Quá bận để cầu nguyện
Hãy thử cầu nguyện và thinh lặng. Một nửa giờ một ngày. Nếu có thì giờ, hai lần một ngày. Sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn. Và trong nền văn hóa như muốn nuốt chửng đời sống nội tâm thì đây cũng là một hành vi chính trị.
Thần học gia Jan Walgrave có một nhận xét, thời đại chúng ta như ngầm chống đời sống nội tâm. Đó là một cách nói nhẹ nhàng để ám chỉ trong nền văn hóa chúng ta, giải trí thì phổ biến hơn là cầu nguyện và cô tịch. Không có bao nhiêu chiêm nghiệm trong nền văn hóa và cuộc sống của chúng ta.
Tại sao vậy? Qua chọn lựa hay trên nguyên tắc, chúng ta không chống lại cô tịch, đời sống nội tâm và cầu nguyện. Và theo tôi nghĩ, chúng ta cũng không tệ hơn, ngoại đạo hơn hay ngại sống nội tâm hơn các người đi trước chúng ta. Cái chúng ta khác với người đi trước không hẳn vì chúng ta bận rộn hay hấp tấp hơn mà chúng ta không suy nghĩ theo cách chiêm nghiệm vì chúng ta không bao giờ thật sự để tâm đến nó.
Có lẽ ẩn dụ thích hợp nhất để mô tả cuộc sống bận rộn xao nhãng của chúng ta là ẩn dụ trạm rửa xe tự động. Khi bạn lái xe vào trạm, họ yêu cầu bạn tắt máy, bỏ tay lái, chân không đạp phanh. Hệ thống rửa sẽ tự động kéo xe đi.
Đối với đa số chúng ta, một ngày bình thường trôi đi như vậy: nó cuốn chúng ta đi. Đồng hồ báo thức và rađiô là một, trước khi chuông reo báo thức thì đài đã phát thanh. Như thế chúng ta đã bị kích động ngay khi chưa tỉnh ngủ.
Chúng ta thức dậy theo tiếng báo hiệu radiô rồi đi tắm, thay áo, chuẩn bị đi làm, tất tất đều được kích động bằng tin tức, âm nhạc, bình luận. Bữa ăn sáng, con đường đến sở cũng theo nhịp này. Trên xe, chúng ta nghe radiô, tham gia vào các cuộc đàm luận, lên chương trình làm việc trong ngày, luôn luôn trong trạng thái kích động và bận rộn. Chúng ta phá đi một ngày làm việc, cứ phải bận rộn, đầu óc lúc nào cũng tập trung vào công việc. Về nhà thì truyền hình, nói chuyện, các sinh hoạt, các lo âu đủ chuyện. Đến giờ ngủ; có thể chúng ta đọc một chút, tiếp tục xem truyền hình một chút. Cuối cùng mới ngủ được.
Với tất cả những chuyện này, đến lúc nào chúng ta mới có thì giờ suy nghĩ, chiêm nghiệm, cầu nguyện, tự vấn, nhận thức, đơn giản chỉ để thưởng thức, thư giãn, biết ơn cuộc sống, biết ơn tình yêu, sức khỏe, Thiên Chúa? Chúng ta đã bị sinh hoạt trong ngày cuốn đi.
Tôi nghĩ câu chuyện chung quanh tách cà-phê của bạn cũng giống tôi. Nơi tôi ở, trong những giây phút chiêm nghiệm, chúng tôi cũng ngồi nói chuyện với nhau: “Nhịp sống thật khủng khiếp. Phải làm một cái gì. Chúng ta lái xe quá nhanh, sống hấp tấp, ăn quá nhanh, làm việc quá sức, quá lo lắng, quá bận rộn, chúng ta không còn thời gian để thưởng thức cuộc sống!” Nhưng chẳng có gì thay đổi.
Như văn hào Mark Twain nói: “Nó giống như thời tiết – ai cũng than phiền nhưng không ai làm gì để thay đổi.”
Triết gia Socrate nhận xét: “Sống không suy nghĩ thì không đáng sống.” Tôi nghĩ thời đại chúng ta sẽ trả lời ông: “Nếu chưa sống thì có chất liệu gì để suy nghĩ.” Càng ngày chúng ta càng ít suy nghĩ về cuộc sống của mình. Hệ quả thì đâu cũng giống nhau. Chúng ta nhận thấy nó trong cách chúng ta ăn, lái xe.
Tôi không muốn xét đoán nhưng tôi nghĩ đa số chúng ta ít cầu nguyện, nhất là cầu nguyện riêng. Tôi nghĩ cuộc sống cầu nguyện trung bình của một người ở thời buổi này thu gọn trong lời cầu nguyện vắn tắt buổi sáng, vài kinh đọc hấp tấp đãng trí lúc ăn và vài câu trước khi ngủ. Đã là quý nhưng ít.
Nhưng thiếu khả năng chiêm nghiệm không phải chỉ thể hiện qua các câu kinh nghèo nàn. Nó chỉ là dấu hiệu của một thiếu sót sâu đậm. Lối sống vội vàng và khuynh hướng xao nhãng làm cho chúng ta không nếm được cô tịch. Khi cuộc sống cô tịch bị rút ngắn thì đời sống chúng ta dường như ít có giá trị và ít có ý nghĩa.
Thế mà đa số chúng ta đều thấy mình rất cần cô tịch. Áp lực càng tăng thì mệt mỏi tăng theo, chúng ta cho rằng do kiệt sức nghề nghiệp và bắt đầu mơ cô tịch. Chúng ta tưởng tượng cô tịch là nơi thanh thản yên lặng: dạo chơi bên bờ hồ, ngắm mặt trời lặn, buông mình trong chiếc ghế đu bên lò sưởi, miệng phì phèo ống điếu. Nhưng chúng ta lại làm cho cô tịch thành một sinh hoạt: nó bắt chúng ta phải làm một cái gì đó. Chúng ta xem cô tịch như một công việc, như đi tắm. Đứng dưới vòi sen, để nước dội xuống, kỳ cọ… rồi trở lại đời sống bình thường.
Nhưng cô tịch là một hình thức của nhận thức. Nó là cách thức hiện hữu và tỉnh ngộ trong suốt cuộc đời. Một chiều kích suy tư ứng dụng trong cuộc sống thường ngày, gợi lên cảm nhận biết ơn, cảm kích, thanh thản, thỏa nguyện và cầu nguyện. Nó là ý thức, trong cuộc sống thường nhật, rằng cuộc sống thường nhật là quý giá, mang tính thiêng liêng và trọn đủ.
Làm cách nào để phát triển một chiều kích như thế trong cuộc sống chúng ta? Làm cách nào để nuôi dưỡng cô tịch? Làm cách nào chủ động trong cuộc sống để không bị nó cuốn hút? Làm cách nào đặt nền móng cho cầu nguyện trong cuộc sống chúng ta? Làm cách nào để biết ơn và cảm kích cuộc sống thường ngày?
Khi được hỏi đâu là toa thuốc đơn giản để săn sóc cho sức khỏe tinh thần khi phải sống trong vội vã, Eric Fromm đã trả lời:
“Một nửa giờ thinh lặng một ngày, nếu có thì giờ thì làm hai lần. Sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn.”
Câu trả lời của Fromm không có tính cách tôn giáo. Ông không phải là Thomas Merton. Nhưng toa thuốc của ông mang hơi hướm Merton. Tôi không nghĩ ra toa thuốc thiêng liêng nào hay hơn toa này để chữa trị căn bệnh thiếu hướng nội của chúng ta.
Hãy thử cầu nguyện và thinh lặng. Một nửa giờ một ngày. Nếu có thì giờ, hai lần một ngày. Sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn. Và trong nền văn hóa như muốn nuốt chửng đời sống nội tâm thì đây cũng là một hành vi chính trị.
Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch