Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện

print

Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện

Nguồn Audio: Radio Vatican News Tiếng Việt thứ Năm 29/07/2021

Nhật ký chăm só bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày đầu tiên.

Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai

Nhật ký của tu sĩ từ bệnh viện Covid-19: “Nhận nhiệm vụ đặc biệt”.

Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây.

Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày đầu tiên

 Maria Hồng Hà CMR

https://tgpsaigon.net/

– Reng..reng…reng – Tiếng điện thoại đổ dồn

– Dạ, con nghe nè má.

– Má xem ti vi thấy ở Sài Gòn dịch bệnh lắm phải không con, cẩn thận giữ gìn sức khỏe nghen con.

– Dạ, à má ơi, con đăng ký tình nguyện vào khu cách ly để phục vụ và chăm sóc bệnh nhân ở đó.

– Ừ chăm sóc người bệnh là chăm sóc Chúa, con cứ đi, má sẽ cầu nguyện cho con.

Câu nói của má như tiếp thêm động lực để tôi hăng say lên đường đến với những bệnh nhân đang cô đơn, đau đớn vì nhiễm Covid-19.

Khi hòa mình với gần 300 anh chị em tu sĩ và các bạn tình nguyện viên, tôi thấy mình thật mong manh, nhỏ bé. Tôi ước mình có thể trở thành hạt muối, trở thành ánh sáng để thêm vào một chút mặn tình người và lan tỏa ánh sáng hy vọng của lòng thương xót Chúa giữa cơn đại dịch Covid-19.

Với bài học của ngày đầu tiên “rửa tay đúng quy trình, đúng cách” đã giúp tôi bảo vệ chính mình một cách đơn giản, nhưng cũng rất quan trọng. Tôi và các anh chị em tình nguyện còn được các bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện hướng dẫn cách mang đồ bảo hộ và cách cởi ra để bảo vệ cho mình và cho người khác. “Các bạn phải bảo vệ sức khỏe cho các bạn tốt thì mới giúp người khác được”. Câu nói của 1 bác sĩ tại bệnh viện làm tôi  ý thức hơn mọi công việc mình làm. Và tôi cảm thấy hạnh phúc vì biết bao y bác sĩ vẫn đang ngày đêm cùng với các bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh.

Lạy Chúa, xin Chúa luôn đồng hành với tất cả chúng con. Amen.

TP Thủ Đức 22-7-2021
Maria Hồng Hà CMR

Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai

 Maria Hồng Hà CMR

https://tgpsaigon.net/

TGPSG– Tại bệnh viện Hồi Sức chống Covid 19, nhóm Tình nguyện viên chúng tôi được phân chia vào các khoa bệnh khác nhau, mỗi khoa 20 người. Nhóm 20 người này được chia thành 4 tốp để thay phiên nhau trực 3 ca, mỗi ca 8 tiếng giống như các ca trực của nhân viên y tế tại đây. Nhóm của tôi trực tại khu ICU (Hồi sức tích cực) với 50 giường bệnh, đa số phải thở máy.

Tại khoa ICU, các bệnh nhân không có người thân bên cạnh để chăm sóc nên các bác sĩ và điều dưỡng rất vất vả. Ngoài việc theo dõi, chăm sóc từng nhịp thở, nhịp tim, các vị lương y này còn phải lo cho bệnh nhân ăn uống, thay đổi drap giường nữa.

Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm covid 19 nên việc mặc đồ bảo hộ là rất cần thiết. Việc sát khuẩn và thay găng tay cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt: mỗi người phải đảm bảo đeo 3 đôi găng tay và sau khi chăm sóc bệnh nhân xong thì phải thay đôi khác.

Lần đầu bước vào phòng bệnh, hình ảnh những bệnh nhân đang oằn oại vì đau đớn đập vào mắt tôi. Họ chính là những anh chị em của tôi đó! Tôi thấy đau nhói trong trái tim mình! Quên hết nỗi hồi hộp, lo lắng ban đầu, tôi vội bước đến giúp họ một chút trong việc thay đồ, lau mặt. Nhìn khuôn mặt khô ráp giống như không còn cảm giác của các bệnh nhân (có người vẫn còn đọng giọt nước mắt đã khô nơi khóe mắt), tôi có cảm tưởng mình đang lau khuôn mặt đau đớn của Chúa Giêsu. Đứng trước một người phải thở từng hơi mệt mỏi và không thể ăn, chúng tôi đã phải đổ từng muỗng sữa qua ống ăn với hy vọng giữ cho hơi thở của họ tồn tại và nhờ dinh dưỡng, kết hợp với quá trình điều trị sẽ giúp họ hồi sinh sự sống…

Dù phải chăm sóc các bệnh nhân nhiễm covid trong bộ quần áo bảo hộ nóng nực, vướng vít nhưng trái tim và đôi tay của tôi không hề bị cản trở, gò bó hay khép kín lại. Từng khuôn mặt đau đớn của các bệnh nhân đã in dấu ấn không phai trong trái tim tôi. Từ tận đáy lòng của tôi đang vang vọng lời mời gọi YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ. Vâng, tôi sẽ cầu nguyện và phục vụ họ trong yêu thương và bác ái.

Lạy Chúa, khuôn mặt của những bệnh nhân đang đau đớn kia chính là khuôn mặt của Chúa mà con có dịp được yêu thương và phục vụ.

Nhật ký của tu sĩ từ bệnh viện Covid-19: “Nhận nhiệm vụ đặc biệt”

Theo Báo Công giáo và Dân tộc

Thầy Giuse Lương Thanh Tùng, một trong bốn tu sĩ của dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (TP Thủ Đức). Trước khi lên đường, thầy bày tỏ niềm vui được phục vụ bệnh nhân và những người đau khổ, như thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương”.

Trong bệnh viện, ngoài làm những công việc hậu cần, thầy còn đảm nhận thêm vai trò trưởng nhóm phụ trách chăm sóc bệnh nhân lâm tử và chuyển thi hài bệnh nhân qua đời. Thầy cho biết bản thân đã có kinh nghiệm chuyển thi hài người qua đời rồi nên nhận nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực hiện công việc trong bối cảnh dịch bệnh nên rất khác. Người qua đời không có thân nhân bên cạnh. Họ có mầm bệnh dễ truyền nhiễm nên thầy cần phải cực kỳ cẩn trọng. Riêng với bệnh nhân Công giáo, thầy sẽ làm thêm nghi phức phép xác và phó dâng. Ngoài ra, thầy còn làm chỗ dựa tinh thần cho những anh em chưa vững vàng về tâm lý khi tiếp cận với người qua đời. Từ ngày nhận nhiệm vụ đến nay, thầy chưa nhận ca nào. Thầy mong bệnh nhân ai cũng bình phục để về với gia đình. Kết thúc ngày làm việc 26.7, thầy chia sẻ với Công giáo và Dân tộc một số thông tin:

“Hôm nay xem như các tu sĩ thiện nguyện đều đã được phân vào các khâu cụ thể, với các nhóm như: đón tiếp phân luồng bệnh nhân, nhóm chăm sóc tâm lý, nhóm hành chánh… và đặc biệt có thêm nhóm lo phần lâm tử và chuyển xác. Như vậy, các phận vụ đã cụ thể và cho thấy, nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm khá cao.

Tình hình rất căng thẳng, diễn biến bệnh rất bất ngờ và mọi người làm việc hết sức khẩn trưởng để lo cho bệnh nhân. Đến nay, riêng bệnh viện này đã tiếp nhận gần 1.000 ca nhiễm và vài ngày tới sẽ cao hơn nữa. Bệnh viện cũng tăng cường thêm các phòng bệnh mới.

Tình hình chung theo chỉ thị của thành phố, các bệnh viện tuy mang tên dã chiến nhưng thật sự là một bệnh viện với đầy đủ các khâu, nhận bệnh, phân luồng bệnh nhân với bệnh nhân nguy cơ thấp, bệnh nhân chuyển biến xấu, cấp cứu hồi sức…

Tinh thần của anh em tu sĩ khá tốt. Mọi người đều bình an và nhiệt tâm làm việc.

Xin mọi người cầu nguyện, hãm mình hy sinh và tuân thủ 5K tuyệt đối để chúng ta sớm khống chế được dịch bệnh”.

Ngọc Lan

Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây

https://www.vaticannews.va/

Sài Gòn có thể đang mệt mỏi rã rời. Sài Gòn có thể đang hụt hơi. Sài Gòn đang đầy những sợi dây giăng mắc khắp mọi nơi…. Sài Gòn đang tràn ngập những hình ảnh đau thương, nhưng Sài Gòn cũng đang không thiếu bao điều yêu thương. Một chút tâm tình của một nữ tu Đaminh trong những ngày Sài Gòn đau bệnh…

Sr. Nguyễn Thắm O.P.

“Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi;
Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người.
Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời;
Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi.
Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường,
Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường,
Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương;
Quạnh vắng khi nhìn lá rơi đầy vấn vương.
Những dây giăng mắc khắp mọi nơi,
Như đang buộc trói tâm hồn tôi”… [1] 

Sài Gòn căng thẳng, Sài Gòn thương đau, Sài Gòn lo âu, Sài Gòn mệt mỏi … Những tâm tình này không chỉ thầy giáo Thái Dương, mà dường như ai cũng có thể cảm nhận được; nhưng khi những tiếng lòng ấy cất lên thành những vần thơ, điệu nhạc, ta lại càng cảm thấu hơn những mệt nhọc, kiệt quệ của Sài Gòn, một thành phố đang co mình trong những cơn đau kéo dài suốt gần 2 năm qua.

“Sài Gòn ơi! Có mệt lắm không?
Nước mắt, mồ hôi, nối giọt thành dòng.
Sông Sài Gòn bỗng dưng cuộn sóng
Nếu mệt rồi, ngủ chút nhé, Sài Gòn ơi… [2] 

Đã 4 lần giãn cách, mỗi lần để lại một khúc đoạn của thời “không muốn nhớ nhưng lại không thể quên.” Hôm nay, Sài Gòn lại phải oằn mình chống chọi với cơn đại dịch Covid. Lại có những nỗi niềm sẽ vương vấn mãi, lại có những đau thương sẽ gợi nhớ hoài. Nhưng lại có những nét đẹp tồn tại mãi với thời gian.

Và trong những khoảng lặng tím sầu ấy, ta lại thấy Sài Gòn mang một nét đẹp rất khác trong mùa giãn cách, khi người người vẫn hăm hở sống, kết nối và trao ban tình yêu thương cho nhau cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Thật không sai khi ai đó nói rằng: “Thành phố giãn cách, nhưng lòng người không giăng dây.” Bao nhiêu ngày giãn cách, là bấy nhiêu thời gian chúng ta chứng kiến nghĩa tình được vun đắp. Bởi nếu không, đâu ra nữ bác sĩ vắt sữa của mình hằng ngày nuôi bé gái 5 tháng tuổi mắc Covid-19 đang phải cách ly trong bệnh viện; đâu ra những quán cơm trưa và siêu thị 0 đồng, cây ATM gạo… xuất hiện khắp nơi, góp phần hỗ trợ người lao động nghèo bị mất thu nhập; đâu ra những chuyến xe chở hàng ngàn nhân viên y tế khắp cả nước tiến về Sài Gòn để cùng tham gia dập dịch; đâu ra những Linh mục, Tu sĩ và những người trẻ từ khắp các Giáo phận, các Dòng tu đang ngày đêm gom góp yêu thương qua những cọng rau, cái trứng, gói mì… gửi về Sài Gòn, cùng với lời nguyện cầu cho thành phố nghĩa tình sớm khỏe lại.