Noi gương lòng can đảm của thánh Giuse

print

Noi gương lòng can đảm của thánh Giuse

Sáng thứ Tư ngày 29/12, trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2021, Đức Thánh Cha đã tiếp tục bài giáo lý về thánh Giuse với đề tài liên quan đến bối cảnh Giáng Sinh, đó là “cuộc trốn chạy sang Ai-cập” sau khi thánh Giuse được thiên thần báo mộng là vua Hêrôđê đang tìm cách giết Hài Nhi.
 

Văn Yên, SJ – Vatican News

Đức Thánh Cha nêu ra hai cách hành xử đối nghịch nhau: sự tàn bạo của Hêrôđê và lòng can đảm của thánh Giuse. Cuộc sống luôn sẵn có những nghịch cảnh, nhưng nó không nhất thiết đưa đến cách hành xử tàn bạo của Hêrôđê, ngược lại, chúng ta có thể đối diện với những nghịch cảnh đó bằng lòng can đảm như thánh Giuse. Bên cạnh đó, cuộc trốn chạy này của thánh Gia cũng làm liên tưởng đến cuộc trốn chạy của biết bao nhiêu người ngày nay bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ vì chiến tranh, hận thù và đói kém.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn giới thiệu với anh chị em về Thánh Giuse là một người di cư bị bách hại và can đảm. Đây là cách mà Thánh sử Matthêu mô tả. Sự kiện này đánh dấu đặc biệt trong cuộc đời của Chúa Giêsu, và Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng được xem là nhân vật chính, mà truyền thống gọi là “cuộc trốn chạy sang Ai Cập” (x. Mt 2,13-23). Gia đình Na-da-rét đã phải chịu sự sỉ nhục này và đã nếm trải cảm giác bấp bênh, sợ hãi, đau đớn khi phải rời bỏ xứ sở của mình. Ngay cả ngày nay, nhiều anh em chị em của chúng ta cũng bị buộc phải sống cùng một sự bất công và đau khổ này. Nguyên nhân hầu như luôn luôn là sự kiêu ngạo và bạo lực của những kẻ quyền lực. Điều này cũng đã xảy ra đối với Chúa Giêsu.

Sự tàn bạo của vua Hêrôđê

Vua Hêrôđê biết được từ các đạo sĩ về sự ra đời của “vua dân Do Thái”, và tin này làm ông bối rối. Ông cảm thấy không an toàn, ông cảm thấy bị đe dọa nơi quyền lực của mình. Vì vậy, ông tập hợp tất cả các nhà chức trách của Giêrusalem để hỏi về nơi sinh của hài nhi, và yêu cầu các đạo sĩ cho ông biết chính xác, để ông – nói cách giả dối – cũng có thể đến và thờ bái Người. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng các đạo sĩ đã đi theo một con đường khác, ông đã nảy sinh một kế hoạch tàn ác: giết tất cả trẻ em của Bêlem từ 2 tuổi trở xuống, đó là thời điểm, mà theo tính toán của các đạo sĩ, Chúa Giêsu đã được sinh ra.

Trong khi đó, một thiên thần báo mộng cho Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13). Chúng ta hãy nghĩ về rất nhiều người ngày nay cũng cảm thấy sự thôi thúc bên trong như vậy: “Chúng ta hãy chạy trốn, chạy trốn đi, bởi vì ở đây có nguy hiểm”. Kế hoạch của Hêrôđê nhắc nhớ lại kế hoạch của Pha-ra-ô, là ném tất cả bé trai của dân Israel xuống sông Nin (x. Xh 1,22). Và cuộc chạy trốn sang Ai Cập gợi lại toàn bộ lịch sử của Israel, bắt đầu từ Abraham, người cũng đã đến trú ngụ ở đó (x. St 12,10), cho đến Giuse, con trai của Gia-cóp, bị bán bởi anh em mình (x. St 37,36) và sau đó trở thành “Người cai quản toàn cõi Ai-cập” (x. St 41,37-57); và đến Môsê, người đã giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ của người Ai Cập (x. Xh 1,18).

Cuộc chạy trốn của Thánh Gia đến Ai Cập cứu được Chúa Giêsu, nhưng rất tiếc nó không ngăn được Hêrôđê thực hiện việc thảm sát của mình. Như thế, chúng ta đứng trước hai nhân cách trái ngược nhau: một bên là Hêrôđê tàn bạo và bên kia là Giuse với sự ân cần và can đảm. Hêrôđê muốn bảo vệ quyền lực của mình, lớp áo của mình, bằng sự bạo tàn nhẫn tâm, như việc hành quyết một trong những người vợ của ông, một số người con của ông và hàng trăm đối thủ. Ông là một người tàn nhẫn: để giải quyết vấn đề, ông chỉ có một công thức duy nhất: giết người. Ông là biểu tượng của biết bao bạo chúa của hôm qua và cả hôm nay. Đối với họ, đối với những bạo chúa này, con người không quan trọng, quyền lực mới đáng giá, và nếu họ cần không gian cho quyền lực, họ sẽ giết người. Và điều này xảy ra ngày nay: chúng ta không cần phải trở về lịch sử cổ đại, nó xảy ra ngày nay. Họ là những con người trở thành “sói” đối với những người khác. Lịch sử đầy rẫy những con người, những người sống trong nỗi sợ hãi của họ, cố gắng vượt qua chúng bằng cách thực thi quyền lực một cách chuyên chế và ra tay thực hiện những ý định bạo lực vô nhân đạo. Nhưng chúng ta không được nghĩ rằng chúng ta chỉ sống kiểu Hêrôđê khi chúng ta trở thành bạo chúa. Không. Trong thực tế, đó là một thái độ mà tất cả chúng ta đều có thể sa ngã, mỗi khi chúng ta cố gắng xua đuổi nỗi sợ hãi của mình bằng sự kiêu ngạo, ngay cả khi chỉ bằng lời nói hoặc bằng những hành vi lạm dụng nhỏ được thực hiện để hạ nhục những người xung quanh chúng ta. Trong lòng, chúng ta cũng có khả năng trở thành những Hêrôđê nhỏ.

Lòng can đảm của thánh Giuse

Thánh Giuse đối lập với Hêrôđê: trước hết ngài là “người công chính” (Mt 1,19), còn Hêrôđê là một kẻ độc tài; ngài cũng chứng tỏ sự can đảm trong việc thực hiện mệnh lệnh của thiên thần. Chúng ta có thể hình dung ra những thăng trầm mà ngài đã phải nếm trải trong suốt cuộc hành trình dài và nguy hiểm, và cả những khó khăn liên quan đến việc ở lại một đất nước xa lạ, với một ngôn ngữ khác: rất nhiều khó khăn. Lòng can đảm của ngài cũng được bộc lộ trong việc trở về, khi được thiên thần trấn an. Ngài đã vượt qua những nỗi sợ hãi có thể hiểu được và cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu, đến định cư tại Na-da-rét (x. Mt 2,19-23). Hêrôđê và Giuse là hai nhân vật đối lập nhau, luôn phản ánh hai bộ mặt của nhân loại. Thật là một quan niệm sai lầm khi cho rằng lòng dũng cảm là đức tính dành riêng cho bậc anh hùng. Thực tế, cuộc sống thường ngày của mỗi người đều cần đến lòng dũng cảm. Cuộc sống của chúng ta – của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta: không thể sống mà thiếu lòng can đảm, dũng cảm đối mặt với những khó khăn hằng ngày. Trong mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa, chúng ta đều tìm thấy những người nam người nữ can đảm, kiên vững với niềm tin của họ, đã vượt qua những khó khăn, chịu đựng những bất công, chịu lên án và thậm chí cả cái chết. Can đảm đồng nghĩa với dũng cảm, cùng với công bằng, khôn ngoan và tiết độ, là một phần thuộc nhóm các nhân đức, được gọi là “nhân đức trụ”.

Cầu nguyện cho những người di cư ngày nay

Bài học mà thánh Giuse để lại cho chúng ta hôm nay là: cuộc sống luôn sẵn có những nghịch cảnh cho chúng ta. Điều này đúng. Và đối diện với chúng, chúng ta cũng có thể cảm thấy bị đe dọa, sợ hãi, mà không lôi ra điều tệ hại nhất nơi chúng ta, như Hêrôđê đã làm, nhưng chúng ta có thể vượt qua vào một thời điểm nào đó, qua cách hành xử như thánh Giuse, bằng việc đối diện với nỗi sợ bằng lòng can đảm tín thác vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Hôm nay tôi tin rằng chúng ta cần một lời cầu nguyện cho tất cả những người di cư, tất cả những người bị bách hại, tất cả những ai là nạn nhân của những hoàn cảnh khắc nghiệt: đó là những hoàn cảnh chính trị, lịch sử hoặc cá nhân. Nhưng, chúng ta hãy nghĩ đến rất nhiều người là nạn nhân của các cuộc chiến tranh, muốn rời bỏ quê hương mà không thể; chúng ta nghĩ đến những người di cư, bắt đầu con đường như thế để được tự do và nhiều người trong số họ kết thúc trên đường hoặc trên biển; chúng ta nghĩ về Chúa Giêsu trong vòng tay của Thánh Giuse và Mẹ Maria, đang chạy trốn, và chúng ta thấy nơi Người mỗi người di cư hôm nay. Đây là một thực trạng, thực trạng về những cuộc di cư ngày nay, mà chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Đó là một nỗi ô nhục xã hội của nhân loại.

Lạy Thánh Giuse,
Ngài là người đã trải qua đau khổ của những ai phải chạy trốn
Ngài đã bị buộc phải chạy trốn
để cứu lấy mạng sống của những người thân yêu,
xin bảo vệ tất cả những người phải chạy trốn khỏi chiến tranh,
hận thù và đói kém.
Xin nâng đỡ họ trong nỗi khốn khó mà họ phải gánh chịu,
Xin củng cố họ trong hy vọng và giúp họ gặp được sự chào đón và liên đới.
Xin hướng dẫn bước đường của họ và mở rộng trái tim của những người có thể giúp họ. Amen.