“Người Công Chính Phải Có Lòng Nhân Ái” (Kn 12, 19)

print

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A 2020

“Người Công Chính Phải Có Lòng Nhân Ái” (Kn 12, 19)

Lm. Giuse Nguyễn

Công chính theo nghĩa người đời là công bằng và ngay thẳng. Nhưng theo nghĩa Thánh Kinh thì lại khác. Thánh Kinh ghi lại hằng trăm lần từ “công chính”, tuy nhiên ý nghĩa của “công chính” ghi trong Sáng Thế Ký 15, 6 rất đặc biệt: “Ápram tin Đức Chúa, nên Ngài kể ông là người công chính.” Theo ý nghĩa này, công chính là việc chính đáng của một người, được khởi đầu bằng việc “tin Chúa”. Tin Chúa thì được thành công chính. Đây là công chính theo nghĩa của Chúa, mà nhiều khi chúng ta không nắm bắt được.

Còn Nhân ái theo một nghĩa nào đó là lòng yêu thương của con người với con người. Tuy nhiên Linh mục Thái Nguyên định nghĩa sâu sắc hơn: “Nhân ái là nhận biết rằng mọi người đều thực sự thuộc về mình”. Hay nói cách khác, mình có trách nhiệm với hết mọi người.

Lời Chúa hôm nay cho ta biết: “người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12, 19) ; nghĩa là tin Chúa thì phải có trách nhiệm với hết mọi người.

Thiên Chúa đã đối xử “nhân ái” như vậy qua dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Ngài chấp nhận cho cỏ lùng sống chung với lúa mặc dù những người đầy tớ đến xin nhổ cỏ lùng đi. Ngài có trách nhiệm với mọi loài Ngài đã dựng nên.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Bản chất của con người là hoàn hảo vì con người được dựng nên “giống hình ảnh Chúa”. Nhưng vì sự dữ đã vào thế gian: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất” (Mt 13,25) Sự dữ đã vào thế gian làm ảnh hưởng đến “bổn thiện” của con cái Thiên Chúa.

Ơn cứu độ là trả lại hình ảnh tốt đẹp thuở ban đầu cho nhân loại, là giúp con người quay trở lại với “bổn thiện” của mình. Nếu Thiên Chúa “đầu hàng” trước sự dữ thì Ngài không còn quyền năng ; nếu Thiên Chúa tiêu diệt sự dữ ngay tức khắc thì Ngài không còn thánh thiện… Nhưng Ngài đã dùng ơn cứu độ của Đức Giêsu để hóa giải sự dữ thành điều lành và quyền năng có thể biến đổi cỏ lùng thành lúa tốt. Con người thì nghĩ không bao giờ, nhưng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, và Ngài đã làm cho riêng mỗi người vì mọi người đều thuộc về Thiên Chúa nên Ngài có trách nhiệm với ta. “Nhân ái là nhận biết rằng mọi người đều thực sự thuộc về mình”, nên mình có trách nhiệm với họ.

Nhân loại thuộc về Thiên Chúa nên Ngài có trách nhiệm chăm sóc nhân loại. Vì trách nhiệm đó nên Đức Giêsu đã xuống thế làm người, đã chấp nhận sống nghèo để loan báo Tin Mừng. Ngài không ruồng bỏ, không loại trừ bất cứ một ai dù đó là người nhỏ bé, người lương dân, người tội lỗi, người đau yếu bệnh tật… “Ngài yêu họ đến cùng”; chỉ có con người không đón nhận Ngài mà thôi. Tột cùng của trách nhiệm là sẵn sàng chấp nhận “chết vì yêu”.

Lòng nhân ái là nhận ra rằng mọi người đều thực sự thuộc về mình nên mình phải có trách nhiệm với họ. Không được “phân loại” bất cứ hạng người nào, không được chê bai bất cứ một ai, không được làm hại những người mình không thích và nhất là không bao giờ ngừng yêu thương dù họ có ra sao đi chăng nữa. Lòng nhân ái là với hết trách nhiệm, hết khả năng, hết tinh thần, hết những gì tôi có tôi phải lo lắng cho mọi người.

Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong việc chữa trị cho bệnh nhân 91, phi công người Anh. Các bác sĩ và nhân viên y tế Việt Nam đã có một cái tâm nghề nghiệp vượt biên giới. Cái tâm đó chính là lòng nhân ái mà lời Chúa hôm nay muốn nói đến.

Ngày 15-7 có thể gọi là ngày của lòng nhân ái tại Việt Nam khi hằng triệu người đã cùng cầu nguyện cho ekip gần một trăm nhân viên y tế thực hiện ca mổ tách đôi cặp song sinh dính liền nhau Trúc Nhi – Diệu Nhi. Dường như mọi người đã cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với hai sinh linh bé bỏng này. Và đó không phải là tình cảm bình thường, hoặc sự xúc động chỉ đơn thuần là “tội nghiệp” mà nó chính là lòng nhân ái Kitô giáo: “Nhân ái là nhận biết rằng mọi người đều thực sự thuộc về mình”.

Cách riêng đối với Kitô hữu, chúng ta được mời gọi công chính hóa, nghĩa là không ngừng đổi mới, luôn luôn cập nhật đức tin của chúng ta; mà sách Khôn Ngoan đã viết: “người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12, 19). Vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm với hết mọi người.

Trách nhiệm này trước hết về đức tin, về đời sống đạo của những người sống bên cạnh chúng ta. Tại sao nhiều người theo đạo vì vợ hoặc chồng là người Công giáo, sau đó không thấy giữ đạo nữa? Có thể vì họ chưa tin đủ. Nhưng quan trọng nhất là vì trách nhiệm của những người phối ngẫu, không làm gương, không nhắc nhở, không hướng dẫn cho người bạn đời tân tòng của mình, thì làm sao họ có thể sống đạo tốt được.

Tại sao có nhiều bạn trẻ ở tuổi “choai choai” không còn tham gia những sinh hoạt của Giáo hội, kể cả việc học Giáo lý và tham dự Thánh Lễ. Trách nhiệm này một phần rất lớn do các bậc phụ huynh, vì trong độ tuổi đó các em còn lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình, nhưng vì gia đình nhu nhược, không quyết liệt, không làm gương nên các em “sợ, ngại” đến với những gia trị linh thánh, những giá trị mà đối với các em còn “mơ hồ” nếu không được hướng dẫn. Thử xem lại có những gia đình dư khả năng bỏ ra bạc triệu để sắm điện thoại thông minh cho các em, kiếm được tiền mua xe, thậm chí xe xịn cho con cái khỏi mất mặt, sẵn sàng cho các em đi sinh nhật, du lịch, vui chơi với bạn bè… mà bất lực trước việc kêu các em đi học Giáo lý, tham dự Thánh lễ, tham gia sinh hoạt trong Họ đạo.

Lòng nhân ái trước hết là phải có trách nhiệm về đời sống đức tin của người khác, trước hết là những người thân của mình.

Trách nhiệm đó còn là về tinh thần lẫn vật chất, nghĩa là phải áp dụng kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối” trong khả năng có thể của mỗi người. Nhìn vào đời sống một người biết cho đi, biết lo nghĩ đến người khác thì ta tin chắc họ có lòng nhân ái. Người nhân ái hay lo việc “bao đồng”: Hay nghĩ đến người nghèo trong khu xóm mình, hay lo những người già không ai chăm sóc, hay xông xáo tiếp giúp người khó khăn dù đôi khi chẳng quen biết hoặc sẽ gặp họa vào thân…

Người có lòng nhân ai hay thua thiệt. Nhưng đó chính là con đường thập giá mà những người Công Chính phải trãi qua. “Người công chính phải có lòng nhân ái”. Tin Chúa thì phải có trách nhiệm với hết mọi người.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã có lòng nhân ái khi lo cho Chúa Giêsu, các môn đệ và mọi nguòi. Mẹ thấy trách nhiệm của mình với người khác nên Mẹ đã làm, nhiều khi có những việc không liên quan gì đến Mẹ. Xin Mẹ cho con có được tính “bao đồng” giống Mẹ, để con có thể lo cho nhiều người hơn, vì con tin Chúa là Đấng giàu lòng nhân ái.