Rửa Chân Trong Tinh Thần Phục Vụ

print

Rửa Chân Trong Tinh Thần Phục Vụ

Bối Cảnh Của Việc Rửa Chân.

 Ngưởi ta nói rằng, trong Bữa Tiệc Ly, giữa các tông đồ đã nổ ra cuộc thảo luận về việc ai trong số họ có thể được coi là trọng nhất (Lc 22: 24). Các ông cứ bận tâm tranh cãi nhau: “Sắp tới lễ Vượt Qua rồi. Thời của Thầy mình tới nơi rồi. Thầy sắp được vinh quang. Tụi mình sẽ hưởng ké vinh quang với Thầy”.

          Và họ bắt đầu tranh cãi, ai xứng đáng hơn, ai sẽ hơn ai. Đang khi các tông đồ bận tâm và mải miết tranh luận với nhau để giành giật, thì Chúa Giêsu lẳng lặng đứng dậy khỏi bàn, tìm một chậu nước, một chiếc khăn và bắt đầu rửa chân cho các ông.

Để bắt đầu, Ngài quỳ trước mặt Phêrô để rửa chân cho ông. Ông tá hỏa tam tinh la lên “Thầy làm gì kỳ vậy? Ở đây không có cái kiểu này. Ở đây xưa nay, ai nhỏ phải hầu hạ người lớn”. Chúa Giêsu nói: “Việc Thầy làm bây giờ các anh không hiểu, nhưng sau các anh sẽ hiểu” (Ga 13: 7).

Sau đó Ngài dạy tiếp “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.

Tinh Thần Phục Vụ Của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu muốn dùng hành động rửa chân này như một kiểu dụ ngôn bằng hành động, và các tông đồ sẽ dễ ghi khắc suốt đời trong tâm trí.

 “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Hãy yêu NHƯ Thầy yêu”.

(Khẩu hiệu của Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn: “Như Thầy Yêu Thương”).

Phục vụ được coi như là một trong những hình thức thể hiện giới răn mới.

Các ông sẽ hiểu rằng cử chỉ đó cho thấy: Toàn bộ cuộc đời của Thầy, từ đầu đến cuối, là rửa chân, tức là phục vụ nhân loại.

Biến Tướng Của Từ Phục Vụ.

Ngày nay người ta hiểu từ phục vụ rất đa dạng, và ý nghĩa của nó có khi trở nên hàm hồ. Mọi thứ đều có thể gán cho từ phục vụ: Người bán hàng phục vụ khách hàng của mình; bất cứ ai làm việc gì, được cho là đang phục vụ, thậm chí còn được áp dụng khi nói: Bọn cướp đang miệt mài “phục vụ” cho kế hoạch đen tối của chúng.

Khách hàng là thượng đế”. Khách hàng sẽ được phục vụ từ A đến Z. – Nhưng nếu trong túi không có tiền thì đừng bén mảng đến đây. “Xéo thẳng!”

Giá trị và sự khác biệt của phục vụ nằm ở lý do và ở thái độ bên trong khi thực hiện.

Tinh thần mà Giáo Hội cần có khi phục vụ: Mọi quyền hành, chức tước, địa vị, tư thế… là để phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn, quên mình.    

Những Lắt Léo Khi Sống Đời Phục Vụ

Đôi khi dưới danh nghĩa sống đời phục vụ, ta lại trở thành người gây khổ cho người khác, mỗi khi, dù vô tình, ta áp đặt lòng tốt của mình lên người khác.

Đó là những lúc ta nổi nóng hoặc giận dỗi khi làm ơn, mà người ta không chịu nhận, hoặc làm như không biết ơn ta… Thí dụ như khi ta ép người ta phải nhận món quà của ta, phải ăn những thứ ta dọn ra, phải chấp nhận cách ta phục vụ… Người ta tóm gọn thái độ này là Sự Tận Tụy Độc Đoán.

Những khi đó, hóa ra, tự sâu thẳm, ta không nghĩ tới quyền lợi người khác, mà đang phục vụ cho bản thân ta, cho chương trình, kế hoạch và mục đích của ta.

Thế là, ngay cả khi chúng ta đang làm hết sức mình cho người, có thể chúng ta lại đang lợi dụng họ.

Việc lợi dụng có thể nấp sâu qua hình thức: Một cách nào đó, ta đang tìm kiếm sự chấp thuận, tán thưởng của họ; hoặc thậm chí ta tìm được sự hài lòng khi được là ân nhân của họ.

Về điểm này, Phúc Âm đã nhắc nhở hết sức triệt để cho đáy lòng ta: “Đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6: 3). Tất cả những gì chúng ta làm “để được người khác chú ý” đều bị mất. “Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính mình!” (Rm 15: 3): Và đây chính là quy tắc của phục vụ.

Luôn nhớ rằng: Tình yêu đích thực luôn cần sự quên mình thực sự và khiêm tốn.

Noi Gương Chúa Giêsu, hiền lành & khiêm nhường.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11:29).

Chúa Giêsu đã làm gì để gọi mình là “khiêm nhường”?

Phải chăng Ngài đã nghĩ thấp về mình hoặc nói một cách khiêm tốn về bản thân?

Thưa, không. Ngài đã làm hoàn toàn ngược lại! Trong khi thực sự rửa chân, Ngài tự xưng mình là “Thầy và là Chúa”.

Như thế, Ngài đã làm gì để tự gọi mình là “khiêm tốn”?

Thưa: Ngài tự hạ mình xuống; Ngài từ trời xuống để phục vụ! Và từ lúc nhập thể, Ngài tiếp tục hạ mình quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ.

Tạo hóa quỳ gối trước các sinh vật của mình!

Thánh Bernard thường nói với chính mình: “Hỡi tro tàn kiêu hãnh, hãy đỏ mặt thẹn thùng. Chúa hạ mình xuống và ngươi tự tôn mình lên!”.

Khi khiêm nhường được nhìn nhận như là hạ mình để phục vụ, thì nó thực sự là một cách thức vương giả để giống Chúa và noi gương Thánh Thể trong đời sống của chúng ta.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất thánh, xin dạy chúng con biết đón nhận và thực hành Giới Răn Mới của Chúa, luôn hăng say phục vụ trong yêu thương, hiền lành và khiêm tốn. Amen.

(Thứ 5 Tuần Thánh, 2022)

Lm Mátthêu Hoàng Đình Ninh.

(Bài này chủ yếu lấy ý từ bài giảng của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, ngày 8 tháng Tư, Mùa Chay năm 2022, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican).