Sâu Bướm

Sâu Bướm

 

Sâu đo trên cành cao. Sâu bò ở đất thấp. Không người làm vườn nào mà không ghét sâu. Một sáng ra vườn, thấy lá non bắt đầu héo, có thể trời hanh nắng quá chăng? Người làm vườn tưới nước mát mà hoa cứ héo thêm. Vết thâm cứ đen trên màu da xanh. Cánh lá rơi dần. Người làm vườn thương cành hoa nhiều hơn. Nhưng định mệnh sâu đem đến là sự chết. Mỗi sáng lá cành cứ héo hơn. Hồn người làm vườn cũng theo đó mà khô thêm.

Vết Sâu Đi

Cái gian nan của vết sâu cắn là thế đó. Cành cây chết dần trong nỗi khát khao sự sống. Người ta ghét sâu, tìm cách giết sâu. Sâu khôn ngoan biết thầm lặng. Vết chân sâu đi rất kín đáo. Tiếng kêu của nó rất vô hình. Và ngay màu sắc của sâu cũng khôn ngoan vô lượng. Có loại sâu vàng, có con màu xanh, có loại pha sắc. Sâu biết đo đường dài mà buông chân, biết thích nghi rất tuyệt vơi với mỗi khu vườn nó sống. Lá cây màu gì thì sắc hình của sâu chiều theo màu ấy. Giống như đam mê chiều theo khao khát của những cám dỗ vậy. Vì thế mà người làm vườn khó mà nhìn thấy sâu. Cũng chả mấy ai nhìn rõ nhu cầu lẫn trong đam mê của mình như thế nào đâu nhỉ.

Sâu không ưa ánh sáng mặt trời. Nó giấu mặt đằng sau cánh lá. Cuộc đời mỗi cánh lá có mặt phải và trái. Sâu thích sống trên mặt trái mà thôi. Chờ bóng tối đên, đợi thờ ơ của con người mà sâu âm thầm gỡ lối ra đi, đưa vết chân sâu vào những vùng lá non xanh khác. Đi tìm sâu phải vất vả mới thấy. Phải quay ngược mặt mình trong những thế nhìn không bình thường. Có khi sau một đêm trăng thôi mà cánh lá nào cũng bị sâu gây thương tích. Sâu sợ mặt trời và có sức mạnh tàn phá trong bóng tối. Có thể gọi đó là loại sâu đêm.

Lại còn sâu ngầm dưới đất. Không biết vết chân sâu đi về đâu. Chỉ thấy sự chết. Sâu này tàn phá đau xót lắm. Cũng giống linh hồn và những ẩn kín của một lương tâm gian dối. Nhìn cánh lá bị xâu cắn, xem hoa trái bị vết sâu đi qua, người làm vườn tiếc làm sao. Trái khô khẳng, hoa mất duyên dáng tươi xinh. Và linh hồn có sâu cũng nhạt nhẽo buồn đời dửng dưng. Bởi đó, người làm vườn muốn có hoa thì phải có những cái nhìn nỗ lực hết sức để mà kiểm soát sâu. Phải đề phòng. Phải gìn giữ ngõ lối cổng rào. Và, cách riêng là phải nhìn vào mặt trái của màu xanh cuộc đời những cánh lá trong khu vườn linh hồn.

Sám Hối

Xám hối của tâm hồn là đi tìm những vết sâu cắn. Không có xám hối nếu không nhìn vào mặt trái của cuộc sống. Những vết sâu cắn, những đường chân sâu đi trong tâm hồn cũng giống vậy. Chúng ẩn dạng mựt sau. Mặt trước có thể là lời kinh, nhưng sau lời kinh ấy có thể là khoe khoang. Mặt trước là công việc bác ái, nhưng mặt sau có thể là dụng ý riêng tư cho những kế hoạch không ngay lành.

Có sâu thì sớm muộn gì cây cũng chết. Linh hồn mang vết sâu cắn sẽ không hạnh phúc. Có tiếng cười nhưng không bình an. Có điềm nhiên nhưng vẫn bấp bênh lo sợ. Nó giống như loại sâu đo nằm kín dưới lòng đất tối. Có thể gọi rõ hơn cho những vết chân sâu này một định nghĩa, đó là tội. Tội có sức truyền sinh, từ tội này sinh ra tội khác, cũng giống sâu vậy, sâu không ở riêng một mình, một chỗ. Tội thích bóng tối. Tội muốn được giấu kín. Tội tàn phá.

Người làm vườn chờ mặt trời lên mà tìm vết sâu đi. Xám hối là nhờ ơn Chúa mà tìm ra tội lỗi của mình. Tội là xấu. Không có lý do để biện minh cho tội được. Xám hối là nhìn vào thực tại xấu đó mà tiếc nuối. Nếu người làm vườn không đau lòng khi thấy cánh lá bị héo thì sẽ không có chuyện giết sâu. Và thực sự, lúc ấy cũng chẳng định nghĩa được đó là một người làm vườn nữa. Không có dung hoà giữa sâu và sự sống của luống rau thì linh hồn cũng vậy, không có chung sống giữa tội và bình an vui tươi của tâm hồn.

Người làm vườn phải đau lòng trước sự chết của luống rau. Nỗi đau càng sâu thì sự chán ghét loài sâu mới càng cao. Sự chán ghét này là nền tảng xây hy vọng cho một mùa màng kết trái. Bởi đó, nỗi đau là yếu tố cần thiết. Để cho nỗi đau càng sâu thì người làm vườn càng phải kiếm thêm nỗi đau, phải xúi giục mình đau. Người làm vườn có thể tìm kiếm nỗi đau bằng cách nhìn luống rau xanh tươi mà khêu lên lòng xót xa trong mình trên những luống rau đang bị tàn phá. Và nghe thật kỹ tiếng than im lặng của đọn lá đang héo. Tiếng than như một lời kêu, một lời tố cáo đến từ một tác phẩm của chính mình, mà loài sâu kia là thách đố tàn phá nó.

Đối với linh hồn cũng vậy, nỗi đau cần thiết đến độ ta phải cầu xin cho được niềm đau. Thiếu đau đớn sẽ không có sám hối. Đau đớn là thềm cửa bắt đầu của một thay đổi. Một sự thay đổi trong cuộc sống bao giờ cũng có tiếng gọi nhìn rõ hạnh phúc ở tương lai. Đau đớn vì sợ mất hạnh phúc ấy là đòn bẩy bật ta ra khỏi những ngày cũ kỹ. Đấy là lý do tại sao niềm đau rất quya hoá. Phải có hối hận qúa khứ thì mới có hướng vào tương lai. Niềm đau này chính là hối hận đó. Để có hối hận và tiếc nuối, ta phải nhìn vết sâu cắn trong linh hồn, như người làm vườn nhìn lại tháng ngày nặng vai gánh nước, trầy tay rẫy cỏ. Bây giờ hoang vu.

Sâu Trả Nợ Đời

Ngày còn bé, tôi thích bắt bớm. Bướm đẹp. Nắng hạ hanh giòn với bầu trời trong vắt. Bên góc vườn nhỏ, những chú bướm bé con bay nhởn nhơ. Chúng cho bụi xả, khóm gừng một cái duyên mềm mại thanh bình của buổi trưa hè. Nhưng cánh bướm trên cành phượng, trên giàn thiên lý, chúng đẹp làm sao. Màu sắc con nào cũng rực rỡ. Nhờ có bướm mà cánh phượng mới rực và gian thiên lý mới thêm hương. Bướm rủ nhau đi trẩy hội ở đâu mà vui như thế. Bướm cho không gian thinh lặng của tháng hạ thành êm ả. Bướm gieo tung tăng vào thời gian. Vắng cánh bướm, vũ trụ sẽ mất bao vẻ đẹp.

Ngày xưa, tôi chỉ thích bướm vì bướm có nhiều màu sắc. Tôi đâu biết đời bướm ra sao, đâu có hay mỗi con bướm là một cuộc đời rất ly kỳ. Trước khi thành bướm, nó là một con sâu trông ghê gớm. Nó là những cái trứng rơi trên ẩm mốc. Có một thời mà mỗi con bướm là một kẻ thù của hoa. Nó cắn rách những cánh lá non xanh. Vết chân sâu đi tới đâu là ghẻ lở tới đó. Vết sâu cắn của nó là thương tích cho đọn lá đơn sơ. Tội nghiệp biết bao cho những cánh hoa mỏng manh. Trong thời gian làm sâu này, hình dáng của nó sần sù trông ghê rợn. Nó như một thứ ôn dịch của tối tăm.

Hôm nay, nhìn những cánh bướm bay, tôi không còn đuổi bắt bướm như ngày còn bé chỉ thích màu sắc của bướm nữa. Hiểu lịch sử ly kỳ của nó, tôi thấy bướm càng đẹp hơn xưa nữa. Nét đẹp kín đáo lắm. Không phải cái đẹp bên ngoài mà thôi nhưng là nét đẹp từ cuộc đời của bướm. Nét đẹp từ tháng ngày làm sâu xấu xa và ngày lột cỏ con người cũ thành cánh bướm lộng lẫy duyên sắc. Tôi gọi những ngày làm sâu của bướm là những ngày tội lỗi. Ngày lột vỏ bỏ đi theo tiếng gọi trong bầu trời là phục sinh trong Chúa Kitô.

Tôi hình dung ngày bướm đẹp cho hoa là ngày bướm làm lại cuộc đời. Bướm nuối tiếc những ngày làm sâu đã cắn nát biết bao cánh lá còn non yếu. Bây giờ, bướm đền bù lại bằng buổi sáng, bằng cả buổi chiều chăm chỉ làm đẹp vườn hoa. Tôi thấy hoa và bướm không thể xa nhau. Hoa thương bướm và bướm mà không có hoa thì bơ vơ lạc lõng như thế nào. Chắc là hối hận lắm những ngày làm sâu cắn nát chùm lá xanh non kia, nên bây giờ cứ rộn rã bay, cứ bên hoa mà quấn quýt.

Hôm nay, tôi nhìn bướm như cánh màu chói chang của một mùa xuân xám hối ăn năn tuyệt đẹp. Những ngày làm sâu tàn phá bao nhiêu thì hôm nay chăm chỉ làm đẹp cuộc đời bấy nhiêu. Mỗi cánh bay tùn tăng là bướm muốn nói lên tiếng nói từ bỏ quá khứ tội lỗi. Mỗi màu sắc khoe nắng là bướm muốn làm rực lời nói xám hối thiết tha.

Hôm nay, tôi yêu loài bướm vì nó như hình ảnh ước mơ cho tâm hồn. Một thủa linh hồn là loài sâu xấu xa. Tương lai mong là cánh bướm trả nợ cho mình và cho đời. Trả nợ của cánh bướm là cho đời duyên sắc, cho hoa bạn đường. Xám hối của bướm là bay trong trời xanh cho xôn xao hồn tuổi thơ, cho đẹp một khung trời, cho ngỏ ý của những hình ảnh thơ mộng yêu thương. Chớ gì linh hồn tôi cũng trả nợ đời và trả nợ mình như thế.

Chắc là hối hận lắm những ngày làm sâu tối tăm, nên bây giờ cứ bay, cứ theo gió mà buông cánh. Tôi muốn nhìn cánh bướm mà mơ cho linh hồn như thế. Chán những ngày ủ dột không có tự do, hối hận cho những ngày luẩn quẩn trong u buồn của tội luỵ, tôi muốn linh hồn là cánh bướm bay trong nắng rực rỡ tự do và bình an rất ấm của Chúa.

Cất Cánh Bay

Cứ mỗi mùa Chay trở lại là một mùa màu tím trải trên bàn thờ. Nhắc nhở xám hối của màu tím mùa Chay là nhắc nhở của cánh bướm. Không phải là máu tím của hoa sim, tím rồi tan theo cuối ngày. Không phải là màu tím của tà áo im lặng mỏng manh. Xám hối của mùa Chay là nhắc nhớ đau đớn thiệt hại mà linh hồn phải chịu vì tội lỗi là những con sâu làm tổ trong linh hồn. Màu tím buồn nhắc tôi nhớ về tiếng thở đau đớn trên thân hình Đức Kitô phải chịu đóng đinh vì tội của tôi. Màu tím buồn nhắc tôi những ngày sâu lặng lẽ và lặng lời trong một thế giới khuất nẻo, cô tịch.

Chúa cho tôi cánh bướm để nói với tôi về ý nghĩa của xám hối. Xám hối không có nghĩa là nhìn về quá khứ rồi ôm giữ quá khứ. Quá khứ đã qua rồi. Khi người con đi hoang trở về trong Phúc Âm Luca, tôi không thấy người cha hỏi rằng nó đã đi những đâu, tiền bạc ngày xưa đem đi tiêu những gì. Người cha im lặng với quá khứ. Người cha hướng đứa con nhìn về tương lai: “Mau mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu” (Lc 15:22). Vâng, tà áo màu của những cánh bướm.

Tôi cần nhìn vào quá khứ để tìm niềm đau. Tôi cần niềm đau để xám hối được trọn vẹn, để rực lên cánh bướm tuyệt sắc, chứ không phải để nhìn về quá khứ với niềm đau chán nản xót xa. Niềm đau vì tội lỗi là niềm đau Chúa muốn nói với tôi qua cánh bướm. Con người dùng lỗi lầm của quá khứ mà chì chiết nhau, rồi tự đay nghiến chính mình. Cánh bướm nói với tôi về Phục Sinh. Những ngày làm sâu xấu bao nhiêu thì xám hối là rực lên niềm vui, làm đẹp cho đời và cho chính mình bấy nhiêu. Cánh bướm luôn bận rộn với nắng, với gió, với hoa. Bướm sẽ chết trong bầu trời xanh ngắt cho duyên sắc bay trên ngàn cánh hoa. Bớm không bay về quá khứ làm sâu nữa. Quá khứ qua rồi. Buồn chán qua rồi. Khi Madalenna đến tìm Chúa bên mồ, bà khóc than buồn bã. Chúa nói với bà: “Sao con lại khóc?” (Yn 20:15). Chúa đã Phục Sinh. Không còn tiếng khóc nữa.

Ngoài kia cánh bướm đang bay. Cuộc đời ở đâu cũng có những cánh bướm. Trời ở đâu cũng rất trong và rất cao. Mùa hạ luôn nôn nao và sẽ rất mênh mông. Chúa muốn nói với tôi :

Con hãy cất cánh bay. Cha muốn con là cánh bướm hạnh phúc bay trong cuộc đời.

print