Phúc Âm Matthêu: Chương 3-4

print

PHẦN I

Chương 3-16

ĐỨC GIÊSU CÔNG BỐ NƯỚC TRỜI

VÀ CHUẨN BỊ GIÁO HỘI

 

PHẦN CHUYỂN TIẾP: Chương 3-4

Tổng quan

1/ Trong Tiền Ngôn (chương 1-2), Mt đã giới thiệu Đức Giêsu là ai: Ngài chính là Đấng Messia.

     Sang phần chuyển tiếp này (chương 3-4), Mt sẽ trình bày quan niệm Messia (messianisme) của Đức Giêsu như thế nào.

2/ Trong phần này, Mt sẽ cho chúng ta thấy 3 khuôn mặt đại diện cho 3 thứ quan niệm Messia:

– Gioan Tẩy Giả với quan niệm Đấng Messia là một Quan Tòa của thời cánh chung.

– Satan với quan niệm Messia thế tục: đem lại cơm bánh, giàu sang, danh vọng.

– Và Đức Giêsu: Ngài chống lại quan niệm Messia thế tục của Satan. Điều chỉnh lại quan niệm Messia quan tòa của Gioan Tẩy Giả, và xác định quan niệm Messia của Ngài: Ngài sẽ là Messia Tôi tớ đau khổ.

3/ Sauk hi đã xác định xong quan niệm Messia cho mình, Đức Giêsu khởi sự một vài bước đầu của sứ mạng trở về Galilê, kêu gọi vài môn đệ đầu tiên, giảng dạy và chữa bệnh. Kết quả là dân chúng tuôn đến.

4/ Chúng ta sẽ nghiên cứu phần chuyển tiếp này trong 4 bài:

     – Bài 5: Giới thiệu Gioan Tẩy Giả (3,1-12).

     – Bài 6: Đức Giêsu xin lãnh phép rửa của Gioan (3,13-17). Đây là dịp để Đức Giêsu điều chỉnh quan niệm Messia của Gioan.

     – Bài 7: Đức Giêsu chịu Satan cám dỗ (4,1-11). Đây là dịp Đức Giêsu bác bỏ quan niệm Messia của Satan.

     – Bài 8: Những bước đầu sứ mạng của Đức Giêsu.

 

BÀI 5: GIOAN TẨY GIẢ (3,1-12)

  1. Giải thích từ ngữ

– c.1 “Miền hoang địa Giuđê”: Miền này nằm giữa một bên là rặng núi chạy dài từ Giêrusalem đến Hêbron và bên kia là Biển Chết. Nhưng chúng ta nên nhớ là Mt gán một ý nghĩa thần học cho các địa danh (xem lại bài 3: khoa địa lý của Mt). Cần lưu ý rằng hoạt động của Đức Giêsu hầu hết diễn ra ở Galilê; còn việc Đức Giêsu gặp gỡ với Gioan và Satan (để xác định quan niệm Messia của Ngài) thì doeẽn ra ở miền hoang địa Giuđê này. Nhiều câu Cựu Ước cho thấy hoang địa là nơi con người sống thân mật với Thiên Chúa, được Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái (Đnl 2,7; 8,2-5; Gr 2,2t; Hs 2,16). Vậy đối với Gioan, ông hoạt động trong hoang địa vì ông thích “lý tưởng sa mạc” của các ngôn sứ; còn đối với Đức Giêsu, Ngài vào hoang địa cũng như để “tĩnh tâm” tìm xác định cho mình một quan niệm Messia, sau khi xác đinh xong thì “trở về Galilê” (4.12) để bắt đầu hoạt động.

– c.2 Tóm gọn nội dung lời Gioan rao giảng, giống từng tiếng với lời Đức Giêsu sẽ rao giảng (4,17) “Hãy ăn năn trở lại, vì triều đại Nước Trời đã đến”.

– Điều kiện để được vào Nước Trời là “ăn năn trở lại”. Nguyên ngữ của thuật này, metanoia, có ý nghĩa rất phong phú, nó chỉ một sự thay đổi hoàn toàn gồm hai mặt: mặt tiêu cực là từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi cũ; mặt tích cực là hướng trọn về Thiên Chúa.

– c.3 Mt trích dẫn Is 40,3. Nên lưu ý rằng Mt đã sửa đổi đôi chút để nói lên ý tưởng của mình.

       * Nguyên bản hy bá lai: “có tiếng hô trong sa mạc hãy bạt lối Giavê, trong chốn hoang giao hãy san bằng ngự lộ cho Thiên Chúa ta”. Is40,3 (Sách an ủi) tiên báo về ngày dân Israel thoát cảnh lưu đầy: khi đó có một tiếng hô (của ai đó mà Is không xác định) hãy dọn thẳng con đường trong sa mạc để Thiên Chúa sẽ dắt Israel qua đó mà trở về quê hương như một cuộc xuất hành mới.

       * Mt trích theo bản LXX đã có sửa đổi: Giavê và Thiên Chúa đã được sửa lại thành Chúa và Ngài. Ý của Mt: người hô là Gioan,người sẽ đi trên đường dịn sẵn là Đức Giêsu. Nghĩa là: Gioan là Vị Tiền Hô của Đức Giêsu.

c.4 * Lối ăn mặc của Gioan là lối ăn mặc cổ điển của các ngôn sứ (Dcr 13,4) và nhất là ngôn sứ Êlia (2V 1,8)

       * Theo 2V hai thì ngôn sứ Êlia đã được đưa lên trời, và sẽ trở lại để dọn đường cho Ngày cánh chung.

       * Vậy với chi tiết ăn mặc này một lần nữa Mt cố ý  giới thiệu Gioan như vị tiền hô của Đức Giêsu.

c.7 *”Biệt phái và Xađốc”: Hai nhóm này nghịch nhau và không chịu đi chung với nhau. Nhưng đây Mt ghép chung họ lại, thì rõ là Mt không nhằm tường thuật chính xác, chỉ cần làm nổi rõ ý tưởng của mình là: Gioan nói với các thủ lãnh tôn giáo.

       * “Cơn lôi đình sắp tới”: Gioan loan báo Đấng Messia sắp tới những dùng thuật ngữ “cơn lôi đình”. Điều này cho thấy quan niệm của Gioan về Đấng Messia, Ngài là Messia Thẩm phán. C.10 sau đó còn cho thấy rõ hơn nữa quan niệm về Messia thẩm phán của Gioan (Lưỡi rìu kê sẵn gốc cây để chặt cây nào không sinh trái tốt mà quăng vào lửa).

c.9 *Đừng tự phụ chúng tôi có tổ phụ là Abraham”. Người do thái có câu ngạn ngữ: “Mọi người Israel đều có phần trong thời tương lại”. Câu ngạn ngữ này ảnh hưởng niềm tự phụ của họ cho rằng vì có lý lịch mang gốc lớn là Abraham nên đương nhiên họ sẽ được Thiên Chúa cứu rỗi.

       * Gioan phản đối và cho thấy tình tự do của Thiên Chúa: Thiên Chúa có thể từ bỏ con cháu Abraham bằng huyết thống, để ban ơn cứu rỗi cho một hang con cháu mới của Abraham gồm những người biết biểu lộ long thống hối ăn năn một cách cụ thể bằng những việc làm (hoa trái tốt).

11-12 Gioan giới thiệu Đấng Messia theo quan niệm của ông. Đúng là một Messia Thẩm phán cánh chung: thanh tẩy bằng lửa (lửa là phương tiện để thử: Lửa thử vàng), và cầm quạt  để tách lúa ra khỏi trấu, lúa thì cất vào kho, còn trấu thì cho vào lò lửa không bao giờ tắt!

  1. Ý nghĩa đoạn văn

       Qua đoạn văn này Mt giới thiệu Gioan Tẩy Giả:

       * Gioan là Vị Tiền hô của Đức Giêsu (chi tiết “tiếng kêu trong sa mạc” và lối ăn mặc như Êlia)

       * Gioan rao giảng một nội dung y như Đức Giêsu.

       * Chỉ có điều là quan niệm của Gioan về Đấng Messia cần phải đươc Đức Giêsu sau này điều chỉnh lại. Theo Gioan, Đấng Messia sắp đến là một Messia Thẩm phán cánh chung (chi tiết “lửa” và “sang sẩy”, “lưỡi rìu”…).

 

BÀI 6: ĐỨC GIÊSU VÀ GIOAN TẨY GIẢ (3,13-17)

  1. Giải thích từ ngữ

c.13 Đức Giêsu xin Gioan thanh tẩy: Phép thanh tẩy của Gioan nhằm biểu lộ lòng sám hối tội lỗi. Đức Giêsu xin thanh tẩy nghĩa là Ngài tự liệt mình vào hàng tội lỗi. Đây là chi tiết đầu tiên của bản văn này cho ta thấy quan niệm Messia của Đức Giêsu: Người Tôi Tớ mang tội của loài người.

c.14 Gioan cản: Lý do thứ nhất Gioan không chịu thanh tẩy cho Đức Giêsu là vì ông cho rằng ông kém hơn Ngài (xem c.11 “Ngài mạnh thế hơn tôi”). Lý do thứ hai, Gioan đã quan niệm Messia là Thẩm phán xét xử tội lỗi người ta chứ không phải ở chung với hàng tội nhân như vậy.

c.15 Câu Đức Giêsu trả lời Gioan “Cần phải làm trọn lẽ công bình” có nhiều  ý nghĩa:

       * Công bình: hay “công chính” (justice) là triệt để theo ý Thiên Chúa (xem 5,6; 10,20; 6,1.33; 21,32).

       * Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều phải tuân theo ý Thiên Chúa. Mà ý Thiên Chúa là Đức Giêsu phải trở thành tội nhân.

       * Với việc chịu thanh tẩy này, Đức Giêsu cũng muốn chỉnh lại quan niệm công chính cũ của người do thái vốn mơ tới một Messia khải hoàn, bằng cách thay vào đó một sự công chính mới: Messia liên đới với tội nhân để cứu rỗi họ.

c.16 *Các tầng trời mở ra”: biểu tượng mặc khải của Thiên Chúa.

        * “Bồ câu” gợi lại hình ảnh trong St 1,2: Thánh Linh bay là là trên mặt uông mang trong cuộc tạo dựng. Với hình ảnh bồ câu này Mt cho thấy Đức Giêsu khai mở một cuộc tạo dựng mới.

c.17 Những tước hiệu mà tiếng từ trời gọi Đức Giêsu là lời xác nhận của Chúa Cha về quan niệm Messia của Đức Giêsu.

       * “Con dấu ái”: Isaac cũng được gọi là “Con dấu ái” như thế (St 22,2.12.16). Nhưng Isaac bị Abraham đem đi làm lễ tế.

       * “Kẻ Ta sủng ái”: Đây là tước hiệu mà Is 42,1 gọi Người Tôi Tớ đau khổ.

  1. 2. Ý nghĩa

       Đoạn văn này có rất nhiều chi tiết chứng tỏ Đức Giêsu đã chọn quan niệm Messia Tôi Tớ đau khổ:

            – Xin lãnh phép Thanh Tẩy của tội nhân.

            – Coi việc này là Sự Công chính mới.

            – Tước hiệu “Con dấu ái”.              

– Tước hiệu “Kẻ Ta sủng ái”.

Quan niệm này đối với Gioan thật bất ngờ cho nên lúc đầu Gioan chống lại, nhưng sau cũng phải nhận.

Quan niệm này đã được Chúa Cha công nhận.

           

BÀI 7: ĐỨC GIÊSU THẮNG CÁM DỖ CỦA SATAN (4,1-11)

  1. Văn thể

            Có nhiều chi tiết cho thấy đoạn văn này không thật: Đối thoại với Satan, đưa lên nóc Đền Thờ, đưa lên ngọn núi từ đó có thể thấy “tất cả các nước trên thế gian”, và đặc biệt là nhiều câu trích từ bài diễn từ thứ hai của Môsê nói với dân trong sách Đệ Nhị Luật.

            Do đó các nhà chuyên môn cho rằng Mt đã dựa vào một sự kiện có thật là Đức Giêsu có bị cám dỗ, nhưng Mt trình bày những ý tưởng thần học của sự kiện ấy chứ không phải diễn tả đúng y sự kiện ấy. Để trình bày ý tưởng thần học, Mt đã cấu trúc bản văn của mình theo 3 cơn cám dỗ của Israel trong thời còn ở sa mạc.

– Sau khi được ăn manna một thời gian, Israel đã đòi ăn thịt (Ds 11,4-34)

– Môsê đập tảng đá hai lần (Ds 20,1-13)

– Câu chuyện con bê vàng (Xh 32,1-8).

            Mt muốn chứng minh rằng Đức Giêsu là Israel mới, cũng chịu lại 3 cơn cám dỗ ấy, nhưng đã chiến thắng.

            Ngoài chi tiết bị cám dỗ này, Mt còn cho thấy Đức Giêsu là Israel mới qua các chi tiết khác nữa, như: tạm trú bên Ai Cập (2,13-15), qua sông Giođan (3,13-17 so sánh với Jos 3)

  1. Giải thích từ ngữ

c.1 Thánh Linh: Có sự liên hệ rõ rệt giữa việc Đức Giêsu chịu thanh tẩy và việc Ngài chịu cám dỗ, đó là cũng Thánh Linh đã ngự xuống trên Ngài ở sông Giođan nay lại dẫn Ngài vào sa mạc để chịu cám dỗ.

     Ma quỉ cám dỗ: Cựu Ước cho rằng cám dỗ là do từ Thiên Chúa. Câu chuyện này muốn sưa sai quan niệm đó: cám dỗ là từ ma quỷ.

c.2 40 đêm ngày: con số 40 có một ý nghĩa tượng trưng, chỉ một thời gian khá dài (x. St 7,4; Xh 24,18). Ở đây còn có ý nghĩa gợi lại thời gian 40 năm Israel ở sa mạc.

cc 3-10 nói về ba cơn cám dỗ. Ta sẽ giải thích trong phần nói riêng về từng cơn cám dỗ.

c.11 Các thiên sứ đến phục vụ Ngài: Phục vụ có nghĩa là hầu bàn, dọn cho ăn. Đức Giêsu nhận lãnh của ăn từ sứ giả của Thiên Chúa, chứ không tự lo cho mình ăn theo lời ma quỷ đã cám dỗ.

  1. 3. Ý nghĩa 3 cơn cám dỗ

* Nghĩa chung: Đức Giêsu từ chối mọi quan niệm Messia trái ngược với ý Thiên Chúa, Ngài xác định sẽ là Messia Tôi Tớ.

1/ CÁM DỖ THỨ NHẤT

  1. a) Satan:

“Nếu ông là Con Thiên Chúa”: Tước hiệu”Con Thiên Chúa” dồng nghĩa với tước hiệu Messia. Satan muốn cám dỗ Đức Giêsu theo một quan niệm Messia của hắn.

“Thì hãy truyền cho những viên đá này hóa bánh mà ăn”: Đây không giản dị là cám dỗ tham ăn. Vì câu trả lời của Đức Giêsu trích dẫn Dnl 8,3 nên ta phải tìm ý nghĩa của cơn cám dỗ này theo văn mạch của Dnl 8,3. Đây ta hãy xem Đnl 8,2-3.

  “Ngươi sẽ hồi tưởng lại tất cả con đường Giavê Thiên Chúa của ngươi đã dẫn ngươi đi trong sa mạc, nay đã 40 năm, với dụng ý là hạ ngươi xuống cùng thử cho biết ngươi có gì trong đáy lòng, xem ngươi có giữ các lệnh truyền của Ngài hay chăng, Ngài đã hạ ngươi xuống để cho ngươi phải chịu dói, rồi Ngài lại cho ngươi ăn manna ngươi chưa từng biết và cha ông ngươi cũng không hề biết, để dạy cho ngươi biết là người ta không sống nhờ bánh mà thôi nhưng người ta sống nhờ bằng mọi điều xuất ra từ miệng Giavê”.

     Đoạn Đnl trên cho thấy Thiên Chúa đã muốn thử xem Israel có trông cậy vào Thiên Chúa hay không khi bị Thiên Chúa để cho đói, Đức Giêsu cũng ở vào một hoàn cảnh tương tự: Ngài đang đói, Ngài có thể tưởng là Thiên Chúa đã bỏ mình rồi. Vì thế ngay lúc đó ma quỷ gợi cho Ngài ý tưởng đừng trông cậy vào Thiên Chúa những hãy dung ngay quyền năng làm phép lạ mà Ngài vừa nhận được lúc được tấn phong làm Messia để tự lo cho mình. Đây là cám dỗ tự dựa vào sức mình, đồng thời đây cũng là quan niệm Messia thích làm phép lạ (Messia-Magicien).

  1. b) Đức Giêsu đã trích Đnl 8,3 để trả lời Satan: Ngài không muốn cậy dựa vào sức riêng mà chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Ngài phủ nhận quan niệm Messia thích làm phép lạ.

2/ CÁM DỖ THỨ HAI

  1. a) Satan trích dẫn Tv 91,11 nói tới việc Thiên Chúa sẽ che chở những người đạo đức. Thực ra đây là một cái bẫy: trong cơn cám dỗ thứ nhất, Đức Giêsu từ chối không dựa vào sức mình mà chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa. Vậy bây giờ Satan xúi Ngài lạm dụng sự bảo vệ ấy để phục vụ những mục tiêu vị kỷ của mình. Nếu Ngài từ nóc Đền Thờ gieo mình xuống, tức là đòi Thiên Chúa phải làm phép lạ để che chở Ngài. Dây là cám dỗ bắt Thiên Chúa phải làm theo ý riêng của mình. Thời đó, nhiều người do thái tưởng rằng khi Đấng Messia xuất hiện thì sẽ xuất hiện trên nóc Đền Thờ để châm ngòi cho một cuộc chiến đánh đuổi quân Rôma xâm lược. Cho nên ở đây ma quỷ còn đưa ra một hình ảnh Messia hiếu chiến (Messia-Guerrier).
  2. b) Để trả lời, Đức Giêsu trích dẫn Đnl 6,16. Câu này gợi nhớ chuyện trong Xh 17,1-7: Israel đòi Thiên Chúa phải làm dấu lạ cho nước từ tảng đá vọt ra để cho họ tin là Thiên Chúa còn ở giữa họ. Đức Giêsu không muốn áp đặt ý riêng mình cho Thiên Chúa, không muốn làm một Messia hiếu chiến.

3/ CÁM DỖ THỨ BA

  1. a) Satan đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi từ đó xó thể “thấy tất cả các nước thế gian”. Chi tiết này không thật. Nhưng Mt muốn ám chỉ đễn chuyện Môsê trong giai đoạn trước khi Israel được vào hứa địa. Ông đã được Thiên Chúa cho lên một ngọn núi (núi Nêbo) từ đó Thiên Chúa chỉ cho ông thấy Đất Hứa. Mt vẫn giữ so sánh Đức Giêsu là Môsê mới.

     “Tất cả những sự đó tôi sẽ cho ông nếu ông thờ lạy tôi”: Đây là cám dỗ “con bê vàng” tượng trưng những ngụy thần, là cám dỗ tự tạo cho mình một thứ Thiên Chúa mà mình có thể giật dây theo sở thích của mình.

  1. b) Để trả lời, Đức Giêsu trích dẫn một đoạn Đệ Nhị Luật nói về tội thờ ngẫu thần:

   “Ngươi sẽ kính sợ Giavê Thiên Chúa của ngươi, ngươi sẽ phụng thờ Ngài, ngươi sẽ thề nhân danh Ngài. Các ngươi sẽ không đi theo các thần khác, thần của các dân ở chung quanh các ngươi… “ (Đnl 6,13-14).

    Qua câu trích dẫn này, Đức Giêsu xác định rằng Thiên Chúa không phải là một ngẫu tượng do người ta dựng nên để mua bán ơn sủng. Không thể mặc cả trả giá với Thiên Chúa (lời cám dỗ của Satan có chữ nếu, cho thấy ý ngĩa mặc cả). Thiên Chúa cũng không phải là một tượng thần cho người ta mang đi trước đoàn quân để chinh phạt khắp nơi và thành lập một nước hùng mạnh nổi tiếng khắp nơi. Trái lại Thiên Chúa là Đấng người ta phải tôn thờ vô điều kiện.

     Tóm lại Satan cám dỗ Đức Giêsu đừng cậy dựa cào Thiên Chúa mà hãy tự cậy vào sức riêng mình, làm một Messia theo ý thích riêng, đó là một Messia phù phép, một Messia hiếu chiến, một Messia hiển hách.

     Nhưng Đức Giêsu xác định Ngài hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa. Ngài muốn làm một Messia Tôi Tớ Thiên Chúa.

  1. Những ý nghĩa khác

            Ý nghĩa mà chúng ta vừa thấy ở trên là ý nghĩa dựa trên chính bản văn, ý nghĩa mà Mt muốn trình bày. Nhưng ngoài ra, người ta cũng có thể suy niệm nhiều ý nghĩa khác về những cuộc cám dỗ của Đức Giêsu.

– Ý nghĩa luân lý: Đức Giêsu làm gương chiến thắng mọi cám dỗ mà loài người thường phải chịu: cám dỗ xác thịt, cám dỗ phô trương, cám dỗ ham tiền bạc của cải.

– Ý nghĩa mô hình: Đức Giêsu là Ađam mới. Ngày xưa Ađam bị cám dỗ và sa ngã. Nay Đức Giêsu chịu cám dỗ và chiến thắng. Ngài đã vâng phục để chuộc lại tội bất phục của Ađam cũ (Tin Mừng Mc tường thuật những cám dỗ của Đức Giêsu theo ý nghĩa này).

– Ý nghĩa cánh chung: Trong cuộc chiến đấu này, Đức Giêsu cho thấy trước chiến thắng chung cục của Ngài trước quyền lực sự dữ (đây là ý nghĩa thần học của tường thuật Lc)

 

BÀI 8: KHỞI ĐẦU SỨ VỤ (4,12-23)

            Sau khi xác định xong phương hướng thi hành chức năng Messia (Messia Tôi Tớ). Đức Giêsu khởi sự thi hành sứ vụ mình: 1/ Về Galilê  2/ Kêu gọi các môn đồ đầu tiên  3/ Vừa giảng dạy vừa chữa bệnh.

  1. trở về Galilê 12-17

– “Nghe tin Gioan bị bắt bỏ tù”: động từ “bị bắt”paredothê dùng cho Gioan ở đây cũng được dùng cho Đức Giêsu (so sánh với Mt 10,4; 17,22; 20,18-19; 26,2). Chi tiết này cho thấy Gioan và Đức Giêsu cùng một số phận. Động từ “bị bắt” này trong cả hai trường hợp đều ở thì thụ động (bị bắt). Chi tiết thứ hai này cũng có nghĩa là kẻ khiến Gioan và Đức Giêsu bị bắt đều là Thiên Chúa. Mọi việc đều xảy ra theo ý Thiên Chúa, cả Gioan lẫn Giêsu đều làm theo chương trình của Thiên Chúa.

“Lánh đi”: động tờ anachoreô là một động từ Mt rất thường dùng (đến nỗi các nhà chuyên môn đã nói tới một thứ anachorisme của Mt). Nó có nghĩa là rời một nơi nguy hiểm để sang một nơi an toàn hơn (tường thuật lánh sang Ai Cập cũng dùng động từ này).

“Galilê”: Vùng Đức Giêsu đang ở là Giuđê với hai đặc điểm:

1/ Dân cư hầu như ròng là dân do thái.

2/ Là nơi “hoành hành” của những người không thiện cảm với Gioan và Đức Giêsu, trong đó đặc biệt là phái Pharisêu luôn nghi kỵ những người không thuộc nhóm của họ. Cũng chính vì hai lý do đó mà Đức Giêsu lánh sang vùng Galilê: một là để tránh nguy hiểm (Gioan đã bị tù rồi), và hai là để cho thấy tính đại đồng của công tác truyền giảng Tin mừng (sẽ nói rõ hơn ở điểm dưới đây).

“Giabulon và Néptali”: Nơi Đức Giêsu đến được Is nói tới trong câu Mt trích dẫn (Is 8,23—9,1). Đó là đất của hai chi tộc Giabulon và Néptali làm thành phân lớn lãnh thổ vùng Galilê. Khác với vùng Giuđê hầu như ròng dân do thái, vùng Galilê lẫn lộn nhiều dân ngoại. Nhưng Is đã tiên báo rằng Thời đại của Thiên Chúa sẽ bắt đầu từ chính vùng “Galilê của dân ngoại” này. Đức Giêsu về Galilê để ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia, và cũng là một cách trả lời cho luận điệu của phái Pharisêu cho rằng “Từ Galilê chẳng sinh ra một ngôn sứ nào cả” (Gio 7,52).

“Từ khi ấy Đức Giêsu khởi sự giảng rằng…”: Đay là một câu văn chìa khóa. Mt chỉ xử dụng chìa khóa này hai lần: một ở đây và một ở 16,21, hai lần dung câu này có tác dụng phân tác phẩm Mt thành hai phần rõ rệt (xem lại dàn bài).

“Các ngươi hãy ăn năn trở lại vì triều đại Nước Trời đã đến”: Câu này tóm tắt nội dung sứ điệp của Đức Giêsu. Cần lưu ý rằng khi tóm tắt nội dung sứ điệp của Gioan Tẩy Giả (3,2) và nội dung sứ điệp mà Đức Giêsu muốn các môn đồ rao giảng (10,7) Mt cũng dùng câu này đúng y từng chữ. Chi tiết này có nghĩa là có sự liên tục giữa các sứ điệp của Gioan, Đức Giêsu và các môn đồ.

*Tóm tắt: Để khởi sự sứ điệp của mình Đức Giêsu đã chọn địa điểm là vùng Galilê, một phần để được an toàn hơn, và phần khác chính yếu hơn là để tỏ rõ ngay từ ban đầu là sứ vụ của Ngài có tính đại đồng.

  1. 2. Kêu gọi các môn đồ đầu tiên 18,22

Đoạn văn này không nhằm tường thuật chi tiết đầy đủ, nhưng dựa theo văn thể “ơn gọi ngôn sứ” (chẳng hạn so sánh với IV 19,19: kêi gọi ngôn sứ Êlisê). Văn thể này không cần mô tả cảm xúc và phản ứng của người được kêu gọi, nhưng nhấn mạnh đến sự đáp trả nhanh chóng và vô điều kiện của người được gọi. Chính vì thế mà Mt xử dụng hai lần thuật ngữ “Lập tức hai ông bỏ…” (câu 20,22).

Với một nhóm nhỏ môn đồ bỏ mọi sự để đi theo Ngài, ta có thể coi đó là tượng trưng cho GH đã quy tụ quanh Đức Giêsu.

  1. Giảng dạy và chữa bệnh 23,25

– “Khắp xứ Galilê”: Đức Giêsu không có ý định lập một GH khép kín và hạn chế, mà là một GH đại đồng.

“Giảng dạy… và chữa lành”: Có nhiều nhà chuyên môn cho rằng tác phẩm Mt theo cấu trúc tường thuật và diễn từ. Tuy nhiên nhiều nhà chuyên môn khác cho rằng cấu trúc của Mt là diễn từ và tường thuật (nói trước, làm sau). Ý kiến thứ hai hợp lý hơn. Cấu trúc này cũng là cấu trúc của toàn tác phẩm (xem lại phần nói về bố cục, phần Tiền Ngôn chương 1-2).

“Đủ thứ tật nguyền”: Mt có thói quen tổng quát hóa. Thực ra Ngài chỉ chữa lành một vài bệnh tật, dùng đó làm dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã đến. Việc Ngài chữa bệnh cũng chứng minh Ngài là Messia Tôi Tớ Thiên Chúa, gánh lấy mọi nỗi khổ đau của loài người.

  1. Kết luận

     Xét về phương diện hành văn, bản văn nhỏ này được xem như là một bảng tóm lược những hoạt động của Đức Giêsu trong suốt phần I lớn của tác phẩm (các chương 5-16) trong đó điểm chính là sứ vụ của Đức Giêsu ở vùng Galilê. Đến 16,21 thì hoạt động của Ngài sẽ chuyển hướng “Từ khi ấy Ngài bắt đầu tỏ cho môn đệ biết Ngài sẽ lên thành Giêrusalem”.