Nhật ký Corona Sơn Lôi

Nhật ký Corona Sơn Lôi

Nguồn: Gp Bắc Ninh

 

 

Chút tâm tình của Đức cha giáo phận Bắc Ninh

với anh chị em đang bị phong tỏa trong vùng dịch Virus Corona

 

Nhật ký Corona Sơn Lôi số 1

Nhờ sự can thiệp của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, chiều ngày 16/02/2020, cha Giuse Hoàng Trọng Hữu đã tự nguyện vào sống trong vùng đại dịch để phục vụ mọi người. Cha sinh năm 1985 tại giáo xứ Lai Tê, giáo phận Bắc Ninh. Chịu chức thứ Hai ngày 03 tháng 6 năm 2019.

Trọng kính quý cha,

Kính thưa quý nam nữ tu sĩ.

Thưa toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Cách riêng, thưa quý cụ, ông bà và anh chị em đang chịu đau khổ ngoài thể xác và đang chịu đau khổ trong tâm hồn bởi dịch cúm toàn cầu.

Trong những ngày vừa qua, có lẽ chúng ta được nghe nói không ít về dịch cúm toàn cầu, dịch cúm Vũ Hán Corona hay còn được gọi bằng tên khác là nCoV. Có thể nói: Cho tới hôm nay, số người tử vong do Virus Corona đã lên tới hàng ngàn; số người nhiễm virus và đang chịu đau khổ bởi cơn dịch bệnh này đã lên tới hàng vạn.

Thật là đáng sợ.

Thật đáng sợ vì những con số ấy vẫn có xu hướng tăng lên mà người ta còn chưa tìm ra cách ngăn chặn.

Thật đáng sợ vì mỗi con số ấy chính là một con người đau khổ.

Và còn đáng sợ hơn, khi những con người ấy không chỉ là đang phải chịu đựng những nỗi khổ đau về thể xác do virus gây ra nhưng… họ còn đang phải đối diện với những bóng tối của sự sợ hãi trong tâm hồn.

Ho, sốt hay khó thở và thậm chí là cái chết, người ta có thể chịu đựng được và đón nhận chúng trong bình an nhưng sự xua đuổi, xa lánh, khinh bỉ thậm chí là xúc phạm đến nhân phẩm người bệnh, đồng hóa người bệnh với virus gây bệnh thì thử hỏi mấy ai có thể cam lòng, thử hỏi có mấy ai mà không tủi hổ, buồn sầu.

Trong sứ điệp ngày thế giới các bệnh nhân năm nay 2020, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ chúng ta về khái niệm “người bệnh”.

Trong khái niệm này, chữ “người” cần luôn luôn đứng trước và được đọc lên trước chữ “bệnh”, nghĩa là trước hết và trên hết, chúng ta cần phải quan tâm, để ý và tôn trọng phẩm giá con người, cho dẫu con người ấy có mang trên mình căn bệnh gì đi chăng nữa.

Mọi người bệnh đều cần được chăm sóc, yêu thương và điều trị cho tới khi khỏi bệnh.

Mọi người bệnh đều cần được chăm sóc, yêu thương và điều trị cho tận cuối hành trình của sự sống.

Mọi người bệnh đều cần được chăm sóc, yêu thương và điều trị cho tới những hơi thở cuối cùng.

Những người bị nhiễm virus Corona là những người bệnh. Hết thảy những ai đang chịu đau khổ ngoài thể xác hay trong tâm hồn cũng đều là những người bệnh. Như thế, cách nào đó, ai trong chúng ta cũng là người bệnh.

Những người bệnh cần được chữa lành hay xoa dịu.

Khi suy gẫm như thế, con thấy mình được mời gọi làm một cái gì đó cụ thể, thiết thực cho anh chị em đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm Corola.

Sau khi bàn hỏi và cầu nguyện, con đã tự nguyện xin phép Đấng Bản Quyền và những vị hữu trách cho con được đến và đồng hành với anh chị em xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhận được chấp thuận, con đã lên đường lúc 13g00 ngày Chúa Nhật 16.02.2020 từ Tòa giám mục và hiện tại con đang ở nhà chung giáo họ Ngọc Bảo, nằm trong xã Sơn Lôi.

Con xin chân thành cảm ơn Đức Cha giáo phận, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã thương con cách riêng, cầu nguyện, thăm hỏi động viên con.

Trong những ngày tới, có thể vì công việc bận rộn hoặc có quá nhiều người gọi điện, nhắn tin… con xin các Đấng bậc và cộng đoàn thứ lỗi cho con nếu con không trả lời.

Nếu muốn biết thông tin về con hay về bà con trong vùng dịch, xin liên hệ với Cha xứ Hữu Bằng – Cha Phanxico Xavie Nguyễn Đức Đại – 0984 962 269 – facebook: thuongyeu.

Con tiếp tục cầu nguyện cho con và anh chị em nơi đây!

Lm. Giuse Hoàng Trọng Hữu

 

Nhật ký Corona Sơn Lôi số 2

 

Đừng bắt em lên mây khi chân còn chạm đất

Đừng bắt nằm thấp khi chân còn bước đi.

 

Anh chị em thân mến,

Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi tưởng chừng như là một điều gì đó đầy can đảm.

Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi vẫn được cho là đi vào nơi đầy bóng tối của rủi ro.

Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi cũng có người xem như là đi vào tử địa.

Nếu bạn nghĩ vậy thì tôi cũng đã từng tập xác định như thế trước khi qua hàng rào cách ly Sơn Lôi.

Tuy nhiên, sau hơn 24 tiếng đồng hồ ở trong vùng cách ly Sơn Lôi, thăm hỏi và gặp gỡ anh chị em Công Giáo thuộc hai thôn Ngọc Bảo và Bá Cầu, tôi thấy mình cần đấm ngực và phải cúi đầu.

Tôi thấy mình cần đấm ngực vì những hiểu lầm về anh chị em nơi đây. Tuy nằm trong vùng cách ly, nghĩa là không ai được ra khỏi ranh giới cách ly mà các cấp chính quyền chỉ định, kể cả những ai đã rời khỏi xã kể từ sau tết nguyên đán (những người đã rời quê đi làm ăn từ sau Tết đều được gọi trở về vùng cách ly), nhưng đời sống sinh hoạt thường ngày của anh chị em Công Giáo nơi đây khá bình ổn. Trở về bên gia đình, mỗi người tự đảm bảo an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng bằng việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.

Có thể nói: người người tự cách ly, nhà nhà tự cách ly, xóm xóm tự cách ly, thôn thôn tự cách ly. Tuy nhiên, anh chị em vẫn có thể làm những công việc trong gia đình, ngoài sân vườn hay một số đồng ruộng trong khu vực cách ly. Đặc biệt trong số anh chị em khỏe mạnh phải kể đến là những anh chị em cán bộ cơ sở trong xã – anh chị em gần như đã làm việc hết công suất, chạy đôn chạy đáo từ nhà nọ tới nhà kia để kiểm tra, thông báo, hướng dẫn và cung cấp cho từng gia đình và mọi người dân những thông tin cần thiết cũng như những vật phẩm được hỗ trợ.

Ai cũng sợ virus Corona vì chẳng ai nhìn thấy chúng, chẳng biết chúng ở chỗ nào nhưng không phải vì thế mà những người trẻ, những người tự thấy mình khỏe mạnh ở yên trong nhà. Họ vẫn làm những việc vặt, vẫn vui chơi và vẫn tìm đến nhà thờ để cầu nguyện. Tuy ở đây chẳng thể nào mà tụ tập đông người và cũng chẳng nên làm như thế trong hoàn cảnh hiện nay nhưng bà con Công Giáo vẫn lác đác, rải rác đến viếng Chúa, xin khấn hay cầu bình an cho mọi người. Tôi dự định sẽ đặt Thánh Thể hàng ngày tại hai nhà thờ để Thánh Thể Chúa ở đó như nguồn cậy trông và điểm tựa của hết thảy mọi người trong xã, không phân biệt tôn giáo.

Tôi thấy mình cần cúi đầu, cúi đầu thật sâu vì ánh đèn sân khấu truyền thông đã chiếu vào tôi như một ngôi sao nào đó mà thực tế ở đây, bất cứ một linh mục tiền bối nào cũng có thể làm tốt hơn tôi. Thực vậy, tôi chỉ thực hiện những công việc mục vụ thông thường như ở biết bao xứ họ khác. Viết tới đây, tôi nghĩ tới cuộc đời cha cố Giuse Phạm Sỹ An – người vừa ra đi đêm hôm qua 16.02.2020 tại nhà Hưu Dưỡng Bắc Ninh (Miền Nam). Như lời Đức Cha giáo phận chia sẻ với tôi: Cuộc đời tại thế của cha cố Giuse giống như chiếc rễ to, vươn sâu và trải rộng trong lòng đất để âm thầm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho giáo phận Bắc Ninh trổ sinh hoa trái.

Do đó, tôi nài xin cộng đồng truyền thông hãy nhìn đến những y bác sĩ – là những người đang trực tiếp chăm sóc anh chị em người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona. Họ mới là những người đang ở trong vòng phơi nhiễm và cần được động viên, trợ lực.

Thiết nghĩ khi đọc bài viết này, chúng ta hãy cùng dành ít giây tưởng nhớ đến bác sĩ Lý Văn Lượng – người đã cố gắng đưa ra những cảnh báo đầu tiên về virus Corona tại Vũ Hán và đã hy sinh vì bị lây nhiễm trong quá trình thăm khám và điều trị cho người bệnh.

Hãy chiếu ánh đèn soi tới những người bệnh hoặc đang bị nghi nhiễm virus Corona. Chính họ mới là người cần được soi sáng để cả thế giới nhìn thấy những thương đau họ đang gánh chịu, ngoài thể xác hay trong tâm hồn vì ai và do đâu.

Hãy soi vào họ không phải để xua đuổi, xa lánh hay miệt thị người Sơn Lôi nhưng là để cảm thông, để chia sẻ và đồng hành…

Tôi thật sự cảm kích vì anh chị em đã dành thời gian để thăm hỏi, động viên tôi nhưng xin hãy dành thời gian ấy để cầu nguyện cho những người bệnh và các y-bác sĩ.

Tôi thật sự cảm kích khi số tiền mà anh chị em dùng để gọi điện, nhắn tin, lướt web hay comment được dùng vào việc mua khẩu trang hay các dụng cụ y tế cần thiết cho người bệnh, cho y bác sĩ và những người liên quan.

Xin hãy chắp tay cầu nguyện để Chúa chữa lành dịch bệnh và xin hãy mở tay chia sẻ để có đủ trang thiết bị y tế cần thiết cho cho việc điều trị và chữa lành.

Tay tôi đã chắp rồi đó và nhiều người đã mở tay, còn tay bạn đang hướng về đâu?

Lm. Giuse Hoàng Trọng Hữu

print