CN III MV C 2018
Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Lm. Giuse Nguyễn
Có thứ niềm vui nhưng sau đó đem đến cho người ta cảm giác trống rỗng, như vui trong men rượu. Có thứ niềm vui nhưng sau đó khiến người ta cảm thấy đời vô nghĩa như những buổi tiệc tùng, vui chơi vô ích. Có thứ niềm vui nhưng sau đó khiến người ta hối hận, nhiều khi không còn kịp nữa, như vui với nàng tiên nâu, vui với anh hùng tốc độ. Có thứ niềm vui, nhưng sau đó đem đến mặc cảm tội lỗi như vui trong men tình… Tuy nhiên có một niềm vui trọn vẹn, niềm vui tròn đầy, niềm vui viên mãn, niềm vui vĩnh cửu… đó chính là niềm vui ơn cứu độ mà phụng vụ lời Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
- Bài đọc I: Xp3, 14-18a
Tiên tri Xôphônia rao giảng vào khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên, trong hoàn cảnh đất nước Do Thái thật tồi tệ, bên ngoài thì bị kẻ thù vây hãm xâm lăng, bên trong thì đời sống đạo đức suy đồi. Trong hoàn cảnh như vậy nhưng tiên tri Xôphônia vẫn có tinh thần lạc quan và mời gọi dân chúng “Hãy reo vui lên! Hãy hò vang dậy đi nào!”. Tại sao? Thưa vì: “Án lệnh phạt ngươi Đức Chúa đã rút lại”, vì “Thù địch ngươi Đức Chúa đã đẩy lùi xa”. Tại sao nữa? Thưa tại vì: “Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa người”. Đó là những lý do mà tiên tri Xôphônia mời gọi dân Chúa hãy vui lên.
- Thánh vịnh: Is 12
Thánh vịnh này triển khai tâm tình lạc quan của bài đọc I. Lý do khiến họ lạc quan là vì Thiên Chúa là chính sức mạnh, là Đấng cứu độ họ. Vì vậy họ mừng vui và hoan lạc, vì “ở giữa ngươi có Đấng thánh của Israel thật là cao cả”
- Bài đọc II: Pl 4, 4 -7
Thánh Phaolô mời gọi giáo dân thành Philiphê “Hãy vui lên!” để chắc chắn ông còn nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại hãy vui lên anh em!” Nhưng không phải niềm vui bình thường, mà là “Vui lên trong niềm vui của Chúa”. Và niềm vui này không chỉ là một tình cảm, mà là hoa trái của một đời sống: “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa, rộng rãi. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa”.
- Tin Mừng: Lc 3, 10-18
Luca giới thiệu cho chúng ta một trong những khuôn mặt nổi bật trong mùa Vọng, đó chính là Gioan Tẩy giả. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả trở thành dấu chấm hỏi cho những người thời bấy giờ, vì ông được thành hình trong khi cha mẹ ông đã già nua. Ông vào hoang địa sống một đời sống khắc khổ trong khi gia đình ông thuộc hạng trung lưu, và người thời đó đang tìm cách để sống hưởng thụ… Chính vì vậy khi ông xuất hiện, mọi người đã tuôn đến với ông để nhờ ông hướng dẫn, chỉ bảo. Một câu hỏi được lặp tới lặp lui trong bài Tin Mừng hôm nay là: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Mọi hạng người đều hỏi Gioan như vậy, chứng tỏ mọi người đều mong muốn cho mình được một niềm vui, hạnh phúc thực sự. Tùy theo đối tượng mà Gioan đã chỉ dạy họ phải làm những việc cụ thể để có được niềm vui đích thực.
Qua đó phụng vụ lời Chúa của CN 3 Mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta hãy vui lên vì Chúa đã đến gần. Muốn có được niềm vui đó thì mỗi người phải hành động cụ thể theo lời chỉ dạy của Gioan Tẩy Giả.
II. LỜI DẠY CỦA GIOAN
Khi người dân hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng hãy làm như vậy”. Gioan mời gọi họ hãy biết sống bác ái với mọi người xung quanh. “Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc…”
Những người thu thuế cũng đến hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Gioan cũng trả lời: “Đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Gioan mời gọi họ hãy sống công bằng: “Của Cesa trả cho Cesa, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Thuế quy định làm sao thì thu như vậy chứ đừng tìm cách gian lận, chiếm đoạt của dân chúng.
Chính quyền cũng đến hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?” và Gioan trả lời: “Các anh đừng ăn hiếp dân chúng”. Nghĩa là Gioan mời gọi họ hãy biết sống yêu thương và phục vụ cho dân chúng. “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống mình”.
III. ĐỂ CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI
Cùng với Giáo hội, chúng tra đang quan tâm đến các gia đình, đặc biệt năm 2019, chúng ta “Đồng Hành Cùng Những Gia Đình Gặp Khó Khăn”. Để đồng hành với những gia đình gặp khó khăn thì mỗi người cần ý thức để có niềm vui ơn cứu độ theo sự hướng dẫn của Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay.
- Bác ái
Việc sống bác ái ở đây không phải là cho người khác những thứ dư thừa, mà là san sẻ những gì mình có trong tinh thần “chia cơm sẻ áo”, “hạt gạo cắn làm đôi”: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có”. Như vậy tất cả mọi người đều có thể sống bác ái. Người nghèo cũng có thể san sẻ với người khác, vì “hạt gạo cắn làm đôi”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát”. Người giàu càng có điều kiện để chia sẻ với người khác hơn. Điều quan trọng là chúng ta đừng tích trữ cho riêng mình, mà muốn san sẻ với người khác, nhất là những người nghèo khổ chung quanh chúng ta. Mẹ Têrêxa đến thăm một người đàn bà ở khu ổ chuột bên Ấn Độ. Mẹ gởi cho bà 10 ký gạo. Bà mừng quá sức, nhưng sau đó lấy bọc sớt ra làm hai. Mẹ hỏi sao bà không cất đi, để dành ăn từ từ mà sớt ra chi vậy? Bà trả lời: “Ở kế bên nhà tôi cũng có một gia đình đang đói lắm!” Đó là bác ái thực sự: chia sẻ với người khác những gì mình đang có, dù đó chỉ là phần nhỏ nhoi, ít ỏi. Chúng ta cũng có thể thực thi bác ái bằng việc chia sẻ cho nhau sự quan tâm, lo lắng, động viên thăm hỏi: “Vui với người vui, khóc với người khóc”.
- Công bằng:
Công bằng cũng không có gì phức tạp, chỉ đơn giản là giữ đúng luật pháp, giữ những điều đã giao ước với nhau, tôn trọng tài sản của chung và của riêng. Cái gì của người khác tức là không phải của mình, hãy để cho người ta.
Mỗi người hãy thực hiện công bình và bác ái trong đời sống hằng ngày. Thánh Gioan không kêu người ta rời khỏi môi trường mình đang sống, nhưng kêu gọi họ từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ việc thu thuế. Binh linh cứ làm binh lính, nhưng với một tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới môi trường sống, đổi mới công việc, mà là đổi mới chính bản thân, đổi mới suy nghĩ, đổi mới lời nói, đổi mới hành động.
Người ta thường bất bình với những gì xung quanh, mong muốn thay đổi thế giới. Hãy nghe lời Gioan Tẩy Giả, đừng bắt người khác đổi mới, hãy đổi mới chính mình trước rồi mọi thứ xung quanh sẽ thay đổi. Hãy bắt đầu sống tốt thì mọi thứ xung quanh sẽ trở nên tốt vì ý thức sâu xa mình được Thiên Chúa yêu thương ban ơn cứu độ.
Khi chúng ta lo sửa đổi chính bản thân mình bằng cách sống theo những giá trị công bằng, bác ái, là chúng ta đã dọn một con đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến. Lúc đó chúng ta sẽ có một niềm vui trọn vẹn, niềm vui ơn cứu độ.
Xin ơn Chúa giúp qua lời bầu cử của Mẹ Maria, thánh cả Giuse ban cho mỗi người chúng ta biết ý thức rằng Chúa đang ngự đến, cụ thể là trong ngày lễ giáng sinh sắp tới, cách riêng là việc Chúa ngự đến trong giờ chết của mỗi người, và lớn lao hơn là ngày tận cùng của vũ trụ này để chúng ta biết sửa đổi bản thân mình, lo sống tốt, sống theo giá trị công bằng, bác ái, nhờ đó chúng ta xứng đáng hưởng niềm vui ơn cứu độ trong ngày Chúa đến.