No-el Niềm Vui Chung Của Nhân Loại.

No-el Niềm Vui Chung Của Nhân Loại.

          Tháng 12…

          Cứ mỗi lần đến tháng 12 là tôi thấy Ba tôi lọ mọ đi chặt mấy cây tre, chẻ một ít lạt, lựa một ít rơm khô, đem mấy tượng ảnh Chúa ra lau chùi bóng hới.

          -No-el mà không làm hang đá thì mất đi một nửa ý nghĩa và niềm vui.

          Một người làm, hai người làm, lây lan cả xóm làm… Ngày xưa không có đèn đuốc gì, Ba tôi chong cái đèn dầu để gần bên Chúa Hài Nhi, thắp sáng cho bà con đi lễ về, cũng là để đón Chúa Hài Đồng.      

          Quanh năm vất vả, cứ gần đến No-el là niềm vui trở về tràn ngập, nhất là bọn nhóc chúng tôi cứ lanh chanh theo mấy bác tập tuồng, nài nỉ lắm để được làm diễn viên, chỉ một vai mục đồng bé tẹo xuất hiện năm ba phút trên sân khấu là phải đeo theo đi tập dợt cả tháng, còn phải siêng năng đi lễ, học hành ngoan ngoãn, ai sai biểu gì phải chạy răm rấp thể hiện thiện chí và lòng thành. Nói chung là phải xứng đáng với sự được xuất hiện trên sân khấu lộng lẫy của nhà thờ mà mỗi năm chỉ có một lần, nó in sâu dấu ấn đẹp tuổi thơ.

          Cỡ nào thì tôi cũng có bô đồ mới để mặc đêm No-el. Lễ đêm về là được ăn cháo vịt xiêm, mừng sinh nhật Chúa. Tuổi thơ của tôi, được tưới tẩm trong những bài thánh ca từ những ca sĩ nghiệp dư của họ đạo, nghe mà lòng rười rượi mát.

          …

          20 năm, thế giới đang hiện đại lên từng ngày, ba tôi vẫn giữ những sợi rơm phơi khô để lót dưới chỗ hang đá, sưởi ấm Chúa Hài Đồng.

          Mấy lần đưa cháu về quê dịp No-el, nó lon ton theo Ông làm hang đá, rủ rỉ bên Ông nghe mà giật mình.

          Đứa cháu, mân mê cọng rơm đon đả. _Trên nhà con, mẹ con lót bằng dây kim tuyến đó Ông. Nhưng mà Chúa sinh ra trong “máng cỏ hang lừa” mẹ con làm hang đá ý như cái nhà lầu không giống hang đá nhà Ông.

          -Ừ hang đá nào cũng được cháu ạ! Quan trọng là cái hang đá trong lòng mình, có thật sự xứng đáng, khiêm tốn để đón Chúa ngự vào không?

          Mùa đông năm nay không lạnh lắm. Tôi cũng quảy ba- lô lên đường đi Bê-Lem ở những vùng sâu, vùng xa tìm hang đá và Chúa Hài Đồng. Mấy ngày trước, lang thang trên phố thị, tôi cảm nhận đến ngạt thở niềm vui Giáng Sinh qua cách bày trí hàng quán, phố xá. Giáng sinh bây giờ không còn là của riêng ai. Giáng sinh là niềm vui chung của cả thế giới. Không ai có thể giành niềm vui Giáng sinh cho riêng mình mà cũng không thế lực nào cấm nó lây lan niềm vui cột chặt người chung quanh. Tôi và mấy đứa nhóc nhà tôi rong ruổi cả ngày, chỉ để enjoy cái không khí No-el hừng hực nơi các ngã đường, siêu thị, quán xá. Chỗ nào cũng có dấu hiệu báo tin Hài Nhi Giê-su sắp sinh ra và nhân loại đang vui, trông chờ.

          Mùa đông năm nay ấm hẳn vì tình người được đan dệt thành những tấm chăn bông mềm mại đắp ấm cho nhau. Chưa bao giờ tôi thấy yêu mến những người làm truyền thông đến như vậy. Họ đã truyền tải cho nhân Loại những bước chân đẹp lang thang khắp nẻo đường đến với những phận nghèo. Rất nhiều mục tử theo tiếng gọi của Đức Giáo Hoàng Fanxico lặn lội đi giữa bầy chiên đầy thương tích, mang niềm vui Giáng sinh đến với những phận thấp hèn bé nhỏ. Hình ảnh Đức Cha Anphongso Nguyễn Hữu Long, Đức Cha Giu-se Đinh Đức Đạo… dấn thân đi vào giữa đàn chiên khuyết tật, đau khổ, nghèo đói tràn lan trên Face làm ấm lòng biết bao người. Hạnh phúc đang có tên tuổi trên nét mặt của các em nghèo khi được Đức Cha ôm vào lòng, sờ mó người thật chứ không phải một tấm ảnh xa lạ chỉ được nhìn ngắm.

          Từ trên cao cúi đầu đã khó, mà cúi thấp xuống để ôm lấy những người không danh, không phận đang chìm đắm trong đau khổ, méo mó về thân xác, tiều tụy tâm hồn quả là khó dường nào. Hàng Triệu con tim rung động với bức ảnh những mục tử vén áo ngồi xuống giữa người nghèo, khòm lưng ghé sát người nghèo, dang tay ôm người khốn khổ vào lòng để đồng cảm với thân phận họ, dáng dấp của một Đức Ki-tô đau khổ giữa đời. Người ta nức lòng với hương thơm của mục tử tỏa ngát “ Mùi chiên” sống chết vì con chiên lạc lối rời xa đàn.

          Mùa đông ghi dấu ấn nhiều bước chân đẹp lặn lội tìm đến vùng sâu vùng xa, san sẻ phần quà của Chúa Giáng sinh, gạo, thuốc, đường, sữa, mì gói… những nhu yếu phẩm mà dường như xa xỉ đối với bà con dân tộc vùng nghèo đói. Tôi lặng nghe sự chia sẻ của nhiều người… Sao mà nghèo, mà đau khổ tột cùng đến thế?

          Tôi thẩn thờ chụp lại những hang đá từ truyền thống bình dị tới hiện đại vươn tới tầm cao của đỉnh nghệ thuật. Đẹp! Đẹp tuyệt vời.

Tôi đi tìm một hang đá. Một hang đá nơi sâu thẳm lòng người được xây dựng bằng suối nguồn tình yêu thật sự của Thiên Chúa đầy lòng thương xót đã ban chính con một Ngài xuống mang thân phận con người chịu chung phận người để truyền tải suối nguồn ân sủng đến với nhân trần. Ngài đã từ trên cao cúi sâu xuống chỉ vì muốn cột chặt mối dây yêu thương với loài người. Tôi mãi đi tìm, nơi thâm sâu tâm hồn mình suối nguồn yêu thương ngày càng khô cạn vì những ích kỷ, ganh đua, hẹp hòi làm xói mòn yêu thương.

Tôi đã quay máy chụp lại chính mình và nhìn thấy một bức hình méo mó đến bi thương…Tôi đứng nép vào hang đá, cầu xin, không phải một phép mầu mà ân sủng, là nước từ suối nguồn yêu thương có thể thẩm thấu và làm mềm mại tâm hồn mình, để loại bỏ đi những chai sạn vô cảm…

…Đêm đông lạnh lẻo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng cỏ hang lừa… Bài Thánh ca du dương đang nâng tâm hồn tôi lên cao lên cao… “Happy Birthday to Hài Nhi Gie-su”. Miệng tôi thì thầm …

Tieu Ho

         

         

         

         

         

print