bận lo hậu sự cho con trai khi chúng tôi gọi ông tới bệnh viện. Ông ấy đã cứu sống của con trai của anh, nhưng con trai của ông ấy thì ra đi mãi mãi.
Quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta thường áp đặt cái nhìn chủ quan khi đánh giá người khác. Người cha của cậu bé trong câu chuyện trên đã phản ứng tiêu cực với ông bác sĩ. Vì vậy, cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để chúng ta biết cảm thông hơn là phán xét. Hơn nữa, sự sống, sự chết của con người nằm trong ý định của Thiên Chúa. Được hiện diện trên cuộc đời này chính là một ân ban từ tình thương của Thiên Chúa. Khi kết thúc cuộc đời, chúng ta lại được trở về với Chúa là nguồn cội sự sống. Giáo hội dành trọn tháng Mười Một để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân chúng ta đã qua đời, đồng thời giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về sự sống sự chết của con người.
Cuộc đời của con người là một vòng quay khởi đi từ hư vô và trở về với hư vô. Đó là quy luật, là lẽ trời không thể biến suy. Vì cuộc sống là luân chuyển nên cuộc sống mới có giá trị và có ý nghĩa. Thời gian biến thiên không ngừng sẽ qua đi và không trở lại bao giờ nên ta cần phải trân quý từng phút từng giây. Vì lòng người dễ thay đổi nên tình yêu mới cần hai chữ ‘thủy chung’. Vì thân phận con người hữu hạn nên mới cần có ơn cứu độ. Ai thực sự hiểu và sống được lẽ nhân sinh mới thực sự trở thành người, mới sống có ý nghĩa. Vì thế, chúng ta “Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt. Tình yêu thương mang đến khổ đau nhưng tình yêu cũng mang đến hạnh phúc…Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm sống và sự hủy diệt. Xin cảm ơn cuộc đời và cảm ơn tất cả mọi người có mặt bên chúng ta” (Trịnh Công Sơn).
Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Con người chỉ thực sự sống được khi có sự hiệp thông nhân vị giống sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người được ban cho linh hồn bất tử. Là thụ tạo duy nhất ở trần gian được tạo dựng nên vì chính họ, con người được tham dự vào ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa (x. GLCG số 1702-1704). Mầu nhiệm con người chỉ thực sự tỏa sáng khi sống đúng bản chất của mình là yêu thương.
Trong cái nhìn của thánh Phaolô thì “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Muốn có sự sống trường cửu, con người chúng ta phải chết đi cho những đam mê dục vọng, những điều thuộc bản năng nó kìm hãm kéo ghì chúng ta xuống. Còn sự sống nơi Đức Kitô được kết dệt từ tình yêu thương, từ sự cho đi và trao hiến, điều này mở ra cho ta con đường sống tự do và bình an. Sống là Đức Kitô còn có nghĩa là cưu mang Đức Kitô trong lòng và thực thi theo lời Người dạy. Đức Giêsu đã thắng vượt cái chết để trao cho chúng ta nguồn sống mới tràn đầy sinh lực của Thần Khí. Đức Giêsu đã nên như của lễ đầu mùa tinh tuyền thánh thiện dâng lên Chúa Cha để mang ơn cứu độ cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con tựa như hoa cỏ sớm nở chiều tàn. Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, mỗi bông hoa, mỗi ngọn cỏ đều được cứu độ. Xin cho chúng con ý thức những giới hạn của thân phận con người để tin tưởng phó thác và sống cho trọn nghĩa yêu thương. Amen.
Phương Anh