Nhân đức trong gia đình: Niềm vui

Nhân đức trong gia đình: Niềm vui

“Niềm vui cho chúng ta đôi cánh. Khi sống vui mừng thì sức mạnh của chúng ta trở nên sống động, tri thức trở nên sắc bén, trí khôn bớt mù quáng. Chúng ta có thể theo kịp thế giới và thấy được phạm vi ảnh hưởng của mình.”

ABDU’L BAHA, bài nói chuyện tại Paris

1. Thế nào là niềm vui?

Người có niềm vui là người được lấp đầy bằng hạnh phúc, bình an và tình yêu. Niềm vui là điều ở trong chúng ta. Nó đến từ cảm thức mình được yêu, từ lòng biết ơn vì những ân huệ của cuộc sống. Bạn có được  niềm vui khi thực hiện điều bạn tin là đúng. Trò cười là kết quả của những điều xảy ra bên ngoài như một khoảng thời gian vui chơi tuyệt vời; còn niềm vui đến từ những chuyển biến trong tâm hồn chúng ta.

Niềm vui luôn có đó cho dù cuộc sống có những biến động. Chúng ta có thể đầu tư cho niềm vui nội tâm của mình trong tất cả mọi sự. Ta có thể tận hưởng niềm vui từ việc nhà hay việc làm bài tập, thậm chí trong cả những công việc buồn chán và không thoải mái nhất. Nếu bạn lặng sâu vào trong tâm hồn mình, bạn sẽ thấy được niềm vui và có thể biến công việc thành động lực cho niềm vui.

Niềm vui nội tâm có thể giúp chúng ta trong những lúc ta khó khăn và buồn chán.

2. Tại sao cần niềm vui?

Nếu không có niềm vui nội tâm, tất cả cảm xúc của ta bị chi phối bởi những gì đang diễn ra quanh mình. Khi bên ngoài diễn ra tốt đẹp, ta cảm thấy vui. Nếu các sự việc không theo ta tưởng thì ta cảm thấy buồn, thăng trầm và lại thăng trầm. Nếu không có niềm vui nội tâm, chúng ta bị dồn ép vì những nỗi đau hay niềm khoái trá của những gì đang diễn ra. Như vậy thì niềm vui của ta sẽ tắt ngúm khi các trò vui chơi chấm dứt. Một điều không thể tránh khỏi là những nỗi buồn sẽ ăn sâu và gặm nhấm chúng ta.

Cuộc sống luôn có những thăng trầm dù bạn đang có tâm trạng thế nào thì nó vẫn tiếp tục tiếp diễn. Nếu bạn tràn đầy niềm vui thì sâu thẳm trong bạn là một sự bình thản. Ta có thể tiếp tục cảm thấy mình được yêu và an toàn. Khi có những điều tốt đẹp đến, chúng ta cảm nhận niềm vui và nó sẽ kéo dài. Khi bị tổn thương, tự nhiên ta cảm thấy buồn. Nhưng ta có sức mạnh của niềm vui nội tâm, sự buồn chán sẽ không thể ở mãi trong ta. Nó đến và sẽ mau chóng phải rời bỏ ta.

3. Cách thực hành

Niềm vui đến từ trong tâm hồn và nó sẽ ở trong tâm hồn bạn. Bạn hãy ý thức đó là một ân sủng.

Cho dù làm gì, hãy làm với một tâm hồn vui tươi. Khi sự tốt lành đến, bạn tận hưởng tròn đầy. Khi nỗi buồn đến hãy để chúng tạm biệt bạn nhanh chóng. Hãy để chúng đi! Hãy nhận ra những món quà từ điều đang xảy đến, đây chính là cách làm cho chúng ta nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ có được những điều mới lạ.

Tâm trạng trở nên phấn khởi khi bạn có một trận cười thỏa thích. Sự khôi hài là nguồn mạch của niềm vui.

Hãy để cho tâm hồn bạn được bình an khi gặp khó khăn. Khi khó khăn qua, hãy luôn ý thức rằng bạn được yêu. Bạn đã được yêu trước khi bạn được sinh ra.

Người có niềm vui phản ứng thế nào?

  • Bố mẹ yêu cầu bạn quét dọn nhà xe?
  • Một người bạn yêu quý của bạn chuyển đi xa?
  • Bạn có một bài tập khó?
  • Dành nhiều thời gian suy gẫm về cuộc sống?
  • Bạn cảm thấy tuyệt vọng?

4. Dấu hiệu của sự thành công:

Chúc mừng bạn khi:

  • Nhìn vào tâm hồn mình để có được niềm vui nội tâm
  • Tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên bạn và yêu thương bạn
  • Thích công việc bạn đang làm
  • Biết ơn về những ân sủng trong cuộc sống
  • Biết ơn về ân sủng của riêng bạn
  • Cảm nhận sự bình an nội tâm cho dù bạn đang gặp khó khăn
  • Luôn nhớ mỉm cười

Hãy cố gắng khi:

  • Tìm kiếm những thú vui bên ngoài
  • Chỉ làm việc bạn thích
  • Quên lãng ân huệ trong cuộc sống
  • Cảm thấy buồn khi những điều không hay xảy đến và chẳng học được gì từ nó
  • Thường bị chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực
  • Giữ cái mặt cau có

Khẳng định:

Tôi luôn biết ơn vì niềm vui tôi có được trong tâm hồn. Tôi thích công việc và phận vụ của mình. Tôi trân trọng ân sủng được ban cho tôi trong ngày hôm nay.

Trích sách: The Family Virtues Guide

Chuyển ngữ: Hướng Dương

print