PHẦN II: TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ
Tác giả: Lm. Franz-Josef Eilers, SVD
Chuyển ngữ: Ủy ban Truyền thông Xã hội / HĐGMVN
I. THẦN HỌC MỤC VỤ VÀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Thần học Mục vụ đã phát triển thành một môn học chuyên biệt vào cuối thế kỷ 18 đặc biệt tại các nước nói tiếng Đức. Thời kỳ đầu, vào khoảng năm 1770, đây là ngành thần học quan tâm tới việc chuẩn bị các linh mục cho thừa tác vụ của họ. Thời ấy, chỉ các linh mục mới được coi là ‘người mục tử’ tiếp nối Đức Kitô mục tử, để ‘chăn dắt’ các tín hữu của Hội Thánh. Mãi đến giữa thế kỷ 20, quan niệm này được mở rộng ra ngoài con người linh mục để bao gồm tất cả những ai bằng cách này hay cách khác dấn mình vào các thừa tác vụ mục tử của Hội Thánh.
Thần học Mục vụ là môn học đem áp dụng thần học vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân chúng và xã hội. Như thế nó có thể được coi là một môn học liên quan tới việc truyền đạt và chia sẻ đức tin trong đời sống cụ thể hằng ngày của dân chúng. Môn học này bao gồm các việc tông đồ như rao giảng và huấn giáo cũng như Kinh Thánh vì chúng thiết lập, nuôi dưỡng và giữ gìn đức tin của dân chúng. Thần học Mục vụ cũng bao gồm phụng vụ như là một kinh nghiệm của cộng đoàn và cá nhân có sức nuôi dưỡng kinh nghiệm đức tin của họ. Thần học Mục vụ cũng quan tâm tới việc làm thế nào đối xử và khuyên bảo dân chúng trong các khó khăn cá nhân và cộng đoàn của họ, để giúp họ tăng trưởng theo đường lối của Thiên Chúa; giúp họ mở lòng ra nhiều hơn với ơn quan phòng và cứu độ của Thiên Chúa.
Về cơ bản, Thần học Mục vụ bao gồm mọi lĩnh vực của thần học liên quan tới việc chăm sóc dân chúng trong đức tin và đời sống cá nhân của họ với danh nghĩa là Kitô hữu và là những thành viên của một cộng đoàn Kitô giáo.
Ở số 23 của Sắc lệnh Inter Mirifica về Truyền thông Xã hội của Vatican II, các Nghị phụ Công Đồng đã yêu cầu soạn ra một Huấn thị Mục vụ “để bảo đảm rằng mọi nguyên tắc và qui luật của Công Đồng về các phương tiện truyền thông xã hội được đem ra thi hành.” Thần học Mục vụ có một mục tiêu chung như thế, nhưng ở đây nó được giới hạn vào các phương tiện truyền thông xã hội.
Là kết quả của yêu cầu trên, Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971) đề cập đến khá nhiều lĩnh vực khác nhau. Bản văn trình bày hai phương hướng chính: sự cống hiến của truyền thông xã hội cho sự tiến bộ của con người khi xét đến “vai trò và các điều kiện cho các phương tiện truyền thông trong xã hội loài người” (các số 17-100) và “việc dấn thân của người Công giáo trong lĩnh vực truyền thông” (các số 101-180). Trước tiên, phải xét đến các hoàn cảnh của những con người và những xã hội cụ thể trước khi có thể áp dụng các nguyên tắc và kinh nghiệm của Kitô giáo. Điều này đặc biệt đúng đối với truyền thông xã hội trong thừa tác mục vụ. Thần học mục vụ là khoa thần học thực hành, các hoạt động của nó được áp dụng vào đời sống của những con người, vì thế chúng có một chiều kích truyền thông.
Nhìn vào chiều kích này chính là mục đích của Truyền thông Mục vụ. Chẳng hạn, việc giảng dạy đức tin trong huấn giáo và giảng thuyết phải được coi như một tiến trình truyền thông mà Thánh Augustinô đã từng phát biểu rất rõ ràng. Chia sẻ Lời Chúa là một sự kiện truyền thông cũng như việc cử hành phụng vụ là một cách diễn tả sinh động sự hiện diện của Chúa giữa Dân Người. Trong tất cả các hoạt động này, câu hỏi đầu tiên phải hỏi là: Đâu là tình trạng hay hoàn cảnh của những con người (trong và ngoài bản thân họ!) mà vào lúc này đang đối diện với Lời Chúa và kinh nghiệm đức tin và làm thế nào đáp ứng một cách thích hợp để làm cho nó sống động trong hoàn cảnh của những con người này? Văn kiện Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II về Hội Thánh trong thế giới hôm nay là một ví dụ điển hình về một phương hướng như thế.
Truyền thông Mục vụ quan tâm tới đời sống và các nhu cầu của các cá nhân cũng như các cộng đoàn trong hiện tình của họ. Truyền thông Mục vụ được ví như ‘người mục tử tốt lành’ đi tìm con chiên lạc và tạo ra các cách thức, phương tiện và điều kiện để những ‘con chiên’ này có thể được sát nhập, nuôi dưỡng hay trở về đàn. Nếu Thần học Mục vụ là thần học về cách ‘người mục tử tốt lành’ đối xử với đàn chiên của mình, thì Truyền thông Mục vụ là chiều kích truyền thông của việc đối xử và quan tâm này. Đây là điều cốt yếu cho mọi sự bởi vì con người là những thành viên của các cộng đồng và các xã hội, sống dựa trên các mối quan hệ. Quan hệ với người khác là một sự kiện cơ bản đối với mọi con người và một mối quan hệ như thế có nghĩa là một sự truyền thông giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Chính thực tại thần học sâu xa này là cái cuối cùng xác định Thần học Mục vụ cũng như Truyền thông Mục vụ.
Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae đã phác hoạ một số yếu tố ưu tiên cho Truyền thông Mục vụ. Ưu tiên trước hết là bảo vệ các phương tiện truyền thông cơ bản trong các nền văn hoá đang hiện hữu trong các cách và các phương tiện truyền thông ‘truyền thống’. Các điều này có giá trị đặc biệt trong việc chăm sóc mục vụ và việc truyền thông truyền giáo. Ưu tiên này cũng bao gồm việc tăng cường quyền truyền thông như là một quyền cơ bản của con người (số 16).
Một ưu tiên khác nữa là các phương tiện và các chương trình của chính Hội Thánh cho việc truyền thông xã hội, với các cách thức và các phương tiện truyền thông như là một phần cơ bản của mọi thừa tác vụ của Hội Thánh (số 17).
Giáo dục và đào tạo về truyền thông phải là một “phần cốt yếu của việc đào luyện các người hoạt động mục vụ và các linh mục”, để họ có khả năng truyền thông cho mọi người và “biết cách mời gọi người ta đối thoại” (số 18).
Sau cùng, phải đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc mục vụ cho những người “hoạt động chuyên nghiệp trong lãnh vực truyền thông thế tục và các ‘công nghệ’ truyền thông.” Phải cống hiến sự đào luyện thường xuyên cho họ và giúp họ “tích hợp một cách đầy đủ hơn các qui tắc đạo đức vào với hoạt động chuyên môn của họ cũng như vào đời sống riêng tư của họ” (số 19).
II. TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ TRONG CÁC VĂN KIỆN HỘI THÁNH
Truyền thông Mục vụ rất nhiều lần được nhắc đến một cách trực tiếp hay gián tiếp trong các văn kiện khác nhau của Hội Thánh về truyền thông.
Đức Thánh Cha Piô XII ở phần cuối Thông điệp Miranda Prorsus (1957) đã nhấn mạnh một cách đặc biệt về nhiệm vụ mục vụ của linh mục trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Ngài nói ngài “không thể kết lá thư này mà không nhắc nhớ đến vai trò quan trọng được trao cho người linh mục, đó là họ phải khuyến khích và sử dụng các phát minh ảnh hưởng đến việc truyền thông, không chỉ trong các lĩnh vực khác của hoạt động tông đồ, mà đặc biệt trong chính hoạt động nòng cốt này của Hội Thánh. Họ phải có một sự hiểu biết chắc chắn về tất cả các vấn đề tác động đến linh hồn các Kitô hữu liên quan tới phim ảnh, truyền thanh và truyền hình” (số 151, Ed. Eilers 1977).
“Người linh mục với nhiệm vụ ‘coi sóc các linh hồn’ có thể và phải biết rằng khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật có ảnh hưởng mạnh như thế nào khi chúng tác động đến mục đích của con người và đời sống luân lý cũng như tôn giáo của họ. Linh mục hãy học sử dụng các phương tiện này một cách đúng đắn bao có thể theo… bản chất của sứ vụ được uỷ thác cho họ và nhu cầu giúp đỡ đông đảo các linh hồn đòi hỏi. Sau cùng, nếu các nghệ thuật này được linh mục sử dụng một cách hữu ích, thì sự khôn ngoan, tự chủ và tinh thần trách nhiệm của họ sẽ chiếu sáng như một mẫu gương cho mọi Kitô hữu” (số 152-154, Ed. Eilers 1997).
Vaticanô II xác nhận lại nhiệm vụ này và mở rộng ra cho mọi Kitô hữu trong Sắc lệnh Inter Mirifica (1963):
“Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tùy theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Họ cũng phải ngăn ngừa những dự định tai hại, nhất là ở những miền mà luân lý và tôn giáo đang tiến bộ cần được họ can thiệp khẩn cấp hơn.
Vậy các chủ chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận sự mình trong lãnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là giảng dạy. Những giáo dân đang sử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng về Chúa Kitô: trước hết bằng cách hoàn tất mọi công tác cho thành thạo với tinh thần tông đồ, rồi tuỳ khả năng kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động mục vụ của Hội Thánh theo phận sự của mình” (số 13, Bản dịch tiếng Việt của GHHV Thánh Piô X, Đà Lạt 1972).
Inter Mirifica cũng coi việc sử dụng các phương tiện truyền thông là một quyền ‘đương nhiên’ của Hội Thánh cho hoạt động mục vụ của mình:
“Như thế Hội Thánh đương nhiên có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ loại nào trong các phương tiện truyền thông xã hội đó, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn. Các vị chủ chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào cho họ biết dùng cả những phương tiện này để theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại…” (số 3, Bản dịch tiếng Việt của GHHV Thánh Piô X, Đà Lạt 1972).
Tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt điện ảnh, đối với kế hoạch mục vụ đã được nhấn mạnh bởi Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971): “Các phát triển (của phương tiện truyền thông) này phải được nghiên cứu kỹ trong kế hoạch mục vụ, vì chúng là những cánh cửa mở ra cho việc sử dụng một cách hiệu quả các phương tiện này trong hoạt động mục vụ…” (số 143).
Nhu cầu về một đường lối mục vụ còn được nhấn mạnh thêm bởi cùng văn kiện trên: “Vai trò của các công cụ truyền thông xã hội trong vận mệnh loài người, các cơ hội và các vấn đề chúng đặt ra trước lương tâm Kitô hữu, tất cả đều cho thấy một nhu cầu bức thiết là phải tìm ra một đường lối mục vụ cho lĩnh vực này. Phải tìm kiếm những người có đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm cho công việc này. Cũng phải thiết lập các cơ cấu mục vụ thích hợp, với ngân sách, thẩm quyền và nguồn lực cần thiết” (số 162).
Các chi tiết về một đường lối mục vụ sâu hơn đã được phác hoạ bởi Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae (1992), và cũng liên quan đặc biệt tới việc Truyền thông Truyền giáo: “Những người rao giảng Lời Chúa buộc phải lắng nghe và tìm tòi để hiểu những ‘lời’ của những dân tộc và văn hoá khác nhau, để không chỉ học hỏi nơi họ mà còn có thể giúp họ nhận ra và chấp nhận Lời Thiên Chúa. Vì vậy, Hội Thánh phải giữ một sự hiện diện lắng nghe và tích cực trong quan hệ với thế giới – một loại hiện diện vừa nuôi dưỡng cộng đoàn vừa nâng đỡ người ta trong việc tìm kiếm các giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề cá nhân và xã hội. Hơn nữa, vì Hội Thánh luôn luôn phải truyền thông sứ điệp của mình một cách thích hợp với mỗi thời đại và các nền văn hoá của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia, nên ngày nay Hội Thánh phải truyền thông trong và cho nền văn hoá truyền thông đang phát triển…” (số 8).
Nhu cầu giáo dục và đào tạo các người hoạt động mục vụ đã được chính Huấn thị này lặp lại (số 18): “Việc giáo dục và đào tạo về truyền thông phải là một phần cốt yếu của việc đào tạo các người hoạt động mục vụ và các linh mục. Việc đào tạo và giáo dục này đòi hỏi một số yếu tố và khía cạnh khác nhau. Ví dụ, trong thế giới ngày nay chịu ảnh hưởng mạnh bởi các phương tiện truyền thông, những người hoạt động cho Hội Thánh cần phải có một sự hiểu biết ít là thực tiễn về tác động của các công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới đối với các cá nhân và xã hội. Cũng vậy, họ phải được chuẩn bị để phục vụ cả những người ‘giàu thông tin’ lẫn những người ‘nghèo thông tin’. Họ cần biết cách mời gọi người khác đối thoại, tránh kiểu truyền thông mang tính chất thống trị, bóc lột hay trục lợi…”.
Chăm sóc mục vụ cho những người hoạt động truyền thông là một quan tâm đặc biệt: “Hoạt động truyền thông hàm chứa những áp lực tâm lý đặc biệt và những vấn đề nan giải về đạo đức. Vì các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quá quan trọng trong việc hình thành văn hoá hiện đại và khuôn đúc đời sống của vô số cá nhân và toàn thể xã hội, nên điều cốt thiết là những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực các phương tiện truyền thông thế tục và các công nghệ truyền thông phải thể hiện trách nhiệm của mình với những lý tưởng cao cả và một sự dấn thân phục vụ loài người. Vì vậy, Hội Thánh có trách nhiệm: triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ có khả năng đáp ứng chuyên biệt cho các điều kiện làm việc đặc thù và các thách thức luân lý mà những người hoạt động truyền thông chuyên môn phải đối diện…” (số 19).
Đối với việc đào tạo các linh mục tương lai, cuốn ‘Hướng dẫn việc Đào tạo các Linh mục Tương lai về Truyền thông Xã hội’ do Thánh Bộ Giáo dục Công giáo xuất bản (1986) đã vạch ra 3 mục tiêu cho việc chuẩn bị các linh mục về Truyền thông Mục vụ (1986): “a) đào tạo họ trong việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội… trong các hoạt động mục vụ của họ, khi hoàn cảnh cho phép; b) đào tạo họ trở thành những người thầy và người hướng dẫn người khác… qua việc dạy học, dạy giáo lý, giảng thuyết…, và trở thành những nhà tư vấn, cha giải tội, cha linh hướng; c) và trên hết, tạo cho họ có một não trạng để họ thường xuyên sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động mục vụ của họ, gồm cả những hoạt động do đòi hỏi của việc hội nhập văn hoá giữa đức tin và đời sống trong những Hội Thánh địa phương khác nhau, trong một thế giới bị ảnh hưởng về tâm lý và xã hội bởi các phương tiện truyền thông và thậm chí đã bị ảnh hưởng bởi tin học và các phương tiện điều khiển từ xa”.
Truyền thông Kitô giáo và đặc biệt Truyền thông Mục vụ phải đóng vai trò dẫn đường và xuất phát từ việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô, ‘người truyền thông hoàn hảo’ (Communio et Progressio, số 11), Đấng là và phải là nguồn cảm hứng cho mọi việc truyền thông mục vụ và là mối quan tâm cơ bản của mọi văn kiện Hội Thánh để cổ võ và phát huy lãnh vực truyền thông xã hội của Hội Thánh.
Ngoài các văn kiện trên đây của Tòa Thánh , các thông điệp của các Đức Giáo Hoàng vào Ngày Thế giới Truyền thông cũng cống hiến một số hướng dẫn cho việc truyền thông mục vụ. Ngày Thế giới Truyền thông đã được tổ chức từ năm 1968 theo quyết định của Vatican II. Các thông điệp này luôn luôn liên quan tới một đề tài đặc biệt, thường mang một khía cạnh mục vụ nổi bật. Ví dụ, có một số năm trong đó vấn đề gia đình hay các mối quan tâm về gia đình là một đề tài cho ngày ấy (1969, 1979, 1980, 1994, 2004). Có những ngày chọn đề tài là vấn đề giới trẻ (1970, 1985), người già (1982), phụ nữ (1996), và việc cổ vũ công lý và hoà bình (1987, 2003), sự hiệp nhất loài người, tiến bộ, tình liên đới và tự do (1981, 1988, 1991). Cũng có những ngày nói về vai trò của các phương tiện truyền thông khác nhau trong Hội Thánh và đời sống mục vụ như các khía cạnh khác nhau của các phương tiện đại chúng nói chung (1973, 1977, 1989) hay các phương tiện truyền thông đặc biệt như máy tính (1990), băng đĩa nghe nhìn (1993), truyền hình (1994) và phim ảnh (1995).
III. TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ TRONG CÁC THỪA TÁC VỤ CỦA HỘI THÁNH
Mọi thừa tác vụ của Hội Thánh về cơ bản cũng là các thừa tác vụ truyền thông và có chiều kích truyền thông mục vụ. Các thừa tác vụ của Hội Thánh nhắm đến con người, đặc biệt các tín hữu, để nuôi dưỡng và nâng đỡ họ trong đức tin và đời sống thiêng liêng của họ. Ở đây, quan tâm về truyền thông mục vụ là chia sẻ đức tin trên các bình diện khác nhau của con người. Đó là hình thành và dạy dỗ, kinh nghiệm và cử hành Lời Chúa như là lời sống động và ban sự sống. Chẳng hạn, giảng thuyết và phụng vụ, huấn giáo và chia sẻ Kinh Thánh là những yếu tố cơ bản của truyền thông mục vụ, nhưng cả Diakonia cũng thế, như việc phục vụ người nghèo khổ túng thiếu và quan tâm tới sự phát triển con người. Trong giảng thuyết và phụng vụ, lời và bí tích được làm cho hiện diện giữa cộng đoàn Kitô hữu. Huấn giáo và chia sẻ Kinh Thánh đào sâu và mở rộng bằng nhiều cách khác nhau sự hiểu biết và kinh nghiệm về giáo huấn của Hội Thánh và làm cho Lời Thiên Chúa trở nên sống động hơn nơi các cá nhân và cộng đoàn.
Một trong các chức năng hàng đầu của truyền thông mục vụ là thừa tác vụ giảng thuyết để truyền thông Lời Chúa cho dân sống quanh chúng ta và được giao phó cho chúng ta coi sóc. Thông thường thừa tác vụ này được dành cho các phó tế hay linh mục trong tư cách thừa tác viên được thụ phong. Trong nghi lễ truyền chức phó tế, khi nhận sách Tin Mừng, họ được bảo: “Hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thực hành điều con giảng.” Để là người truyền thông đáng tin, người giảng thuyết trước tiên cần ‘giảng’ bằng đời sống cá nhân của mình. ‘Chứng tá đời sống’ là cơ sở cho mọi việc truyền thông đáng tin. Chứng tá ấy giúp cho việc rao giảng Lời trở thành đáng tin.
Ngoài việc làm chứng bằng đời sống cá nhân mình, linh mục phải truyền thông Tin Mừng bằng việc giảng Lời. Theo Evangelii Nuntiandi (1975), giảng thuyết luôn luôn là ‘không thể thiếu”. Sau đó, Đức Phaolô VI nói ngài biết rất rõ rằng “con người thời nay không thích nhiều lời; rõ ràng họ thường mệt vì phải nghe, nhất là nghe mà không hiểu các lời nói. Chúng ta cũng biết rằng nhiều nhà tâm lý học và xã hội học quan niệm rằng con người thời nay đã vượt qua nền văn minh của lời nói mà bây giờ đã trở thành vô hiệu và vô dụng; ngày nay họ đang sống trong nền văn minh của hình ảnh” (số 42). Vì vậy Hội Thánh phải “sử dụng các phương tiện của nền văn minh này để truyền đạt thông điệp Tin Mừng”.
Nói như thế không có nghĩa là có thể bỏ qua lời nói. “Tuy nhiên, sự mệt mỏi được tạo ra ngày nay bởi quá nhiều lời nói trống rỗng, và tầm quan trọng của các hình thức truyền thông khác không được làm suy giảm sức mạnh vốn có của lời nói, hay gây ra sự mất tin tưởng vào lời nói. Lời nói vẫn luôn luôn còn giá trị, đặc biệt khi nó mang sức mạnh của Thiên Chúa” (số 42). Vì vậy giảng thuyết vẫn còn cần thiết, nhưng phải có chất lượng. Bài giảng, đặc biệt trong các lễ Chúa Nhật, phải “đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp, thích hợp, đặt nền vững chắc trên lời dạy của Tin Mừng và trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh, được sinh động bởi một nhiệt tình quân bình phát xuất từ chính bản chất đặc trưng của nó, đầy hi vọng, nuôi dưỡng niềm tin và kiến tạo hòa bình và hiệp nhất” (số 43). Để lời giảng của linh mục hiệu quả trong việc đánh động tâm hồn người nghe, thì theo văn kiện Presbyterorum Ordinis (1965) của Công đồng Vatican II về thừa tác vụ và đời sống của linh mục, bài giảng phải “diễn giải Lời Thiên Chúa không chỉ một cách chung chung và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý vĩnh cửu của Tin Mừng vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống” (số 4).
Nguyên tắc “có đức tin là nhờ nghe giảng” của Thánh Phaolô vẫn còn nguyên giá trị hôm nay, bởi vì “nghe giảng dẫn tới đức tin” (Evangelii Nuntiandi số 42; xem Rm 10,17). Đối với việc truyền thông trong giáo xứ, điều này có nghĩa là sử dụng thích hợp các phương tiện kỹ thuật mà chúng ta có. Bắt đầu ngay từ việc lắp đặt và sử dụng tốt micrô nếu thực sự cần thiết trong một hoàn cảnh nhất định. Linh mục cần phải biết hay kiểm tra xem loại micrô nào thích hợp nhất cho nhà thờ của mình, gồm cả hệ thống khuếch âm. Đương nhiên việc này cũng còn phải dựa vào không gian và tình trạng âm thanh của nhà thờ. Đôi khi trong các nhà thờ nhỏ, linh mục vẫn có thể giảng mà không cần hệ thống âm thanh, miễn là linh mục ấy có giọng tốt. Các kỹ thuật về đọc cũng quan trọng. Linh mục không được lúc nào cũng dán mắt vào sách bài đọc, mà phải cố gắng truyền thông với giáo dân sao cho họ nghe bản văn giống như nghe một thông điệp sống động được nói ra, được mở ra từ một lá thư viết hay từ một sự kiện Tin Mừng.
Hơn nữa, bài giảng cần phải dùng một ngôn ngữ sinh động, giúp người nghe có thể hiểu được dễ dàng. Tất cả các phát thanh viên đều biết rằng bản văn họ đọc phải được viết bằng một thứ ngôn ngữ nói, vắn gọn, chính xác, nhưng cũng sinh động và sử dụng các kiểu nói và ví dụ gần gũi với quần chúng. Bí quyết từng giúp cho việc giảng thuyết của các nhà cải cách ở thế kỷ 16 khá thành công chính là lời khuyên của Martin Luther: nhìn ‘miệng’ của dân chúng, nghĩa là tìm hiểu và sử dụng ngôn ngữ của họ (“Den Leuten auf’s Maul schauen”). Đôi khi việc sử dụng các phương tiện khác như các đồ vật, phim chiếu, tranh ảnh, áp phích cũng có thể hữu ích, nhưng không được lạm dụng để biến nó thành các xảo thuật quảng cáo! Giống như với bất kỳ loại trình bày nào, các điệu bộ và sự tiếp xúc bản thân toát ra từ tính cách của người giảng cũng rất quan trọng. Cho nên, việc truyền thông mục vụ bằng giảng thuyết cũng phản ánh rất rõ tính cách, niềm tin và chiều sâu thiêng liêng của người giảng.
Muốn cho Lời Thiên Chúa được nhập thể lại một cách mới mẻ ở thời đại chúng ta, người giảng thuyết phải đưa Lời này đi vào hoàn cảnh cụ thể và các mối quan tâm của con người hôm nay. Có nghĩa là trong bài giảng của mình, linh mục phải làm hết sức mình để gặp gỡ dân trong chính đời sống thường ngày của họ. Một ví dụ hay một kinh nghiệm cụ thể từ đời sống thường ngày, nhất là tại chính địa phương, sẽ trực tiếp lôi kéo được sự chú ý của dân và giúp họ mở rộng lòng để Lời Chúa đi vào trong hoàn cảnh của họ. Các quy tắc báo chí về tầm quan trọng của tin tức có thể rất có ích trong trường hợp này. Một sự kiện càng gần với người ta về thời gian và không gian thì càng có giá trị của tin tức. Một người bị thương trước cửa nhà trong giáo xứ sáng hôm nay thì thu hút sự chú ý của người ta hơn là một sự kiện nào đó xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới. Một quyết định, một tai nạn hay một nhân vật có liên quan tới đời sống hằng ngày của người nghe ở đây và bây giờ thì quan trọng hơn là một điều gì đó có thể đã xảy ra ở đâu đó trên thế giới khoảng 300, 500 hay 1000 năm trước. Tình trạng tăng giá gạo, giá thịt hay giá xăng hôm qua thì được người ta quan tâm hơn là những chuyện đã xảy ra trong vụ khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Các câu chuyện về con người luôn luôn thu hút được nhiều thính giả và độc giả. Các câu chuyện về những con người và những niềm sướng khổ của họ tương tự với hoàn cảnh sống của người nghe thì luôn luôn được hoan nghênh. Như lời phát biểu của Evangelii Nuntiandi, có “vô số sự kiện trong cuộc đời và những tình huống nhân loại trở thành những cơ hội làm phát sinh các phát biểu âm thầm nhưng thấm thía về những điều Chúa muốn nói trong hoàn cảnh cụ thể này hay hoàn cảnh cụ thể kia. Chỉ cần có sự nhạy bén thiêng liêng để có thể đọc được thông điệp của Thiên Chúa trong các biến cố” (số 43).
Vì “con người thời nay không thích nhiều lời”, việc giảng thuyết cũng không nên quá dài dòng. Rất nhiều khi một bài giảng vắn gọn, thích hợp và chỉ truyền đạt một thông điệp một cách sinh động lại hiệu quả hơn là một bài diễn giải dài dòng về một vấn đề thần học hóc búa. Một chương trình phát thanh hay truyền hình cũng thế, phải giới hạn chứ không thể kéo dài vô hạn. Hơn nữa, trong nhiều bối cảnh văn hoá hôm nay, người ta có những cuộc hẹn và những kế hoạch phải làm, đặc biệt vào những ngày Chúa Nhật, sau một tuần lễ bận bịu với công việc.
Khi trình bày bài giảng, giảng viên phải luôn luôn ý thức mình là người phục vụ Chúa, chứ không phải là chính Chúa. Trong khi trên radio và TV, một phát thanh viên giỏi có thể dễ trở thành một ngôi sao nhờ cách trình bày của họ, nhưng giảng viên thì không được ứng xử như một ngôi sao. Họ chỉ là một người phục vụ Lời Chúa, giống như người truyền thông điệp không phải là thông điệp! Có nghĩa là giảng viên không nên cường điệu hay lạm dụng các điệu bộ, phong cách trình bày và ngay cả cách nói của mình. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa giảng thuyết và các phương tiện điện tử hiện đại.
Tuy nhiên, giảng viên phải biết sử dụng các phương tiện khác nhau hiện có để làm cho bài giảng sinh động và đáp ứng các nhu cầu và mong đợi của người nghe. Ngoài việc sử dụng các hình chiếu, áp phích, âm nhạc, thậm chí cả phim ảnh và ca kịch, thì việc tổ chức tốt hình thức giảng-đối thoại, nghĩa là đối thoại với những người tham dự, có thể rất hiệu quả nếu cộng đoàn ấy sẵn sàng tham dự vào sinh hoạt này. Hình thức chia sẻ giữa các người tham dự trong một bài giảng cũng có giá trị như thế.
Biết thính giả là yếu tố tối quan trọng. Rõ ràng người nhận là người mà giảng viên nói với và muốn đạt tới được. Một nguyên tắc cơ bản của truyền thông là trước hết phải biết thính giả. Phải có sự hiểu biết này thì người truyền thông hay người giảng mới có thể chọn lựa nội dung, các hình thức và phương tiện truyền thông thích hợp. Về phần mình, người giảng phải có một nền tảng thần học vững chắc, có đời sống thiêng liêng sâu xa và có kinh nghiệm để chia sẻ. Một nhân cách thiêng liêng sâu xa có sức thuyết phục mạnh hơn là các phương tiện kỹ thuật khác. Như lời Tông huấn về Rao giảng Tin Mừng Evangelii Nuntiandi nói về nhu cầu có Thần Khí: “Các kỹ thuật để rao giảng Tin Mừng là điều tốt, nhưng ngay cả các kỹ thuật tiên tiến nhất cũng không thể thay thế tác động êm dịu của Thần Khí. Sự chuẩn bị của người rao giảng Tin Mừng dù hoàn hảo nhất nhưng không có Chúa Thánh Thần thì cũng không thể mang lại hiệu quả gì. Không có Chúa Thánh Thần, các lý luận thuyết phục nhất cũng chẳng thể nào đánh động được tâm hồn của người nghe. Không có Người, các kế hoạch tinh vi nhất dựa trên cơ sở xã hội học và tâm lý học đều trở thành vô dụng” (số 75).
Thánh Thể và cử hành Lời Chúa, các bí tích và phụng vụ là những lúc truyền thông quan trọng đối với một cộng đoàn và mọi việc chăm sóc mục vụ. Như chuyên gia phụng vụ Josef Andreas Jungmann (1957, 62t) nói: “Hội Thánh có nhiệm vụ đích thực là đưa dân Kitô giáo ngay ở trần gian này gia nhập một cộng đoàn niềm vui để ngợi khen Thiên Chúa, như lời Thánh Phêrô mô tả ơn gọi của Dân Thiên Chúa là “loan truyền các kỳ công của Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối để vào nơi ánh sáng diệu huyền…’ (1 Pr 2,9). Đây là điều mà phụng vụ luôn luôn nhắm tới. Qua bao thế kỷ, phụng vụ được cử hành sống động vẫn luôn là hình thức chăm sóc mục vụ quan trọng nhất”. Khi đề cập đến các bí tích như là phương tiện rao giảng Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi nói rằng bí tích “thể hiện khả năng đầy đủ của nó khi đạt được mối quan hệ thâm sâu nhất, hay đúng hơn là một mối hiệp thông nội tại vững bền và liên tục giữa Lời và các bí tích… Vai trò của rao giảng Tin Mừng chính là giáo dục đức tin nơi dân sao cho từng cá nhân Kitô hữu có thể sống các bí tích như là các bí tích thực sự của đức tin, chứ không phải chỉ lãnh nhận một cách thụ động hay chịu đựng các bí tích” (số 47).
Trong nghiên cứu của ông về truyền thông và văn hoá (1992), James Carey đã triển khai hai phương thức truyền thông, hai phương thức này cũng giúp ích cho việc hiểu rõ hơn phụng vụ như là truyền thông. Đó là mẫu truyền/tải và mẫu nghi thức. Trong khi mẫu truyền tải quan tâm tới việc truyền đi các thông tin và thông điệp, mẫu nghi thức quan tâm tới việc lưu giữ văn hoá và xã hội. Mẫu thứ hai này “gắn liền với việc biểu diễn hơn là chuyển động, tham dự hơn là hấp thu, ý nghĩa hay vẻ đẹp hơn là chiến lược và kết quả, khêu gợi hay mời gọi hơn là ảnh hưởng hay hiệu quả. Một nghi thức không phải là cái gì đó mà người ta chỉ là khán giả, nhưng là cái mà người ta tham dự vào. Cũng vậy, nó không phải một cái gì có thể xảy ra cho một ai đó, nhưng là cái mà một người nào đó chọn để tham dự” (Rothenbuehler 1998, 125). Mẫu nghi thức của Carey không quan tâm tới ‘tin tức’ nhưng quan tâm tới các cách thức và phương tiện truyền thông để duy trì cấu trúc của xã hội, để chia sẻ, tham dự, liên kết, tạo tình bạn và vui hưởng đức tin và các niềm xác tín chung. Từ đó ta thấy rất rõ mối tương quan với phụng vụ như là một việc cử hành. Phụng vụ không truyền lại thông tin, ngay cả trong bài giảng cũng thế, nhưng là một cuộc cử hành, một sự quy tụ lại với nhau, và cùng nhau cảm nghiệm sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa.
Ta có thể so sánh hai phương thức của Carey bằng bảng đối chiếu sau:
|
Mẫu Truyền tải |
Mẫu Nghi thức |
Hướng đi |
Tải/Truyền |
Nghi lễ |
Tham dự |
Người gửi & người nhận |
Tham dự |
Ý nghĩa |
Cái được gửi & được nhận |
Cái được tạo và tái tạo |
Hiệu quả |
Người nhận ‘nhận được nó’; Truyền tải chính xác |
Chia sẻ kinh nghiệm/ Cộng đoàn |
Mục tiêu |
Ảnh hưởng xuyên thời gian |
Cộng đoàn xuyên thời gian |
Mọi cử hành phụng vụ đều là sự “thể hiện” một cách nào đó việc nhập thể của Thiên Chúa bằng lời và bí tích giữa cộng đoàn Dân Chúa. Đỉnh điểm của cử hành này là Thánh Thể như Communio et Progressio (số 11) xác nhận: “Khi lập bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban cho chúng ta hình thức hiệp thông hoàn hảo nhất, thân mật nhất có thể có ở đời này giữa Thiên Chúa và dân Người”. Thực tại này có những hệ quả không chỉ đối với bài giảng và việc giảng thuyết mà còn đối với toàn thể việc cử hành phụng vụ như một tiến trình truyền thông.
Ngay từ hình thể và lối sắp đặt trong phòng hay nhà thờ nơi cử hành phụng vụ cũng đã tạo lập một sắc thái. Mọi người đều biết rằng môi trường thường ảnh hưởng tới con người và hành động của họ như thế nào. Nếu một phòng cử hành phụng vụ sạch sẽ, trang hoàng và bài trí đẹp, nó sẽ giúp rất nhiều cho việc truyền thông tốt thông điệp phụng vụ. Một nhà thờ bẩn thỉu, bừa bãi cho thấy sự yếu kém về truyền thông của cha xứ và giáo dân trong xứ.
Các cách biểu hiện kiến trúc khác nhau trong dòng lịch sử là một sự truyền thông rõ ràng về những tình cảm và khuynh hướng của người Kitô hữu trong các cuộc cử hành vào thời họ. Một vương cung thánh đường kiểu Rôman với tường dày và cửa sổ nhỏ hay một nhà thờ kiểu Gôthic với hầu hết các bức tường đều là những cửa sổ bằng kiếng màu để cho mặt trời và ánh sáng ùa vào trong cung thánh là hai kiểu kiến trúc truyền đi hai thông điệp hoàn toàn khác nhau cho kinh nghiệm và việc cử hành tôn giáo. Một nhà thờ kiểu Barốc với vô số tượng thiên thần có cánh và tượng các thánh là muốn truyền đi cảm giác về thiên đàng ở trần gian. Kiến trúc nhà thờ hiện đại muốn biểu thị những tình cảm và quan niệm của con người thời nay bằng nhiều cách khác nhau. Có khi các nhà thờ này trông giống như những đại sảnh hay những căn phòng đa năng khiến cho đối với một số người, các kiểu nhà thờ ấy thiếu mất cái ‘thánh thiêng’. Phụng vụ và các ngôi nhà để cử hành phụng vụ phải thực sự truyền tải cái ‘thánh thiêng’, vì dù sao nó là một cuộc cử hành chứ không chỉ là một chức năng. Nguy cơ ngày nay có thể là chú trọng nhiều hơn về chức năng. Phụng vụ là một sự kiện truyền thông để cử hành – eucharistia, ‘tạ ơn’ – chứ không chỉ là chu toàn một chức năng hay một bổn phận. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gợi ý về điểm này trong một cuộc triều kiến dành cho các thành viên Uỷ ban Giáo hoàng về Di sản của Hội Thánh ngày 19-10-2002 khi ngài nói: “Bản chất cơ bản của di sản văn hoá của Hội Thánh không cho phép tách rời sự đánh giá thẩm mỹ khỏi mục tiêu tôn giáo của hoạt động mục vụ. Một thánh đường, chẳng hạn, đạt được sự hoàn thiện ‘thẩm mỹ’ của nó chính vào lúc cử hành các mầu nhiệm thánh, bởi vì chính lúc ấy là lúc nó chiếu toả ý nghĩa đích thực nhất của nó. Các yếu tố về kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, ca hát và ánh sáng tạo thành một phần của sự phối hợp duy nhất để đón chào cộng đoàn tín hữu đến với các cuộc cử hành phụng vụ, một cộng đoàn gồm những ‘viên đá sống động’ làm nên ‘toà nhà thiêng liêng’ (x. 1 Pr 2,5).”
Trong một cuộc hội thảo dành cho các linh mục về tình trạng thiếu ơn gọi linh mục, Giám mục Franz Kamphaus (, Đức) đã nói rằng việc thiếu các nhà thờ cũng là một lý do. Ngài nói rằng vào thập niên 1970, tại Đức người ta xây dựng các trung tâm giáo xứ hay giáo đoàn thay vì các nhà thờ. Vì thế, giáo dân không còn phải đi tìm lương thực thiêng liêng ở một nơi nào khác nữa. Họ sẽ cảm nghiệm được đời sống cộng đoàn nhưng thiếu mất những điều linh thiêng được diễn tả nơi các toà nhà như các thánh đường. Chiều kích hàng ngang, xã hội, được nhấn mạnh, nhưng người ta mất đi chiều kích hàng dọc, dấu chỉ từ trên mà trước đây có thể được diễn tả nơi một cái tháp chuông nhà thờ.
Cũng như một vở kịch cần có một sân khấu tốt để cuộc biểu diễn đạt hiệu quả, thì cũng thế, phụng vụ cần có một khung cảnh thích hợp, bởi vì suy cho cùng phụng vụ chính là vở kịch cứu chuộc được diễn lại trong thời đại chúng ta. Nhìn phụng vụ như là vở kịch cứu chuộc sẽ dẫn đến những hệ quả cho việc cử hành. Nếu linh mục phụ tế và các phụ tế của ngài không muốn hay không có khả năng ‘đóng’ đúng vai của họ trong khung cảnh phụng vụ, họ sẽ không thể thực sự truyền thông Tin Mừng. Phụng vụ là một sự kiện với các quy tắc và luật lệ để làm cho sức mạnh cứu độ của các bí tích tuôn ra một cách khách quan. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các cuộc cử hành phụng vụ không thể biến thành những cơ hội để người chủ tế phô trương bản thân mình một cách chủ quan và cường điệu, ứng xử giống như một ‘ngôi sao’. Trong phụng vụ có chỗ cho một linh mục dấn thân và sốt sắng, chứ không có chỗ để một người phô trương, dù người ấy có những ý hướng thánh thiện đến đâu. Đây là sự khác biệt giữa một số người rao giảng trong các cuộc trình diễn trên TV của ‘nhà thờ điện tử’ và các cuộc cử hành phụng vụ đích thực.
Vì phụng vụ là một sự kiện mang kịch tính, nó sử dụng các dấu hiệu và biểu tượng để truyền thông. Tuy nhiên, dựa vào khoa ký hiệu học, chúng ta biết rằng các biểu tượng là các dấu hiệu có một ý nghĩa được nhiều người hiểu và chấp nhận. Nếu những người tham dự phụng vụ không thể hiểu và chia sẻ ý nghĩa này, thì sự truyền thông bị khiếm khuyết nghiêm trọng. Mặt khác, trong thực hành, điều này đòi hỏi linh mục phải chắc chắn là các giáo dân tham dự hiểu được các biểu tượng và ‘ngôn ngữ’ của phụng vụ cùng với ý nghĩa của chúng. Có thể cần cung cấp thêm thông tin để họ hiểu rõ hơn các biểu tượng phụng vụ hầu đạt được một sự truyền thông dẫn đến hiệp thông và chia sẻ cộng đoàn (agapê). Mặt khác, linh mục chủ tế và các phụ tế trong phụng vụ cũng phải ý thức rằng cần phải thể hiện và thi hành đúng đắn các biểu tượng này thì sự truyền thông thực sự mới có thể xảy ra. Chỉ khi có sự cắt nghĩa đầy đủ và thi hành đúng đắn các dấu hiệu và biểu tượng thì mới có thể dẫn tới kinh nghiệm trọn vẹn về nội dung của chúng. Phụng vụ có một vai trò truyền thông phải thực hiện, và nó sẽ chỉ có hiệu quả khi người ta tôn trọng các qui luật về sự tương tác xã hội và truyền thông xã hội. Truyền thông mục vụ quan tâm tới sự hiểu biết và động lực của tín hữu để có một sự tham dự đầy đủ vào phụng vụ và bí tích.
Trong chương trình mục vụ vạch ra cho Tổng Giáo phận , TGM Carlo Martini đã nêu lên sự thật là Phụng vụ cũng giáo dục về sự truyền thông. “Phụng vụ đóng vai trò trung gian giữa việc chiêm niệm bên trong đầy tràn ân huệ của Lời và cách diễn tả công khai bên ngoài của sự thờ phượng và ngợi khen. Điều này không chỉ đúng đối với phần bên ngoài của ‘nghi thức’ và việc ‘cử hành’ hữu hình giàu ký hiệu và biểu tượng. Nó cũng đòi hỏi và nuôi dưỡng đời sống nội tâm của tín hữu; nó giáo dục và uốn nắn chúng ta để có sự truyền thông chân thực với Thiên Chúa. Nó gợi ra những lời và những thái độ thích hợp, và phát sinh một cộng đoàn được gọi để đối thoại trong đức tin và đời sống. Vì vậy, khi được hiểu một cách toàn diện (chứ không chỉ trong khía cạnh lễ nghi của nó), phụng vụ giáo dục chúng ta để biết truyền thông. Cộng đoàn tự diễn tả và thể hiện mình tuỳ theo mức độ nó có khả năng lắng nghe Lời Chúa trong cộng đoàn và có sự đáp ứng công khai thích hợp” (số 60).
Về việc phát sóng các nghi thức phụng vụ trên các Phương tiện Đại chúng, văn kiện Sacrosanctum Concilium (1963) của Công đồng Vatican II về Phụng vụ đòi hỏi rằng việc phát sóng các nghi thức thánh, đặc biệt trên các phương tiện đại chúng như truyền thanh và truyền hình, phải được thực hiện “một cách thận trọng và xứng đáng, dưới sự trông coi và chịu trách nhiệm của một người thích hợp được giám mục chỉ định” (số 20).
Vào thời kỳ truyền hình bắt đầu trở thành phổ biến, đã có một cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa những nhà thần học hàng đầu, trong đó có Karl Rahner, về câu hỏi là cuộc cử hành Thánh Thể có thật là một sự kiện công cộng có thể được truyền đi bởi các phương tiện truyền thông hiện đại hay không. Người ta lý luận rằng vào thời kỳ đầu của Hội Thánh, chỉ những người đã được khai tâm qua bí tích rửa tội mới được chấp nhận tham dự đầy đủ việc cử hành phụng vụ, còn mọi người khác đều không được. Cử hành Thánh Thể không thể là một sự kiện công cộng khi nó được truyền đi qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt qua truyền hình. ‘Kỷ luật bí truyền’ của Hội Thánh thời kỳ đầu cũng vẫn phải được tôn trọng hôm nay.
Theo quan điểm ấy, người ta có thể đặt câu hỏi về việc phát sóng Thánh lễ từ một phòng quay TV. Dứt khoát sẽ là điều tốt hơn nếu thánh lễ được cử hành và phát sóng từ một nơi thánh mà những người tham dự bằng TV cũng có thể nhìn thấy được.
Các cuộc phát sóng truyền thanh và truyền hình phải đặc biệt hữu ích cho những người già cả và bệnh tật không thể đi đến nhà thờ, nhưng bằng cách này họ cũng có thể phần nào tham dự cuộc cử hành Thánh Thể. Từ nhiều năm nay, kênh truyền hình Đức ZDF đã triển khai thành công một phương thức theo kiểu này, trong một thời gian dài, các cuộc phát sóng thánh lễ luôn luôn được truyền đi từ cùng một nhà thờ và với cùng những linh mục chủ tế. Bằng cách này, họ đã giúp cho những người tham dự trên TV có một cảm giác thoải mái ‘giống như ở nhà’. Bằng cách này, họ cảm thấy mình là một thành phần của ‘giáo xứ của mình’ này, và thậm chí còn được mời tham gia hát chung các bài hát lấy từ cuốn thánh ca cộng đồng “Gotteslob” với các con số được chiếu lên một khung trên màn hình.
Bất cứ cuộc phát sóng các hành vi phụng vụ nào, dù là các cuộc cử hành Thánh Thể hay các cuộc cử hành phụng vụ khác, cũng đều đòi hỏi một tinh thần ‘thận trọng và xứng đáng’ mà cả các chuyên viên kỹ thuật tham gia cũng phải tuân giữ. Đức Giáo hoàng Piô XII ngay từ Thông điệp Miranda Prorsus về các phương tiện truyền thông điện tử cũng đã nói rằng các cuộc phát sóng như thế đòi phải có “trình độ kỹ thuật và tài năng, vì thế cả các linh mục lẫn các giáo dân được chọn để làm công việc quan trọng này đều phải được đào tạo tốt về các phương pháp này” (x. Eilers 1997, số 182).
Hội đồng Quốc gia các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ trong phiên họp toàn thể từ tháng 11 năm 1997 đã phê chuẩn “Các hướng dẫn về việc phát sóng truyền hình Phụng vụ”. Tài liệu này nêu lên các nguyên tắc phụng vụ cơ bản sau đây:
* Cẩn thận lưu tâm đến các cách thức hiện diện của Đức Kitô trong phụng vụ, ví dụ Lời Chúa, bánh và rượu Thánh Thể, cộng đoàn tham dự, linh mục (Sacrosanctum Concilium số 7).
* Tuân theo các chỉ dẫn của Hướng dẫn tổng quát về Sách Lễ Rôma.
* Sự tham dự trọn vẹn, ý thức và tích cực của tín hữu.
* Sự toàn vẹn của năm phụng vụ.
* Một bài giảng cho cộng đoàn, đồng thời lưu tâm tới những người xem trên TV.
* Sử dụng thích hợp các thừa tác viên phụng vụ đã được huấn luyện.
* Sử dụng âm nhạc phụng vụ thích hợp với cuộc cử hành.
* Tinh thần đơn sơ trang trọng.
* Sử dụng tốt không gian phụng vụ.
* Bước đi khoan thai, kính cẩn, không vội vã.
* Ý thức và tiếp xúc bằng mắt với cộng đoàn đang xem.
* Thông báo cho người xem biết trong trường hợp Thánh Lễ được thu hình trước.
Về các mẫu phát sóng Thánh Lễ trên TV, tài liệu trên đưa ra các hướng dẫn sau đây:
* “Truyền hình trực tiếp (“Live Telecast”): Lý tưởng nhất là Thánh lễ được truyền hình trực tiếp, theo thời gian thật khi Thánh Lễ đang được cử hành. Ở đây, người xem TV có thể tham gia cầu nguyện với cộng đoàn đang cử hành phụng vụ. Các ngày và mùa phụng vụ được tôn trọng và khung cảnh thờ phượng cũng như cộng đoàn đang thực sự cầu nguyện giúp cho người xem tham dự với một thái độ cầu nguyện chăm chú và tham dự nội tâm.
* Truyền hình phát trễ (“Delayed Telecast”): Mẫu thứ hai là thu băng Thánh lễ Chúa Nhật đang lúc cử hành trong một cộng đoàn địa phương và phát sóng lại một thời gian sau trong chính ngày hôm ấy. Mẫu này kém lý tưởng hơn vì chương trình phát hình tách rời với cuộc cử hành phụng vụ thực sự. Tuy nhiên, mẫu này cũng tôn trọng bản chất của phụng vụ và mùa phụng vụ khi lễ được cử hành (và phát sóng) vào đúng ngày phụng vụ và cho phép những người xem và cầu nguyện trên truyền hình có thể hoà mình với một cộng đoàn thực sự trong lúc cộng đoàn này cử hành phụng vụ. Hình thức này khó hơn đối với các giáo phận và các trạm phát sóng TV bởi vì thời gian quá ngắn giữa lúc thu hình và lúc phát hình, và vì số nhân viên làm việc bị giới hạn vào ngày nghỉ cuối tuần.
* Truyền hình Phát lại (“Pre-recorded Telecast”): Mẫu thứ ba là thu hình trước cuộc cử hành phụng vụ rồi phát sóng vào một ngày khác. Tuy chúng ta biết một số giáo phận không thể dùng hai mẫu trên, nhưng việc sử dụng mẫu thứ ba này đòi phải cẩn thận hơn để có thể khắc phục được các giới hạn của mẫu này:
- Phụng vụ thu hình trước thường được cử hành ngoài ngày hay mùa phụng vụ (ví dụ, thu hình ‘Thánh lễ Giáng Sinh’ vào ngày Thứ Hai tuần thứ 4 mùa Vọng).
- Cộng đoàn được thu hình không phải là cộng đoàn thường xuyên tụ họp cho cuộc cử hành phụng vụ. Thường đó là một nhóm người tụ tập lại đặc biệt để thực hiện chương trình phụng vụ truyền hình.
- Sự hạn chế của thời gian truyền hình thường chi phối nhịp độ của nghi lễ phụng vụ (giới hạn số bài đọc, độ dài của bài giảng, lựa chọn về âm nhạc và các lựa chọn khác) thay vì để cho phụng vụ tiến hành theo nhịp độ tự nhiên.
- Không được phép biên tập chương trình phụng vụ bằng cách cắt bỏ một số phần của Thánh lễ, hay dùng các hiệu ứng đặc biệt để làm nổi bật phụng vụ một cách giả tạo (ví dụ đặt một hình thánh giá trên bánh thánh lúc truyền phép, ghép thêm các hình ảnh bên ngoài).
- Cách bố trí và kỹ thuật của phòng thu hình có thể làm chia trí những người tụ họp lại để cử hành Thánh lễ trong khung cảnh ấy, và có thể làm cho chủ tế và các thừa tác viên khác có vẻ là những diễn viên hơn là những người chủ trì việc thờ phượng công cộng”.
Hội đồng các Giám mục còn khuyến cáo rằng “vì bản chất cộng đoàn của kinh nguyện phụng vụ, đôi khi tốt hơn không nên truyền hình Thánh lễ, mà chỉ nên truyền hình một số hình thức cầu nguyện khác như Kinh nguyện ban sáng hay ban chiều, phụng vụ Lời Chúa, hay chia sẻ Kinh Thánh”.
Trình bày các cuộc cử hành phụng vụ trên radio hay TV không phải là một cuộc “biểu diễn’ giống như nhiều chương trình khác, mà là một việc thờ phượng cần có một số trạng thái nội tâm nơi người sản xuất chương trình lẫn người xem và nghe. Các Hội đồng Giám mục phải triển khai một số qui tắc hướng dẫn việc thực hiện các cuộc phát sóng phụng vụ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc bổ nhiệm một vị đặc trách về lãnh vực này theo nghị quyết của văn kiện phụng vụ của Vatican II là một bước trong hướng đi này.
Huấn giáo được Văn kiện Evangelii Nuntiandi (EN) định nghĩa là học hỏi “qua việc giảng dạy tôn giáo một cách có hệ thống, các giáo huấn cơ bản, nội dung sống động của sự thật mà Thiên Chúa đã muốn truyền lại cho chúng ta và Hội Thánh đã tìm cách diễn tả mỗi ngày một phong phú hơn trong lịch sử lâu dài của mình” (số 44). Văn kiện còn nói rằng việc giảng dạy này có thể không chỉ dừng lại ở các khái niệm mà còn phải đưa tới các mẫu đời sống Kitô giáo. Nói theo thuật ngữ truyền thông, các ‘tin tức và thông tin’ về đức tin phải được truyền lại không chỉ trên bình diện khái niệm mà còn trên bình diện cảm xúc và kinh nghiệm. Phải sử dụng tất cả những phương tiện nào giúp đạt tới mục tiêu này. Vì vậy EN nói thêm rằng huấn giáo sẽ “được lợi rất nhiều… nếu những người dạy giáo lý có những bản văn thích hợp, được cập nhật bằng sự khôn ngoan và tài năng”. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của các sách giáo lý và các dụng cụ dạy giáo lý. Ngay từ thời kỳ đầu của Hội Thánh truyền giáo, tầm quan trọng của các sách như thế cho hoạt động truyền giáo đã được nhấn mạnh trong các bài giảng khác nhau của Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền bá Đức tin Francesco Ingoli, người đã bảo vệ nhu cầu của Thánh Bộ là có nhà in riêng của mình. Và nhà in này đã được khai trương chỉ bốn năm sau khi Thánh Bộ được thành lập. Ngài lý luận rằng hoạt động truyền giáo không thể thực hiện được nếu không có sách vở để đến được những nơi mà các người truyền giáo không thể đến được. Đối với việc truyền thông giáo lý và mục vụ, điều quan trọng là phải ý thức về nhu cầu này. Trong một số trường hợp, thậm chí cũng có thể mở một nhà sách nhỏ hay ít là một điểm bán sách huấn giáo và các sách khác về tôn giáo.
Tuy nhiên, truyền thông mục vụ về huấn giáo thời nay không thể chỉ giới hạn vào sách vở. Còn phải sử dụng các phương tiện nghe nhìn, kể cả Internet, cũng như các phương pháp nhóm. Theo văn kiện của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) tại Puebla (1979), các phương tiện truyền thông nhóm rẻ hơn các phương tiện đại chúng, chúng “dễ sử dụng hơn, cống hiến khả năng đối thoại và thích hợp hơn với loại truyền giáo người-với-người, là loại hình khơi dậy sự gắn bó bản thân và dấn thân thực sự”. Khi nói đến các ‘phương tiện truyền thông nhóm’, văn kiện của Thượng Hội đồng Manila (1979, Eilers 1997, tr. 356) muốn nói đến “những phương tiện truyền thông nhỏ và ít đắt tiền hơn… cần ít người điều khiển hơn và thích hợp hơn cho việc tham dự nhóm, như các ảnh chụp và áp phích (ngôn ngữ ảnh), phụng vụ hoạt cảnh, đọc kịch bản sinh động, băng đĩa và hình chiếu (nghe nhìn) và phim 8 ly super”.
Cuốn “Cẩm nang Huấn giáo Tổng quát” năm 1997 cũng xác nhận tầm quan trọng của việc truyền thông nhóm: “Các nhóm đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của con người. Trong huấn giáo cũng thế: đối với các trẻ em, sinh hoạt nhóm giúp vun trồng tính xã hội hoàn hảo; đối với thanh niên, nó thực sự là một nhu cầu cốt yếu để xây dựng nhân cách; còn đối với người lớn, nó phát huy tinh thần đối thoại và chia sẻ cũng như tinh thần đồng trách nhiệm Kitô giáo… Ngoài khía cạnh sư phạm, nhóm Kitô giáo được gọi là một kinh nghiệm cộng đoàn và là một hình thức tham gia vào đời sống Hội Thánh…” (số 159).
Còn về việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội nói chung, sách Cẩm nang trên cũng khuyến khích sử dụng mọi phương tiện có thể có. “Trong mọi chương trình huấn giáo được tổ chức tốt, không thể thiếu các phương tiện hỗ trợ ấy” (số 160). Việc sử dụng tốt các phương tiện truyền thông đòi hỏi các giáo lý viên một sự quyết tâm nghiêm túc về sự hiểu biết, tài năng, sự huấn luyện và cập nhật việc sử dụng chúng”. Theo Redemptoris Missio (1990, số 37c), không thể chỉ sử dụng chúng như là phương tiện, mà còn phải có khả năng tích hợp thông điệp Kitô giáo vào một nền ‘văn hoá mới’ được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông (số 161). Các giáo lý viên cũng phải để ý tới các nhóm đặc thù trong sứ mạng của họ: “Các chuyên gia về phương tiện truyền thông, là những người mà Tin Mừng có thể được vạch ra như là một chân trời bao la của sự thật, trách nhiệm và nguồn cảm hứng; các gia đình – nơi chịu ảnh hưởng ghê gớm của các phương tiện truyền thông – để bảo vệ họ, nhưng nhất là để giúp họ phát triển khả năng phê phán và giáo dục; thế hệ trẻ, là những người sử dụng và là những chủ thể sáng tạo của các phương tiện truyền thông đại chúng…” (số 162).
Cách riêng đối với huấn giáo dành cho người lớn, không thể bỏ qua vai trò của một thư viện giáo xứ. Phải cung cấp cho những giáo dân quan tâm các sách và phim ảnh học tập cũng như các tài liệu giải trí tốt truyền thông các giá trị Kitô giáo.
Ngay từ thời Trung Cổ, kịch tuồng và rạp hát đã từng được dùng để giảng dạy giáo lý và tôn giáo cho giáo dân trong các giáo xứ. Không được quên hình thức này cả trong hoạt động truyền thông mục vụ ngày nay, đặc biệt nếu muốn đa dạng hoá các hoạt động ấy cho các nhóm lứa tuổi khác nhau như trẻ em, thanh niên và người lớn. Việc này cũng đòi hỏi một sự dấn thân đặc biệt của thành phần giáo dân.
Trong Tông huấn Ecclesia in Asia (1999), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lặp lại nghị quyết của Thượng Hội đồng Giám mục tại Châu Á về Huấn giáo là đi theo “một khoa sư phạm khêu gợi, dùng các câu truyện, các dụ ngôn và biểu tượng đặc trưng của phương pháp luận Châu Á trong giảng dạy”. Ngài nói: “Sứ vụ của chính Chúa Giêsu cho thấy rõ giá trị của sự tiếp xúc cá nhân, nó đòi người rao giảng Tin Mừng quan tâm tới hoàn cảnh của người nghe, để cống hiến một sự loan báo thích hợp với mức trưởng thành của người nghe, và sử dụng hình thức và ngôn ngữ thích hợp…”. Cũng vậy, Đức Giáo Hoàng khuyên dùng các “phương pháp kể truyện gần gũi với các hình thức văn hoá của Châu Á” (số 20).
Các công nghệ truyền thông hiện đại đem đến những thách thức cũng như những tiềm năng mới. Sơ Angela Ann Zukowski ở Đại học trong một tiểu luận nhan đề “Biên giới mới, Tích hợp các phương tiện và công nghệ truyền thông trong thừa tác vụ (2002)” đã đề nghị một chiến lược mười điểm để chuyển đổi khuôn mẫu trong Huấn giáo hiện đại. Chị viết: “Có rất nhiều phương tiện truyền thống vẫn còn giá trị cho huấn giáo hôm nay. Tuy nhiên, sự ra đời của các phương pháp học tập hoàn toàn mới mẻ là một thách thức để các nhà huấn giáo nghiên cứu và khám phá xem các phương pháp mới này có thể kích thích và nâng đỡ thừa tác vụ của chúng ta như thế nào. Vậy chúng ta cần phải làm gì?”
- Tích hợp việc đào luyện và kế hoạch truyền thông mục vụ vào trong các chương trình đào luyện tác vụ huấn giáo – ở mọi cấp độ của tác vụ.
- Xác định rõ các phương pháp luận mới cho huấn giáo được làm giàu bởi nền văn hoá truyền thông.
- Tích hợp sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông vào trong các chương trình đào luyện giáo lý viên, cũng như các chương trình huấn giáo của chúng ta ở mọi cấp.
- Lập một ngân sách hoạt động vững chắc để nâng đỡ một nền huấn giáo mới bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông mới.
- Thiết kế lại các môi trường học giáo lý dựa theo các nguồn lực của công nghệ truyền thông, gồm các máy chiếu LCD, các máy tính laptop, màn hình, bảng trắng/bảng thông minh, truy cập Internet, hệ thống chiếu sáng tốt, và các môi trường học tập linh động – bàn, ghế…
- Tạo một mạng lưới những nhà tiên phong huấn giáo hay những ‘chuyên gia tưởng tượng’ về huấn giáo (giáo phận/giáo xứ), theo sát tốc độ tiến bộ của lĩnh vực nghiên cứu và các phát triển về môi trường học tập mới và các phong cách học tập mới.
- Xác định các cách thức mới để sử dụng máy tính và Internet cho huấn giáo.
- Phát triển một dự án Thế hệ Y www cho huấn giáo.
- Khuyến khích, hỗ trợ và trao thưởng cho các nhà huấn giáo để họ đi tiên phong trong các phương pháp huấn giáo mới trong giáo xứ (hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nhân sự).
- Phát triển các đường lối hợp tác và đối tác mới bằng cách cống hiến các kinh nghiệm học tập từ xa về đào luyện đức tin người lớn”.
“Chúng ta có thể quyết định bước vào lãnh địa mới của các phương tiện truyền thông một cách thận trọng”, Sr. Angela viết, “nhưng chúng ta không thể làm ngơ trước các tiềm năng hay cơ hội mà nó có thể cống hiến cho tác vụ huấn giáo của chúng ta”.
Viện Sáng kiến Mục vụ tại Đại học Dayton đã triển khai một Chương trình online đặc biệt dành cho huấn giáo có tên là “Cộng đồng Học tập Ảo để Đào luyện Đức tin” (VLCFF=Virtual Learning Community for Faith Formation) nhằm “hỗ trợ thừa tác vụ chuyên nghiệp của Hội Thánh về giáo dục tôn giáo và đào luyện đức tin trong Không gian Điều khiển học (Cyberspace).” Khoảng 20 khoá học khác nhau đã được cống hiến cho các nhân sự trong Hội Thánh quan tâm tới lĩnh vực này (xem https://vlcff.udayton.edu/).
Lời và Mặc Khải của Thiên Chúa được truyền cho chúng ta qua phương tiện truyền thông là một cuốn sách. Mọi việc truyền thông mục vụ đều phải xuất phát từ sự kiện này và phải cổ vũ việc phân phối và giải thích đúng cuốn sách này. Nhờ Sách Thánh, sự truyền thông của Thiên Chúa không những được bảo tồn mà còn được đưa vào trong thực tại cụ thể ‘ở đây và bây giờ’ của con người vào mọi thời. Hiến chế Mặc khải Dei Verbum của Vatican II đưa ra lý do thần học cho hoạt động truyền thông mục vụ trong thừa tác vụ Kinh Thánh:
“Những gì Thiên Chúa đã mặc khải để cứu rỗi muôn dân, Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ. Bởi thế Chúa Kitô, nơi Người Thiên Chúa tối cao hoàn tất trọn vẹn nguồn mặc khải (x. 2Cr 1,20 và 3,16- 4:6), đã truyền dạy các Tông đồ rao giảng cho mọi người Phúc Âm được hứa trước qua miệng các Tiên Tri cùng được chính Người thực hiện và công bố; các ngài rao giảng Phúc Âm như nguồn mọi chân lý cứu độ và lề luật luân lý (x. Mt 28,19.20; Mc 16,15), đồng thời thông ban cho họ các ân huệ của Thiên Chúa. Việc này đã được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông đồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần” (số 7).
Các vị rao giảng kế tục các Tông đồ tạo thành một truyền thống: “Truyền thống này bắt nguồn từ các Tông đồ và được phát triển trong Hội Thánh nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, các lời nói và sự việc truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn…” (số 8).
Cách thức Thiên Chúa truyền thông và mặc khải còn được Dei Verbum nói rõ hơn: “Những gì Thiên Chúa mặc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày đều đã được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần…” (số 11) và “Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy… Người giải thích Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ” (số 12).
Ở chương VI về “Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh,” văn kiện Công Đồng nói rằng Hội Thánh luôn luôn tôn kính Thánh Kinh vì là một phương tiện đặc biệt Thiên Chúa dùng để truyền thông cho chúng ta (số 21). Vì vậy cần phải tạo sự dễ dàng cho việc đọc Kinh Thánh (số 22) và phải hằng ngày đào sâu hiểu biết về Kinh Thánh (số 23). Văn kiện khẳng định rằng “Thần học dựa trên Lời Thiên Chúa được viết ra…” (số 24), là cách đặc biệt Người dùng để truyền thông. Mọi thừa tác vụ mục vụ như rao giảng, huấn giáo, các bài giảng phụng vụ đều dựa trên cơ sở này. Vì vậy việc say mê đọc Kinh Thánh, học hỏi và cầu nguyện đều bắt nguồn từ cơ sở này và việc phân phối và cung cấp Sách Thánh là cần thiết (số 25).
Một văn kiện Toà Thánh về ‘Chú giải Kinh Thánh trong Hội Thánh’ ngày 4-4-1993 của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh mô tả ‘nguyên tắc truyền thông’ cơ bản của Thiên Chúa như sau: “… Từ đầu Cựu Ước trở đi, Thiên Chúa đã sử dụng mọi khả năng của ngôn ngữ loài người (truyền thông), đồng thời chấp nhận để cho Lời của Người bị giới hạn bởi những hạn chế của ngôn ngữ loài người”.
Cũng văn kiện này đã nói rõ thêm các ưu tiên cụ thể cho việc truyền thông trong thừa tác vụ Kinh Thánh. Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh thấy có 3 lĩnh vực cơ bản cho vai trò và chức năng đặc biệt của phương tiện truyền thông xã hội trong việc truyền thông Kinh Thánh:
- Trong đoạn nói về “Các đặc tính của việc chú giải Công giáo” (chương III), văn kiện nhấn mạnh rằng việc xuất bản các tác phẩm chú giải “đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự tiến bộ và phát triển của công trình chú giải”. Ngoài các ấn bản bằng sách in, văn kiện cũng nhắc đến “các phương tiện truyền thông mạnh hơn và nhanh hơn (Radiô, TV, và các phương tiện điện tử khác)” và nói rằng “biết cách sử dụng các phương tiện này là điều rất có lợi”. Về lĩnh vực nghiên cứu, văn kiện coi “việc xuất bản ở trình độ hàn lâm cao” như là “phương tiện chính để đối thoại, thảo luận và hợp tác…”. Các mức độ xuất bản khác cố gắng thích nghi với “các thành phần độc giả khác nhau, từ những người trí thức tới những trẻ em tuổi học giáo lý… Các nhà chú giải có năng khiếu về phổ cập kiến thức cống hiến một công việc vô cùng hữu ích và hiệu quả… Trong lĩnh vực này, nhu cầu biến thông điệp Kinh Thánh thành một điều gì hiện thực cho hôm nay là một nhu cầu ngày càng hiển nhiên…”. Đối với việc truyền thông xã hội, nhà chú giải có nhu cầu và nghĩa vụ “rọi ánh sáng vào chính bản văn Kinh Thánh, giúp người ta quí chuộng nó vì chính nó và ngày càng hiểu rõ hơn về tính xác thực lịch sử và chiều sâu thiêng liêng của nó”.
- Về “Chú giải Kinh Thánh trong Đời sống Hội Thánh” (Chương IV), văn kiện đặc biệt nhắc đến việc hiện thực hoá và hội nhập thông điệp Kinh Thánh, cơ bản đây là một nhiệm vụ truyền thông. Nhiệm vụ này “giả thiết một cố gắng chú giải, có mục đích vượt qua sự chi phối của lịch sử để xác định những điểm nòng cốt của thông điệp” trong việc “trung thực tìm cách khám phá xem bản văn muốn nói gì vào thời nay.” Về nhiệm vụ chú giải này, văn kiện thấy có ba bước: 1) “Nghe Lời từ trong tình huống cụ thể của mỗi người; 2) Xác định những khía cạnh của hoàn cảnh hôm nay cần được nhấn mạnh hay đặt thành vấn đề bởi bản văn Kinh Thánh; 3) Rút ra từ ý nghĩa đầy đủ trong Kinh Thánh những yếu tố có thể giúp cải thiện tình huống hiện tại sao cho nó trở nên hiệu quả và phù hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. “Nhờ việc hiện thực hoá, Kinh Thánh có thể rọi ánh sáng trên nhiều vấn đề hiện nay…”.
Để hội nhập Kinh Thánh, các nguyên tắc về truyền thông liên văn hoá phải được áp dụng (x. Eilers 1992). Cùng văn kiện năm 1993 trên đây đã chứng minh điều này bằng cách đưa ra ví dụ cho thấy rằng “trong việc đưa thông điệp của Đức Giêsu ở vùng Palestin sang vùng văn hoá Do Thái-Hy Lạp,” Kinh Thánh “cho thấy ý hướng nó muốn vượt qua những giới hạn của một thế giới đơn văn hoá”. Trong tiến trình này, “việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh không thể… tự nó bảo đảm một sự hội nhập văn hoá hoàn toàn. Bản dịch phải được kèm theo lời chú giải, để đặt thông điệp Kinh Thánh vào trong tương quan rõ ràng hơn với các lối cảm nghĩ, sống và diễn tả riêng của nền văn hoá địa phương. Từ chú giải, chúng ta bước sang các giai đoạn khác của sự hội nhập văn hoá để dẫn tới sự hình thành các nền văn hoá Kitô giáo địa phương, mở rộng ra tới mọi khía cạnh của đời sống.. Đây không phải một tiến trình một chiều; nó bao gồm sự ‘làm giàu lẫn cho nhau’…”.
- Sau khi bàn về việc xuất bản, hiện thực hoá và hội nhập văn hoá, văn kiện Toà Thánh này khi nói về thừa tác vụ mục vụ đã nhắc đến “tầm quan trọng ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông đại chúng (‘Mass Media’), báo chí, truyền thanh, truyền hình”, nó “đòi rằng việc loan báo Lời Chúa và hiểu biết Kinh Thánh phải được truyền bá bằng các phương tiện này. Các tính năng rất đặc trưng của chúng và khả năng ảnh hưởng tới đông đảo quần chúng đòi phải có một sự huấn luyện đặc biệt về việc sử dụng chúng. Sự huấn luyện này sẽ giúp tránh được những việc làm ngẫu hứng vụn vặt, với những hiệu quả bề ngoài có vẻ ấn tượng nhưng thực ra rất nghèo khiếu thẩm mỹ…”.
Trong cuộc triều yết dành cho các nhà nghiên cứu Kinh Thánh và các chuyên gia truyền thông ngày 28-9-1998, ĐTC Gioan Phaolô II đã bày tỏ quan điểm của ngài về mối tương quan giữa các phương tiện truyền thông và việc truyền thông Kinh Thánh như sau: “Khi cuộc gặp gỡ giữa mặc khải của Thiên Chúa và các phương tiện truyền thông hiện đại được thể hiện với lòng tôn trọng sự thật của thông điệp Kinh Thánh và với việc sử dụng đúng đắn các phương tiện kỹ thuật, nó sẽ mang dồi dào hoa trái tốt lành. Một mặt, nó có nghĩa là nâng các phương tiện truyền thông lên một trong những nhiệm vụ cao quí nhất, và có thể nói là cứu chuộc chúng khỏi các cách sử dụng không đúng đắn và đôi khi rất vụn vặt. Mặt khác, nó cống hiến những khả năng mới và phi thường để đưa đông đảo quần chúng đến với Lời Chúa được truyền thông vì phần rỗi loài người. Cần lưu ý ngay rằng bản chất của Kinh Thánh có hai tính năng cơ bản không giống nhau nhưng liên hệ mật thiết với nhau. Một mặt, chúng là chiều kích siêu việt tuyệt đối của Lời Chúa, và mặt khác, nó cũng là chiều kích quan trọng không kém của sự hội nhập văn hoá của nó. Vì chiều kích thứ nhất, Kinh Thánh không thể bị giản lược vào các lời nói của loài người mà thôi, vốn chỉ là một sản phẩm thuần tuý của văn hoá. Nhưng vì chiều kích thứ hai, nó chia sẻ một cách tất yếu và sâu xa lịch sử loài người và phản ánh các yếu tố văn hoá của lịch sử loài người. Chính vì lý do này – đây là hệ quả quan trọng – Lời Thiên Chúa có ‘khả năng được lan truyền trong các văn hoá khác sao cho nó có thể đến được với mọi người trong bối cảnh văn hoá họ sống…’. Sự gặp gỡ quan phòng này giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hoá loài người tự bản chất của nó đã chứa đựng mặc khải và phản ánh cái ‘logic’ của Nhập Thể. Như Công đồng Vatican II nhấn mạnh trong Hiến chế Mặc khải Dei Verbum: ‘Các lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn từ của loài người nên giống với ngôn ngữ loài người về mọi phương diện, giống như Ngôi Lời của Chúa Cha Hằng Hữu khi mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người’ (số 13). Nguyên tắc chung này có một ứng dụng đặc biệt trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Vấn đề là phải giúp đỡ sự chuyển đổi, hay chính xác hơn, sự di dời từ một dạng ngôn ngữ này sang một dạng ngôn ngữ khác; di dời từ ngôn ngữ viết mà phần lớn còn đang ngủ quên trong lòng của các tín hữu, trong ký ức của rất đông đảo con người, sang dạng truyền thông bằng mắt của phương tiện ‘hư cấu’ điện ảnh, có vẻ hời hợt bên ngoài, nhưng về một số phương diện lại mạnh hơn và cuốn hút hơn các dạng ngôn ngữ khác…”.
Thể hiện truyền thông Kinh Thánh qua “việc tông đồ Kinh Thánh’ bao gồm mọi hoạt động nhằm truyền bá Kinh Thánh như một cuốn sách và nhờ đó sát nhập Lời Thiên Chúa vào đời sống của con người. Việc in và phát hành các sách Kinh Thánh là một hoạt động có liên quan tới việc xuất bản sách, theo cách nói của lãnh vực truyền thông. Các phương pháp khác nhau để ‘nhập thể’ thông điệp Kinh Thánh trong đời sống con người có thể là sự truyền thông liên nhân vị, nghĩa là chia sẻ giữa hai hay ba người với nhau. Tuy nhiên, lắm khi chúng theo các quy luật và phương pháp truyền thông nhóm (x. Eilers 2002, tr. 195-211).
Một trong các phương pháp lâu đời nhất được dùng trong đời sống đan tu là Lectio Divina, có thể làm riêng mỗi cá nhân hay trong nhóm. Phương pháp này đi theo 5 bước: 1) Lectio (‘đọc’), đọc bản văn như Lời sống động của Thiên Chúa đang nói với cá nhân tôi, chứ không phải chỉ xem để lấy thông tin; 2) Meditatio, (‘suy’) suy niệm về các lời đã nghe hay đọc; 3) Oratio (‘cầu nguyện’), để cho suy tư biến thành kinh nguyện đáp lại lời vừa nghe; 4) Contemplatio (‘chiêm ngắm’), để cho mọi sự chìm sâu vào lòng tôi và hấp thu nó, và 5) Actio (‘hành động’), đưa các kinh nghiệm Kinh Thánh vào hành động và đời sống.
Một phương pháp khác đã được triển khai bởi Viện Truyền giáo Lumko tại Nam Phi và đã được Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC = Federation of Asian Bishops’ Conferences) điều chỉnh để áp dụng cho phù hợp với Châu Á dưới tên gọi AsIPA (viết tắt của ‘Asian Integral Pastoral Approach’ = Phương pháp Mục vụ Toàn diện cho Châu Á). Phương pháp này có bảy bước: 1) Chúng ta kêu mời Chúa (Cầu nguyện); 2) Chúng ta đọc bài Sách Thánh; 3) Chúng ta rút ra các lời và suy niệm; 4) Chúng ta thinh lặng để Chúa nói trong chúng ta; 5) Chúng ta chia sẻ điều chúng ta đã nghe trong lòng mình; 6) Chúng ta thảo luận về công tác mà nhóm chúng ta được kêu gọi để làm; 7) Chúng ta cùng nhau cầu nguyện một cách tự phát.
Các phương pháp chia sẻ Kinh Thánh khác có các yếu tố tương tự mà tất cả sử dụng phương pháp truyền thông nhóm cách này hay cách khác. Truyền thông Kinh Thánh không chỉ là truyền đi thông tin hay tin tức theo hàng thẳng, theo mẫu truyền tin của James Carey (1992, tr. 18). Đúng hơn, nó đi theo mẫu truyền thông nghi thức của ông, mẫu này coi việc truyền thông như là sự kiện cường cộng đoàn và xã hội, bằng cách cống hiến một kinh nghiệm truyền thông có tác dụng xây dựng, củng cố, tác động và khẳng định đời sống và cơ cấu bên trong của một người và cộng đoàn. “Theo định nghĩa nghi thức,” Carey viết, “truyền thông gắn liền với các thuật ngữ như ‘chia sẻ,’ ‘tham dự,’ ‘liên kết,’ ‘tình bạn,’ và ‘sở hữu chung một đức tin’… Quan niệm nghi thức về truyền thông không hướng tới việc quảng bá thông điệp trong không gian mà hướng tới việc duy trì một xã hội trong thời gian; không phải là hành vi truyền đạt thông tin mà là sự biểu thị các niềm tin chung”.
Ngay từ thời kỳ đầu, Hội Thánh đã thể hiện mình trong 3 khía cạnh là rao giảng (Kerygma), cộng đoàn (Koinonia) và phục vụ (Diakonia). Theo cách riêng của mỗi khía cạnh, cả ba đều là những biểu hiện truyền thông về cứu độ. Mỗi thứ cũng cần có những cách thức và phương tiện truyền thông ở những bình diện khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đức Giêsu Kitô cứu giúp những người đau khổ bằng việc chữa bệnh, cho của ăn và trừ quỷ. Chẳng hạn Người ban cho mỗi người những dấu hiệu về tình thương của Thiên Chúa một cách rất cụ thể. Người cũng tái lập lại dòng truyền thông đã bị cắt đứt với Chúa Cha bằng cách tha thứ tội lỗi trước khi thân thể được chữa lành. Người đặt ra một dấu hiệu về tình thương và quyền năng chữa lành của Thiên Chúa và đưa con người trở về với Chúa Cha.
Cộng đoàn đầu tiên của các tông đồ chăm sóc cho những người nghèo ở giữa họ. Thực vậy, họ đặt mọi sự làm của chung. “Tất cả các tín hữu chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn…” (Cv 4,32.34). Như vậy, cộng đoàn đầu tiên không chỉ truyền thông tình thương và sự chăm sóc của Thiên Chúa giữa họ, mà còn trở thành một dấu chỉ cho thế giới bên ngoài vào thời họ: Xem kìa, họ yêu thương nhau biết bao! Hình ảnh công khai của Hội Thánh thời đầu là sự truyền thông về tình yêu và sự chăm sóc của các tín hữu.
Trong các thư của ngài, Thánh Phaolô bảo đảm với các tông đồ và với cộng đoàn Giêrusalem rằng ngài cũng quyên góp sự trợ giúp của các tín hữu thuộc các cộng đoàn mà ngài đã lập. Ngài cũng gửi quà đến cho những người túng thiếu như một dấu chỉ của tình liên đới với người nghèo (x. Pl 4,18-20; 1 Cr 16,1-3; Gl 2,10; 6,10;…). Các ‘trợ tá’ đầu tiên được chọn để lo việc phục vụ (diakonia), nhờ đó các tông đồ có thể rảnh rang hơn để lo việc cầu nguyện và rao giảng (x. Cv 6,1-6).
Diakonia luôn luôn là một dấu hiệu mạnh của Kitô giáo trong việc truyền thông sự chăm sóc của Đức Kitô đối với dân Người. Trong dòng lịch sử, điều này đã được thể hiện bằng các cách diễn tả khác nhau như sứ vụ chữa bệnh cho các bệnh nhân trong các bệnh viện và các trung tâm y tế; nó được diễn tả trong các công cuộc bác ái cho những người nghèo khổ túng thiếu không chỉ về các nhu cầu thể xác và vật chất của họ, mà cả trong việc truyền thông cho họ niềm vui và sức mạnh của sự cảm thông và kiên trì. Trong mọi trường hợp, bằng cách này họ cảm nghiệm được rằng nhân phẩm của họ được nhìn nhận và coi trọng. Việc xoa dịu các đau khổ của họ là một dấu chỉ của bình an và lòng thương của Thiên Chúa… Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân bằng cách ban lại cho họ khả năng truyền thông với Thiên Chúa và người khác. Các môn đệ của Người cũng sẽ làm y như vậy. Khía cạnh cứu độ và truyền thông này của sự chăm sóc của Thiên Chúa nằm ở tâm điểm của mọi sứ vụ chữa lành của người Kitô hữu chứ không phải là lợi lộc vật chất như đối với một số bệnh viện ngày nay chạy theo lợi nhuận. Đặc biệt tại các nước mà người Kitô hữu là thiểu số, các bệnh viện và sứ vụ chữa bệnh là một dấu chỉ đặc biệt về tình thương của Thiên Chúa và sự quý chuộng phẩm giá con người. Nhiều vị thánh đã hiến cả cuộc đời và sức lực của mình cho sứ vụ này và nhờ đó các ngài trở thành những luồng ánh sáng chiếu rọi tình thương của Thiên Chúa vào một thế giới thường quan tâm nhiều hơn tới của cải và quyền lực. Không chỉ có Thánh Vinh Sơn Phaolô, Camillô de Lellis, Mẹ Têrêsa Calcutta, còn có hàng trăm vị khác nữa giống như các ngài.
Sứ vụ Giáo dục của Hội Thánh cũng đi theo cùng một hướng như thế. Sứ vụ này đã bắt đầu được thực hiện một cách có tổ chức với việc lo cho những người không được đi học, những người không biết chữ. Đặc biệt vào các thế kỷ 16 và 17, nhiều dòng tu đã được lập vì mục đích này, và đặc biệt cũng để lo cho các trẻ gái bị bỏ quên. Ở đây cũng thế, không chỉ có Thánh La San, Don Bosco, Angela Medici, mà còn biết bao vị khác nữa với những sáng kiến tương tự. Nhờ giáo dục và học tập, các học sinh có thể trở thành phần tử của xã hội và có khả năng thông truyền những trực giác và những mối quan tâm của họ cho đại gia đình nhân loại. Các trường Công giáo cũng đi theo các phát triển mới mẻ và tiên tiến qua các trường kỹ thuật của họ, cùng với các phát minh và các tiến bộ về nhân văn, góp phần vào đời sống và sự phát triển của xã hội loài người.
Trong lãnh vực truyền thông, tất cả các sáng kiến và quan tâm này phản ánh và bao gồm các yếu tố sau đây:
* Truyền thông giữa người với người đa phần là nền tảng của mọi hoạt động và sáng kiến này. Không có sự tiếp xúc cá nhân và chia sẻ giữa người với người thì không thể nào có thể phát triển được các sáng kiến lớn. Truyền thông giữa người với người, được Chúa Thánh Thần soi sáng, là tâm điểm của hành động.
* Nhiều công tác phục vụ này cần có các cộng đoàn và các nhóm người để làm việc tập thể trên các sáng kiến này, được nâng đỡ bởi việc truyền thông lẫn cho nhau. Thực ra các cộng đoàn và các nhóm này được lập ra và sống dựa trên sự chia sẻ hỗ tương này, truyền thông các ý tưởng, kinh nghiệm, các đề nghị và sáng kiến trong các kế hoạch và hành động.
* Tất cả các hoạt động và sáng kiến này cũng góp phần tạo nên hình ảnh của cộng đoàn Kitô giáo trước mắt thế giới bên ngoài. Giống như Hội Thánh thời sơ khai, ngày nay việc làm chứng bằng đời sống phục vụ cũng là một dấu hiệu chói sáng cho mọi người xung quanh. Rất thường xuyên ngay cả tại các nước mà dân Kitô giáo chỉ chiếm một thiểu số, ‘ảnh hưởng’ và hình ảnh của họ trước công chúng thường lớn hơn dân số của họ, nhờ các việc phục vụ họ dành cho người nghèo, nhưng cũng nhờ các sáng kiến và hệ thống giáo dục của họ. Nhờ đó đức tin Kitô giáo trở thành một ‘dấu hiệu trên núi’ và một ‘ngọn đèn trong đêm tối’, đồng thời truyền thông niềm hi vọng cả cho những người đã mất hi vọng hay có nguy cơ đánh mất nó.
Cũng có thể nói như thế về nhiều sáng kiến của Kitô giáo cho sự phát triển nhân bản, dù đó là các cơ quan tài trợ hay những người dân thường khi họ chia sẻ cuộc đời với những người còn chưa được ‘gây ý thức’ đủ về phẩm giá hay các khả năng của họ cho cuộc đời. Nhiệm vụ này đôi khi cũng có thể đòi hỏi một sự dấn thân chính trị khôn ngoan để bảo vệ phẩm giá con người.
Các phương tiện và các kỹ thuật truyền thông là cần thiết. Chúng cần được phát triển bằng các cách khác nhau để phục vụ các sáng kiến như thế. Nhưng điều cơ bản là người truyền thông phải có thái độ sẵn sàng và cởi mở để lắng nghe các nhu cầu của người khác và tìm kiếm những khả năng thực tế để thiết lập sự truyền thông với họ và cho họ. Bằng cách này người truyền thông trở thành ‘tiếng nói của những người không có tiếng nói’ và tỏ lộ sự quan tâm, sẵn sàng phục vụ và hiến mình giống như Người Mục Tử nhân hậu.
IV. TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ Ở CÁC CẤP KHÁC NHAU TRONG HỘI THÁNH
4.1. Truyền thông ở cấp giáo xứ
Tại hầu hết các nơi, giáo xứ vẫn còn là hình thức chính đề cộng đoàn sống đức tin Kitô của mình. Giáo xứ có thể được tổ chức dựa trên cơ sở địa lý, như trong hầu hết các trường hợp, nhưng cũng có thể là một giáo xứ dựa trên cơ sở con người, gồm một nhóm người ở những nơi khác nhau. Bất luận dưới hình thức nào, giáo xứ là một cơ thể sống động và vì thế để tồn tại, nó lệ thuộc những hoạt động truyền thông thích hợp và tiến bộ giữa các thành viên. Truyền thông mục vụ quan tâm tới sự hoạt động, phát triển và nâng đỡ việc truyền thông này vì lợi ích thiêng liêng, và đôi khi cả lợi ích vật chất của các thành viên giáo xứ. Việc chăm lo cùng với và cho các thành viên của một giáo xứ là phần thiết yếu của lĩnh vực truyền thông mục vụ. Trong hoạt động này, các thành viên có các chức năng và trách nhiệm khác nhau, nhưng cũng có các phương tiện và khả năng khác nhau để phát triển việc truyền thông này và bảo đảm cho giáo xứ một cuộc sống và một sự phát triển tốt vì Nước Thiên Chúa.
Theo Tông huấn Christifideles Laici (1988) của Đức Gioan Phaolô II, giáo xứ là “nơi mà chính ‘mầu nhiệm’ của Hội Thánh hiện diện và hoạt động… Giáo xứ chủ yếu không phải là một cơ cấu, một lãnh thổ, hay một tòa nhà, mà là ‘gia đình Thiên Chúa, một tình bạn cháy bừng tinh thần hiệp nhất’ (Lumen Gentium, số 28), ‘một mái nhà thân mật và niềm nở tiếp đón’ (Catechesi Tradendae, số 67), ‘cộng đoàn tín hữu’ (Giáo luật điều 515). Nói một cách đơn sơ rõ ràng, giáo xứ được xây dựng trên một thực tại thần học, vì nó là một ‘cộng đoàn Thánh Thể.’” Thực tại này đòi có một sự truyền thông thích hợp trên cơ sở giáo xứ.
4.1.1. Linh mục trong vai trò truyền thông
Trong khoa Thần học Mục vụ cũ, mọi sự được tập trung vào người linh mục và việc đào luyện mục vụ của họ. Từ ít lâu nay, cái nhìn thần học ấy không còn nữa. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, linh mục vẫn còn là một diện mạo trung tâm trong việc truyền thông mục vụ của Hội Thánh. Suy cho cùng, họ được thụ phong cho thừa tác vụ này, để làm cho Đức Kitô hiện diện giữa dân Người trong việc chia sẻ Lời Chúa, các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể, và để dẫn dắt dân Người. Trong nhiệm vụ này, không ai khác có thể thay thế họ bằng bất cứ thừa tác vụ nào khác, và không ai khác có thể làm thay công việc truyền thông của họ.
Việc truyền thông của linh mục đòi hỏi trước tiên chính bản thân họ phải là con người đầy Thánh Thần, để bảo đảm rằng tất cả những gì họ truyền thông và chia sẻ đều đến từ Thánh Thần này. Thật vậy, một mẫu truyền thông Kitô giáo coi linh mục như là một sứ giả mang một thông điệp lớn hơn bản thân họ: một thông điệp do chính Thánh Thần truyền đi. Linh mục là một con người thiêng liêng và sứ vụ của họ trước hết và trên hết là một sứ vụ thiêng liêng mà giáo dân có quyền mong đợi nơi họ. Về phương diện này, linh mục là người ‘nối dài’ sự hiện diện của Đức Kitô giữa dân Người và vì vậy cần phải dùng đường lối truyền thông của chính Đức Kitô. Họ phải hành động theo cách Đức Giêsu đã hành động và truyền thông theo cách Đức Giêsu đã truyền thông. Những gì đã nói trên kia (I, 5.2) về việc đào luyện truyền thông và gương truyền thông của các vị đại thánh truyền thông như Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô Cả, và Thánh Phanxicô Salê, được áp dụng đặc biệt ở đây. Quyển sách của Willi Lambert về “Thánh Inhaxiô Loyola nhà truyền thông” (1999, tr. 95.228-238) trình bày cho chúng ta chiều kích truyền thông của đời sống linh mục với những đòi hỏi rất cam go. Ông cho chúng ta thấy một cách chi tiết Thánh Inhaxiô đã truyền thông như thế nào trong tư cách một linh mục và bề trên, ngài đã phát triển và chứng tỏ các thái độ truyền thông cơ bản để vun trồng lòng khiêm tốn, lòng yêu thương và kiên nhẫn, lòng kính trọng, lắng nghe, tin tưởng và chú ý tới người khác như thế nào. Các yếu tố cơ bản của một sự truyền thông nhân bản tốt phải là thành phần cấu tạo của mọi linh mục và Thánh Inhaxiô là một gương sáng cho chúng ta thấy phải sống và thực hành nó như thế nào. Các yếu tố cơ bản này của sự truyền thông nhân bản cũng được phản ánh trong sự truyền thông của một cộng đoàn dựa trên kinh nghiệm truyền thông trong kinh nguyện.
Trong vai trò của người truyền thông, linh mục phải có thái độ đặc biệt sẵn sàng đối với người cần tìm đến mình hay được giao phó cho mình chăm sóc. Linh mục phải có khả năng thấu hiểu hoàn cảnh của họ, các nhu cầu và mong đợi của họ. Mọi sự truyền thông tốt đều bắt đầu với sự hiểu biết những người nghe mình, những người tiếp nhận truyền thông. Chỉ khi một linh mục có thể và muốn ‘hòa mình’ với đối tác truyền thông của mình, họ mới có thể là một người truyền thông mục vụ tốt. Ví dụ nếu là một linh hướng, họ phải ý thức rằng họ không phải là ‘ông chủ’ hay người biết rõ công thức cho mọi sự. Đúng hơn họ là một người bạn đồng hành và cùng đi với người được linh hướng dù khi trời nắng hay mưa, thậm chí cùng đi cả trong bùn lầy và trong thung lũng nước mắt và tội lỗi. Là một mục tử, họ đã thấy trước được những nhu cầu của các con chiên của mình, và là người lãnh đạo, họ biết phải đi đâu. Họ đạt được tất cả những điều này nhờ phương pháp hành động như một người bạn đồng hành, giúp dân của mình nhìn thấy ánh sáng và đường đi trước, rồi cùng đi với họ trong Thần Khí của Chúa.
Truyền thông Mục vụ trước hết và trên hết là một thái độ và một thói quen nội tâm được hình thành qua một đời sống thiêng liêng sâu xa. Việc này đã phải được bắt đầu từ thời chủng viện và lý tưởng là phải được bắt đầu từ khi còn đang lớn lên trong gia đình. Việc đào luyện trong chủng viện phải quan tâm phát triển và kiện cường các thái độ ấy, và phải bằng mọi cách giúp loại trừ những gì cản trở sự phát triển ấy. Người linh mục chỉ có thể là một người truyền thông và lãnh đạo tốt nếu có những thái độ cơ bản là cởi mở, kiên nhẫn, sáng suốt, thận trọng và khôn ngoan, nhất quán và dấn thân. Trước hết họ phải phản chiếu Đức Kitô trước khi áp dụng các quy tắc và luật lệ khác. Có nghĩa là trước hết và trên hết, mọi sự phải được đặt nền trên đời sống thiêng liêng, nghĩa là sự tiếp xúc cá nhân của họ với Thiên Chúa. Chứng tá bằng đời sống của họ cũng là sự truyền thông đầu tiên của họ cho người khác. Nếu người ta nhìn thấy Đức Kitô nơi họ, người ta sẽ đổ xô đến với họ và cho họ cơ hội để ‘truyền thông’ với người ta, đôi khi tới mức mà họ cảm thấy quá sức để gánh vác.
Cách truyền thông mà người linh mục phải có đã được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả mô tả trong “Quy luật Mục vụ” nổi tiếng của ngài năm 591 như sau: Trong hoạt động truyền thông của mình, người truyền thông mục vụ “phải thích ứng với tính cách của người nghe, để phù hợp với các nhu cầu của họ, nhưng không bao giờ rời xa nghệ thuật xây dựng chung. Vì tôi có thể nói tâm trí của những người nghe chẳng khác gì những sợi dây đàn hạc mà người chơi đàn giỏi gảy đủ những nốt khác nhau mà không gây chói tai. Đó là lý do khiến các dây đàn tạo ra một giai điệu nhịp nhàng, vì mặc dù được gảy bằng cùng một chiếc móng gảy, nhưng không cùng một kiểu gảy. Vì vậy, mọi người giảng thuyết cũng thế, để xây dựng mọi người trong cùng một đức bác ái duy nhất, họ phải chạm vào con tim của người nghe bằng cách giảng cùng một giáo lý duy nhất, nhưng không phải chỉ có một lời khuyến dụ cho mọi người” (1950, 89t).
Linh mục cũng cần một sự hiểu biết cơ bản về hoạt động của các phương tiện truyền thông hiện đại. Họ phải biết và có khả năng đánh giá một cách có phê phán các tin tức trên báo chí, các ấn phẩm và trên Internet, chất lượng của các chương trình Truyền thanh và Truyền hình, cũng như các tiêu chuẩn của một phim tốt. Trong lĩnh vực này, họ cần có một sự đào tạo về giáo dục truyền thông ở cấp đại học. Ngoài ra, họ cũng phải học cách sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau trong hoạt động mục vụ của mình. Điều này bao gồm việc đào tạo và thực hành các kỹ năng như viết tin tức, là kỹ năng cần thiết cho bản tin giáo xứ, và cả việc đào tạo về kỹ năng viết kịch bản và làm các chương trình truyền thanh và truyền hình đơn giản. Thành thạo một số kỹ năng này thì rất có lợi, nhưng chúng luôn luôn phải đặt nền trên những yếu tố cơ bản về truyền thông nhân văn và thiêng liêng.
Gaston Roberge đã tóm tắt việc đào tạo cơ bản và mục vụ về Phương tiện Truyền thông của người linh mục thời đại mới trong các điểm sau đây (Jivan, Phụ trương, Tháng 12-1996, tr. 3):
Về các thói quen cơ bản, linh mục:
* thể hiện tính kỷ luật khi sử dụng các phương tiện truyền thông.
* chịu trách nhiệm về cung cách mình tiếp nhận các nội dung do mình tự chọn trên các phương tiện truyền thông.
* sử dụng thời gian nghe và xem một cách có lợi.
* sử dụng các phương tiện truyền thông không chỉ để giải trí, nhưng để thêm hiểu biết, mở rộng trí tuệ, mở rộng tầm nhìn, nhờ đó đạt được một sự phát triển văn hoá quân bình.
* yêu mến và thực hành việc đọc sách, học hỏi, thinh lặng, suy niệm để làm thuốc giải độc chống lại việc phí phạm thời giờ và sa sút tinh thần.
Họ đã đắc thủ một số khả năng trí tuệ. Họ
* biết các phương tiện truyền thông tác động thế nào trên các tầng lớp xã hội.
* ý thức về các kết nối của các phương tiện truyền thông với thông tin, quảng cáo, dư luận quần chúng, sử dụng giờ rảnh rỗi.
* có tinh thần phê bình sáng suốt và tinh tế, không bị rơi vào những cạm bẫy của các phương tiện truyền thông.
* có những chọn lựa sáng suốt giữa các chương trình được cống hiến cho mình.
* có những phán đoán phê bình hợp lý về các thông điệp và các giá trị được đề nghị bởi các chương trình truyền thông.
* nhận ra và đánh giá đúng các kiểu và hình thức diễn tả và truyền thông khác – lịch sử, văn học, kịch nghệ, các nghệ thuật tưởng tượng, âm nhạc – và so sánh các nội dung trình bày của các phương tiện truyền thông với các loại hình này.
* quen thuộc với nhiều loại tường thuật tin tức từ các phương tiện truyền thông, về các bi kịch và các vấn đề trong thế giới thực bên ngoài.
* quen thuộc với các kiểu thảo luận nhóm trong việc phê bình các chương trình và các thông điệp truyền thông.
Họ cũng đã phát triển một đường lối mục vụ. Họ
* có khả năng huấn luyện người khác về kỷ luật bản thân.
* có thể huấn luyện giáo dân về việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông, qua việc dạy giáo lý, giảng… và làm tư vấn, giải tội, linh hướng.
* có thể sử dụng các phương tiện truyền thông để làm việc tông đồ.
* có thể thực hiện các sự điều chỉnh trong hoạt động mục vụ trong một thế giới bị chi phối về tâm lý và xã hội bởi các phương tiện truyền thông và bởi hoạt động điều khiển từ xa và tin học, và
* đã đạt được kỹ năng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho hoạt động mục vụ.
Cách riêng, họ
* có thể nói trước micrô, máy quay phim, và máy quay từ xa
* có kỹ năng cử hành các lễ nghi phụng vụ
* có thể phỏng vấn, được phỏng vấn
* viết tin tức và các mục chuyên đề
* có thể viết kịch bản cho truyền thanh và truyền hình
* có thể viết báo
* quen và có thể đạo diễn kịch
* có thể sử dụng các phương tiện truyền thông, đĩa, băng cassette tiếng và hình, ảnh, hình chiếu và các phim ngắn.
Bốn ‘mẫu diễn giải của Hội Thánh’ của Bacani (xem ở trên, I,4) cũng có giá trị cho việc truyền thông của linh mục. Cách họ nói, các từ họ sử dụng, phong cách của họ và các hoàn cảnh cũng quyết định họ được tiếp nhận như thế nào.
Các nguyên tắc lãnh đạo hiện đại
Linh mục trong vai trò người truyền thông có thể học hỏi từ thế giới doanh nghiệp ngày nay cách xử lý các sự việc và trở thành một người lãnh đạo thực sự tốt, giỏi giao tiếp và cởi mở. Vai trò lãnh đạo này có thể được trợ giúp bởi các ý tưởng sau đây:
Việc quản lý doanh nghiệp ngày nay không nhắm nhiều tới khách hàng là mục tiêu cuối cùng cho bằng tập trung vào các người cộng sự và các trung gian quản lý. Nếu các người cộng sự trực tiếp có động lực thúc đẩy, họ biết rõ công ty và hoạt động của công ty, thì họ sẽ là những người bán hàng tốt nhất. Vì vậy, những người lãnh đạo phải phát triển và sử dụng nguyên tắc lãnh đạo hiện đại này: phải gây ý thức và tạo động lực cho các người cộng sự để làm họ trở thành những người đồng chịu trách nhiệm về công ty. Những người cộng sự nâng đỡ công ty không phải là những người chỉ làm theo các mệnh lệnh, mà là những con người tự do và phát triển sự dấn thân và trách nhiệm của mình. Các người cộng sự hiện đại muốn có sự tự chủ và tự thể hiện mình. Một việc quản lý biết nghĩ đến và đáp ứng các nhu cầu này sẽ phát triển một công ty năng động với những người cộng sự giàu động lực và cuối cùng họ là những “nhân viên bán hàng” tốt nhất.
Các nguyên tắc lãnh đạo ngày nay mà giúp phát triển những cộng sự viên có động lực và dấn mình hăng say như thế có thể là:
- Lãnh đạo phải tạo ý nghĩa. Một cộng sự viên phải hiểu tại sao làm những công việc ấy và vì thế họ có thể dấn mình vào một công việc có ý nghĩa. Việc này cần có sự trong sáng và đủ thông tin.
- Lãnh đạo phải cung cấp thông tin. Chỉ khi có đủ thông tin, một cộng sự viên mới có thể hành động một cách có trách nhiệm và có cái nhìn về tương lai.
- Các cộng sự viên phải được cống hiến nhiều cơ hội tối đa để hợp tác và đồng sáng tạo. Sự dấn mình giúp phát huy tính cách, động lực, tinh thần trách nhiệm, suy tư và dự phóng những nhu cầu và tiềm năng tương lai.
- Phải cổ vũ những phê bình trong sáng và xây dựng. Vì vậy, người lãnh đạo sẽ cho nhận xét về một sự kiện cụ thể chứ không phải về một người. Tạo cơ hội để có những phản hồi sáng tạo là yếu tố nòng cốt cho thành công. Thái độ này có thể học được. Lời khen tạo động lực nhiều hơn là bất cứ lời phê bình chỉ trích tiêu cực nào.
- Quý trọng nhân vị của người cộng tác là yếu tố cơ bản. Hành động giống như một con số trong một trò chơi sẽ không tạo được động lực nhưng sẽ giết chết sáng kiến.
- Tài chuyên môn và trí thông minh mà thôi không đủ. Trưởng thành tâm lý và nhân bản mới là điều thiết yếu cho mọi tiến bộ và thành công.
- Các cơ cấu và các sự kiện hiện hữu phải luôn luôn được thẩm định với óc phê bình bởi vì không có gì mà không thể cải thiện.
- Giải quyết mâu thuẫn và xung đột cần phải có sự hợp tác. Nếu một cộng sự viên dấn mình vào việc tìm kiếm giải pháp, họ sẽ gắn bó nhiều hơn với các quyết định.
- Các lãnh đạo phải sống các nguyên tắc này trong đời sống cá nhân của mình. Chỉ khi họ nêu gương bản thân mình, họ mới có thể ảnh hưởng và tạo động lực cho người khác. Lãnh đạo có nghĩa là phục vụ chứ không phải là thống trị hay chơi một “trò chơi quyền lực”.
- Phải phát triển và đòi hỏi nơi người cộng sự tinh thần tự chịu trách nhiệm. Mục tiêu của mọi việc lãnh đạo là tạo ra những cộng sự viên tự do và có trách nhiệm, hiểu biết vai trò và sự cống hiến của mình cho mục tiêu chung.
4.1.2. Giáo xứ như một tập đoàn truyền thông
Giáo xứ là một tổ chức gồm những con người cùng xây dựng một cộng đoàn, ý nghĩa này được lộ rõ nơi các thành viên giáo xứ cũng như các hoạt động của họ. Bất kể một giáo xứ được hình thành dựa trên cơ sở địa lý hay trên cơ sở con người, nó không thể tránh bị người khác nhìn vào và đánh giá. Vì vậy, giáo xứ xét như một tổ chức giáo hội thì trở thành căn cước công cộng của nó. Người ta nhìn vào và đánh giá những gì được làm và được làm như thế nào, và từ đó họ có ý kiến và ấn tượng riêng của họ về giáo xứ. Một giáo xứ hay một tổ chức tương tự của giáo hội không thể không bị nhìn vào và ‘truyền thông’ cho các thành viên của mình cũng như cho người ngoài. Thỉnh thoảng khi nói đến các phương tiện và kinh nghiệm truyền thông trong giáo xứ mình, người ta thường nói: “Giáo xứ chúng tôi sinh hoạt như thế đấy”. Việc truyền thông ấy đa phần chịu ảnh hưởng mạnh bởi cung cách và các việc thực hành truyền thông của cha xứ, nhưng cũng bởi các lãnh đạo khác của các đoàn thể trong giáo xứ. Như linh mục-người truyền thông phải bám chặt vào Chúa Thánh Thần, thì việc truyền thông tập đoàn của giáo xứ cũng phải đặt nền trên đời sống thiêng liêng, đời sống và kinh nghiệm của mình với Chúa. Ví dụ, nếu một giáo xứ cử hành một việc phụng vụ đúng mực và thuyết phục, việc cử hành ấy sẽ được chú ý đến không chỉ bởi các thành viên của mình mà còn bởi giáo dân của các giáo xứ khác và những người ngoài. Có một nền truyền thông mục vụ của một giáo xứ trong tư cách tập đoàn theo nghĩa là đời sống và các việc phục vụ của cộng đoàn giáo xứ phải được phát triển dưới nhãn quan truyền thông.
Truyền thông đối nội
Truyền thông đối nội của một giáo xứ được quyết định một cách cơ bản bởi cách mà các thành viên đối xử với nhau và truyền thông cho nhau. Cha xứ truyền thông thế nào với giáo dân của mình? Các thành viên của hội đồng giáo xứ và các đoàn thể khác của giáo xứ đối xử thế nào với nhau và với các thành viên khác của giáo xứ? Nếu cha xứ là một người giỏi truyền thông với đầy sự cởi mở, tôn trọng và tin tưởng, và cũng để cho những người khác lãnh trách nhiệm, nếu ngài để cho giáo dân được tự do phát triển các ý tưởng của họ và cổ vũ sức sáng tạo, thì giáo xứ sẽ được lợi và trở thành một cơ thể sống động với những con người cư xử với nhau với lòng kính trọng và tinh thần đồng trách nhiệm. Nó sẽ tạo nên một sự tin tưởng lẫn nhau, làm cho cộng đoàn trở thành một cộng đoàn Kitô đích thực giống như cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên trong sách Công vụ Tông đồ. Lắm khi điều đáng cho người ta quan tâm không phải là chúng ta làm cái gì mà là làm như thế nào và truyền thông như thế nào. Câu ngạn ngữ Đức: “Tiếng la trong rừng la theo cách nào thì dội lại theo cách ấy” cũng được áp dụng ở đây. Một cộng đoàn giáo xứ sống mãnh liệt sự hiệp thông và truyền thông với Đức Kitô sẽ ảnh hưởng tới những người có liên quan.
Tất cả các quy tắc và kinh nghiệm về ‘truyền thông tập đoàn’ và ‘truyền thông tổ chức’ cũng được áp dụng cho một giáo xứ. Một giáo xứ là một đơn vị tập đoàn và một tổ chức nhỏ với một số cơ cấu và phương tiện truyền thông cần phải được tôn trọng. Thông thường việc truyền thông ở đây diễn ra theo các trách nhiệm và có thể khởi sự với cha xứ, hội đồng giáo xứ hay các trưởng của các hội đoàn khác nhau trong giáo xứ. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc truyền thông này không chỉ diễn ra theo hàng dọc trên-dưới nhưng theo hàng ngang, lôi kéo mọi người vào một tinh thần trách nhiệm giống nhau. Truyền thông theo hàng dọc không luôn luôn là cách truyền thông đúng; cách truyền thông chia sẻ-tham gia thì tốt hơn (x. Eilers 2002, tr. 28tt). Các người truyền thông là những đối tác chứ không phải những nhân viên thuộc quyền.
Xem thêm chi tiết về các phương tiện truyền thông đối nội và đối ngoại của giáo xứ trong Chương 5.
Bản sắc tập đoàn của một giáo xứ cũng được phản ánh trong các thái độ sau đây của giáo dân trong giáo xứ (Karl Hoeller, BISCOM I, 1997, bản thảo):
- Một sự ý thức nhiều hơn của các thành viên (“Trong giáo xứ Thánh Arnold, chúng tôi…”).
- Một sự tự hào về giáo xứ (“Giáo xứ chúng tôi làm hay là…”).
- Một sự đồng hoá mình với giáo xứ (“Tôi là giáo dân của giáo xứ Thánh Arnold”).
- Một sự gắn bó sâu xa với giáo xứ (“Rất hạnh phúc được thuộc về giáo xứ…”).
- Một sự dấn thân mạnh hơn trong giáo xứ (“Công việc của giáo xứ Th. Arnold tuỳ thuộc vào tôi cũng như…”).
Truyền thông đối ngoại
Truyền thông đối ngoại của một giáo xứ liên quan tới những người không phải là thành viên trực tiếp của đơn vị giáo xứ hiện hữu. Họ là ‘người ngoài’, tuy nhiên phải coi họ như những đối tác trong tinh thần truyền thông mục vụ cởi mở. Thành phần này có thể là giáo dân của các giáo xứ khác mà ta có thể cùng với họ tổ chức các hoạt động chung trong tinh thần huynh đệ, có những mối quan tâm và kinh nghiệm chung. Chẳng hạn có thể có một bản tin giáo xứ được xuất bản chung cho nhiều giáo xứ xung quanh. Nhiều hoạt động khác có thể được tổ chức chung nếu có một mối quan tâm chung.
Truyền thông đối ngoại cũng liên quan tới các Kitô hữu thuộc các hệ phái và các giáo hội khác hay các tổ chức giáo hội trong hay gần địa hạt của giáo xứ. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội đã xuất bản các hướng dẫn và tiêu chuẩn về hợp tác đại kết (1989), có thể có ích trong lĩnh vực này (x. Eilers, 1997, tr. 151-158). Các mối quan tâm và sinh hoạt chung này “làm sáng tỏ sự thống nhất đã có giữa các giáo hội và các cộng đoàn Kitô giáo”, văn kiện nói như thế và tiếp: “Một thái độ như thế chỉ có thể làm gia tăng sự tin tưởng vào công cuộc và các phương pháp rao giảng tmu để phục vụ Nước Chúa”.
Sự hợp tác đại kết này “có thể được thực hiện trong mọi khía cạnh của việc truyền thông xã hội. Tự nó là một chứng tá cống hiến cho thế giới… Đôi khi điều này đòi hỏi sự tham gia chung của các người truyền thông Công giáo trong các sáng kiến truyền thông của các giáo hội và cộng đoàn Kitô giáo khác, và của các Kitô hữu khác trong các dự án Công giáo, cũng như trong việc đào tạo các nhóm Kitô hữu hoạt động trong các tổ chức truyền thông thế tục” (số 6-7). “Khi xét là thích hợp, các dự án chung có mục tiêu là cho phép người Kitô hữu cống hiến một chứng tá chung về Đức Kitô” (số 9). Trong truyền thông mục vụ, sự hợp tác này không chỉ liên quan tới các dự án truyền thông chuyên nghiệp, mà cả sự hợp tác trong lĩnh vực truyền thông mục vụ, ví dụ như các dịch vụ tư vấn chung và sự hỗ trợ lẫn nhau trong sứ vụ mục vụ khi hoàn cảnh cho phép, chẳng hạn như các hoạt động tông đồ trong các nhà tù hay tông đồ giới trẻ.
Truyền thông đối ngoại cũng vươn ra tới các tổ chức tế tục và các tổ chức trong và ngoài giáo xứ. Hoạt động này bao gồm sự hợp tác trong các công trình dân sự và cả sự hỗ trợ các dự án và quan tâm chung trong lĩnh vực thế tục như thành lập các tổ chức dân sự vì lợi ích công cộng hay các quan tâm đặc biệt. Việc tham gia vào các hoạt động truyền thông chung, từ một gánh hát cho tới một sân khấu đường phố, từ một viện bảo tàng cho tới một cuộc thi vẽ tranh, triển lãm công cộng hay các cách thức và phương tiện truyền thông khác, cũng làm cho giáo xứ được công chúng biết đến và góp phần tạo một hình ảnh tích cực về một giáo xứ truyền thông và cởi mở trong cộng đồng rộng lớn hơn.
Về việc sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau cho giáo xứ, xem các chương sau liên quan tới các phương tiện truyền thông như Báo chí, Truyền thanh, Truyền hình, Phim ảnh, Internet…
4.1.3. Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ/cơ bản
Các Cộng đoàn Kitô giáo Cơ bản (‘Basic Christian Community’ – BCC) hay Cộng đoàn Hội Thánh Cơ Bản (‘Basic Ecclesial Community’ – BEC) ban đầu được gọi là các ‘Cộng đoàn Kitô giáo Nhỏ’. Các cộng đoàn này có thể tồn tại trong một giáo xứ như là một sáng kiến của giáo xứ, nhưng cũng có thể tồn tại như là một cộng đoàn độc lập với địa hạt của một giáo xứ. Đó là những nhóm ít người cùng chia sẻ đặc biệt đức tin, Lời Chúa và các kinh nghiệm tôn giáo của mình. Họ có thể là một cụm khoảng tám tới mười gia đình của một khu hay các nhóm tương tự tuỳ theo các nhu cầu và điều kiện của họ. Redemptoris Missio (số 51) mô tả họ như là “các nhóm Kitô hữu ở cấp gia đình hay một khung cảnh giới hạn tương tự, cùng tập họp nhau lại để cầu nguyện, đọc Sách Thánh, giáo lý và thảo luận về các vấn đề liên quan tới con người và Hội Thánh nhằm đi tới một sự dấn thân chung”. Họ được coi như “một dấu hiệu về sức sống trong Hội Thánh, một công cụ đào luyện và rao giảng Tin Mừng, và một điểm xuất phát vững chắc dẫn tới một xã hội mới đặt nền trên một ‘văn minh của tình thương’”.
Bằng cách này, các kinh nghiệm đức tin được đem trực tiếp đến cho dân chúng và được áp dụng vào các nhu cầu và nguyện vọng cụ thể của họ. Đồng thời chúng cống hiến một khả năng truyền thông cho những người mà tự mình không thể nói hay diễn tả ý tưởng của mình. Ngoài ra, chúng cũng giúp phát triển một tinh thần sống và làm việc chung với nhau, giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau, là những điều mà một giáo xứ đông người không thể cống hiến cho họ. Việc truyền thông trong các nhóm loại này chủ yếu là áp dụng phương thức truyền thông của các nhóm truyền thông nhỏ: mọi người đều biết nhau và mọi người đều thấy nhau, có thể phản ứng ngay lập tức và nhờ đó có thể góp phần đáp ứng các nhu cầu của nhóm cũng như của cá nhân khi chúng xuất hiện trong lúc chia sẻ. Các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại ít khi được dùng tới, và nếu có được dùng thì chủ yếu chỉ là để kích thích sự tương tác của nhóm nhiều hơn. Trong các giáo xứ lớn, cha xứ hay các người hoạt động mục vụ khó có thể biết và chăm lo cho từng người, còn các cộng đoàn nhỏ như thế này tạo ra được tinh thần thuộc về nhóm. Sự quan tâm lẫn nhau và truyền thông thường xuyên với nhau giúp tăng cường đức tin và cũng phát triển khả năng làm chủ đời sống. Thế nên nó cống hiến cho việc truyền thông mục vụ các khả năng đặc biệt để vượt qua tình trạng vô danh của nhiều phương tiện truyền thông (đại chúng) hiện đại. Các Cộng đoàn Kitô giáo Nhỏ là một cách diễn tả đặc biệt về ‘mẫu truyền thông’ của một Hội Thánh truyền thông theo Avery Dulles (xem ở trên, I, 4.2 và ở dưới, II, 5.2 về truyền thông nhóm. Xem thêm chi tiết về truyền thông nhóm trong Eilers, 2002, tr. 195-211).
4.2. Truyền thông ở cấp giáo phận
4.2.1. Giám mục trong vai trò truyền thông
Trong địa vị phẩm trật của mình, các giám mục là những người quan trọng đầu tiên và trên hết trong sứ vụ mục vụ và vì thế phải đặc biệt quan tâm tới truyền thông mục vụ của họ. “Giám mục đoàn là những người kế vị Tông đồ đoàn trong vai trò thầy dạy và mục tử…”, Sắc lệnh Christus Dominus (số 8) của Vatican II về Giám mục trích văn kiện cơ bản của Vatican II về Hội Thánh Lumen Gentium (số 22). Ý tưởng này còn được triển khai thêm qua việc vạch ra nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng và tông đồ của các ngài. Đó là các ngài có nghĩa vụ đặc biệt làm gương mẫu về truyền thông mục vụ. Trong trách nhiệm này, các ngài là những người đầu tiên phải thực hành các quy luật cơ bản của truyền thông nhân bản trong việc đối xử với tất cả những người được giao phó cho các ngài.
Một cách đặc biệt, nghĩa vụ này được phản ánh trong cách truyền thông của các ngài với các linh mục của mình, những người mà các ngài phải coi là “những cộng sự viên và cố vấn không thể thiếu trong thừa tác vụ và nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và chăn dắt Dân Chúa” (Presbyterorum Ordinis, số 7). Các giám mục phải đối xử với các linh mục như anh em và bạn bè, và phải hết sức quan tâm tới lợi ích vật chất và thiêng liêng của họ… đặc biệt các ngài mang trên vai gánh nặng của việc thánh hoá các linh mục của các ngài…” và phải thích lắng nghe và tham khảo ý kiến các linh mục. Ở đây có tất cả các yếu tố của sự truyền thông nhân bản đúng đắn và hết mình, và giám mục cũng phải phát triển các yếu tố này trong quan hệ với mọi người được giao phó cho các ngài. Theo lời của Christus Dominus (số 13): Các giám mục “có bổn phận đặc biệt phải đến với mọi người, kêu gọi và cổ vũ các cuộc đối thoại với họ. Trong các cuộc đối thoại thuộc viễn tượng cứu độ này, để chân lý luôn luôn liên kết với bác ái, kiến thức đi liền với tình yêu, cần phải làm nổi bật tính chất trong sáng của ngôn ngữ, cùng sự khiêm tốn và lòng nhân hậu, cũng như sự thận trọng đúng mức, nhưng đầy tin tưởng, vì khi sự tin tưởng hỗ trợ tình bạn hữu thì cũng liên kết các tâm hồn”.
Trong truyền thông, các giám mục cũng phải “cố gắng sử dụng các phương pháp khác nhau hiện có ở thời đại chúng ta để rao giảng giáo thuyết Kitô giáo”, gồm việc giảng thuyết và huấn giáo, nhưng cũng gồm việc “giảng dạy trong các trường học, đại học, các cuộc hội thảo và hội họp đủ loại”. Nhưng cũng có cả các phát biểu công khai mà giám mục có thể đưa ra “để bình luận về các sự kiện”, và sử dụng “báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác”.
Về thái độ cơ bản của giám mục trong vai trò truyền thông mục vụ, Christus Dominus (số 16) khuyến cáo rằng các giám mục “hãy sống giữa dân mình như một người phục vụ, nghĩa là như một chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và các con chiên cũng biết chủ chăn, và như người cha đích thực tỏ lòng yêu thương lo lắng cho hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài hãy qui tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình đông đủ và cổ võ để mọi người đều ý thức nhiệm vụ riêng mà sống và hoạt động trong sự hiệp thông bác ái”.
Để hiểu rõ hơn đường lối và nhu cầu truyền thông của mình, các giám mục có thể thấy hữu ích khi tìm hiểu về những mẫu khác nhau của một Hội Thánh truyền thông như được triển khai bởi Avery Dulles dựa trên các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II. Cũng rất hữu ích khi xem 4 “mẫu diễn giải của Hội Thánh” của Giám mục Teodoro Bacani (xem ở trên: I, 4): Phải chăng tôi muốn đưa ra một phát biểu ‘tiên tri’ theo tinh thần của mẫu phẩm trật hay mẫu thần học của Dulles, hay mối quan tâm mục vụ của tôi hợp với mẫu bí tích và cộng đoàn của Dulles?
Trong giáo phận mình, giám mục có trách nhiệm đặc biệt về mọi hoạt động truyền thông, trên thực tế ngài là người chịu trách nhiệm tối thượng và duy nhất, như được nói rõ trong các văn kiện khác nhau của Hội Thánh, đặc biệt Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II về Truyền thông Xã hội (số 20).
Trong văn kiện đầu tiên của Hội Thánh về truyền thông hiện đại ở thế kỷ 20, Thông điệp Vigilanti Cura của Đức Giáo hoàng Piô XI (1936) về điện ảnh, bổn phận của các giám mục về hoạt động truyền thông đã được nhấn mạnh. Thông điệp nói “các giám mục trên toàn thế giới Công giáo có bổn phận liên kết với nhau để cảnh giác trước loại hình giải trí và thông tin có ảnh hưởng tràn lan và mạnh mẽ này, để có thể ngăn cấm những phim ảnh xấu phạm đến thuần phong mỹ tục và các tình cảm tôn giáo…”.
Mạnh hơn nữa, Thông điệp nói rằng các giám mục “có bổn phận quan tâm tới mọi hình thức giải trí thanh tao lành mạnh vì họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về luân lý của dân mình cả trong thời gian rảnh rỗi…”.
“Nếu các giám mục trên thế giới đồng tâm chia sẻ nhiệm vụ cảnh giác đầy khó khăn này đối với phim ảnh – và chúng tôi biết rõ nhiệt tình mục vụ của họ về điểm này – chắc chắn họ sẽ thực hiện được một công việc vĩ đại là bảo vệ luân lý của dân trong những lúc rảnh rỗi và giải trí của dân. Họ sẽ chinh phục được sự tán thưởng của mọi người có lý lẽ thẳng thắn, Công giáo cũng như không Công giáo, và họ sẽ giúp bảo đảm rằng một lực lượng lớn của thế giới – phim ảnh – sẽ được hướng tới mục đích cao đẹp là cổ vũ những lý tưởng cao cả nhất và những chuẩn mực đúng nhất của cuộc đời”.
Về cơ quan của Hội Thánh trông nom lĩnh vực phim ảnh, “các giám mục tại mỗi nước sẽ cần phải thiết lập một văn phòng thường trực quốc gia về kiểm duyệt”.
Trong Thông điệp Miranda Prorsus năm 1957 của Đức Piô XII về Radio, TV và Điện ảnh, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở các giám mục “đặc biệt quan tâm trông nom để thông qua các văn phòng quốc gia, được đặt dưới quyền kiểm soát của quý vị, … các thông tin về các nội dung truyền thông phải được chia sẻ cho các thành phần công dân khác nhau có quan tâm tới vấn đề này…”.
Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh Inter Mirifica về Truyền thông Xã hội đã nhấn mạnh khá rõ các bổn phận của các giám mục đối với truyền thông xã hội: “Các giám mục có bổn phận lưu tâm đến các công trình và sáng kiến thuộc ngành này trong giáo phận mình. Các ngài phải cổ võ và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, phải phối hợp chung, kể cả những tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ” (số 20). Về các văn phòng quốc gia, sắc lệnh nói rằng “tại mỗi nước, việc điều khiển các văn phòng này phải được giao cho các uỷ ban giám mục hay các giám mục được chỉ định làm nhiệm vụ này” (số 21).
Các Nghị phụ Công Đồng trong sắc lệnh Inter Mirifica đã yêu cầu soạn ra một Huấn thị Mục vụ chi tiết hơn về các mối quan tâm mục vụ của Hội Thánh. Trong Huấn thị Communio et Progressio, được công bố ngày 23-3-1971, các điểm sau đây được nói một cách đặc biệt liên quan tới trách nhiệm của các giám mục:
* Kế hoạch mục vụ trong truyền thông:
“Đánh giá cẩn thận về toàn bộ các phương tiện truyền thông, có kế hoạch thận trọng và sáng suốt cho hoạt động mục vụ và trong mọi công cuộc tông đồ, tất cả công việc này đều là thuộc lĩnh vực hợp pháp của giáo quyền. Nhưng việc thực thi các hoạt động này cũng cần dựa vào sự tư vấn của các chuyên gia trong các ngành truyền thông khác nhau. Theo các qui tắc cơ bản trong Inter Mirifica, đây là bổn phận của mỗi giám mục trong mỗi giáo phận, của một uỷ ban giám mục hay một giám mục đặc trách tại mỗi quốc gia, và của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội cho Hội Thánh toàn cầu (số 165).
* Chuẩn bị và cử hành Ngày Thế giới Truyền thông do Vatican II thiết lập.
“Các cấp giáo quyền (nói ở số 165) sẽ hết sức nâng đỡ việc chuẩn bị và cử hành… Các cấp giáo quyền sẽ trình lên các Hội đồng Giám mục các dự án tài trợ cho hoạt động mục vụ trong lĩnh vực Truyền thông Xã hội” (số 167).
* Các giám mục phải có sự lưu tâm sâu sắc và tham vấn.
“Các cấp giáo quyền sở tại cần có sự lưu tâm sâu sắc về lĩnh vực tông đồ truyền thông xã hội. Họ cần tham vấn các linh mục và giáo dân…” (số 168).
* Thiết lập các văn phòng quốc gia và bảo đảm sự hợp tác quốc tế.
“Một văn phòng quốc gia về truyền thông xã hội phải được mở tại mỗi quốc gia. Văn phòng này có thể chia thành các ban chuyên môn có quyền tự chủ hợp lý cho mỗi ngành truyền thông. Hoặc có thể mở các văn phòng riêng cho mỗi ngành như báo chí, điện ảnh và truyền thanh truyền hình hoạt động gắn bó với nhau. Bất luận theo phương thức nào, toàn thể hoạt động tông đồ này phải được đặt dưới một sự điều hành chung duy nhất” (x. IM, số 20).
“Uỷ ban Giám mục về Truyền thông Xã hội hay Giám mục đặc trách chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của các văn phòng quốc gia. Các vị này cũng vạch ra các hướng dẫn chung cho việc phát triển hoạt động tông đồ truyền thông xã hội ở cấp quốc gia. Họ sẽ giữ mối tiếp xúc với các Uỷ ban Giám mục quốc gia khác và hợp tác với Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông” (số 172).
Huấn thị Mục vụ thứ hai, Aetatis Novae (1992), ra đời 20 năm sau Huấn thị Communio et Progressio, chú trọng đặc biệt về kế hoạch mục vụ. Huấn thị nói về các giám mục như sau:
“Nhìn nhận giá trị và sự thúc bách của các đòi hỏi của hoạt động truyền thông, các giám mục và các vị khác lo việc phân phối các nguồn nhân lực và tài lực có giới hạn của Hội Thánh phải dành cho nhiệm vụ này một ưu tiên cao, đồng thời lưu ý tới các hoàn cảnh riêng của mỗi nước, mỗi vùng và mỗi giáo phận của mình” (số 20).
Trong cùng đường hướng này, Huấn thị “mạnh mẽ” khuyến cáo “các giáo phận và các HĐGM hay các hội nghị cần đưa yếu tố truyền thông vào mọi kế hoạch mục vụ:
“Khi làm việc này, các giám mục phải tìm sự hợp tác của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông thế tục và các tổ chức truyền thông của Hội Thánh, đặc biệt các tổ chức quốc tế và quốc gia về điện ảnh, truyền thanh-truyền hình và báo chí” (số 21).
Ngoài ra, Hướng dẫn về một số khía cạnh trong việc sử dụng các phương tiện Truyền thông Xã hội trong việc truyền bá giáo lý Đức Tin” của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh (1992) có một đoạn dài nói về “trách nhiệm của các giám mục” và đặc biệt cũng đề cập tới Giáo Luật.
Theo văn kiện Sacrosanctum Concilium (số 20) của Vatican II về Phụng vụ, vị đặc trách về truyền thanh và truyền hình phải “do các giám mục chỉ định”.
4.2.2. Các cơ cấu truyền thông giáo phận
Các cơ cấu truyền thông mục vụ của giáo phận được phản ánh trong các hoạt động và trách nhiệm của giám mục và giáo phận đối với sứ vụ này. Họ phải phục vụ sứ vụ mục vụ của Hội Thánh ở cấp giáo phận dưới sự hướng dẫn và trách nhiệm cao nhất của chính giám mục.
Theo các văn kiện Hội Thánh Inter Mirifica (số 21) và Communio et Progressio (các số 162tt.), phải có một văn phòng giáo phận hay ít là một người đặc trách truyền thông xã hội tương tự như ở cấp quốc gia: “Phải tìm kiếm những người có đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm cho công việc này. Cũng phải thiết lập các cơ cấu mục vụ thích hợp, với ngân sách, thẩm quyền và nguồn lực cần thiết” (C&P số 162).
Về hoạt động của các cơ quan này, các văn kiện Hội Thánh đề xuất các hoạt động sau đây, cũng là một nghĩa vụ tương tự như của các văn phòng cấp quốc gia:
- Bước đầu tiên trong các hoạt động và nhằm phát triển cơ cấu này xa hơn, đó là “đánh giá cẩn thận về toàn bộ các phương tiện truyền thông, có kế hoạch thận trọng và sáng suốt cho hoạt động mục vụ và trong mọi công cuộc tông đồ.” Ở đây các giám mục “cần dựa vào sự tư vấn của các chuyên gia trong các ngành truyền thông khác nhau. Theo các qui tắc cơ bản trong Inter Mirifica, đây là bổn phận của mỗi giám mục trong mỗi giáo phận…” (C&P, số 165).
- Văn phòng giáo phận phải cổ vũ và phối hợp giữa các kế hoạch truyền thông khác nhau: “Các cấp giáo quyền phải khuyến khích các sáng kiến đua nở tự do trong lãnh vực này, nhưng phải giữ lại quyền hướng dẫn đối với các hoạt động thuộc riêng chức vụ linh mục và các công cuộc mà do hoàn cảnh thời gian và không gian đòi có sự dấn mình của hàng giáo phẩm vì lợi ích của giáo dân” (C&P, số 166). Các sáng kiến của các dòng tu cũng là thành phần của cơ cấu và quan tâm này (x. IM, số 20).
- Việc “đào tạo các tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, qua các khoá học có tổ chức, các cuộc hội thảo, các khoá nghiên cứu và đánh giá phê bình được chuẩn bị bởi các chuyên gia của văn phòng này” cũng là một nhiệm vụ nữa của văn phòng giáo phận này. Họ “cũng phải sẵn sàng tư vấn cho các nhà sản xuất phim ảnh, các chương trình biểu diễn hay truyền thanh truyền hình liên quan tới các đề tài tôn giáo” (C&P, số 170).
- Văn phòng này cũng phải duy trì tiếp xúc “với thế giới truyền thông xã hội chuyên nghiệp.” Nhờ đó “họ sẽ cung cấp các tư liệu, tư vấn và trợ giúp mục vụ mà các người truyền thông chuyên nghiệp có thể cần đến” (C&P, số 171).
- Một bổn phận đặc biệt của văn phòng giáo phận là chuẩn bị và cử hành Ngày Thế giới Truyền thông đã được thiết định bởi Vatican II. Inter Mirifica (số 18) nói rằng “giám mục sẽ cân nhắc để hằng năm dành riêng một ngày” hầu làm cho hoạt động tông đồ “trong lĩnh vực truyền thông xã hội trở nên hữu hiệu hơn”. Các tín hữu được mời gọi cầu nguyện và “đóng góp cho việc tông đồ này”. Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 167) nói thêm rằng “ngày này đã được thiết lập để tôn vinh các nhà chuyên nghiệp về truyền thông xã hội và khích lệ sự hợp tác của họ”.
- Hơn nữa, mỗi giáo phận phải có “người phát ngôn hay đặc trách báo chí chính thức và thường trực”, có nhiệm vụ “phát hành các tin tức và giải thích rõ ràng các văn kiện của Hội Thánh để dân chúng có thể nắm bắt chính xác ý nghĩa của chúng. Các người phát ngôn này sẽ cung cấp đầy đủ và không chậm trễ các thông tin về đời sống và hoạt động của Hội Thánh trong lĩnh vực mà họ chịu trách nhiệm” (C&P, số 174).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảm thấy rằng ngày nay chỉ cắt cử một người duy nhất cho trách nhiệm này thì không còn đủ nữa. Dứt khoát người phát ngôn này không thể chỉ là một người nhưng phải được hỗ trợ đầy đủ bởi toàn thể cơ quan mà họ đại diện. Trên thực tế, các công ty thời nay có cả một êkíp chứ không chỉ có một người chịu trách nhiệm về lưu lượng thông tin trong công ty cũng như ra thế giới bên ngoài. Vai trò của một người phát ngôn duy nhất là không đủ hiệu quả nếu không được sự hỗ trợ bởi tất cả các ban ngành. Chúng ta không nên quên rằng cả trong các tổ chức của Hội Thánh, việc truyền thông đối nội và đối ngoại có tương quan mật thiết với nhau và kết nối với nhau.
- Về phương pháp làm việc của văn phòng giáo phận, văn kiện này khuyên:
* Phải lưu tâm tới các nguyên tắc về quan hệ công cộng. Những người có trách nhiệm phải xem xét “loại công chúng” của mình “vào mỗi lúc khác nhau, trong khi ngỏ lời và thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Việc này chỉ có thể thực hiện nếu người ta có sự tôn trọng và quí chuộng lẫn nhau và hết sức tôn trọng sự thật” (C&P, số 175).
* “Phải có sự lưu hành hai chiều về các tin tức và thông tin”. Nguyên tắc này một mặt nhằm “trình bày một hình ảnh thực về Hội Thánh” nhưng nó đồng thời cũng bộc lộ “cho giới chức giáo quyền biết những động lực, trào lưu và ý tưởng đang kích động thế giới loài người”. Nó “đòi hỏi vun trồng các mối quan hệ thân thiện dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa Hội Thánh, những con người và những nhóm người. Bằng cách này các cuộc trao đổi có thể được thực hiện dễ dàng, trong đó mỗi bên đều vừa cho vừa nhận” (C&P, số 175).
* Ngoài ra, để có một “đối thoại hiệu quả trong Hội Thánh và với thế giới bên ngoài… các bản tin chính thức là không thể thiếu. Chúng sẽ giúp cho các tin liên quan được phổ biến một cách nhanh chóng bao có thể. Bằng cách này, công chúng sẽ nhận được thông tin đúng lúc. Phải dùng mọi phương tiện để làm cho các mục tin như thế “tuyệt đối chính xác và nhờ đó tránh phải đính chính sau này. Các tin ảnh (flash), tin điện (telex) là những công cụ hiện đại nhất sẽ được sử dụng để truyền đi các ý nghĩa chính xác một cách đáng tin cậy nhất” (C&P, số 176).
- Mỗi giáo phận cũng phải triển khai “một kế hoạch mục vụ truyền thông toàn diện” trong đó “các nhu cầu truyền thông được xác định, các mục tiêu được làm rõ, các dự trù ngân sách thực tế được soạn ra, và các nỗ lực truyền thông khác nhau được phối hợp”, như Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae nhấn mạnh (số 23; xem C&P, số 165) và triển khai chi tiết hơn.
Các nhiệm vụ cơ bản của một Văn phòng Truyền thông Giáo phận
Triển khai cho Giáo phận Linz, Áo (2001)
Khi triển khai một khái niệm về hoạt động truyền thông của giáo phận Linz (Áo) năm 2000, các nhiệm vụ cơ bản của một văn phòng truyền thông giáo phận được gồm tóm trong bảy đoạn. Theo kế hoạch của giáo phận, văn phòng này có các nhiệm vụ sau:
- Hoạt động mạng. Văn phòng nối mạng với những người và những tổ chức có trách nhiệm truyền thông bằng cách này hay cách khác trong giáo phận. Văn phòng cổ võ dòng thông tin trong giáo phận và đặc biệt giữa những người chịu trách nhiệm các vùng khác nhau. Đặc biệt thông qua mạng Internet, phải thực hiện một cố gắng phối hợp cho một mạng thông tin như thế trong cũng như ngoài giáo phận.
- Hỗ trợ. Văn phòng hỗ trợ cách này hay cách khác mọi tổ chức và cá nhân, dựa vào hoạt động truyền thông của họ. Như thế, văn phòng là một trung tâm dịch vụ cho mọi loại hỗ trợ về phương tiện truyền thông chuyên nghiệp như tạo các mối quan hệ, hỗ trợ về báo chí và kỹ thuật.
- Phân tích. Văn phòng quan sát các phát triển trong lãnh vực truyền thông, phân tích vị trí của giáo phận trong xã hội và làm cho mình trở nên như là “tai mắt” của giáo phận trong lãnh vực các phát triển chuyên môn có liên quan. Các phát triển này phải được mọi người chú ý và phải được Hội Thánh xem xét nghiêm túc.
- Hoạch định. Văn phòng truyền thông giáo phận giúp hoạch định các chương trình và chiến lược truyền thông cần thiết.
- Điều phối. Văn phòng sắp xếp và điều phối các hoạt động truyền thông của các tổ chức và các nhóm trong giáo phận để giúp chúng hiệu quả hơn.
- Những người đại diện. Văn phòng bảo đảm để trong các vấn đề khác nhau, có thể sử dụng đúng (những) người đại diện cho lãnh vực truyền thông và giáo phận luôn luôn xuất hiện với bộ mặt tích cực trước công chúng. Văn phòng hỗ trợ và cổ võ việc truyền thông của giám mục thông qua các phương tiện truyền thông, giúp cho hoạt động này gắn liền mật thiết với con người và chức vụ của ngài.
- Các sáng kiến. Văn phòng này cũng có những sáng kiến trong việc phát triển các dự án truyền thông, trong hợp tác với các cơ quan khác của giáo phận. Chẳng hạn, việc đề xuất một chiến dịch dán bích chương (‘áp phích’) sẽ được phối hợp chặt chẽ với các nhóm khác có liên quan tới nội dung và việc thực hiện, mặc dù đó là một dự án của chính văn phòng truyền thông.
(Nguồn: Multimedia No. 4, 2001)
Xem thêm chi tiết ở đoạn 6 riêng về kế hoạch mục vụ.
4.2.3. Tích hợp truyền thông vào đời sống và hoạt động tông đồ của giáo phận
Truyền thông xã hội tự nó là một hoạt động nối kết những con người với nhau và ràng buộc họ với nhau trong các gia đình, các giáo xứ và cả các giáo phận. Các phương tiện truyền thông đương đại giúp hỗ trợ sự phát triển này bằng nhiều cách và chúng rất cần thiết. Không chỉ có sự thông tin lẫn nhau, nhưng cả việc giải thích sự kiện và tình hình cũng là thành phần của dòng truyền thông này trong cộng đoàn. Tuy nhiên, vượt trên những điều này, phần đa hoạt động tông đồ và hoạt động của một giáo xứ hay giáo phận cũng có một chiều kích truyền thông. Bất luận ở đâu có sự chia sẻ thì đều có truyền thông. Vì vậy, sự ý thức và tích hợp chiều kích truyền thông này là yếu tố hết sức quan trọng.
Có nhiều mức độ khác nhau trong việc tích hợp truyền thông vào các hoạt động mục vụ của một giáo phận và một quốc gia. Ở mức độ thô sơ nhất, truyền thông chỉ là hoạt động của một văn phòng đặc biệt, độc lập với các mối quan tâm khác. Nhưng ở mức độ sâu xa nhất, truyền thông phải được tích hợp, và theo cách hiểu của một thần học truyền thông, nó phải được đưa vào tâm điểm của mọi hoạt động mục vụ. Việc Mặc Khải và Nhập Thể của Thiên Chúa là các hoạt động truyền thông của Người, được tiếp tục kể từ lễ Hiện Xuống trong sứ mạng của Hội Thánh.
Các phương thức Truyền thông Xã hội trong Mục vụ
Các phương thức khác nhau trong việc định vị hoạt động truyền thông trong mục vụ có thể mang những tính chất sau đây (xem Zukowski, 1998, 84-98; Eilers, 2002 a, tr. 81t.):
1) Phương thức biệt lập
Các ngành truyền thông khác nhau của văn phòng truyền thông hoạt động riêng rẽ và phần nào không liên hệ với các ngành mục vụ khác. Chúng giống như những ‘tiểu đảo’…, báo chí riêng, truyền thanh truyền hình riêng, điện ảnh… mỗi ngành có lãnh địa riêng của mình.
Khó khăn:
– Có thể thiếu tầm nhìn và quan tâm chung.
– Thiếu hợp tác, đôi khi trùng lặp nhau.
2) Phương thức Thống nhất
Các hoạt động truyền thông đặt dưới một cái ô duy nhất, ví dụ, một giám đốc chung cho mọi phương tiện truyền thông khác nhau nhưng có liên hệ với nhau.
Nhu cầu:
– Một tầm nhìn chung: mọi hoạt động truyền thông hỗ trợ lẫn nhau và liên quan tới một sứ mạng chung.
– Hợp tác với các ngành tông đồ khác như Huấn giáo, Kinh Thánh…
– Sử dụng hiệu quả các nguồn lực có giới hạn.
3) Phương thức hợp tác
Các hoạt động truyền thông theo hướng liên ngành và tích hợp.
Hiệu quả:
– Đưa khía cạnh truyền thông vào mọi hoạt động mục vụ khác;
– Cơ sở hạ tầng có chất lượng: kết hợp các kỹ thuật truyền thông và kết hợp các hoạt động mục vụ.
4) Phương thức chiều kích toàn diện
Truyền thông được nhìn và thể hiện như một chiều kích cơ bản của Hội Thánh ở mọi bình diện.
Hệ quả:
– Truyền thông như một nguyên tắc thần học làm nền cho mọi hoạt động của Hội Thánh.
– Nhấn mạnh ít hơn về tính dụng cụ của truyền thông (sự lấn lướt của phương tiện truyền thông).
– Nhấn mạnh nhiều hơn về Truyền thông như là ‘hiến mình trong Tình Yêu’ (C&P, số 11).
4.2.4. Đào luyện về truyền thông giáo phận
Giáo phận cũng phải cống hiến việc đào tạo và huấn luyện về truyền thông xã hội. Những hạng người khác nhau trong giáo phận cần có những khả năng cho các loại và các mức độ đào tạo khác nhau.
Cuốn “Hướng dẫn đào tạo các Linh mục tương lai về Truyền thông Xã hội” của Thánh Bộ Giáo dục Công giáo của Tòa Thánh (số 9) phân biệt 3 cấp độ đào tạo: (1) cấp căn bản; (2) cấp mục vụ; và (3) cấp đào tạo chuyên môn.
1) Cấp căn bản
Ở cấp này, không kể các linh mục tương lai, việc đào tạo cơ bản cũng phải được cống hiến cho mọi thành viên của Hội Thánh, nhưng đặc biệt là trẻ em và thanh niên. Về cơ bản, đây là toàn bộ chương trình về Giáo dục Truyền thông, rất cần thiết. Mục tiêu là đào tạo và dạy dỗ giới trẻ biết phán đoán và sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại một cách tích cực và có phê phán. Vì vậy, họ phải biết chi tiết hơn về các chức năng hoạt động của các phương tiện và công cụ mà họ có. Nền giáo dục truyền thông này (xem thêm ở chương về Đào luyện và Giáo dục Truyền thông ở trên) phải là một môn học bắt buộc và tích hợp trong mọi trường học và cơ sở đào luyện Kitô giáo. Tầm quan trọng của một nền giáo dục như thế đã được nhiều lần nhấn mạnh trong các văn kiện khác của Hội Thánh về truyền thông ở cấp thế giới nhưng cũng ở cấp châu lục như Châu Á. Văn phòng truyền thông giáo phận phải cung cấp các tư liệu như sách, video và các tài liệu khác, nhưng cũng phải giới thiệu danh sách các nhân sự có sẵn để lên kế hoạch và thực hiện các chương trình như thế.
2) Cấp mục vụ
Ở đây việc đào tạo về truyền thông xã hội đặc biệt liên quan tới việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông hiện đại cho sứ vụ mục vụ của Hội Thánh và của các thành viên Hội Thánh. Việc đào tạo này không chỉ liên quan đến các chương trình truyền thanh và truyền hình, nhưng cả việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt Internet.
3) Đào tạo chuyên môn
Để có một chương trình học tập chuyên sâu hơn về truyền thông xã hội, có lẽ phải dựa vào các trường đại học hiện hữu hay các cơ sở tương tự. Những ai được Hội Thánh gửi đến các trường này không chỉ học các kỹ năng thực hành mà cũng có thể lấy các bằng cấp hàn lâm. Có một số đại học ở Rôma nhưng ở nơi khác cũng có, như ở Châu Á, tại các nơi này có thể có các môn học chuyên môn như thế, nhưng cũng có thể học các môn chuyên sâu về truyền thông mục vụ.
Ngoài 3 cấp đào tạo trên, giáo phận cũng cần quan tâm đặc biệt đến các chuyên gia Kitô giáo vốn đã đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông thế tục, hay thậm chí đang dạy về truyền thông. Đối với những người này, giáo phận có thể cống hiến các khóa học đặc biệt, với sự nhấn mạnh về thần học và các giáo huấn của Hội Thánh, để nuôi dưỡng đức tin của họ và cũng để giúp họ ‘nối kết’ đức tin cá nhân của họ với các nhu cầu và đòi hỏi của thế giới truyền thông đương đại. Cũng cần khuyến khích họ trở thành thành viên của các tổ chức Công giáo chuyên nghiệp về truyền thông như UCIP và Signis.
Chung chung cũng phải thấy sự khác biệt giữa đào tạo (‘training’) và huấn luyện (‘formation’). Đào tạo nhắm nhiều hơn về kỹ năng còn huấn luyện thì hướng tới một phẩm chất bên trong và niềm xác tín để từ đó ta hành động. Ngoài những nghĩa khác, huấn luyện về truyền thông có nghĩa là phát triển một thái độ giao tiếp cởi mở bên trong các cá nhân, các cộng đoàn và Hội Thánh. Nhờ vậy, Thánh Thần của Thiên Chúa không chỉ được phản ánh nơi những gì người ta làm, mà cả nơi thực chất con người của họ. Việc này đòi hỏi một sự đào luyện sâu hơn và sự trải nghiệm về linh đạo truyền thông được nuôi dưỡng bởi một sự dễ dạy sâu xa đối với Chúa Thánh Thần. Với một sự huấn luyện như thế, người truyền thông trở thành một người ‘chiêm niệm trong hoạt động,’ một thành ngữ mà Đức Gioan Phaolô II đã áp dụng cho các nhà truyền giáo trong Thông điệp Redemptoris Missio (1990).
4.2.5. Kế hoạch truyền thông giáo phận
Về việc lập kế hoạch truyền thông của giáo phận, các nguyên tắc chung (xem II, 6) phải được áp dụng cho hoàn cảnh địa phương và giáo phận.
Một nghị quyết của ‘Hiệp hội các nhà truyền thông Công giáo Rôma tại Canada’ (ARCCC, 1995) nhìn thấy một “Kế hoạch mục vụ giáo phận về Truyền thông” được tiến hành theo bảy bước sau đây:
- Phân tích về giáo phận (lịch sử, tổ chức, thành phần công chúng/đối tượng chính).
- Phát biểu về sứ mạng của giáo phận.
- Nêu các mục tiêu chung của một kế hoạch mục vụ giáo phận.
- Triển khai chiến lược.
- Xác định các hoạt động cần để đạt các mục tiêu.
- Hoạch định việc thi hành các hoạt động và phân phối các nguồn lực.
- Đánh giá việc thi hành.
Về các mục tiêu và tiêu chuẩn ‘chiến lược và chiến thuật’ trong việc lựa chọn các hoạt động trong giáo phận, đây là các điểm được đề nghị (1995, tr. 10tt):
- Duy trì một sự hiện diện tích cực trong xã hội.
- Cổ vũ việc truyền bá thông tin ở trung tâm của giáo phận.
- Cung cấp việc đào tạo truyền thông cho các thành viên của các cộng đoàn (giáo xứ) của Hội Thánh.
Về các quy tắc chung cho chính sách truyền thông của giáo phận, đây là các qui tắc được đề nghị (1995, tr. 18):
- Vị đặc trách truyền thông tiếp xúc trực tiếp với giám mục.
- Mọi thông tin ở mọi cấp trong giáo phận được cung cấp cho vị đặc trách này.
- Hành động liên quan đến truyền thông giáo phận được giao phó cho vị đặc trách truyền thông và vị này hoạt động trong sự hợp tác với các lĩnh vực mục vụ khác của giáo phận.
- Nhiệm vụ của phòng truyền thông giáo phận là chuẩn bị các bản tin, được thông báo về việc chọn lựa các phát ngôn viên thích hợp cho giáo phận, và khi cần, chuẩn bị các bài giới thiệu cho giới truyền thông.
- Trước khi công bố một văn kiện có tầm quan trọng, giáo phận sẽ lên một kế hoạch truyền thông để phổ biến.
4.3. Truyền thông ở cấp quốc gia và quốc tế
Việc truyền thông giáo hội và mục vụ không kết thúc ở một giáo phận nhưng vượt ra ngoài để đến với các thách thức ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong một nước hay một vùng, các giáo phận được liên kết với nhau thông qua các Hội Đồng Giám Mục (HĐGM). Thông thường các Hội Đồng này giới hạn vào lãnh thổ của một quốc gia, nhưng đôi khi cũng gồm nhiều nước, chẳng hạn như trường hợp các nước Malaysia, Singapore và Brunei có chung một Hội Đồng Giám Mục. Ở cấp châu lục, nhưng đôi khi cũng ở cấp vùng, các Hội Đồng này còn liên kết hợp tác với nhau, ví dụ như Châu Á có “Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á” (FABC=Federation of Asian Bishops’ Conferences), gồm các nước của toàn Châu Á, kể cả Trung Á, nhưng không gồm các nước thuộc vùng Trung Đông.
4.3.1. Các Hội đồng Giám mục
Các đòi hỏi và kinh nghiệm của các giáo phận khác nhau trong hoạt động tông đồ truyền thông mục vụ của họ cũng còn phải được tăng hiệu quả ở cấp HĐGM, vì các HĐGM này được thiết lập bởi sự hợp tác và liên kết trách nhiệm của các giáo phận khác nhau. Trong lĩnh vực truyền thông mục vụ, về cơ bản mọi nguyên tắc và quy luật ở cấp giáo phận cũng được áp dụng ở đây. Theo đòi hỏi của Công đồng Vatican II, các HĐGM phải có một văn phòng truyền thông trong Hội Đồng, được điều hành và “uỷ thác cho một uỷ ban đặc biệt gồm các giám mục hay một vị giám mục đặc trách” (Inter Mirifica, số 21). Trong đa số trường hợp, văn phòng này cũng là ‘văn phòng quốc gia’ và có nhiệm vụ “đề ra những đường hướng chung để phát triển hoạt động tông đồ truyền thông xã hội ở cấp quốc gia” (C&P, số 172). Văn phòng này phải theo dõi nhưng cũng kích thích và nâng đỡ các hoạt động truyền thông trong khu vực của mình và bảo đảm có đủ chuyên gia để sử dụng các phương tiện truyền thông cho việc mục vụ. Văn phòng cũng phải đáp ứng các đòi hỏi và thách đố của các phương tiện truyền thông khác nhau cũng như các nhu cầu mục vụ của nhân sự sử dụng các phương tiện này.
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio về Truyền thông Xã hội (số 170, 171) và Aetatis Novae (các số 18, 19, 21) liệt kê các hoạt động sau đây như là các hoạt động bắt buộc của các văn phòng quốc gia của HĐGM:
* Kích thích, cổ võ và hoà hợp các hoạt động Công giáo trong lĩnh vực truyền thông xã hội.
* “Nỗ lực đặc biệt trong việc đào tạo các tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, bằng các khoá học có tổ chức, các hội nghị, các đợt học tập và các cuộc đánh giá phê bình do các chuyên gia chuẩn bị, để các tín hữu biết sử dụng phán đoán của mình một cách sáng suốt”.
* “Tư vấn cho các nhà sản xuất điện ảnh, các cuộc biểu diễn hay các chương trình truyền thanh truyền hình liên quan tới đề tài tôn giáo”.
* Duy trì “sự tiếp xúc với thế giới truyền thông xã hội chuyên nghiệp”.
* “Cung cấp các tư liệu, lời khuyên và trợ giúp mục vụ mà các chuyên gia truyền thông có thể cần tới”.
* “Tổ chức Ngày Thế giới Truyền thông ở cấp quốc gia”.
* “Tổ chức việc gây quỹ trong ngày ấy theo như gợi ý của Sắc lệnh Công đồng Vatican II”.
* Cung cấp việc “giáo dục và đào tạo về truyền thông” như là “phần cốt thiết của việc đào luyện các người hoạt động mục vụ và các linh mục”. Họ phải có “ít là một sự hiểu biết thực hành về ảnh hưởng của các kỹ thuật và các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các cá nhân và xã hội”.
* Chuẩn bị để “phục vụ cả những người ‘giàu thông tin’ lẫn những người ‘nghèo thông tin’”.
* “Biết cách mời gọi người khác đối thoại, tránh cung cách truyền thông gợi lên thái độ kẻ cả, bóc lột hay trục lợi”.
* “Triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ để đáp ứng một cách chuyên biệt cho các điều kiện làm việc đặc thù và các thách đố luân lý mà các chuyên gia truyền thông phải đối diện”.
* Các giáo phận và các HĐGM được mạnh mẽ khuyến cáo (Aetatis Novae số 21) phải “đưa một yếu tố truyền thông vào mọi kế hoạch mục vụ”, nhưng cũng phải có các kế hoạch mục vụ truyền thông xã hội riêng của mình.
* Các kinh nghiệm đã đạt được phải đem chia sẻ với các HĐGM khác.
Chiều kích truyền thông mục vụ được phản ánh trong rất nhiều đề nghị này, đặc biệt các đề nghị liên quan đến đào tạo, huấn luyện và chăm sóc mục vụ cho những người truyền thông. Từ bản liệt kê dài trên đây, ta thấy rõ rằng hoạt động tông đồ truyền thông mục vụ của các HĐGM là một lĩnh vực khá rộng mà tự nó cần có những người lãnh đạo được đào tạo kỹ và bảo đảm về chuyên môn.
4.3.2. Các cơ cấu và hợp tác cấp châu lục/vùng
Giống như các giáo phận và các HĐGM, các Liên Hội đồng Giám mục cấp châu lục hay vùng cũng phải hoạt động một cách tương tự. Tuy nhiên, họ có một chức năng điều phối và tiên phong nhiều hơn, và dành lại việc thi hành thực tế các kế hoạch cho các cấp quốc gia và giáo phận vì các cấp này có thể đến với công chúng một cách trực tiếp.
Hoạt động của văn phòng truyền thông xã hội cấp châu lục (OSC) của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) có thể được lấy làm điển hình. Văn phòng này không phải một trung tâm sản xuất, nhưng là điều phối, kích thích và phát triển các tầm nhìn có ích cho các giáo phận và các HĐGM cấp quốc gia. Chẳng hạn, văn phòng này
* Tổ chức các cuộc họp thường niên của các giám mục đặc trách truyền thông trong các HĐGM của họ, bao gồm cả các thư ký. Các cuộc họp giám mục này (FABC-OSC Bishops’ Meet) giúp các vị hiểu biết lẫn nhau, thảo luận các vấn đề quan tâm chung, việc hợp tác và làm kế hoạch khi có thể.
* Tổ chức các cuộc hội thảo tuỳ dịp cho các giám mục và các vị đặc trách truyền thông của các HĐGM về các vấn đề vượt ra ngoài ranh giới của mỗi quốc gia (Viện Truyền thông Xã hội của các Giám mục: Bishops Institute for Social Communication/BISCOM). Các cuộc hội thảo đã diễn ra trong quá khứ và các khoá bổ sung tiếp theo đã bàn về các vấn đề như: Truyền thông Công cộng/Quan hệ Công cộng (1997), các kỹ thuật truyền thông hiện đại như là những thách đố đối với Hội Thánh tại Châu Á (1999), huấn luyện truyền thông cho sứ vụ linh mục (2001), truyền thông và ngôn ngữ của giới trẻ (2002).
* Tổ chức các đợt nghiên cứu tuỳ dịp giữa các chuyên gia được mời về các chủ đề quan trọng đối với công việc của các HĐGM như rao giảng Tin Mừng và truyền thông, nghiên cứu truyền thông về tôn giáo và truyền thông xã hội.
* Xuất bản hằng tháng tờ thông tin FABC-OSC Communication INFO để thu thập và trình bày các mục tin tức quan trọng về Hội Thánh/Tôn giáo và Truyền thông Xã hội tại Châu Á.
* Sẵn sàng tư vấn và hợp tác với các HĐGM và các văn phòng khác của Liên Hội Đồng Giám Mục cũng như các tổ chức truyền thông chuyên nghiệp Kitô giáo ở cấp châu lục và quốc tế. Văn phòng cũng đảm trách một công cụ ‘nhóm điện tử’ (e-group) được thiết lập cho việc truyền thông giữa các văn phòng của FABC và đối tác phía Tin Lành có tên là Hội đồng Cơ đốc Châu Á (CCA=Christian Conference of Asia).
Thực hiện một website cho Liên Hội đồng Giám mục tại địa chỉ www.fabc.org, đưa những thông tin về FABC và các kết nối với các website của từng HĐGM, từng giáo phận và tổ chức liên hệ khác.
4.3.3. Các dòng tu
Các dòng và tu hội không phải là một thành phần chính thức của cơ cấu phẩm trật hay cơ cấu truyền thông chuyên môn của Hội Thánh theo luật định. Các sáng kiến truyền thông của họ phải được coi phần nào như là những công cuộc tư nhân, nhưng nhiều thành viên của họ cũng là những thành viên ở trong cơ cấu chính thức và/hay chuyên môn.
Tuy nhiên các dòng tu cũng có một trách nhiệm đặc biệt vì những đối với chính họ và vì những cống hiến của họ cho hoạt động tông đồ truyền thông của Hội Thánh. Có các tu hội như tu hội được sáng lập bởi Chân phước Don Alberione ở Alba (Ý) với tên là ‘Tu hội Thánh Phaolô’ (‘Pious Society of St. Paul’ hay ‘St. Paul’s Fathers) và các ‘Nữ tử Thánh Phaolô’ hay các Nữ tu Thánh Phêrô Claver được sáng lập bởi Chân phước Maria Theresa Ledochowska ở Salzburt (Áo), là những tu hội được sáng lập đặc biệt cho hoạt động truyền thông xã hội. Trong đoàn sủng riêng của mình, các dòng tu khác cũng có một chiều kích hay việc tông đồ đặc biệt trong lãnh vực này như Dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng Thừa Sai Lời Chúa, dòng Salêdiêng và các dòng tu khác.
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio nhiều lần nhắc đến các dòng tu và tương quan của họ với lĩnh vực truyền thông xã hội:
– Trước hết, các tu sĩ cũng có bổn phận “cống hiến cho việc giáo dục Kitô giáo trong lãnh vực này” (số 110) cùng với các giám mục, linh mục và giáo dân. Ở đây Huấn thị đặc biệt xét đến việc sử dụng thích đáng các phương tiện truyền thông, là một bổn phận đặc biệt đối với các tu sĩ chuyên lo các trường học, việc giáo dục và giảng dạy.
– Cũng vậy, đối với việc huấn luyện các tu sĩ của mình, giống như các chủng sinh giáo phận, các tu sĩ cũng có bổn phận: “Nếu… các tu sĩ trong thời kỳ đào luyện muốn hòa mình vào với cuộc sống đương đại và muốn làm việc tông đồ hiệu quả, họ phải biết rõ về tác động của các phương tiện truyền thông đối với các tầng lớp xã hội, và cũng phải biết kỹ năng sử dụng chúng. Đây phải là thành phần cơ bản của nền giáo dục bình thường của họ…” (số 111). Cùng một đòi hỏi này được lặp lại và triển khai thêm trong Huấn thị Mục vụ thứ hai là Aetatis Novae (số 18).
– Những gì Communio et Progressio đòi hỏi nơi các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các linh mục và các tổ chức cũng phải được áp dụng đối với các tu sĩ: “khuyến khích những người trẻ có phẩm chất tốt hãy chọn một nghề thuộc lĩnh vực truyền thông xã hội…” (số 109). Thực ra, đoạn viết về việc đào tạo chủng sinh đã kết luận với cùng một đòi hỏi như thế: “Phải cống hiến một nền đào tạo cao hơn cho những chủng sinh nào chứng tỏ có năng khiếu đặc biệt trong lãnh vực truyền thông” (số 111).
– Trong một đoạn đặc biệt (số 177), Communio et Progressio xin các dòng tu nhìn đến “rất nhiều nhiệm vụ cấp bách của Hội Thánh trong lĩnh vực truyền thông xã hội và suy nghĩ xem họ có thể làm gì để đáp ứng trong phạm vi hiến luật của họ.” Nơi nào các hội dòng có các hoạt động truyền thông riêng của mình, họ phải hợp tác với các sáng kiến tương tự của những người khác. Họ đặc biệt được yêu cầu “cập nhật với chương trình mục vụ chung” của những vị đặc trách truyền thông của Hội Thánh trong cơ cấu phẩm trật.
– Đối với các dòng tu chuyên lo hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, Huấn thị (số 126) nhắc nhở họ về sứ mạng do Đức Kitô uỷ thác là dạy dỗ muôn dân và làm ánh sáng của trần gian. Cũng như Đức Kitô, nhà truyền thông hoàn hảo, và các tông đồ đã sử dụng mọi phương tiện truyền thông hiện hữu vào thời của các ngài, thì “bây giờ cùng một thông điệp ấy cần phải được loan truyền bằng các phương tiện truyền thông hiện có hôm nay. Thật vậy, khó có thể nói rằng lệnh truyền của Đức Kitô đang được vâng theo nếu chúng ta không lợi dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông đương đại cống hiến để loan truyền Tin Mừng của Người cho biết bao con người ngày nay”. Từ lâu Thánh Arnold Janssen, sáng lập Tu hội Thừa sai Lời Chúa (SVD) đã nói lên những suy nghĩ tương tự nhân dịp khánh thành nhà in riêng của ngài năm 1876, khi ngài nói về việc in ấn mà cho đến thời ấy vẫn còn là phương tiện truyền thông ‘hiện đại’ duy nhất. Vào thời Chúa Giêsu, “chữ in chưa được biết đến, nhưng ngày nay thì ai cũng biết, và ma quỷ sử dụng nó vì những mục đích xấu. Vì vậy, những ai phục vụ Đức Kitô cũng phải sử dụng nó để làm điều tốt. Lời được in thành chữ có sức mạnh biết bao, vì máy in có thể nhân nó lên một ngàn lần chỉ trong một giờ…”. Ngài còn cảm thấy rằng “hiệu quả của một nhà in truyền giáo được minh chứng rõ ràng khi chúng ta biết rằng mọi tu hội truyền giáo đều phải cung cấp cho các tu sĩ của mình các sách giáo lý, sách kinh và các tài liệu in ấn khác để hoạt động hiệu quả tại các nước truyền giáo”. Vì vậy theo quan điểm của Thánh Janssen, phải có một nền đào tạo và hiểu biết thực tiễn thích hợp ngay khi còn ở quê nhà (Eilers/Helf, 1987, tr. 61t).
Các ĐGH Piô XII và Gioan XXIII cũng đã phát biểu cùng một mối quan tâm ấy trong các Thông điệp truyền giáo của các ngài. Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio của ngài về truyền giáo đã lặp lại một nhu cầu tương tự, đó là “truyền bá thông tin qua các ấn phẩm truyền giáo và các công cụ hỗ trợ nghe nhìn”. Bởi vì “các giáo hội trẻ vẫn chưa thể có các nhà in và các phương tiện khác của riêng họ, nên điều quan trọng là các tu hội truyền giáo phải dồn sức lực và nhân sự cho các công cuộc này” (số 83). Các ý tưởng trên được đưa ra sau lời tuyên bố khẩn thiết của Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi (1975) rằng “việc rao giảng đầu tiên, huấn giáo hay các việc đào sâu đức tin không thể nào thực hiện được nếu không có các phương tiện này” của truyền thông xã hội. Cùng với toàn thể Hội Thánh, các dòng tu, đặc biệt các dòng chuyên hoạt động truyền giáo, “sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không sử dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng của con người đang làm cho ngày càng hoàn thiện hơn. Chính nhờ chúng mà Hội Thánh từ trên các mái nhà loan truyền đi thông điệp mà Hội Thánh nắm giữ” (số 45).
– Các dòng tu đang điều hành các trường đại học hay các cơ sở giáo dục và hàn lâm khác cũng phải “hết sức chuyên chăm cổ võ việc học tập và nghiên cứu khoa học về truyền thông xã hội” (số 113). Họ phải dấn mình đặc biệt vào công cuộc nghiên cứu, đào tạo và hoạt động khoa học theo các yêu cầu của Communio et Progressio (các số 113,184,185) và Aetatis Novae (số 32).
– Sự chăm sóc mục vụ cho các chuyên gia truyền thông, theo đòi hỏi của C&P (các số 70-78) và Aetatis Novae (các số 19, 29, 33), phải được coi là một thách thức đối với các dòng tu. Hội Thánh có trách nhiệm “triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ có khả năng đáp ứng một cách chuyên biệt cho các điều kiện làm việc đặc thù và các thách đố luân lý mà các chuyên gia truyền thông phải đối diện…” (số 19).
– Tầm quan trọng của truyền thông đối với một cộng đoàn tu trì đã được diễn tả trong một đoạn đặc biệt dưới tiêu đề “Truyền thông để cùng nhau lớn lên” (các số 29-34) trong một văn kiện đề ngày 2-2-1994 của “Thánh Bộ các Tu hội Sống Đời Thánh Hiến và các Tu hội Sống Đời Tông Đồ” của Toà Thánh về “Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn”. Ở đây truyền thông được nhìn nhận là “một trong các yếu tố nhân văn đang ngày càng có tầm quan trọng lớn đối với đời sống của một cộng đoàn tu trì. Nhu cầu bức thiết phải cải thiện đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được kèm theo một nhu cầu truyền thông, vừa tràn đầy vừa sâu đậm hơn” (số 29). Truyền thông trong các dòng tu ở các mức độ khác nhau “tạo nên sự nhạy cảm sâu sắc hơn” và “làm cho các tu sĩ gắn bó với nhau hơn xung quanh sứ mạng chung của họ” (số 30). Các cuộc hội họp thường xuyên trong cộng đoàn tỏ ra rất hữu ích (số 31). Nhưng “thiếu truyền thông hay truyền thông kém thường làm suy yếu tình huynh đệ.” “Sự hiệp thông bắt nguồn từ chính việc chia sẻ các ân huệ của Thánh Thần…” và có “nhiều cách giúp cho các ân thiêng được chia sẻ và truyền thông…” (số 32). Đôi khi các “chuyên gia truyền thông” có thể giúp ích cho các cộng đoàn nhưng họ phải “ân cần lo lắng cho lợi ích của các anh chị em mình, bằng cách vun trồng một khả năng của Tin Mừng là đón nhận từ những người khác tất cả những gì mà họ muốn cống hiến và truyền thông” (số 33). Còn về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với các cộng đoàn, tài liệu này đề nghị các tu sĩ “học cách sử dụng chúng vì sự tăng trưởng của bản thân và cộng đoàn” nhưng cũng phải ý thức rằng “các phương tiện truyền thông thường đề nghị và nhiều khi áp đặt một não trạng và một mẫu sống thường xuyên tương phản với Tin Mừng”. Vì vậy cần có một sự huấn luyện chuyên sâu hơn về việc nhận và sử dụng các phương tiện truyền thông một cách vừa phê phán vừa có ích. “Cần có sự quân bình thích hợp: sử dụng các phương tiện truyền thông một cách điều độ và thận trọng, kèm theo sự phân định của cộng đoàn, có thể giúp cộng đoàn biết rõ hơn tính phức tạp của thế giới văn hoá, có ý thức trong việc đón nhận truyền thông và một con mắt biết phê phán, và sau cùng, biết đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với các hoạt động mục vụ khác nhau trong việc phục vụ Tin Mừng” (34).
4.3.4. Các tổ chức chuyên nghiệp
Vào cuối thập niên 20 của thế kỷ 20, một số nhóm chuyên gia Công giáo trong lĩnh vực truyền thông bắt đầu tổ chức thành các hiệp hội quốc tế những người Công giáo hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
Tiếp theo sau một cuộc triển lãm báo chí “Pressa” tại Cologne năm 1927, hội “Liên hiệp Báo chí Công giáo Quốc tế” (UCIP=Union Catholique Internationale de la Presse) ra đời ngày 15-12-1927 tại Mechelen (Bỉ), đặt trụ sở lúc đầu tại Paris, bây giờ tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Tổ chức quốc tế này có các liên đoàn khác nhau tùy theo các lĩnh vực chuyên môn. Các nhà báo Công giáo, các tuần báo Công giáo, các nhà xuất bản sách và các cơ quan thông tấn có các liên đoàn riêng của họ; những người hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu và giáo dục cũng thế. Hiệp hội này cũng được tổ chức dựa trên cơ sở địa lý tùy theo các châu lục và quốc gia. Một “Mạng Lưới các Nhà Báo Trẻ” ra đời năm 1987 và đã trẻ trung hoá sức năng động của tổ chức này. Các thành viên của ‘mạng lưới’ này là các nhà báo Công giáo từ 30 tuổi trở xuống. Các tờ tin tức của hội và các cuộc hội nghị tạo diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm và lên kế hoạch nghiệp vụ.
Ở cấp quốc gia và vùng, các sáng kiến tương tự nhằm tổ chức và hỗ trợ hoạt động chuyên nghiệp của ngành báo chí đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 17. Xuất phát từ mối quan tâm của linh mục dòng Tên Emeran Welser, tại Munich (xứ Bavaria, Đức) đã ra đời một tổ chức chuyên phân phát các tờ bướm tôn giáo cho các thợ thủ công và các nhân viên phục vụ. Năm 1844/45, “Hội của Thánh Carôlô Bôrômêô Truyền Bá Sách Báo Tốt” (“Verein vom hl. Karl Borromäus zur Verbreitung guter Bücher”) được sáng lập tại Đức. Tiếp theo tại Düsseldorf năm 1878 có “Hội của Thánh Augustinô Truyền bá Báo chí Công giáo” (“Augustinus Verein für die katholische Presse”). Các nhà sáng lập các hiệp hội này chủ yếu là các nhà xuất bản và tổng biên tập của các nhật báo. Mục đích của họ là: 1) lập các tờ báo Công giáo tại những nơi cần; 2) hợp tác giữa các nhà báo Công giáo; 3) cung cấp các nguồn thông tin chung; 4) bảo đảm hỗ trợ kinh tế cho các nhà báo túng thiếu; và 5) đào tạo các nhà báo Công giáo. Tại Hoa Kỳ, “Hiệp hội Báo chí Công giáo Hoa Kỳ” được lập năm 1911 và “Hiệp hội Thư viện Công giáo” năm 1921.
Một sự kiện khác nữa theo sau cuộc triển lãm “Pressa” tại Cologne là việc sáng lập “Cơ quan Phát thanh Công giáo Quốc tế” (Bureau Catholique Internationale de Radiophonie – I.K.R.) vào tháng 6-1928, cơ quan này đã tổ chức một Đại hội Phát thanh Công giáo Quốc tế lần thứ nhất tại Munich, từ 19-22/6/1929. Đại hội này được tổ chức liền ngay sau Đại hội Điện ảnh Công giáo Quốc tế lần thứ hai tại cùng thành phố này (từ 17 đến 20-6-1929). Đại hội này được tổ chức bởi “Office Catholique Internationale du Cinematographie” (“Văn phòng Điện ảnh Công giáo Quốc tế – OCIC), được lập vào kỳ đại hội lần thứ nhất trước đó một năm, vào tháng 4-1928 tại Hague, Hà Lan. Trụ sở của văn phòng về điện ảnh vào thời đó đặt tại Paris (Pháp), còn trụ sở của văn phòng về truyền thanh đặt tại Cologne (Đức). Về sau, tổ chức truyền thanh lấy tên là Unda, tiếng Latinh có nghĩa là ‘sóng’. Tổ chức về điện ảnh được đặt tên lại thành “Tổ chức Điện ảnh Công giáo Quốc tế” (“Organisation Catholique Inter-nationale du Cinéma”.
Từ thời kỳ đầu này, cả hai tổ chức đã có những quan hệ mật thiết, và cuối cùng đã sát nhập với nhau vào tháng 11-2001 trong một kỳ đại hội tại Roma để trở thành một tổ chức duy nhất với tên gọi mới là Signis. Tên gọi mới này là kết hợp của hai từ Latinh “signum” (dấu hiệu) và “ignis” (lửa). Trụ sở được đặt tại Brussels (Bỉ). Giống như hai tổ chức Unda và OCIC trước đây, Signis cũng được tổ chức hoàn toàn dựa trên cơ sở châu lục và quốc gia, như Signis Châu Á, Signis Châu Phi, Signis Đức, Signis Philíppin… Tuy nhiên còn có thêm Signis International gồm các tổ chức vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia hay châu lục, ví dụ như các dòng tu. Tại Châu Mỹ Latinh, Signis và UCIP đã có một văn phòng chung châu lục tại Quito, Ecuador, từ năm 1987.
Sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II cũng như Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio yêu cầu các văn phòng thuộc cơ cấu phẩm trật hãy “ân cần cộng tác với các nhóm Công giáo quốc tế đã được lập tại mỗi quốc gia”, các nhóm này phải được “Tòa Thánh công nhận một cách hợp pháp và chịu trách nhiệm trước Toà Thánh” (IM số 22). Các tổ chức trên đây nằm trong trường hợp này, và tên của các tổ chức ấy cũng được nhắc tới trong Communio et Progressio.
Theo Huấn thị Mục vụ này (số 179), các tổ chức ấy có các bổn phận sau:
– Cập nhật về nghiên cứu và phát triển trong lãnh vực truyền thông
– Cổ vũ sự tương trợ và hợp tác quốc tế
– Cập nhật thông tin về các hoạt động Công giáo trong lĩnh vực này
– Chuẩn bị việc phối hợp các chương trình và dự án
– Không ngừng tìm tư vấn về cách tốt nhất để giúp các nước đang phát triển
– Khuyến khích các hoạt động mới mẻ
– Sản xuất và phân phối phim ảnh, các chương trình thu sóng và mọi tư liệu gồm cả các tư liệu in ấn
– Làm hết sức mình để đẩy mạnh tiến bộ xã hội và cải thiện đời sống Công giáo
– Thực hiện và điều phối việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung của tổ chức mình.
Các bổn phận này của Communio et Progressio (1971) khi so sánh với các mục tiêu được đề ra cho tổ chức mới Signis (2001) sẽ cho thấy một số điểm rất đáng chú ý. Cương lĩnh của tổ chức Signis này liệt kê ra các mục tiêu sau đây (điều 3):
- “Phát huy một sự hiểu biết Kitô giáo về tầm quan trọng của truyền thông nhân văn trong mọi nền văn hoá.
- Dấn thân cho các hoạt động nhằm mục đích phát huy và cổ võ sự tham gia vào việc cải thiện môi trường truyền thông dựa trên các giá trị Kitô giáo.
- Cởi mở và phát huy sự hợp tác đại kết và liên tôn trong các hoạt động truyền thông.
- Cổ vũ các chính sách truyền thông tôn trọng các giá trị Kitô giáo, công lý và các quyền con người.
- Cổ vũ đối thoại với các chuyên gia truyền thông về các vấn đề luân lý, thiêng liêng và nghề nghiệp.
- Tham gia vào việc huấn luyện dư luận quần chúng dựa trên các giá trị đạo đức và thiêng liêng vững chắc.
- Hỗ trợ việc giáo dục các phương tiện truyền thông ở mọi cấp độ.
- Tham gia vào các diễn đàn quốc tế về truyền thông.
- Tạo thuận lợi cho sự tương trợ giữa các thành viên qua đối thoại và phát triển nghiệp vụ.
- Đại diện cho các tổ chức truyền thông Công giáo tại các tổ chức chính phủ hay phi chính phủ”.
Trong các mục tiêu này, các mối quan tâm mục vụ cũng phần nào được bao gồm nhưng không thực sự được nói rõ ra. Việc sử dụng truyền thanh, TV và Phim ảnh – từng là những nội dung cơ bản của các cơ quan bà con với tổ chức mới này – và các phương tiện truyền thông đương đại khác cho hoạt động mục vụ có vẻ như bị gạt ra ngoài, không được xét đến như một mối quan tâm đặc biệt. Vào thời của Unda/OCIC với danh nghĩa là các tổ chức chuyên nghiệp, có vẻ như người ta nhấn mạnh về các nhu cầu giáo hội và mục vụ nhiều hơn bây giờ.
Về việc tài trợ cho các dự án truyền thông, Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio nói các HĐGM và các hiệp hội chuyên nghiệp Công giáo “sẽ bảo đảm cho các tổ chức Công Giáo quốc tế các quỹ tài trợ cần thiết để làm công việc này” (số 180). Tuy nhiên, tiếc rằng Huấn thị không cắt nghĩa rõ hơn về các “hiệp hội chuyên nghiệp” này.
Kinh nghiệm thực tế trong những năm qua đã cho thấy không dễ làm việc dựa trên cơ sở của cơ cấu kép này là tổ chức phẩm trật và tổ chức chuyên nghiệp. Khi nhân sự chịu trách nhiệm chuyên môn trong cả hai cơ cấu là cùng một người, như khi người đứng đầu tổ chức báo chí cũng là người đặc trách báo chí của HĐGM, thì công việc tiến hành suôn sẻ. Nhưng ngược lại, khi người đặc trách báo chí trong cơ cấu phẩm trật và người đặc trách trong tổ chức chuyên môn là hai người khác nhau, thì những bất đồng ý kiến và căng thẳng có thể rất dễ xảy ra.
Ngoài hai tổ chức chuyên nghiệp chính thức của Công giáo, cũng còn có Hiệp hội Thế Giới về Truyền thông Kitô giáo (WACC=World Association for Christian Communication), là cơ quan chuyên nghiệp đại kết có trụ sở đặt tại Luân Đôn. Nguyên thuỷ phát xuất từ các tổ chức truyền thanh và văn học của Tin Lành, tổ chức WACC bao trùm mọi lãnh vực của ngành truyền thông xã hội. WACC cũng được tổ chức dựa trên cơ sở địa lý, ví dụ như WACC Châu Á, WACC Philíppin… Vì là một cơ quan đại kết, WACC cũng có nhiều thành viên là người Công giáo Rôma. Tờ báo Media Development (“Phát triển Truyền thông”) ra hằng quí với các số viết theo chủ đề, là một đóng góp cho việc suy tư và nghiên cứu nghiêm túc trong các lãnh vực khác nhau của truyền thông Kitô giáo.
4.3.5. Đào luyện Truyền thông[1]
Mọi việc đào luyện đều vượt lên trên các phương tiện kỹ thuật và phải quan tâm tới toàn thể lãnh vực truyền thông xã hội. Ngày nay chúng ta hiểu truyền thông xã hội thực sự là gì? Xem ra không nhiều người hiểu đầy đủ thuật ngữ này mặc dù họ sử dụng nó. Đây là thuật ngữ đã được sáng chế và đề nghị bởi uỷ ban chuẩn bị cho sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II về truyền thông xã hội. Đính kèm với bản dự thảo đầu tiên và cả bản dự thảo cuối cùng cho các nghị phụ thảo luận, có một cước chú nói rằng tất cả các thuật ngữ như ‘Phương tiện Đại chúng’, ‘Phương tiện Truyền bá’, “Phương tiện Nghe-Nhìn’, đều không đủ để diễn tả điều mà Hội Thánh quan tâm. Theo mục cước chú này, các phương tiện truyền thông phải truyền đi một nội dung tinh thần do những con người tạo ra và phải được chia sẻ với những người khác. Vì vậy, toàn thể tiến trình này có liên quan tới xã hội loài người. Nói cách khác, Hội Thánh quan tâm tới việc chia sẻ các thông điệp tinh thần với những con người như là những thành viên của xã hội. Vì vậy uỷ ban đã đề nghị sử dụng thuật ngữ ‘truyền thông xã hội’.
Theo một cách hiểu đơn sơ và rộng hơn, truyền thông xã hội có nghĩa là việc truyền thông trong và của xã hội loài người. Theo cách hiểu này, truyền thông xã hội không chỉ liên quan tới các phương tiện đại chúng như radio, TV hay phim ảnh. Truyền thông Xã hội phải quan tâm tới mọi cách thức và mọi phương tiện truyền thông trong xã hội loài người. Vì vậy, nó cũng bao gồm cả các phương tiện truyền thông truyền thống trong các cộng đồng như khiêu vũ, kịch nghệ, ca hát và cả việc truyền thông nhóm và giữa các cá nhân với nhau.
Thuật ngữ truyền thông xã hội đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn ở bên ngoài Hội Thánh và bây giờ thậm chí còn được sử dụng cả trong các giới hàn lâm ngoài Kitô giáo.
Suy nghĩ mới này của Vaticanô II có những hệ quả quan trọng cho việc huấn luyện linh mục, bởi vì vấn đề liên quan ở đây không còn chỉ là các phương tiện truyền thông đại chúng mà là toàn thể lãnh vực truyền thông của con người trong xã hội. Nó liên quan tới tất cả các cách truyền thông với con người và với các cộng đồng. Khi nói về truyền thông chung chung, chúng ta thường tự động nghĩ đến các phương tiện đại chúng hay truyền thông đại chúng. Vatican II coi đó là một cách hiểu hạn hẹp, đây có lẽ là lý do đã khiến ta thiếu ý thức về việc huấn luyện truyền thông thực sự trong các chủng viện hay các cơ sở đào tạo của Hội Thánh.
Ở đây cũng có một sự khác biệt quan trọng khi sử dụng hai từ huấn luyện và đào tạo, bởi vì đào tạo liên quan tới các kỹ năng và kỹ thuật, còn huấn luyện thì tác động trên con người toàn diện và các thái độ nội tâm cơ bản của họ. Cách nhìn này vượt lên trên một lối hiểu hạn hẹp về truyền thông.
Đây là lý do tại sao Dòng Tên trong Tổng Tu nghị (1995) của họ đã gọi truyền thông là một chiều kích tông đồ chính của mọi hoạt động tông đồ của họ chứ không phải chỉ là một khâu dành riêng cho một số chuyên gia. (Xem bản văn đầy đủ ở Phần I, 4.4).
Hiến Luật của Tu hội Thừa sai Lời Chúa (SVD) cũng cho thấy cùng một hướng này. Dựa trên Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971, số 11) mô tả truyền thông như là “sự hiến mình trong tình yêu”, Hiến Luật này nói:
“Truyền thông ở mức độ sâu xa nhất của nó là sự hiến mình trong tình yêu và vì thế là một thái độ cơ bản cần thiết đối với chúng ta là các Thừa sai Lời Chúa”.
Nếu truyền thông thực sự là ‘hiến mình trong tình yêu’, thì nó phải ở tâm điểm của mọi việc huấn luyện linh mục. Nó có nghĩa là một yếu tố thiết yếu trong đào luyện, bởi vì mọi thừa tác vụ linh mục rốt cuộc đều là hiến mình, phản chiếu sự ‘hạ mình đến cùng’ (kenosis) của Chúa Giêsu. Thật vậy, Huấn thị Communio et Progressio gắn liền thái độ này với thái độ của chính Đức Giêsu Kitô, Đấng tự mặc khải như là ‘Người Truyền Thông hoàn hảo’:
“Qua việc ‘nhập thể’, Người tự đồng hoá mình hoàn toàn với những người đón nhận sự truyền thông của Người và Người ban thông điệp của Người không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng tất cả nếp sống của Người. Người nói tự trong lòng mình, nghĩa là không chịu sự tác động của người khác. Người giảng thông điệp của Thiên Chúa mà không sợ hãi hay thoả hiệp. Người thích nghi với cách nói năng và suy nghĩ của dân chúng. Và Người nói lên tình trạng khó xử của thời đại họ”.
Một bối cảnh khác nữa cho cách hiểu này là sự kiện có một Thần học Truyền thông quan niệm về Ba Ngôi, Mặc Khải, Nhập Thể và việc sai phái Hội Thánh như là những việc truyền thông, dẫn đến câu nói của Dulles: Hội Thánh là truyền thông. Các cố gắng này coi truyền thông như một nguyên tắc thần học từ đó người ta nhìn và nghiên cứu toàn bộ thần học.
(Về chi tiết, xin xem mục Thần học Truyền thông ở trên)
Vậy tất cả điều này có nghĩa là gì cho việc đào luyện các linh mục (tương lai)? Chúng ta phải thấy rằng các linh mục phải là những người truyền thông ‘tuyệt vời’ nhưng không chỉ hiểu theo nghĩa là có các kỹ năng mà hơn nữa phải sống và phát huy các phẩm chất và thái độ truyền thông cơ bản của Thiên Chúa với chúng ta và cho chúng ta.
Hồng y Carlo Martini phân chia bài trình bày về truyền thông trong viễn tượng Kinh Thánh của ngài thành 3 chương dưới tiêu đề: Thấy, Nghe, và Làm. Muốn truyền thông một cách có ý nghĩa, ta phải thấy hiện tình của mình và người khác, đồng thời lắng nghe và chiêm ngưỡng ơn cứu chuộc của Thiên Chúa.
Người Mục Tử Tốt Lành
Linh mục được gọi đi theo và trở nên giống Chúa Giêsu – Người Mục Tử Tốt Lành. Lời của Người cho chúng ta những cái nhìn sâu sắc đầu tiên về loại truyền thông mà chúng ta phải có và phát triển: “Tôi là người mục tử tốt lành. Tôi biết các chiên tôi và các chiên tôi biết tôi, và tôi thí mạng sống mình vì đàn chiên…” (Ga 10,14). Mô tả này có những hệ quả quan trọng đối với khả năng và phẩm chất truyền thông của một linh mục!
- “Tôi biết các chiên tôi”
Chúng ta có thực sự biết các ‘chiên của mình’ không? Chúng ta có biết những người mà chúng ta phải chăm sóc, giảng dạy và đến với họ không? Chúng ta có biết các sự phấn đấu và các tham vọng của họ không? Chúng ta có biết thế giới họ sống – không chỉ các hoàn cảnh bên ngoài mà cả các khung tư tưởng và thế giới quan mà họ thường chịu ảnh hưởng mạnh và đôi khi bị quyết định bởi những gì họ thấy và nghe trên các phương tiện đại chúng không?
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quá quan trọng khiến cho đối với nhiều người, chúng trở thành những phương tiện chính để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và soi sáng các hành vi của họ trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội nói chung. Cách riêng, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị các phương tiện đại chúng chi phối…” (Redemptoris Missio, số 37c).
Về phương diện này, để biết các chiên của mình, linh mục cần phải có ít là một sự hiểu biết cơ bản về các hoạt động, các qui trình sản xuất của các Phương tiện Đại chúng, và ảnh hưởng của chúng đối với những người tiếp nhận. Ở đây, việc “giáo dục truyền thông” vẫn thường được cống hiến cho mỗi người có lẽ là không đủ. Các phương tiện truyền thông phải được xét một cách đặc biệt dưới góc cạnh ảnh hưởng và các nhu cầu mục vụ. Ảnh hưởng của chúng thường quyết định lối suy nghĩ của người ta và não trạng của họ. Các ‘show’ diễn hay các phim nhiều tập trên TV mà họ vừa xem có thể vẫn còn lởn vởn trong đầu óc họ khi họ bước chân vào nhà thờ và thường vẫn còn là đề tài cho các cuộc trò chuyện với những người khác và thậm chí còn là cách cư xử của họ. Linh mục cần phải ý thức về điều này và phải có khả năng đặt ‘thông điệp’ của mình vào trong não trạng này của dân và nhờ đó đưa sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta vào trong bối cảnh này.
Thánh tông đồ Phaolô từ xưa đã cho chúng ta một mẫu gương về việc biết các thính giả của mình khi ngài ngỏ lời với những người Hy Lạp tại nghị trường của họ (Hội đồng Arêôpagô) ở Athen bằng cách nói với họ về bàn thờ các vị thần vô danh mà ngài trông thấy trong thành phố của họ (Cv 17,22tt).
Thánh Augustinô cho chúng ta một số quy tắc cơ bản về truyền thông trong quyển De catechezandis rudibus của ngài. Ngài khuyên thầy phó tế Deogratias có một thái độ nội tâm tích cực khi truyền thông với các sinh viên của mình (số 4) hay mời thính giả của mình ngồi xuống ghế để họ cảm thấy thoải mái hơn khi nghe mình nói (số 18).
Thánh Grêgôriô Cả trong quyển “Qui tắc Mục vụ” (591), sách này cùng với sách Kinh Thánh được đặt lên đầu mỗi tân giám mục trong lúc tấn phong, đã khuyên như sau: “Bài giảng của người giảng thuyết phải thích ứng với tính tình của người nghe, để hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân…”. Ngài liệt kê ra khoảng 40 loại thính giả và cho một lời khuyên về cách giảng cho từng loại người, như người giàu và người nghèo, người vui và người buồn, nô lệ và chủ nhân, người khôn và người ngu, người thô lỗ và người nhút nhát, người nóng nảy và người kiên nhẫn, người trầm lặng và người ba hoa, người hiền và người nóng, người khiêm tốn và người kiêu căng…
Đó là những thách thức đối với người linh mục khi noi gương Người Mục tử Tốt lành biết các chiên của mình và không muốn bắt chước những người mục tử của Israel như được mô tả trong sách ngôn sứ Êdêkien (Chương 34). Họ chỉ “chăm sóc bản thân họ, chứ không chăm sóc đàn chiên (2); họ không tăng sức cho người mỏi mệt hay chữa lành người yếu đau, hay băng bó cho người bị thương”. Họ không “đưa con chiên lạc về hay đi tìm con chiên bị mất”; họ cai quản chúng “cộc cằn và thô bạo” (4). “Đàn chiên tản mát trên khắp mặt đất mà chẳng có ai đi kiếm chúng về” (6).
- “Và chiên tôi biết tôi”
Tương tự như trên, câu nói này là một thách thức đối với việc đào luyện truyền thông của các linh mục. Có nghĩa là mục tử, linh mục phải cho dân có thể trông thấy mình, phải ở gần dân. Họ phải biết mình, cũng như mình phải biết họ. Muốn vậy cần phải tỏ ra trong sáng và đáng tin; có nghĩa là linh mục phải sống và hành động thế nào để dân có thể đoán trước được.
Vào Ngày Đầu Năm 2002, một nhóm giáo dân đứng đợi dự thánh lễ lúc 8 giờ sáng tại giáo xứ Manila, nhưng đợi mãi mà không thấy linh mục xuất hiện. Cuối cùng, giáo dân được thông báo linh mục đã dời giờ lễ tới 9 giờ 45 mà không thông báo trước. Vị linh mục này là một linh mục trẻ và mới. Hành xử kiểu này, linh mục ấy không những làm đổ vỡ truyền thông mà còn làm xói mòn lòng tin cậy. Làm sao tôi có thể tin cậy một người không rõ ràng, người mà tôi thực sự không biết và cứ thay đổi quyết định xoành xoạch?
Truyền thông dở cũng xảy ra rất thường xuyên giữa chính các linh mục với nhau cũng như trong các cộng đoàn linh mục. Năm 1994, “Thánh Bộ các Tu hội Sống Đời Thánh Hiến và các Tu hội Sống Đời Tông Đồ” của Toà Thánh đã ra văn kiện Congregavit nos in unum Christi amor (“Tình yêu Đức Kitô đã quy tụ chúng ta nên một”), trong đó cũng có nói về truyền thông và sự cởi mở với nhau trong đời sống cộng đoàn.
Truyền thông được nhìn nhận là “một trong các yếu tố nhân văn đang ngày càng có tầm quan trọng lớn đối với đời sống của một cộng đoàn tu trì. Nhu cầu bức thiết phải cải thiện đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được kèm theo một nhu cầu truyền thông, vừa tràn đầy vừa sâu đậm hơn” (số 29).
Sự truyền thông này “tạo nên sự nhạy cảm sâu sắc hơn” và “làm cho các tu sĩ gắn bó với nhau hơn xung quanh sứ mạng chung của họ” (số 30). “Thiếu truyền thông hay truyền thông yếu thường làm suy yếu tình huynh đệ”. “Sự hiệp thông bắt nguồn từ chính việc chia sẻ các ân huệ của Thánh Thần…” và có “nhiều cách giúp cho các ân thiêng được chia sẻ và truyền thông…” (số 32).
Có thể nói giống như thế không những về các cộng đoàn linh mục mà cả đối với mọi giáo xứ, là nơi mà giáo dân phải biết và quan hệ với linh mục mà họ phải gần gũi, có thể đến bất cứ lúc nào và là người cởi mở trước các nhu cầu và mong đợi của họ.
- “Tôi thí mạng sống vì chiên tôi”
Truyền thông bằng lời nói và việc làm mà thôi không đủ. Biết con chiên và ‘con chiên’ biết ‘chủ chăn’ cũng không đủ. Truyền thông cần phải có sự hiến mình hoàn toàn. Điều cốt yếu là nó không chỉ bắt nguồn từ việc học biết và áp dụng các kỹ thuật. truyền thông đích thực phải bắt nguồn từ một sự dấn mình hoàn toàn cho tới mức hiến mạng sống mình vì người khác. Sau cùng, đầy chính là sống hành vi “trút bỏ mình” hoàn toàn (kenosis) của Chúa Giêsu (Pl 2,5tt).
Theo cách nói của truyền thông, nó có nghĩa là linh mục phải dễ đến gần, phải luôn luôn ở tư thế sẵn sàng phục vụ. Không giống các mục tử của Israel, linh mục là người ‘trực ca’ và tất cả mối quan tâm và cuộc sống của họ được hướng tới việc phục vụ truyền thông và chia sẻ với dân.
Có thể xây dựng cả một linh đạo linh mục dựa trên cơ sở của thái độ sẵn sàng phục vụ. Linh đạo này đòi hỏi người linh mục không được (quá) quan tâm đến bản thân mình, mà phải luôn luôn sẵn sàng phục vụ. Khả năng truyền thông cởi mở, như là một thái độ, có những thách thức đặc biệt đối với việc đào luyện chủng viện bởi vì thái độ cởi mở này không chỉ là một năng khiếu, kỹ xảo và kỹ thuật, mà là một thái độ bên trong, được phát triển như một phần nhân cách của một người. Một linh mục mà không thể giải quyết các vấn đề cá nhân của mình trong thời kỳ đào luyện thì luôn luôn có nguy cơ cần quá nhiều thời giờ và sức lực để lo cho bản thân mình, thay vì rảnh rang để lo cho người khác.
Một số điều kiện cho việc đào luyện truyền thông
Dưới đây là một ít yếu tố phải được coi là thiết yếu cho việc đào luyện truyền thông trong sứ vụ linh mục:
- Thinh lặng và Linh đạo
Mọi việc truyền thông Kitô giáo đều bắt đầu bằng sự thinh lặng. TGM Carlo Martini (1990, số 30) liệt kê nó như là tiêu chuẩn đầu tiên trong các tiêu chuẩn về sự truyền thông của Thiên Chúa. Sự truyền thông của Thiên Chúa được chuẩn bị trong thinh lặng và trong nơi bí ẩn của Thiên Chúa. Nó là một “mặc khải về mầu nhiệm được giấu kín tự ngàn xưa” (Rm 16:25). Nó là một mầu nhiệm “đã được giấu kín tự ngàn xưa nơi Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi sự” (Ep 3,9). Vì các quan tâm mục vụ của ngài đối với Tổng Giáo phận Milan, TGM Martini nói:
“Mọi việc truyền thông đều phát sinh trong thinh lặng; nhưng không phải cái thinh lặng trống trải u buồn, mà là cái thinh lặng thấm nhuần sự chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân Người. Chúng ta cần phải xét mình lại về thời gian chúng ta dành cho thinh lặng, dù là trong đời sống thường ngày, trong phụng vụ, hay trong các kỳ tĩnh tâm chính chúng ta tham dự hay tổ chức cho cộng đoàn mình… Một điều quan trọng nữa là, bắt đầu với sự thinh lặng của Đức Maria đón nhận lời của thiên sứ với lòng ngạc nhiên và kính sợ, chúng ta phải tự hỏi mình rằng chúng ta có biết nhìn thực tại, các biến cố, cuộc sống, và mầu nhiệm Thiên Chúa với con mắt ngạc nhiên hay không…” (số 58).
Truyền thông Kitô giáo nói chung, nhưng đặc biệt người linh mục truyền thông cần phải có một ‘con tim biết lắng nghe’ (x. 1 V 3:0) trong tâm tình cởi mở đối với Thiên Chúa và người khác. Giống như Ađam trong bức danh hoạ về tạo dựng của Michelangelo tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, hoàn toàn mở rộng để đón nhận sự sống từ tay Thiên Chúa, người linh mục truyền thông cũng cần một linh đạo của sự mở rộng hoàn toàn.
Mẫu Truyền thông Kitô giáo
Trong một khoá giảng dạy của tôi tại Đại học Thánh Tôma ở Manila, chúng tôi đã triển khai một ‘Mẫu Truyền thông Kitô giáo’. Dựa trên Thánh Augustinô, mẫu truyền thông này đặt thông điệp Kitô giáo vào vị trí trung tâm, và người đưa tin chỉ là một công cụ để phục vụ thông điệp. Trong các mẫu truyền thông bình thường theo hàng dọc với Người Gửi-Thông Điệp-Người Nhận, Người Gửi giữ vị trí trung tâm và hầu hết việc tìm kiếm được dành trực tiếp hay gián tiếp cho Người Gửi. Trong mẫu Kitô giáo mới, chính Thiên Chúa cùng với thông điệp của Người giữ vị trí trung tâm. Có nghĩa là người đưa tin càng biết lắng nghe và đồng hoá mình với thông điệp, họ càng phản ánh và truyền thông nó nhiều hơn.
Trong một bức tranh do Martin Knoller vẽ năm 1722 trong nhà thờ tu viện Muri-Gries ở Bolzano, Bắc Ý, một tia sáng chảy từ miệng Đức Kitô xuống tay Thánh Augustinô để phi bác những người lạc giáo. Có thể coi đây như là hình ảnh minh hoạ ‘Mẫu Truyền thông Kitô giáo’, đặc biệt cũng là vì tia sáng đi thẳng tới tay và bút của Thánh Augustinô, vị thánh quan thầy của nhà thờ này. Theo cách bố cục của bức tranh, Đức Kitô là Lời đứng ở vị trí trung tâm và Thánh Augustinô người truyền thông chỉ là sứ giả mà thông qua đó Lời Đức Kitô đến với những người nhận. Thực ra tia sáng rơi đúng vào cây bút lông chim trong tay Thánh Augustinô. Ngài, tay ngài và cây bút chỉ là những dụng cụ để phục vụ Đức Kitô là chính thông điệp!
Trong cuộc đời Đức Kitô, Chúa Cha là trung tâm; vì vậy việc truyền thông của linh mục cũng phải bắt đầu với Chúa Cha trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính đời cầu nguyện của linh mục là nguồn mạch từ đó mọi việc truyền thông tuôn chảy. Việc truyền thông của Thiên Chúa xuất phát trong thinh lặng, suy niệm và cầu nguyện, và linh mục là người đầu tiên đi theo con đường này.
Một linh mục không có thời giờ cho đời sống thiêng liêng và kinh nguyện cá nhân thì chẳng khác gì cái cây không lá, cái bàn không thức ăn, người lính không vũ khí. Chỉ có sự thinh lặng sâu thẳm và lắng nghe trong kinh nguyện mới có thể đem lại cái nền thiêng liêng cần thiết cho sứ vụ truyền thông của linh mục.
Liên kết với thinh lặng và kinh nguyện cũng có việc phục vụ của linh hướng. Linh hướng là và phải là sự truyền thông sâu xa giữa hai người đồng hành đến với Chúa. Trong các chủng viện của chúng ta, linh hướng thường có vẻ là một bổn phận phải làm và dễ bị mắc kẹt về phương diện hoạt động. Đây không phải là truyền thông thực sự, mà là một việc tuân giữ các luật lệ mà hiếm khi có tác động thực sự. Linh hướng đích thực là một thách đố đặc biệt đối với sự cởi mở truyền thông của chủng sinh cũng như của vị linh hướng, chính linh hướng là người trước tiên và trước hết cần có một ‘con tim biết lắng nghe’ và đời sống sâu xa với Chúa.
- Đối diện với thực tại
Đức Giêsu truyền thông qua việc gặp gỡ con người trong thực tế đời sống của họ. Cũng vậy, người truyền thông/linh mục cần phải mở ra với các thực tại của chính mình và của người khác. Rất thường xuyên các linh mục và chủng sinh có vẻ khó chấp nhận thực tại của mình. Các kinh nghiệm đau thương và thậm chí tội lỗi thường bị che giấu để có thể được thụ phong hay để giữ được một ‘hình ảnh’ tốt đẹp. Bí tích Hòa Giải bị biến chất thành một việc chỉ đơn thuần nghe tội mà không có một sự xử lý nào.
Các điều tiêu cực bị mắc kẹt như thế thường cản trở người linh mục trở thành một người truyền thông cởi mở. Tất cả những gì bị đè nén trong thời kỳ đào luyện dễ xuất hiện trở lại sau khi thụ phong và gây sức ép trên năng lượng cảm xúc và tâm lý, làm cản trở việc truyền thông với những người được trao phó cho chúng ta chăm sóc. Johannes Bours, Linh hướng một thời gian dài tại một chủng viện ở Đức, đã liệt kê những dấu hiệu khủng hoảng sau đây trong đời sống linh mục:
* Trốn chạy: rượu, chia trí thái quá, ‘giải trí’
* Nói huyên thuyên
* Thiếu khả năng giữ thinh lặng
* Hiếu hoạt thái quá
* Nhu cầu khẳng định mình quá cao
* Thường xuyên phê bình, có cái nhìn tiêu cực
* Khó ngủ
* ‘Bất thường’ về tính dục
* Khó giao tiếp… cô lập, sợ hãi
* Khả năng hành động bị tê liệt
* Gắn chặt vào một số mối quan hệ (xem Eilers, 1999, tr. 132)
Tất cả những dấu hiệu này là bằng chứng của một sự truyền thông bị méo mó. Phát triển và nâng đỡ sự truyền thông chân chính trong đời sống linh mục và thừa tác vụ có nghĩa trước hết là đối diện với thực tại cuộc đời của chính chúng ta, nhưng cũng có nghĩa là ý thức về các thực tại của những người sống xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, rõ ràng một thái độ như thế bắt đầu với thực tại của chính chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng chúng ta đối diện vào những lúc thinh lặng trong kinh nguyện hằng ngày của chúng ta.
- Dạy một Thần học ‘truyền thông’
Nếu chúng ta theo Avery Dulles nhìn mọi lãnh vực của thần học như là những cách diễn tả sự truyền thông của Thiên Chúa (xem ở trên, Phần I, 1 Thần học Truyền thông), việc giảng dạy thần học của chúng ta cũng phải mang chiều kích này. Nó phải bắt đầu với thực tại của đời sống và bao gồm thực tại này, sự truyền thông giữa con người với nhau cũng như thực tại của nền văn hoá truyền thông đại chúng của chúng ta. Nếu truyền thông đại chúng phản ánh thực tại xã hội, và nếu theo Gerbner, chúng là những dấu chỉ xã hội, nghĩa là những dấu chỉ về tình trạng và tình hình của xã hội chúng ta, thì chúng cũng có thể dạy chúng ta điều gì đó về tình hình của những người sống quanh chúng ta và thế giới của họ.
Vì vậy chúng ta phải học biết đánh giá một cách có phê phán ‘văn hoá mới’ này (RM 37c) của truyền thông, và điều này đòi hỏi các linh mục và chủng sinh phải có ít là một nền giáo dục cơ bản về các phương tiện đại chúng và truyền thông. Đồng thời họ cũng phải học biết sử dụng các phương tiện này một cách đầy sáng tạo. Do đó chúng ta phải phát hiện và phát triển các tài năng có thể phát sinh từ việc lắng nghe sâu xa (xem số 1) thông điệp Kitô giáo và có khả năng ‘sử dụng’ cả một chuỗi đa dạng các phương tiện hiện đại, gồm cả Internet, vì lợi ích của dân chúng. Chúng ta cần có các linh mục và chủng sinh theo mẫu truyền thông Kitô giáo để họ mở rộng lòng ra với thông điệp và nhờ đó trở thành những sứ giả đương đại cho Lời của Thiên Chúa.
- Chứng tá đời sống
Sau cùng, chính chứng tá đời sống của chúng ta là cái truyền thông nhiều nhất cho dân chúng. Một giám mục xây một dinh thự trị giá nhiều triệu đôla giữa khu dân cư nghèo đói bần cùng sẽ là một phản chứng tá cho đức tin chúng ta.
Không phải vô lý khi Đức Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nhấn mạnh ít là ba lần về nhu cầu làm chứng tá. Trong danh sách các phương tiện Rao giảng Tin Mừng, ngài đặt chứng tá lên số một. (Xem thêm chi tiết ở Phần I, 3.1).
Hội Thánh là một tổ chức công cộng và vì thế không thể tránh khỏi bị để ý hay phê phán. Với mọi linh mục cũng thế. Họ là một nhân vật công cộng. Họ không thể tránh khỏi người ta nhìn và phê phán và từ đó phát sinh các thái độ mà có thể được kích thích bởi chính linh mục. Nếu linh mục cởi mở và giỏi giao tiếp, thì những người sống quanh họ cũng sẽ tỏ ra một thái độ giống như thế. Nếu linh mục là một người truyền thông đích thực, những người sống quanh họ cũng sẽ truyền thông với họ.
Đây chỉ là một số hậu quả cần phải xét đến cho việc đào luyện truyền thông trong thừa tác vụ linh mục. Một sự đào luyện như thế phải là toàn diện và đồng thời đặt nền vững chắc trên linh đạo sâu xa của cá nhân và cộng đồng. Sự đào luyện này cố gắng nhìn và xử lý các thực tại cá nhân và cộng đồng, và phát huy một sự sáng tạo có thể được diễn tả qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông đương đại, là những cái ngày càng ảnh hưởng mạnh đối với xã hội.
4.3.6. Ngày Thế giới Truyền thông
Qua văn kiện về Truyền thông Xã hội Inter Mirifica (số 18), Công đồng Vatican II đã thiết lập ‘Ngày Thế giới Truyền thông’. Trong văn kiện này, các Nghị Phụ Công Đồng nói: “Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức của Hội Thánh được hiệu quả hơn trong lĩnh vực truyền thông xã hội, mỗi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ trong lĩnh vực này. Phải xin họ cầu nguyện cho sự thành công của hoạt động tông đồ của Hội Thánh trong lĩnh vực này và đóng góp cho mục đích này, các đóng góp của họ phải được sử dụng một cách nghiêm túc để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các dự án mà Hội Thánh đã khởi xướng vì nhu cầu của toàn thể Hội Thánh.” Ngày Truyền Thông Xã Hội lần đầu tiên được cử hành vào ngày 6-5-1968 và kể từ đó nó đã trở thành một sự kiện thường kỳ. Mỗi năm, Toà Thánh đưa ra một chủ đề và Đức Giáo Hoàng công bố một thông điệp đặc biệt cho dịp này, thường được đề ngày 24-1, lễ Thánh Phanxicô Salê, bổn mạng của các nhà báo Công giáo. Hội đồng Giáo hoàng (về Truyền thông) hỗ trợ cho thông điệp này của Giáo hoàng bằng các bản văn phụng vụ, các bài suy tư và các lời cầu nguyện cho dịp này. Ngày được toàn thế giới công nhận là ngày Chúa Nhật giữa lễ Lên Trời và lễ Hiện Xuống, nhưng mỗi HĐGM hay thậm chí mỗi giáo phận cũng có thể tuỳ nghi chọn ngày riêng cho mình.
Ngày Thế giới Truyền thông là một dịp đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ: Nó cống hiến cơ hội cho các tín hữu hiểu biết về tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong sứ mạng và trong hoạt động của Hội Thánh, và kêu gọi họ cầu nguyện cũng như nâng đỡ bằng tinh thần và tài chính cho việc tông đồ truyền thông. Nó cống hiến cho Hội Thánh một cơ hội để đánh giá cao và cảm ơn các chuyên gia truyền thông vì việc phục vụ của họ cho cộng đồng. Tại một số nơi, giám mục hay cá nhân các linh mục mời các người truyền thông đến để cám ơn họ và cùng nhau mừng lễ. Những nơi khác sử dụng dịp này để tung ra các dự án mới hay mời gọi dân chúng đóng góp các ý tưởng và gợi ý các đề xuất về truyền thông. Tại một số quốc gia, người ta làm và phân phát các áp phích tuyên truyền; người ta cũng mở các cuộc triển lãm để làm nổi bật mối quan tâm của chủ đề năm ấy. Các cuộc hội thảo và các khoá đào tạo đặc biệt cũng có thể được tổ chức để sử dụng dịp này vào việc đào tạo hay phát hiện các tài năng cho công việc truyền thông của Hội Thánh trong một giáo phận hay một quốc gia.
Trong thông điệp cho năm 1992 (Chủ đề: “Rao giảng thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông”), ĐGH Gioan Phaolô II đã mô tả mục đích của ngày này như sau: “Vào ngày này, chúng ta cử hành lễ mừng những phúc lành của khả năng nói, nghe và nhìn, giúp chúng ta ra khỏi tình trạng cô độc và cô đơn để trao đổi với những người sống xung quanh chúng ta các tư tưởng và tình cảm phát sinh trong lòng mình. Chúng ta mừng hồng ân viết và đọc, chúng truyền lại cho chúng ta sự khôn ngoan của tiền nhân, để rồi các kinh nghiệm và suy tư của chính chúng ta lại được lưu truyền cho các thế hệ sau. Rồi, nếu chúng ta ít để ý đến những điều kỳ diệu này, thì chúng ta cũng phải nhìn nhận những điều kỳ diệu còn lạ lùng hơn nữa: ‘những điều kỳ diệu của kỹ thuật mà Thiên Chúa đã định cho thiên tài của loài người khám phá ra’ (IM, số 1), những phát minh đã tăng lên vô số trong thời đại chúng ta và đã khuếch đại tiếng nói của chúng ta khiến cho cùng một lúc nó có thể lọt vào tai của những đám đông không thể nào đếm nổi. Các phương tiện truyền thông – chúng ta không loại trừ một phương tiện nào trong lễ mừng này – là tấm vé vào cửa của mọi người, nam cũng như nữ, để đi vào thị trường đương đại nơi các tư tưởng được nói lên một cách công khai, nơi các ý tưởng được trao đổi, các tin tức được lưu chuyển, và thông tin đủ loại được phát đi và tiếp nhận (x. Redemptoris Missio, số 37). Chúng ta ngợi khen Cha trên Trời vì tất cả những hồng ân này, vì ‘mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo’ (Gc 1,17) đều đến từ Người”.
Các chủ đề và các thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông kể từ năm 1968 đã tạo thành một kho tàng phong phú về các suy nghĩ và các mối quan tâm của Hội Thánh đối với truyền thông xã hội. Một số chủ đề có tác động đặc biệt đối với hoạt động truyền thông mục vụ, như khi chúng liên quan đến gia đình (1969, 1979, 1980, 1991, 1994, 2004), trẻ em (1979) và giới trẻ (1979, 1985), phụ nữ (1996), và người già (1982), cổ võ công lý và hoà bình (1983, 1987, 1988, 2003), và hoà giải (1975); máy tính và Internet (1990, 2002), và rao giảng Tin Mừng (1974, 1992, 2002).
V. CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ
Bên cạnh những yếu tố cơ bản của việc truyền thông nhân văn vốn là thiết yếu cho mọi hoạt động truyền thông mục vụ như một cuộc gặp gỡ giữa hai hay nhiều cá nhân, cũng phải xét đến các phương tiện kỹ thuật khác nhau, trong đó có các phương tiện đại chúng. Chúng bao gồm từ các phương tiện truyền thông truyền thống cho tới các công nghệ truyền thông mới nhất. Ta có thể sử dụng các phương tiện thích hợp tuỳ theo các nhu cầu khác nhau của công việc mục vụ và cơ cấu của Hội Thánh. Chẳng hạn trong số các phương tiện truyền thống, khiêu vũ và kịch nghệ, âm nhạc và các sáng tạo nghệ thuật phải được xét đến, cũng như việc chia sẻ cá nhân có thể được dùng trong việc linh hướng và tư vấn.
5.1. Truyền thông giữa người với người và các phương tiện ‘truyền thống’
Phương tiện truyền thông trước hết và trên hết trong việc mục vụ là quan hệ người với người: người ta tìm kiếm nhau và trao đổi cho nhau mọi nhu cầu và tình cảm. Sự truyền thông này chỉ bao gồm những con người và khả năng chia sẻ với nhau. Ngay cả trong thời đại truyền thông đại chúng hay đa phương tiện ngày nay, lối truyền thông này vẫn là cơ bản và hiệu quả nhất.
Vì vậy mọi việc truyền thông mục vụ đều bắt đầu với sự truyền thông giữa người với người. Ở đây tính cách của người truyền thông mục vụ đóng một vai trò chính trong cách thức họ tự trình bày về mình và được nhận ra như một con người. Josef Goldbrunner, một nhà tâm lý học và giáo sư thần học mục vụ, đã viết ngay từ năm 1971 một chương về truyền thông mục vụ trong một cuốn sách về “Chăm sóc mục vụ – một đề tài bị quên lãng” (tr. 62-78), trong đó ông bàn về những mong đợi của giáo dân và công việc của linh mục. Ông liệt kê 5 tiêu chuẩn, khía cạnh hay mức độ để một người truyền thông trong việc mục vụ. Goldbrunner triển khai bản liệt kê này bởi vì, theo ông, một tiến trình truyền thông trong hoạt động mục vụ tạo ra một mối quan hệ đặc biệt giữa hai con người tham gia vào việc truyền thông này. Bản liệt kê này không chỉ nói đến nội dung và các kỹ thuật, nhưng chú trọng nhiều hơn về các thái độ nội tâm mà người linh mục phải để ý đến. Trong tư cách một con người, họ ảnh hưởng và tác động như thế nào đối với những người mà họ truyền thông với? Trong tiến trình này, Goldbrunner thấy có các khía cạnh sau đây:
- Thái độ cảm xúc: người ta phản ứng trước thái độ cảm xúc của một linh mục. Nếu linh mục này thân thiện, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ, người ta sẽ có cùng một thái độ ưa hay ghét như thế. Vì vậy trong truyền thông người với người, điều quan trọng là phải biết thái độ của chính mình và ấn tượng mình tạo ra nơi người ta. Người ta thấy chúng ta như thế nào và chúng ta khơi dậy những cảm xúc gì nơi họ? Chúng ta cũng phải để ý đến các cảm xúc đang phát triển nơi mình trong khi tiếp xúc với người khác và tìm kiếm những khả năng để tạo ra một ‘môi trường cảm xúc’ cho một đức tin sống động nơi người ta.
- Thái độ trí tuệ liên quan đến các khả năng trí tuệ và các ứng dụng của nó đối với người mục tử và những người được giao phó cho mình. Tuy nhiên một mình trí tuệ không khơi dậy đức tin mà chỉ có thể là một con đường dẫn tới sự tin tưởng.
- Thái độ nguyên mẫu trong tâm lý học của C.G. Jung là một mối quan hệ vô thức giữa người mục tử và những người truyền thông với họ. Những người này có thể tìm kiếm các mẫu người chủ chốt trong cuộc đời họ và dọi phóng các mẫu này vào người mục tử để đạt được sự truyền thông mục vụ. Ví dụ, cha và mẹ có thể được dọi phóng trong tiến trình, nhưng một linh mục với một số tính cách nào đó cũng có thể được dọi phóng như một mẫu người cơ bản trong tiến trình truyền thông mục vụ. Đây chính là điều quyết định những mong đợi của người nhận. Bởi vì linh mục nói điều này hay điều kia, nên người nhận có thể nâng nó lên một mức mà người ấy không còn có thể đạt đến được: ‘Tôi không bao giờ có thể đạt đến điều này’ hay ‘chỉ ông ấy mới làm được, còn trong thực tế đời sống của tôi thì không thể’. Các phản ứng như thế rất dễ cản trở một sự truyền thông trọn vẹn. Người ta thấy tôi thế nào và thấy tôi là ai, đó là một câu hỏi cơ bản cho mọi người truyền thông mục vụ, những câu hỏi liên quan với câu hỏi trên cũng quan trọng như thế: Tôi thấy những người sống quanh tôi như thế nào? Các nguyên mẫu như cha và mẹ, vua và đầy tớ, anh em và chị em, bệnh tật, sống và chết, bạn và thù, chiến tranh và hòa bình là những nguyên mẫu có trong Sách Thánh và lời rao giảng của chúng ta. Chúng ta truyền thông các nguyên mẫu ấy như thế nào?
- Khía cạnh hiện sinh chỉ về một quan hệ sâu xa đang tồn tại hay đang phát triển giữa người truyền thông mục vụ và người đối ứng. Giống như mẹ và con là một thật sâu xa trong dạ mẹ, hành động và phản ứng là một, thì mối quan hệ giữa người với người trong tiến trình truyền thông mục vụ cũng phải giống như một cái ‘chúng ta’ duy nhất trong kinh nghiệm đức tin. Điều này không thể chỉ là một tình cảm đơn thuần mà phải là một kinh nghiệm hiện sinh. Tính chất duy nhất này là cơ sở để phát triển tình liên đới và tình bạn thâm sâu, cũng như khả năng đồng hành với nhau qua các hoàn cảnh khó khăn hay thậm chí qua các hoàn cảnh ‘tội lỗi’. Phương thức hiện sinh này mở toang cánh cửa cho một sự truyền thông hỗ tương có chiều sâu, trong đó tính duy nhất được tạo ra và cánh cửa đi vào tận thâm tâm con người được mở rộng. Đây có thể là trường hợp của việc linh hướng hay các tình huống mục vụ tương tự. Nó đòi người truyền thông mục vụ một thái độ khiêm tốn sâu xa để coi mình là một dụng cụ phục vụ khiêm tốn giống như Đức Kitô (x. Pl 2,5-11). Một kinh nghiệm hiện sinh như thế trong tiến trình truyền thông mục vụ giúp tạo ra nơi người nhận ba điều sau đây: 1) Nó làm cho họ có thể có một quyết định đức tin, và 2) nó nuôi dưỡng tình liên đới chân chính trong kinh nghiệm đức tin này, từ đó dẫn tới 3) hiệp thông và cộng đoàn. Trong phương thức này, người truyền thông mục vụ tạo ra một “môi trường thâm sâu để sống đức tin và cử hành phụng vụ” (tr. 76).
- Khía cạnh Thần Khí hay thiêng liêng chỉ về Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho người truyền thông mục vụ trở thành một công cụ của Người. Cuối cùng chính tình yêu thâm sâu của Ba Ngôi là nguồn mạch mọi sự truyền thông mục vụ. Càng đặt mình dưới ảnh hưởng này của Thần Khí Thiên Chúa, người truyền thông mục vụ càng làm cho thực tại thiêng liêng trở nên hiện hữu và rực rỡ. Không chỉ có người truyền thông mục vụ, mà cả những người tiếp nhận cũng trải nghiệm một cảm giác thanh thản nội tâm do chính Thần Khí thực sự tác động. Khía cạnh Thần Khí này phải thấm nhuần mọi bình diện và mọi mối quan hệ khác và tác động từ bên trong.
Cả 5 tiêu chuẩn này của Goldbrunner cho linh mục và người truyền thông mục vụ cũng phải được mong đợi một cách nào đó nơi chính những người tiếp nhận. Cần có rất nhiều sự hiểu biết về các thái độ hỗ tương giữa người truyền thông mục vụ và người được truyền thông. Ví dụ như các thái độ cảm xúc của ‘người nhận’ như xấu hổ, bối rối, mặc cảm tự ti, các ức chế, các kinh nghiệm thương đau chưa được giải quyết trong quá khứ và cả các khác biệt văn hoá cũng phải được nhận ra và được tìm hiểu phần nào trong việc tư vấn liên văn hoá. Tất cả tuỳ thuộc vào thái độ cởi mở và sẵn sàng ‘học’ và nâng đỡ lẫn nhau.
Ở đây cũng có thể xét đến một sự hiểu biết sâu hơn về tình bạn. Quan hệ giữa người truyền thông mục vụ và người đối ứng có thể giống như tình bạn thiêng mà Aelred ở Rievaulx (1109-1167) đã mô tả qua những lời này: “Hạnh phúc biết bao, an toàn biết bao, vui vẻ biết bao khi có một ai đó mà bạn dám nói chuyện với tư cách bằng vai giống như nói với bản thân mình; một ai đó mà bạn không phải sợ khi thú nhận những lỗi lầm của mình; một ai đó mà bạn không phải đỏ mặt khi nói ra những tiến bộ bạn đã làm được trong đời sống thiêng liêng; một ai đó mà bạn có thể thổ lộ những bí mật của lòng bạn và có thể phô bày ra trước người ấy mọi dự tính của bạn! Còn gì vui thích hơn là kết hợp tinh thần với một người khác…” (x. Eilers, 1999, tr. 166).
Vì vậy, làm kế hoạch và phát triển các khả năng tiếp xúc cá nhân với những người cần đến chúng ta là một việc quan trọng. Điều này có nghĩa là vượt qua tâm trạng riêng của người truyền thông để nhìn và vươn ra tới những người cần được giúp đỡ mục vụ. Một người truyền thông mục vụ giỏi phát hiện được những người cần giúp đỡ, biết lắng nghe họ và có khả năng đi vào tận tâm hồn của người khác bằng sự am hiểu, cảm thông và sẵn sàng đồng hành với họ và giúp đỡ họ phát triển về mục vụ và thiêng liêng.
Liên quan tới loại truyền thông này cũng còn có khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống tồn tại trong mọi nền văn hoá như kể truyện, ca múa, kịch nghệ, và cũng ý thức được những dòng truyền thông trong cơ cấu xã hội như giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò. Một người truyền thông giỏi biết cách vươn ra hay tương quan với những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau và thậm chí các nền văn hoá khác nhau.
Thêm vào với phương thức này còn có việc truyền thông với hơn một người, diễn ra trong các nhóm chia sẻ và thảo luận. Ở đây sự tiếp xúc cá nhân vẫn là trọng điểm: mọi người có thể thấy và nghe mọi người và tất cả cùng chia sẻ qua lời nói và đôi khi cũng sử dụng các phương tiện truyền thông không bằng lời. Việc dạy dỗ mục vụ và chia sẻ đức tin diễn ra theo cách này và thậm chí ở một bình diện cao hơn nữa, vẫn có thể sử dụng các phương tiện truyền thông ‘truyền thống’ như thể hiện các tình huống bằng diễn xuất và ca múa, âm nhạc. Tất cả những hình thức này đã tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại song song với mọi tiến bộ kỹ thuật và nhiều khi vẫn còn là hình thức truyền thông mục vụ hiệu quả nhất.
Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), ĐGH Phaolô VI nhắc nhở các người rao giảng Tin Mừng “đừng quên hình thức rao giảng người-cho-người này, nhờ đó lương tâm thâm sâu của một cá nhân được chạm tới bởi một thế giới hoàn toàn độc đáo mà họ nhận được từ một người khác…” Chính Chúa đã sử dụng các cách thức truyền thông như thế, ví dụ như với ông Nicôđêmô, ông Dakêu, người phụ nữ Samaria, và ông Simon người Biệt phái (EN, số 46).
Chỉ khi có một sự truyền thông mục vụ người với người như thế làm nền tảng chung, thì cuối cùng các kỹ thuật hiện đại mới có thể hiệu quả.
Truyền thông xã hội trong bối cảnh mục vụ không dừng lại ở một hay hai người mà thôi. Mọi bối cảnh mục vụ đều mang tính cộng đoàn và các cộng đoàn chia sẻ các kinh nghiệm để tăng cường tính gắn bó với nhau nhờ việc truyền thông ở các bình diện khác nhau: họ cung cấp thông tin, suy tư, thảo luận, lập kế hoạch và quyết định với nhau về các công việc, các mối quan tâm, các mong đợi và sứ mạng của họ. Tất cả việc này xảy ra nhờ truyền thông nhóm, và tất cả các qui luật và kinh nghiệm về truyền thông nhóm nói chung đều phải được áp dụng một cách đặc biệt cho truyền thông mục vụ (về truyền thông nhóm nói chung và chi tiết, xem Eilers, 2002, tr. 195-211). Trên thực tế, sự phát triển đặc biệt về các phương tiện truyền thông nhóm trong tình hình Châu Mỹ Latinh vào những năm 1970 bắt nguồn từ những quan tâm mục vụ và những nhu cầu đặc biệt vào thời ấy nhằm tạo một đối trọng chống lại các thế lực kinh tế chính trị của các tập đoàn Truyền thông Đại chúng.
Thuật ngữ ‘Truyền thông Nhóm’ chỉ về sự truyền thông của một nhóm ít người mà ở đó mọi người có thể nhìn thấy, hành động và phản ứng trực tiếp với bất cứ ai xung quanh. Các việc chia sẻ Kinh Thánh, chia sẻ đời sống thiêng liêng, thần học và kinh nghiệm trong các nhóm như các ‘Cộng đoàn Kitô giáo Cơ bản’, là những sinh hoạt như thế. Loại truyền thông này không bó buộc phải dùng đến bất cứ phương tiện kỹ thuật nào, chỉ cần có sự hiện diện của những con người.
Tuy nhiên, khi ứng dụng Truyền thông Nhóm vào mục vụ, cần phải biết rằng các quy luật về năng động tập thể cũng đóng một vai trò trong các bối cảnh ấy. Nhóm có một lãnh đạo năng động và đoàn sủng để giúp mọi người khác hoà hợp hay mỗi người trong nhóm đều bình đẳng và vì thế tập hợp của những người tham dự có năng động riêng của mình? Hay trong nhóm có mấy người đặc biệt bằng cách này hay cách khác giữ vai trò lãnh đạo? Ai tổ chức các cuộc chia sẻ và các đề tài chia sẻ được quyết định như thế nào? Thời gian và địa điểm có đều đặn không? Thức ăn thức uống và các việc sắp đặt khác thế nào? Ai triệu tập các cuộc gặp gỡ và thông báo cho người tham dự, thậm chí tìm kiếm thêm các tham dự viên mới? Có ghi lại biên bản không hay các cuộc họp được tổ chức ít nhiều tự do và chỉ dựa vào ngẫu hứng để chuyển từ phiên này sang phiên khác?
Các Nhóm Nhỏ Kitô giáo, các Cộng đoàn Kitô giáo Cơ bản hay Cộng đoàn Hội thánh Cơ bản đều thuộc loại truyền thông nhóm như thế. Thông thường các nhóm này có liên hệ cách này hay cách khác với ‘gia đình’ rộng lớn hơn của một giáo xứ, một tu hội hay một cộng đoàn.
Bất luận trong trường hợp nào, các yếu tố cơ bản của Truyền thông Nhóm cũng phải được áp dụng và suy xét. Trong nhiều trường hợp, các nhóm như thế luôn tỏ ra là một yếu tố năng động trong việc chăm sóc mục vụ. Với các ứng dụng truyền thông thích hợp, chúng phải trở nên hiệu quả và khích lệ hơn nữa. Các phương pháp học hỏi Kinh Thánh như phương pháp AsIPa* do FABC đã triển khai là những phương thức hiệu quả đã được kiểm nghiệm cho Truyền thông Nhóm, và các sách viết về chúng rất hữu ích trong tiến trình này (xem www.fabc.org dưới mục FABC office of Laity).
Hơn nữa, Truyền thông Nhóm trong mục vụ cũng đặc biệt cần phải xét đến các truyền thống văn hoá và nhất là các cách thức truyền thông giữa những người thuộc các nền văn hoá khác nhau.
Truyền thông Đại chúng thời nay cống hiến cho truyền thông mục vụ thêm nhiều khả năng ở ngoài việc tiếp xúc cá nhân và việc sử dụng các phương tiện của truyền thống. Bằng việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất và phân phối, chúng ta có thể đến được với nhiều người hơn ở những nơi xa hơn, với tất cả các hệ luỵ của nó. Trong truyền thông mục vụ, chúng ta cần phải biết sử dụng chúng một cách đúng đắn nhưng cũng phải biết xử lý chúng với óc phê phán giống như khi nói về Giáo dục Truyền thông. Các Phương tiện Đại chúng không phải là những cây đũa thần bảo đảm thành công chắc chắn. Chúng chỉ là những phương tiện cần dùng và phải dùng một cách đúng đắn.
Vào những thời kỳ đầu của Hội Thánh, viết và sao chép các bản thảo là một hoạt động chính quy, đặc biệt trong các tu viện. Không chỉ có các triết gia xưa và sách Kinh Thánh, mà cả các tác phẩm thần học cũng được biên soạn và sao chép lại để lưu giữ. Chúng cũng bao gồm các suy tư thiêng liêng và mục vụ như các tác phẩm chú giải Kinh Thánh của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh lớn, các tiến sĩ Hội Thánh hay các suy tư mang tính mục vụ như tác phẩm Quy luật Mục vụ của Đức Grêgôriô Cả.
Kể từ buổi đầu của Hội Thánh, viết và sách là những thành phần của truyền thống và văn hoá của Hội Thánh. Công việc này đã phát triển mạnh với phát minh máy in của Johannes Gutenberg. Bây giờ sách có thể được sản xuất và phát hành một cách dễ dàng hơn, với cùng phiên bản và số lượng nhiều hơn (x. Eilers 2002, tr. 66tt). Hoạt động xuất bản này cũng góp phần một cách đặc biệt vào việc chăm sóc mục vụ cho dân chúng, cũng như nó nâng đỡ đời sống trong cộng đoàn tu sĩ.
Ngày nay với tất cả các khả năng kỹ thuật để in sách và tạp chí, cũng như Internet, có rất nhiều khả năng được cống hiến cho truyền thông mục vụ để làm phương tiện sử dụng hay được áp dụng để nâng đỡ các nhu cầu mục vụ. Trước hết là các ấn phẩm của Hội Thánh hay trong Hội Thánh. Các tạp chí bên ngoài Hội Thánh cũng có thể hữu ích.
Xuất bản sách báo trong Hội Thánh
Sách và thư viện
Khi nghĩ đến các nhu cầu mục vụ, người ta nghĩ ngay đến sách. Chúng cần để giảng dạy, như trong huấn giáo, nhưng cũng cần để đào sâu đức tin, linh đạo và hiểu biết thần học.
Làm cho sách dễ dàng đến được với những người có nhu cầu là một việc phục vụ có giá trị đặc biệt. Các hiệu sách Công giáo rất có ích, nhưng một giáo xứ cũng có thể là một điểm bán sách. Giáo xứ có thể phát triển một thư viện riêng, tại đó những người quan tâm có thể dễ dàng mượn miễn phí hay rất rẻ các sách hay các tư liệu nghe nhìn để sử dụng theo sở thích riêng hay cho công việc, nhưng cũng để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, đào sâu đức tin và hiểu biết thần học. Tại một số quốc gia, thậm chí cũng có các tổ chức của Hội Thánh được thiết lập đặc biệt vì mục đích này. Tại Đức, tổ chức “Borromaeusverein” giúp thiết lập và trông coi các thư viện giáo xứ như thế, và cũng đào tạo các nhân sự để lo về các sách chuyên môn.
Các tạp chí và các ấn phẩm khác
Các ấn phẩm thường kỳ trong Hội Thánh (tạp chí định kỳ) có thể giúp việc truyền thông mục vụ nhiều hơn. Với Tờ tin Giáo xứ (“Parish Bulletin”), cha xứ và các cộng sự viên của ngài có một công cụ to lớn để đến được với các giáo dân và giúp họ thêm phong phú. Tờ tin giáo xứ có nhiều mức độ và loại khác nhau tùy theo các nhu cầu và sự sáng tạo, nhưng cũng tùy theo khả năng tài chính của các giáo xứ. Sau đây là một số điểm cần phân biệt và xem xét có thể giúp ích cho các công cuộc như thế.
Về mục đích và tổ chức, một Tờ tin giáo xứ có thể là:
- Một lá thư đơn giản của cha xứ gửi cho giáo dân.
- Một tờ thông tin về các giờ Thánh Lễ và các sinh hoạt khác trong giáo xứ.
- Tất cả những điều trên, nhưng còn thêm một ít tin tức về các sinh hoạt giáo xứ, các tổ chức khác nhau và các chương trình của chúng…
- Một ấn phẩm với những thông tin cơ bản về giáo xứ nhưng cũng còn có các câu truyện, các bài suy niệm, các suy tư thần học và cả các tin tức của Hội Thánh từ giáo phận, trong nước và trên thế giới, gồm cả các sáng kiến đại kết, các dự án và các sự kiện.
Khái niệm về biên tập và tổ chức của tờ tin giáo xứ có thể khác nhau rất nhiều, từ ‘công việc đơn độc’ của một mình cha xứ, cho tới một đội ngũ biên tập với một chủ biên (giáo dân), hoạ sĩ thiết kế, các phụ tá và các cộng tác viên.
Thành phần độc giả nhắm tới cơ bản là giáo dân trong một giáo xứ, nhưng cũng có thể có sự cộng tác giữa các giáo xứ lân cận hay thậm chí các Giáo hội Kitô khác dựa trên cơ sở đại kết.
Kỳ phát hành tờ tin có thể là hằng tuần, hai lần một tháng, hằng tháng hay lâu hơn nhưng vẫn phải giữ một mức ra đều đặn.
Có thể phân phối trong nhà thờ khi nó chỉ nhắm dành cho những người đi nhà thờ mà thôi. Nhưng cũng có thể phân phát cho mọi gia đình trong giáo xứ hay cả ngoài giáo xứ, cho bất cứ hộ nào trong lãnh thổ giáo xứ.
Tờ tin có thể cho không, hay cũng có thể bán với giá tượng trưng. Thường việc duy trì tờ báo là nhờ các ân nhân, các người hảo tâm, các nhà tài trợ hay một hình thức ‘quảng cáo’ từ các doanh nghiệp trong giáo xứ.
Nội dung của một tờ tin đầy đủ có thể bao gồm nhiều thứ như tin tức, các bản tường thuật, bài xã luận, các bài thần học, phỏng vấn, truyện ngắn, truyện cười, kinh nguyện và suy niệm, đối thoại và thư độc giả, góc thiếu nhi…
Tại một số nước, có các ấn phẩm chuyên môn với những tư liệu dọn sẵn để dùng cho các tờ tin giáo xứ hay các loại tương tự. Chúng cung cấp những bản văn và hình ảnh có thể được sử dụng tự do. “Image” là một trong số các nguyệt san lâu đời nhất thuộc loại này được xuất bản từ 1970 tại Đức (Bergmoser & Hoeller Verlag, Aachen, Đức).
Ngoài các tờ tin ở cấp giáo xứ, cũng có các Tuần san Công giáo cho việc chăm sóc mục vụ và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tín hữu. Chúng có thể là các ấn phẩm chính thức của giáo phận nhưng cũng có thể do tư nhân xuất bản ở ngoài ranh giới một giáo phận hay một vùng và có thể ở cấp quốc gia. Đây là các ấn phẩm chuyên đề có nội dung là cung cấp thông tin nhưng cũng để đào sâu đức tin và đưa ra những suy tư về tình hình chính trị-xã hội và văn hoá của một nước, vùng hay thế giới. Các ấn phẩm này dành nhiều chỗ cho các tin tức tôn giáo, các suy tư thần học, các bài suy niệm và cả các hình ảnh và tranh minh hoạ giúp độc giả đào sâu và quí chuộng đức tin và mối quan hệ với Chúa. Các nhu cầu kỹ thuật và biên tập của loại này cũng giống như mọi tạp chí khác thuộc loại này, nhưng các quan tâm mục vụ đòi hỏi những người biên tập phải có một chiều sâu về đời sống thiêng liêng và đức tin.
Ngoài các tuần san như thế với thông tin và nội dung thiêng liêng, cũng có các tạp chí chuyên môn có thể giúp ích cho việc truyền thông mục vụ. Các tạp chí này đề cập chuyên môn về phụng vụ, linh đạo, đời sống Kinh Thánh, huấn giáo và các hoạt động khác của Hội Thánh, để giúp chính các người hoạt động mục vụ hay cá nhân các tín hữu muốn đào sâu và nuôi dưỡng đời sống tôn giáo của họ…
Một cách khác nữa để giới thiệu giáo xứ, nhà thờ hay cộng đồng là dùng các biểu đồ và các minh họa sinh động trên một bảng thông báo hay một tủ kiếng. Các bảng này có thể giới thiệu địa điểm, nhà thờ hay cộng đoàn với bối cảnh lịch sử nhưng cũng có đủ thông tin về giáo dân và những khách đến thăm… Các bảng thông báo này cũng có thể phản ánh các sinh hoạt của giáo xứ và thông báo các chương trình và cách tham dự.
Các phương tiện khác để truyền thông mục vụ trong một giáo xứ hay cộng đoàn có thể là các tấm áp phích, cờ, nhãn dán, biểu tượng, và áo thun (T-shirts).
Các cơ quan thông tin
Người ta luôn luôn thích nghe tin tức, và điều này cũng có liên quan tới truyền thông mục vụ. Các tin tức về đời sống Hội Thánh và các sự kiện xảy ra trong các tổ chức cũng như những gì liên quan tới mối quan tâm chung giúp người ta giữ được sự chú ý và cũng giúp xây dựng con người họ trong đời sống cá nhân và vì lợi ích chung. Vì vậy cần phải có một sự lưu thông tin tức về Hội Thánh ở các cấp từ giáo xứ đến giáo phận và Hội đồng Giám mục. Việc này có thể thực hiện qua các hệ thống xuất bản hiện có nhưng cũng có thể thông qua các cơ quan thông tin chuyên môn.
Tại một số nước và châu lục, có các cơ quan thông tấn Công Giáo chuyên nghiệp thuộc cấp quốc gia hay châu lục như “Cơ Quan Thông Tấn Công Giáo” (CNS) ở Mỹ, “Liên hiệp Thông tấn Công giáo” (UCA News) ở Châu Á, “Thông tấn Tôn giáo Nam Á” (SAR), ở Nam Á, đặc biệt ở Ấn Độ. Nhưng ở cấp thấp hơn, việc truyền thông cũng sẽ rất thuận lợi nếu dân chúng được cung cấp thông tin và được tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng chung. Đôi khi chỉ cần một trạm thông tin đơn sơ cũng đủ, nhưng các khả năng mới của Internet với một website hay các điều kiện thông tin khác cũng có thể mang lại rất nhiều lợi ích.
Một việc quan trọng đối với HĐGM là thu thập thông tin về các hoạt động và kinh nghiệm tại các giáo phận khác nhau để truyền đi một cách thích hợp và đều đặn. Dân chúng có quyền biết về các việc như có một tân giám mục, các kế hoạch và kinh nghiệm của các giáo phận và các tổ chức khác của Hội Thánh tại đất nước họ, đặc biệt tại các nước có nhiều giáo phận. Các cơ quan thông tin chính quy làm lợi cho Hội Thánh cũng như các ấn phẩm thế tục qua đó các tin tức có thể được phổ biến rộng rãi hơn. Những người biết thông tin là những người hạnh phúc vì họ cảm thấy mình là thành phần của Hội Thánh và/hay của tổ chức của họ. Để có thể tham gia vào việc thâu thập và viết tin tức, người truyền thông mục vụ phải thông thạo các yếu tố cơ bản của tin tức: ai, khi nào, ở đâu, cái gì, tại sao và thế nào? (x. Eilers 2002, 102tt).
Vấn đề phân phối, tài chính và biên tập
Việc phân phối các tạp chí của Hội Thánh có thể thực hiện thông qua các giáo xứ trước hay sau các giờ phụng vụ. Nhưng cũng có thể nhờ các lễ sinh hay các thành viên khác của các hội đoàn trong giáo xứ phụ giúp công việc này. Tuỳ theo loại ấn phẩm, có thể gửi qua đường bưu điện hay các dịch vụ chuyên môn.
Vấn đề tài chính có thể thực hiện qua việc bán trực tiếp, đăng ký hay tài trợ. Quảng cáo cũng có thể giúp trang trải các chi phí.
Tuỳ theo loại ấn phẩm, công việc biên tập có thể được làm bởi những người chuyên nghiệp hay tình nguyện. Một nhóm giáo dân quan tâm hay là các nhà báo đã nghỉ hưu mà muốn phục vụ cộng đoàn cũng có thể giúp rất nhiều trong việc biên tập các tờ tin giáo xứ. Các tờ báo lớn hơn, đặc biệt các tuần san, phải có các nhà báo chuyên nghiệp lo việc biên tập, trong khi các cha xứ và các người hoạt động mục vụ có thể giúp trong vai trò cố vấn. Để có hiệu quả mục vụ, các tạp chí của Hội Thánh phải có nội dung và cách trình bày sinh động bao có thể. Cách trình bày bắt mắt, các hình ảnh giàu màu sắc và các cách sắp xếp nội dung thích hợp với độc giả sẽ giúp tạo một sợi dây gắn bó giữa độc giả với các biên tập viên. Các ấn phẩm của Hội Thánh phải phục vụ nhu cầu mục vụ của dân chúng.
Các sách báo đời
Ngoài các loại báo được xuất bản để sử dụng trong nội bộ Hội Thánh, cũng có thể giới thiệu và cống hiến các nội dung mục vụ cho các loại báo không chính thức liên quan tới Hội Thánh. Các tờ báo đời cũng thường sẵn sàng và thích đưa các tin tức và các câu truyện liên quan đến Hội Thánh, cũng như các thông tin về các việc phục vụ của Hội Thánh cho công chúng. Đôi khi cả các suy tư thần học cũng được hoan nghênh nếu có liên quan tới đời sống hằng ngày và hợp với tính chất của tờ báo và độc giả của nó.
Về phương diện này, các người đại diện của Hội Thánh không những phải được đào tạo chuyên môn mà còn phải có một thái độ tích cực đối với ‘thị trường’ truyền thông, các chuyên gia của thị trường này và các nhu cầu mục vụ của dân chúng. Có thể suy nghĩ về các phương thức sau đây:
* Hội Thánh phải phát triển các mối tiếp xúc thường xuyên với các tờ báo đời và các phóng viên của chúng. Việc chăm sóc mục vụ của Hội Thánh cho các nhà báo làm việc cho các tờ báo thế tục là một bổn phận mục vụ đặc biệt. Aetatis Novae yêu cầu Hội Thánh “triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ đáp ứng đặc biệt các điều kiện làm việc đặc thù và các thách thức đạo đức mà các chuyên gia truyền thông phải đối diện” (số 19).
* Các tin tức về Hội Thánh có liên quan tới công chúng phải được tạo điều kiện dễ dàng và thích hợp bằng cách đưa ra một bối cảnh để cả những người ngoài Hội Thánh cũng có thể hiểu được. Bằng cách này, các nhà báo và độc giả có thể hiểu biết tốt hơn và tích cực hơn về đời sống và lập trường của Hội Thánh đối với các vấn đề mà công chúng quan tâm. Thực vậy, Communio et Progressio đã yêu cầu phải có “một sự lưu hành hai chiều về các tin tức và thông tin. Một mặt, việc này nhằm trình bày một hình ảnh thực về Hội Thánh sao cho mọi người có thể thấy được, nhưng mặt khác sự trao đổi hai chiều này cũng bộc lộ cho giới chức giáo quyền biết những động lực, trào lưu và ý tưởng đang kích động thế giới loài người. Rõ ràng việc này đòi hỏi phải vun trồng các mối quan hệ thân thiện dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa Hội Thánh, những con người và những nhóm người. Bằng cách này các cuộc trao đổi có thể được thực hiện dễ dàng, trong đó mỗi bên đều vừa cho vừa nhận” (C&P, số 175).
* Hội Thánh phải cung cấp thông tin và bối cảnh của các vấn đề mà các nhà báo và công chúng quan tâm. Việc này bao gồm thái độ sẵn sàng để bình luận và thảo luận xa hơn, như Communio et Progressio nói rõ khi yêu cầu phải có “đối thoại hiệu quả trong Hội Thánh và với thế giới bên ngoài”. Vì vậy, “các bản tin chính thức là không thể thiếu. Chúng sẽ phổ biến các tin liên quan một cách nhanh chóng bao có thể. Bằng cách này, công chúng sẽ nhận được thông tin đúng lúc. Đương nhiên phải dùng mọi phương tiện để làm cho các mục tin như thế “tuyệt đối chính xác và nhờ đó tránh phải đính chính sau này… những công cụ hiện đại nhất sẽ được sử dụng để truyền đi các ý nghĩa chính xác một cách đáng tin cậy nhất” (số 176).
* Có thể cung cấp các bài viết có sẵn nếu là những bài viết hay, và cũng có thể đưa các hình minh hoạ.
* Vai trò và bổn phận của các phát ngôn viên hay đặc trách báo chí như Communio et Progressio cổ vũ (số 174) phải được xem xét nghiêm túc. “Các người phát ngôn này sẽ cung cấp đầy đủ và không chậm trễ các thông tin về đời sống và hoạt động của Hội Thánh trong lĩnh vực mà họ chịu trách nhiệm. Mỗi giáo phận và các tổ chức Công giáo lớn rất nên có người phát ngôn thường xuyên của mình với các bổn phận đã kể trên”.
Tất cả các cố gắng và sáng kiến này phải lưu ý đến loại độc giả của mỗi tờ báo. Các độc giả và phóng viên của tờ “Times” của Luân Đôn có những mong đợi và nhu cầu khác với các độc giả và phóng viên của tờ “Daily Telegraph” hay tờ “Sun”. Cũng phải xét đến bối cảnh sự cạnh tranh giữa tờ báo này với tờ báo khác ở đâu và về điểm gì. Các quan hệ báo chí tốt thường dựa trên các quan hệ cá nhân tốt với các chủ biên của mỗi tờ báo.
Về các sách báo, điều quan trọng là phải phát huy ngay từ bé sự ham thích đọc sách báo và khả năng đọc với óc phê bình. Nếu các trẻ em yêu thích đọc sách báo và đọc thực sự khi còn bé, thì lớn lên chúng cũng làm như vậy. Về mặt này, Hội Thánh có rất nhiều cơ hội để thể hiện mối quan tâm mục vụ của mình. Các sách thiếu nhi tốt là rất quí. Cả huấn giáo cũng có nhiều cơ hội ở đây. HĐGM Đức đã lập một giải thưởng hằng năm cho các sách thiếu nhi được trao cho những sách thiếu nhi hay nhất được xuất bản tại các nước nói tiếng Đức.
Giáo dục việc đọc sách có phê phán là một biện pháp tốt để uốn nắn lòng ham thích sách báo của giới trẻ chống lại bạo lực và khiêu dâm.
5.5. Phát sóng: Truyền thanh và Truyền hình
Các điều kiện mục vụ của Hội Thánh trong việc phát sóng được quyết định trước hết bởi hệ thống pháp luật tại mỗi nước (x. Eilers 2002, tr. 130tt). Trong một hệ thống mà việc phát sóng hoàn toàn do Nhà nước làm chủ, các hoạt động phát sóng của Hội Thánh hoàn toàn tuỳ thuộc phép của Nhà nước. Trong các hệ thống tổ chức công cộng, tôn giáo và đặc biệt các Giáo Hội thường được coi là thành phần của đời sống công cộng và vì thế cũng được đại diện trong hệ thống công cộng. Trong một hệ thống tư nhân, Hội Thánh cũng có thể cố gắng để là một thành phần của thị trường ‘thương mại’ bằng cách mua thời lượng phát sóng, sản xuất các chương trình riêng của mình, hay thậm chí có các trạm phát sóng riêng. Không dễ để quyết định xem sở hữu một trạm phát sóng riêng hay hợp tác với các hệ thống có sẵn đàng nào có lợi hơn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta vẫn chưa khai thác đúng mức khả năng bán hay chia sẻ các sản phẩm tốt cho các đài hiện có. Điều hành và sở hữu một trạm phát sóng riêng cần phải có những khả năng về chuyên môn và quản lý, mà những điều này thì Hội Thánh thường không có. Các khó khăn tài chính trong việc bảo trì hằng ngày và tiếp tục nâng cấp càng làm cho vấn đề thêm phức tạp hơn. Ngoài ra, một trạm do Hội Thánh làm chủ thường dễ tạo sự cạnh tranh với các trạm phát khác, mặc dù nhờ cạnh tranh mà chúng ta có thể đạt được một vị trí và ảnh hưởng. Đối với việc truyền thông mục vụ, cả hai phương thức này đều có thể ích lợi bởi vì quan tâm chính ở đây là dùng mọi phương tiện có thể có để thực sự tiếp cận được những người có nhu cầu và làm thế nào để sử dụng các phương tiện truyền thông một cách tối ưu nhằm phục vụ các nhu cầu mục vụ của dân chúng.
Dù sự tham dự của Hội Thánh bằng phát sóng truyền thanh hay truyền hình, chất lượng chương trình tốt và chuyên nghiệp luôn là yếu tố quyết định. Chất lượng chương trình được định đoạt tuỳ theo phương tiện truyền thông mà ta dùng và phải được điều chỉnh theo phương tiện này. Radio là phương tiện mang tính cá nhân hơn, khía cạnh này ảnh hưởng tới việc định dạng chương trình. Các chương trình rađiô chủ yếu là hướng tới các cá nhân và vì vậy các chương trình này có giá trị chăm sóc mục vụ nhiều hơn cho các cá nhân. Chẳng hạn, nó có thể cống hiến các chương trình suy niệm hay tư vấn cá nhân một cách dễ dàng hơn. Về phương diện kỹ thuật và chi phí, rađiô cũng thường dễ tiếp cận về thời gian và nơi chốn hơn là TV.
TV thì nhắm mục đích giải trí nhiều hơn và được xem trong khung cảnh gia đình hay với bạn bè. Vì thế TV có thể ít thuận lợi hơn cho các bài giảng và suy niệm, nhưng thích hợp hơn cho việc cung cấp thông tin và cả các chương trình giải trí. Nó có thể trình bày các tin tức và các bài tường thuật dài về một cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng tới một quốc gia, hay các sinh hoạt khác của Hội Thánh. Các truyện truyền hình hay cả các ‘tiểu thuyết truyền hình’ (‘telenovelas’) có thể trình bày và củng cố các giá trị Kitô giáo và nếp sống Kitô giáo.
Giống như mọi hình thức truyền thông, phát sóng cũng cần sự tiếp xúc với các khán thính giả. Thông thường sự tiếp xúc này không thể phát triển mà chỉ nhờ một chương trình riêng lẻ. Các ‘sêri’ chương trình radio và TV phát đều đặn thường hiệu quả hơn bởi vì chúng thiết lập được mối quan hệ và một bản sắc nhất định. Việc phát đều đặn các lễ nghi tôn giáo như Thánh Lễ từ cùng một nơi với cùng vị chủ tế giúp cho người nghe hay người xem cảm thấy đó là giáo xứ ‘của mình’, và nhờ đó có ảnh hưởng mục vụ lớn hơn.
Về việc phát sóng nói chung, J. Harold Ellens (1974) đã giới thiệu bốn mẫu điển hình được thực hiện bởi các tổ chức phát sóng Kitô giáo nổi tiếng:
- Mẫu bục giảng với kiểu giảng bình dân như các chương trình của Fulton Sheen. Với mẫu này, tiếng tăm nhân cách của người giảng có tầm quan trọng đặc biệt.
- Mẫu ấn tượng, theo đó thông điệp được trình bày một cách ấn tượng hơn, như các chương trình của Billy Graham hay các nhà giảng đạo Giáo Hội Điện Tử.
- Mẫu sư phạm, theo mẫu này các chương trình tôn giáo mang tính chất giáo dục nhiều hơn.
- Mẫu men, theo đó thông điệp Kitô giáo được trình bày như một sự ‘mời mọc’ của men, như được làm trong một số chương trình TV tại chỗ và cả một số truyện truyền hình hay biểu diễn truyền hình.
Ngoại trừ mẫu thứ 2, tất cả các mẫu kia đều được thúc đẩy bởi các mối quan tâm mục vụ đặc biệt là phục vụ các nhu cầu mục vụ của dân chúng.
Mọi hình thức truyền thông mục vụ bằng các phương tiện truyền thông và đặc biệt bằng việc phát sóng đều phải ý thức về bối cảnh hoạt động của các chương trình ấy. Bối cảnh này có thể hỗ trợ nhưng cũng có thể dễ làm tổn hại tới các chương trình và các mối quan tâm mục vụ. Everett Parker đã liệt kê bốn huyền thoại được khêu gợi bởi các phương tiện đại chúng và đặc biệt của các chương trình phát sóng:
- Lịch sử là tiến bộ, chúng ta đang ngày càng trở nên tốt hơn.
- Hạnh phúc là mục đích chính của cuộc đời.
- Con người tự bản chất là tốt.
- Suy cho cùng, vật chất là tất cả.
Truyền thông mục vụ không thể ‘bán’ thông điệp Kitô giáo như một món hàng hay một vật gia dụng. Phương thức mục vụ quan tâm tới đời sống tôn giáo và thiêng liêng của khán thính giả, chứ không tạo ra các kỳ vọng sai lạc, không thực tế và một chiều. Phương thức này đa phần chống lại một số huyền thoại trên. Tuy nhiên Giáo Hội Điện Tử có vẻ như cổ xuý và xây dựng trên các huyền thoại này: bạn cần cái này! Nếu bạn mua, bạn sẽ hạnh phúc, sẽ độc lập và không gì có thể xen vào giữa bạn và Thiên Chúa.
Qua truyền thông đại chúng, chúng ta lắm khi “bị ép nhìn mình như là những kẻ tiêu thụ và mọi sự khác như là những món hàng có thể trao đổi và tiêu thụ” (x. Ellens, tr. 148). Ngay cả tôn giáo cũng bị coi là một món hàng, một cái gì có thể đóng gói, dán nhãn hấp dẫn và bán đi để đem lại thành công, hạnh phúc, hội nhập xã hội và thoả mãn các ước muốn tương tự. Nhưng tôn giáo có thể được coi và xử lý như một món hàng chăng? Malcolm Muggeridge (1977) cảm thấy rằng TV có lẽ không phải là một phương tiện truyền thông để rao giảng về Đức Kitô, khiến ông kháng cự lại “cám dỗ thứ tư” là sử dụng TV toàn cầu trong một vở diễn lớn. Michael Traber (1987) đã viết về “Ảo tưởng của ‘Sứ mạng như là nghệ thuật bán hàng’”. Ông cho rằng các phương tiện truyền thông chủ yếu chỉ nhắm mục đích giải trí và vì vậy chúng “không thể thay thế cho việc chứng tá cá nhân và cộng đồng, cũng không thể thay thế đời sống cộng đoàn thấm nhuần việc thờ phượng và yêu thương. Chúng cũng không thể thay thế cho việc dạy dỗ và rao giảng đức tin Kitô giáo. Đương nhiên, dạy dỗ, phục vụ và thờ phượng như thế nào thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác”.
William F. Fore đã tóm tắt thế giới quan của các phương tiện truyền thông trong quyển sách của ông nhan đề: “Truyền hình và Tôn giáo. Sự hình thành Đức tin, các Giá trị và Văn hoá” (1987, 64tt) như sau:
- Mạnh được yếu thua.
- Quyền lực và việc quyết định xuất phát từ trung tâm rồi đi ra.
- Hạnh phúc hệ tại việc có được vật chất vô giới hạn, nghĩa là sự tiêu thụ tự bản chất là tốt và tài sản, sự giàu sang và quyền lực quan trọng hơn con người.
- Tiến bộ tự bản chất là tốt.
- Có một dòng chảy thông tin tự do.
William Fore hỏi: “Các phương tiện truyền thông truyền đạt cho chúng ta những giá trị gì có lợi cho văn hoá của chúng ta? Đứng đầu danh sách là quyền lực: quyền lực trên người khác; quyền lực trên thiên nhiên… Ngay sau quyền lực là các giá trị của giàu sang và tài sản, của ý tưởng rằng cái gì cũng có thể mua được và sự tiêu thụ tự bản chất là tốt. Tiếp theo là các giá trị của sự tự mãn, sự thoả mãn tức khắc các ước muốn, và ngay sau đó là các tiện nghi vật chất. Chẳng hạn thế giới quan của các phương tiện truyền thông bảo chúng ta rằng hạnh phúc là có nhiều của cải vật chất. Các phương tiện truyền thông biến đổi giá trị của giới tính thành sức lôi cuốn tính dục, giá trị của lòng tự trọng thành kiêu ngạo, giá trị của khát vọng sống thành khát vọng quyền lực. Chúng đẩy sự chiếm hữu tới mức tham lam; chúng giải quyết tình trạng bất ổn bằng cách phát sinh nhiều bất ổn hơn, giải quyết lo lắng bằng cách phát sinh nhiều lo lắng hơn. Chúng đổi giá trị của giải trí bằng cạnh tranh và giá trị của nghỉ ngơi bằng sự chạy trốn. Và có lẽ tệ nhất, các phương tiện truyền thông bó hẹp kinh nghiệm của chúng ta và thay thế giới thật bằng thế giới của các phương tiện truyền thông khiến chúng ta ngày càng trở nên ít có khả năng làm các phán đoán về giá trị mà cuộc sống trong một thế giới phức tạp như thế đòi hỏi”.
Vì vậy khi sử dụng việc phát sóng để truyền thông mục vụ, phải xét đến bối cảnh chung của việc thực hiện chương trình và cả thời điểm thực hiện. Các chương trình tôn giáo có thể rất thông thoáng lúc ban đầu, nhưng thường bị giấu kín trong ‘thời gian đóng cửa’ như vào các giờ sáng sớm ngày Chúa Nhật là lúc rất hiếm có người nghe hay xem. Ngoài ra, loại khán thính giả muốn đạt đến cũng quyết định nội dung và hình thức trình bày của một chương trình và việc chọn giờ phát sóng thích hợp.
Các phương tiện truyền thông, như radio và TV, cũng có năng động riêng của nó, như Alain Woodrow trên tờ ‘Le Monde’ (Paris) đã nhắc nhở những người tham dự một hội nghị về truyền thanh và truyền hình tại Prague năm 1992: “Các giới chức của Giáo Hội phải tin tưởng các nhà sản xuất chương trình, là những người phải cạnh tranh với các chương trình khác. Các giới chức này cũng phải hiểu rằng các phóng viên thường dị ứng với việc tuyên truyền và từ chối phục vụ chỉ đơn thuần như một người phát ngôn của các tổ chức tôn giáo. Một chương trình cung cấp lương thực cho tư tưởng hay khơi dậy một giải pháp tâm lý cho một vấn đề xã hội thì hiệu quả hơn nhiều so với một bài giảng hay một lời nói giáo điều. Các giới chức của Giáo Hội phải thích nghi với các công cụ ảnh hưởng mạnh mà các phương tiện truyền thông cống hiến, với các quy luật và các hạn chế của nó, chứ không phải ngược lại. Thay vì phàn nàn về việc họ mất ảnh hưởng và bây giờ TV đang thay thế vai trò trước đây của tôn giáo trong đời sống dân chúng, các giới chức Giáo Hội phải coi nhiệm vụ của các nhà phát sóng tôn giáo là thích nghi các giáo hội cơ chế với các phương tiện nghe-nhìn, vì các phương tiện này nói một ngôn ngữ chung của số lượng người đang ngày càng tăng trên thế giới” (1993, tr. 10).
Về việc sử dụng cụ thể các chương trình phát sóng và các phương tiện truyền thông trong truyền thông mục vụ, tiếc rằng chúng ta không có nhiều ví dụ để có một công trình nghiên cứu thực sự. Nhiều sáng kiến chỉ là những cố gắng lẻ tẻ mang tính chất ‘thử và sai’ mà không có một nghiên cứu chắc chắn và nghiêm túc về nội dung, chất lượng và hiệu quả của các chương trình và các tiềm năng mục vụ của chúng. Phải có những tìm tòi nghiên cứu nghiêm túc để đặt một nền móng vững chắc cho một ngôn ngữ và kế hoạch chuyên nghiệp thích hợp. Các nghiên cứu cũng sẽ cho thấy rõ hơn các tiềm năng mục vụ cho Hội Thánh trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Một yếu tố quan trọng để nghiên cứu sâu rộng hơn là mối tương tác giữa các phương tiện truyền thông và người tiếp nhận, như một người cần sự chăm sóc mục vụ. Đó là phải tìm hiểu xem bằng cách nào và trong điều kiện nào các phương tiện truyền thông có thể giúp ích cho những người cần đến sự chăm sóc mục vụ, hay những người là đối tượng quan tâm mục vụ của Hội Thánh.
Jolyon Mitchell đã liệt kê tóm tắt nhiều sự đóng góp của một hội nghị quốc tế về Truyền thông, Tôn giáo và Văn hoá năm 1999 tại Đại học Edinburgh (Tô Cách Lan). Một số bài tham luận trong hội nghị này đã được xuất bản thành một cuốn sách ông viết chung với Sophia Marriage dưới tựa đề Tôn giáo Truyền thông (Mediating Religion, Edinburgh 2003). Trong phần kết luận tóm tắt (tr. 337-350), ông nhìn thấy có 7 lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt cho tương lai. Một trong số những quan tâm này chính là nhu cầu có một đường lối đạo đức truyền thông tập trung nghiêm túc hơn vào khán thính giả (tr. 348t.).
Thông điệp đầu tiên về truyền thông ở thế kỷ 20, Vigilanti Cura (1936) có một quan tâm mục vụ: giá trị đạo đức của điện ảnh và sự bảo vệ những người xem phim. Tuy nhiên đây có vẻ mới chỉ là một mặt của các mối quan tâm mục vụ. Ngày càng có nhu cầu đi xa hơn sự bảo vệ để có một phương thức tích cực hơn. Sau đây là một số khả thể cho Hội Thánh với các mối quan tâm mục vụ của mình, trong việc sản xuất, hợp tác và hỗ trợ phim ảnh:
– Hội Thánh có thể đi vào hoạt động sản xuất phim riêng của mình ở các mức độ khác nhau như các phim tư liệu và cả các phim (truyện) dài.* Phần đa các cơ sở sản xuất phim của Giáo Hội chủ trương làm các phim ngắn và phim tư liệu. Các phim truyện dài do Giáo Hội sản xuất rất hiếm vì các loại phim này không những đòi hỏi khả năng tài chánh và tài quản lý, mà cũng cần có đủ hệ thống phân phối.
– Giáo Hội có thể xin một số diễn viên và/hay đạo diễn xét đến các đề tài và giá trị Kitô giáo trong các phim của họ. Với cách làm này, Giáo Hội có thể trực tiếp hay gián tiếp tham gia sản xuất, cổ xuý thông điệp Kitô giáo và diễn tả các mối quan tâm của mình. Việc này có thể được thực hiện bằng cách mở rộng nguồn hỗ trợ tài chánh và/hay giúp tuyên truyền và phân phối phim.
– Việc Hội Thánh tham gia các liên hoan phim và tổ chức các giải điện ảnh dành cho các bộ phim tốt cũng là cách nâng đỡ và cổ xuý các phim tốt. Tổ chức điện ảnh Công Giáo (OCIC, nay sát nhập với Unda để trở thành Signis) từ nhiều năm nay đều có đại biểu tại các liên hoan phim quốc gia và quốc tế.
– Việc chăm sóc mục vụ cho các nghệ sĩ, các nhà biên tập và các nhà sản xuất cũng là một cách quan trọng nữa để đưa phim ảnh vào trong ‘sứ mạng’ của Hội Thánh. Một ví dụ điển hình là các cộng đoàn Kitô giáo đặc sủng, như “Ốc Đảo Tình Yêu” tại Philippin với các thành viên chủ yếu là các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng. Trong các cộng đoàn này, các nghệ sĩ tìm được ý nghĩa mới và sự hoán cải cuộc đời. Sự chăm sóc như thế là một thách thức đối với sứ vụ mục vụ của Hội Thánh. Vượt lên trên mọi sự giúp đỡ về cơ cấu, quản lý và tài chính, các cộng đoàn này trở thành một phần của sứ mạng của Đức Kitô đối với và nhờ các phương tiện truyền thông.
– Một số kha khá các phim truyện phản ánh các hoàn cảnh sống thực và các vấn đề con người mà về phương diện mục vụ cần được thẩm định và giải đáp. Truyền thông mục vụ sẽ sử dụng các ví dụ như thế để trở nên ý thức hơn về các vấn đề nhưng cũng để giúp người ta giải quyết chúng theo tinh thần Kitô giáo. Việc này có thể thực hiện qua các câu lạc bộ phim, các diễn đàn phim, nhưng cũng trong các cuộc chia sẻ cá nhân và nhóm. Nhiều phim làm nổi bật đặc biệt các vấn đề cần có một giải đáp mục vụ.
Peter Malone cùng với Rose Pacatte đã xuất bản một bộ sách bài đọc ba quyển về phim ảnh. Các bài đọc sách thánh của mỗi Chúa Nhật trong chu kỳ A, B và C đều có một phim được giới thiệu để minh hoạ và làm ví dụ cho bài đọc của ngày Chúa Nhật ấy: Tựa đề của sách là Lights, Camera… Faith. A Movie Lectionary, với phụ đề là “A Movie Lovers Guide to Scripture”, NXB Các Nữ Tử Thánh Phaolô, Boston 2001tt). Tìm hiểu kỹ hơn cho thấy các trình bày trong sách này không chỉ dành cho các ngày Chúa Nhật, mà cũng rất có ích cho việc sử dụng rộng hơn trong hoạt động mục vụ. Sách này cho thấy có khá nhiều phim hiện nay trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến nội dung tôn giáo có thể kích thích việc truyền thông mục vụ, đặc biệt đối với giới trẻ. Vì vậy không phải vô lý khi Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội đang thảo luận để đưa ra một văn kiện về linh đạo trong phim ảnh.
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio đã dành sáu đoạn để nói về quan hệ giữa Hội Thánh và phim ảnh (các số 142-147) và tin rằng phim ảnh là một kênh thích hợp để chuyển tải các đề tài tôn giáo. Văn kiện mạnh mẽ khích lệ “sản xuất các phim loại này” (số 144). Các phim cũng có thể “giúp vào việc giảng dạy sự thật” và không nên bỏ qua hiệu quả của hình ảnh đối với những người không biết chữ (số 146).
Video trong truyền thông mục vụ
Video mở ra những khả năng mới nhưng cũng đặt ra những thách thức cho việc truyền thông mục vụ của Hội Thánh. Với khả năng ‘chuyển đổi thời gian’ (x. Eilers 2002, tr. 169tt), các sự kiện tôn giáo và các chương trình mang tính mục vụ có thể được xem không chỉ vào thời gian thực tế nhưng cả vào những thời gian thuận tiện đối với người xem. Bằng cách này các sự kiện tôn giáo và các chương trình có giá trị mục vụ có thể được chiếu vào những dịp khác nhau cho các cá nhân và các nhóm tùy theo nhu cầu hay sở thích của họ.
Video còn cống hiến các cơ hội đặc biệt để sử dụng trong mục vụ như huấn giáo, giảng dạy tôn giáo và sinh động hoá, để làm sáng tỏ một mối quan tâm hay để cung cấp đề tài suy tư. Các chương trình về cầu nguyện và linh đạo, về các địa danh và các thông điệp của Kinh Thánh, về đời sống Kitô giáo hay cuộc đời các Thánh có thể giúp minh hoạ các giáo huấn của Hội Thánh nhưng đặc biệt có thể sinh động hóa việc truyền thông nhóm và xử lý các kinh nghiệm chung. Tình trạng ngày càng có nhiều thiết bị video và chương trình video cống hiến cho các người hoạt động mục vụ thêm nhiều cơ hội để phục vụ con người.
Với các chương trình hết sức đa dạng được cống hiến cho công chúng, các hoạt động truyền thông mục vụ cũng có nghĩa vụ đạo đức và sáng tạo trong việc cổ xuý và giới thiệu các chương trình tốt có thể làm cho kinh nghiệm đời sống của con người thêm phong phú và sâu xa hơn. Có thể soạn một sách hướng dẫn để giúp việc chọn lựa phim dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và nghệ thuật. Nhiều phim truyện hiện hữu đã có những thẩm định trước đây của các cơ quan Hội Thánh như các văn phòng quốc gia về điện ảnh. Một ‘Sách hướng dẫn phim Video’ dựa trên các thẩm định này và được phổ cập tới mọi người sẽ rất hữu ích, đặc biệt đối với các bậc cha mẹ và nhà giáo. Chúng cũng có thể giúp mở ra những con đường mới trong việc khám phá các khía cạnh Kitô giáo kín ẩn trong các phim có vẻ là thế tục.
Tình trạng các chương trình phim video khiêu dâm tràn lan trên thị trường cho cá nhân sử dụng đặt ra một thách thức mục vụ đặc biệt. Nó không chỉ đòi hỏi một sự đánh giá luân lý mà còn đòi hỏi một sự giáo dục về phương tiện truyền thông để giúp đặc biệt giới trẻ có một quan điểm phê phán và trưởng thành đối với phim ảnh và video (x. Eilers 2002: Tiêu chuẩn về Phim và TV của Hồng y Mahony, tr. 181-189; 1999, tr. 362-381). Truyền thông Mục vụ phải giúp thay đổi ‘não trạng dâm đãng’ của con người thành một ý thức về phẩm giá đối với giới tính và hành vi tính dục trong hôn nhân.
Ngày nay các kỹ thuật video có thể được mọi người sử dụng dễ dàng, điều này cống hiến thêm những khả năng cho công việc mục vụ. Không chỉ có các bài giảng mẫu được ghi đĩa và xem lại trong các lớp thuyết giảng ở chủng viện; các hoạt động mục vụ cũng có thể được ghi đĩa, biên tập và sử dụng. Đặc biệt có thể hướng dẫn giới trẻ điều khiển các thiết bị video để thực hiện việc quay phim thực tế và bằng cách này trở nên tích cực hơn trong lãnh vực truyền thông bằng hình ảnh.
5.7. Truyền thông đa phương tiện: Internet, Website, E-mail
Với sự ra đời của truyền thông trên Internet và không gian mạng (‘cyberspace’), thêm những cánh cửa mới được mở ra cho hoạt động mục vụ của Hội Thánh trong thiên niên kỷ mới này.
Các website có thể được sử dụng để cung cấp thông tin về các cơ quan của Hội Thánh, các trung tâm mục vụ cũng như các dịch vụ và sinh hoạt của chúng. Các website này cũng có thể được phát triển để trở thành tương tác bằng cách mời người khác viết bài và phản hồi về nội dung và các chương trình của các trang web này và cũng để nói lên các nhu cầu và mong đợi mục vụ của họ.
Có thể phát triển các website đặc biệt cho việc chăm sóc mục vụ, ở đó người ta có thể hỏi các câu hỏi và diễn tả các nhu cầu thiêng liêng và nhân bản của họ. Ví dụ, website www.ffnfuncity.de ở Đức là một thành phố ảo với một Nhà Thờ giáo xứ. Một số linh mục và người hoạt động mục vụ hiện diện trong Nhà Thờ ảo này để cung cấp tư vấn và mọi người có thể đến để cầu nguyện và xin ơn. Các site như thế có thể giúp người ta làm chủ đời mình và phát triển một quan điểm Kitô giáo về các sự kiện đang xảy ra. Chẳng hạn một cha Capucinô tại Frankfurt (Đức) viết mỗi ngày một bài suy niệm Kinh Thánh trên tờ nhật báo “Bild”, một tờ báo hàng đầu mỗi ngày phát hành hơn 4 triệu 5 bản. Người đọc có thể click vào bài suy niệm của ngài hoặc cũng có thể nhận miễn phí qua đường e-mail.
Các website khác cung cấp cho độc giả các bài viết và sách thần học quan trọng, rất có ích cho các sinh viên và nhà nghiên cứu nhưng với khả năng tiếp cận khá giới hạn các thư viện chuyên môn. William Fore đã thực hiện trang web www.religion-online-org với mục đích này.
Các cổng khác liên quan tới Giáo Hội cung cấp thông tin, mua sắm, gửi thư web miễn phí, bài đọc thiêng liêng, suy tư hằng ngày, và các nhóm ‘chat’, cũng như các tiện ích khác. Ví dụ như ở Hoa Kỳ có www.catholic-forum.com hay www.catholic.org hay www.catholicexchange.com. Chỉ riêng ở Đức thôi cũng có khoảng 500 website (năm 2003) có liên quan cách này hay cách khác với Hội Thánh Công Giáo. Một mình website của HĐGM (www.katholische-kirche.de) cung cấp khoảng 3.500 đường kết nối như thế.
E-mail (‘thư điện tử’) là một phương tiện quan trọng khác nữa cho việc truyền thông nói chung của Hội Thánh về mặt đối nội và đối ngoại, nhưng đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ. Sử dụng email, người ta có thể truyền thông trực tiếp trong Hội Thánh và ra bên ngoài. Các người hoạt động mục vụ và những người có nhu cầu có thể đến được với nhau hầu như tức thời. Các dịch vụ thư mạng miễn phí được cung cấp bởi các cổng của Giáo Hội và các tổ chức khác giúp cho người ta có thể tiếp xúc với nhau nhanh hơn và rẻ hơn.
Các tin tức đều đặn về các dịch vụ mục vụ có thể được gửi qua email đến những người đăng ký. Các chương trình học và dạy có thể được chia sẻ về lãnh vực huấn giáo, linh đạo và đào luyện thần học.
E-commerce (‘thương mại điện tử’) cũng cung cấp nhiều khả năng cho việc truyền thông mục vụ.
Internet là một thách thức đặc biệt cho Hội Thánh trong lãnh vực giáo dục truyền thông. Trẻ em ngày nay ‘được sinh ra với con chuột’ rồi. Máy tính đóng một vai trò quan trọng ngay từ tuổi thơ của các em, như xem các câu truyện hoạt hình trên màn hình.
Truyền thông Mục vụ sẽ cho các em sự hướng dẫn cần thiết và giúp các em tiêu hoá những gì các em thấy và nghe. Ở đây, đặc biệt giới trẻ có thể là những đối tác trong hoạt động mục vụ vì họ khá thành thạo các công nghệ truyền thông mới này. Họ có thể phát triển các chương trình đặc biệt cho hoạt động mục vụ qua Internet và giúp bảo trì máy tính và các hệ thống mạng.
Các website hay các cổng mạng còn có các công dụng khác nữa cho các mục đích mục vụ. Chẳng hạn như đang có sự gia tăng một khuynh hướng sử dụng hay tạo các website cho ‘tang lễ’. Các trang than khóc được tạo ra bởi các cá nhân xuất hiện cùng với các hình ảnh, bản văn và video để tưởng nhớ một người quá cố. Một quyển ‘sách dành cho khách’ (‘guest book’) được mở ra, ở đó bất cứ ai có những kinh nghiệm tương tự có thể chia sẻ và tìm được những lời an ủi. Đối với nhiều người, hình thức này có ý nghĩa nhiều hơn là những bông hoa và những đồ vật đặt trên mộ. Một tấm bia được dựng trong không gian mạng, trên đó người quá cố được mong đợi là vẫn còn sống. Phải chăng đây cũng là một thách thức đặc biệt cho việc truyền thông mục vụ?
Còn đối với những người ‘hưởng dùng’ các chương trình tôn giáo của Net, các nghiên cứu ban đầu có vẻ cho thấy rằng các chương trình tôn giáo chủ yếu được truy cập bởi những người đã thuộc về một tôn giáo nào đó. Có vẻ như những người ngoài Hội Thánh cũng bắt đầu trở thành những người sử dụng trực tuyến các chương trình tôn giáo. Nhưng trường hợp này chủ yếu vẩn là ở Hoa Kỳ và Châu Âu nhiều hơn.
Rõ ràng Internet cũng có một tiềm năng lớn cho việc rao giảng Tin Mừng, như Đức Gioan Phaolô II đã vạch ra trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002: “Internet: Một diễn đàn mới cho việc rao giảng Tin Mừng”. Trong thông điệp của ngài vào dịp này, Đức Gioan Phaolô II mô tả các khả năng rất cụ thể của phương tiện truyền thông mới này đối với việc rao giảng Tin Mừng. Các khả năng này cũng bao gồm cả việc sử dụng Internet để theo dõi các bước đầu của công việc truyền giáo, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng nhắc đến chiều kích mục vụ khi ngài viết: “Internet cũng có thể cung cấp một sự theo dõi mà công việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi. Đặc biệt trong một nền văn hoá không hỗ trợ việc này, đời sống Kitô giáo kêu gọi phải tiếp tục việc giảng dạy và huấn giáo, và đây có lẽ là lãnh vực mà Internet có thể cung cấp một sự trợ giúp tuyệt vời”.
VI. LẬP KẾ HOẠCH MỤC VỤ VÀ TRUYỀN THÔNG
Ngay từ năm 1964, trong quyển Phương tiện Truyền thông và Phát triển Quốc gia của ông, Wilbur Schramm đã đề nghị 3 bước cơ bản cho mọi kế hoạch về truyền thông: (1) Nhận định về tình hình hiện tại; (2) đề ra các ưu tiên và mục tiêu; và (3) dự liệu việc duyệt lại kế hoạch. Các bước này cũng phải được xét đến trong mọi kế hoạch truyền thông của Hội Thánh.
- Nhận định tình hình. Việc quan trọng đầu tiên là xem xét và tìm hiểu thực tế về một tình hình nhất định: Các phương tiện truyền thông, cơ cấu, nhân sự và nguồn tài chính nào đang có và/hay đã được sử dụng trong truyền thông? Ai đang làm gì, ở đâu, khi nào, thế nào và thành công ra sao? Cũng còn phải xem bối cảnh chung hiện hữu mà các hoạt động được hoạch định của Hội Thánh phải được đặt vào trong đó. ‘Bối cảnh’ này liên quan tới các hoạt động và cơ cấu hiện hữu của Hội Thánh cũng như tình hình truyền thông nói chung trong và ngoài Hội Thánh. Ở đây phải hỏi các câu hỏi như: Những người khác đã đang làm gì rồi trong lĩnh vực truyền thông, các Kitô hữu, các nhóm thương mại hay chính phủ? Các hoạt động này cản trở hay cổ xuý các quan tâm Kitô giáo/Công giáo? Có khả năng để hợp tác không? Điều quan trọng nhất là xem xét và tìm hiểu các nhu cầu truyền thông của con người, cá nhân cũng như tập thể. Cũng còn phải hỏi thêm: Các hoạt động khác nhau được tài trợ như thế nào và ai tài trợ? Có đủ nhân sự chuyên môn để giúp đỡ không?
- Đề ra các ưu tiên và mục tiêu. Các ưu tiên cho các hoạt động truyền thông của Hội Thánh được quyết định (a) bởi các nhu cầu của con người nhưng cũng (b) bởi sứ mạng của Hội Thánh được Đức Giêsu Kitô sai đi. Tin Mừng của Đức Kitô có thể được truyền thông bằng nhiều cách nhưng luôn luôn phải được ‘nhập thể’ trong đời sống và thực tế thường ngày của con người. Các ưu tiên và mục tiêu của truyền thông và cho truyền thông phải được đặt trong tương quan với các hoạt động khác của Hội Thánh. Ví dụ, hoạt động tông đồ Kinh Thánh có một khía cạnh truyền thông mạnh giống như hoạt động huấn giáo và đào luyện. Các ưu tiên phải được đặt khớp với các kế hoạch mục vụ chung của một giáo phận hay các cơ quan khác của Hội Thánh. Huấn thị Mục vụ thứ hai, Aetatis Novae coi các lĩnh vực sau đây có tầm quan trọng đặc biệt đối với mọi kế hoạch mục vụ (AN các số 28-33): giáo dục, đào luyện thiêng liêng, chăm sóc mục vụ, hợp tác, quan hệ công cộng, nghiên cứu và phát triển con người. Cũng phải có các ưu tiên rõ ràng cho việc tài trợ các hoạt động truyền thông, gồm cả vốn đầu tư ban đầu và đặc biệt các chi phí điều hành, được cung cấp bởi các nguồn địa phương cho một thời gian dài hơn. Trong quá khứ, nhiều đề án của Hội Thánh đã được bắt đầu nhưng cuối cùng đã không thể tồn tại vì không bảo đảm được kinh phí điều hành. Các nguyên tắc này cũng phải được áp dụng cho việc lập kế hoạch và chuẩn bị các nhân sự chuyên môn.
Các ưu tiên cũng bao gồm một sự phân chia rõ rệt các trách nhiệm cho những người có liên quan tới đề án. Ai chịu trách nhiệm gì, ở đâu và khi nào? Cũng phải xác định ưu tiên về thời điểm khởi sự một đề án và các giai đoạn thực thi. Phải đi theo những bước cụ thể nào theo thứ tự các ưu tiên nào, cũng như xác định các thời điểm như thế nào? Thời gian chuẩn bị bao lâu và thời gian thử nghiệm bao lâu trước khi đề án được thực sự bắt đầu? Việc chọn thời điểm để đánh giá phải được đưa vào ngay từ đầu. Phải có các điều kiện nào trước khi tiến hành bước tiếp theo của đề án?
- Dự liệu việc duyệt lại kế hoạch. Ngay từ đầu cũng phải có khoản dự liệu cho việc duyệt lại các chương trình trong đề án, để xem chúng có đáp ứng được các mong đợi và nhu cầu của dân chúng và của Hội Thánh hay không, và đáp ứng tới mức nào. Các nghiên cứu nghiêm túc về các kết quả và hậu quả của các chương trình truyền thông là cần thiết để có một hoạt động truyền thông hiệu quả trong một thời gian nhất định. Sẽ rất ích lợi để điều chỉnh, tránh phạm thêm các sai lầm khác và thực sự là một việc phục vụ trong một tình hình nhất định. Khi có thể, phải mời những người trung lập và không dính líu trực tiếp tới đề án để họ giúp vào công việc đánh giá này. Các ‘Hướng dẫn cho việc hoạch định các kế hoạch mục vụ truyền thông xã hội’ (các số 24-33) của Aetatis Novae rất có ích cho việc thiết lập và duyệt xét kế hoạch nhưng có lẽ cần được điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu và tình hình luôn thay đổi của một cộng đồng nhất định.
6.1. Các yếu tố cho một kế hoạch mục vụ
Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae (1992) có một phụ lục dài về việc lập kế hoạch mục vụ (các số 23-33). Các hướng dẫn nói đặc biệt về một kế hoạch tổng thể cho các hoạt động truyền thông của một giáo phận, một HĐGM cấp quốc gia hay vùng. Tuy nhiên ta không được quên rằng mọi hoạt động mục vụ dù ở cấp giáo xứ hay bất cứ tổ chức nào của Hội Thánh cũng đều có một chiều kích truyền thông. Truyền thông là thành phần thiết yếu của mọi kế hoạch mục vụ, dù là trong lĩnh vực giảng dạy tôn giáo, chăm sóc mục vụ, phát triển đời sống thiêng liêng hay các hoạt động bác ái.
Mọi kế hoạch mục vụ trong khung ba bước cơ bản của Schramm đều có các yếu tố truyền thông cơ bản sau đây:
- Mọi kế hoạch nghiêm túc đều cần có một tầm nhìn và một phát biểu rõ ràng về sứ mạng để làm cơ sở xác định rõ mục tiêu phải đạt tới. Tầm nhìn này cũng quyết định các bước và phương tiện được dùng để thực thi sứ mạng hay hoạt động ấy của Hội Thánh tại một nơi nhất định.
- Mọi kế hoạch phải được xây dựng dựa trên tình hình hiện tại và các nhu cầu thực tế của cộng đoàn. Các khả năng và nguồn lực hiện hữu phải được xác định rõ ràng và phải tránh các hoạt động trùng lặp không cần thiết.
- Một kế hoạch nghiêm túc phải bao gồm một phát biểu rõ ràng về các ưu tiên và các bước thực hiện cụ thể một đề án. Phải có một thời biểu đề ra các bước thực thi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc thực thi các hoạt động này phải dựa trên các cuộc thẩm định và các kinh nghiệm đã thu thập được. Thỉnh thoảng sau những bước thực thi ban đầu, người ta nhận ra rằng đề án phải được làm một cách khác hay hoàn toàn phải bỏ. Vì vậy rất cần có một mức độ linh động trong việc lập và thực hiện kế hoạch.
- Điều quan trọng cho mọi kế hoạch là phải có và đào tạo các nhân sự có khả năng. Phải tìm kiếm những người có khả năng và đưa họ tham gia đề án, nếu có thể ngay từ giai đoạn đầu. Việc đào tạo thường xuyên cho nhân sự đang làm việc và tuyển mộ các tài năng cho tương lai phải được xét đến ngay từ đầu. Thái độ thiện chí đối với đề án và một bầu khí tích cực trong cộng đoàn có liên quan đến đề án là những yếu tố rất có ích.
- Rất nhiều khi các sáng kiến được thực hiện mà không có sự nghiên cứu, tìm tòi và đào tạo thích hợp. Vì vậy các đề án của Hội Thánh dễ bị thiếu tính chuyên môn nghiệp vụ. Các lãnh đạo trong Hội Thánh không được sợ hỏi ý kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia ngoài Hội Thánh, và sử dụng các dịch vụ của họ khi có thể.
- Không được bỏ quan khía cạnh hợp tác đại kết giữa các Giáo hội Kitô khác nhau. Thậm chí cũng có thể khai thác sự hợp tác với các tôn giáo khác trong một số lãnh vực quan tâm. Cũng phải quan tâm tới việc phản ánh hình ảnh công khai của Hội Thánh trong các hoạt động và trong các phần tử của mình, và nhu cầu nghiêm túc học hỏi và tìm tòi thường xuyên.
- Việc phân phối trách nhiệm cũng là một điểm khác nữa. Ai sẽ chịu trách nhiệm về cái gì? Đề án có thực sự phục vụ sự phát triển nhân bản, thiêng liêng và xã hội không? Nó liên quan thế nào và hoà hợp thế nào với các đề án mục vụ khác? Bất luận thế nào, các đề án truyền thông không phải là mục đích tự tại, mà là sự thể hiện chức năng phục vụ của Hội Thánh để đem thông điệp của Đức Kitô tới người khác và giúp họ làm chủ cuộc đời họ trong tinh thần này.
- Cần những kinh phí gì và có thể đáp ứng thế nào? Có thể chia việc thực thi kế hoạch thành nhiều giai đoạn để phân bổ kinh phí từng giai đoạn một không? Bao có thể việc trang trải kinh phí phải được lấy từ nguồn thu nhập của địa phương. Không thể chỉ tài trợ giai đoạn đầu. Phải có một sự bảo đảm cho kế hoạch được duy trì và phát triển trong một thời gian dài.
6.2. Các bước trong kế hoạch mục vụ
Về các bước trong kế hoạch mục vụ, có thể phân biệt giữa các bước trong kế hoạch truyền thông nói riêng, và các bước kết hợp ‘truyền thông’ vào với các kế hoạch mục vụ khác như một yếu tố cơ bản thiết yếu.
Đối với các đề án truyền thông, sau khi nhận định tình hình và nghiên cứu các khả năng hiện có, cần phải phác thảo về nhân sự, phương tiện kỹ thuật và các nhu cầu tài chánh và có thể cả các đòi hỏi pháp lý của đề án. Phải xác định trước các người tài trợ và các tư vấn có thể tìm được và liên hệ với họ để bảo đảm việc triển khai đề án được diễn ra suôn sẻ.
Dựa trên các nghị quyết của các Giám mục Đặc trách Truyền thông của FABC trong Hội nghị Giám mục 1996 (x. Eilers 2002a, tr. 15-21) và Aetatis Novae, có thể triển khai tổng thể các bước lập kế hoạch như sau:
- Phân tích tình hìnhcủa một HĐGM, ví dụ:
- a) Môi trường Truyền thông: khán thính giả, nhà sản xuất, các hệ thống phân phối
- b) Lượng định các nhu cầu
- Các nguồn lực hiện có
- a) Phương tiện: truyền thống, địa phương, quốc gia, các phương tiện Đại chúng và Đa phương tiện…
- b) Nhân sự
- c) Tài chính
- d) Giáo dục
- e) Đại kết
- Phát triển một chiến lược, đề ra các mục tiêu, ví dụ:
- a) Truyền thông hỗ trợ việc Rao giảng Tin Mừng
- b) Giáo dục về Truyền thông (phương pháp phê bình, các giá trị, đạo đức)
- c) Giúp đỡ các chuyên gia truyền thông:
– Phát triển Đức Tin
– Tăng trưởng Thiêng liêng
- Thể hiện các mục tiêu –được hỗ trợ bằng các kế hoạch hành động
- Theo dõi >> Đánh giá thường xuyên
Mọi kế hoạch và công trình phải được thực hiện từng bước với các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các bước sau của một đề án chỉ được thực hiện sau khi đã có những đánh giá thích hợp về các bước trước.
Victor Sunderaj đã mô tả cách thức lập kế hoạch mục vụ với các yếu tố sau đây được liên kết với nhau vì sứ mạng mục vụ của Hội Thánh: bối cảnh, nhu cầu truyền thông, các nguồn lực cần thiết, truyền thông và đánh giá thường xuyên (Sunderaj 1998, tr. 157-174). Tuy nhiên trong các đề nghị của ông, ông chỉ cơ bản nói đến các đề án và kế hoạch truyền thông mà thôi.
Về các đề án mục vụ nói chung, phải đưa khía cạnh truyền thông vào ngay từ đầu. Khía cạnh này dựa trên niềm xác tín và hiểu biết rằng truyền thông là thành phần thiết yếu cho mọi việc giảng dạy, nhưng cả cho mọi hoạt động phụng vụ và xã hội của Hội Thánh. Nếu chia sẻ đức tin có nghĩa là truyền thông các kinh nghiệm đức tin, nó cũng phải được phản ánh trong khía cạnh truyền thông của mọi kế hoạch mục vụ. Tất cả phải được thực hiện theo kiểu truyền thông, nghĩa là trước hết phải ý thức về tình hình và những mong đợi của ‘cử tọa’, và phải thích nghi nội dung và phương pháp trình bày với các mong đợi này và khả năng tiếp nhận. Việc này không chỉ cần có các chuyên gia truyền thông mà hơn thế nữa cần có những người có đầu óc sáng tạo và truyền thông. Rất nhiều khi chúng ta thiếu những yếu tố cơ bản của việc truyền thông đơn sơ của con người và vì thế dễ gây hiểu lầm và thất vọng. Một con người thân thiện cởi mở thì có khả năng truyền thông và khơi dậy sự hưởng ứng hơn là một người hoàn toàn bị cuốn hút vào kế hoạch của mình mà không quan tâm tới chuyện gì khác nữa.
Lập kế hoạch trong hoạt động mục vụ cần có khía cạnh truyền thông, khía cạnh này được bộc lộ nơi thái độ của con người. Một thái độ như thế có thể được triển khai cả trước khi một kế hoạch được viết ra và đề nghị.
Một phần của truyền thông mục vụ và ở một mức độ nào đó cả của truyền thông truyền giáo là khả năng xử lý khủng hoảng. Đôi khi có những sự kiện không dự định trước và không ngờ trước, chúng tác động đến Hội Thánh, hoạt động và hình ảnh của Hội Thánh tới mức trở thành một đe doạ đặc biệt đối với các quan tâm mục vụ. Các vụ tai tiếng có thực hay tưởng tượng thường bị giới truyền thông để ý và đôi khi thổi phồng quá đáng. Chúng làm cho các tín hữu cảm thấy hoang mang và tạo một hình ảnh tiêu cực ra bên ngoài. Phải xử lý các tình huống này ra sao để tránh những thiệt hại không cần thiết và trả lại sự công bằng?
Văn phòng Truyền thông Xã hội của FABC đã tổ chức hai khoá hội thảo về xử lý khủng hoảng cho các giám mục và các nhân viên của các HĐGM vào năm 1999 (BISCOM I, 1) và năm 2002 (Hội Nghị Giám Mục). Các nhận định và hướng dẫn sau đây chủ yếu được trích từ một bài tham luận của nhà báo giàu kinh nghiệm, Ông Allwyn Fernandes, thuộc công ty R&P Management Communications, Mumbai, Ấn Độ.
- Cho dù có những sự thận trọng tối đa, một khủng hoảng vẫn có thể xảy đến một cách bất ngờ. Vì vậy có chuẩn bị trước để đối phó với nó là điều quan trọng. Bằng cách này người ta có thể hành động và phản ứng nhanh, là yếu tố rất quan trọng bởi vì vấn đề càng để lâu thì chọn lựa càng ít và cái giá phải trả càng cao. Vì vậy cần phải thành lập trước một Êkíp Xử lý Khủng hoảng (CMT=Crisis Management Team) để dự phòng mọi bất trắc. Thành viên của êkíp này không chỉ là những người bạn có thể tin tưởng, nhưng còn phải là những người có đầu óc phê bình sắc bén để dựa vào kinh nghiệm và phán đoán của họ bạn có thể có những quyết định đúng đắn lúc đang gặp áp lực. Họ phải là những người có hiểu biết và khả năng xử lý khéo léo để bạn dựa vào, chứ không phải là những người dựa vào bạn. Êkíp này phải xác định được các vấn đề, các điểm yếu và các trình tự của đề án. Phải tìm và đào tạo một người phát ngôn cho mục đích này. Sự chuẩn bị tâm lý (‘nghĩ cái không thể nghĩ’) và các kế hoạch soạn trước với các trách nhiệm được phân phối rõ ràng là điều rất quan trọng. Êkíp phải gặp nhau đều đặn để kiểm điểm công việc và huấn luyện thêm.
- Xác định các vấn đề sớm bao có thể; tìm các chìa khóa tháo gỡ, các tin đồn, các xuyên tạc. ‘Đừng giết thông điệp vì bạn không thích người đưa tin!’ Hãy tiếp xúc với những người có thể dọi chút ánh sáng cho vấn đề và nhờ đó hành động nhanh để ngăn chặn vấn đề ngay ở mức độ ấy. Trong tất cả chuyện này, hãy nhận ra môi trường thay đổi hôm nay, trong đó người ta ý thức nhiều hơn về quyền lợi của họ, các phương tiện truyền thông trở nên ‘tọc mạch’ hơn, và môi trường chính trị-xã hội có thể không có lợi cho Kitô giáo hay Hội Thánh. Thêm vào đó còn có cuộc cách mạng truyền thông làm cho mọi sự có ở mọi nơi cho mọi người nhờ Internet.
- Một khủng hoảng thường được bộc lộ bằng một hay nhiều diễn biến sau đây:
* Chuỗi các sự kiện xảy đến dồn dập
* Các phát triển đột ngột, ngạc nhiên
* Hoạt động bình thường bị gián đoạn
* Thông tin không đầy đủ
* Mất kiểm soát
* Dò xét chi li – trong nội bộ và bên ngoài
* Tâm trạng bị bao vây
* Hốt hoảng
* Bạn rút vào thinh lặng
- Khi xử lý khủng hoảng, hãy xét các bước sau đây:
* Kích hoạt Êkíp Xử lý Khủng hoảng (CMT); mỗi thành viên được giao một công tác chuyên biệt, về pháp lý, y tế, xã hội, chính trị; thu thập các tư liệu pháp lý có giá trị. Triển khai dòng thông tin: thông tin vào, thông tin ra và lưu ý đến các nhu cầu truyền thông…
* Truyền thông một cách thực tế, nhanh và đáng tin: nếu bạn đúng > truyền thông, nếu bạn sai > nhận sai lầm và xin lỗi, hứa điều tra/ hành động rồi tiến tới. Người ta có thể tỏ ra hết sức dễ dàng tha thứ… nhưng với điều kiện việc truyền thông của bạn đúng sự thật và đúng lúc!
* Cụ thể hoá các điểm hành động: sửa sai vấn đề, kiểm soát tình hình, giới hạn ảnh hưởng tiêu cực, sửa chữa những thiệt hại gây ra. Tỏ sự quan tâm, thông cảm bằng cách diễn tả mối quan tâm nhưng không nhận trách nhiệm về phía mình và hãy tỏ ra đầy tình người bởi vì trong khủng hoảng các cảm xúc thường lấn lướt, lý trí bị lép vế.
* Hãy truyền thông để các cảm tình viên và các giới thẩm quyền biết thông tin, ngăn ngừa thông tin xuyên tạc, tìm kiếm liên minh, tạo sự hỗ trợ và quan tâm và chứng tỏ Giáo Hội đang làm đúng vì lợi ích công cộng. Trong tất cả chuyện này, hãy tự hỏi: Ai là công chúng của tôi? Dùng ngôn ngữ nào để truyền thông một cách hiệu quả thông điệp của tôi?
* Đưa ra một Tuyên bố tạm để sử dụng trước khi bạn sẵn sàng để có một tuyên bố chính thức hay đưa ra bản tin chính thức. Một tuyên bố tạm phản ánh lập trường của Hội Thánh và có thể nói lên sự đau buồn của cộng đoàn, tìm kiếm sự ủng hộ của những người thành tâm thiện chí… Chớ hùa theo cách định nghĩa, cách hiểu và quan điểm của giới truyền thông về vấn đề này, nhưng phải định nghĩa lại theo cách nhìn của Hội Thánh: “Mục tiêu chủ đạo của Hội Thánh là giáo dục và phát huy sức mạnh của người nghèo. Đây là cam kết nền tảng của chúng tôi. Vì vậy, khi chúng tôi nghe đồn rằng…” hay “Hội Thánh cam kết bảo đảm rằng mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đều được đối xử với lòng kính trọng và phẩm giá trong các tổ chức của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu cho điều tra về vụ việc đã xảy ra…”.
Đây là một vài ví dụ về các tuyên bố tạm
- “Giới truyền thông đã yêu cầu chúng tôi cho biết phản ứng của chúng tôi trước các tin họ nhận được về một luật ngăn cấm việc trở lại đạo do cưỡng bức và lừa đảo. Chúng tôi chỉ có thể bình luận sau khi đã nhận được tin tức và nghiên cứu đầy đủ cùng với ban pháp lý của chúng tôi. Trong khi chờ đợi, Hội Thánh muốn nhấn mạnh niềm tin của mình – đó là việc trở lại đạo do bị cưỡng bức hay lừa đảo thì hoàn toàn không phải là trở lại đạo. Hội Thánh Công giáo luôn chống lại những hành vi như thế. Chúng tôi muốn quý vị lưu ý tới lời tuyên bố của Công đồng Vatican II ngay từ năm 1963… và một lời tuyên bố của Hội đồng Giám mục…”.
- Tuyên bố của TGM Nicholas Chia trước giới báo chí tại Singapore (9-4-2003) về vụ Lm. J.K. bị bắt và buộc tội.
“Chúng tôi rất sững sờ và đau buồn trước sự việc đã xảy ra. Tuy nhiên, vì vụ việc còn chưa ngã ngũ, chúng tôi không thể bình luận gì về các lời cáo buộc. Chúng tôi để cho pháp luật thi hành phận sự.
Chúng tôi không biết rõ hoàn cảnh của vụ chuyển tiền hay lý do tại sao Cha K. đã thực hiện vụ chuyển tiền đó. Trước khi các cuộc điều tra được hoàn tất để làm rõ mọi chi tiết, chúng tôi không thể bình luận gì về việc làm thế nào đương sự đã có thể chuyển một lượng tiền lớn đến thế.
Các biện pháp hiện hành tại địa phương qui định rằng mọi giáo xứ phải nộp bản sao kê các hóa đơn và phiếu thanh toán hằng tháng, các bản sao kê của ngân hàng và bảng cân đối ngân hàng cho Phòng Tài chính để kiểm tra. Các chỗ không rõ ràng của các giáo xứ đều được phát hiện ngay lập tức.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát lại hệ thống kế toán của chúng tôi với sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn. Nếu có chỗ nào khiếm khuyết trong hệ thống hiện hành, chúng tôi sẽ có các biện pháp sửa sai.
Nếu Lm. K. bị kết tội, ông sẽ không còn có thể giữ trách nhiệm của một Cha Xứ nữa. Trong khi chờ đợi, ông sẽ được đình chỉ công tác cho tới khi tòa ra phán quyết cuối cùng”.
* Các câu hỏi được chờ đợi là: Đã xảy ra điều gì? Có gì sai? Tại sao? Ai có lỗi? Chuyện gì đang xảy ra bây giờ? Bạn đã có hành động gì? Tiếp theo sẽ là gì? Khi trả lời các câu hỏi này, phải luôn luôn luôn phản ánh lập trường của Hội Thánh.
Dưới đây là một số “Quy tắc nên làm và KHÔNG nên làm” mà bạn cần chú ý:
– Nếu bạn bị cáo buộc có sai phạm:
NÊN:
* Chia sẻ và giải quyết mối quan tâm làm bạn tỏ ra có tình người
* Nhấn mạnh hành động bạn làm
* Tìm sự nâng đỡ của những người có thiện chí
KHÔNG NÊN:
* Nhận mình có lỗi hay chểnh mảng;
* Vội kết luận, nhưng phải cảnh giác khi qui gán lỗi lầm hay chểnh mảng.
– Nếu bạn là nạn nhân:
NÊN:
* Nhớ rằng người ta thường có khuynh hướng đứng về phe nạn nhân
* Nhấn mạnh rằng bạn đang làm việc với những người đúng đắn để kiểm soát tình hình
* Theo dõi sát – tìm cơ hội để nắm thông tin về vụ việc mà không tạo thêm căng thẳng
KHÔNG NÊN:
* Tạo ấn tượng rằng bạn đang lợi dụng tình hình
– Khi trả lời các câu hỏi khó chịu:
* Giữ thái độ tích cực
* Tránh nói: Không, Không bao giờ, Không có gì, Không một ai
* Tránh nói: “Đây là chuyện riêng” hay nói “Miễn bình luận” hay phát biểu ‘ý kiến cá nhân’…
* Bác bỏ dư luận sai lạc bằng các thông điệp chủ đạo của bạn
* Cảnh giác và mau sửa chữa lỗi lầm rồi đi ngay sang thông điệp chủ đạo của bạn
* Dùng các ‘kiểu nói chuyển đề’ như:
“Tôi xin đưa sự việc vào đúng bối cảnh…”
“Để đưa sự việc vào đúng bối cảnh, chúng ta cần nói về…”
“Đây không phải lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng điều tôi có thể khẳng định với bạn là…”
“Điều tôi có thể xác nhận với bạn lúc này là…”
“Điều thực sự quan trọng chúng ta cần nhớ là…”
“Điểm tôi muốn nhấn mạnh là…”
“Điều mà công chúng muốn biết là…”
“Đây là một điểm quan trọng bởi vì…”
“Tôi chỉ muốn thêm một câu là…”
“Đó là điều hay, nhưng một điều cũng quan trọng không kém là…”
“Vâng, nhưng chúng ta hãy xét điểm này…” (Đổi tiêu cực thành tích cực!)
Trả lời các câu hỏi khó chịu phải luôn luôn phản ánh sự quan tâm và quyết tâm tìm ra nguyên nhân của tình hình.
(Còn tiếp)
WHĐ (11.6.2022)