Phong Trào “Lòng Chúa Thương Xót” Và Lòng Đạo Đức Bình Dân
Linh mục Antôn Hà văn Minh
MỤC LỤC
- Lòng sùng mộ Thánh Tâm Chúa trong cộng đồng Dân Chúa
- Lịch sử hình thành phong trào tôn sùng Thánh Tâm Chúa.
- Các hình thức tôn sùng Trái tim Chúa dưới hình thức lòng đạo đức bình dân.
- Việc tôn sùng Trái Tim Chúa dưới cái nhìn của các vị Chủ chăn của Giáo Hội
- Việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót
- Mục đích việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót
- Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót dưới hình thức lòng đạo đức bình dân.
- Ảnh hưởng phong trào Lòng Chúa Thương Xót trong đời sống Giáo Hội
- Nền tảng thần học cho việc phát triển phong trào “Lòng Chúa Thương Xót”.
- Kết
WHĐ (06.04.2021) – Vào ngày 13 tháng Ba năm 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” được gọi là “Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót”. Điều đặc biệt là Đức Thánh cha chính thức công bố Tông sắc Năm thánh Misericordiae vultus vào chiều thứ bảy ngày 11-4-2015, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày lễ do Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào Chúa Nhật II Phục Sinh do đề nghị của thánh nữ Maria Faustina, người nữ tu được nhìn thấy Chúa Giêsu trong một thị kiến với sứ điệp là phổ biến rộng rãi việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Đức Thánh cha nói: “Như chúng ta đã thấy, trong Thánh Kinh, lòng thương xót là từ then chốt để nói về hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không chỉ khẳng định, nhưng còn làm cho tình yêu của Ngài trở nên hữu hình và có thể chạm đến được. Quả thực, tình yêu không bao giờ là một từ ngữ trừu tượng. Tự bản chất, tình yêu nói lên điều gì đó cụ thể: ý hướng, thái độ và cách hành xử được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là trách nhiệm của Ngài đối với chúng ta. Ngài cảm thấy bị ràng buộc với chúng ta, nghĩa là Ngài muốn điều tốt cho chúng ta, muốn thấy chúng ta hạnh phúc, vui tươi và an bình. Đó chính là hướng đi của tình yêu thương xót của các Kitô hữu. Cha yêu thương thế nào thì con cái cũng phải yêu thương như vậy. Chúa Cha là Đấng thương xót chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi phải thương xót nhau”[1].
Và như vậy có thể nói việc Đức Thánh cha Phanxicô công bố Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II cũng được nhìn trong lăng kính của Ðức Thánh Cha cho rằng, chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể “nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ“[2].
Có lẽ Thông điệp Dives in Misericordia của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là động lực thúc đẩy Đức Phanxicô khai mở Năm Thánh Lòng thương xót, bởi trong Tông sắc Misericordiae Vultus Đức Phanxicô đã nói:
“Chúng ta không thể quên giáo huấn sâu sắc của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi cho chúng ta trong Thông điệp thứ hai của ngài, Dives in Misericordia, một Thông điệp được công bố ngoài mong đợi vào thời điểm ấy, và đề tài được đưa ra cũng làm nhiều người kinh ngạc. Tôi đặc biệt nhớ đến hai đoạn. Đoạn thứ nhất, vị Thánh giáo hoàng nêu lên sự kiện lòng thương xót đang bị lãng quên trong văn hóa ngày nay: ‘Tâm thức của con người ngày nay, có lẽ hơn là trong quá khứ, dường như muốn chống lại Thiên Chúa của lòng thương xót, cố ý loại trừ ý niệm thương xót ra khỏi cuộc sống và xóa bỏ khỏi trái tim con người. Từ ngữ và ý niệm thương xót dường như gây bất an cho con người, những kẻ đã dành quyền làm chủ và thống trị trái đất (x. St 1,28) nhờ những tiến bộ vượt bậc về khoa học và kỹ thuật chưa từng thấy trong lịch sử. Việc thống trị trái đất, đôi khi được hiểu theo một chiều và thật nông cạn, dường như không còn dành chỗ cho tình thương. Đó là lý do giải thích tại sao, trong Giáo Hội và thế giới ngày nay, nhiều cá nhân và tập thể, được dẫn dắt bởi một cảm thức sống động về đức tin, đang hướng về lòng thương xót của Thiên Chúa có thể nói là một cách bộc phát tự nhiên’ (Tông huấn Evangelii Gaudium, 2).
Ngoài ra, thánh Gioan Phaolô II cũng giải thích tại sao phải nỗ lực tối đa để công bố và làm chứng cho lòng thương xót trong thế giới ngày nay: ‘Lòng thương xót được điều động bởi tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo nhận định của nhiều người ngày nay, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đồng thời mầu nhiệm Chúa Kitô… thúc bách chúng ta phải loan báo lòng thương xót như là tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, được tỏ bày nơi chính mầu nhiệm Chúa Kitô. Mầu nhiệm này cũng mời gọi chúng ta quay về và khẩn nài lòng thương xót ấy trong thời kỳ khó khăn và mang tính quyết định này của lịch sử Giáo Hội và thế giới’ (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, số 15). Giáo huấn của ngài vẫn còn giá trị và đáng để chúng ta học hỏi trong Năm Thánh này. Một lần nữa hãy nghe ngài nói: ‘Giáo Hội có được đời sống chân thực khi tuyên xưng và phổ biến lòng thương xót – thuộc tính kỳ diệu nhất của Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc – cũng như khi đưa con người đến nguồn mạch của lòng thương xót nơi Đấng Cứu Thế, lòng thương xót được giữ gìn và phân phát bởi chính Giáo Hội’ (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 13)”[3].
Có thể nói, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Thánh của Lòng Chúa Thương Xót, là nguồn gợi hứng cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, nguồn gợi hứng này được nảy sinh từ thị kiến của thánh nữ Maria Faustina Kowalska, nữ tu dòng Đức Mẹ Nhân Lành, vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, người được Chúa Giêsu tỏ mình và sai đi loan báo cho thế giới biết về Lòng Chúa Thương Xót:
“Hỡi tông đồ Lòng Thương Xót của Thầy, con hãy công bố cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót khôn dò của Ta. Đừng chán ngại trước những khó khăn con phải đương đầu khi rao truyền tình thương của Ta. Những khó khăn này tuy làm con đau khổ, nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là bằng chứng cho thấy công cuộc này là của Ta. Ái nữ của Thầy ơi, con hãy tỉ mỉ ghi lại từng câu Ta dạy cho con về lòng nhân lành của Ta, bởi vì nhờ đó rất nhiều linh hồn sẽ được hưởng nhờ lợi ích”[4].
Như vậy, việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót được khởi đầu bằng những hành vi đạo đức mang đặc tính cá nhân, sau đó được nhiều kitô hữu đón nhận và con số tham gia việc tôn sùng đó càng ngày càng nhiều. Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót của các Kitô hữu được đặt trên nền tảng mà Công Đồng Vaticanô II gọi là “cảm thức đức tin” của Dân Chúa (LG số 12). Đây “là một loại bản năng thiêng liêng giúp tín hữu phán đoán một cách tự phát xem một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tin Mừng và với đức tin tông truyền hay không. Nó được nối kết một cách nội tại với chính nhân đức tin; nó phát xuất từ đức tin và là một đặc tính của đức tin. Nó được sánh với bản năng vì nó không chủ yếu là kết quả của suy luận thuần lý, mà đúng hơn là một hình thức nhận biết tự phát và tự nhiên, một thứ tri giác (aisthesis)”[5]. Việc tôn sùng này khởi đầu mang lấy dạng thức được gọi là lòng đạo đức bình dân “phát sinh cách riêng từ việc nhận biết Thiên Chúa từng được ban cho những người có đức tin khiêm nhường. Nó chính là sự biểu hiện của đời sống đối thần được nuôi dưỡng nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn được đổ tràn vào tâm hồn ta”[6].
Lòng đạo đức bình dân là những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đồng trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, diễn tả trước hết, không phải theo các thể thức Phụng vụ, nhưng vay mượn những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc, hay một sắc tộc, nghĩa là thuộc văn hóa của họ. Lòng đạo đức bình dân được định nghĩa chính xác là “một kho tàng đích thực của Dân Chúa”, “biểu lộ một sự khao khát Thiên chúa mà chỉ có những kẻ đơn sơ và khó nghèo mới biết được. Nó làm cho người ta có khả năng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng, khi cần phải chứng tỏ đức tin. Lòng đạo đức ấy chứa đựng một cảm thức bén nhạy về những thuộc tính tâm sau của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện đầy yêu thương và liên lỉ. Nó dẫn tới những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi nào khác với cùng một mức độ như vậy: kiên nhẫn, ý thức về thập giá trong đời sống hằng ngày, sự từ bỏ và thái độ cởi mở đón nhận những sùng mộ khác”[7].
Trước khi trình bày việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót, tưởng cũng nên nhắc lại trong đời sống thiêng liêng của Giáo Hội cũng đang tồn tại một hình thức tôn sùng nói về Lòng Chúa Thương Xót dưới dạng Thánh Tâm (Trái tim) Chúa Giêsu. Nhắc lại việc tôn sùng này để thấy Giáo Hội của Chúa là một cộng đoàn được quy tụ trên nền tảng tình yêu, khởi sự một tình yêu được tỏ bày qua Trái tim bị đâm thủng trên Thập giá và từ tình yêu này con người được chỉ dẫn hướng tới cội nguồn của tình yêu chính là lòng thương xót của Chúa Cha, căn nguyên sự tồn tại của mọi loài thụ tạo.
Có thể nói, phong trào tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được gợi hứng từ thời thánh Gioan, người môn đệ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa cách đặc biệt qua cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Với cảm nghiệm này ngài đã mượn lời Kinh thánh để nói tiên tri về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong đời sống thiêng liêng của Dân Chúa: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37), nghĩa là ngước nhìn “về Trái Tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu, từ đó máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34), dấu chỉ của ‘bí tích tuyệt vời cho toàn thể Giáo Hội’”[8]. Ngoài ra, đoạn Tin Mừng Gioan tường thuật về biến cố Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ và chỉ cho các ông thấy bàn tay và cạnh sườn của Người (x. Ga 20,20) cũng tạo ra ảnh hưởng rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cộng đoàn Dân Chúa[9].
Vào thời trung cổ (thế kỷ 11 và 12) việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu có ý nghĩa cách đặc biệt qua các vị đạo đức thánh thiện như thánh Bênađô (+1153), thánh Bonaventura (+1274), và những nhà thần bí như thánh Lutgarda (+1246), thánh nữ Mathilda ở Marburg (+1282), thánh Gertrude (+1302), thánh nữ Catarina Siena (+1380). Các ngài đã trình bày về Trái tim Chúa Giêsu như là suối nguồn để kín múc lấy sức mạnh, và là nơi chứa đầy Lòng Chúa Thương Xót. Chính nơi Trái tim Chúa Giêsu con người tìm thấy một nơi chốn cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tình yêu, bởi Trái tim Chúa là nguồn tình yêu vô tận của Chúa[10].
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đạt tới đỉnh cao vào thời cận đại, thời đại xuất hiện bè phái Jansenius loan báo về sự công thẳng của Thiên Chúa, và người ta không tìm thấy một sự bao dung nào của Thiên Chúa trong chủ trương này. Đứng trước chủ tương lầm lạc này, các thánh đã phát động phong trào sùng kính Trái tim Chúa như là thuốc giải độc hữu hiệu giúp người tín hữu thêm yêu mến và tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Chúa, và Trái tim Chúa Giêsu như là biểu tượng cho lòng thương xót này. Các thánh tiêu biểu được gọi là tông đồ đặc biệt của lòng sùng mộ Trái tim Chúa Giêsu bao gồm thánh Phanxicô de Sales (+1622), thánh nữ Margarita Maria Alacoques (+1690), thánh Gioan Eudes (+1680), thánh Claude de la Colombiere (+1682) và thánh Gioan Bosco (+1888)[11].
Trong thời cận đại này, có thể nói vị tông đồ hoạt động cổ vũ mạnh nhất cho phong trào tôn sùng Trái tim Chúa là thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690) thuộc dòng Thăm Viếng. Thánh nữ được Chúa Giêsu chọn giao phó nhiệm vụ phổ biến các đề nghị của Trái Tim Người, chẳng hạn Người mong muốn cho mọi người biết về Trái Tim chất chứa đầy yêu thương của Người; Người yêu cầu được tôn kính dưới hình Trái Tim bằng thịt của Người; Người yêu cầu việc tôn sùng qua các giờ đền tạ Thánh Tâm và rước lễ thường xuyên, đặc biệt vào mỗi thứ Sáu đầu tháng cũng như việc quảng bá phong sùng kính Trái tim Người.
Việc tôn sùng Trái tim Chúa được bày tỏ dưới hình thức lòng đạo đức bình dân rất đa dạng. Một số hình thức được Tòa Thánh minh thị chuẩn nhận và thường xuyên khuyến khích các tín hữu thi hành. Các hình thức này đã được Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích liệt kê như sau[12]:
– Việc dâng mình qua việc đền tạ Thánh Tâm, theo Đức Piô XI, đây là việc thực hành chính yếu trong tất cả các việc thực hành nhằm tôn thờ Thánh Tâm[13].
– Việc dâng gia đình, khiến cho tổ ấm gia đình, vốn đã liên kết vào mầu nhiệm hiệp nhất và yêu thương giữa Chúa Kitô và Hội Thánh nhờ Bí tích Hôn phối, được dâng trọn vẹn cho Chúa, để Người ngự trị trong tâm hồn mỗi người[14].
– Kinh cầu Trái tim, được chuẩn nhận năm 1891 cho toàn Giáo Hội, cảm hứng xuất phát từ kinh thánh và mang lại nhiều ân xá.
– Kinh Đền tạ Rất thánh trái tim Chúa là một kinh nghiệm được soạn ra bởi giáo dân, gợi nhớ lòng nhân hậu vô biên của Đức Kitô, khao khát khẩn nài lòng thương xót Người và đền bù vô vàn tội lỗi hằng làm thương tổn Trái Tim xiết bao dịu hiền của Người[15].
– Việc tuân giữ chín thứ sáu đầu tháng: việc này đã góp phần phục hồi đáng kể về việc siêng năng xưng tội và rước lễ.
Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định rằng, chính lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong đời sống đức tin của các tín hữu, và thật không sai lầm khi nói rằng, việc tôn sùng này như là điểm nòng cốt đức tin Kitô giáo, nói như Đức Thánh Cha Piô XII: “Lòng sùng kính rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn, có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện, như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”[16]. Thật vậy, “việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là một biểu hiện lớn lao lòng sùng mộ của Giáo Hội dành cho Chúa Giêsu Kitô, vị Hôn phu và là Chúa của mình. Việc này bao gồm một thái độ căn bản được tạo nên do sự hối cải và đền tạ, tình yêu và lòng biết ơn, việc dấn thân làm tông đồ và tận hiến cho Đức Kitô và công trình cứu độ của Người”[17].
Chính vì thế các vị chủ chăn trong Giáo Hội đã không ngớt đề cao việc tôn kính này, chân phước Phaolo VI đã khẳng định: “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và đặc biệt cần thiết cho thời đại này”[18]. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hết sức khích lệ tín hữu thi hành việc tôn kính Thánh tâm Chúa Giêsu khi nói: “Nhân loại ngày nay cần sứ điệp phát xuất từ sự chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Kitô, nguồn mạch duy nhất, mà từ đó, nhân loại có thể múc lấy những trữ lượng của đức khiêm nhượng và của sự tha thứ cần thiết, để chữa lành những cuộc xung đột cam go đẫm máu”. Thánh Giáo Hoàng nói tiếp, “Việc sùng kính Thánh tâm Chúa Giêsu có nghĩa là tiến vào tâm điểm sâu xa nhất của con người Ðấng Cứu Thế, tòa ngự của tình yêu cứu chuộc thế gian”, và ngài tiếp tục, “Nếu trái tim nhân loại biểu hiện một mầu nhiệm khôn dò, một mầu nhiệm chỉ có một Thiên Chúa biết, thì Trái tim của Chúa Giêsu lại càng không thể dò thấu; trong con tim ấy chính sự sống Ngôi Lời chuyển động, và là nơi chứa đựng tất cả những kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết, cũng như tất cả sự viên mãn của thần tính”. Rồi ngài giải thích: “Ðể cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã muốn ban cho con người một trái tim mới, trái tim của Chúa Kitô, kiệt tác Chúa thánh Thần, đã bắt đầu đập trong cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria và bị lưỡi đòng đâm thâu trên Thánh giá, do đó, trở nên nguồn mạch vô tận của sự sống đời đời”[19].
Qua việc tôn phong hiển thánh cho Nữ Tu Faustina vào ngày 30-4-2000, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa phong trào sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đạt tới điểm cực thịnh.
Xét về chiều dài lịch sử hình thành phong trào sùng kính Lòng Chúa Thương Xót so với phong trào sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu thì thật ngắn ngủi[20], nhưng xét cho cùng việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đã được đâm rễ sâu trong việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Trong cuốn nhật ký của thánh nữ Faustina, chúng ta sẽ thường xuyên tìm thấy trong cuộc trò chuyện giữa thánh nữ và Chúa Giêsu, bao giờ Chúa cũng tỏ ra cho biết Trái tim Chúa là nguồn mạch tuôn trào lòng thương xót:
– “Hỡi con nhỏ yêu dấu của Thầy, niềm vui của Trái Tim Ta, những lời con nói còn dễ thương và làm thoả lòng Ta hơn cả ca đoàn các thiên thần. Tất cả các bảo vật của Trái Tim Ta đều mở ra cho con. Con hãy chiếm lấy từ Trái Tim này tất cả những thứ con cần, cho chính mình con cũng như cho cả thế giới. Vì tình yêu của con, Ta cầm lại những trừng phạt công thẳng của Ta mà loài người đáng chịu. Một tác động yêu thương thuần khiết làm Ta hài lòng hơn cả ngàn lời cầu nguyện bất toàn. Chỉ một thủ thỉ của tình yêu cũng đủ làm tan đi nhiều tội phạm mà kẻ vô thần chụp xuống trên Ta” (NK số 1489).
– “Ta sẽ tỏ cho con biết một bí mật của Trái Tim Ta: đó là điều các linh hồn tuyển chọn làm Ta đau khổ. Lương thực liên lỉ của Trái Tim Ta là sự bội bạc về phía linh hồn tuyển chọn đối với quá nhiều ơn Ta ban. Tình yêu của họ ương ương dở dở làm cho Trái Tim Ta không sao chịu đựng được, những linh hồn này buộc Ta ruồng bỏ họ… Con là vật chứa đựng của Lòng Thương Xót Ta, hãy nói cho tất cả thế giới biết về lòng nhân lành của Ta, làm như thế, con sẽ an ủi Trái Tim Ta”. (NK số 580)
– “Hỡi con gái của Thầy, hãy biết rằng Trái Tim Ta là chính Lòng Thương Xót. Từ biển cả Lòng Thương Xót này mà các ơn lành tuôn trào xuống trên toàn thể thế giới. Không một linh hồn nào tiến đến với Ta ra về mà không được ủi an. Tất cả mọi khốn nạn được chôn táng trong đáy vực của Lòng Thương Xót Ta, rồi mọi ơn cứu rỗi và thánh hoá tuôn ra từ nguồn mạch này. Con gái của Ta ơi, Cha mong sao trái tim con là một chốn trú ngụ của Lòng Thương Xót Ta. Ta mong sao Lòng Thương Xót này nhờ trái tim con mà tuôn tràn xuống trên cả thế giới. Đừng để cho một người nào tiến đến với con ra về mà không tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Ta, một tình thương Ta thật nhiệt tình ước mong dành cho các linh hồn” (NK số 1777).
Như thế chúng ta có thể nhận ra một mối tương quan chặt chẽ giữa hai việc tôn sùng này. Cả hai đều quy về một dung mạo Đức Giêsu Kitô, nhưng được trình bày dưới hai chiều kích khác nhau. Biểu tượng của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là trái tim bị đâm thâu, và từ đó “nước và máu chảy ra”. Các Giáo phụ đã nhìn thấy đó là hình ảnh của bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể; còn biểu tượng của Lòng Chúa Thương Xót là hình tượng Chúa Giêsu phục sinh diễn tả Chúa phục sinh đem đến cho con người niềm an bình với việc tha thứ các tội lỗi nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên Thập giá. Hình tượng có hai tia sáng nhạt và đỏ tỏa ra từ trái tim diễn tả nước và máu vọt ra từ trái tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu. “Tia sáng nhạt diễn tả nước, nhờ đó các linh hồn được nên công chính; tia sáng đỏ diễn tả máu, là sự sống của các linh hồn. Phúc cho người sống dưới bóng chúng” (NK, tr. 235).
Việc tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu chính yếu hướng tới tình yêu của Thiên Chúa được biểu tỏ qua việc hiến tế của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Người chính là Con Thiên Chúa, là Đức khôn ngoan tự hữu, là Tình Yêu vô biên, là Nguyên Lý cứu độ và thánh hóa toàn thể nhân loại. Trong khi việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu hướng tới “chính bản thân Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Trong Chúa Thánh Thần, Thánh Tâm Chúa Giêsu, tự bản chất đã hướng về Chúa Cha và loài người, là anh em Người, bằng một tình yêu vô tận vừa thuộc về thiên tính vừa thuộc về nhân tính”[21], thì việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót “tập trung nơi bản thân Chúa Kitô chịu chết và sống lại, nguồn ơn Chúa Thánh Thần, Đấng tha thứ tội lỗi và đem đến niềm vui cứu độ”[22].
“Chính Đức Kitô Phục sinh là hiện thân tỏ tường và dấu chỉ sống động của Lòng Chúa Thương Xót: dấu chỉ này vừa mang tính lịch sử vừa mang tính cánh chung của ơn cứu độ”[23]. Có thể nói, việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót hướng tới chiều kích cứu chuộc con người qua sự tha thứ của Thiên Chúa phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, điều này được thực hiện qua việc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Đức Phanxicô đã minh định: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Chúa Cha, Đấng ‘giàu lòng thương xót’ (Ep 2,4), sau khi đã mặc khải cho Môsê biết danh của Ngài là ‘Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại, đầy lòng trắc ẩn và trung tín” (Xh 34,6) đã không ngừng mặc khải thần tính của Ngài bằng nhiều cách thế và vào nhiều thời điểm khác nhau. ‘Lúc đến thời gian viên mãn’ (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo dự định cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người”[24]. Việc thống hối, ăn năn trở về để nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa được coi như là tâm điểm của việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Trong cuốn nhật ký, thánh nữ Faustina đã ghi lại ý muốn của Chúa: “Ta mong muốn ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót sẽ là nơi ẩn náu và nương tựa cho tất cả các linh hồn và đặc biệt là những kẻ tội lỗi. Trong ngày lễ này, Ta sẽ mở tận đáy lòng thương xót của Ta ra. Những linh hồn sốt sắng đi xưng tội và rước Mình, Máu Thánh Chúa sẽ được nhận ơn tha thứ triệt để – cả tội lỗi lẫn hình phạt” (NK số 699).
Thánh nữ Faustina đã cho chúng ta thấy rõ mục đích của việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót trong cuốn Nhật ký của ngài: trước tiên là gợi lại cho mọi người nhớ đến chân lý đức tin về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người, chân lý này đã được Thiên Chúa mặc khải trong Kinh Thánh; kế đến là kêu cầu Lòng Chúa Thương Xót cho thế giới, cách riêng cho các tội nhân bằng việc thực hiện một số hình thức sùng kính Lòng Chúa Thương Xót như đã được chính Chúa Giêsu đã tỏ ra; sau cùng là cổ súy việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót nơi các tín hữu, để họ luôn khẩn nài Lòng Chúa Thương Xót, xin ơn hoán cải và sự tha thứ cho các tội nhân trên toàn thế giới, và cũng nhờ lòng sùng kính này, người tín hữu sẽ nỗ lực trở nên hoàn thiện hơn, sống trọn vẹn tình con thảo qua việc hoàn toàn tín thác vào Chúa.
Thánh nữ còn cho biết việc loan báo Lòng Chúa Thương Xót là nhiệm vụ khẩn thiết mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho thánh nữ. Trong bài giảng tại buổi lễ phong thánh cho thánh nữ, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thực vậy, vào thời giữa hai cuộc Thế Chiến I và II, Chúa Kitô đã ủy thác sứ điệp Lòng thương Xót của Người cho chị nữ tu này. Những ai còn nhớ – những người đã chứng kiến và tham dự vào các biến cố của những năm tháng ấy và những đau khổ kinh hoàng mà hai cuộc thế chiến đã gây ra cho hàng triệu người – đều quá biết rằng sứ điệp Lòng Thương Xót khẩn thiết như thế nào. Chúa Giêsu đã phán với nữ tu Faustina rằng: ‘Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác (NK 300). Nhờ công việc của người nữ tu Ba Lan ấy, sứ điệp này đã mãi mãi được gắn liền với thế kỷ XX, thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ II và cầu nối sang niên kỷ thứ III. Đó không phải là sứ điệp mới mẻ, nhưng có thể được coi như một ân huệ soi sáng đặc biệt giúp chúng ta sống Phúc Âm Phục Sinh một cách mãnh liệt hơn, trình bày Phúc Âm ấy như một tia sáng cho những con người, nam cũng như nữ, trong thời đại của chúng ta”[25].
Các thực hành tôn kính Lòng Chúa Thương Xót dưới hình thức lòng đạo đức bình dân đều bắt nguồn từ cuốn nhật ký của thánh nữ Faustina. Cuốn nhật ký này được thánh nữ viết trong bốn năm (1931-1935)[26], nhằm ghi lại những sứ điệp mà Chúa Giêsu trao cho chị trong các lần thị kiến. Ngày 6-3-1959 cuốn nhật ký này bị Tòa thánh lên án, cấm phổ biến vì thấy có nhiều lệch lạc về tín lý. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do lỗi hai bản dịch từ tiếng Ba Lan sang tiếng Pháp và tiếng Ý, gây ra hiểu lầm về sứ điệp mà thánh nữ Faustina có nhiệm vụ phổ biến. Đến năm 1965, được sự chấp thuận của Tòa Thánh, tổng Giám mục tổng giáo phận Kraków, Đức cha Karol Wojtyła đã tiến hành nghiên cứu về đời sống và đức hạnh của thánh nữ Faustina và phiên dịch lại cuốn nhật ký chuẩn xác hơn. Vào ngày 15-4-1978, Thánh bộ Đạo lý Đức tin đã ban hành huấn thị mới, loại bỏ lệnh cấm và cho phép phổ biến và quảng bá cuốn nhật ký cũng như phong trào tôn kính Lòng Chúa Thương Xót[27]. Cuốn nhật ký được mang tên: Divine Mercy in My Soul: The Diary of St. Faustina.
Tôn kính Dung mạo Lòng Chúa Thương Xót
Dung mạo Lòng Chúa Thương Xót được trình bày qua hình vẽ Chúa Giêsu Phục sinh với hai luồng sáng từ Trái tim Chúa, một luồng sáng màu trắng nhẹ, một luồng sáng màu đỏ. Mẫu của tấm hình này đã do chính Chúa Giêsu cho chị Faustina thấy trong thị kiến ngày 22 tháng 2 năm 1931 trong phòng của tu viện tại Plock. Chị ghi lại trong nhật ký như sau: “Ban chiều khi đang ở trong phòng của mình, tôi trông thấy Chúa Giêsu mặc chiếc áo trắng: một tay giơ lên để chúc lành, trong khi tay kia chạm vào áo trên ngực, từ đó nhích ra bên cạnh để cho hai luồng sáng lớn phát ra, một đỏ, một nhạt… Sau một chút Chúa Giêsu nói với tôi: “Con hãy vẽ một hình giống mẫu con trông thấy, bên dưới viết: “Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” (Nhật ký, tr. 74). “Cha muốn tấm hình này được làm phép một cách trọng thể vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật này phải là lễ của Lòng Thương Xót” (NK 75).
Năm 1934, nhờ cha linh hướng Michal Sopócko của Thánh nữ giới thiệu, họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski ở Wiln đã vẽ tấm hình Lòng Chúa Thương Xót theo sự chỉ dẫn của thánh nữ Faustina. Hình dạng Chúa Giêsu trong tấm hình được Chúa tỏ ra cho thánh nữ thấy trong thị kiến vào ngày 22-02-1931, tại tu viện Plock, và vẽ lại theo ý Chúa muốn: “Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Năm 1939, một năm sau cái chết của thánh nữ, Đức tổng giám mục Jałbrzykowski cho phép tôn kính bức ảnh này cách công khai, nhờ đó phong trào tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót được phát triển cách mạnh mẽ, đặc biệt tại Balan. Vào năm 1943, một họa sĩ tên là Adolf Hyla đã vẽ lại bức tranh Lòng Chúa Thương Xót, và đây là bức tranh chính thức thứ hai (được treo trên mộ của Thánh nữ Maria Faustina trong tu viện Our Lady of Mercy ở Cracow-Lagiewniki, Ba Lan), bức này được lan truyền và sao chép lại khá giống với các bức hình mà ta thấy ngày nay. Vào ngày 24-6-1956, Đức Giáo hoàng Piô XII đã làm phép bức ảnh này tại Roma. Vào năm 1955, Giám mục địa phận Gorzów đã thành lập hội dòng Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc đầy lòng thương xót (the Most Holy Lord Jesus Christ, Merciful Redeemer), nhằm phổ biến việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót.
Bức hình diễn tả Chúa Kitô phục sinh là niềm hoan lạc cho nhân loại. Sự Phục sinh của Chúa đã đem lại cho con người niềm hy vọng lớn lao: sự chết đã bị hủy diệt, và sự sống nay được trao ban cho mọi người, hai luồng sáng nói lên ơn cứu độ đến từ Lòng Chúa Thương Xót, một vị Thiên Chúa đầy khoan dung và luôn sẵn lòng tha thứ mọi tội khiên. Điều đó có được nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
Việc tôn kính dung mạo của Lòng Chúa Thương Xót qua hình vẽ còn nhắc các tín hữu nhớ về thân phận nhỏ hèn của mình, để luôn tín thác vào Chúa với trọn tình con thảo, để không kiêu ngạo hay thất vọng, để không sống ích kỷ nhưng luôn biết thực thi đức ái. Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ: “Bức hình này nhắc nhớ các đòi buộc của lòng thương xót Cha, bởi vì cả lòng tin mạnh mẽ nhất cũng không ích lợi gì, nếu không có các việc làm” (NK 457).
Chúa Giêsu đã đưa ra các lời hứa lớn lao cho những ai tôn kính dung mạo Chúa nơi đây: “Qua bức hình này Cha sẽ ban nhiều ơn cho các linh hồn, vì thế mỗi linh hồn nên siêng năng tôn kính ảnh này” (NK 379).
Lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót[28]
Trong cuốn nhật ký, thánh nữ kể lại: vào ngày 13-9-1935, trong một thị kiến, thánh nữ thấy một thiên thần được Thiên Chúa sai đến hủy diệt trái đất… Tôi thiết tha nài xin Chúa xót thương đến thế giới với những lời cầu mà tôi nghe được tự đáy lòng. Khi tôi cầu nguyện như thế, tôi thấy thiên thần Chúa như trở nên bất lực và không thể thi hành sự trừng phạt… Lời cầu đó như sau: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, linh hồn và Thiên Tính của con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi chúng con và tội lỗi toàn thế giới” (NK 476). Những ngày kế tiếp, khi vào nhà nguyện, thánh nữ lại nghe tiếng dạy chị cầu nguyện bằng các lời kinh đó giống như lần chuỗi hạt, hình thức và cấu trúc của chuỗi hạt được hình thành từ sứ điệp của Chúa Giêsu.
Trong cuốn nhật ký, thánh nữ coi việc lần chuỗi này là phương thế cầu nguyện cách hữu hiệu để cứu các tội nhân khỏi bị rơi vào cảnh trầm luân đời đời theo như lời Chúa Giêsu dạy. Chúa nói: “Con hãy thúc giục các linh hồn đọc chuỗi hạt Cha dạy cho con” (NK 1541). “Bất cứ ai lần chuỗi này sẽ nhận được sự thương xót của Cha cách sung mãn vào giờ lâm chung” (NK 687). “Khi các con cầu nguyện bằng chuỗi hạt này cho kẻ lâm chung, Ta sẽ đứng giữa Cha Ta và kẻ lâm chung, không phải với tư cách Quan Toà, nhưng với tư cách là vị cứu tinh tràn đầy lòng thương xót” (NK 1541). “Các linh mục hãy giới thiệu chuỗi hạt này cho các tội nhân, vì đó là hy vọng cuối cùng của họ. Cho dù tội nhân nào có cứng lòng cách mấy đi nữa, thì cũng sẽ nhận được ân huệ từ lòng thương xót vô biên của Ta, nếu kẻ ấy chịu cầu nguyện bằng việc lần chuỗi này chỉ một lần thôi” (NK 687). Thánh nữ còn khẳng định Chúa Giêsu hứa sẽ ban cho kẻ kêu cầu bất cứ điều gì, nếu kẻ ấy cầu nguyện bằng việc lần chuỗi hạt này, miễn điều kêu xin hợp ý muốn của Chúa (x. NK 1731). Ngoài ra Chúa Giêsu còn hứa: “Lòng thương xót của Cha sẽ bao bọc các linh hồn lần chuỗi hạt này trong khi sống và đặc biệt trong giờ chết” (NK 463).
Việc lần chuỗi này có thể đọc bất cứ thời gian nào, nhưng đặc biệt vào Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót, và vào các ngày thứ sáu hằng tuần lúc 3 giờ chiều. Đây là giờ Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá, và được gọi là giờ của lòng thương xót. Chính Chúa Giêsu đã dạy thánh nữ tôn kính giờ chết của Chúa: “Mỗi khi con nghe đồng hồ điểm ba giờ, hãy nhớ dìm toàn thân mình con trong lòng thương xót của Cha, bằng cách thờ lạy và chúc tụng Lòng Thương Xót này; hãy khẩn nài quyền năng của Lòng Thương Xót cho toàn thế giới và đặc biệt cho các kẻ tội lỗi đáng thương, bởi vì chính trong giờ đó lòng thương xót được mở toang ra cho mọi tâm hồn” (NK 820).
Tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót[29]
Để chuẩn bị mừng Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Giêsu dạy thánh nữ làm tuần cửu nhật, khởi đầu từ ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Chúa đã chỉ cho thánh nữ ý cầu nguyện của mỗi một ngày trong tuần cửu nhật. Trong cuốn nhật ký thánh nữ cho biết Chúa Giêsu đã nói: “Mỗi ngày của tuần cửu nhật con hãy mang về cho Trái tim Cha những linh hồn khác nhau và con phải nhấn chìm họ trong đại dương bao la của lòng thương xót Cha… Mỗi một ngày con phải cầu xin cùng Thiên Chúa Cha ban ân huệ cho các linh hồn này cậy dựa vào cơn khổ nạn mà Cha đã chịu:
– Ngày thứ nhất: Cầu nguyện cho hết mọi người, cách đặc biệt cho những kẻ tội lỗi;
– Ngày thứ hai: Cầu cho linh hồn của các linh mục và các tu sĩ nam nữ;
– Ngày thứ ba: Cầu cho linh hồn của những người đạo đức và trung tín;
– Ngày thứ tư: Cầu cho những người không tin vào Chúa Giêsu và những người chưa nhận biết Chúa;
– Ngày thứ năm: Cầu cho linh hồn của những người ly khai khỏi Giáo Hội Chúa;
– Ngày thứ sáu: Cầu cho linh hồn những người hiền lành và khiêm nhường cùng linh hồn các trẻ thơ;
– Ngày thứ bảy: Cầu cho linh hồn của những con người tôn kính và vinh danh Lòng Chúa Thương Xót cách đặc biệt;
– Ngày thứ tám: Cầu cho những linh hồn đang bị giam cầm trong luyện ngục;
– Ngày thứ chín: Cầu cho linh hồn của những người sống khô khan nguội lạnh.
Có thể nói phong trào tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực cho đời sống của các tín hữu. Đặc biệt, các sứ điệp mà Chúa mạc khải riêng cho thánh nữ Faustina đã mang lại một ảnh hưởng rất lớn trên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài được gọi là vị tông đồ cả của phong trào Lòng Chúa Thương Xót, bởi ngài đã nhận ra sức mạnh canh tân và hoán cải con người qua việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Ngài đã minh nhiên tỏ lộ việc ngài dấn thân phát triển việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót qua giáo huấn cũng như đời sống cá nhân của ngài. Ngài đã thổ lộ sự nhiệt thành của ngài đối với việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót từ các sứ điệp được thánh nữ Faustina trình bày trong cuốn nhật ký qua thông điệp cũng như qua các giáo huấn của ngài. Ngài nói: “Quả thật, khi bắt đầu nhiệm vụ của tôi trên ngai tòa Thánh Phêrô tại Rôma, tôi luôn suy nghĩ về sứ điệp của Lòng Chúa Thương Xót trong các công việc đặc biệt của tôi. Thiên Chúa quan phòng đã giao phó cho tôi trách nhiệm phục vụ Giáo Hội và thế giới. Có thể nói được rằng, với nhiệm vụ này, trước mặt Thiên Chúa tôi có trách nhiệm loan báo sứ điệp lòng thương xót trong các công việc của tôi”[30]. Trong các lá thư hay bài giảng, ngài luôn trình bày về Lòng Chúa Thương Xót như là câu trả lời cho thế giới về các vấn nạn đang gặp phải, và ngài coi các sứ điệp của Chúa Giêsu tỏ lộ cho thánh nữ Faustina như là sứ điệp của thiên niên kỷ thứ ba. Ngài phong thánh cho nữ tu Faustina, một con người gắn liền với các sứ điệp được Chúa mạc khải riêng tư, không phải tại Ba Lan mà ngay tại Rôma nhằm giới thiệu lòng thương xót của Chúa cho toàn thế giới.
Trong thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, có thể thấy ảnh hưởng của các sứ điệp được mạc khải cho thánh nữ Faustina khi Thánh Giáo Hoàng khích lệ: “Giáo Hội công bố chân lý lòng thương xót của Thiên Chúa, được mạc khải trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã Phục sinh, và Giáo Hội tuyên xưng chân lý ấy bằng nhiều cách khác nhau. Ngoài ra Giáo Hội cố gắng thực thi lòng thương xót đối với con người, vì thấy đó là một điều kiện cần thiết cho mối quan tâm của mình về một thế giới tốt đẹp hơn và “có tính nhân bản” hơn cho hôm nay và ngày mai. Tuy nhiên, không có lúc nào và không một giai đoạn nào của lịch sử – nhất là ở một thời kỳ có tính quyết liệt như thời chúng ta – mà Giáo Hội có thể quên lời cầu nguyện là một tiếng kêu cầu tới lòng thương xót của Thiên Chúa khi đối diện với nhiều hình thức của sự dữ đang đè nặng trên nhân loại và đe dọa nhân loại. Quyền và nghĩa vụ căn bản của Giáo Hội, trong Đức Giêsu Kitô, là thế đó: chính là quyền và nghĩa vụ của Giáo Hội đối với Thiên Chúa và đối với con người”[31].
Đặc biệt, khi phong thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30-4-2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót cách đặc biệt trên toàn thể Giáo Hội vào Chúa nhật II Phục Sinh hằng năm, và ngày này được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Khi công bố điều đó, Thánh Giáo Hoàng đã thực hiện điều mà thánh nữ Faustina yêu cầu theo sự mong ước của Chúa Giêsu.
Khi nói về tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta không thể không nhắc tới Đức Thánh Cha Phanxicô. Có thể nói triều đại của ngài là triều đại của Lòng Chúa Thương Xót. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, ngài đã trình bày không ngơi nghỉ về Lòng Chúa Thương Xót. Ngài luôn nhấn mạnh: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót và trắc ẩn, Người luôn sẵn sàng và quảng đại để tha thứ đồng thời giúp kẻ tội lỗi bắt đầu lại”[32]. Lòng thương xót Chúa là chủ đề chính trong các bài giảng thuyết của Đức Phanxicô, và đó cũng là tiêu chuẩn cho các mối tương giao với người khác.
Chắc chắn, hai vị thánh tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót,thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và thánh nữ Faustina, cũng có ảnh hưởng rất nhiều trong triều đại của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô không phải vô tình đã chọn chiều ngày 11-4-2015 để ban hành tông sắc Misericordiae Vultus công bố khai mở Năm thánh, vì chiều hôm đó là áp lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, một sự kiện liên hệ đến hai vị thánh Gioan Phaolô II và Faustina. Trong tông sắc Đức Phanxicô đều nhắc đến hai ngài:
– “Chúng ta không thể quên giáo huấn sâu sắc của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi cho chúng ta trong Thông điệp thứ hai của ngài, Dives in Misericordia, một Thông điệp được công bố ngoài mong đợi vào thời điểm ấy, và đề tài được đưa ra cũng làm nhiều người kinh ngạc. […] Giáo huấn của ngài vẫn còn giá trị và đáng để chúng ta học hỏi trong Năm Thánh này. Một lần nữa hãy nghe ngài nói: “Giáo Hội có được đời sống chân thực khi tuyên xưng và phổ biến lòng thương xót – thuộc tính kỳ diệu nhất của Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc – cũng như khi đưa con người đến nguồn mạch của lòng thương xót nơi Đấng Cứu Thế, lòng thương xót được giữ gìn và phân phát bởi chính Giáo Hội’ (Th. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 13)”[33].
– “Chúng ta đặc biệt nghĩ tới người tông đồ vĩ đại của lòng thương xót, thánh nữ Faustina Kowalska. Thánh nữ được mời gọi bước vào tận nơi sâu thẳm của Lòng Chúa Xót Thương, xin Thánh nữ chuyển cầu và giúp chúng ta luôn sống và bước đi trong tình thương tha thứ của Thiên Chúa, cũng như trong niềm tín thác kiên vững vào tình yêu của Ngài”[34].
Có thể nói được rằng việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đang mang lại nhiều kết quả tích cực trong đời sống của người tín hữu. Phong trào tôn kính Lòng Chúa Thương Xót hiện nay được phổ biến trong nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Đặc biệt qua sự dấn thân hoạt động của hàng triệu thành viên trong tổ chức “Tông đồ Lòng Chúa Thương Xót” gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân, phong trào đã lớn mạnh ngoài sự mong đợi. Phong trào không chỉ phát triển về con số, điều quan trọng là các thành viên của phong trào nỗ lực thực thi điều mà Thánh nữ để lại: canh tân đời sống, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Hòa giải và Thánh Thể, siêng năng cầu nguyện với chuỗi lòng thương xót để cầu nguyện cách đặc biệt cho kẻ có tội ăn năn trở lại.
Giáo Hội luôn khuyến khích người tín hữu cố gắng thi hành những việc đạo đức, miễn sao việc thi hành luôn thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo Hội. Vì thế để phong trào “Lòng Chúa Thương Xót” luôn đi đúng với đường lối của Giáo Hội, xin được đưa ra một vài suy tư thần học nhằm hướng dẫn và thanh lọc việc sùng mộ “Lòng Chúa Thương Xót” khỏi những hình thức mang sắc thái mê tín ngược lại với Giáo huấn của Giáo Hội:
(1) Tin Mừng là thước đo và là tiêu chuẩn cho mọi hình thức của lòng đạo đức, vì thế, việc sùng mộ lòng Chúa thương xót cũng không thể đi ra ngoài tiêu chí này. Qua các hình thức của việc sùng mộ lòng Chúa thương xót đã trình bày ở trên chúng ta nhận ra một điểm chung từ tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót, việc lần chuỗi và tuần cửu nhật đều được xây dựng trên nền tảng Tin Mừng:
– Ảnh lòng Chúa thương xót diễn tả mầu nhiệm Khổ nạn, chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Thật vậy, Lòng Chúa thương xót được diễn tả cách sâu đậm và tỏ tường nơi cuộc Khổ nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Tấm ảnh trình bày Chúa Kitô với chiếc áo dài trắng tinh tuyền nói đến việc Chúa Phục sinh, một sự biến đổi đã được Chúa mạc khải qua cuộc biến hình trên núi Tabor. Sự Phục sinh đó là niềm hy vọng của đức tin Kitô giáo, niềm hy vọng được hình thành từ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá được trình bày qua hai tia sáng trắng nhạt và đỏ thẫm chiếu tỏa từ trái tim Chúa, đó là ánh sáng của ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô đã mang lại cho thế giới được cụ thể hóa qua các bí tích: Rửa tội, Hòa giải và Thánh Thể. Chính qua các bí tích này mà con người nhận được ơn cứu chuộc do bởi lòng Chúa thương xót.
Khi tỏ lòng sùng mộ trước tấm ảnh này, người tín hữu được mời gọi sống điều mình tôn sùng, tức là phải thể hiện một tấm lòng đạo đức đích thật qua việc siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Đây là sứ điệp mà thánh nữ Faustina nhận từ nơi Đức Kitô. Việc tôn sùng ảnh tượng lòng Chúa thương xót phải luôn là động lực thúc đẩy người tín hữu canh tân cuộc sống qua việc siêng năng lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh thể, qua đó người tín hữu luôn cảm nhận được sự thương xót của Chúa. Vì thế thật là không thích hợp khi người tín hữu sử dụng tấm ảnh lòng Chúa thương xót như “lá bùa hộ mệnh”, để tránh tai họa, để cầu may, cần phải loại bỏ việc tôn sùng này, bởi cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa là một biến cố của lòng Chúa thương xót để cho chúng ta được sống đời đời, chứ không nhắm đến những thực tại chóng qua này. Việc tôn sùng này phải đạt tới cùng đích của nó chính là canh tân cuộc sống hướng tới việc siêng năng lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh thể. Đó cũng hành vi mà thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” khi cử hành việc sùng mộ lòng Chúa thương xót[35].
Một trong những hành động của Năm Thánh lòng Chúa thương xót chính là hành vi hối cải qua việc lãnh nhận bí tích Hòa giải, bởi chính nơi đây tội nhân sẽ cảm nghiệm lòng Chúa xót thương. Đức Phanxicô đã mời gọi: “Ước chi lời tha thứ sẽ chạm đến tất cả mọi người, và mong đừng có ai dửng dưng trước lời mời gọi trải nghiệm lòng thương xót. Lời mời gọi thống hối đó, tôi xin tha thiết gửi đến tất cả những ai vì lý do nào đó đang sống xa rời ân sủng của Thiên Chúa. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người nam, người nữ đang tham gia vào một hình thức tổ chức tội phạm nào đó. Vì lợi ích của anh chị em, tôi xin anh chị em hãy thay đổi lối sống. Tôi nài xin anh chị em điều đó, nhân danh Con Thiên Chúa, Đấng kiên quyết loại trừ tội lỗi, nhưng không bao giờ khước từ tội nhân”[36].
Theo sứ điệp mà Chúa Giêsu tỏ cho thánh nữ Faustina, thì việc tôn sùng ảnh tượng Lòng Chúa thương xót chỉ mang lại ơn ích thực sự khi mỗi người tín hữu biểu tỏ lòng thương xót qua các hành vi bác ái, mà cụ thể là chia sẻ sự túng thiếu của người khác bằng sự giúp đỡ tận tình của mình. Thánh nữ viết trong cuốn Nhật Ký: “Bức hình này nhắc nhớ các đòi buộc của lòng thương xót Chúa Cha, bởi vì với lòng tin mạnh mẽ nhất cũng không ích lợi gì, nếu không có các việc làm” (NK 457). Việc quyên góp của cải vật chất để giúp đỡ người nghèo khó là hành vi đáng trân trọng của phong trào, thế nhưng đừng để lòng tham chi phối việc đạo đức này. Đức Phanxicô đã nhắc nhở các tín hữu phải thận trọng trong việc thực thi đức ái Kitô giáo, đừng để sự tham lam mặc lấy dáng vẻ đạo đức nhằm trục lợi cho chính bản thân mình. Theo Đức Thánh Cha thì cội rễ của các cuộc chiến, những chia rẽ trong gia đình, sự tranh chấp trong cộng đoàn chính là lòng tham và việc lo tích lũy sự giàu có của chính bản thân[37].
(2) Việc lần chuỗi lòng Chúa thương xót
Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã chỉ dẫn: Lòng đạo đức bình dân phải có yếu tố “cảm hứng từ Phụng vụ, bởi lẽ lòng đạo đức bình dân làm nổi bật hay ít ra phản ánh lại những mầu nhiệm được cử hành trong những nghi thức Phụng vụ”[38]. Trong sứ điệp về chuỗi lòng Chúa thương xót chúng ta tìm thấy đầy đủ yếu tố “cảm hứng từ Phụng vụ”: Khởi sự của việc lần chuỗi là đọc “hạt lớn”: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn, và Thiên tính của Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền tạ tội lỗi chúng con và tội lỗi toàn thế giới”, sau đó là 10 hạt nhỏ: “Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Và kết thúc chuỗi hạt:”Lạy Cha Chí Thánh, Đấng Toàn Năng, Đấng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Như vậy, việc lần chuỗi “lòng thương xót” chính là kéo dài việc cử hành Thánh lễ trong cuộc sống. Thật vậy, tâm điểm của Thánh Lễ chính là Hy tế Thập Giá Chúa Giêsu, chính trong Hy tế này, chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa khi sẵn sàng phó nộp người Con chí ái để cứu chuộc nhân loại. Quả thật, “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi” (Ga 3,16), “đã không tha cho chính Con của Người, nhưng phó nộp Người vì chúng ta hết thảy.” (Rm 8,32). Chuỗi lòng thương xót minh định về lòng thương xót của Thiên Chúa, để rồi cất tiếng khẩn cầu cho nhân loại đang đắm chìm trong tội lụy. Lời khẩn cầu này không là lời vang vọng phát xuất từ con người, nhưng là lời học được từ lời khẩn cầu của Chúa Giêsu trên Thập Giá, lời khẩn cầu bắt nguồn từ sự thương xót, từ một vị Thiên Chúa đầy lòng khoan dung: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như vậy việc lần chuỗi lòng thương xót không là lời lảm nhảm, nhưng phải là lời khẩn cầu của chúng ta được vang lên từ một tấm lòng đạo đức thiết tha cầu xin lòng Chúa thương xót đoái nhìn đến chúng ta là những kẻ có tội, để từ lời khẩn cầu này, chúng ta trở thành thừa tác viên của lòng Chúa thương xót, qua việc chúng ta sống bao dung và luôn tha thứ, điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người. Một thế giới nếu trong đó người ta loại trừ sự tha thứ, thì sẽ chỉ là một thế giới công bằng lạnh lùng và bất kính, để mỗi người nhân danh nó mà đòi hỏi những tư lợi đối với kẻ khác; như thế, mọi ích kỷ tiềm tàng trong con người sẽ có thể biến đổi đời sống và xã hội ấy thành một hệ thống: cá lớn nuốt cá bé, hoặc thành một đấu trường cho người ta thường xuyên xung đột lẫn nhau”[39].
Đức Phanxicô vào Chúa nhật ngày 21-2-2016, tại buổi đọc kinh Truyền tin, khi phân phát 40.000 chuỗi Lòng thương xót cũng nhấn mạnh: “Anh chị em hãy nhận lấy chuỗi Lòng Thương Xót như là một sự trợ giúp tinh thần để phổ biến tình yêu thương, sự tha thứ và tình huynh đệ, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này”[40].
Vì thế, việc lần chuỗi lòng thương xót còn phải là lời van xin cho được ơn biết thứ tha, biết biểu lộ “tình thương đến tất cả mọi người, không loại trừ hay kỳ thị ai cả, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, vũ trụ quan, không phân biệt bạn và thù”[41], một tình thương biết chăm lo cho mọi người được điều thiện hảo và quan tâm đến việc đẩy xa và trừ khử mọi sự dữ nơi mọi người. Thế nhưng, trong thực hành, các tín hữu khi lần chuỗi lòng thương xót đôi khi dừng lại ở lời van xin ơn lành cho chính mình và những nhu cầu trần thế, chẳng hạn ơn chữa lành bệnh tật thể xác. Và vì quá chú trọng vào điều đó nên thường nảy sinh những lạm dụng gây ra hiểu lầm. Cần phải loại trừ những hình thức tục hóa của lòng sùng mộ lòng Chúa thương xót như đặt tay chữa bệnh, chứng nhân về ơn chữa lành… tất cả những điều đó đều không phù hợp với sứ điệp của thánh nữ Faustina về lòng Chúa thương xót và các giáo huấn của Giáo Hội.
(3) Khi khuyến khích thực hành các hình thức đạo đức bình dân các Nghị phụ Công Đồng Vaticanô II đặc biệt lưu ý: Phụng vụ vượt trổi hơn hẳn những thực hành thuộc lòng đạo đức bình dân nói đến, nên phải tổ chức các việc đạo đức ấy tùy theo các mùa phụng vụ để luôn hòa hợp với Phụng vụ thánh, được khởi nguồn từ Phụng vụ và dẫn mọi người đến với Phụng vụ (SC số 13). Vì thế, đỉnh cao của phong trào sùng mộ lòng Chúa thương xót phải hướng tới Thánh lễ Lòng Chúa thương xót được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Không để bất cứ một hành vi đạo đức nào vượt qua khỏi việc cử hành Phụng vụ Thánh này. Và để chuẩn bị cho việc cử hành này, sứ điệp thánh nữ Faustina đã yêu cầu làm tuần cửu nhật theo ý chỉ của từng ngày mà sứ điệp đề cập tới. Do đó không thể làm tuần cửu nhật mà không kết thúc bằng Thánh Lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật II Phục sinh, bởi biến cố Phục sinh là đỉnh cao của Lòng Chúa Thương Xót. Cho nên phải thanh luyện mọi hình thức sùng mộ được biểu tỏ qua các hành vi đạo đức để hướng tới việc cử hành Phụng vụ, cũng không thể xen kẽ các việc đạo đức trong Thánh lễ, bởi Phụng vụ chiếm vị thế ưu tiên tuyệt đối đối với các hình thức cầu nguyện khác của tín hữu.
Mặc dầu “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (SC, số 10), nhưng những việc đạo đức bình dân cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc thánh hóa đời sống của Dân Chúa. Nhờ phong trào tôn sùng Trái tim Chúa, Giáo Hội mới thiết lập Lễ Thánh Tâm; nhờ có phong trào sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, trong Giáo Hội mới xuất hiện Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Rõ ràng, lòng đạo đức bình dân trong đời sống dân Chúa đã mang lại sự phong phú trong việc tôn thờ Chúa và tăng thêm năng lực cho đoàn dân đang lữ hành tiến về Nhà Cha. Xét cho cùng, chính lòng đạo đức bình dân đã nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của Dân Chúa, nhờ đó đức tin của họ được củng cố. Bởi thế có thể hiểu được rằng lòng đạo đức bình dân được hình thành cũng từ cảm thức đức tin, một cảm thức bắt nguồn từ việc được xức dầu Thánh thần nơi các tín hữu, “nhiều nguồn Kitô Giáo rất sớm đã chứng thực rằng tín hữu, nhờ được xức dầu đặc biệt đã có khả năng biết và tuyên xưng sự thật của Tin Mừng (1 Ga 2,20.27) và Giáo Hội, như một toàn thể, nhờ được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, không thể lầm lẫn trong các vấn đề thuộc đức tin (x. Ga 16,13; 1 Tm 3,15)”[42].
Tuy nhiên, trong bối cảnh một thế giới đang có khuynh hướng tục hóa các vấn đề thuộc thánh thiêng, nhất là ở Việt Nam, người tín hữu dễ bị xao động trước các lối sống thực dụng, nên cũng dễ bị lôi cuốn vào vòng xoáy thực dụng hóa các hình thức biểu tỏ lòng đạo đức, vì thế, các chủ chăn trong Giáo Hội cần lưu tâm hướng dẫn việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân cho phù hợp với Giáo lý Công Giáo.
Ở Việt Nam mỗi năm người ta tổ chức khoảng 8.000 lễ hội, không chỉ để vui chơi nhưng tất cả được lồng vào đó các hình thức thờ tự cúng vái với mục đích cầu lợi. Nhà báo Nguyễn Hoàng đã đưa ra nhận định để nói lên tình trạng lễ hội ở Việt Nam:
“Ở chốn non thiêng Yên Tử, người ta dùng tiền để “đánh bóng” cả chùa Đồng. Mỗi người dân cầm trên tay một tờ tiền rồi thi nhau chạm vào chùa Đồng. Ở chùa Bái Đính, ngôi chùa to, đẹp thuộc hàng nhất Việt Nam, năm nào người ta cũng bắt gặp hình ảnh du khách thập phương nhét tiền vào tay tượng Phật. Còn ở lễ hội chùa Hương, việc chen lấn, xô đẩy, cò mồi,… trở nên quá quen thuộc. Những việc này đã tồn tại qua nhiều năm nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong lễ khai ấn Đền Trần, ngoài cảnh “cướp ấn” quen thuộc thì chúng ta còn bắt gặp hình ảnh những người dân sẵn sàng trèo lên bàn thờ để cầu may hay thi nhau dùng tiền để “đánh bóng” đồ thờ của đền. Chỉ cần đạt được mục đích của mình mà họ sẵn sàng làm những việc vô cùng phản cảm”[43]. “Việc đổ xô đến các điểm thờ tự đang mang tính phong trào và bị ‘thực dụng hoá’ khiến cho các điểm tâm linh bị quá tải và hệ quả là hàng loạt các vấn nạn xảy ra làm cho nét văn hoá đáng tự hào bỗng trở nên đáng sợ. Việc đổ xô đi lễ chùa bây giờ không đơn thuần là vừa đi cầu bình an, vừa du xuân vãn cảnh nữa mà đã bị biến tướng thành “trào lưu” đi giải hạn, đi cầu thăng quan tiến chức, đi ‘mua chuộc’ thần Phật… Một số nhà nghiên cứu văn hoá tỏ ra thất vọng khi xã hội càng phát triển con người lại càng mê muội và tham lam. Chính lòng tham đang hủy hoại dần những nét văn hoá mà cha ông đã mất bao công sức gầy dựng”[44].
Các biểu hiệu đó cũng đang thâm nhập dần vào các hình thức biểu tỏ lòng đạo đức của người tín hữu Việt Nam dưới các hình thức tôn sùng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Lòng sùng mộ đang biến dạng và dễ trở thành những hình thức trục lợi, mua bán thần thánh, mê tín… Vì thế, các chủ chăn trong Giáo Hội cần quan tâm điều chỉnh những biểu hiệu của lòng đạo đức bình dân bị biến chất do các yếu tố không phù hợp với Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo; và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng cần đưa ra những chỉ dẫn để làm sao tránh khỏi những thái độ trái ngược nhau đối với lòng đạo đức bình dân, chẳng hạn: “thái độ xóa bỏ dứt khoát và hấp tấp những hình thức đạo đức kế thừa quá khứ mà hệ quả là để lại những lỗ hổng thường không thể nào lấp đầy được; thái độ bám chặt vào hình thức đạo đức khiếm khuyết và sai lệch, khiến cho các tín hữu xa dần với mạc khải chân chính của Kinh Thánh và trở nên đố kỵ với nhiệm cục bí tích; thái độ phê phán vô căn cứ đối với lòng đạo đức của người bình dân nhân danh cái gọi là ‘sự thuần khiết’ của đức tin, thái độ đòi phải bảo vệ những mặt phong phú của lòng đạo đức bình dân, vốn biểu hiện do cảm thức đạo đức sâu sắc và chín chắn của tín hữu trong một không gian và một thời điểm nhất định…”[45].
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 94 (Tháng 5 & 6 năm 2016)
—-
[1] Đức Phanxicô, Tông sắc Misericordiae vultus, ban hành ngày 11 tháng 4 năm 2015 – Vọng Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật Lòng Thương Xót, số 9.
[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài Giảng Chúa Nhật II Phục Sinh, Lễ kính lòng thương xót, 23-4-1995, Roma.
[3] Đức Phanxicô, Tông sắc Misericordiae vultus, ban hành ngày 11 tháng 04 năm 2015- Vọng Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật Lòng Thương Xót, số 11.
[4] Trích trong cuốn Nhật Ký của Thánh nữ Maria Faustina Kowalska, số 1142, nguồn: http://giesu.net/home/tieu-su-thanh-nu-faustina-kowalska/
[5] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức Đức tin trong đời sống Giáo Hội (Sensus fidei in the Life of the Church) Công bố năm 2014, số 49, http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20140610_sensus-fidei_en.htm
[6] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức Đức tin trong đời sống Giáo Hội (Sensus fidei in the Life of the Church), Công bố năm 2014, số 109.
[7] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 9, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
[8] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 167, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
[9] X. Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 167, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
[10] X. Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 169, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
[11] X. Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 170, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
[12] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 171, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003.
[13] Đức Piô XI, Thông điệp Miserentissimus redemptor, ban hành ngày 09-05-1928, tại Roma.
[14] X. El, Aliae concessiones, 1, tr. 50.
[15] X. El, Aliae concessiones, 3, tr. 51-53.
[16] Đức Piô XII, Thông điệp Haurietis Aquas, ban hành ngày 15-05-1956 tại Roma.
[17] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, số 172.
[18] Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI, Huấn dụ về “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu”, ban hành ngày 06-02-1965 nhân kỷ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
[19] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ buổi đọc kinh truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 23-06-2002.
[20] Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót khởi sự từ việc tôn kính tấm hình Lòng Chúa Thương Xót. Dung mạo mà
Chúa Giêsu tỏ cho thánh nữ Faustina thấy năm 1931, sau đó được họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski ở Wiln vẽ lại . Năm 1941 phong trào lan rộng tới Hoa kỳ với hàng triệu tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót được in ấn và được phân phát nhiều nơi trên thế giới. Vào năm 1951, sau cái chết của thánh nữ Faustina 13 năm, tại Balan có 150 trung tâm tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót.
[21] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, số 166.
[22] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, số 154.
[23] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, số 8.
[24] Đức Phanxicô, Misericordiae vultus, số 1.
[25] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng tại buổi lễ phong thánh cho thánh nữ Faustina, ngày 30-4-2000, tại quảng trường thánh Phêrô.
[26] Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Faustina_Kowalska
[27] Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Faustina_Kowalska
[28] https://www.ewtn.com/Devotionals/mercy/dmmap.htm
[29] Nguồn: https://www.ewtn.com/catholicism/devotions/novena-13366
[30] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng tại đền thờ Merciful Love, ở Collevalenza, Italy vào ngày 22-11-1981.
[31] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, số 15.
[32] Đức Phanxicô, Bài giảng đầu tiên tại nguyện đường thánh Anna, Roma , ngày 17-3-2013.
[33] Đức Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 11.
[34] Đức Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 24.
[35] X. Đức Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 13.
[36] Đức Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 19.
[37] Đức Phanxicô, Bài giảng lễ tại nguyện đường Santa Marta, ngày 19-6-2015.
[38] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, số 12.
[39] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, số 14.
[40] Nguồn: https://gphaiphong.org/tin-giao-hoi/dtc-keu-goi-pho-bien-tinh-yeu-thuong-su-tha-thu-va-tinh-huynh-de-dac-biet-trong-nam-thanh-long-thuong-xot-1000.html
[41] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, số 15.
[42] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức Đức tin trong đời sống Giáo Hội (Sensus fidei in the Life of the Church) Công bố năm 2014, phần giới thiệu tổng quát.
[43] Nguyễn Hoàng, 8.000 lễ hội mỗi năm khiến người Việt tụt hậu, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/8-000-le-hoi-moi-nam-khien-nguoi-viet-tut-hau-2952576.html
[44] Hà Tùng Long, Lòng tham của người Việt khiến đền, chùa quá tải vào đầu năm?,nguồn: http://dantri.com.vn/van-hoa/long-tham-cua-nguoi-viet-khien-den-chua-qua-tai-vao-dau-nam-20160219070737265.htm
[45] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức Đức tin trong đời sống Giáo Hội (Sensus fidei in the Life of the Church), Công bố năm 2014, số 1.