Phần III
Chuẩn Bị Cho Sứ Vụ Công Khai
BÀI 9: GIOAN TẨY GIẢ XUẤT HIỆN (3,1-6)
I- GIẢI THÍCH
Cả ba quyển Tin Mừng Nhất lãm đều chép chuyện này (Mt 3,1-3; Mc 1,1-3), những Lc chép dài nhất (6 câu trong khi Mt và Mc chỉ có 3 câu). Ta hãy so sánh Lc với Mt để khám phá những ý tưởng đặc biệt của Lc.
c 1-2a: Đây là đoạn thêm của Lc. Ghi thêm rất nhiều nhân danh, địa danh và thời biểu.
– “Hoàng đế Tibêriô năm thứ 15”: tương đương với năm 28-29 công nguyên. Vì khi lập lịch công nguyên Denys is Petit đã tính trễ mất 4 năm (xem ’36 câu hỏi Thánh Kinh’, bảm dịch của Lm Hồ Bạc Xái, câu hỏi 23) nên có lẽ lúc đó Đức Giêsu chừng 32 hay 33 tuổi.
– “Ponxiô Philatô làm Tổng trấn xứ Giuđêa”: ông giữ chức vụ này từ năm 26 đến 36.
– “Hêrôđê làm Phó vương xứ Galilê”: đây là Herôđê Antipas con của Hêrôđê Cả, ông cai trị Galilê từ năm 4 và bị đày sang xứ Gaule năm 30 và là người đã giết Gioan Tẩy Giả (Mt 14,3-12; Mc 6,17-29; Lc 3,19-20)
– “Philip em ông làm Phó vương xứ Ituri và Tracônitiđê”: đây là một đứa con khác của Hêrôđê Cả, trị vì các năm 4-34. Thực ra lãnh địa của ông rộng hơn nhiều, nhưng Lc chỉ kể những phần đất ít người Do thái hơn cả.
– “Lysani làm Phó vương xứ Abilen”: Abilen là một xứ nằm ngoài phạm vị Palestina, xứ của người ngoại.
– “Khanna và Caipha làm Thượng tế”: Khanna làm Thượng tế các năm 6-15, Caipha làn Thượng tế các năm 18-36. Câu chuyện này xảy ra vào năm 28-29 tức là trong nhiệm kỳ Thượng tế của Caipha. Tuy nhiên Khanna dù đã mãn nhiệm vẫn còn nhiều ảnh hưởng nên Lc cũng kể tên ông.
* Nhân xét về đoạn thêm này của Lc:
+ Hơn các Tin Mừng gia kia, Lc quan tâm nhiều về lịch sử và địa lý.
+ Khi liệt kê nhiều nhân danh, địa danh và thời biểu, đoạn văn của Lc có vẻ trang trọng hẳn lên. Tại sao trang trọng như vậy? Để đề cao nhân vật mà tiếp đó ông sắp giới thiệu đó là Gion Tẩy Giả.
Nhưng đề cao Gioan Tẩy Giả cũng là đề cao Đức Giêsu, vì trong hai chương đầu, Lc trình bày song song nhau hai nhân vật: Gioan và Giêsu.
+ Lc đặt lời rao giảng đầu tiên vào một bối cảnh lịch sử và địa lý đặc biệt.
+ Trong nhiệm kỳ của các nhân vật thế phàm (Tibêriô, Ponxiô, Philatô, Hêrôđê, Philip, Lysani) và các nhân vật Do thái (Anna và Caipha).
+ Trong bốn vị Phó vương, hai vị cai trị những miền đất Do thái (Hêrôđê và Philatô), hai vị cai trị những miền đất dân ngoại (Philip và Lysani).
Nghĩa là Lc muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát của lời rao giảng đầu tiên (thế phàm và Do thái, trong xứ Palestina và ngoài xứ đó).
c 2b – “Có lời Thiên Chúa phán với Gioan…”: Cùng một cách nói như ở Gr 1,2. Ngụ ý rằng Gioan là một ngôn sứ (như Giêrêmia). Đây cũng là công thức chỉ riêng của Lc.
c 3a – “Ông rao giảng khắp miền song Giođan”: Mt nói Gioan rao giảng ở sa mạc (để hợp với câu Is 40,3 mà Mt sắp trích dẫn). Lc sửa lại “miền sông Giođan” để cho độc giả lương dân của ông dễ hiểu hơn.
Dù sao cả hai không mâu thuẫn nhau, vì vùng hai bên sông Giođan cũng hoang vắng.
c 3b Nội dung rao giảng của Gioan tiếp nối các ngôn sứ Cựu Ước “Hãy ăn năn trở lại”. Nhưng hơn các vị ấy, Gioan còn thanh tẩy.
– Thời đó cũng có nhiều nhóm làm thanh tẩy (thanh tẩy cho dự tòng muốn nhập đạo Do thái, thanh tẩy trước các lễ nghi, trước khi ăn. Nhiều nhóm khác, trong đó có nhóm Qumran cũng thanh tẩy). Nhưng điểm khác biệt của thanh tẩy Gioan là chỉ làm một lần, và do Gioan làm cho người thụ tẩy (chứ không phải người thụ tẩy tự làm). Như thế, thanh tẩy của Gioan rất đặc biệt, do đó dân chúng “lũ lượt” theo ông (c 7)
– Nhưgn thanh tẩy của Gioan không giống thanh tẩy của Kitô giáo. Thanh tẩy Kitô giáo thực sự tha tội và ban một cuộc sống mới. Còn của Gioan là chỉ để bày tỏ lòng sám hối, chuẩn bị cho Thiên Chúa tha tội.
* Tóm lại: Gioan nghĩ rằng hệ thống tôn giáo Do thái còn thiếu xót vì chỉ kêu gọi ăn năn trở lại. Gioan thấy cần bày tỏ thiện chí ăn năn bằng một cử chỉ thanh tẩy. Nhưng dù sao thanh tẩy ấy chỉ là chuẩn bị, nó dọn đường cho thanh tẩy Kitô giáo sắp đến thực sự tha tội và ban cuộc sống mới.
c 4-6 Lc trích dẫn Is dài hơn Mt và Mc, Câu trích của Lc kéo dài cho tới “hầu mọi phàm nhân sẽ được đón xem Vị cứu tinh bởi Thiên Chúa Thiên đình”: thêm một chi tiết cho thấy chiều hướng phổ quát củ lời rao giảng đầu tiên.
III. KẾT LUẬN
Sau gần 5 thế kỷ im tiếng ngôn sứ (Tv 74,9; 1Mcb 4,46 9,27 14,41) bây giờ một ngôn sứ lại xuất hiện với lời rao giảng đầu tiên mang tính chất phố quát. Lời rao giảng này chuẩn bị cho Đức Giêsu.
BÀI 10: LỜI RAO GIẢNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ (3,7-18)
I- GIẢI THÍCH
Ở phía trên (3,3), Lc đã tóm lược lời rao giảng của Gioan vào 2 nội dung chính: “kêu gọi người ta chịu phép rửa” và “tỏ lòng sám hối”. Trong đoạn tiếp theo này, Gioan mô tả phải sám hối cụ thể như thế nào.
cc 7-9 – Sám hối cụ thể là phải “sinh hoa quả”, tức là không phải chỉ có tâm tình sám hối suông, nhưng tâm tình ấy phải biểu lộ bằng những việc làm cụ thể (những việc mà Gioan sẽ chỉ rõ cho từng người tùy theo hoàn cảnh sống của họ: cc 10-14).
– Phải sám hối cụ thể như vậy chứ đừng ỷ lại mình là con cháu Abraham nên sẽ đương nhiên được cứu rỗi. Đối với Thiên Chúa, con cháu thực của Abraham không phải là những người cùng huyết thống với ông, mà là những kẻ có đức tin như ông.
– việc sám hối cụ thể này ai cũng phải gấp rút thực hiện, vì thời giờ đã cấp bách lắm rồi, giống như cái rìu đã kề sát gốc cây.
c 10-14 Dân chúng đã hiểu phải làm những việc cụ thể để tỏ lòng sám hối, nên họ hỏi kỹ thêm “chúng tôi phỉ làm gì?”. Chú ý câu hỏi này được lặp lại 3 lần; cũng nên chú ý động từ “làm”: sự hoán cải thực sự không phải chỉ là tình cảm suông, mà phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
– Trả lời cho quần chúng cách chung, Gioan dạy sống yêu thương, cụ thể bằng việc chia sẻ cơm áo.
– Trả lời cho hai hạng người đặc biệt là thu thuế và lính tráng, Gioan bảo họ hãy sửa đổi lỗi lầm mà họ quen phạm: hãy sống công bình (thu thuế thường gian lận, lính tráng thường ức hiếp).
* Nhận xét: xem 6,29-36 Lời dạy của Đức Giêsu triệt để hơn (không trả đũa, yêu thương kẻ thù, có long thương xót). Gioan chỉ khuyên người ta cố gắng sống tốt hơn trong cuộc sống hiện tại (Gioan không bảo thu thuế và lính tráng – vốn là những người Do thái làm lính đánh thuê, không hợp lắm với luật đạo Do thái – phải từ bỏ lối sống bất xứng hiện tại để sống một cuộc sống mới). Lý do: Gioan chỉ là người dọn đường cho Đức Giêsu sẽ đến rao giảng một nếp sống mới triệt để hơn.
c 15-18 Thời đó mọi người đang mong đợi Đấng Messia và họ đã tự hỏi không biết Gioan có phải là Messia hay không. Gioan trả lời họ bằng ba hình ảnh: người đầy tớ, sự thanh tẩy và mùa gặt.
a/ Người đầy tớ: Theo tục lệ Do thái khi một người chủ đi đến nhà ai đó thì thường có đầy tớ đi theo. Lúc bước vào nhà, đầy tớ phải cúi xuống mở giày của chủ, rồi cầm giày đứng chờ trong khi chủ nói chuyện với người ta. Đến lúc chủ sắp về thì đầy tớ mạng lại giày cho chủ. Gioan sử dụng hình ảnh này và còn nói thêm: so với Đức Giêsuông còn không xứng đáng làm công việc của người đầy tớ ấy nữa.
b/ Sự thanh tẩy: Gioan so sánh phép thanh tẩy của ông với của Đức Giêsu: ông chỉ thanh tẩy bằng nước, còn Đức Giêsu thanh tẩy bằng Thánh Thần và Lửa.
* Nước chỉ là một dấu chỉ bên ngoài, nó chỉ lướt qua bên ngoài. Thánh Thần mới xuyên thấu tận bên trong.
* Lửa cũng thế: đốt tận bên trong, thanh luyện, làm nóng lên toàn bộ.
c/ Mùa gặt: Mùa gặt là hình ảnh truyền thống ám chỉ đến sự xé xử của Thiên Chúa. Gặt xong người ta sàng sẩy để phân lúa khỏi trấu. Lúa thì cất vào kho, còn trấu thì đem đốt bằng lửa (ở đây lửa mang thêm ý nghĩa trừng phạt).
III- KẾT LUẬN
Gioan là kẻ dọn đường cho Đức Giêsu, Messia thật. Để dọn đường, ông kêu gọi người ta hoán cải, không chỉ hoán cải bằng tình cảm mà phải hể hiện bằng những việc lành trong cuộc sống hiện sống. Chia sẻ và công bình. Lời rao giảng này chuẩn bị cho lời rao giảng của Đức Giêsu triệt để hơn: Phải bỏ nếp sống cũ để lấy một nếp sống mới.
BÀI 11: ĐỨC GIÊSU CHỊU THANH TẨY (3,19-22)
I- NHẬN XÉT
– Giữa truyện trước và truyện này, Lc chen vào một chuyện xem ra không hợp lý chút nào: Gioan bị cầm tù (cc 19-20). Nếu Gioan đã bị cầm tù và cứ bị ở đo mãi cho đến khi chết thì làm sao hôm nay có thể làm phép thanh tẩy cho Đức Giêsu được?
– Trong hai câu kể chuyện thanh tẩy, Lc không hề nhắc gì tới Gioan.
Những chi tiết kỳ lạ như vậy chứng minh rằng trong truyện này Lc không coi Gioan là vai chính, trái lại vai chính là Đức Giêsu. Và nếu vai chính là Đức Giêsu thì điều quan trọng trong chuyện này không phải là chuyện thanh tẩy, nhưng là chuyện khác. Chuyện gì? Ta hãy tìm hiểu tiếp.
II- VAI TRÒ CỦA GIOAN (19-21a)
c 19-20 Ý nghĩa việc Gioan ngồi tù: Mt 14,3 và Mc 6,17 nói tiểu vương Hêrôđê từng giam Gioan vì lý do gia đình (Gioan đã chỉ trích việc ông cưới bà Hêrôdia): Lc cũng kể lý do đó ra (“Hêrôđê bị ông Gioan khiển trách vì đã lấy người em dâu là bà Hêrôdia”) nhưng còn thêm: “và vì tất cả các tội ác tiểu vương đã phạm”. Ở đoạn liền phía trên (cc 7-18), Lc ghi lại lời Gioan đã kêu gọi người ta sám hối tội lỗi, đã đe dọa nếu ai không sám hối thì sẽ chịu cơn lôi đình của Thiên Chúa sắp giáng xuống. Vậy khi ghi tiếp việc Gioan bị tống ngục vì lý do dám khiển trách Hêrôđê “vì tát cả các tội ác tiểu vương đã phạm”. Lc muốn nói Gioan vẫn trung thành với sứ mạng kêu gọi sám hối, cho dù lòng trung thành đó khiến ông phải ngồi tù. Gioan đúng là một ngôn sứ can đảm.
c 21a – “Toàn dân đã thụ tẩy xong”: Chữ “xong” này rất có ý nghĩa, sứ mạng của Gioan đã hoàn tất rồi. Chuyện này đánh dấu một bước ngoặc chuyển sang một giai đoạn mới, là giai đoạn sứ mạng của Đức Giêsu.
– Kết luận trên lại được củng cố bởi Lc 16,16 trong đó Lc phân chia rõ rệt 3 giai đoạn của lịch sử cứu độ.
“ Thời gian từ luật Môsê và hàng ngôn sứ” (thời Cựu Ước)
“Kéo dài mãi tới Gioan” (thời Gioan).
:Rồi từ đó thì rao giảng Tin Mừng Nước Chúa” (thời Đức Giêsu và GH).
III- ĐỨC GIÊSU CHỊU THANH TẨY
c 21b – “Đức Giêsu đang cầu nguyện”:
– Biến cố này xảy ra không phải do việc thanh tẩy mà do sự cầu nguyện của Đức Giêsu.
– Lc là Tin Mừng gia viết nhiều về sự cầu nguyện. Mà chủ yếu của sự cầu nguyện là xin Thánh Thần ngự xuống 11,13; Cv 4,31 1,13-14 19,1-6
– “Trời mở ra”:
* Is than rằng trời đã đóng lại và ông cầu xin cho trời mở ra trong thời Messia.
* Cộng với chi tiết trời mở ra, lại thêm chi tiết “Thánh Thần hiện xuống” và “tiếng phán từ trời”. Tất cả đều là những chi tiết qui ước cần có cho một cuộc thần hiện.
c 22a “Thánh Thần ngự xuống”
* Lc trước đó đã trình bày Đức Giêsu là hẻ đã thụ thai bởi phép Thánh Thần (1,35), bởi đó hôm nay Thánh Thần ngự xuống tren Ngài. Và sau này sau khi đã được siêu tôn thì Ngài lại nhận Thánh Thần từ tay Chúa Cha ban (Cv 2,33).
* Chính vì được Thánh Thần ngự xuống hôm nay nên sau đó Đức Giêsu “tràn đầy Thánh Thần” đến vùng hoang địa để chịu Satan cám dỗ (4,1) và trở về Galilê (4,14), đến Nazarét công bố rằng “Thánh Thần ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng…” (4,18).
* Như vậy việc Thánh Thần ngự xuống là bắt đầu sứ mạng của Đức Giêsu.
c 22b – “Tiếng từ trời”
* Một số bản chép tiếng này giống với Mt 3,17 và Mc 1,11 “Đây là Con lòng Ta ưu ái, làm cho Ta vui thỏa hoàn toàn”. Ngụ ý coi Đức Giêsu là Người Tôi Tớ mà Is đã loan báo.
Một số thủ bản khác chép “Con là con của Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” tức là trích nguyên văn Tv 2,7 với ý nghĩa Thiên Chúa tấn phong Đấng Messia của Ngài (Cha Thuấn theo thủ bản I “Con làm Ta vui thỏa”. Cha An Sơn Vị và bản dịch của Tòa Giám Mục TP HCM 1994 theo thủ bản II “Hôm nay Ta sinh ra Con”).
* Chúng ta chọn thủ bản II vì những lỳ do sau:
– Ở Cv 13,33 Lc khi nói về sứ mạng Đức Giêsu cuingx trích Tv 2,7.
– Nếu là trích Tv 2,7 ở đây thì sẽ ăn khớp mạch lạc hơn với chuyện sau đó (cc 23-28) Lc ghi gia phả của Đức Giêsu lên đến tận “Ađam, con của Thiên Chúa”, và cũng hợp với chuyện Đức Giêsu với tư cách người vừa mới được tấn phong làm Messia ra tuyên bố về sứ mạng của Ngài tại Hội đường Nazarét (4,16-18).
IV-KẾT LUẬN
Lc viết chuyện này nhưng không nhằm mục đích nói về việc Gioan làm phép thanh tẩy cho Đức Giêsu, mà muốn cho thấy rằng qua biến cố này Đức Giêsu được tấn phong làm Messia. Như vậy biến cố này vừa là chấm dứt sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, vừa là bắt đầu sứ mạng của Đức Giêsu Messia.
BÀI 12: GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU (3,23-38)
I- VĂN THỂ GIA PHẢ
1/ Dân Sêmít rất chú trọng đến gia phả. Ngay cả những gia đình rất tầm thường cũng có bảng gia phả của họ (Ravius Josèphe). Do đó ta thấy Thánh Kinh ghi ra rất nhiều bảng gia phả.
2/ Nhưng gia phả của họ không phải là một bảng liệt kê các thế hệ một cách chính xác và đúng y lịch sử. trong gia phả, quan trọng nhất là tên đầu và tên cuối, vì mục đích của gia phả là chứng minh người nào đó xuất phát từ một tổ phụ nào đó. Các tên giữa không quan trọng lắm, người ta có thể bớt đi một số tên giữa, và cũng có thể cho thêm một số tên của những người tuy không cùng dòng máu trực hệ nhưng là bà con hoặc là con nuôi của gia tộc.
3/ Có 3 loại gia phả chính:
– Gia phả dân tộc: các tên được ghi ra không phải là tên người mà là tên dân tộc, nhằm chứng minh các dân tộc trong bảng gia phả này có cùng một gốc tổ. Thí dụ St 10,11.
– Gia phả danh nhân: chỉ ghi tên những nhân vật lớn trong lịch sử thánh. Thí dụ St 11,10-32; Xh 6,14-25; Rt 4,18-22.
– Gia phả pháp lý: rất được coi trọng kể từ thời lưu đày trở về. Loại gia phả này nhằm chứng minh một người nào đó đúng thực là dân Israel. Thí dụ Er 2,62-63; Nkm 7,61-65.
II- NGHIÊN CỨU BẢNG GIA PHẢ 3,23-38
Trước khi ghi bảng gia phả của Đức Giêsu, Lc ghi nhận “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Ngài trạc 30 tuổi” (c 23): chỉ một mình Lc cung cấp chi tiết 30 tuổi này, có lẽ muốn độc giả liên tưởng tới vủa Đavít lên ngôi vua lúc 30 tuổi. Do đó ta đừng hiểu con số 30 này theo sát nghĩa đen, chỉ cần biết khi đó Đức Giêsu đã chững chạc (Tam thập nhi lập).
Về chính bảng gia phả:
Bảng gia phả gồm 77 thế hệ. Bảng gia phả trong Mt 1,1-17 gồm 42 thế hệ (42 = 3(7×2)). Tuy tổng số thế hệ có khác nhau, nhưng ta thấy cả Mt lẫn Lc đều cố ý dùng những con số 7, con số mang ý nghĩa hoàn hảo, Đức Giêsu là con người hoàn hảo.
* Trong Mt 1, tên đầu và tên cuối là Giêsu và Abraham: nhằm chi thấy Đức Giêsu là người Do thái đích thực vì thuộc dòng dõi Abraham ông tổ dân Do thái.
Còn trong Lc, tên đầu là Giêsu, tên cuối là Ađam. Lc muốn cho thấy Đức Giêsulà người thật vì thuộc dòng dõi của Ađam tổ phụ của loài người. Như thế ngay từ đầu, Lc cho thấy chiều hướng phổ quát của ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến: Ngài đến cứu độ không riêng gì dân Do thái, mà cả loài người. Hơn nữa, tên Ađam lại được ghi thêm chi tiết “Ađam, con Thiên Chúa” chi tiết này trùng với Đức Giêsu vừa được tiếng từ trời (tiếng Thiên Chúa) gọi là “Con của Cha”. Đấng “Con Thiên Chúa” có liên hệ mật thiết với dòng dõi loài người mà Ngài đến cứu. Ađam và hậu duệ của ông đều có thể làm dưỡng tử của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu, Đấng thực sự là Con Thiên Chúa.
* Một tên quan trọng khác trong bảng gia phả này là Đavít. Thuộc dòng dõi Đavít là một điều kiện quan trọng để được nhìn nhận là Messia.
Tóm lại, qua cách viết gia phả, Lc muốn nói rằng:
– Đức Giêsu là Đấng Messia (tên Đavít).
– thuộc dòng dõi Do thái thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ (tên Abraham).
– và liên đới với loài người mà Ngài muốn cứu tất cả (tên Ađam).
BÀI 13: ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ (4,1-13)
Ba Tin Mừng Nhât lãm đều có ghi chuyện này, nhưng dĩ nhiên để trình bày những quan điểm thần học riêng. Để thấy quan điểm của Lc, chúng ta sẽ so sánh đoạn này với đoạn song song trong Mt 4,1-11.
I- GIẢI THÍCH
cc 1-2 Ngay trong phần mở đầu, Lc đã thêm 2 chi tiết quan trọng:
– “Đức Giêsu tràn đầy Thánh Thần” (Cv 6,5 7,55 11,24) với động từ đầy tràn (Lc 1,15.41.47; Cv 2,4 4,8.31 9,17 13,9.52)
– “Ngài lìa bỏ sông Giođan” Lc muốn nối kết chuyện này với chuyện trước đó Đức Giêsu chịu thanh tẩy ở sông Giođan và được đầy Thánh Thần. Nghĩa là: Ngài phải chịu những cơn cám dỗ này trong tư cách của Đấng vừa được tấn phong làm Messia.
* Lc cũng sửa đổi ba chi tiết.
– Không nói “được hướng dẫn bởi Thánh Thần” (bản dịch B.J. của cha Thuấn và cha An Sơn Vị), mà nói “được hướng dẫn trong Thánh Thần” (dịch đúng nguyên văn Hy lạp en tô pneumatic): Thánh Thần và Đức Giêsukhông phải ở ngoài nhau để tác động lên nhau, mà là ở trong nhau vì Đức Giêsu đã ”tràn đầy Thánh thần”.
– Không nói “hướng dẫn vào sa mạc” (au desert, chỉ một hướng đi) mà nói “hướng dân nơi sa mạc” (à travers le desert, không xác định một địa điểm chính xác): được hướng dẫn trong Thánh Thần, Đức Giêsu đi xuyên suốt vùng sa mạc đến bất cứ nơi nào mà Thánh Thần dẫn tới.
– Không nói “sau 40 ngày” mà nói “trong 40 ngày”. Theo Lc, những cuộc cám dỗ diến ra trong suốt thời gian Đức Giêsu ở sa mạc.
cc 3-4 Cám dỗ thứ nhất:
– Lc sửa “những viên đá” (số nhiều) thành “viên đá” (số ít). Sở dĩ Mt dùng số nhiều là vì viết cho người Do thái, ông muốn cho họ thấy có sự tương tự với những bánh manna ngày xưa trong sa mạc. Còn Lc dùng số ít vì viết cho lương dân không cần liên tướng như thế, nhưng phải để hiểu hơn: không cần biến nhiều viên đá thành bánh, một viên thôi cũng đủ rồi.
– Chữ “nếu” không có nghĩa là điều kiện (si conditionnel mà đưa ra lý do (si exprimant le motif): chính vì ông là Con Thiên Chúa nên ông thừa sức biến đá thành bánh, vậy hãy biến đi! Như vậy cám dỗ này không chú trọng tới cơn đói mà chú trọng tới việc sử dụng quyền lực: Đức Giêsu vừa được tấn phong làm Messia làm Messia với quyền lực trong tay. Satan cám dỗ Ngài dùng quyền lực ấy đẻ phục vụ cho chu cầu bản thân. Đức Giêsu chối từ, bởi vì quyền lực Messia của Ngài là để phục vụ sứ mạng Cha giao. Ngài cũng sẽ sử dụng quyền lực ấy nhưng luôn luôn để phục vụ sứ mạng mà thôi.
cc 5-8 Cơn cám dỗ thứ hai:
Thứ tự các cơn cám dỗ thư hai và thứ ba kông giống như trong Mt: Mt theo thứ tự “trên Đền thờ” rồi tới “trên núi”. Trong Lc thì ngược lại: Trên núi rồi mới tới trên Đền thờ. Lý do sẽ nói sau. Lc cũng sửa đổi nhiều điểm quan trọng:
– Không nói “trên một ngọn núi cao” vì Lc coi “núi” là nơi chỉ dành cho việc kết hợp với Thiên Chúa, cầu nguyện và thần hiện chứ không phải là nơi cám dỗ (ngay cả việc rao giảng Lc cũng coi là chưa đáng ở trên núi. Vì thế trong khi Mt đặt bài giảng các mối phúc của Đức Giêsu trên núi (Mt 5,1) thì Lc đặt nó trên cánh đồng (Lc 6,17). Do đó Lc chỉ nói Satan đưa Đức Giêsu “lên cao” mà thôi.
– Lc còn sửa phạm trù không gian (núi) của Mt thành phạm trù thời gian “trong nháy mắt”, bởi vì thực tế chẳng thể có một ngọn núi nào mà từ đó người ta có thể “thấy mọi nước trên hoàn cầu” được Lc rất quan tâm tới việc làm cho bài viết của mình trở thành hợp lý, dễ hiểu hơn đối với độc giả lương dân, nên trình bày cơn cám dỗ thứ hai này như một thị kiến mà Satan gợi lên trong trí của Đức Giêsu.
– Mt viết “tôi sẽ cho ông hết mọi điều đó” (đối tượng là những sự giàu sang), Lc sửa lại “Tôi sẽ cho ông mọi quyền hành…” (đối tượng là quyền hành): người ta tin rằng tạm thời Thiên Chúa để cho Satan nắm quyền trên thế gian (Tin Mừng Gioan gọi ma quỷ là ‘vua của thế gian’ (Ga 12,31); Phaolô còn dám nói ma quỷ là ‘thần của thế gian này’ (2Cr 4,4). Vậy với tư cách là ông chủ tạm thời cầm quyền trên thế gian, Satan hứ sẽ ban quyền ấy cho Đức Giêsu.
– Nhưng dù sao thì Satan đâu phải là ông chủ thực, cho nên Lc đã đặt vào miệng mó câu nói “vì bấy nhiêu sự ấy đã được trao phó cho tôi”. Động từ ở thể thụ động gợi ý hiểu ngầm là Thiên Chúa trao thế gian cho nó chứ tự nó không có quyền gì thực sự.
* Ý nghĩa cám dỗ thứ hai: Satan hứa ban cho Đức Giêsu cùng một điều mà hiên Chúa hứa ban cho Ngài: trong tường thuật thanh tẩy, Lc đã trich Tv 2,7 “Con là Con của Ta, hôm nay Ta sinh ra Con”, câu 8 tiếp liền đó của Tv này là “Con hãy xin và Ta sẽ ban cho Con làm sản ngiệp mọi dân tộc và lãnh địa đến mút cùng trái đất”. Như thế là Đức Giêsu ở trước một sự chọn lựa: hoặc nhận quyền thống trị thế giới ngay từ bây giờ từ tay Satan, hoặc sẽ nhận quyền đó sau này khi đã hoàn tất sứ mạng chịu chết và sống lại. Và câu trả lời của Đức Giêsu nói rõ Ngài chọn nhận từ tay Chúa Cha.
c 9-12 Cám dỗ thứ ba: Lc thêm hai chi tiết:
– Cả Mt và Lc đều trích dân Tv 91,11-12, nhưng Mt trích dẫn hơi thiếu (Tv 91,11 ‘Vì Con, Ngài sẽ dạy Thiên sứ của Ngài…’), Lc trích câu 11 đầy đủ hơn “Vì Con, Ngài sẽ dạy Thiên sứ của Ngài phải gìn giữ bảo vệ Con”. Ta thấy Lc quan tâm hơn Mt về tính chính xác.
– Về câu trả lời của Đức Giêsu, Mt viết ‘Cũng có lời Thánh Kinh’, Lc bỏ chữ “cũng”: “Có lời Thánh Kinh”. Như thế thì rất tương ứng với lời cám dỗ của Satan “Có lời Thánh Kinh”. Lc làm cho câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ đốp chát lại từng chữ với lời cám dỗ của Satan.
* Ý nghĩa cám dỗ thứ ba: Satan cám dỗ Đức Giêsu lạm dụng sự che chở của Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu chỉ muốn phục vụ Thiên Chúa chứ không muốn lợi dụng Ngài. Dĩ nhiên Thiên Chúa sẽ che chở Ngài nhưng mà theo cách Thiên Chúa muốn và vào lúc Thiên Chúa muốn. Hiện tai Đức Giêsu chỉ lo phục vụ sứ mạng của Thiên Chúa, đến khi Ngài chịu nạn chịu chết, thì Thiên Chúa sẽ che chở Ngài, làm cho Ngài sống lại. Điều này sẽ diễn ra ở Giêrusalem.
Tai sao Lc đổi thứ tự hai cơn cám dỗ sau?
* Những câu trả lời của Đức Giêsu sau từng cơn cám dỗ đều trích dẫn sách Đệ Nhị Luật. Nếu theo thứ tự của Mt thì các câu trích dẫn đi theo rất đúng thứ tự từ dưới lên trên, nghĩa là Đnl 8,3 6,16 6,13. Như vậy xem ra Mt hợp lý hơn. Phần Lc, khi đổi thứ tự các cơn cám dỗ thì làm cho những câu trích Đnl không còn theo thứ tự nào cả
* Lý do là Lc muốn coi cuộc cám dỗ ở Giêrusalem là cao điểm của cám dỗ. Tất cả Tin Mừng Lc đều hướng về Giêrusalem như cao điểm, thì cuộc cám dỗ cũng thế. Lc nghĩ rằng sau chuyện này thì Satan không còn có thể cám dỗ Đức Giêsu được nữa. Điểm này sẽ nói rõ hơn ở phần dưới đây.
c 13 Phần kết luận của tường thuật
– Câu 13 nếu dịch cho sát chữ thì sẽ là ‘sau khi đã sử dụng hết mọi hình thức của sự cám dỗ’. Chú ý “sự cám dỗ” (la tentation) ở số ít, mặc dù có tới 3 cơn cám dỗ, Lc muốn nói rằng: đến đây thì sức cám dỗ của Satan đã thất bại hoàn toàn, cuộc chiến thắng này của Đức Giêsu là chiến thắng dứt khoát. Từ chuyện này trở đi, Lc không dùng từ “sự cám dỗ” (peiramos) mà dùng từ peiramoi (số nhiều, nghĩa không phải là tentation mà là épreuves, có thể dịch là ‘gian truân’, ‘thử thách’) (chỉ dùng peiramos đối với các môn đệ thôi, chẳng hạn khi Phêrô ‘cám dỗ’ Đức Giêsu). Từ nay Satan không thể cám dỗ nổi Đức Giêsu nữa, nó chỉ gây nhiều khó dễ cho Đức Giêsu thôi.
– Cũng vì lý do đó, nên ở cuối câu 13a, Lc thêm chữ “xong” ‘sau khi cám dỗ Ngài đủ cách xong’
– “Ma quỷ bỏ Ngài rút lui tới khi ấn định”. “Khi ấn định” chính là cuộc thụ nạn của Đức Giêsu ở Giêrusalem. Lúc đó Satan sẽ trở lại. Bởi đó, Lc nói về Giuđa rằng ‘Satan đã nhập vào Giuđa’(22,3) và Đức Giêsu cũng nói rằng “nhưng đây là giờ của các ngươi, là lúc lộng quyền của sự tối tăm” (22,53).
– Những “tới khi ấn định” ấy, dù Satan có trở lại thì cũng không phải là để cám dỗ Đức Giêsu một lần nữa, nhưng là để gây nên cái chết cho Ngài
– Chuyện này đánh dấu chiến thắng dứt khoát của Đức Giêsu trên Satan. Bởi thế, sau chuyện này Lc ghi lại một loạt những thất bại liên tiếp của Satan (4,41 6,18 7,21 8,2 10,18 11,14-22…)
Hướng chú ý của Lc:
Ngoài những chi tiết khác nhau vừa nêu trên giữa bài tường thuật của Lc với của Mt, cón một khác biệt quan trọng nữa là Lc hướng chú ý đến phía Satan nhiều hơn phía Đức Giêsu.
– Những lời cám dỗ của Satan trong Lc dài hơn trong Mt:
* Cám dỗ bánh: dài như nhau (Mt c 3; Lc c3).
* Cám dỗ nơi cao: Lc dài hơn (Mt c 9; Lc c 6-7).
* Cám dỗ Giêrusalem: Lc dài hơn (Mt c 6; Lc c 4)
– Những câu trả lời của Đức Giêsu trong Lc ngắn hơn trong Mt:
* Bánh: Lc ngắn hơn (Mt c 4; Lc c 4).
* Đền thờ và nơi cao: như nhau.
– Câu kết
* Mt c 11: Satan bỏ đi luôn.
* Lc c 13: Satan tạm lui rồi sẽ trở lại ‘khi ấn định’
II- KẾT LUẬN
Bài tường thuật của Lc có hai điểm lớn:
1/ Hướng sự chú ý về phía Satan. Làm như thế là Lc muốn nối kết chuyện này với chuyện thụ nạn của Đức Giêsu.
2/ Trình bày các cơn cám dỗ theo hướng về phía Giêrusalem, nơi Đức Giêsu sẽ thụ nạn, hoàn thành sứ mạng của mình.
Như thế có sự khác biệt cơ bản với Mt:
* Mt trình bày chuyện này như hướng về quá khứ: Đức Giêsu chịu lại những cám dỗ của Israel xưa
* Còn Lc hướng về tương lai: chiến thắng hôm nay là tiên báo cho chiến thắng cuối cùng ở Giêrusalem.