Tiếp nối bài đọc tuần trước (trình bày hai hoạt động của Đức Giê-su là giảng dạy và trừ quỷ tại hội đường), trang Tin Mừng hôm nay trình bày ba hoạt động tại ba nơi khác (chữa bệnh âm thầm trong nhà Si-môn – trừ quỷ ở trước cửa nhà, nơi cả thành xúm lại – và cầu nguyện nơi thanh vắng). Kết thúc ngày mẫu này (1,21-39) là lời tuyên phán mở rộng nhãn giới của các môn đệ và mở rộng chân trời hoạt động của Đức Giê-su.
1. Trong nhà của Si-môn : chữa bệnh
Đức Giê-su là con người của đường phố, của đám đông, và… của nơi thanh vắng. Nhưng Người cũng biết tới sự dịu dàng của một mái nhà trong đó người ta chắc chắn mình được tiếp đãi trọng hậu. Bạn nghĩ đến Bê-ta-ni-a, đến sự tiếp đón của La-da-rô, Mác-ta và Ma-ri-a chăng? Một ngôi nhà khác cũng còn là mái ấm của Người hơn nữa : nhà của Phê-rô và An-rê tại Ca-phác-na-um.
Trong giai thoại mẹ vợ Phê-rô được chữa lành này, xin lưu ý kỹ hai từ : “Người đỡ bà dậy” và “bà phục vụ các ngài”. Vì một phép lạ bao giờ cũng là một giáo huấn, nên Tin Mừng muốn cho ta thấy quyền năng của Đức Giê-su có thể đỡ chúng ta dậy để chúng ta lại trở thành kẻ phục vụ “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay”. Một nhà pháp thuật hẳn đã dùng nhiều nghi thức phức tạp hoặc đã tỏ ra trang trọng hơn. Ở đây mọi sự đều đơn giản. Làm điều gì, Đức Giê-su luôn làm một cách vô cùng giản đơn, giản đơn nhất có thể. Cầm lấy tay bệnh nhân, Người đỡ bà dậy. Người chẳng bao giờ chữa lành ai -dù bệnh phần xác hay phần hồn- mà không “đỡ” họ dậy, mà không giúp họ rời bỏ vị thế bại xuội của mình, mà không thăng hoa họ lên một tầm cao hơn nào đó.
Dưới ánh sáng Phục sinh, cử chỉ này của Đức Giê-su mang một ý nghĩa biểu tượng đối với Mác-cô và cộng đoàn Ki-tô của thánh sử. Trong tiếng Hy-lạp, động từ “đỡ dậy” cũng là động từ Mác-cô dùng để nói về Đức Giê-su: “Người đã trỗi dậy rồi” (16,6). Đối với các Ki-tô hữu tiên khởi, điều đó cho thấy Đức Giê-su không chỉ là Đấng có quyền phép chữa bệnh lạ lùng trong giai đoạn đầu của sứ vụ. Với cuộc phục sinh, Người được suy tôn là “Đức Chúa và Đấng Ki-tô” (Cv 2,36), nghĩa là Đấng qua từng ngày vẫn tiếp tục cứu chữa loài người khỏi tội lỗi, và tiếp tục giải thoát họ khỏi sự chết.
Phản ứng đầu tiên của bệnh nhân vừa được chữa lành là “sẵn sàng phục vụ” Đức Giê-su, sẵn sàng hầu bàn cho Người. Cũng đúng thôi ! Vì bàn tay vừa được Người cầm lấy trong tay Người còn phải làm việc gì khác hơn? Bàn tay ấy có thể lãnh nhận điều chi mà không sẵn sàng dâng tiến lại cho Người? Đây cũng là hình ảnh Ki-tô hữu đã từng nằm liệt, do bị hành hạ bởi cơn sốt là tội lỗi (trong Cựu Ước, bị sốt là dấu chỉ có phạm tội và bệnh sốt được xem như là một trong những hình phạt Thiên Chúa giáng xuống dân bất trung, x. Lv 26,15-16). Nhưng Đức Ki-tô đã đến “cầm lấy tay mà đỡ dậy”, nhờ đức tin và phép rửa, để một khi được chữa lành, họ sẽ trở thành kẻ phục vụ Chúa và anh em. Thành thử người phụ nữ mà Đức Giê-su cho bình phục lại là kẻ phục vụ tốt lành của Người. Ai mà lại “ngồi chơi xơi nước” khi Đức Giê-su có đó, khi theo bước Đức Giê-su !
2. Ngoài cửa, có cả thành xúm lại : trừ quỷ
Khi mặt trời lặn, đối với người Do-thái, đó là lúc kết thúc ngày Sa-bát (xem lại Mc 1,21), và một ngày mới bắt đầu. Hết bị ràng buộc bởi những cấm đoán liên quan tới hưu nhật, từ lúc này ai nấy trở lại với sinh hoạt bình thường, và họ dẫn đến cho Đức Giê-su “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám”. Chẳng mấy chốc, “cả thành xúm lại trước cửa”. Phép lạ chữa lành mẹ vợ của Phê-rô diễn ra âm thầm giữa một nhóm vài ba người, nay đã bung ra cho khát vọng của bao kẻ bên ngoài : “Đức Giê-su chữa… đủ thứ bệnh và trừ nhiều quỷ”
Nhưng Người ra lệnh cho chúng không được nói gì cả, lần này cũng nghiêm khắc không kém gì lúc ở trong hội đường (c. 25). Tại sao có lệnh cấm đoán đó? Ấy là vì vào thời Đức Giê-su, xứ Pa-lét-ti-na đã bị mất chủ quyền và rơi vào ách đô hộ của người Rô-ma. Do vậy, dân tộc Do-thái ngày đêm mong mỏi một vị anh hùng giải phóng đến để “khôi phục vương quốc Ít-ra-en” (Cv 1,6; Lc 1,68-73). Nhưng Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến không phải để thực hiện công cuộc khôi phục mang màu sắc chính trị này. Chính Người rồi đây sẽ giải thích thực chất vương quyền của Người là gì, khi triển khai giáo huấn của Người bằng những dụ ngôn (x. Mc 4,1tt), và chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự sai biệt giữa vị vua mà dân Do-thái chờ mong và vị vua mà Thiên Chúa gởi đến cho họ. Chính vì muốn tránh sự hàm hồ đó mà Đức Giê-su đã không cho phép quỷ xưng Người là ai, cũng như sau này Người sẽ chỉ thị cho những kẻ được chữa lành phải thinh lặng. Đó là lý do của cái quen gọi là “bí mật (về Đấng) Mê-si-a”.
Danh hiệu “Đấng Ki-tô” và “Con Thiên Chúa” chỉ được giải nghĩa chính xác sau này dưới ánh sáng của Khổ nạn và Sống lại. Phải giữ thinh lặng cho đến khi thật sự sáng tỏ rằng Đấng Mê-si-a chỉ đến cứu loài người qua con đường hy sinh chịu chết.
3. Nơi thanh vắng : cầu nguyện một mình
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Đức Giê-su đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”. Sự kiện này là lý lẽ mạnh mẽ nhất bênh vực việc cầu nguyện. Dẫu là Con Thiên Chúa, luôn tiếp xúc với Thiên Chúa trong lúc giảng dạy và trong hoạt động chữa bệnh, Đức Giê-su vẫn cảm thấy cần cầu nguyện luôn. Trước một nhu cầu như thế, lý do không cầu nguyện nào có thể đứng vững? Sở dĩ Người đến nơi vắng vẻ, bởi lẽ trong nơi vắng vẻ, tất cả đều im tiếng, chỉ có sự tĩnh lặng tràn ngập ánh sáng, chỉ có Thiên Chúa với con người. Vì nơi ấy mọi sự đều lặng thinh nên con người mới nghe được tiếng Thiên Chúa.
Đức Giê-su dậy rất sớm, đó là giờ ca ngợi của Người, kinh sáng của Người. Tấm gương này làm chúng ta yêu mến buổi cầu nguyện đầu tiên trong ngày của chúng ta. Ngày mới này sắp nhận được màu sắc của mình từ một vài (chục) phút chúng ta gặp gỡ với Chúa. Hãy sử dụng tốt mọi phương tiện để khoảng thời gian ấy nên một cuộc gặp gỡ thật sự, rất nội tâm.
Làm sao nội tâm hóa một sự cầu nguyện? Bằng chú ý đến sự Hiện diện của Chúa : Chúa có đây và con có đây. Nếu chúng ta mải miết trong những mơ mộng và đọc kinh nguyện cách máy móc, cái mà chúng ta đang làm chẳng xứng với Thiên Chúa cũng như chẳng xứng với chúng ta tí nào.
Trong số các phương thế được khuyên để “có mặt”, các linh sư bảo hãy thẳng cột sống, một tư thế đẹp giúp tỉnh táo mà không căng thẳng. Nếu thử tưởng tượng Đức Giê-su đang cầu nguyện, chúng ta có thể thấy Người quỳ hay đứng rất thẳng, rất quý phái.
Nhưng lúc ấy Người ba mươi tuổi và đâu có bị hư khớp ! Người sẽ tha thứ cho những cột sống già hơn muốn tìm tư thế tốt nhất để cầu nguyện mà không quá đau đớn khổ sở. Điều Người không thể tha thứ cho chúng ta, đó là đến gần Người mà để tâm trí lang thang xa Người. Dĩ nhiên lo ra chia trí là chuyện tự nhiên, và thông thường, cái tivi nội tâm của chúng ta luôn luôn bật, nhưng phần chúng ta, trong lúc đặc biệt này, là phải chọn kênh Giê-su.
Các người láng giềng của nhà thần bí Hồi giáo, Farid ud-Din (#1145-#1221, người Ba-tư) đã thuyết phục ông đến Delhi (kinh đô cũ của các bang Hồi giáo ở Bắc Ấn tk. 8-19) để xin hoàng đế Akbar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akbar đang đắm mình trong cầu nguyện.
Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi: “Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào?” Hoàng đế Akbar đáp: “Ta cầu xin Đấng Nhân Từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu”. Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói: “Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một người ăn xin, không khác gì những hạng người khác !”
Bạn nghĩ Đức Giê-su cầu nguyện gì khi ở trước nhan Thiên Chúa? Và lời cầu nguyện này đã ảnh hưởng ra sao trên hoạt động của Người?